Lã Mộng Thường
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]


Thao thức

Cũng như mọi tín hữu Kitô giáo, tôi đã được dạy và tin theo rằng phúc âm là lời của Chúa;nói cách khác, phúc âm là Tin Mừng đức Giêsu rao giảng đã hơn hai ngàn năm khi Ngài còn tại thế, và Ngài được sai đến để chịu chết, chuộc tội cho loài người. Mọi Kitô hữu đều tin như vậy; dĩ nhiên, tôi cũng tin theo và cảm thấy an lòng vì được Thiên Chúa đoái thương, yêu thương, và tha thứ cho tất cả những lỗi lầm của thân phận làm người trong cõi nhân sinh, và sau khi thân xác tôi qua đi, linh hồn sẽ được trở về hưởng nhan thánh Ngài.

Năm tháng dần trôi, tất nhiên tôi không thể thoát khỏi cảnh “Đa thọ, đa nhục.” Tôi không bao giờ có ý tìm hiểu lời cổ nhân, “Đa nhục” thực sự mang nghĩa nào, hoặc bất mãn vì tuổi già, sức yếu, bất bình với những gì muốn thực hiện nhưng đã không thể đành xuôi tay cho những ước mơ thời niên thiếu trôi vào dĩ vãng, hoặc cảm thấy thua kém lớp đàn em nhiều sáng kiến, lắm phát triển; trong khi mình càng ngày càng tàn lụi nơi thời điểm mùa thu của cuộc đời. Có điều, tôi không dù chỉ đôi chút ăn năn về thân phận kiếp người mà cảm thấy mình thật may mắn đã có cơ hội được làm người. Lẽ đương nhiên, con người thì luôn lầm lỗi nhưng chính những lỗi lầm đã trở thành cơ hội cho tôi học thêm nhiều bài học mới, nâng cao nhận thức.

Tuy nhiên, có nỗi thao thức bẩm sinh nào đó luôn thúc đẩy tâm tư khao khát nhận biết cho rõ ràng thế nào là tin vào Chúa, tin vào đức Kitô, cũng như linh hồn mình là gì, liên hệ đến thân xác, cuộc đời của tôi ra sao. Là tín đồ Kitô giáo, Kinh Thánh, đặc biệt bốn cuốn phúc âm đã khiến tâm tư tôi nêu lên nhiều câu hỏi chẳng những từ bản chất của những câu nói, dụ ngôn, mà còn đặt vấn đề sao có thể áp dụng lời Chúa nơi cuộc đời mình. Tin vào Chúa thì tin thế nào? Vậy Chúa là gì? Tin vào đức Kitô thì những lời dạy của Ngài đóng vai trò nào nơi cuộc đời của tôi?

Thử xét, phỏng những câu, “Nếu mắt các ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm, thì hãy móc nó đi, thà ngươi chột mắt mà vào Nước Thiên Chúa, còn hơn có hai mắt mà bị quăng vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không chết và lửa không tắt” (Mc. 9:46-47), hay, “Quả thật Ta bảo các ngươi: giàu có khó mà vào được Nước Trời. Ta lại bảo các ngươi, lạc đà vào lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Trời” (Mt. 19:23-24), sao lại được gọi là Tin Mừng. Hơn nữa, câu, “Kẻ nào yêu cha mẹ hơn Ta không đáng là môn đệ Ta” (Mt. 10:37), phải là tin buồn cho các bậc cha mẹ, chứ sao lại dám hô ầm lên là Tin Mừng đức Giêsu rao giảng.

Hầu thỏa mãn nỗi thao thức tâm tư, tôi đã phải lục lọi từ bất cứ tài liệu hoặc sách vở nào có trong tay. Các học giả và chuyên viên Kinh Thánh đều cho rằng ba phúc âm, Matthêu, Marcô, và Luca vì có nội dung giống nhau nên được gọi là Phúc Âm Nhất Lãm. Đại khái ba phúc âm này được viết về sinh nhật, những lời rao giảng, sự khổ nạn, và sống lại của đức Giêsu. Phần Tiểu Dẫn Vào Tân Ước nơi cuốn Kinh Thánh, bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn, dòng Chúa Cứu Thế, trang XXXI, có tiểu đề, “Chúa Giêsu Rao Giảng Nước Thiên Chúa.” Tiểu đề này kích thích tâm tư tôi nêu câu hỏi, thế tại sao tin theo Chúa Giêsu, chúng ta không tìm kiếm Nước Thiên Chúa mà lại rao truyền Chúa Giêsu đến thế gian chuộc tội cho loài người? Đồng thời, nơi phúc âm Matthêu cũng có lời khuyến khích, "Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài" (Mt. 6:33). Chúa Giêsu chẳng bao giờ rao giảng sinh nhật và cái chết của Ngài; ngoại trừ phúc âm Gioan, phúc âm của suy nghiệm về cuộc đời Chúa Giêsu; thế lời rao truyền Chúa Giêsu đến chuộc tội cho loài người phát xuất từ đâu?

Lục tới, lục lui, tôi mới kiếm ra được sự thể này từ thánh Phao lô, và ngài lại cũng công bố rằng từ truyền thống, “Vì tiên vàn, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta theo lời Kinh Thánh” (1Cor. 15:3). Có điều gì nghịch lý nơi đây bởi chính thánh Phao lô đã khuyến khích, “Đừng dập tắt thần khí, chớ khinh thị các ơn tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy và hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” (1Thes. 5:19-21), với điều kiện tâm trí tự do tuyệt đối, “Đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian chứ không theo đức Kitô” (Col. 2:8). Điều khiến tôi ngạc nhiên là chính thánh Phao lô minh xác, “Anh em không biết sao, thân xác anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em” (1Cor. 6:19-20), bởi không kiếm được nguyên nhân thánh nhân suy nghiệm từ đâu.

Nghiệm xét mọi sự, khiến tôi xất bất xang bang. Muốn nhờ vào những lời rao giảng của Chúa Giêsu qua phúc âm cho chắc ăn thì lại phải đối diện với những câu nói ngang ngược, nghịch thường; thế nên, tưởng rằng lời Chúa dẫn dắt, ai ngờ lời Chúa dồn tâm trí tôi đối diện với đám mây mù tối, chẳng khác chi rợ vô rừng giữa đêm ba mươi. Chẳng những thế, lời Chúa còn thách đố, “Ai có tai thì nghe,” giời, những 8 lần, (Mt. 11:15; 13:9; 43; Mc, 4:9; 23; 7:16; Lc. 8:8; 14:35). Có điều, tôi nghe bằng mắt; vì thời Chúa rao giảng, tôi chưa được sinh ra.

Bởi nghĩ rằng phúc âm được viết nơi miền Trung Đông nên bị ảnh hưởng kiểu cách diễn xuất Đông Phương trong lối trình bày tư tưởng, nhận thức, tôi mò qua ít cuốn kinh sách đạo học Đông Phương. Tiện đây, tôi cũng xin có lời ghi ơn tới những tác giả và dịch giả kinh sách Đông Phương. Không có chúng, cho đến muôn đời, phúc âm đối với tôi vẫn chỉ là lời Chúa đành để Chúa hiểu mà thôi. Và như vậy, những dòng chia sẻ tâm tình luẩn quẩn do nỗi thao thức bẩm sinh nơi tôi hy vọng khêu gợi nỗi thao thức của quý vị, phần nào ít được để tâm tới.

Mùa Phục Sinh 2022.

lãmộngthường