Nhạc Sĩ Trần Quang Hải - Một Nhân Tài Của Việt Nam

Chương Trình Tuổi Thơ - November 11, 2003
Trên làn sóng 880 AM của Little Sàigòn Radio tại Houston
Hiền Vy biên soạn.

ThụyMai:
Đây là Chương Trình Tuổi Thơ do Hiềnvy và ThụyMai thực hiện. Chương Trình Tuổi Thơ đến với quí thính giả và các em thanh thiếu niên, mỗi chiều Thứ Ba, từ 4 đến 5 giờ, trên làn sóng 880 AM của LittleSaigonRadio tại Houston.
Chương Trình Tuổi Thơ nhằm khuyến khích các em trau dồi tiếng Việt, cũng như muốn giới thiệu với các em những Trang Sử Oai Hùng và những nét đặc thù của Văn Hóa Dân Tộc Việt, hầu giúp các em biết rõ về nguồn gốc và hãnh diện mình là người Việt Nam. Chào
HiềnVy:
Kính chào quí thính giả, chị ThuyMai và các em.
ThụyMai:
Tuần rồi HiềnVy hứa với ThuyMai và các em là sẽ nói về Nhạc Sĩ TrầnQuangHải (TQH) làm TMai mong quá. Hôm nay HiềnVy đã sẵn sàng chưa ?
HiềnVy:
Dạ em sẵn sàng rồi đây. Nhưng mà chị ơi, trong CTTT dành cho các em Thanh thiếu niên, mình chỉ nói được rất giới hạn, để các em có thể hiểu được, nên em không biết bắt đầu từ đâu nữa đây nè.
ThụyMai:
Vậy để TMai hỏi HVy nè, Hai tuần trước, khi qua bên Paris, HVy nói là có gặp anh TQHải, vậy thì HVy gặp anh tại đâu ? Tại nhà hay là tại tiệm phở ?
HiềnVy:
Tại sao chị TMai lại nhắc đến tiệm Phở ở đây vậy ? Chị Mai muốn đi ăn Phở hả ?
ThụyMai:
Không phải là TMai muốn đi ăn phở mà vì trong cuốn Video mới đây, thấy chị Lệ Thu nói là mỗi lần anh Trường Sa viết xong bản nhạc mới, muốn đưa cho Lệ Thu thì hẹn ra tiệm Phở
HiềnVy:
Ơ thì ra vậy, nhưng có lẽ vì em không phải là Ca Sĩ nên anh TQHải đã không hẹn ngoài tiệm phở mà cho tụi em đến gặp tại nơi làm việc của anhHải
ThụyMai:
Wow! chỗ làm việc của anh TQHải ở đâu vậy ?
HiềnVy:
Dạ ở trong Bảo Tàng Viện Nhân Chủng Học, tại ngay Paris.
ThụyMai:
Bảo Tàng Viện Nhân Chủng Học ? Là cái gì vậy ?
HiềnVy:
Dạ tại đây họ chưng bày và cất giữ nhiều tài liệu về rất nhiều giống người trên thế giới.
ThụyMai:
HiềnVy nói sao ? cất giữ rất nhiều giống người trên thế giới, là sao ?
HiềnVy:
Dạ, theo như anhHải nói, có rất nhiều những bộ xương và sọ người được cất giữ ở đây.
ThụyMai:
HiềnVy có thấy những bộ xương và sọ người đó không ?
HiềnVy:
Dạ em đâu có dám hỏi, nội cái đi qua một dãy hành lang tối om để đến văn phòng của anhHải với những dãy tủ 2 bên mà nghe là trong đó chứa toàn những phần của cơ thể người ta, là em đã sợ hết hồn rồi, làm gì mà dám hỏi.
ThụyMai:
Nói vậy rồi trong đó có Ma không ?
HiềnVy:
Em nghe nói là mỗi đêm đều có Ma, đó chị.
ThụyMai:
Trời, sao ghê vậy ? Nhưng thôi TMai không muốn nghe chuyện Ma đâu, để TMai hỏi HVy nè, anh TQHải năm nay bao nhiêu tuổi rồi.?
HiềnVy:
Dạ, anh TQHải sinh năm 1944 tại làng Linh Đông Xã, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định, miền Nam Việt Nam.
ThụyMai:
Vậy là anh gần 60 tuổi rồi, mà lúc nhỏ anh Hải học ở đâu ?
HiềnVy:
Lúc còn nhỏ anh Hải học tại trường trung học Trương Vĩnh Ký và học nhạc tại trường quốc gia âm nhạc Saigon từ năm 1955 tới 1961. Mà mặc dù nay đã gần 60 tuổi nhưng nhìn anh rất là trẻ trung, chỉ giống như mới 40 thôi.
ThụyMai:
Rồi anh qua Pháp năm nào, và học trường nào bên Pháp ?
HiềnVy:
Dạ, Anh Sang Pháp năm 1961, học khoa nhạc-học tại trường đại học Sorbonne, và trung tâm nghiên cứu nhạc Đông Phương (Centre of Studies for Oriental Music) ở Paris. Và cũng trong thời gian đó, anh lại học môn dân tộc nhạc học (ethnomusicology) tại trường cao-học khoa-học-xã-hội (School of Studies for Social Sciences).
ThụyMai:
Vậy đến năm nào anhTQHải mới học xong ?
HiềnVy:
Dạ anh đậu tiến sĩ dân-tộc-nhạc học vào năm 1973. Anh liên tục làm việc tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (National Center for Scientific Research) từ năm 1968 tới ngày nay (35năm) với chức vụ nghiên cứu gia về dân tộc nhạc học (ethnomusicologist) chuyên về nhạc Việt Nam và nhạc Á châu, mà đặc biệt về giọng hát.
ThụyMai:
Sau khi đậu bằng Tiến sĩ, anh TQHải làm việc luôn tại Pháp ?
HiềnVy:
Dạ, Anh có việc làm ở Pháp đúng với môn học của Anh, tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (National Center for Scientific Research). Nhờ vào làm việc tại đây mà sau hơn 34 năm nghiên cứu, việc làm của anh ngày nay được nhiều người biết tới (có trên 50 websites trên thế giới có nối vào trang nhà của anh). Theo như anh Hải nói thì, vì lúc đó ở Việt Nam, chính phủ không chú trọng tới việc nghiên cứu âm nhạc, nhất là dân tộc nhạc học, một ngành có thể nói là quá mới đối với Việt Nam, và đối với cả Á châu vào thời đó.
ThụyMai:
Tuần rồi mình có nói anh TQHải là con trai của nhạc sĩ Trần Văn Khê, và cháu ruột của Quái Kiệt Trần Văn Trạch, phải không ?
HiềnVy:
Đúng rồi chị, nhưng em còn được biết thêm là anh TQHải là nhạc sĩ đời thứ 5 của dòng họ Trần nữa.
ThụyMai:
Ủa như vậy là có tới mấy đời làm Nhạc Sĩ sao ?
HiềnVy:
Vâng, Theo như em biết thì Ông Sơ của anh Hải là Cụ Trần Quang Thọ, là nhạc sĩ cung đình ở Huế. Cụ sinh năm 1830 và mất năm 1890. Cụ Trần Quang Thọ đã làm tới chức án sát và đã tháp tùng cụ Phan Thanh Giản sang Pháp để thương thảo về 3 tỉnh miền Nam, mà trong tương lai mình sẽ học tới.
ThụyMai:
Rồi sau cụ Trần Quang Thọ thì đến ai vậy ?
HiềnVy:
Dạ đến cụ Trần quang Diệm, tức là Ông Cố của anh Hải . Cụ Trần Quang Diệm là một nhạc sĩ đàn Tỳ Bà rất nổi tiếng trong miền Nam. Cụ đã chế ra nhiều cách để ghi chép nhạc, nhưng vì chiến tranh nên những tài liệu này bị thất lạc rất nhiều.
ThụyMai:
Vậy đời thứ 3 là ai ?
HiềnVy:
Dạ là cụ Trần Quang Triều, tức là ông nội của anh TQHải, Cụ còn có biệt hiệu là Bảy Triều. Cụ giỏi về Đàn Kìm, chế ra dây Tố Lan, để đàn các bài oán, rất được các nhạc sĩ trong cải lương và cổ nhạc miền nam biết đến. Cụ Trần Quang Triều sinh năm 1897 và mất năm 1931
ThụyMai:
Và đời thứ 4 là nhạc sĩ và cũng là giáo sư tiến sì âm nhạc Trần Văn Khê, tức là Ba của anh TQHải phải không ?
HiềnVy:
Dạ đúng rồi, chị nói cho HVy và các em nghe về Nhạc Sĩ Trần văn Khê đi, vì chị là ca sĩ, chắc chắn chị phải biết nhiều về Nhạc Sĩ hơn em rồi
ThụyMai:
Nhạc sĩ Trần văn Khê sinh năm 1921, là người ViệtNam đầu tiên đậu Tiến Sĩ Nhạc học tại trường đại học Sorbonne ở Paris vào năm 1958
HiềnVy:
Wow! dạo đó chị em mình còn chưa có trên đời này nữa.
ThụyMai:
Và chú của anh TQHải là Trần văn Trạch
HiềnVy:
Hồi nãy chị nói là Quái Kiệt Trần Văn Trạch, tại sao lại gọi như vậy ?
ThụyMai:
HiềnVy có nhớ hồi xưa Trần Văn Trạch hay chọc cười và hát bài xổ số không ?
HiềnVy:
Ô, em nhớ rồi, hình như là Ông đã tự cho mình là Quái Kiệt, phải không chị . Bây giờ mình nói về anh Trần Quang Hải nha. Anh TQHải biết đàn 15 nhạc khí khác nhau. Lúc 5 tuổi, Anh học đàn măng cầm (mandoline) ở Vĩnh Long, rồi học banjo. Lúc 6 tuổi thì anh học Violon tức là Vĩ Cầm với một ông thầy ở Vĩnh Long. Tới 8 tuổi thì lại bắt đầu học đàn Piano với cha Lựu cũng ở Vĩnh Long.
ThụyMai:
Sau đó thì Anh lên Saigon, học nhạc ở trường quốc gia âm nhạc vào năm 1955 với thầy Phạm Gia Nhiêu về môn vĩ cầm (violin). Năm sau Anh học với thầy Đỗ Thế Phiệt.
HiềnVy:
Tốt nghiệp ở trường quốc gia âm nhạc Saigon. Anh sang Pháp, gặp lại Bố của anh là nhạc sĩ Trần Văn Khê, Anh đã bỏ tất cả nhạc Tây phương, quay trở về nhạc Việt Nam, học đàn tranh, đàn cò, tự học đàn độc huyền, đàn sinh tiền. Và Anh tự chế một số kỹ thuật đánh muỗng, tự học đàn guitar, sáo tây. Sau 10 năm theo học hỏi với Ba của anh, anh hấp thụ nhạc Việt qua đàn tranh, và lý thuyết nhạc cổ truyền. Và từ đó, anh có dịp phổ biến nhạc Việt khắp nơi ở hải ngoại cho tới ngày hôm nay.
ThụyMai:
Đánh muỗng là sao ?
HiềnVy:
Nghệ thuật đánh muỗng do anhHải phát triển ở hải ngoại từ gần 40 năm nay. Theo lời anh kể lại thì: Lúc anh được 5 tuổi, một buổi tối, ở tại một làng nhỏ gần tỉnh Vĩnh Long,anh gặp mấy người lính kháng chiến quây quần bên ánh lửa hồng và hát những ca khúc hùng tráng. Bửa đó có một anh lính kháng chiến trẻ, gõ nhịp với hai cái muỗng. Tò mò, anh lại gần quan sát, và rất thích thú.
ThụyMai:
Wow! Dùng 2 cái muỗng, làm thành nhạc khí. Nghe hấp dẫn quá, HVy kể tiếp đi.
HiềnVy:
Em bé TrầnQHải lúc ấy mới nhờ anh chàng lính trẻ chỉ cách cầm muỗng và gõ như thế nào. Sau đó lên Saigon học, có một lần, thấy trên sân khấu phụ diễn tân nhạc, một nữ ca sĩ nhỏ tuổi vừa hát vừa nhịp muỗng. Lúc đó là năm 1955. Khi sang Pháp, anh khám phá ra kỹ thuật gõ muỗng không phải chỉ có ở Việt Nam mà có ở Ái nhĩ Lan, Anh Quốc, Âu châu, Mỹ, Canada, Liên Xô, Thỗ nhĩ kỳ. Ngay ở Á châu, Phi luật Tân, Nam Dương cũng có dùng muỗng để gõ nhịp.
ThụyMai:
Như vậy là nghệ thuật đánh muỗng có ở nhiều quốc gia ?
HiềnVy:
Vâng, theo lời anh TQHải thì đến năm 1965, anh gặp một nhạc sĩ Mỹ tên là Roger Mason, đánh muỗng rất hay. Sau đó 2 người trở thành bạn và thường trình diễn chung tại American Center ở Paris và tại một vài địa điểm chơi dân nhạc (folk music centers).
ThụyMai:
Chắc là mỗi lần gặp nhau, hai anh thi đua "đấu muỗng" với nhau. ?
HiềnVy:
Sao chị đoán hay vậy ? Đúng y như chị vừa nói, hai anh hay đấu muỗng với nhau và mỗi người phải "sáng tác " kỹ thuật mới để hạ "đối phương ".
ThụyMai:
Chắc là anh Hải thắng luôn, phải không ?
HiềnVy:
Chị lại đoán đúng nữa rồi, Thường thì anhHải thắng, nhưng cũng có vài lần thua. Tuy nhiên, nhờ những lần gặp gỡ đó, anh đã tự tạo một trường-phái Gõ Muỗng đặc biệt. Năm 1967, anh tham dự một đại-nhạc-hội-dân-nhạc tại Cambridge (Anh quốc) (Cambridge Folk Music Festival). Trong dịp này có một cuộc thi gõ muỗng, gồm 30 nhạc sĩ thuộc 20 quốc gia tham dự. Anh đã tham dự với tư cách là nhạc sĩ Việt Nam.
ThụyMai:
Anh có được thắng không ?
HiềnVy:
Dĩ nhiên là có, mà còn thắng lớn nữa đó chị. Anh thắng và được "tôn " là "Vua Muỗng " (King of Spoons). Từ đó anh đã gặp rất nhiều người gõ muỗng giỏi trên thế giới. Mà theo như em biết là chưa có ai giỏi hơn anh cả. Anh đã sáng tác hơn 10 kỹ thuật mới, và đặc biệt là anh đã biến cặp muỗng thành đàn Synthetizer, có thể gõ bất cứ bài nhạc nào cũng được.
ThụyMai:
Vậy là Anh trở thành nhạc sĩ đánh muỗng duy nhứt trên thế giới, độc tấu muỗng trên sân khấu, phải không ?
HiềnVy:
Vâng, đúng là vậy. Nhưng có một môn đàn khác mà anhTrầnQuangHải rất nổi tiếng nữa là Đàn Môi đó chị.
ThụyMai:
Đàn Môi là sao, có phải là cái đàn có hình dáng giống cái Môi của người ta, hay là nói theo tiếng Bắc thì Cái Môi tức là cái Vá múc canh của người Nam mình ?
HiềnVy:
Em cũng đã thắc mắc y như chị vậy, nhưng sau đó anh TQHải giải thích cho em biết rõ về Đàn Môi. Vậy để em cố nói lại coi có được không, nha. Đàn môi là nhạc khí có tại Á châu, Âu châu và Thái Bình Dương. Xứ Việt Nam có trên 10 loại đàn môi khác nhau (đàn môi tre, sắt, thép, đồng thau, vv.) nhưng rất ít người Việt để ý tới, vì cho rằng người Việt không có khiếu đối với Đàn Môi của các sắc tộc (53 sắc tộc). AnhHải khám phá ĐànMôi khi sang Pháp. Vào năm 1967, trong một buổi trình bày về Đàn Môi tại Phòng thí nghiệm âm thanh học (Laboratoire d'Acoustique musicale ), đại học Paris quận 6, anhHải gặp một nhạc sĩ người Anh tên là John Wright, đánh Đàn Môi rất hay.
ThụyMai:
Đàn môi hình dáng ra sao?
HiềnVy:
Đàn môi gồm có một cái khung cố định. Bên trong có một cái lưỡi gà, lưỡi gà này di động khi khảy một đầu bằng ngón tay trỏ hay ngón tay cái (tùy theo truyền thống). Để hai thanh thép của cái khung đó, ấn vào hai hàm răng, dùng cái miệng làm một nơi vang âm và tạo cao độ theo sự biến đổi của bên trong miệng. Âm thanh và giai điệu phát xuất từ những bồi âm thay đổi tùy theo miệng lớn hay nhỏ.
ThụyMai:
Wow! Vậy rồi anhHải học Đàn Môi từ đó sao ?
HiềnVy:
Vâng, Chỉ qua năm, mười phút học được cách đàn căn bản với John Wright, là anh tự luyện tập và nghe rất nhiều nhạc Đàn Môi trên thế giới. Sau đó anh tổng hợp các kỹ thuật Đàn Môi của Á châu, Âu châu, và vùngThái Bình Dương. Sau hơn 30 năm nghiên cứu, thí nghiệm và trình diễn, anh đã đưa tiếng Đàn Môi và hát Đồng Song Thanh vào nhạc phim ở Pháp, nhạc điện thanh (electro-acoustical music), dân nhạc (folk music), nhạc thế giới (world music), nhạc free jazz.
ThụyMai:
Vậy chắc anh TQHải là nhạc sĩ Việt Nam đưa Đàn Môi vào phim nhạc ở Pháp
HiềnVy:
Vâng đúng vậy và anh còn hoàn thành một CD toàn là nhạc đàn môi, do anh sáng tác (17 bài), trình diễn với nhiều loại đàn môi và hợp chung với hát Đồng Song Thanh. (CD "Guimbardes du Monde /Jew's Harps of the World by Trân Quang Hai", do hãng Playasound phát hành, tại Paris, 1997).
ThụyMai:
HVy có được nghe anh TrầnQHải trình diễn Đàn Môi chưa ?
HiềnVy:
Dạ có, Lúc đứng chờ anh Ba của em đậu xe, dưới Lobby của Viện bảo Tàng, anhHải đã dùng một cái hộp nhỏ xíu, hình như là cái bật lữa thì phải, và đàn môi cho tụi em nghe.
ThụyMai:
Wow! Còn lúc nãy Hiền Vy nói Hát Đồng Song Thanh là gì vậy ?
HiềnVy:
Hát Đồng Song Thanh là kỹ thuật hát hai giọng cùng một lúc của người Mông cổ và người Tuva ở Tây Bá Lợi Á.
ThụyMai:
Làm sao mà hát một lúc bằng hai giọng được ?
HiềnVy:
Vâng mới nghe thì không làm sao hình dung được, nhưng khi chị đứng bên cạnh anhHải thì sẽ nghe được.
ThụyMai:
HiềnVy có được anh Hải hát Đồng Song Thanh cho nghe không ?
HiềnVy:
Dạ có, lúc đầu em tưởng là anhHải có một cái máy cassette nhỏ, dấu trong áo vì khi anh hát thì em nghe như cả một ban nhạc đang hoà tấu. Nhưng không phải vậy, anhHải đã dùng 2 gịong trong một lúc để hát cho em nghe. Và em đã cố đứng thật gần để nghe
ThụyMai:
Rồi HiềnVy có thấy cái cassette nào không ?
HiềnVy:
Đương nhiên là không rồi, đặc biệt là khi anhHải vừa hát xong Đồng Song Thanh thì từ mọi phía của Viện Bảo Tàng, người ta vỗ tay quá chừng, lúc đó tụi em cũng còn đang đứng dưới Lobby của Viện Bảo Tàng, làm em rất là ngạc nhiên, thì anhHải bảo em là đi ra thật xa, đừng cần nhìn anh thì sẽ nghe rõ hơn nữa.
ThụyMai:
HiềnVy có thử như lời anhHải nói không ?
HiềnVy:
Dạ thử liền chứ. Và quả thật là đứng xa thì nghe rõ hơn bội phần. AnhHải giải thích cho tụi em biết là thời xưa, những người chăn ngựa, khi ngồi trên núi một mình nghe tiếng gió thổi xuyên qua lá, và tiếng nước suối chảy róc rách trên núi, mới bắt chước để hát giải sầu. Từ đó mới phát xuất hát đồng song thanh gọi là Khoomei (giọng hầu).
ThụyMai:
Rồi anhHải bắt đầu nghiên cứu hát Đồng Song Thanh lúc nào ?
HiềnVy:
Dạ khi khám phá kỹ thuật hát Đồng Song Thanh vào năm 1969, anh đã tự tập và tạo một trường phái Âu châu cũng hơn 30 năm. Hiện nay có hơn 20 người (đa số là học trò anhHải ) hát giỏi và dạy môn này khắp thế giới.
ThụyMai:
Hồi nãy HiềnVy nói là anhTQHải đã đem kỹ thật hát Đồng Song Thanh vào phim ảnh bên Pháp là sao ?
HiềnVy:
Dạ, Đó là cuốn phim 'Le Chant des Harmoniques' (The Song of Harmonics, dịch tiếng Việt là Bài Hát Bồi Âm) về kỹ thuật hát đồng song thanh do anhHải phát triển, được quay vào năm 1988 do TS Hugo Zemp, một điện ảnh gia chuyên về dân tộc nhạc học quay và đạo diễn. Cuốn phim này nhấn mạnh về hai khía cạnh: phân tách giọng qua quang tuyến X (một chuyện rất nguy hiểm cho sức khỏe), và phân tách giọng qua âm thanh học (acousctics).
ThụyMai:
Anh Hải không sợ nguy hiểm cho sức khỏe khi dùng quang tuyến X để phân tách giọng sao ?
HiềnVy:
Dạ vì tha thiết đến chuyện nghiên cứu, nên anh đã không ngần ngại khi phải dùng quang tuyến X, chiếu ngang qua gò má, để xem thấy bên trong miệng của anh, trong lúc hát. Và anh đã phải để cho tia quang tuyến X chạy trong 10 phút như vậy
ThụyMai:
Làm vậy rất là nguy hiểm tới sức khỏe. HVy có biết là khi rọi kiếng phổi chỉ có 1/10 giây thôi, mà anhHải cho chạy đến 10 phút tức là tương đương với 6000 lần rọi kiếng trong một ngày.
HiềnVy:
Vâng, Bác sĩ đã "cảnh cáo" anh là nếu làm như vậy tức là anh sẽ nhận chất phóng xạ rất cao, có thể gây ra ung thư dây thanh quản. Vậy mà anh đã chấp nhận sự nguy hiểm này. Nhưng nhờ đó mà cuốn phim thu hút giới nghiên cứu và giới học về giọng.
ThụyMai:
Wow! Thật là một sự hy sinh cho nghệ thuật
HiềnVy:
Vâng, cuốn phim có ba phần: một phần phân tách khoa học (scientific analyses), một phần phương pháp sư phạm (pedagogical method), một phần kỹ thuật hát đồng song thanh (overtone singing technique). Sau khi thực hiện xong vào tháng 6 , 1989, cuốn phim được chiếu lần đầu tiên tại hội nghị Quốc tế ICTM (International Council for Traditional Music) tại Schladming, Áo quốc trước 700 nhà dân tộc nhạc học của 120 quốc gia.
ThụyMai:
Cuốn phim chắc đọat được nhiều giải thưởng lắm ?
HiềnVy:
Dạ, Cuốn phim đã đoạt giải nhứt của đại hội quốc tế phim nghiên cứu tại Parnu, xứ Estonia, 1990 (Grand Prize về Phim nghiên cứu khoa học và Giải thưởng phim dân tộc nhạc học hay nhứt (Prize of Best Ethnomusicological Film). Cùng năm 1990, phim này tham dự một đại hội phim nghiên cứu tại Palaiseau, Pháp, và đoạt giải thưởng Phim nghiên cứu khoa học hay nhứt (Best Film of Scientific Research), Palaiseau. Năm 1991, phim này lại đoạt giải Phim hay nhứt của đại hội phim khoa học (Grand Prize of the Festival of Scientific Film) tại Montreal, Canada.
ThụyMai:
Là cuốn phim về nghiên cứu chắc là ngoài những thành quả đã đạt được như HiềnVy vừa nói, chắc là phim còn được chiếu cho sinh viên, học sinh nữa phải không ?
HiềnVy:
Vâng, phim được chiếu trên 70 đài truyền hình trên thế giới. Phim này đã được trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học chuyển sang phim video nói tiếng Pháp, và nói tiếng Anh. Và phim này đã bán được hơn 50.000 cuốn cho các trường đại học, các trường trung tiểu học, các trung tâm nghiên cứu về giọng.
ThụyMai:
Vậy chắc hẳn là học trò của anh TrầnQuangHải đông lắm ?
HiềnVy:
Dạ anh Hải có trên 7.000 người đã học với anh về kỹ thuật hát Đồng Song Thanh. Nhưng cái hay của môn này là dùng để chữa bệnh
ThụyMai:
Chữa bệnh gì vậy ?
HiềnVy:
Dạ chữa bệnh thần kinh, bệnh tâm lý, và nhất là chữa bệnh cuống họng mà làm mất tiếng nói của người ta.
ThụyMai:
Chữa bằng cách nào ?
HiềnVy:
Dạ những người bị đau cuống họng làm họ không nói được nữa thì với cách học Đồng Song Thanh, anhHải sẽ dạy họ cách tập luyện bắp thịt cổ và họng để dùng một chổ khác mà phát âm, và họ sẽ nói lại được mà không cần qua những cuộc giải phẩu rất đau đớn và nguy hiểm. Ngoài ra những người bị cà lăm, tức là nói lắp, nếu học cách này thì sẽ bớt cà lăm hoặc có trường hợp hết nói cà lăm luôn.
ThụyMai:
Còn chữa tâm lý thì như thế nào ?
HiềnVy:
Dạ vì qua cách phát âm khi mới học Đồng Song Thanh, anhHải có thể biết người học trò của mình là người cứng còi hay người nhu nhược, thì qua cách tập luyện giọng Đồng Song Thanh, anh Hải sẽ giúp người này lấy lại nghị lực, tập trung tư tưởng để lấy lại được niềm tin. Và hiện bây giờ thì anh đang nghiên cứu và sắp hoàn tất phương pháp dùng âm thanh để viết chữ trên máy computer.
ThụyMai:
Dùng âm thanh viết chữ trên máy computer là sao vậy ?
HiềnVy:
Dạ tức là khi mình hát hay nói vào microphone thì giọng hát của mình, trực tiếp hiện ra trên màn ảnh computer, và cái program này do chính anh viết lấy, để biến đổi tần số âm thanh ra hình vẽ các mẫu tự, do đó anh có thể dùng miệng để viết chữ.
ThụyMai:
Wow! sao hay vậy, HiềnVy có được xem tận mắt cách viết này không ?
HiềnVy:
Dạ có, trong văn phòng làm việc của anhTQHải, tụi em được anh cho coi rất nhiều thứ, và dĩ nhiên là thấy được khi anh hát vào microphone thì trên màn ảnh computer những hàng chữ xuất hiện.
ThụyMai:
Wow! Hay quá. TMai nghe là vào ngày 10 tháng Tư năm 2002, Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Quang Hải được Tổng Thống Pháp Jacques Chirac ban huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, phải không ?
HiềnVy:
Vâng đúng vậy, Tổng thống Pháp đã ban huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho anh Trần Quang Hải để tôn vinh những đóng góp của anh về công việc nghiên cứu hát Đồng Song Thanh trên thế giới và làm rạng danh xứ Pháp trong lĩnh vực hát Đồng Song Thanh. Nhưng điều đặc biệt nhất là lúc nào đi trình diễn, anh cũng mặc áo dài khăn đóng ViệtNam cả. Anh luôn hãnh diện mình là người ViệtNam mặc dù bây giờ anh là con-ngườì-quốc-tế và anh đã chỉ sống ở ViệtNam một thời gian ngắn, khi còn nhỏ mà thôi.
ThụyMai:
T.Mai thấy anh Trần Quang Hải hay đi trình diễn Đàn Tranh nữa đó, HVy có nghe anh kể về Đàn Tranh không ?
HiềnVy:
Dạ có, theo anh TQHải thì Đàn Tranh ViệtNam mình hay về thủ pháp bàn tay trái (nhấn , vuốt, rung) nên phong phú hơn các đàn tranh của Trung quốc, Nhựt, Đại Hàn, Mông Cổ. Cách nhấn của bàn tay trái làm cho câu nhạc trở nên não ruột, buồn thảm. Đó là ưu điểm của đàn tranh. Ngoài ra trong nhạc Việt, phần "rao" hay "dạo" là đặc điểm của nhạc Việt. Chỉ có nhạc Việt mới có "rao" giáo đầu, để tạo một bầu không khí cho người nghe "nhập tâm" vào điệu thức của bài nhạc. Theo anh TQHải, cái hay của nhạc Việt là đàn chậm rãi, nhấn cho ngọt, làm cho người nghe cảm thấy "nhức xương". Đó là đặc điểm đàn tranh, mà theo anh, chúng ta cần phải duy trì, bảo vệ.
ThụyMai:
Anh TrầnQHải có con không ?
HiềnVy:
Dạ anh có một người con gái tên là Trần thị Minh Tâm, mà có khi viết bài về sinh hoạt cộng đồng, anh dùng tên của Trần thị Minh Tâm làm biệt hiệu.
ThụyMai:
Cô Minh Tâm chắc cũng là một nhạc sĩ ?
HiềnVy:
Dạ, Trần Thị Minh Tâm (sinh năm 1973 tại Pháp), học piano 12 năm tại trường âm nhạc ở Pháp, học nghiên cứu nhạc học (musicology) tại Đại học đường Sorbonne, Paris, đậu cao học nhạc-học, nhưng cô đã không tiếp tục cho tới tiến sĩ vì cô thích tổ chức đại nhạc hội (festivals). Nên sau khi ra trường, cô Minh Tâm tìm được việc làm ở Thụy Sĩ, và chỉ sau một thời gian ngắn làm việc tại đây, bây giờ cô giữ một chức vụ quan trọng của Classical Music Verbier Festival, một trong ba festivals lớn nhứt của Thụy Sĩ. Cô Minh Tâm là người tổ chức lớp nhạc hè (Summer Academy of Music) dành cho những nhạc sinh giỏi trong các trường nhạc nổi tiếng trên thế giới, vì lớp nhạc này do các giáo sư nổi tiếng nhứt thế giới tới dạy (như ông Rostropovitch, Isaac Stern, vv.)
ThụyMai:
Wow! Đúng là Con nhà Tông, không giống lông cũng giống cánh, phải không HiềnVy ?
HiềnVy:
Vâng em nghe anhHải kể là lúc còn nhỏ, MinhTâm bị 'mặc cảm' về nhạc, vì có ông nội và cha là người giỏi nhạc. Nhưng điều làm em ái mộ cô Minh Tâm nhất, là mặc dù sinh ra và lớn lên bên Pháp, cô đã nói và viết tiếng Việt rất giỏi, có thể giỏi hơn em nhiều.
ThụyMai:
Làm sao hay được như vậy ?
HiềnVy:
Dạ anhHải kể là lúc Minh Tâm còn nhỏ, nếu muốn ăn gì, muốn xin gì, muốn Bố làm cho việc gì thì phải nói, phải xin bằng tiếng Việt, chứ nếu nói bằng tiếng Tây thì không có được gì cả. Và vì vậy mà bây giờ MinhTâm nói được nhiều ngôn ngữ, mà tiếng Việt là một trong những tiếng cô nói và viết rất giỏi.
ThụyMai:
TMai nghe nói là anh đang muốn tìm một người để truyền dạy lại những gì anh đã nghiên cứu đưọc, phải không ?
HiềnVy:
Vâng, em cũng nghe như vậy, nhưng theo anh TQHải thì việc truyền nghề lại cho một người trẻ rất khó khăn vì phải hội đủ một số điều kiện mà anh đòi hỏi.
ThụyMai:
Tại sao lại khó khăn và đòi hỏi của anh Hải là gì?
HiềnVy:
Dạ anh bảo là khi anh chọn người nào thì anh sẽ bảo đảm việc học, ăn ở, tức là anh nuôi người đó từ nhỏ cho tới lớn, học thành tài xong rồi, anh mới trả lại cho gia đình người đó.
ThụyMai:
Tức là phải ăn ở luôn trong nhà của anhHải và chị Bạch Yến ?
HiềnVy:
Vâng, vì điều kiện như vậy, cho nên tới nay anh chị vẫn chưa tìm được người đúng như ý, nên anh vẫn đang tiếp tục tìm.
ThụyMai:
Nhắc đến chị bạch Yến, TMai nhớ ngày xưa, chị Bạch Yến là một nữ danh ca nổi tiếng ở Việt Nam qua bài Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và những bản nhạc ngoại quốc loại rock and roll (Tutti Frutti, Rock Around the Clock) hay loại nhạc mambo (như bài Mambo Italiano) hay các bản do Brenda Lee, Dalida (Bambino). Mà sao bây giờ chị toàn trình diễn với anh TQHải về loại nhạc dân tộc vậy ? Hiền Vy có hỏi anh TQHải không ?
HiềnVy:
Dạ có, lúc trước em tưởng là anhHải đã làm (pressure) áp lực dữ lắm, nên chị Bạch Yến mới đổi như vậy, nhưng không phải. AnhHải kể rằng: Việc chị Bạch Yến trở về nguồn là do chị Bạch Yến muốn. Sau khi lập gia đình với nhau, anhHải chỉ đưa cho chị Bạch Yến những tài liệu dân nhạc Việt Nam để nghe và thấm nhuần. Khi chị Bạch Yến có ý định trở về nhạc dân tộc, thì chị không nghe nhạc ngoại quốc nữa và chỉ nghe nhạc Việt Nam thôi, để cho tai không bị chi phối bởi loại nhạc khác. Vì cách ngân nga giữa hai loại nhạc Pop tây phương và dân nhạc Việt Nam hoàn toàn khác biệt. Do đó, phải mất nhiều thì giờ để cho dòng nhạc Việt thấm sâu vào trong huyết quản.
ThụyMai:
Vậy chắc là chị Bạch Yến phải nghe nhiều nhạc dân ca lắm ?
HiềnVy:
Chị Bạch Yến đi nghe anhHải thuyết trình, trình diễn dân nhạc tại các trường học. Dần dần chị khám phá cái hay, cái đẹp trong nhạc dân tộc. Và anhHải đã cảm hóa chị Bạch Yến trở về nguồn sau một năm sống chung. Từ đó anh chị đi lưu diễn khắp các quốc gia trên thế giới. Tính cho tới ngày đã gần 3000 buổi trình diễn, thực hiện 3 dĩa loại lớn, 3 CD chung với nhau và tham dự hơn 100 đại nhạc hội quốc tế (traditional music festivals) tại 50 quốc gia.
ThụyMai:
Wow!TMai nghe là anh TranQHải có viết sách nữa, phải không ?
HiềnVy:
Dạ,Về sách vở anhTQHải có viết một vài cuốn như quyển 'Musiques du Mondé (Nhạc thế giới) vào năm 1993, được dịch ra tiếng Anh năm 1994, dịch ra tiếng Đức năm 1996 và dịch ra tiếng Tây Ban Nha năm 1998. Sách dày 360 trang, được dùng làm sách giáo khoa ở Pháp. Đã bán được trên 50.000 quyển. Ngoài ra có một số sách khác, dĩa 33 vòng, tức là loại dĩa lớn, dĩa CD (15 dĩa nhựa, 8 CD), tổng cộng đã hơn 1 triệu dĩa bán.
ThụyMai:
Ngoài cuốn phim The Song of Harmonics, lúc nãy mình đã nói đến, anh TQHải còn làm phim nào nữa không ?
HiềnVy:
Dạ có, anh đã làm tặng cho bộ giáo dục Úc Đại Lợi một cuốn phim về nhạc ViệtNam, phim được quay năm 1986 tại tỉnh Perth (Úc châu). Phim này được dùng tại các trường tiểu học trên toàn xứ Úc từ mười mấy năm qua. Anh cũng đã cộng tác với 40 đài truyền hình của nhiều quốc gia để làm những chương trình giáo dục âm nhạc (rất tiếc là không có chiếu trong cộng đồng VN)
ThụyMai:
Như vậy thì người ngoại quốc biết anh nhiều hơn người Việt mình ?
HiềnVy:
Vâng Khán giả của anh thường là người ngoại quốc. Có thể nói là 95 phần trăm. Thị trường làm việc của anh là người ngoại quốc. Mỗi năm anhchị trình diễn cho người Việt khoảng 10 buổi hay ít hơn vì theo anh thì, đã có nhiều nhạc sĩ Việt diễn cho cộng đồng Việt rồi. Việc làm của anh là giúp cho ngoại quốc khám phá nhạc Việt và việc nghiên cứu hát Đồng Song Thanh
ThụyMai:
Thường thường anh trình diễn loại nào nhiều nhất ?
HiềnVy:
Dạ Đàn muỗng và đàn môi là thường nhứt. Đó là hai nhạc khí mà anh đã sáng tạo nhiều kỹ thuật mới. Năm 1967, khi diễn tại đại hội dân nhạc (Folk Music Festival) ở tỉnh Cambridge ở Anh quốc,anh được bầu là Vua muỗng (King of Spoons). Từ đó tới nay anh vẫn tiếp tục giữ ngôi vị này. Năm 1998 anh tham dự đại hội Đàn Môi thế giới (World Jew's Harp Festival) ở tỉnh Moll (Áo quốc), anh được bầu là người chơi đàn môi hay nhất đại hội (The Best Jew's Harp Player of the Festival ). Nhưng Đàn tranh là nhạc khí chánh của anh, nên khi nào cũng có Đàn Tranh trong chương trình của anh, khi anh đi trình diễn.
ThụyMai:
ThụyMai và HiềnVy cũng như các em thanh thiếu niên của ChươngTrình Tuổi Thơ thật là hãnh diện vì trên thế giới có một người Việt Nam tài giỏi như anh Trần Quang Hải.
HiềnVy:
Vâng đây là niềm hãnh diện chung cho người Việt mình, AnhHải còn nói là ước nguyện của anh là làm sao về ViệtNam để trao lại cho dân tộc ViệtNam những gì anh đã học hỏi được, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại thì anh chưa thực hiện được ước nguyện của anh. Anh cũng mong là với gia tài âm nhạc anh để lại cho đời, thì sau này người ta sẽ nhớ tới một Nhạc Sĩ Việt Nam, đã lưu lạc ở hải ngoại, đã hiến dâng cuộc đời cho âm nhạc nói chung và cho Văn Hóa Nghệ Thuật âm nhạc Việt Nam nói riêng.
ThụyMai:
Trong khuôn khổ hạn hẹp của Chương Trình Tuổi Thơ, T.Mai và HiềnVy không thể nào nói hết được những công trình cũng như những thành đạt của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Quang Hải. TMai và HiềnVy xin lập lại câu nói của Nguyễn Bá Học mà anh Trần Quang Hải đã dùng để nhắn nhủ cho thế hệ trẻ Việt Nam tại Hải Ngoại, trong một bài phỏng vấn của Vương Huyền thực hiện trên HồnQuê.com:
Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông.
HiềnVy:
Xin cám ơn Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Quang Hải đã cho phép HiềnVy và ThụyMai làm chương trình đặc biệt này cho các em thanh thiếu niên. Nếu quí thính giả hay các em muốn đọc thêm hay tìm hiểu thêm về Tiến sĩ TrầnQuang Hải và những công trình nghiên cứu Văn Hóa và Âm Nhạc của anh, thì xin vào những website sau đây:
http://honque.com/PhongVan/pvTQH/.htm
http://www.vietnhac.org/baivo/thotho-tqh.html
http://tranquanghai.phapviet.com/


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả