Truyện Thơ THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ -02-





XUÂN THU CỐ SỰ TINH HOA

TỦ SÁCH TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA

============================


HÀN SĨ NGUYÊN




TRUYỆN THƠ


THỪA TƯỚNG

ỨNG HẦU

PHẠM THƯ



BẢN CHÍNH THỨC ĐÃ HIỆU ĐÍNH

-2002-



========================


.......................

Phạm Thư tận nghĩa tận trung

Nghĩ mình ăn quả, cố công vun bồi

Cúc cung tận tuỵ ở đời (61)

Biết đâu lòng dạ con người hiểm sâu

-2-


TU CỔ ĐI SỨ NƯỚC TỀ


Ngày kia vua Ngụy khai chầu

Bá quan văn võ đứng hầu hai ban

Chúa tôi quốc sự luận bàn

Phân vân chưa biết liệu toan cách nào

An Ấp, Tần muốn đã lâu

Ngày nay yêu sách phải giao năm thành

Không giao tất xảy chiến tranh

Đầu rơi máu chảy, quốc thành tan hoang

Thuận lòng chiều lũ sói lang (71)

Đem dê nuôi cọp, cọp càng thêm nanh

Ngày sau nó lại vồ mình

Chi bằng cự tuyệt dứt tình cho xong

Tu Cổ bàn kế sang Đông

Giao hoà lân quốc mua lòng Tề vương

Môi răng liên kết hỗ tương

Sách lược hợp nhất, song phương đồng hành

Vua rằng:-“Muốn kế ấy thành,

Phải cho sứ giả thuyết minh với Tề

Gấm trăm đoạn, lụa trăm xe (81)

Bạc vàng chẳng tiếc, chỉ e thiếu người

Trước sau không có nhân tài

Ai người du thuyết giãi bày chủ trương ?

Việc giao Tu Cổ đảm đương !”

Đại phu vâng lệnh rắp đường Đông du

Đem theo cả gã xa phu

Trước là giong ngựa sau nhờ trí mưu

Hành trang chuẩn bị lao xao

Cân phân mọi lẽ, hôm sau đăng trình

Đông thành có Trịnh An Bình (91)

Vóc người cao lớn dáng hình oai phong

Thân nhau trải mấy thu đông

Văn tài điêu luyện võ công hơn người

Ngày thường cơm độn ngô khoai

Anh em tương kính ngọt bùi sẻ chia

Nhân nay có việc sang Tề

Xin cùng Tu Cổ cho đi theo hầu

Đánh xe dắt ngựa có nhau

Mã phu chân ấy ai cầu mà chi

Đường xa có bạn có bè (101)

Giúp lo rơm cỏ, phòng khi chẳng lành

Hôm sau vừa rạng bình minh

Một đoàn xe ngựa rời thành Đại Lương

Vó câu trực chỉ viễn phương

Hai mươi mãnh tướng đường đường oai phong

Ba ngày rong ruổi ruổi rong

Thoắt đà đến trước cửa Đông nước Tề

Điệp văn trình báo mọi bề

Cổng thành rộng mở rước về dịch trung

Nghỉ ngơi đâu đó vừa xong (111)

Vua ban yến tiệc thưởng công sứ thần

Rượu ngon say đã bảy phần

Tề vương hạ lệnh hai quân tranh tài

Tướng văn tướng võ mua vui

Thưởng công trăm lượng cho người tài cao

Hai mươi mãnh tướng theo hầu

Kẻ trước tan tác, người sau quáng quàng

Cọp long móng, cua mất càng

Khôn nhà dại chợ, bẽ bàng lặng thinh

May mà còn Trịnh An Bình (121)

Mã phu nổi trận lôi đình ra oai

Một phen tráng sĩ trổ tài

Tướng Tề đổ máu, gãy tay, vỡ đầu

Người sứt trán, kẻ xuôi râu

Quan quân hổ thẹn, vương hầu thất kinh

Sức thua, thua đã phân minh

Lệnh vua lại khiến giao tranh cuộc cờ

Thử xem trí giả hiền ngu

Danh kỳ Tề quốc so đo sứ thần

Tu Cổ tốc chiến mất quân (131)

Phạm Thư kiên thủ khó phân thắng hoà

Sắp bày địa võng thiên la

Trấn biên mai phục, sơn hà tương thông

Liên hoàn trận, chiếm thượng phong

Kỳ binh tập kích khó mong vãn hồi

Vua tôi Tề quốc hỡi ơi

Kém anh dắt ngựa, thua người đánh xe

Lòng riêng, riêng những não nề

Tiếng là thượng quốc, cam bề thất cơ ?

An dân, quốc sách, binh cơ (141)

Ba câu vấn nạn, sững sờ kinh tâm

Mồ hôi Tu Cổ tuôn dầm

Rành rành có miệng hóa câm bao giờ

May thay còn có Phạm Thư

Lẹ làng ứng đối giải trừ khó khăn

Dễ dàng định quốc an dân

Dụng binh mưu trí quỷ thần cũng thua

Tề vương ngơ ngẩn ngẩn ngơ

Cười thầm vua Ngụy bỏ lơ nhân tài

Rõ là có mắt không ngươi (151)

Tài năng thế ấy làm người xa phu !

Thưởng cho vàng lụa gấm tơ

Khuyên mời ở lại, dưới cờ lập công.

Bấy giờ đại tiệc vừa xong

An Bình chí muốn nghinh phong theo Tề

Bàn rằng :-“Cơ cực hàn vi,

Bao năm ở Ngụy thảm thê não nùng

Tề vương có lượng bao dung

Chi bằng ở lại lập công xứ này !”

Thư rằng :-“Đạo lý xưa nay (161)

Lá rụng về cội, cáo quay về nguồn

Dẫu rằng ở Nguỵ héo hon

Lẽ nào tham lợi mưu toan giúp Tề

Mồ cha mả mẹ còn kia

Thế nào cũng phải trở về cố hương

Ngày nay phụ ý Tề vương

Ngày sau Trời sẽ dọn đường cho ta”

Bình rằng :-“Trí giả trông xa

Một lòng vì nước thật là đáng khen

Chỉ e tôi nịnh vua hèn (171)

Chuyến này về Ngụy khó yên trong ngoài

Trước là cơ hội phí hoài

Sau là khổ luỵ khiến người cười chê

Tốt hơn hãy ở lại Tề !”

Thư cười :-“Kẻ sĩ ngại gì dèm pha

Lương tâm sáng tựa sao sa

Hồ đồ thêu dệt, chẳng qua hồ đồ

Mặc cho thiên hạ mưu mô

Lẽ nào quân tử bo bo lợi mình

Thư này quyết chẳng ham danh (181)

Cũng không hám lợi cầu vinh xứ người

Chí ta, ta đã quyết rồi

Ra tài phụng sự vun bồi quê hương

Lâm Tri kim mã ngọc đường

Sao bằng tiểu tốt Đại Lương cô thành !”

Bình nghe kiên quyết ý tình

Thôi thì may rủi tử sinh mặc trời

Cam lòng bạn hữu có đôi

Cùng về cố quốc buồn vui chung phần

Tề, Nguỵ kết mối tương thân (191)

Sứ đoàn Tu Cổ nhanh chân ra về

Môi răng liên kết chở che

Mới mong ngăn chặn bánh xe nước Tần

Chia tay, vua lại ân cần

Chén quỳnh lưu luyến, tần ngần vó câu

Ban cho hảo tửu trân châu

Đinh ninh từ tạ, mau mau đăng trình.



[Còn tiếp]



========
Truyện thơ

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ

Giản chú

by NGU PHU

(Nguyễn Phú)

========


GIẢN CHÚ đoạn 2

TU CỔ ĐI SỨ NƯỚC TỀ



1-KHAI CHẦU: Mở một cuộc hội họp (định kỳ) giữa vua và các quan ở ngay tại cung đình.

(Khai chầu = khai trào = khai triều)

2-BÁ QUAN : Trăm quan, các quan

3-CHÚA TÔI : Vua và các bề tôi

4-QUỐC SỰ LUẬN BÀN : Thảo luận, bàn bạc về các sự kiện quan trọng trong nước

5-YÊU SÁCH : Đòi hỏi những điều quá đáng, khó thực hiện, khó đáp ứng.

6-QUỐC THÀNH :

-Kinh thành, thủ đô của một nước;

-Các thành trì trong nước

7-LŨ SÓI LANG : bọn người độc ác như chó sói, chỉ chực phanh thây xẻ thịt người khác

8-CỰ TUYỆT : Từ chối dứt khoát, từ chối thẳng thừng.

9-LÂN QUỐC : Nước láng giềng (Như : Lân bang)

10-HỖ TƯƠNG : lẫn nhau; giúp đỡ cho nhau

11-SÁCH LƯỢC HỢP NHẤT, SONG PHƯƠNG ĐỒNG HÀNH : Hai nước có chung một chính sách (đối ngoại), thống nhất cùng nhau hành động , cùng đi chung đường với nhau.

12-THUYẾT MINH : giải thích, trình bày cho rõ ràng một vấn đề nào đó

13-RẮP (ĐƯỜNG ĐÔNG DU) : chuẩn bị sẵn trong đầu (mọi cách thức, mọi đường lối sẽ thực hiện khi sang Tề đi sứ)

14-HÀNH TRANG : hành lý, vật dụng mang theo khi đi đường

15-CÂN PHÂN : Tính toán tỉ mỉ, chi tiết, rõ ràng, kỹ lưỡng

16-ĐĂNG TRÌNH : Lên đường, bắt đầu một chuyến đi

17-MẤY THU ĐÔNG : Mấy năm

18-ĐIÊU LUYỆN : Cực khéo, cực giỏi

19-MÃ PHU : Người chăn dắt ngựa

20-VIỄN PHƯƠNG : Phương xa

21-MÃNH TƯỚNG : Tướng mạnh

22-ĐIỆP VĂN : văn thư, văn kiện chính thức của nước này gửi cho nước kia, nhằm thông báo một sự kiện quan trọng, hoặc giới thiệu một người nào đó đảm nhận một nhiệm vụ chính thức được phân công. Từ hiện đại gọi là “thông điệp”, “quốc thư”, “uỷ nhiệm thư”.

23-DỊCH TRUNG : (Như : quán dịch, dịch quán, dịch đình, dịch đường)

Nơi dành riêng cho các đoàn khách nước ngoài nghỉ ngơi khi đi sứ . Từ hiện đại là “Nhà khách ngoại giao đoàn”, “Lễ tân phủ”.

24-QUÁNG QUÀNG : Cuống cuồng lên vì tối mắt tối mũi, không còn phân biệt được đông tây nam bắc gì nữa.

25-NỔI TRẬN LÔI ĐÌNH : nổi giận đùng đùng.

Ngày xưa ở chốn công đường, khi các quan phụ mẫu nổi cơn tức giận, thường quát tháo ầm ầm như sấm như sét, khiến dân đen thất kinh hồn vía, vì thế mới gọi là “nổi trận lôi đình”. Công đường, nơi xử án, cũng được gọi là “sân lôi đình” vì lẽ ấy.

26-THỬ XEM TRÍ GIẢ HIỀN NGU : Thử xem xem những người mưu trí, thực sự giỏi hay là dở.

-Hiền : giỏi, có tài có đức

-Ngu : kém cỏi, vụng dại, ít tài thiếu đức

-Trí giả : Người có mưu trí, người có học thức

27-DANH KỲ : Những người đánh cờ giỏi, nổi tiếng.

28-TỐC CHIẾN : đánh nhanh, đánh ào ạt, mục đích muốn thắng nhanh.

29-KIÊN THỦ : Kiên trì, kiên cường phòng thủ. Thủ ráo riết, chắc chắn, kín kẽ, không để lộ ra sơ hở nào cho đối phương khai thác.

30-ĐỊA VÕNG THIÊN LA : Những tấm lưới bủa giăng khắp trên trời dưới đất, không cho người và chim chóc, muông thú ra thoát. Ý là : “xiết chặt vòng vây”.

31-TRẤN BIÊN MAI PHỤC :

-Mai phục : Giấu quân, không lộ diện, nhằm đánh bất ngờ, mãnh liệt vào đối phương

-Trấn biên : Những vùng biên cương, biên giới, vùng hoang vắng hiểm trở, xa nơi kinh thành.

32-SƠN HÀ TƯƠNG THÔNG : Núi và sông thông được với nhau. Ý nói các vùng trong nước đều dễ dàng qua lại, tiếp ứng, cứu viện cho nhau.

33-LIÊN HOÀN TRẬN : Một trận thế trong đó các thành phần quân đội tham gia đều giữ được mối dây liên kết chặt chẽ, sẵn sàng ứng cứu cho nhau, không có thành phần nào bị cô lập, tách rời ra khỏi tổng thể.

34-THƯỢNG PHONG : Thế trên gió, thế xuôi gió; Nghĩa là “thế thuận lợi”.

35-KỲ BINH :

-Chính binh : là quân dàn trận đánh thẳng vào chính diện trận địa đối phương.

-Kỳ binh : là quân đánh bất ngờ, từ một hướng phụ không ai ngờ, đột nhiên tham chiến.

36-TẬP KÍCH : Từ xa, tiến đến đánh bất ngờ vào địch quân. (Như : Bôn tập)

37-VÃN HỒI : Cứu vãn lại một cái đã thua, đã hỏng, đã mất.

38-THƯỢNG QUỐC : Nước lớn hơn, nước mạnh hơn.

39-THẤT CƠ : Mất thời cơ, mất tiên cơ, mất thế chủ động, mất ưu thế thuận lợi.

40-AN DÂN, QUỐC SÁCH, BINH CƠ : Ba vấn đề lớn của một quốc gia, những sách lược để yên dân, trị nước, tổ chức quân đội.

41-VẤN NẠN : Những câu hỏi khó đáp, khó giải quyết; những vấn đề đau đầu; câu hỏi đố nhằm làm cho người ta phải bế tắc.

42-KINH TÂM : Hoảng sợ đến nỗi tim đập huỳnh huỵch.

43-ỨNG ĐỐI : Tuỳ theo, nương theo người ta mà có cách đối đáp thích hợp với hoàn cảnh, với tình thế lúc ấy.

44-GIẢI TRỪ : Gỡ bỏ, giải thoát

45-ĐỊNH QUỐC AN DÂN : Làm cho dân được yên ổn sinh sống, nước được thái bình thịnh trị.

46-DỤNG BINH : Dùng binh, cầm quân đánh trận.

47-NGHINH PHONG : Đón gió. Đoán trước cơ hội tốt của thời thế mà có cách xử lý thích hợp, mục đích thu được ích lợi nhất cho mình.

48-CƠ CỰC HÀN VI : Đói lạnh, khổ sở.

49-LƯỢNG BAO DUNG : lòng độ lượng, rộng mở, biết tha thứ, không chấp nê, bắt lỗi người khác.

50-ĐẠO LÝ : Lẽ phải, đường ngay . Những chuẩn mực đạo đức trong xã hội mà con người phải theo, để xứng đáng gọi là “Người”

51-CÁO QUAY VỀ NGUỒN : Do câu tục ngữ “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”, cũng giống như câu “Lá rụng về cội”, đều có chung một ý là “con người phải biết đến cội nguồn, không được quên gốc tích cũa mình”

52-CỐ HƯƠNG : Làng cũ, quê cũ - Cố quốc : Nước cũ.

53-TRÍ GIẢ : Người có tri thức, có mưu trí, có hiểu biết, có học.

54-HỒ ĐỒ THÊU DỆT, CHẲNG QUA HỒ ĐỒ :

Những người thêu dệt chuyện, bịa đặt chuyện (một cách hồ đồ) nhằm nói xấu người khác, chẳng qua chỉ chứng tỏ bản thân họ là “người hồ đồ” mà thôi

(Hồ đồ : Hàm hồ, bừa bãi, nói lấy được, bịa đặt chuyện không cần biết đến lẽ phải)

55-QUÂN TỬ : Người tốt, người hiền, người vị tha bao dung (phản nghĩa của “Tiểu nhân” là “kẻ nhỏ mọn, ích kỷ”)

56-CẦU VINH : mưu toan tìm lấy sự vẻ vang, mưu lợi cho bản thân

57-KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG : Nhà bằng ngọc, ngựa bằng vàng. Ý nói nhà cao cửa rộng, giàu có, quyền thế.

58-TIỂU TỐT : Lính quèn, người tầm thường không có vai vế gì trong cộng đồng.

59-CÔ THÀNH : Thành luỹ đơn lẻ, không ai trợ giúp.

60-TỬ SINH : Chết và sống.

61-TƯƠNG THÂN : thân nhau, hoà hoãn với nhau, thân thiết với nhau.

62-CHÉN QUỲNH : tức “chén quỳnh tương” = chén rượu quý.

63-HẢO TỬU TRÂN CHÂU : Rượu ngon, ngọc quý.

64-ĐINH NINH TỪ TẠ : Cám ơn, nhưng nhất định khăng khăng từ chối, không nhân.


========
Truyện thơ

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ

Bình chú

by HỒNG THẤT CÔNG

(Nguyễn Hồng Bảy)

========


Bình chú đoạn 2


1-Thủ pháp phục bút “20 viên mãnh tướng”



Khi phái đoàn Tu Cổ chuẩn bị đi sứ nước Tề, người viết đã nhẹ nhàng hạ mấy câu như sau :

Hôm sau vừa rạng bình minh

Một đoàn xe ngựa rời thành Đại Lương

Vó câu trực chỉ viễn phương

Hai mươi mãnh tướng đường đường oai phong



Đi sứ tất phải có người bảo vệ cho sứ thần và các tặng phẩm vàng lụa, việc 20 viên tướng mạnh đi theo hộ vệ cũng là điều hợp lý. Oai phong cũng là điều hợp lý.

Cái uy nghi lẫm liệt ấy thể hiện qua 4 chữ “đường đường oai phong”. Chỉ thế thôi nhưng cũng đủ cho thấy đó là 20 con người cao lớn, hùng dũng, hiên ngang qua tầm vóc của thân xác, qua uy nghi của dáng vẻ, qua rực rỡ của y giáp


Chỉ nói vài câu rồi lảng sang chuyện khác.

Mười một câu sau đó, ở câu 117-120, ta lại bất ngờ gặp lại 20 viên mãnh tướng ấy, nhưng trong một bối cảnh khác, bối cảnh cuộc so tài ở triều đình Tề, cái “oai phong” của 20 viên tướng mạnh ấy được nối tiếp như sau :

Hai mươi mãnh tướng theo hầu

Kẻ trước tan tác, người sau quáng quàng

Cọp long móng, cua mất càng

Khôn nhà dại chợ, bẽ bàng lặng thinh



Thật là bất ngờ.

Đó chính là thủ pháp “Phục bút” : ở đoạn trước nói lướt qua một điều gì đó, tưởng là tầm thường, để rồi ở đoạn khác tiếp nối sau, trở lại điều ấy với những bất ngờ thú vị, thậm chí đảo ngược hoàn toàn tất cả nhãn quan, định kiến trước đó.

Té ra cái oai phong của họ chỉ là như thế mà thôi : “Khôn nhà dại chợ !”


Phục bút “20 viên mãnh tướng” như thế, chắc hẳn là phải có mục đích !

2-Sự xuất hiện từ rất sớm của Trịnh An Bình :


Trong Sử ký Tư Mã Thiên và Đông Chu liệt quốc diễn nghĩa, Trịnh An Bình chỉ xuất hiện sau khi Phạm Thư lâm nạn, ra tay cứu sống Phạm Thư, rồi cùng nhau theo Vương Kê sang Tần.

Trong truyện thơ TTUHPT, Trịnh An Bình được HSN cho xuất hiện rất sớm, cùng theo Tu Cổ và Phạm Thư đi sứ nước Tề. Hư cấu như vậy hẳn là phải có lý do.


Dễ dàng nhận thấy, đoạn phục bút “20 viên mãnh tướng ... thua tơi tả”, cốt để đề cao anh mã phu Trịnh An Bình. Và qua anh mã phu tài giỏi này, đối chiếu những điều họ nghị luận với nhau trong vấn đề “sang Tề” hay “về Nguỵ”, để khắc hoạ ... người xa phu Phạm Thư vậy.


Tóm lại, việc cho Trịnh An Bình xuất hiện sớm, cũng như việc phục bút “20 viên mãnh tướng ... đại bại” chỉ nhằm một mục tiêu là giới thiệu các nhân vật chính qua hành động cụ thể mà thôi. Đó cũng chính là một kỹ xảo điện ảnh vậy.

Hồng Thất Công

=========================




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả