Lã Mộng Thường
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]




Bao lâu nay, mối ưu tư phục vụ cho gần hai ngàn giáo dân người Việt sống trong địa phận luôn luôn đè nặng nơi tâm hồn vị chủ chăn. Họ có cuộc sống khác hẳn dân địa phương từ cung cách đối xử đến việc thờ phượng nơi thánh đường. Mười năm qua, những rắc rối do bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán... đã gây ra nhiều sự hiểu lầm khiến giáo dân phần nào cảm thấy Đức Giám Mục ít để ý đến họ. Ngài biết thế nhưng chưa có cách nào giải quyết. Dẫu ngài đã cố gắng nhờ một vài linh mục người Việt nhưng phần vẫn bị hàng rào ngôn ngữ ngăn cách, phần đường lối làm việc của những linh mục được huấn luyện ở Việt Nam đã lâu hoàn toàn khác biệt với thực tại lãnh đạo nơi này. Nhiều khi ngài có cảm nghĩ họ muốn tách rời người Việt thành một cộng đồng tự trị. Có những lần một nhóm người Việt tới gặp ngài; một vài vấn đề ngài nói đem lại lợi ích và dễ dàng cho họ nhưng sao người thông dịch chuyển ngữ câu trả lời hoàn toàn trái nghịch với điều ngài dự đoán... Hơn nữa, đôi khi điều ngài nói họ thực hiện thì kết quả xảy ra ngược hẳn lại ý muốn. Lời ngài nói một đàng, họ hiểu sang một nẻo. Có cách nào để phục vụ người Việt Công Giáo hữu hiệu và đắc lực hơn? Nhất là sống nơi xã hội xô bồ, khác văn hóa, khác chiều hướng suy tư cũng như phong tục tập quán, nếu không hiểu họ để hướng dẫn cho phù hợp với nếp sống mới trong tinh thần và đức tin Công Giáo, những mối nguy hại xã hội sẽ làm đức tin họ lung lay. Những chuyện nho nhỏ đã xảy ra ngoài dự đoán do họ không hiểu hay cố tình không muốn hiểu? Vì nguyên nhân nào đã khiến họ cảm thấy xa lạ hoặc có thái độ thờ ơ với những công việc giúp đỡ nhà thờ trong khi một số linh mục bản xứ đã có thời kỳ làm việc với họ ca tụng lòng đạo đức và nhiệt thành cũng như sự rộng rãi của người Việt đối với các công việc cần thiết của nhà thờ? May mắn, có được thày Lành đệ đơn học cho địa phận và tỏ ý muốn làm việc với người Việt sau khi chịu chức giúp ngài cảm thấy mối ưu tư bao lâu nay nhẹ bớt nên vui lòng chấp thuận... Đến nay, ngày phong chức đã gần kề mà mới dạm hỏi để dễ bề sắp xếp thì niềm hy vọng của ngài sắp đạt thành bỗng bị đổi hướng. Thế nên, không cần nghe thêm, Đức Giám Mục lộ sắc giận khiến đôi tay run lên:

- Thày nên nhớ trong lá thư viết cho tôi xin nhập địa phận, thày nói rõ muốn làm việc cho người Việt Nam, và lý do tôi nhận thày học cho địa phận này cũng vì người Việt Nam. Bây giờ thày muốn đi làm giáo xứ Mỹ là tại sao? Giọng ngài rõ ràng được dằn mạnh từng tiếng. Cha Lành ngày ấy, dẫu còn đang là chủng sinh nhưng khi đối diện với cơn thịnh nộ của chủ chăn cầm toàn quyền quyết định về phận số của mình vẫn bình tĩnh đẩy cơn giận của giám mục rơi vào khoảng không bằng cách nhẹ nhàng trả lời:

- Thưa Đức Cha, ngài hỏi nên con trả lời đúng ý nghĩ của mình. Theo con nhận xét thì người Việt Nam chúng con đang sống nơi xã hội Mỹ, phải đối diện với hiện trạng dân Mỹ nên con muốn có cơ hội học thêm cách làm việc của người Mỹ hy vọng sau này mới có thể giúp người Việt một cách đắc lực. Đức Cha là chủ chăn, là giám mục của con; Đức Cha có toàn quyền sai con đi đâu cũng được. Con không có ý kiến về bài sai hoặc nơi nào sẽ làm việc sau này...

- Sao, cha nghĩ thế nào mà ngồi im vậy. Đức Giám Mục lộ vẻ hơi ngỡ ngàng chờ đợi... Tôi hiểu, vừa đổi nhiệm sở được ít lâu, lòng quyến luyến dân Chúa nơi xứ cũ chưa nguôi; bây giờ, mới có thêm mối thân tình với người Việt Nam chưa được bao nhiêu thì đã lại phải đến một nơi xa lạ. Hơn nữa, sự di chuyển đồ đạc, sách vở xếp đi xếp lại cả là một vấn đề phiền hà ai cũng ngại. Tuy nhiên, nếu cha ở vào địa vị giám mục sẽ thấy lắm nỗi khó khăn không ai có thể giải quyết dùm...

- Thưa Đức Cha, con còn đang nhớ lại lần đầu ngài hỏi con muốn được sai đi đâu để rồi con nói xin được làm việc nơi giáo xứ Mỹ ít nhất một đến hai năm và Đức Cha đã tỏ sắc giận. Cha Lành mỉm cười nhẹ nhàng trả lời. Qua bốn năm nơi xứ Mân Côi, con học khá nhiều kinh nghiệm mục vụ; tuy nhiên, thật ra, theo con nghĩ, có nhiều lối giải quyết cho một công việc, và mỗi xứ có những điều kiện sinh hoạt cũng như tâm tình dân Chúa khác nhau đồng thời nỗi khó khăn của thực trạng không nơi nào giống nơi nào. Làm việc thêm một thời gian nữa nơi giáo xứ Mỹ khác cũng hay bởi con sẽ có thêm những kinh nghiệm chưa bao giờ có thể nghĩ tới. Chỉ một vấn đề con tự hỏi, Chúa muốn gì cho những người Việt chúng con ở đây. Đức Cha biết rõ, chẳng cần hỏi ý kiến, cứ ký bài sai là con sẽ đi không một lời đặt vấn đề. Nhân tiện, con cũng cảm ơn Đức Cha đã hỏi ý kiến...

- Như vậy ngày mai cha chính thức là phó xứ của giáo xứ Thánh Tâm...

- Sao vội quá vậy thưa Đức Cha? Để con hai tuần xếp đồ chứ mai sao kịp...

- Tôi muốn cha di chuyển ngay, nhưng thôi, giọng ngài ngập ngừng, đúng một tuần sau kể từ ngày hôm nay cha nhận xứ mới. Để tôi nói thư ký đánh máy bài sai ngay bây giờ... Xứ quá đông, cha xứ làm việc quá sức nên bác sĩ bắt phải nghỉ một thời gian ngắn. Mong cha thông cảm cho trường hợp khó xử của tôi...

o o o

Đại lộ Washington mới hoàn thành với bốn lane hai chiều bắt đầu từ đường 10 cắt đại lộ Louise và đâm thẳng xuống đường 90 tạo nên ngã tư bận rộn nhất vùng Ocean Springs. Từ ngày các sòng bài bắt đầu hoạt động tại Biloxi bên kia cầu, đường 90 trở thành giòng thác xe cộ lúc nào cũng nhộn nhịp bất kể ngày đêm đã khiến cho ngã tư bận rộn càng thêm ồn ào. Nơi ngã tư được mở thêm lane, cha Lành nhìn ba dãy xe xếp hàng dài cái nọ nối đuôi cái kia chờ đèn xanh để quẹo phải, chạy thẳng hay quẹo trái, nhẹ thở dài đưa tay tắt nút đèn cấp cứu, thầm nghĩ có để đèn cấp cứu thì cũng không ai nhường. Hai lane phía trái, xe ngược chiều pha đèn đổ lên đại lộ Washington tạo thành hai dây sáng quất vào mắt chói lòa được phụ họa bởi âm thanh động cơ đủ loại khiến ngài có cảm giác như tiếng gầm gừ của con vật khổng lồ đang chuyển mình vươn lên với sức mạnh vũ bão. Ngày nao bóng tăm tối nơi đất nước mình được chiếu sáng... tiếng thở dài một lần nữa lại nhẹ buông... Tại vì đâu, cũng là người mà nơi đất nước này dân chúng giầu có đến độ dư dật tiêu xài hoang phí trong khi dân mình miếng ăn không đủ giữa những cánh đồng lúa, nương khoai, luống sắn? Vì đâu dân mình không thể ít nhất dù chỉ tạo niềm tin chung để cùng nhau góp tay xây dựng mảnh đất thấm ngập dòng máu đỏ và được bồi dưỡng với những muôn ngàn thân xác da vàng? Nếu nói tại số Trời thì ý dân vẫn cải được phận người bởi ý dân là ý Trời... Ý dân đã có nhưng sự thực hiện ý dân phỏng đã có?... Kèn xe phía sau giận dữ hối thúc; cha Lành đạp chân ga... Tiếng vỏ cao su rít trên mặt đường đẩy chiếc xe lao về phía trước tạo nên vòng cua trái bốc khói nuốt ngắn khoảng cách xe đàng trước. Xe chạy quá nhanh so với lane quẹo gấp đổi đường khiến hai bánh ăn lấn sang lane bên cạnh; lại thêm tiếng kèn báo động xe chạy hai lane. Giật mình lái xe ẩu theo kiểu tài tử thế này coi chừng có ngày gặp tai nạn, cha Lành buông vội nỗi ưu tư...

Khoảng đại lộ 90 nơi ngã tư với sáu lane hai chiều về đêm vẫn ngào ngạt xe nên, mặc dầu đường trường, sự di chuyển phần nào cũng bị chậm lại. Nơi ba lane ngược chiều, đèn pha nối tiếp thành dây sáng tựa con khủng long bất tận trườn mình dọc vùng bờ biển, giáp rừng cây âm thầm bên con lộ. Khi xe chạy ngang khu dinh thự tối thui không đèn điện bên cánh phải, cảm nghĩ so sánh cảnh tăm tối của vùng buôn bán cũ kỹ nay trở thành hoang phế bởi không hợp thời... với cảnh sống khó khăn của người dân nơi quê nhà... gợi ngài nhớ mấy vần thơ trong Ca Dao: "Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm: Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông? Thuyền ai thấp thoáng bên sông, đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non." Mười mấy năm rồi, người người vẫn ra đi và nay không ai chấp nhận cho chỉ mảnh đất nhỏ nhoi làm nơi sinh sống dẫu rừng núi nơi đất nước họ bao la bát ngát còn để trống. Đất nước mình thật nhỏ bé, nhỏ hơn khu rừng hoang vu của dân xứ này...

Những người dân Việt đã ra đi may mắn có nơi ăn chốn ở, có công ăn việc làm, có cơ hội học hành tiến thân chắc chắn đang mang sứ mạng nào đó dù nhận biết hay không nhận biết. Ngày xưa, bao người ước mơ được ra ngoại quốc học hành để sau này đem tài sức mình về xây dựng đất nước... Ngày nay, cả triệu dân Việt đang có cơ hội học hỏi những cái hay, cái đẹp, văn hóa, truyền thống, văn minh kỹ thuật nước người... Những thành công nơi nhà trường, những sáng kiến, phát minh khoa học thay đổi cả chiều hướng nhận định bao lâu nay con dân Việt đã đạt được, tới ngày nao mới gom góp thành công cụ trở về đắp xây tiền đồ dân tộc? Tương lai, cha Lành tin tưởng vào tương lai của đất nước... Dân mình đã đi xuống tận đáy của hố thẳm... chẳng còn đường nào đi xuống tất nhiên phải đi lên. Tương lai dân tộc nhứt định sẽ sáng lạn... ánh hào quang đã bắt đầu lộ diện nơi nét mặt, ánh mắt những em bé Việt mới chập chững biết đi... cả một tương lai huy hoàng đang rọi chiếu bằng những khuôn mặt tiên tri này...

Ngày vinh quang dân tộc sẽ đến là kết quả của sự hoàn thành sứ mạng nơi những con dân Việt đối với tổ quốc, dân tộc dù sống tại quê hương hay nơi đất nước người... Những ai đang ở ngoại quốc chưa nhận ra mình được Trời ưu đãi, chưa nhận ra mình may mắn để rồi chưa tự đặt câu hỏi cuộc sống hiện tại của mình mang ý nghĩa gì? Mình được anh hồn dân tộc đưa đi để làm gì? Tương lai bắt đầu bằng hiện tại; thế hệ tương lai sẽ nghĩ ra sao về chúng ta? Họ sẽ rộn lên lòng cảm phục bởi chúng ta biết làm tròn sứ mạng đối với dân tộc, hay họ sẽ lên án, phỉ nhổ những bậc đàn anh đàn chị của họ chỉ biết hưởng thụ, bán đứng nhân cách người Việt cho vật chất xa hoa, cho thèm thuồng tư lợi? Tất nhiên, những gì chúng ta đang sống, đang làm bây giờ sẽ ảnh hưởng tới tương lai... Chúng ta đã được thừa hưởng công lao và di sản do tiền nhân dân Việt từ các đời trước để lại. Không duy trì và phát triển di sản đó để truyền lại cho thế hệ kế tiếp, mỗi người đã tự mặc lấy án tội đồ cho mình...

o o o

Thêm một lần kèn xe phía sau hối thúc báo hiệu đèn đã xanh, cha Lành đạp chân ga, bẻ tay lái quẹo hướng phòng cứu cấp bệnh viện...

- Cho tôi gặp em bé mười hai tuổi mới được đưa vô phòng cấp cứu chừng 45 phút vì tai nạn đụng xe...

- Hiện giờ các bác sĩ đang giải phẫu đầu em; cha làm ơn đợi, khi nào có thể tôi sẽ báo cho cha biết... Y tá trực trả lời với giọng nhẹ nhàng kiên nhẫn như trấn an thái độ vội vã của ngài...

Lã Mộng Thường

Tháng 8 - 1993



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả