Truyện Thơ THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ -09-





XUÂN THU CỐ SỰ TINH HOA

TỦ SÁCH TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA

============


HÀN SĨ NGUYÊN




TRUYỆN THƠ


THỪA TƯỚNG

ỨNG HẦU

PHẠM THƯ



BẢN CHÍNH THỨC ĐÃ HIỆU ĐÍNH

-2002-



============


..................................


Hồn nương mây ấm mấy tầng

Giãi lòng ra với chị Hằng không nguôi

Trời cao có xuống làm người,

May ra biết xót thương đời biệt ly !


-9-


TẦN CHIÊU TƯƠNG VƯƠNG


Nói về yếu địa Tây Kỳ

Ấp phong vạn hộ thuộc về Tần Doanh

Nối đời cho đến Chu Bình (851)

Có công, vua thưởng hai thành Kỳ, Phong

Dần dà thôn tính Tây Nhung

Tần Mục nhân nghĩa võ công hơn đời

Nhìn xa, trông rộng, yêu người,

Lưu danh Ngũ bá chói ngời Xuân thu

Tin dùng Ngũ cổ đại phu

Dân giàu nước mạnh, cơ đồ thênh thang

Hiếu công sự nghiệp vẻ vang

Nghe lời Vệ Ưởng, theo đàng Pháp gia

Quân lương vũ khí hằng hà

Giáp binh cường tráng, chiến xa chật đường

Đời ba mươi mốt xưng vương

Vây Tề, đánh Sở, mở mang cõi bờ

Huệ Văn vương giỏi quân cơ (861)

Thanh gươm yên ngựa, cướp cờ lập công

Gồm thâu Ba quận, Thục trung

Vua tôi lục quốc hãi hùng thiên oai

Con là Tần Vũ nối ngôi

Muốn xem cửu đỉnh, dạo chơi Lạc thành

Trẻ người hiếu thắng ham danh

Cậy tài ỷ mạnh gây thành vạ to

Đỉnh rơi dập nát chân vua

Vũ vương phút chốc giã từ nhân gian

Chiêu Tương năm tuổi đăng đàn (871)

Thay anh cai quản giang san nước Tần

Tuyên thái hậu, Hoa Dương quân

Nhương hầu Ngụy Nhiễm định phần triều cương

Trải ba mươi sáu năm trường

Tam đầu nhiếp chính, Tần vương bù nhìn

Định tâm cải cách lắm phen

Trong ngoài cô lập, buông rèm giả ngơ

Cung vàng điện bạc hững hờ

Rượu ngon thịt béo thẫn thờ, buồn thay

Hiền tài như lá thu bay (881)

Lấy ai báo quốc dựng xây miếu đường

Hình thành cơ nghiệp bá vương

Tung hoành phỉ chí, bốn phương cúi đầu

Khi thiết yến, lúc khai chầu

Bá quan vạn tuế, chư hầu tung hô

Chạnh nhìn một lũ ngây ngô

Tham danh hám lợi, chực chờ bon chen

Tâm tư nặng trĩu ưu phiền

Nước non nặng trĩu sầu riêng một mình

Vương Kê vào trước sân đình (891)

Chi li thuật rõ nội tình Ngụy đô

Dâng lên dăm bức dư đồ

Nói lời tiến dẫn giúp cho hiền thần

-“Người này đáng mặt thần nhân

Tài kiêm văn võ, quỉ thần cũng thua

Hiền tài bậc nhất bây giờ

Pháp binh thông tỏ, thi thư am tường

Thật lòng muốn giúp đại vương

Xin cho kiến giá, bàn phương yên Tần”

Tần vương mải nghĩ xa gần (901)

Một phần nghe lọt, chín phần buông trôi

Hững hờ, không hỏi một lời

Cho làm Tân khách, tạm thời lưu dung,

Bao giờ lập được đại công

Bấy giờ sẽ liệu sắc phong công hầu !

Vương Kê lặng lẽ lui mau

Mặt dài thườn thượt, dạ sầu mênh mang

Đường mây tưởng đã thênh thang

Xăm xăm rời Ngụy, xênh xang về Tần

Ngỡ rằng được gặp thánh quân (911)

Phò vua, giúp nước, an dân, cứu đời

Giúp người, giúp chẳng đến nơi

Vô phương, đành phải liệu bài hoãn binh

Trước sau đối đãi chân thành

Một lòng cung kính, hết tình tri âm

Bàn cờ, cuộc rượu, ca ngâm

Trúc tiêu tiêu muộn, hồ cầm giải khuây

Hồn nương nơi cánh rừng mai

Bâng khuâng mơ tưởng những ngày bên nhau

Lững lờ nước chảy về đâu ? (921)

Dòng đời vô vọng, biển sầu mông mênh



[Còn tiếp]


========
Truyện thơ

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ

Giản chú

by NGU PHU

(Nguyễn Phú)

========


GIẢN CHÚ đoạn 9

TẦN CHIÊU TƯƠNG VƯƠNG



1-YẾU ĐỊA : Vùng đất quan trọng về mặt chiến lược

2-TÂY KỲ : Vùng đất phía Tây và Tây Bắc Trung quốc, bao gồm các xứ Lũng Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên, Hán Trung, Ba Quận.

Vùng đất Tây Kỳ này núi sông vô cùng hiểm trở, nhưng đất đai lại phì nhiêu, dân cư đông đúc mà dũng mãnh. Phía Nam thông với Kinh Châu, Tương Dương, phía Bắc là rợ Khuyển Nhung,Hung Nô, sườn phía Đông của giải đất này được che chở bởi núi non trùng điệp, thông với Trung Nguyên (Tam Tấn : Triệu,Hàn, Ngụy) bằng cửa ải Hàm Cốc, vùng đất Hồ Quan, nhìn ra Tam Xuyên, Đồng Quan, Lạc Dương.

Trong lịch sử phân tranh của Trung quốc, có thể nói lực lượng nào khống chế được giải đất Tây Kỳ này đều dễ dàng thành công trong việc thống nhất thiên hạ. Chu Vũ vương(Cơ Phát), Tần Thủy hoàng (Doanh Chính), Hán Cao tổ (Lưu Bang) đều khởi từ Tây Kỳ mà dựng nên nghiệp Đế.

Trong thời Tam Quốc (sau Đông Hán), Hán Chiêu Liệt hoàng đế (Lưu Bị) tuy thế lực rất non yếu, nhưng nhờ khống chế được Ba Thục và một phần đất Lũng, cũng đủ để “chia ba thiên hạ” cùng Ngô, Ngụy.

3-TẦN DOANH : Nước Tần vốn được vua Tây Chu phong cho nhà họ Doanh, họ ấy vì thế cũng được gọi là họ Tần Doanh

4-TÂY NHUNG : tức người Khương,Tây Khương, ở giáp giới với Lũng Tây, một tộc người thiểu số thường bị gọi một cách khinh miệt là rợ Khuyển Nhung. Dân ít, nhưng vô cùng dũng mãnh, can đảm. Thường xuyên uy hiếp nhà Tây Chu, sau bị Tần thôn tính dần dần.

5-TẦN MỤC CÔNG : tên là Nhâm Hiếu, vua thứ 13 của nước Tần, trị vì 39 năm (659-621tr.CN) là một trong Xuân thu Ngũ bá.

6-NGŨ CỔ ĐẠI PHU : tức Bá Lý Hề (xem chú thích ở đoạn 5)

7-TẦN HIẾU CÔNG : tên là Cừ Lương, vua thứ 30 của nước Tần trị vì 24 năm (361-338 tr.CN), cũng là vị vua Tần cuối cùng xưng tước “Công”.

8-VỆ ƯỞNG : tên là Công Tôn Ưởng, người nước Vệ (nên được gọi là Vệ Ưởng), sau giúp Tần có công lớn được phong tước ở đất Thương (nên cũng còn được gọi là Thương quân, Thương Ưởng). Vệ Ưởng vốn là một trong số các nhân tài kiệt xuất thời Chiến quốc, làm Thừa tướng nước Tần đời Tần Hiếu công, thực hiện đường lối chính trị của Pháp gia, thi hành Bá đạo (đạo làm bá chủ) giúp Tần trở thành một cường quốc. Cuối đời, bị hành hình “Xa liệt” (Năm chiếc xe phanh thây).

9-PHÁP GIA : Một trường phái triết học, chính trị học thời Xuân thu, do Hàn Phi tử xướng xuất, chủ trương thiết lập cách cai trị chuyên chế ở trong nước, dựa trên những hình phạt nghiêm khắc của luật pháp, để mau chóng làm cho dân giàu nước mạnh, tiến tới đánh đổ các chư hầu (vốn là các chế độ quân chủ phong kiến mà đất đai và quyền lực bị xé vụn bởi các lãnh chúa địa phương), Mục đích của phái Pháp gia là thiết lập một nền quân chủ chuyên chế tập quyền, trong đó quyền lực tập trung về một nhà nước trung ương, thành lập ra tỉnh, thành, quận, huyện; xóa bỏ hoàn toàn các chư hầu.

Biện pháp thực hiện của Pháp gia là “Bá đạo” (đạo làm bá chủ : dựa trên sức mạnh, chuyên chế, hình phạt, đánh đổ hẳn cái cũ sai sót, thay bằng cái mới tích cực hơn), đối lập với “Vương đạo”của Nho gia (đạo làm vua : dựa trên nhân nghĩa, thuyết phục, giáo dục, kiên trì sửa sai, chỉnh lý cái xã hội cũ chưa tốt thành cái tốt hơn)

Các đại diện xuất sắc của phái Pháp gia gồm có Vệ Ưởng, Lý Tư ... Cả hai đều là Thừa tướng nước Tần, góp công lớn khiến Tần trở nên cường thịnh. Chính Lý Tư sau này đã giúp Tần Thủy hoàng thống nhất Trung quốc, lập nên Đế chế Tần.

10-HẰNG HÀ : (hằng hà sa số) nhiều, rất nhiều (nhiều như số cát ở sông Hằng).

11-GIÁP BINH : quân mặc áo giáp

-CHIẾN XA : Xe trận, bằng gỗ được bọc sắt, do trâu hoặc ngựa kéo. Thường chở theo quân cung thủ hoặc quân xung kích tinh nhuệ. Chiến xa là một lực lượng vừa mạnh vừa cơ động, rất quan trọng trong chiến tranh thời cổ đại.

12-TẦN HUỆ VĂN VƯƠNG : tên là Tứ, con Tần Hiếu công. Đây là vị vua thứ 31 nhà Tần, người đầu tiên xưng “Vương”, vua này võ công thao lược đều hơn người, luôn năm gây hấn đánh phá lục quốc. Hai anh em Tần Vũ vương và Tần Chiêu Tương vương đều là con của vua này.

13-BA QUẬN : ở phía Nam đất Thục. Thục trung là tên gọi chung chỉ Thục quận và Hán Trung gộp lại, thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Đất Ba Thục này vô cùng hiểm trở.

14-TẦN VŨ VƯƠNG : Tên là Đãng, con trai Tần Huệ Văn vương, anh ruột Tần Chiêu Tương vương. Vũ vương là một vị vua trẻ, dũng cảm, nhưng hiếu thắng, do “cử đỉnh” tranh hơn thua với bọn thuộc hạ là Nhâm Bỉ, Ô Hoạch, bị tuột tay, đỉnh nặng ngàn cân rơi xuống đè dập nát đôi chân. Em là Chiêu Tương vương lên nối ngôi lúc mới 5 tuổi

15-CỬU ĐỈNH : 9 cái đỉnh đồng (lư đồng) lớn, do nhà Chu sai đúc bằng đồng đen. Cửu đỉnh tượng trưng cho chín châu lớn trong cả nước, nhà Chu sở hữu cửu đỉnh là nắm giữ biểu tượng cai trị cả thiên hạ gồm 9 châu thời ấy.

16-LẠC THÀNH : thành Lạc Dương, kinh đô của nhà Đông Chu.

17-TẦN CHIÊU TƯƠNG VƯƠNG : gọi tắt là Tần Chiêu vương, tên Tắc, em ruột Tần Vũ vương. Lên làm vua lúc 5 tuổi, trải qua 36 năm chỉ là hư vị. Sau khi bãi chức Nhương hầu, trọng dụng Phạm Thư, mới lấy lại được thực quyền. Đời vua này để lại nhiều công nghiệp lớn lao, các chiến công cũng vô cùng hiển hách, tạo tiền đề thuận lợi cho Tần Thủy hoàng (cháu gọi Chiêu Tương vương là ông cố) gồm thâu lục quốc sau này.

18-TUYÊN THÁI HẬU : Vợ vua Huệ Văn vương, mẹ của Vũ vương và Chiêu Tương vương, nhiếp chính suốt 36 năm trường. Quyền bính trong thời kỳ này được Tuyên thái hậu phân bổ cho 4 người là : Nhương hầu, Hoa Dương quân (2 người em), Kinh Dương quân, Cao Lăng quân (2 người con khác của thái hậu, em Chiêu Tương vương).

19-HOA DƯƠNG QUÂN : tên là Thiên Nhung, em cùng cha với Tuyên thái hậu

20-NHƯƠNG HẦU NGỤY NHIỄM : Em cùng mẹ với Tuyên thái hậu, làm thừa tướng nước Tần suốt thời gian Chiêu Tương vương còn nhỏ. Sau bị Phạm Thư lấy mất quyền chức.

21-KIẾN GIÁ : Gặp vua.

22-TÂN KHÁCH : Chức quan dành cho người nước khác đến giúp việc cho Tần.

23-LƯU DUNG : Cho phép ở lại nước Tần, chờ cơ hội lập công giúp nước.

24-ĐƯỜNG MÂY : đường công danh.

25-VÔ PHƯƠNG : hết cách, chẳng còn cách nào khác.

26-HOÃN BINH : Kéo dài thời gian, chờ cơ hội tốt hơn

27-VÔ VỌNG : Hết hy vọng, không có triển vọng gì.


=========================



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả