Lã Mộng Thường
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]


Lòng cụ Tài chợt chùng xuống! Dẫu sao, mấy người anh em này cũng có học thức và cuộc sống tương đối dễ thở, nhưng vì đâu suy tư nghiệm chứng tâm linh vẫn còn như xa vời ngoài tầm tay với? Phỏng họ không được sinh ra để chứng ngộ hoặc chưa đến thời điểm. Nếu nói rằng chưa đến thời điểm thì có đi đâu mà đến, có tìm đâu mà gặp! Hành trình nào không khởi đầu bằng một bước chân! Như vậy, điều gì là chướng ngại ngăn chận những bước chân xuất phát bởi lòng khao khát? Đâu đó câu Kinh Thánh gợi về, "Khốn cho các ngươi, luật sĩ, các ngươi cất đi chìa khóa mở đàng hiểu biết! Chính các ngươi đã không vào mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản" (Lc. 11:52; Mt. 23:13). Cụ không "theo đạo" nhưng những lời Kinh Thánh khiến cụ say mê. Đã nhiều lần cụ tham dự các buổi giảng thuyết của mấy mục sư Tin Lành hay đến nhà thờ "đi lễ" với người Công giáo, nhưng sao mà lời Kinh Thánh bị mấy ông cha nhà thờ hoặc mục sư diễn giải quá nặng mùi thế tục đến nỗi tạo nơi tâm trí cụ nỗi ngỡ ngàng pha lẫn tính chất coi thường. Đôi khi gặp được linh mục hay mục sư nào đó đặt tâm điểm vào "lời Chúa" thì chỉ thao thao lặp lại và giải thích theo nghĩa đen hay áp dụng nơi luân lý khó bề chấp nhận. Với tuổi gần đất xa trời này mình có thể làm được gì, cụ thầm hỏi. Tại sao lòng mình mang mối xốn xang thương cảm. Những người anh em đang hiện diện sẽ có phản ứng nội tâm thế nào khi nghe mình nói về đạo học? Lời Kinh Thánh chừng như giục giã cụ nên tiếp tục. Cụ tự nghĩ, đặt thêm vấn đề nào có ích lợi gì; việc đến sẽ phải đến, thôi thì cứ coi như người gieo hạt giống. Nghĩ đến đây, lời Kinh Thánh lại hiện về nhắc nhở, "Người gieo giống ra đi gieo lúa, có những hạt rơi dọc đường, có hạt rớt vào đất đá, có hạt nơi bụi gai, những hạt khác được gieo nơi đất tốt. Ai có tai thì hãy nghe" (Mt. 13:4-9). Đã lỡ biết thì phải nói! Cụ cảm thấy niềm vui pha lẫn nét diễu cợt nơi ý nghĩ "phải nói." Không nói thì lòng dạ xốn xang; nói lên, tâm tư thanh thản phần nào, nên cho rằng phải nói, hay thích nói, hoặc muốn nói, cũng không đàng nào đúng. Mình nói cho mình hay nói cho họ, cụ tự hỏi! Bởi vậy, khi Sỹ nhà con lên tiếng, cụ chợt buột miệng,

- Phê cũng vô ích; vì cho dù nói cũng chưa chắc hơn gì ai đó biếu cụ Nguyễn Khuyến bình hoa trà.

Lời cụ Tài điềm đạm nhưng ý tứ cay cú đối với đám thính giả xưa nay ồn ào, "to miệng," đã quen thói coi trời bằng vung. Khổ nỗi, những gì cụ nói đều quá ư tầm thường, ngay nơi lòng ruột mọi người, nhưng chứa đầy thách đố nghiệm chứng; mà bất cứ ai chưa bao giờ hay ít khi để tâm nghiệm xét đều không thể nào mở miệng. Qua lý luận đặt căn bản nơi nền tảng nghiệm chứng lồng trong lối giải thích tâm tình, cụ muốn khuyến khích những người trẻ dấn bước vào hành trình nghiệm xét tâm linh. Điều rõ ràng, kinh nghiệm tâm linh là một kết quả hiển nhiên qua công phu tu hành chứ không phải một điều trừu tượng dựa trên lý thuyết hay một cái gì cao xa mà không ai có thể đạt đến được (ĐMQXT; Tr.79). Đàng khác, chỉ thông minh mà thôi thì không thể nắm bắt được thực thể siêu linh; thế nên, hành giả cần thực chứng, nghiệm chứng. Kinh nghiệm bản thân nơi cụ chứng tỏ rõ ràng một điều; đó là dù theo con đường nào, khuynh hướng nào, chính cá nhân phải nỗ lực chứ không thể ỷ lại vào một sức mạnh hay sự giúp đỡ của ai khác. Thêm vào đó, sự nhận thức tâm linh lại tùy thuộc căn cơ và thể chất hành giả; nên chẳng những, không ai có thể giúp ai mà đồng thời không phương pháp hay đường lối nào có thể là mẫu mực chung. Cá nhân phải tìm vị thầy nội tại vì chỉ có vị thầy này mới phù hợp và thấu suốt hành trình nào người đó phải trãi qua. Không những thế, khi quay vào bên trong để lắng nghe, người ta sẽ phải đối diện với những sự thật phũ phàng mà trong cuộc sống hàng ngày ít ai dám nghĩ đến (BRTS. Tr.31). Bởi vậy, dẫu biết rằng cay cú nêu lên sự thật cần được phanh phui sẽ đem lại cảm nghĩ khó chịu nơi những người trẻ, cụ Tài đành chấp nhận với hy vọng may ra sự nhức nhối do tự ái bị va chạm phần nào khuyến khích tri thức nơi họ thức động. Chủ đích của cụ đạt ngay điểm tới, lời cụ chưa dứt âm vang, Hưng đã lên tiếng,

- Thưa bác, cứ theo một số kinh sách giải thích sự thực nghiệm, kẻ nào muốn thực tập cần có một vị thầy, nếu không sẽ bị tẩu hỏa nhập ma thay vì đạt tới được phần hỏa hầu nào đó. Cháu nói như thế bác biết cháu muốn nói gì.

- Câu hỏi của anh phần nào chứng tỏ sự hiểu lầm bao lâu nay của những người nghiên cứu, tu tập, và nghiệm chứng đạo học Đông Phương. Tôi muốn nói riêng về người Việt Nam mà thôi. Trước hết, sự hiểu lẫn lộn ý nghĩa của ngôn từ hay văn từ "thiền" và "Yoga." Thiền hay thiền định của nhà Phật đặt trọng tâm vào định để tiến tới kiến tính. Yoga phát xuất từ Ấn học; đó là phương pháp đào luyện thân xác, phát triển năng lực nội tại tiến dần tới trạng thái đại định, xả kỷ, giúp tâm thức hòa nhập với thực thể tối thượng. Tùy theo những tông phái và các phương pháp thực nghiệm, thiền cũng như yoga được chia thành nhiều giai đoạn hay cấp bậc kể chẳng xiết. Thêm vào đó, có những phương pháp giao thoa giữa thiền định và yoga chẳng hạn như Mật Tông Tây Tạng, phương thuật hay tương tự như thế nơi huyền môn Ai Cập. Khi nào nói đến Ấn học tôi sẽ phân tích các giai đoạn hoặc phương cách thực hành yoga cho quý anh em hiểu rõ. Điều tôi muốn nhấn mạnh trước khi nói về thành quả thực chứng hay tu luyện; đó là cho dù ai đó phát triển được năng lực nội tại tới đâu hoặc đạt được khả năng huyền môn nào đó, khi sử dụng chúng tất nhiên đã bị chúng mê hoặc, nói cách khác, đã tự lao mình vào cơn cám dỗ; như tôi đã nói khi nãy, đó là lạm dụng quyền lực thiêng liêng ẩn tàng nơi mọi người.

- Thưa bác, nếu như thế đâu cần gì phải nghiệm chứng hay tu luyện làm chi, thà rằng cứ chấp nhận đã được sinh ra để sống thì cứ sống, chờ ngày chôn vùi cùng cây cỏ và làm bạn với giun dế. Sỹ nhà con thêm lời xông xáo.

- Cần gì phải chờ, và chưa bằng bụi đất sao dám đòi làm bạn cùng giun dế. Nói cho đúng, trên răng dưới dế thì có chứ giun chắc chắn không. Xin ông làm ơn hành thiền nín nói cho bà con nhờ. Bá ngắt lời Sỹ đoạn tiếp, thưa bác, nếu thiền và yoga có thể giao thoa, có nguyên tắc hoặc điểm căn bản nào làm đầu mối cho sự hòa hợp các phương thức thực nghiệm này không?

- Như tôi đã nói, nguyên tắc căn bản cho mọi sự thực hiện nghiệm chứng tâm linh chỉ là sự sử dụng quyền lực nơi tư tưởng. Tùy sự sử dụng này mà các phương pháp thực nghiệm phát sinh. Nơi thiền định, quán tưởng chính là dồn hết năng lực tư tưởng để chứng những vọng tưởng hay ý niệm hầu nhận thức năng lực hiện hữu hay Tâm Phật, Pháp Thân, hoặc Tự Tính, đang biến chuyển, hoạt động nơi mọi sự. Yoga dùng năng lực nơi ý nghĩ, ý định áp dụng nhận thức ý dẫn khí, khí dẫn huyết đả thông các kinh mạch để phát triển năng lực nội tại mà tiếng bình dân gọi là nội lực. Tuy nhiên, muốn sử dụng được năng lực tư tưởng, hành giả cần thực chứng thực thể tuyệt đối nơi mình; tức là hiểu biết và nhận chân chính mình bằng cách trả lời cho đến tận cùng câu hỏi mình là ai. Sự tìm kiếm này sẽ giúp cho hành giả khám phá, xuyên qua những hang ngách của tâm thức những gì ẩn giấu đàng sau tâm trí của con người. Khi một người giải quyết được vấn đề căn bản này, họ sẽ giải quyết được tất cả những vấn đề khác. Dĩ nhiên, những ai tu trì theo tông phái đều có những vị đã thực chứng hướng dẫn. Tuy nhiên, các vị tổ hay thầy chỉ là những người đi trước dẫn đường, những người giúp đỡ, hướng dẫn trong một giai đoạn ngắn chứ không phải là người có thể cứu giúp hay đưa ai đến mục đích tối hậu là giải thoát (HTTT; Tr.248). Nhận thực như thế, sự giải thoát chỉ đến với sự tinh tấn riêng của từng người. Người tu hành chân chính là kẻ tự biết mình vì trên đường đạo không có vấn đề vinh hay nhục mà chỉ có sự tiến bộ. Nếu chẳng may sa ngã, hãy đứng dậy, và tiếp tục, và chỉ cần luôn định hướng để khỏi lầm đường lạc lối (HTVPĐ; Tr.143). Tương tự, khí công bên yoga hay mật tông Tây Tạng chỉ là một phương pháp để định tâm, và dụng công định tâm mới là hành trình chính yếu dẫn tới đại định. Hơi thở chỉ là một con ngựa tốt, nhưng tâm con người mới là kẻ cưỡi ngựa. Một khi kiểm soát được tâm thì mới có định mà chỉ có định rồi thì trí huệ mới phát sinh (HTTT; Tr.260).

- Thưa bác, nếu như vậy sao một người đùm đề vợ con phải lo chạy ăn từng bữa có thể tu chứng nghiệm chứng? Chẳng lẽ sự nhận chân thực thể nội tại chỉ đến với một số người có trường hợp đặc biệt?

- Nói rằng chỉ đến với một số người có trường hợp đặc biệt may ra đúng được một phần, nhưng cho rằng những người nơi cuộc sống gia đình không có cơ hội thức ngộ thì hoàn toàn không có một lý do nào làm căn bản. Anh em nên tự nghiệm, thực thể sâu kín của thiên nhiên và của cuộc đời tức là bí quyết của sự bất diệt không thể nào tiếp nhận được với sự làm việc gian khổ của trí óc, hay với một hướng tâm ích kỷ; mà chính là nhờ vào sự tiếp xúc với cuộc sống trọn vẹn và không ngụy tạo với trực giác tức thời (MGTT; Tr.72). Qua những kinh nghiệm tu chứng được viết nơi kinh sách, tính đồng nhất của muôn vật hiện diện nơi tổng thể đang yên ngủ trong mỗi vật chỉ được nhận thức qua nghiệm chứng chứ không bằng suy luận. Tuy nhiên, nghiệm chứng đâu cần ngồi một chỗ mà chỉ cần định tâm. Định tâm đâu đòi hỏi phải có thời gian hay không gian nào cố định. Dành một thời giờ riêng cho sự tham thiền là việc làm của kẻ sơ cơ. Người đã tiến bộ ít nhiều trên đường tìm chân lý sẽ tìm thấy sự an lạc là điều bình thường dầu cho y đang bận rộn công việc. Trong khi hai tay người ấy đang thực hiện công việc thì trí óc hướng về cõi giới siêu hình. Người nghiệm chứng cố gắng đưa tâm trí của mình tập trung nơi mục đích cũng ví như kẻ điều khiển tay lái khiến xe chạy trên đường thay vì lọt vô lề hay mương rãnh hai bên.


- Thưa bác, nếu người nào làm việc bằng sự tính toán đầu óc sao có thể định tâm? Sỹ nhà con lại chen vô.

- Anh chưa thử sao dám đặt vấn đề đơn sơ như vậy! Có lẽ anh không biết câu "Ước muốn của ngươi ở đâu, thì lòng dạ ngươi cũng ở đó." Giọng cụ Tài bỗng trở nên thương cảm sau tiếng thở dài. Tôi nói hơi quá vì Kinh Thánh viết, "Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó" (Mt. 6:21). Khi một người thực sự ước muốn thực hiện việc gì hay điều gì tất nhiên tâm trí của họ luôn luôn suy nghĩ về điều đó bất cứ lúc nào. Cũng một lẽ đó Kinh Thánh viết thêm, "Vậy nếu mắt ngươi đơn thuần, thì toàn thân ngươi sáng láng. Nhưng nếu mắt ngươi vạy vò thì toàn thân ngươi sẽ sầm tối" (Mt. 6:22-23). Câu này có nghĩa sự tập trung tinh thần vào nhãn quan tâm linh giúp cho người nghiệm chứng cảm ứng với thực thể tâm linh nơi mình. Tuy nhiên, nếu không thực nghiệm hoặc không biết mà để tâm trí phiêu diêu lơ đãng bất định hoặc trụ vào những ham muốn thế tục thì suốt đời cũng chẳng đạt tới đâu. Thế nên, sống trong bóng tối là những kẻ chỉ hướng về các tri kiến hữu hạn được gọi là những kẻ tôn thờ thế gian.

- Thưa bác, Hưng ngập ngừng, nhưng dầu sao chúng ta cũng chỉ là người.

- Lần trước anh đã lặp lại câu nói của Pascal, "Con người không phải là thánh cũng chẳng là thú, nhưng kẻ nào muốn làm thánh lại biến thành thú" mà vẫn chưa thông hiểu ông ta muốn nói gì. Chúng ta chớ nên phân biệt tâm và thân như hai thành phần khác biệt có thể tách rời nhau; mà cần hiểu rằng tâm và thân là một. Nơi ngôn ngữ Việt có hai chữ thân và thần trùng hợp về điểm này ở hành trình tâm linh. Dẫu được kiến tạo do sự vô tình nào đó chúng vẫn đem lại ý nghĩa thật tuyệt vời về sự hợp nhất căn bản của nghiệm chứng; mà những ai chối bỏ hay không nhận biết thực tại này đều chỉ đang theo đuổi những sự phù phiếm. Nghiệm chứng đạo học minh chứng, một người muốn thức ngộ, trước hết phải nhận biết mình tức là nhận biết thực thể của thân, đó là thực thể chính họ. Thần mang ý nghĩa người đã thức ngộ. Không một đạo sư hay đấng giáo chủ nào bảo người đi theo con đường tinh thần phải đè nén mọi tình cảm. Con người là một sinh vật hữu tình, nghĩa là có tình cảm, chứ đâu phải trơ trơ như gỗ đá. Không một phương pháp đạo học nào chủ trương con người phải trở thành trơ trơ bất động, không còn tình cảm nữa. Phải chăng đi theo con đường tinh thần thì con người sẽ không còn là người nữa hay sao? Đàng khác, nếu đã không phải là người đâu cần thức ngộ. Tâm chúng ta đầy những bất an, vọng động có thể chỉ vì chúng ta quá chú trọng đến việc đè nén cảm xúc, hoặc theo đuổi những ước muốn nhất thời mà không hiểu rằng tâm và thân đâu phải là hai thực thể tách biệt. Thực tế chứng minh, nếu thân bệnh hoạn thì làm sao tâm có thể an được. Nói như vậy có nghĩa muốn thành thần phải có thân, muốn đạt đạo phải là con người đúng với ý nghĩa của nó.

- Thưa bác, sao trong kinh sách nói gì đâu những sự rèn luyện cần phải từ bỏ hoặc tuân theo nhiều thứ kỷ luật thân xác gắt gao, trong khi cuộc sống lại quá ư phức tạp.

- Chỉ có những tâm hồn cố chấp và lạm dụng mới dám mở miệng nói rằng đường dẫn đến chân lý chỉ có một. Có hàng trăm ngàn con đường cùng đưa đến một mục đích. Người Tây Phương có câu thường bị hiểu lầm, "Đường nào cũng dẫn tới La Mã." Nói cách khác, có bao nhiêu người, sẽ có bằng ấy phương pháp hay hành trình nâng cao tâm thức con người. Thử xét về những tổ chức mang tính chất truyền bá đạo học, lịch sử cho thấy không một đấng khai sáng tâm linh chân chính nào lại lo thiết lập một tôn giáo khi các ngài còn sống cả. Các ngài đến với nhân loại để giảng dạy chân lý chứ không phải thành lập một tổ chức hữu hình nào. Tổ chức chỉ được dựng lên do tín đồ sau khi các ngài từ trần mà thôi (BRTS; Tr.180). Xét về cuộc đời, mỗi kiếp sống, mỗi giai đoạn, hay sự việc nơi cuộc đời đều là những chặng đường, những bài học quan trọng trong hành trình phát triển và tiến hóa của mỗi người. Khi đã học xong một bài học, con người tiếp tục lên đường để học thêm những bài học khác. Thế nên, chẳng có việc gì hoặc sự kiện gì nơi đời người trên thế gian này là tầm thường cả; tất cả mọi việc đều có sự quan trọng riêng của nó. Đừng gán cho công việc những giá trị này nọ mà quên rằng người ta chỉ đạt đến chân lý bằng cách mở rộng trái tim và ý thức hành động của mình qua những công việc dường như tầm thường nhỏ mọn (BRTS; Tr.158). Thực ra, nơi nghiệm chứng, vấn đề được đặt ra không phải là việc làm của chúng ta mà là thái độ của chúng ta đối với những việc làm đó. Chúng ta đến cuộc đời này một mình thì khi ra đi cũng vậy thôi. Những sự việc đều là phương tiện cho chúng ta hoàn thành điều gì đó cần phải học. Là người đi trên đường tinh thần, chúng ta đã biết rõ mục đích của cuộc đời là để học hỏi, kinh nghiệm nên cần biết tuân theo các định luật thiên nhiên. Luật thiên nhiên đã định như thế thì cưỡng lại có ích gì đâu (BRTS; Tr.175). Cưỡng lại lối sống tự nhiên tất nhiên còn muốn trở thành gì nếu không muốn nói là chống trời. Sống theo tự nhiên của con người mới có thể thành thần, mới có thể phát triển tâm linh.

- Thưa bác, cháu nghĩ có điều gì đó bác không muốn nói đến khi cho rằng có những trường hợp đặc biệt. Vấn đề cháu đặt ra đó là làm sao biết mình có thuộc về trường hợp đặc biệt hay không?

- Tôi không ngờ anh quá thông minh. Sở dĩ tôi không muốn nói đến vì sự tin tưởng nơi một lý thuyết và sự nhận thức qua một kinh nghiệm khác nhau rất xa. Tự xét, quý anh em sẽ nhận thấy, chúng ta xưa nay đã quá quen thói muốn hiểu hết mọi sự để tưởng rằng mình đã đạt được một cái gì. Nơi trường học, những sự hiểu biết này đến mức độ nào đó được gọi là bằng cấp. Tuy nhiên, nơi hành trình nghiệm chứng tâm linh, sự hiểu biết thiếu nghiệm chứng kiến tạo trạng thái đối nghịch; nó chỉ giết chết lòng khao khát thức ngộ của con người mà thôi, thay vì bổ túc và hướng dẫn tu chứng. Điều mà tôi cho rằng "Sự nhận chân thực thể nội tại chỉ đến với một số người có trường hợp đặc biệt may ra đúng được một phần;" cũng vì chúng ta chỉ muốn hiểu mà hiếm ai muốn nghiệm. Tôi muốn chứng minh cho mọi người rõ. Suốt tuần qua, có ai trong anh em để tâm suy nghĩ dù chỉ một đôi lần về lý do hay nguyên căn nơi sự thức ngộ của hòa thượng Hương Nham không? Anh Tùy nêu lên câu hỏi nhưng tôi đã không trả lời, và thế là hết; ngay cả câu trả lời của tổ Huy Sơn cũng không gây chút thắc mắc nào nơi tâm trí anh em. Ý tôi muốn nói, bất cứ ai cũng thuộc về trường hợp đặc biệt nếu dám đặt vấn đề hầu suy nghiệm cho sáng tỏ, nhưng rất ít người để ý nhận thức.


Cụ Tài ngưng lời, nhắp miếng rượu đoạn đưa mắt rảo qua mọi người. "Điều đau nhớ đời," nhưng đành phải hạ màn luẩn quẩn, cụ nghĩ. Vì thiếu hiểu biết nên đa số con người đã lầm tưởng phương tiện sống là cứu cánh cho cuộc đời và lao đầu tìm kiếm, nắm bắt. Dĩ nhiên họ sẽ phải đối diện với muôn vàn thất vọng vì cái mà họ muốn luôn luôn hãy còn ở ngoài tầm tay. Đạt được cái này thì lòng ham muốn lại thúc giục họ đi tìm kiếm thêm cái khác, và cứ thế họ tìm mãi, trường kỳ đuổi theo vật chất mà chẳng bao giờ toại nguyện. Thế rồi đau khổ, thất vọng chồng chất tạo nên muôn vàn gánh nặng ưu tư, chán chường. Dẫu đến lúc nào đó để tâm tự nghiệm, họ sẽ nhận biết bài học; vì đau khổ, thất vọng là những kinh nghiệm quan trọng giúp họ ý thức rõ về mục đích của cuộc đời; thì đã bao nhiêu người chẳng bao giờ đạt được cơ hội thức ngộ. Về phía tướng tá nhóm nhậu, thiên hạ thấm đòn khá nặng. Cụ Tài lôi ngay con tẩy bạt của mọi người phơi bày nơi ánh sáng khiến tên nào tên nấy chẳng những ngọng miệng mà còn cảm thấy tự xấu hổ vì đã bỏ lỡ cơ hội ý thức. Lấy gì để bào chữa, nói sao cho thật lòng! Cụ già coi bộ hiền hòa, thái độ mang phần nào hơi lẩm cẩm nhưng dễ mến, chỉ vài câu nói đã lột trần bộ lòng ruột của những kẻ quen thói tự hào.

- Thưa bác, ngay từ lúc mới đọc câu chuyện đó trước khi bác nói, cháu đã mấy lần tự hỏi hòa thượng Hương Nham thức ngộ nhờ điểm nào nhưng tâm trí cứ tối như đêm ba mươi nên đành phải lờ đi. Thực ra, đến lúc này cháu vẫn không thể nào hiểu được thì biết làm sao hơn!

- Anh sẽ có cơ hội, tôi muốn nói anh sẽ thuộc về trường hợp đặc biệt nếu vẫn còn thấy tối mù, với điều kiện cứ để tâm trí luẩn quẩn nơi câu hỏi đó.

Thế là không những thoát nạn mà mọi người còn cảm thấy may mắn vì đã học được bài học chẳng ngờ mặc dầu không ai nói lên. Nét mặt họ chứng tỏ phần nào niềm vui ngỡ ngàng thay thế vẻ đăm chiêu chỉ mấy phút trước. Cụ Tài cảm thấy lòng rộn ràng. Nước cờ giải thế bí đạt thành quả trông thấy, nhưng cụ vẫn tỏ ra như không hay biết. Nhớ lại thời buổi đầu tiên, không biết bao nhiêu năm trời, câu Kinh Thánh, "Nhưng có nhiều kẻ đầu hết sẽ nên cuối hết, và có những kẻ cuối hết sẽ nên đầu hết" (Mt. 19:30; 20:16) đã khiến cụ rối mù không sao có thể nhận thức được. Đọc nơi sách nhà Phật, sự giải thích qua hình ảnh những người lên đò sang sông, cụ thấy không thỏa mãn. Cụ nghĩ, những câu nói đạo học tất nhiên ý nghĩa không giới hạn chứ đâu chỉ dành riêng cho một vài trường hợp nào. Năm tháng dần trôi, những câu khác chẳng hạn "Người biết không nói, kẻ nói không biết" hoặc "Không làm gì mà không sự việc nào không làm" nơi Lão học, hay "Lửa không nóng nhưng tại mình cảm thấy nó nóng," hoặc "Người khôn học người ngu," cho dù đôi ba năm hay một vài tháng chúng đã lần lượt được giãi bày nhờ ánh sáng suy nghiệm. Đàng này, câu hỏi "Tại sao kẻ đầu hết sẽ trở nên cuối hết" cứ triền miên ám ảnh mà không có sự giải đáp nào có thể thỏa mãn tâm trí của cụ. Khoảng giữa năm 1990 đi với Hưng mua chiếc máy giặt tại Sears, đang loanh quanh luẩn quẩn nơi quầy sách, cụ vô tình thấy cuốn "Tao of Leadership" nên cầm lên lật một đôi trang ngó qua. Ngay nơi bài viết thứ nhì, ngắn gọn chỉ vài chục chữ, nói về sự hòa hợp đối nghịch của thực thể sự vật, chẳng hiểu mắt quáng gà thế nào mà cụ đọc câu "Who would be first ends up last" trở thành "What would be first ends up last." Chính lúc ấy cụ nhận biết câu Kinh Thánh mang ý nghĩa gì! Bài học vỡ lòng sẽ giúp mấy anh em gặp nhiều điều thú vị, cụ thầm nghĩ.


- Thay vì đi tìm một cái gì cao xa huy hoàng ở bên ngoài, người tu chứng tìm cách làm sao cho nội tâm được sung mãn, dồi dào, nghịch lại là sự hướng ngoại, theo đuổi đam mê vật chất trong cuộc sống hữu vi. Nơi hành trình hướng nội, mọi hoạt động sẽ có tính cách thoải mái, ung dung, tự tại; vì nó xuất phát từ một nội tâm phong phú, không bị giới hạn hoặc gò bó; do đó tư tưởng được tập trung, chuyển hóa và thăng hoa. Nếu hướng ngoại, mọi hoạt động thường có tính cách lo âu, trói buộc, sợ hãi; vì nó được xây dựng trên sự suy luận của lý trí luôn luôn ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Và như thế, tư tưởng hay sản phẩm của tâm thức chỉ là những gì lăng xăng, biến đổi, hao tán do tùy thuộc những biến chuyển ngoại giới không ngừng. Đây là lý do tại sao nhà Phật có những công án, hoặc Phúc Âm được viết kết hợp những câu nói nghịch thường đối với luân lý hay thói quen suy nghĩ của con người. Như vậy, tôi có thể tóm tắt, bước đầu cho hành trình thức ngộ, anh em nên để ý suy tư những công án hay những câu nói nơi kinh sách đạo học. Không nên học hỏi ý nghĩa từ người khác mà cần phải tự mình suy nghiệm. Thật ra, đó chỉ là những câu nói khôn ngoan đơn thuần nhưng thường thì được nói hay viết theo lối ám định giúp tâm trí con người ngưng đọng để nhận ra những biến chuyển về thực thể của sự vật, sự việc.

- Nhưng thưa bác, như vậy cho dù hướng nội hay hướng ngoại thì vẫn là mê.

- Đây là hành trình khởi đầu của tu chứng để nhận biết điều mà nhà Phật gọi là vô minh. Tôi đề nghị anh em sau khi đã tự mình nghiệm được một công án hay bất cứ câu nói nào nơi đạo học, hãy suy tư về lời phát biểu nơi nhà Phật, "Chứng Cái Không." Tôi nói nghe có vẻ khơi khơi như thế; tuy nhiên, nếu anh em nào thực sự muốn thăng tiến về đường tâm linh, áp dụng vào suy tư sẽ gặt hái được nhiều sự lạ lùng. Thực ra, cuộc đời là môi trường cho con người học hỏi, kinh nghiệm, dẫn đến sự tự biết mình. Nhiều người sau một thời gian tu chứng hay nghiệm chứng nghĩ rằng họ đã biết rõ về mình, nhưng coi chừng họ chỉ là nạn nhân của bản ngã, của một cái gì vô cùng sâu sắc và biến hiện khôn lường. Sự hiểu biết lý thuyết mà thiếu thực hành là một cái học thiển cận; do đó một người đi trên đường đạo cần phải kinh nghiệm qua việc va chạm với thực tế khổ đau. Nguyên nhân của đau khổ không phải tại hoàn cảnh, cũng không phải tại ai khác mà chính là do nơi mình (BRTS; Tr.106). Mọi hành trình nghiệm chứng hay tu chứng chỉ là công phu theo dõi tư tưởng một cách thành thật, nhận biết tất cả cho đến khi có thể hiểu trọn vẹn về chính mình. Thế nên, người có lý tưởng lúc nào cũng suy gẫm về điều mình theo đuổi, thấy rõ kết quả mà họ mong sẽ đạt được, và cương quyết đi trọn con đường. Họ phải biết tuân giữ những định luật bất biến trong vũ trụ và không bao giờ quên rằng chân hạnh phúc là một phần thưởng quý báu, chỉ đến sau khi họ đã vượt qua được những thử thách mà thôi (BRTS; Tr.179). Như vậy, muốn biết mình, người ta cần phải biết về luật biến hóa của vạn vật trong cuộc tuần hoàn của vũ trụ. Trong trời đất, tất cả đều thay đổi biến chuyển không ngừng. Để tiến hóa, con người cần có một động lực mạnh mẽ thúc đẩy họ hoạt động đó là lòng đam mê. Đây là một yếu tố cần thiết và hữu dụng đối với loài hữu tình như chúng ta; vì thiếu yếu tố này, con người sẽ sống thụ động như cây cỏ, gỗ đá, chẳng có cảm giác và không thể tiến bộ bao nhiêu. Nhờ đam mê mà người ta hoạt động, thay đổi. Điều quan trọng phải là chúng ta có nhận biết được mình thế nào hay không. Như thế, nguyên lý căn bản của đạo học chỉ là biết mình và sự liên hệ của mình với quyền lực tối thượng, Phật Tính hay Thượng Đế, Đại Ngã mà thôi.

- Thưa bác, như vậy đâu cần tôn giáo.

- Nói cho đúng, sự biết mình là căn bản quan trọng nhất mở đường cho hành trình thức ngộ. Chính vì không biết mình do lười suy tư hoặc sợ hãi phải đối diện với con người thật của mình mà xưa nay bao nhiêu người đã chạy theo những lời hứa hẹn thiếu nghiệm chứng để cổ võ tổ chức thế tục vẫn thường xảy ra khắp nơi. Sự tự biết mình đòi hỏi một công phu nghiệm chứng, quán chiếu, để phản ánh trung thực các ý tưởng, các điều sâu kín ẩn náu trong nội tâm, chứ không phải điều mà người ta có thể tìm thấy trong sách vở, dù đó là sách gì chăng nữa. Nhờ liên lỉ nghiệm chứng, quán chiếu để tự biết mình, con người đạt đến tâm trạng minh triết trong tâm hồn, và từ đó họ có thể sử dụng hợp lý các kiến thức đã thu thập được nơi cuộc sống. Mọi truyền thống tôn giáo, dù cao siêu đến đâu, thì cũng quy về con người, và những gì họ tự hiểu biết về thực thể bản thân. Nếu không tự biết mình thì họ không thể biết được bất cứ điều gì khác một cách chính xác. Bởi vậy, sự nhận biết về liên quan giữa con người và Thượng Đế đòi hỏi sự biết mình vì khi biết mình là ai thì câu trả lời về Thượng Đế sẽ hiển hiện một cách rõ rệt hơn bao giờ hết (BRTS; Tr.189).

- Ngay từ tuần trước, nghe bác nhắc đi nhắc lại mấy điểm coi bộ quá thường, cháu cảm thấy hơi ngạc nhiên tại sao qua bao năm tháng với muôn vàn kinh nghiệm sống mà mãi cho tới lúc này bác vẫn nhắc tới chúng. Cháu xin lỗi đã có ý nghĩ ấy và dám thực lòng nói lên nếu có điều gì không phải. Nhưng bây giờ mới thấy thấm và nhận ra mình đã nghĩ sai; nói cho đúng, cháu đã nhận thức sai mà không biết. Có điều, hình như những gì đơn giản nhất hoặc gần với mình nhất lại khó khăn nhất nếu cháu không lầm. Chẳng hạn vấn đề biết mình, ai không tự hào rằng đã hiểu quá rõ ràng về mình. Cứ như bác giải thích thì xưa nay mọi người chỉ tưởng tượng sai lầm về chính họ mà thôi. Và như vậy, có thể nói, tất cả các phương pháp tu luyện, nghiệm chứng đều chỉ dồn vào một điểm tự nhận thức chính mình; vì không thế, tại sao các kinh sách đạo học luôn luôn nhấn mạnh về tự thể, tự giác, giác ngộ. Tuy nhiên, giải thích bằng chữ nghĩa hoặc bằng lời nói cũng chẳng khác gì nước đổ đầu vịt. Vấn đề cháu đặt ra phải là làm sao cho đầu vịt thấm nước. Xin lỗi bác và anh em, cháu chỉ muốn nói về chính cháu mà thôi!


Cũng như một vài người khác, ngồi nghe và cứ lầm rầm uống hết chai bia này đến chai bia khác suốt buổi tối tuần trước, mãi tới lúc này Hinh mới lên tiếng. Hắn xưa nay vẫn ít nói lại không thích lý luận giành phần hơn thiệt. Dẫu những lúc bạn bè "rượu vào lời ra" hắn vẫn thế. Uống thì cứ uống nhưng có ai chọc chạch thế nào hắn vẫn ngậm miệng ngoại trừ những điều cần phải nói. Bảo rằng thế nào hắn cũng chẳng đặt thành vấn đề và thường có thái độ như không để ý đến những chuyện thời sự sôi nổi lắm khi nhóm nhậu ý kiến qua lại như o­ng vỡ tổ.

- Thế ra lẩm ngẩm mà đấm chết voi. Tôi xin tặng ông danh hiệu "đầu vịt." Sỹ nhà con chen giọng.

- Anh Hinh nói đúng, cụ Tài lên tiếng. Chúng ta chỉ cho rằng biết mình chứ thực sự rất ít ai nhận thức được rõ về chính mình vì có chăng đã được gọi là đạt đạo. Anh dùng ngôn từ "đầu vịt" không sai bởi kinh sách nói về sự nhận thức và những phương thức giác ngộ trong khi chúng ta chỉ đọc cho qua, hoặc khác hơn thì đọc để mà hiểu. Nói chung, chúng ta kiếm tìm kiến thức chứ không phải tự nhận thức. Tệ hơn nữa, chúng ta thường dùng quan niệm cố hữu nơi mình làm mẫu mực xét đoán những điều kinh sách viết rồi cho rằng đúng sai, phải trái theo sự hiểu biết hạn hẹp; mà không để ý đặt mình vào trường hợp của những lời phát biểu hầu nghiệm chứng ẩn ý của câu nói hoặc câu viết đó thế nào. Đây là căn bản của nghiệm chứng mà ít ai để tâm thực hành, thế nên luôn luôn bị giao động, khát khao tìm hiểu ngoại vật, chẳng khác gì con o­ng quanh quẩn đi kiếm từng giọt mật. Muốn thức ngộ phải tìm tự nơi mình; vì chân lý vốn tự nơi ta chứ không đâu xa. Sự vô minh phát sinh từ tư tưởng hướng ngoại được gọi là kiến thức; bởi đó, kiếm tìm sự minh triết nơi mình tức là tự biết mình.

- Bất cứ kinh sách đạo học nào cũng trình bày sẵn phương pháp thức ngộ mà mấy ai để ý. Sự nghiên cứu theo văn tự, sách vở chỉ đem đến những hiểu biết hời hợt bên ngoài chứ không thể giải thích thấu đáo những vấn đề huyền bí, ẩn mật của thực thể sự việc. Các lý luận chỉ là cái biết ngoài da và tổng hợp những cái biết của người khác. Sự hiểu biết thật sự chỉ có thể có được khi người ta đã kinh nghiệm được chúng như chúng thực sự thế nào (HTTT; Tr.167). Thế nên, kiến thức từ chương chỉ giúp cho những người sơ cơ, bắt đầu tìm hiểu con đường tâm linh để có một căn bản hiểu biết, nhưng đó không phải là tất cả. Nếu người ta cứ tiếp tục bám víu vào kiến thức thì chính nó sẽ trở thành chướng ngại cho việc nghiệm chứng. Tu chứng tức là áp dụng những điều đã hiểu vào đời sống; vì chỉ những gì mình nghiệm được mới thật sự là hiểu biết mà thôi. Tất cả những điều gì người khác nói ra đều chỉ là kiến thức, nghiệm chứng của họ. Đàng khác, sự giải thoát xuất phát từ chính mình chứ không thể do một ân huệ nào từ bên ngoài mang đến (HTTT; Tr.44); bởi vì những kiến thức hoặc sự thực hành tôn giáo như nghi thức lễ bái, cúng kiến bề ngoài không dẹp tan được vô minh nơi con người mà có khi lại còn cổ võ con người chìm sâu hơn. Chỉ có sự nghiệm chứng mới có thể dẹp tan cõi vô minh của tâm hồn. Sự hiểu biết hay kiến thức thực nghiệm chỉ có thể đạt tới bằng sự tìm tòi của lý trí qua nghiệm chứng.

- Quý anh chị em đã nghe hay đọc về một số nguyên tắc thăm dò tâm thức nơi hành trình tu chứng nhà Phật. Xét về lịch trình phát triển Phật học, chúng ta không nên quên rằng bối cảnh giai cấp xã hội Ấn Độ ngày xưa, và hệ thống giáo điều nơi Ấn giáo, đã đóng những vai trò quan trọng cho sự phát triển nhà Phật. Thực ra, trước khi có Phật học, các tông phái Ấn Độ, nhất là phái Yoga, đã xác định rõ ràng phương cách thực nghiệm những phương thức cùng trình tự tu luyện. Nơi hành trình tu luyện này, người nghiệm chứng thường được gọi là tu đạo cần nhớ một điều: không có một hành động nào, không một lời nói nào, một ý nghĩ hoặc tình cảm nào mà không có ảnh hưởng tới tâm linh hành giả; nên không một giây phút nào mà tâm thức con người không phải chuyên chú cẩn trọng; bởi các tác vi, lời nói, cùng ý nghĩ đều tạo nên những luồng ba động gây ấn tượng trong tiềm thức của người tu đạo (TTÂĐ; Tr.241).

- Tất nhiên, muốn nghiệm chứng, hành giả cần định tâm, và Yoga bao gồm những phương thức thực nghiệm nơi hành trình tu chứng của Ấn học để đạt tới đại định; trạng thái nhà Phật gọi là viên giác đại ngộ hay niết bàn. Chẳng khác gì nơi nhà Phật, nếu ai đó muốn tìm hiểu Phật học phải đối diện với muôn chiều hướng lý thuyết cũng như những hành trình tu chứng nhiều khi khác biệt tới độ đối nghịch; thì việc tìm hiểu về Ấn học lại còn khó hơn gấp mấy lần. Tuy nhiên, dẫu các tông phái tại Ấn Độ rất phức tạp, mà thực ra, những quan niệm căn bản nơi các giáo lý Ấn học có nhiều điểm tương đồng (TTÂĐ; Tr.236). Những điểm tương đồng dựa trên vài quan niệm căn bản đó là vô minh, nghiệp báo, niết bàn, hay trạng thái siêu thức, và Yoga là phương thức thực nghiệm để diệt trừ những vọng tưởng do vô minh và nghiệp chướng gây ra. Các tu sĩ Ấn Độ, nhất là các tu sĩ Yoga, cho rằng phương pháp thực tiễn để biết mình là diệt trừ mọi vô minh, mọi vọng động, vọng tưởng, vọng niệm đã từng cấu tạo nên những màng lưới hình hài, bản năng, tâm tư. Tất cả những vọng tưởng, vọng niệm, vọng chấp đó, tương tự như những đợt sóng luôn luôn biến hiện trong giòng sống con người khiến tâm thức không bao giờ phẳng lặng, thanh tịnh để bộc lộ trạng thái thuần túy của thức giác hiển lộ tinh lực uyên nguyên (TTÂĐ; Tr.240). Như vậy, người nào thoát khỏi trạng thái vô minh, đương nhiên đạt đến viên giác, đại ngộ; tâm thức họ sẽ tới cõi thường tịch, an lạc không kể xiết.

- Dù có nhiều phương pháp đạt tới thức ngộ nơi Ấn học, nhưng nguyên tắc chỉ có một đó là diệt ngã hay xả kỷ. Tôi nghĩ, anh em sẽ không ngạc nhiên khi tìm hiểu Ấn học nếu đã biết về Phật học; vì sự khác biệt giữa Ấn học và Phật học cũng như đối với các đạo học khác, tựu trung chỉ là những quan niệm nơi hành trình tu chứng mà thôi; bởi chân lý chỉ có một, và điểm khởi hành chính là tự biết mình. Chẳng hạn, Ấn học quan niệm về Đại Ngã dẫu ngôn từ diễn giải khác biệt thì cũng chỉ như Thượng Đế, Chân Như, hay Tào. Thực thể tâm linh nơi con người được gọi Tiểu Ngã, nhà Phật gọi là Phật tính, Thiên Chúa giáo gọi linh hồn. Yoga bao gồm nhiều cách tu luyện nhưng tựu trung đều là phương thức nâng tâm thức; tiểu ngã hòa nhập Đại Ngã bắt nguồn từ nghiệm chứng nơi Ấn học.

- Thưa bác, nếu Ấn học rất phức tạp sao có thể đặt vấn đề tổng hợp.

- Khi nhắc đến tôn giáo, chúng ta đều nhận biết, có nhiều tôn giáo và mỗi tôn giáo được phát sinh và thiết lập dựa trên nền tảng niềm tin chung nơi tín đồ. Thêm vào đó, cuộc đời thay đổi và thăng tiến, cộng hưởng với sự diễn giải kết quả tu chứng của một số vị chân tu; do đó quan niệm cũng như niềm tin biến đổi cho phù hợp với nghiệm chứng đạo học. Sở dĩ Ấn học cũng như Phật học phức tạp vì hành trình tu chứng phát triển theo thời gian đã phát sinh rất nhiều khuynh hướng giãi bày cảm nghiệm. Chẳng hạn chúng ta thấy, hành trình phát triển Ấn học từ thời thượng cổ mang tính chất mật truyền được bao trùm dưới nhiều bình diện thức giác trãi qua những truyền thống Kỳ Na, kinh Vệ Đà, Upanishads, và sau này vào thế kỷ thứ ba hay thứ tư sau tây lịch, kinh Bhagavad Gìtà xuất hiện. Kinh này rất được người Ấn Độ ngưỡng mộ và đọc tụng (TTÂĐ. Tr.187). Kinh được viết dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa tôn giả Krishna và Arjuna trên chiến trường Kurukshetra (CTC. Tr.IV) để trình bày nguyên lý thương đau chứa đựng trong tác phẩm và đưa các dữ kiện tôn giáo vào thực tại của cuộc đời, hầu nói lên thực thể quyền lực tuyệt đối đang hoạt động dưới nhiều hình thức khác biệt. Thực ra, mọi kinh sách đạo học đều có xuất xứ khá mù mờ đồng thời được bổ xung do những bậc thức ngộ. Kinh Bhagavad Gìtà là một đoạn của thiên anh hùng ca Mahabharata không biết do ai trước tác. Tuy nhiên, chỉ cần một chút suy nghiệm, chúng ta sẽ nhận thấy, chân lý bao giờ cũng hiển hiện một cách mầu nhiệm trong không gian và thời gian. Sự sống thật sự không thể bị ràng buộc trong giới hạn thời gian mà ngược lại rất huyền nhiệm, sống động không ngừng biến chuyển chẳng khác gì giòng nước luôn luôn tuôn chảy. Cũng như các đạo học khác, Ấn học đặt căn bản trên nền tảng nghiệm chứng này; bởi nếu chúng ta nhận thức được sự thiêng liêng duy nhất ở tất cả thì ta sẽ thấy sự sống biểu hiện khắp nơi qua thiên hình vạn trạng. Ngược lại, con người thường thu hẹp nguồn lực thiêng liêng, quyền lực hiện hữu, thường được gọi là sự sống trong các danh từ giới hạn, và cố gắng giải thích bằng những ý niệm của tư tưởng. Ấn học khuyến khích sự ý thức và kinh nghiệm thực thể biến chuyển không ngừng của quyền lực tối thượng hầu giúp con người nhận ra định luật điều hành vũ trụ tuyệt vời mà chúng ta thường cho là ở bên ngoài, vốn thực không khác những định luật hiện nay đang chi phối bên trong mỗi con người.

- Có điều, nơi kinh sách diễn giải, các tác giả kinh sách Ấn học hay đề cập đến thực thể tối thượng được gọi là Đại Ngã như một vị chúa tể mang nhân tính chẳng hạn đức Thế Tôn hoặc Thượng Đế hay nhân cách hóa bằng đại danh xưng "Ta." Chẳng hạn nơi kinh Bhagavad Gìtà viết, "Này Arjuna, Ta là Đại Ngã ngự trị trong tâm hồn vạn vật: Ta là lúc khởi đầu, là chốn trung gian và là cứu cánh của vạn vật. Trong các tập Phệ Đà, Ta là Sàmaveda. Trong số các bản thể ngời sáng, Ta là bản thể ngời sáng, Ta là bản thể Vàsava. Trong các quan năng, Ta là tinh thần (Manas), và trong khắp phù sinh, Ta là tri thức (CTC. Tr.100-101). Ta là thần chết cấu xé muôn loài, Ta là nguyên ủy của tất cả những gì sắp sửa sinh ra. Trong các phẩm hạnh của nữ tính, Ta là danh giá, là giàu sang, là thịnh vượng, là lời nói, là ký ức, là thông minh, là đức kiên trì và lòng tha thứ (CTC. Tr.103). Ta là trò xảo trá của kẻ đại bịp, và là sự rực rỡ của những vật thể huy hoàng. Ta là vinh quang, Ta là quả cảm, Ta là chân tính của lẽ phải. Ta là yên lặng của mật tính và là tri thức của những bậc hiền giả. Ta là hạt nhân của tất cả thực hữu. Chẳng có chuyện gì, dù chuyển động hay bất động lại có thể hiện hữu ngoài Ta (CTC. Tr.105). Như vậy, Thượng Đế nơi Ấn học lớn hơn không gian nhưng đồng thời cũng nhỏ hơn một hạt nhân nguyên tử; vì Thượng Đế là đời sống của nguyên tử. Không có gì lớn hơn Thượng Đế và cũng không có gì nhỏ mà có thể thoát ra khỏi Ngài. Thượng Đế hay chân lý tuyệt đối không có hình dạng, màu sắc hay đường nét gì, nhưng nhờ Thượng Đế mà các sắc tướng được đẹp đẽ, rực rỡ và tinh vi (BRTS; Tr.42).

- Tuy nhiên, anh em nên để ý sự khác biệt giữa đạo học và tôn giáo. Như tôi đã giải thích nhiều lần, chúng ta cần mở rộng lòng quan sát và học hỏi chứ không phải để phê phán hay chỉ trích; vì làm sao người ta có thể kinh nghiệm được gì khi lòng còn đầy tự hào như con đẻ của nhận thức hạn hẹp, hoặc đã bị ám ảnh quá nặng nề do sự nhồi sọ của những lý thuyết, hoặc bởi mang nặng tính chất ỷ lại hay lười suy nghĩ. Đàng khác, điều rõ ràng chúng ta đều nhận biết; đó là không ai có thể đạt tới những gì chưa bao giờ biết hoặc chưa thử nghiệm, nhưng lại e sợ những gì chưa bao giờ đối diện nên dễ sinh lòng đố kỵ. Thực ra, sự e sợ này chính là đặc tính của những tâm hồn thiếu nhận thức nên mất hết khả năng sinh động mà nhà Phật thường gọi là trạng thái vô minh. Xét về Ấn học, trọng điểm nơi giáo huấn của Bhagavad Gìtà, tiếng Việt dịch là Chí Tôn Ca, bàn về con đường đạt đến tinh thần giải thoát. Con đường giải thoát này chính là con đường của đạo Yoga hướng về hành động (Karmayoga), hay là con đường hoàn tất nghĩa vụ bằng tư tưởng của đạo Yoga, một phương thức hợp thể với tinh thần đức Thế Tôn vô thượng (CTC. Tr.XXI). Quan niệm hành động nơi Ấn học có nghĩa chính là cuộc sống của một người. Ăn uống, vận chuyển, linh động qua những quan năng xác thân nơi cuộc sống thường ngày đều có nghĩa là hành động. Hành động là một phương thế hiệu nghiệm nhất để tự biểu lộ tự ngã của mình trong trần thế (CTC. Tr.XXI). Nói cách khác, cuộc đời một người chính là sự thể hiện linh hoạt của Đại Ngã nơi thế giới hữu hình. Chỉ có một năng lực tuệ mẫn luôn luôn biến chuyển hàm chứa mọi tính chất sinh động nằm sau những hoạt động vô tận của vũ trụ là đức Thế Tôn. Chỉ có ý muốn của Người là hữu hiệu trong mọi hành động; Người là một thực thể duy nhất hiện hữu, nhưng Người hoạt động qua bản ngã nhân gian, và dùng nhân gian như thể công cụ của Người (CTC. Tr.XXIII). Nói cách khác, những định luật sinh hóa, biến động tự nhiên, phức tạp nơi thế giới hữu hình cũng như vô hình chính là sự hoạt động của Đại Ngã nơi muôn loài muôn vật. Thế nên, đời sống thực sự không phải là một sự cố gắng, phấn đấu để đạt được cái này hay cái khác nhưng là một sự thoải mái trong tự do tuyệt đối (BRTS; Tr.16). Như vậy, con đường thức ngộ theo Ấn học đòi hỏi một sự cảnh giác không ngừng; con người cần luôn đặt tâm tưởng nơi mục đích chính của mình đó là sự nhận thức thực sự mình là một với đấng cao cả (BRTS; Tr.25) hầu vượt qua những sự cám dỗ của các tư tưởng nhỏ mọn, ích kỷ, vẫn tiềm ẩn trong tâm tạo nên đau khổ vì coi mình như chủ thể hành động.

- Thưa bác, cháu xin được ngắt lời, vì nếu mình đã là một với đấng cao cả nào đó thì dù nhận thức hay không có gì thay đổi đâu. Và nếu đã là một với đấng cao cả thì sao còn có mình, sao còn nói đến đấng cao cả.

- Tôi nghĩ anh chưa bao giờ suy nghiệm lời đức Thích Ca nói "Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành." Đức Đạt Ma sư tổ nói rằng "Thấy thẳng tánh mình thì gọi là thiền. Thấy tánh tức là Phật" (SCTT. Tr.124). Danh hiệu Đấng Cao Cả được dùng trong Ấn học chính là Thượng Đế, Đại Ngã, chẳng khác gì Phật tánh hay Chân Như nơi Phật học. Đó là lý do tại sao Đạt Ma Sư Tổ nói "Phật không giữ không phạm giới. Tâm tánh vốn không, cũng chẳng dơ, sạch. Các pháp đều không tu, không chứng, không nhân, không quả. Phật là người vô tác" (SCTT. Tr.118). Bất cứ ai đã giác ngộ tức là đã thực sự thấy được chính quyền lực tối thượng đang hoạt động nơi mình, và con người mình, cuộc đời mình chỉ là công cụ cho quyền lực này thì được gọi là Phật. Đây cũng là điểm giác ngộ tận cùng nơi Ấn học. Đại sư Swami Nikhilananda nơi phần tựa của cuốn Chí Tôn Ca đã giải thích, "Mục đích của tư tưởng Krishna là xóa bỏ những mối nghi ngờ và lầm lẫn ngự trị con người trong mọi vấn đề, tầm thường cũng như trọng đại. Những lầm lẫn và nghi ngờ này chỉ có thể được xóa bỏ nhờ tinh thần giác ngộ chân tính; đó là đức Thế Tôn hiện hữu ngay trong tâm thức của mình" (CTC. Tr.XVI). Như vậy, người nào ý thức được tinh thần vô thượng đang hoạt động nơi mình, sẽ xa thoát khỏi bản ngã trì nệ của con người. Nếu xét theo nhận thức khoa học, chúng ta không thể phân tách vật chất khỏi năng tính, cũng vậy, nếu chỉ đựa trên bản thể vô thượng, một người không thể phân biệt được hành động và không hành động (CTC. Tr.XXXVI) hoặc người hành động và thực thể hành động vì tất cả chỉ là những hoạt động, biến chuyển của thực thể tối thượng. Nếu nghiệm chứng được nhận thức này, con người đạt tới cảnh giới tâm linh vô thượng. Nói cách khác, người có ý thức vô thượng sẽ không bao giờ còn phải tái sinh nữa vì đã hợp nhất với chính tinh thần hiện hữu (CTC. Tr.XXXVIII); bởi khi tâm trí, quan năng hoàn toàn vượt khỏi thế giới ngoại lai, thoát đắm mê thế tục vô thường, khi tâm trí và quan năng được hướng về thực thể vĩnh cửu, lúc đó một tình trạng mặc khải vĩ đại, một ý thức về chân tính xuất hiện tiêu diệt tinh thần ngu lậu và lầm lẫn trong cõi đời hữu hạn như con người mê ngủ ra khỏi giấc nồng và bước vào một thế giới với một chiều hướng mới (CTC. Tr.XXXVIII).

- Thưa bác, dẫu đạt tới cõi giới nào thì hành động vẫn chỉ là hành động và thực tính của hành động nào khác biệt chi! Chẳng lẽ người thức ngộ tinh thần vô thượng ăn ớt không cay, uống rượu không say, hoặc sẽ thức đêm, ngủ ngày, khác với những người chung quanh!

- Anh nói nghe cũng có lý, nhưng lý một nửa. Để tâm nghiệm chứng anh sẽ nhận thấy, chính ý thức gợi lên tinh thần hành động chứ không phải tạo nên những hành động. Do đó, người chưa giác ngộ và người đã giác ngộ tinh thần vô thượng đều có những hành động giống nhau, chẳng hạn như ăn, ngủ, nhưng trong khi người chưa giác ngộ thấy trong hành động của mình mang đầy tinh thần tự ngã và yếu tố vật chất; người giác ngộ chỉ thấy hành động của mình trong bản ngã vô thượng mà thôi. Như vậy, chỉ có ý thức mới phân biệt được con người giác ngộ và con người chưa giác ngộ (CTC. Tr.XXXV); bởi lẽ đương nhiên, điều phi thực không hiện hữu, điều chân thực không ngừng hiện hữu. Muốn thấy được yếu tính của chúng phải là người đã nhìn ra chân tính (CTC. Tr.15).

- Thưa bác, nếu thế đâu cần luân lý.




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả