Truyện Thơ THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ -05-





XUÂN THU CỐ SỰ TINH HOA

TỦ SÁCH TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA

======================


HÀN SĨ NGUYÊN




TRUYỆN THƠ


THỪA TƯỚNG

ỨNG HẦU

PHẠM THƯ



BẢN CHÍNH THỨC ĐÃ HIỆU ĐÍNH

-2002-



=====================


.........................


Lê thân một quãng đường dài

Máu ra lai láng, khắp người mỏi mê

Kêu to ba tiếng não nề

Phách rời thể xác, hồn lìa nhân gian.

-5-


TIẾNG ĐÀN RỪNG MAI


Bấy giờ hồn phách chưa tan (401)

Phiêu du vất vưởng giữa ngàn ánh sao

Xót mình tuổi trẻ tài cao

Công danh như thể hoa dâu xuôi dòng

Ơn vua lộc chúa chẳng mong

Tình nhà nợ nước há không báo đền ?

Lại còn vương mối oan khiên

Làm sao mắt trả, răng đền mới ưng !

Hồn bay quanh quất nửa lừng

Nát thân bao quản, thẹn thùng nhơ danh

Giã từ nhân thế chẳng đành (411)

Thôi thì lối cũ quẩn quanh tìm về

Phiêu phiêu nửa tỉnh nửa mê

Tai nghe thánh thót tỉ tê tiếng đàn

Đó đây như khóc như than

Ru hồn lãng tử, xóa tan muộn phiền

Lâng lâng thân xác dịu êm

Chìm vào giấc ngủ, vơi niềm xót xa

Chập chờn, gió thoảng hương hoa

Tiêu thiều réo rắt, tiên nga giáng trần

Dịu dàng an ủi ân cần (421)

Cam lồ rửa sạch mọi phần thương đau

Nâng niu bát cháo hớp rau

Khéo tay chăm sóc, ngọt ngào thuốc thang

Hai tuần cửa mả mở toang

Tử thần lảng vảng, khó phương sinh tồn

Bấy giờ mất biến thành còn

Tái hồi dương thế, quỷ môn giã từ

Mở to đôi mắt ưu tư

Vẫn còn văng vẳng ôn nhu tiếng đàn

Sương mơ hư ảo chưa tan (431)

Khói trầm vương vất, mơn man phím ngà

Ngoài song dáng liễu thướt tha

Giật mình còn tưởng tiên nga hôm nào

Hoa đồng cỏ nội thanh tao

Quần bô áo vải má đào vẫn xinh

Rõ ràng ngọc khiết băng thanh

Môi hồng tươi thắm, long lanh mắt huyền

Bờ vai tóc xỏa duyên duyên

Vóc mai lả lướt, gót sen hững hờ

Hỏi rằng :-“Ta tỉnh hay mơ (441)

Cớ sao trôi dạt cậy nhờ nơi đây ?”

Nàng rằng :-“Trải đã bao ngày

Tưởng đâu không thoát khỏi tay tử thần

Xót người tứ cố vô thân

Anh tôi chẳng quản nhọc nhằn cưu mang

Đem về từ cánh đồng hoang

Một lòng chăm sóc, thuốc thang tận tình

Cứu người, công Trịnh An Bình

Nơi đây cách biệt kinh thành rất xa

Gian nhân khó nỗi dò la (451)

Yên lòng tịnh dưỡng ắt là khang ninh

Trước sau một chữ đệ huynh

Giúp nhau cho trọn ân tình mà thôi

Đâu cần cảm tạ đầu môi

Miễn là bằng hữu trọn đời thuỷ chung

Đạo trời bĩ thái, cùng thông

Bây giờ trước hãy an lòng nghỉ ngơi”

Dứt lời dâng thuốc tận nơi

Phạm Thư uống cạn, ngậm ngùi lòng đau

-“An Bình trí rộng tài cao (461)

Việc xưa đã tỏ, việc sau cũng tường

Bởi ta khinh xuất xem thường

Mới lâm họa hoạn đau thương chuyến này

Bỏ Tề về Ngụy thảm thay

Hết còn khoe giỏi khoe hay dối đời

Làm ơn gọi Trịnh giùm tôi”

Thưa rằng :-“Dạ sắt chưa nguôi nỗi sầu

Nhọc nhằn rừng thẳm khe sâu

Dốc lòng tìm kiếm bới đào nhân sâm

Bôn ba hổ huyệt long đầm (471)

Kể chi khổ trí lao tâm tháng ngày

Buồn vui sướng khổ chia hai

Non cao lầm lũi, miệt mài đường xa

Ở đây còn có cha già

Cần gì cứ gọi Quỳnh Hoa chớ phiền

Bây giờ hãy nghỉ cho yên”

Lời còn thánh thót, gót tiên khuất rồi

Phạm Thư xao xuyến bồi hồi

Bước vào cửa mả, gặp người ôn nhu

Tây hiên lại vẳng tiếng tơ (481)

Khi cao khi thấp, hững hờ nhặt khoan

Khuyên người gặp bước gian nan

Đừng lo, đừng nghĩ, chớ than, chớ sầu

Những người trung nghĩa dãi dầu

Trải bao cực khổ gian lao sá gì

Nhớ chăng gương Bá Lý Hề

Bảy mươi chăn ngựa nuôi dê xứ người

Nhớ chăng Câu Tiễn nằm gai

Phơi sương nếm mật, có ngày nên công

Tấn Văn mười bảy năm ròng (491)

Nắm cơm chẳng có, lưu vong bơ thờ

Ngũ Viên khi mới sang Ngô

Làm người quân tử thập thò bụi lau

Lòng trời nhìn lại cũng mau

Nên vương nên tướng, công hầu kém ai

Đàn ru réo rắt bên tai

Dạt dào quân tử ngủ say bao giờ

Kỳ hương, dị thảo, bách hoa,

Chiêm bao duy chỉ mộng mơ hoa Quỳnh.



[Còn tiếp]



==========
Truyện thơ

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ

Giản chú

by NGU PHU

(Nguyễn Phú)

========


GIẢN CHÚ đoạn 5

TIẾNG ĐÀN RỪNG MAI



1-PHIÊU DU : Nhẹ bồng bềnh dạo chơi đây đó. Bay là đà nơi này nơi khác.

2-HOA DÂU : Bèo hoa dâu, một loại bèo nhỏ bé, khác với lục bình là một loại bèo lớn.

3-MẮT TRẢ RĂNG ĐỀN : Do câu tục ngữ “Mắt trả mắt, răng đền răng”, ý nói trả thù rửa hận tương xứng với những gì kẻ thù đã gây ra cho mình.

4-PHIÊU PHIÊU : nhe tênh, bay lơ lửng, nổi bồng bềnh.

5-LÃNG TỬ : Người lãng mạn, thích ngao du đây đó.

6-TIÊU THIỀU : Tiếng sáo và tiếng đàn.

7-CAM LỒ : (tức “Cam lộ” = giọt sương ngọt) Một loại nước phép của Phật bà Quan Thế Âm Bồ tát, hình thành từ những giọt sương ngọt ngào lúc ban mai được hứng lấy và tích chứa trong “Tịnh bình” (bầu nước tinh khiết), có tác dụng cứu khổ cứu nạn, giải tai giải ách, chữa lành mọi vết thương, lại có thể cải tử hồi sinh (cứu sống được cả người đã chết)

8-CỬA MẢ MỞ TOANG : (sẵn sàng chờ người ta bước vào) ý nói mong manh giữa cái sống và cái chết, suýt chết.

9-NGOÀI SONG DÁNG LIỄU THƯỚT THA : (Song = cửa sổ - Dáng liễu : dáng người con gái gầy gầy, mảnh mai như cây liễu) : Có một người con gái dáng mảnh mai thướt tha lướt qua ngoài cửa sổ.

10-HOA ĐỒNG CỎ NỘI : Người thiếu nữ đẹp ở nơi thôn dã, chốn ruộng đồng.

11-QUẦN BÔ ÁO VẢI : Người mặc áo may từ vải bông, quần dệt từ đay gai = Người mặc những quần áo tầm thường, không sang trọng = Người bình dân, Người nghèo.

12-NGỌC KHIẾT BĂNG THANH : Viên ngọc thuần khiết (không một vết trầy sước), tảng băng trong vắt (không lẫn tạp chất).

13-XOẢ : Rủ xuống, lả xuống

– XOÃ : Rũ ra, tung ra, xoè ra.

14-VÓC MAI : Thân hình gầy như cây mai

16-GÓT SEN : Gót chân đỏ hồng của người thiếu nữ xinh đẹp, không phải lao động cực nhọc.

17-TỨ CỐ VÔ THÂN : Đơn độc, trơ trọi một mình, không có ai là người thân cả.

18-CƯU MANG : Gánh đỡ, bảo bọc, nâng đỡ cho ai đó qua khỏi lúc khó khăn, hoạn nạn

19-THUỐC THANG : cũng như “thuốc men”

-Thuốc : chất trị bệnh

-Thang : chất dẫn thuốc, làm men xúc tác cho thuốc đạt hiệu quả nhanh hơn, cao hơn

20-TỊNH DƯỠNG : Nghỉ ngơi yên tĩnh

21-KHANG NINH : Mạnh khoẻ, an toàn

22-ĐỆ HUYNH : cũng như “huynh đệ” nghĩa là anh em.

Các tục ngữ thành ngữ liên quan :

-Tứ hải giai huynh đệ : [Người khắp] bốn biển đều là anh em

-Huynh đệ như thủ túc / Phu thê như y phục : Anh em như tay chân trong cùng một cơ thể (không thể chia lìa) / Vợ chồng như áo quần (có thể bỏ đi, thay bộ khác được). Ý vế sau của câu này chỉ muốn nói “vợ chồng ăn ở với nhau không phải đạo” có thể bỏ nhau tỷ như thay bộ quần áo khác, chứ không có ý nói chung tất cả các cặp “vợ chồng”.

23-BẰNG HỮU : Bạn bè thân thuộc

24-THUỶ CHUNG : Trước sau như một, không thay lòng đổi dạ

25-BĨ THÁI : Từ câu “Bĩ cực thái lai” nghĩa là khổ hết mức, khổ đến cùng cực rồi thì cái ung dung, thư thái, nhẹ nhàng lại đến.

26-CÙNG THÔNG : Từ câu “Cùng tắc bĩ, bĩ tắc biến, biến tắc thông” nghĩa là “Khổ ắt là sẽ khổ thêm đến cùng cực - Khổ đến cùng cực rồi thì sẽ có thay đổi - Thay đổi ắt là sẽ thông, sẽ hết bế tắc”.

Ý cả 2 cụm từ “Bĩ thái”, “Cùng thông” cũng giống hệt như câu “Khổ tận cam lai” (Đắng đã hết mức đắng rồi thì cái ngọt sẽ đến).

27-KHINH XUẤT : Sơ xuất (sơ ý) xem thường (coi nhẹ, đánh giá thấp) một điều gì đó hoặc một người nào đó.

28-LÂM HỌA HOẠN : Vướng vào tai nạn, mắc nạn.

29-NHÂN SÂM : Một loại cây mọc ở xứ lạnh giá, nơi băng tuyết, củ của nó có hình dạng giống như người, được Đông y xem như một vị thuốc quý có giá trị cải tử hoàn sinh.

30-BÔN BA : Nay đây mai đó, long đong trôi nổi khắp chốn.

31-HỔ HUYỆT LONG ĐẦM : Hang cọp, đầm rồng , ý nói những nơi nguy hiểm, dễ mất mạng.

32-KHỔ TRÍ LAO TÂM : cả tim lẫn óc đều cực nhọc vất vả vì lo nghĩ, tính toán, sắp đặt công việc

33-LẦM LŨI : cắm cúi đi, chăm chú làm một việc nào đó, không chú ý gì đến chung quanh.

34-MIỆT MÀI : mê mải, mải miết, cố làm cho xong.

35-GÓT TIÊN : gót nàng tiên, gót chân người đẹp

36-BƯỚC VÀO CỬA MẢ : Sắp chết, gần chết

37-ÔN NHU : Hiền hoà, dịu dàng

38-TÂY HIÊN : nhà phía tây, căn phòng phía tây, chái nhà phía tây, mái hiên của căn nhà bên tay trái ngôi nhà chính

39-TIẾNG TƠ : tiếng đàn (dây đàn làm bằng tơ, hoặc lông đuôi ngựa kết lại)

40-NHẶT KHOAN : lúc thì gấp rút dồn dập (nhặt) ; lúc thì thong thả chậm rãi (khoan).

41-BÁ LÝ HỀ : Nhân tài kiệt xuất thời Xuân thu. Xuất thân cực kỳ nghèo khổ. Bôn ba qua nhiều nước Ngu, Tấn, Sở nhưng ở đâu cũng ba chìm bảy nổi, thậm chí còn nhiều lần bị tù tội, giam cầm, đày ải. Đến năm 70 tuổi vẫn còn phải chăn dê chăn ngựa ở Sở. Vua Tần là Tần Mục Công (Nhâm Hiếu) biết là người hiền, sai người đem 5 cỗ da dê sang Sở xin chuộc Bá Lý Hề về để vua Tần ... trị tội. Sở vương không biết mưu ấy, cho Bá Lý Hề về Tần. Vua Tần lập tức phong Bá Lý Hề làm thừa tướng, người đời sau nhân sự tích ấy gọi Bá Lý Hề là “Ngũ Cổ đại phu” (vị quan 5 cỗ da dê). Ông có công khuếch trương nước Tần từ vị trí là một nước nhỏ yếu trở thành một chư hầu hùng mạnh, giúp Tần Mục công trở thành vị bá chủ thứ ba trong Ngũ bá sau Tề Hoàn công và Tấn Văn công.

42-CÂU TIỄN : vua nước Việt (nước Việt này là nước Việt cổ, ở tại lưu vực sông Dương Tử, phía nam nước Ngô). Câu Tiễn thua trận bị vua Ngô Phù Sai bắt cầm tù nhiều năm. Câu Tiễn phải nén lòng chịu nhục, bề ngoài tỏ ý khuất phục đầu hàng Phù Sai, bề trong âm thầm tính kế phục quốc. Những năm tháng bị giam giữ ở Cô Tô thành (kinh đô nước Ngô), Câu Tiễn phải trải qua muôn ngàn cực nhục : phơi sương (ngủ ngoài trời), nằm gai (nằm trên đống gai nhọn để nhắc nhở mình không được quên nỗi nhục mất nước), nếm mật (nếm phân vua Ngô). Phù Sai thấy thế khinh thường, cho rằng Câu Tiễn là kẻ hèn kém, không có gì đáng quan ngại, bèn cho phép trở về nước Việt. Sau Câu Tiễn theo kế sách của đại phu Văn Chủng, đem Tây Thi hiến dâng Phù Sai, khiến cho vua này mê đắm nữ sắc, lơ là việc quân, việc nước. Cuối cùng, Câu Tiễn bất ngờ hạ thành Cô Tô, giết chết Phù Sai, diệt được nước Ngô.

43-NẾM MẬT : Nếm chất đắng = nếm phân vua Ngô, để bày tỏ lòng trung thành với Phù Sai, lừa cho vua Ngô khinh thường.

44-TẤN VĂN : Công tử Trùng Nhĩ nước Tấn. Khi Tấn có loạn, Trùng Nhĩ phải lưu vong qua nhiều nước suốt 17 năm trường, cực khổ gian lao đủ kiểu đủ cách, có lúc đến một nắm cơm ăn cũng không có. Bề tôi trung là Giới Tử Thôi phải cắt bắp chân mình lấy thịt cho vua ăn. Sau về nước cải cách nhiều việc, dùng Khước Khuyết, Tiên Trẩn làm tướng, lần lượt đánh bại đại quân Sở và Tần, trở thành bá chủ chư hầu. Đó là Tấn Văn công, vị bá chủ thứ nhì sau Tề Hoàn công.

45-LƯU VONG : chạy sang nước khác lánh nạn, sau khi mất nước.

46-NGŨ VIÊN : tức Ngũ Tử Tư người nước Sở. Cha và anh của Ngũ Viên bị vua Sở Bình vương nghi kỵ, vô cớ giết chết. Ngũ Viên đau lòng quá chỉ trong một đêm mà đầu tóc đều bạc trắng, ôm mối căm hờn chạy trốn sang nước Ngô. Quân Sở truy đuổi đến bờ sông, Ngũ Viên phải ẩn mình trong khóm lau ven sông, may nhờ một lão thuyền chài cứu giúp đưa sang sông mới thoát nạn. Ngũ Viên được gọi là “người quân tử trong bụi lau” là vì tích ấy. Sau Ngũ Viên làm quan tướng quốc nước Ngô, cùng với Tôn Vũ diệt được nước Sở. Ngũ Viên sai đào mồ Sở Bình vương lên, lấy roi đánh vào xác vua Sở để trả thù cho cha và anh.

Lúc cuối đời, vua Ngô Phù Sai không tin dùng nữa, Ngũ Tử Tư ôm hận mà chết.

47-KỲ HƯƠNG : những mùi hương thơm kỳ lạ

48-DỊ THẢO : Cỏ lạ

49-BÁCH HOA : Trăm hoa

50-Ý 2 CÂU CUỐI : Giữa tất cả những mùi hương thơm, những loài cỏ lạ, những giống hoa quý trên khắp thế gian này, Phạm Thư trong giấc mơ chỉ duy nhất mơ thấy hoa ... Quỳnh mà thôi ! Ý ngầm là chỉ yêu mến có một mình Trương Quỳnh Hoa mà thôi !


=========================



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả