Truyện Thơ THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ -04-






XUÂN THU CỐ SỰ TINH HOA

TỦ SÁCH TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA

============================


HÀN SĨ NGUYÊN




TRUYỆN THƠ


THỪA TƯỚNG

ỨNG HẦU

PHẠM THƯ



BẢN CHÍNH THỨC ĐÃ HIỆU ĐÍNH

-2002-


=============================



..........................


Tai to vạ lớn sẵn chờ

Lá vàng trước gió đong đưa phương nào ?

Lục bình trôi dạt về đâu ?

Ai hay gió thảm mưa sầu chờ ai ?

-4-


PHẠM THƯ LÂM NẠN


Mặt trời vừa xế non Đoài

Đại phu ra lệnh đưa ngài nhập cung

Đến ngay tướng phủ Nguỵ công (291)

Để cùng dự tiệc ăn mừng Đông du

Lòng ngay chẳng chút ưu tư

Phạm Thư vội vã đón đưa tận tình

Xe vừa vào đến trung dinh

Lệnh cho chờ đợi bên đình phía tây

Bá quan văn võ vui vầy

Thịt cao lấp núi, rượu đầy loang sông

Cười cười nói nói ung dung

Ca nhi múa hát, tơ đồng reo vui

Rượu say nghiêng ngả đất trời (301)

Bấy giờ mới liệu cuộc chơi khảo tù

Truyền cho bắt gã xa phu

Đưa vào chính điện công tư nghiêm hình

Phạm Thư chưa hiểu nội tình

Thoắt đà ngã gục tan tành thịt xương

Một là phản bội quân vương

Hai là cấu kết ngoại bang mưu đồ

Ba là tiết lộ quân cơ

Bốn là bôi bác nhuốc nhơ triều đình

Trăm ngàn con mắt thất kinh (311)

Chỉ e liên luỵ đến mình mà thôi

Hết cùm kẹp, lại đòn roi

Máu loang mặt đất chưa vơi nhục hình

Phạm Thư vía bạt hồn kinh

Nhất thời chỉ biết vật mình kêu than

Trời cao cách biệt nhân gian

Không bênh không vực để oan người hiền

Ngụy Tề càng đánh càng điên

Men say càng bốc, ghét ghen càng nồng :

-“Đánh cho chết đứa cuồng ngông (321)

Đánh cho hết kẻ ám thông nước ngoài

Đánh cho tiệt nọc tay sai

Đánh cho trắng mắt những loài dèm pha”

Bá quan văn võ ngẩn ngơ

Hồn ai nấy giữ, cốt ngừa sát thân

Tu Cổ bạc ác bất nhân

Con ngươi trắng dã, lưỡi lằn đẩy đưa :

-“Oán thù chớ để dây dưa

Chẳng may cọp dữ Phạm Thư thoát nàn

Mưu thần chước quỷ đa đoan, (331)

Nhổ cỏ sạch rễ, vạn toàn về sau

Một đao giết nó cho mau

Dưỡng hổ di họa, ngày sau khó lòng !”

Ngụy Tề chẳng nghĩ sâu nông

Lệnh :-“Mau đánh chết, quẳng trong nhà cầu

Từ quan cho chí lính hầu

Luân phiên tiểu tiện lên đầu tội nhân

Đáng đời mi, kẻ phản thần

Nêu gương cho lũ gian nhân soi vào”

Đầy sân vương vãi máu đào (341)

Xương tan thịt nát, cuộn vào chiếu thâm

Hồn trung phách dũng xa xăm

Lững lờ quanh quất, âm thầm phiêu du

Vật dơ nước uế tưới vô

Giật mình lai tỉnh, giả vờ còn mê

Nhục hình chịu đã ê chề

Người người trở lại rượu chè đàn ca

Quân canh còn chú lính già

Phạm Thư khẽ cựa, thiết tha khẩn cầu :

-“Ngụy Tề kết oán quá sâu, (351)

Một khi tan yến lẽ nào chịu dung

Bây giờ nhân lúc tiệc nồng

Giúp ta, ta sẽ dốc lòng đền ơn

Cứu người nghĩa trọng bằng non

Theo chi kẻ ác, tiếng hờn muôn thu

Dẫu xây chín dặm phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người

Vào thưa xác đã bốc mùi

Xin đem vứt bỏ ra nơi cánh đồng

Bấy giờ ta trốn mới xong (361)

Tử sinh hai ngả cậy trông nơi người”.

Lính già nhân hậu cả đời

Yêu người công chính, ghét loài vô lương

Oan mờ trời đất thì thương

Vâng theo kế ấy trọn đường thiện nhân

Ngụy Tề say đã bảy phần

Mải vui không nghĩ xa gần thực hư

-“Mau mau vứt xác Phạm Thư

Xương cho cầy cáo, thịt cho quạ diều

Làm gương răn lũ dân điêu (371)

Thử xem còn dám làm liều nữa không ?”

Được lời như cởi tấc lòng

Đưa ngay bó chiếu ra đồng mà quăng

Lôi lôi kéo kéo lăng xăng

Tay năng hành thiện, lòng vâng ý trời

U minh thiên lý rạng ngời

Người hiền tất sẽ có người chở che

Lính già cuốn chiếu đem đi

Trời đêm hiu hắt, đường khuya miệt mài

Phạm Thư thoát được nạn tai (381)

Dập đầu bái tạ, ơn tày tái sinh :

-“Xin người cho biết tính danh

Ngày sau báo đáp ân tình hôm nay”

-“Sá gì việc cỏn con này

Mau đi cho chóng thoát tay Ngụy Tề

Kẻ kia vốn dĩ đa nghi

Thế nào cũng đuổi cũng truy đến cùng

Miễn là thoát được lao lung

Ngày sau hội ngộ tương phùng có phen

Gọi ta là “Gã lính quèn” (391)

Là “Người cuốn chiếu”, họ tên quên rồi !”

Chia tay lòng những bồi hồi

Miệng hùm hang sói, thương ôi nghĩa tình

Mới hay áo rách lòng lành

Thẹn thay những kẻ tham danh hại người

Lê thân một quãng đường dài

Máu ra lai láng, khắp người mỏi mê

Kêu to ba tiếng não nề

Phách rời thể xác, hồn lìa nhân gian.



[Còn tiếp]



========
Truyện thơ

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ

Giản chú

by NGU PHU

(Nguyễn Phú)

========


GIẢN CHÚ đoạn 4

PHẠM THƯ LÂM NẠN



1-LÂM NẠN : vương vòng hoạn nạn, vướng phải tai nạn, mắc nạn

2-NON ĐOÀI : Ngọn núi phía Tây

3-NHẬP CUNG : Vào cung

4-TƯỚNG PHỦ : Dinh tướng quốc; nghĩa rộng là dinh của một vị tướng nào đó.

5-ƯU TƯ : Lo âu, nghĩ ngợi

6-TRUNG DINH : Dinh giữa, dinh chính, toà nhà chính trong dinh (nghĩa khác : doanh trại chính trong quân)

7-CHÍNH ĐIỆN : Căn phòng chính, nơi dùng để hội họp, hoặc tiếp đãi quan khách, hoặc thờ cúng

8-CÔNG TƯ NGHIÊM HÌNH : Dùng hình phạt nghiêm khắc trừng trị cả tội công lẫn tội tư

9-NỘI TÌNH : Những tình tiết bên trong, những điều bí ẩn đàng sau một sự kiện nào đó không được nói ra công khai.

10-ÁM THÔNG : Lén lút thông đồng, quan hệ với ai.

11-CON NGƯƠI TRẮNG DÃ : Do câu tục ngữ “Mắt trắng, môi thâm” chỉ những người gian giảo độc ác

12-LƯỠI LẰN ĐẨY ĐƯA : Do câu tục ngữ “Miệng lằn, lưỡi mối” chỉ những kẻ miệng mồm nanh nọc, hay bày đặt chuyện để hại người.

13-THOÁT NÀN : thoát nạn

14-NHỔ CỎ SẠCH RỄ : (Trảm thảo trừ căn) Nhổ cỏ mà không sạch rễ ắt là cỏ sẽ mọc lại, ý nói làm việc gì cũng phải dứt khoát, làm đến nơi đến chốn, không để phát sinh tai hoạ về sau.

15-DƯỠNG HỔ DI HỌA : Nuôi cọp ắt là để lại tai hoạ về sau. Khi cọp lớn lên, hoặc khi lành vết thương, cọp sẽ vồ mình.

16-LAI TỈNH : tỉnh lại sau một cơn hôn mê.

17-PHÙ ĐỒ : đường nổi, tức là cầu.

Ca dao có câu :

“Dù xây chín dặm phù đồ,

Không bằng làm phúc cứu cho một người”

Xây đền , dựng chùa, làm đường, bắc cầu ... đều là những việc công quả, làm phúc, giúp người, giúp đời. Nhưng không có việc phúc đức nào to lớn bằng việc “cứu người mắc nạn”.

18-NHÂN HẬU : đầy lòng nhân ái (yêu người).

19-CÔNG CHÍNH : (công bình chính trực) người ngay thẳng, không thiên lệch.

20-VÔ LƯƠNG : (vô lương tâm) không có lòng tốt (Lương = tốt)

21-THIỆN NHÂN : người ăn ở hiền lành, không gian dối độc ác.

22-DÂN ĐIÊU : những kẻ điêu ngoa, ăn không nói có, ăn đứng dựng ngược, bịa chuyện nói càn nói bậy.

23-NĂNG HÀNH THIỆN : Thường xuyên làm việc thiện

24-U MINH THIÊN LÝ RẠNG NGỜI : Trong cõi u minh, ở chốn tối tăm cũng vẫn có lòng trời - Lẽ trời (“Ở hiền gặp lành” chẳng hạn) vẫn sáng ngời, rạng rỡ ở khắp mọi nơi, kể cả ở những nơi tối tăm đầy bất công áp bức.

25-BÁI TẠ : Vái lạy cám ơn

26-ƠN TÀY TÁI SINH : Công ơn này sánh bằng công sinh ra một lần nữa. Ví ngang với công cha mẹ sinh thành ra mình.

27-LAO LUNG : (Lao : nhà ngục – Lung : chiếc lồng) : Những chốn giam giữ, nơi cầm tù.

28-HỘI NGỘ TƯƠNG PHÙNG : gặp lại nhau

29-MIỆNG HÙM HANG SÓI, THƯƠNG ÔI NGHĨA TÌNH : Nghĩ mà thương cho người lính quèn có nghĩa có tình, sau khi làm phúc cứu người, không hiểu sẽ ra sao khi trở lại dinh Nguỵ Tề, là hang ổ của lũ hùm sói hung ác.

30-PHÁCH RỜI THỂ XÁC, HỒN LÌA NHÂN GIAN : Theo quan niệm xưa, trong mỗi người sống có tồn tại “ba hồn bảy vía (phách)”, giúp cho có tri thức, biết hoạt động, không vô tri bất động như cỏ cây gỗ đá. Cả câu có nghĩa là “chết”, hoặc ít ra thì cũng là “bất tỉnh, hôn mê”



========
Truyện thơ

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ

Bình chú

by HỒNG THẤT CÔNG

(Nguyễn Hồng Bảy)

========


Bình chú đoạn 4

PHẠM THƯ LÂM NẠN


1-Người ngay mắc nạn


Ở đời, sẽ chỉ là một điều bình thường thôi nếu kẻ độc ác gian xảo mắc phải nạn tai, việc ấy hợp với logic nhân quả : gieo nhân nào được quả nấy, và “kẻ ác lâm nạn” thường cũng chỉ nhận được hai tiếng “Đáng đời”


Khốn thay, kẻ ác lại hiếm khi ... lâm nạn, trong tay một khi đã có dồi dào tiền bạc, thế lực, sức mạnh thì quả là cũng khó mà lâm nạn thật.


Ngược lại, kẻ thường xuyên vướng phải trắc trở, rủi ro, tai ương, hoạ kiếp lại chính là những người thân cô thế cô, thấp cổ bé miệng, nghèo khó yếu đuối, thế lực của họ chẳng khác nào thế lực của đứa trẻ lên ba : mỏng manh như bọt bèo, dễ vỡ như bong bóng. Tất cả những tai ương ấy được quy về cho vận số, cho thiên mệnh như một lời giải thích đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu để mà yên lòng ... chấp nhận !!!


Đến trường hợp của những người như Nhạc Phi đời Tống, đại tướng chỉ huy cả toàn quân, được nhân dân yêu mến, lòng trung chói lọi như vầng thái dương, dũng khí cao ngất tận trời xanh, tài cầm quân nghiêng sông lật núi ... vậy mà cuối cùng cũng lâm nạn, chịu chết ở Phong ba đình. Có phải là Nhạc Phi cô thân cô thế đâu, có phải là Nhạc Phi thấp cổ bé miệng đâu, sao cũng vương vào tai ương, hoạ kiếp ? Câu giải thích cũng lại được quy về cho ... thiên mệnh !!!


Người ngay lâm nạn thường được đại đa số quần chúng nhân dân tỏ ra đồng cảm. Xót xa cho họ mà cũng xót xa cho chính bản thân mình chăng ? Mơ ước “thiên lý phục hồi, nhân quả báo ứng” là mơ ước cho họ mà cũng là mơ ước cho bản thân mình vậy !


Phạm Thư, một người tài trí nhưng xuất thân hàn vi, vốn chỉ là một gã xa phu đánh xe cho chủ, giả như biết cam chịu “Gối rơm theo phận gối rơm, có đâu dưới thấp lại chồm lên cao” thì hẳn là đã không ... rách việc !


Tài hoa mà chi, sắc sảo mà chi, để cho chúng nhân ghét ghen, đố kỵ lắm vậy !


Lúc ở Tề, nếu Phạm Thư suy nghĩ theo kiểu Tu Cổ (thấy lợi là vồ ngay lấy), hoặc hành động theo kiểu Trịnh An Bình (thực tế hơn, ít lý tưởng hoá hơn) thì hẳn là cũng không mắc nạn. Tấm lòng hiếu thảo với mẹ cha, tấc dạ thuỷ chung với quê hương, ý chí chân thành trung quân báo quốc, dẫn tới một hành động TRỞ VỀ.

Và vừa trở về là tức khắc mắc nạn.


Đọc qua những diễn biến ấy, người đời sau không khỏi cảm thấy đôi chút chua xót, bùi ngùi vậy.

2-Áo rách lòng lành


Người xưa có câu :”Đồng bệnh tương lân” (Cùng mang một căn bệnh như nhau, dễ nảy sinh ra lòng thương xót lẫn nhau). Quả thật như vậy, có thể nói không sợ sai ngoa rằng chỉ có những người đã từng kinh qua trăm ngàn khổ cực, khốn cùng mới biết xót thương những người cùng khổ mà thôi. Chính vì vậy mà những người áo rách lòng lành thời nào cũng có, ở đâu cũng có

Nhân khi lạm bàn về hai chữ “Rách-Lành”, có thể tạm thời phân chia người đời ra thành bốn hạng :

-Kẻ áo lành lòng ... rách, bản thân no cơm ấm áo nhưng lại làm ngơ trước những khốn khó của những người cùng khổ, ốm đau, hoạn nạn chung quanh. Họ bưng tai bịt mắt mình lại để khỏi thấy, khỏi nghe tha nhân rên siết. Còn đâu là tình người nữa ? Hạng người này thực tế chỉ là những kẻ bỏ đi, chẳng có gì đáng phải luận bàn.

-Kẻ áo rách lòng ... rách cũng tương tự như vậy, nhưng còn có điểm để mà giải thích, phân bua, hoặc nguỵ biện rằng : Bản thân tôi cũng khốn cùng đây, còn cưu mang cho ai được nữa ??? Với quan niệm ấy, họ có thể tự ru ngủ mình, yên lòng nhắm mắt bịt tai, giả mù giả điếc trước những lời kêu cứu thống thiết của tha nhân. Tuy vậy, xét cho cùng, thực sự cũng chỉ đáng tiếc cho hạng người này mà thôi, chứ họ cũng không đáng trách cho lắm, bởi vì “Ốc không lo nổi cho Ốc, còn mong gì cứu vãn cho ai ???”

-Kẻ áo lành lòng lành : Bản thân được no cơm ấm áo, nhưng còn biết chia sẻ với tha nhân, rộng tay giúp đỡ người cùng khổ. Được như thế đã là biết phát huy những phẩm chất tốt đẹp của CON NGƯỜI lắm rồi

-Kẻ áo rách lòng lành Bản thân họ ăn bữa nay lo bữa mai, cái nghèo cái khổ luôn luôn chực chờ rình rập, nhưng biết mở rộng tay rộng lòng cùng những người khốn khổ chung quanh . Còn gì quý hơn những hành động nhịn bớt phần ăn ít ỏi của mình sẻ chia cho người ? Còn gì quý hơn những hành động đem manh áo vá duy nhất của mình cho người khác đắp lúc trời giá rét ? Những hành động đại loại như thế có thể nói là cực trân cực quý, và những kẻ áo rách ấy đáng mến, đáng trọng hơn những người trưởng giả rất nhiều vậy.


“Gã lính quèn”, “Người cuốn chiếu” trong đoạn thơ này chính là thuộc về cái tầng lớp ... “Bồ Tát dưới lốt Ăn Mày” ấy vậy ! Và cái hình ảnh “áo rách lòng lành” ấy đặt bên cạnh những vị quan đầu triều như Nguỵ Tề độc ác, như Tu Cổ gian giảo mới tương phản làm sao ! Chua chát làm sao !!!

Hồng Thất Công

=========================



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả