TÌNH CA GIÁO VIÊN MIỀN NÚI *** CHƯƠNG XXIII-XXX ***


:::: Chương XXVIII ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Mọi người đã đi hết sau khi vệ sinh và ăn sáng. Già trẻ lớn bé đều đi cả, người thì đi làm, người thì đi học, chỉ còn một mình tôi. Lúc người Thượng đi vắng, người ta chỉ khép cửa chứ không có khoá. Mọi người tôn trọng tài sản và qúi trọng lẫn nhau. Chỉ có những người bệnh mới ở nhà hay những trẻ nhỏ đang tuổi đi học nếu có giáo viên phổ thông ở gần đó. Làng Kờ Mông nằm dọc theo đường chính lên Phòng Giáo Dục và có hai làng khác gần đó, cũng như khu vực kinh tế mới Thạnh Đức của người Kinh mới thành lập nên trường lớp phổ thông tương đối đầy đủ. Có đủ các lớp Cấp I, tức là tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 5. Cấp II thì chỉ có học sinh tới lớp 8. Học sinh cấp II toàn là người Kinh từ dưới Qui Nhơn đi lên.

Tôi đang soạn bài cho kỳ huấn luyện giáo viên Thượng thì có tiếng người đi lên. Tôi ngưng viết ngẩng mặt lên xem có phải là cô Liễu trở lại không. Tôi nghe thấy tiếng cô Liễu:

-- Đây là nhà Liễu ở. Mời anh Tài lên nhà!

Có tiếng người nói lại, chắc là tiếng thầy Tài, một giáo viên ở B 3.

-- Nhà lớn đó chứ! Hình như dài và rộng hơn các nhà khác!
-- Có lẽ vậy, nhà này là của ấp trưởng mà!

Cô Liễu giật mình khi thấy tôi đang ngồi trong góc nhà, chỗ cô ở:

-- Anh Quang, tới đây hồi nào vậỷ
-- Quang tới chiều hôm qua, khi thầy Đoàn vào làng Ea Rông lại và báo là Liễu chưa thấy lên.

Tôi đứng dậy chào và bắt tay thầy Tài

-- Anh Tài lên chơi hở?

Anh Tài ngần ngừ gãi đầu trả lời:
-- Tài muốn xin đổi chỗ dạy với Liễu. Hôm trước Lực và Tài gặp Liễu và Mai ở thị xã nói chuyện vui chơi, rồi chuyện này sang chuyện khác... Liễu có lên B3 và gặp giáo viên chuyên trách trên đó.

Tài bỏ ba lô xuống, lấy thư giới thiệu đưa cho tôi:
-- Tóm tắt lại là Tài gặp khó khăn không thể tiếp tục dạy trên đó nữa. Thấy Liễu và Lực hai người ăn ý nhau muốn dạy gần nhau nên Tài mời Liễu lên trên đó gặp giáo viên chuyên trách cũng như dân làng để đề nghị đổi chỗ dạy.

Tôi đọc lướt qua giấy đồng ý cho thầy Tài đổi chỗ với cô Liễu vì thầy Tài gặp khó khăn trong việc dạy ở làng anh. Anh đã thuyên chuyển qua ba làng khác nhau rồi mà ở đâu cũng gặp trở ngại. Anh Phúc, giáo viên chuyên trách vùng đó, đề nghị đổi cô Liễu hay một giáo viên khác hoặc trả thầy Tài về Phòng Giáo Dục vì anh thấy thầy Tài không thể hoàn thành công tác trên B3 được.

Tôi thấy có điều gì không ổn vì lý do không rõ rệt nhưng lờ đi để dịp khác tôi sẽ tìm hiểu thêm. Tôi nhìn thầy Tài hỏi:

-- Thế hồi nãy đi ngang Phòng Giáo Dục anh đã vào nói chuyện với anh Nhật, trưởng phòng, chưa?

Cô Liễu xen vào:
-- Hồi nãy xe vừa lên tới đầu làng Kờ Mông là Liễu với anh Tài nói tài xế cho xuống liền. Liễu không muốn đi bộ giữa trời nắng chang chang này.
-- Vậy nếu Liễu muốn cũng phải viết một đơn xin đổi chỗ liền đi rồi Quang đưa hai người lên Phòng Giáo Dục nói chuyện với anh Nhật giúp hai người thuyên chuyển. Được hay không là tuỳ ở Phòng Giáo Dục, chứ Quang không dám tự quyết định hay thuyên chuyển người ra ngoài khu vực của Quang.

Cô Liễu nài nỉ:
-- Ráng giúp Liễu và anh Tài đi nghen!

Tôi nhìn vào mắt cô Liễu. Tôi thấy Liễu có vẻ linh hoạt hơn, dễ thương hơn, và hạnh phúc hơn. Có lẽ là dấu hiệu của tình yêu đây. Chắc cô Liễu trúng tiếng sét ái tình của anh Lực rồi.
-- Liễu tính bỏ làng trốn nhà đi theo ai vậy?
-- Có trốn hồi nào đâu, Liễu thích giúp anh Tài mà!
-- Liễu đi thì đị Quang không cản, nhưng phải nhớ Liễu đã quen nước, quen cái ở đây rồi. Phong thổ mỗi nơi mỗi khác, không cẩn thận sẽ ngộ độc đó!
-- Không sao, Liễu thích lên đó mà!
-- Thôi vậy đi, Liễu viết đơn xong thì ba người chúng ta lên Phòng Giáo Dục. Liễu cứ để đồ đạc ở đây vì hôm nay không kịp xe về thị xã đâu. Còn anh Tài, mang ba lô đi. Nếu anh Nhật đồng ý anh thay Liễu, Quang muốn anh lên thay anh Đoàn để anh Đoàn về đây cho gần bệnh xá huyện vì trông thấy anh kỳ này bệnh suyễn của anh nặng hơn. Hơn nữa anh ấy cũng quen với dân ở làng này. Tuần rồi, anh Đoàn dạy thế Liễu ở đây!

Ba người chúng tôi đi bộ lên Phòng Giáo Dục vừa đi vừa nói chuyện đời giáo viên miền núi với những vui buồn lẫn lộn. Làng thầy Tài nằm trong góc núi Chư Pao (Núi Con Trâu) vì nhìn từ xa dãy núi trong cũng hơi hơi giống hình còn trâu nhất là lúc về chiều. Chu Pao trước đây đã xảy ra những trận đánh kịch liệt giữa quân đội miền Bắc và miền Nam nằm giữa thị xã Pleiku và thị trấn Kontum. Dọc theo quốc lộ 14 từ vùng Chu Pao trở lên Kontum lỗm chỗm những hố bom B52 thả vào mùa hè đỏ lửa 1972. Những hố bom đó bây giờ là những chuôm ao xanh có ếch nhái và có khi có cả cá nữa. Không biết có phải người Thượng thả những con cá con, còn quá bé để ăn không, nhưng những hố bom xưa đã được nước mưa đọng lại thành những ao chuôm thành môi sinh mới của cá và ếch nhái. Phép lạ của thời hoà bình! Sự sống sẽ thắng cái chết, hoà bình sẽ thắng chiến tranh, ánh sáng sẽ thắng bóng tối và chánh nghĩa sẽ thắng gian tà! Tất cả phải phụ thuộc vào thời gian!

Phải để thời gian băng bó những vết thương, phục hồi hy vọng, và hồi sinh sự sống. Quân võ phu Mông cổ trên lưng chiến mã đã đánh thắng và hùng cứ Trung Hoa nhưng đã hội nhập nền văn hoá nhà Tống để Trung hoá hoàn toàn. Tôi thầm hy vọng văn hoá, lòng yêu thương dân tộc, sự yêu chuộng hoà bình và tự do của miền Nam sau này sẽ đánh bại và thuần hoá được mọi ý thức hệ ngoại lai. Mỗi cố gắng, đóng góp của thanh niên chúng tôi sẽ xoa dịu, và xoá bỏ được những sự khác biệt tưởng như không thể dung hoà được.

Tôi không cần biết thầy Tài đã làm gì khiến thầy thất bại cả ba nơi, tôi sẽ cố gắng tranh đấu cho thầy Tài được chuyển về đây. Cô Liễu dạy rất tốt nhưng tôi không thể cầm giữ cô ở lại được. Hồn cô đã để ở B 3 rồi, nếu tôi không thuyên chuyển cô, cô sẽ miễn cưỡng dạy mà thôi, như vậy không ai được lợi cả. Chi bằng nhân nhượng những cái có thể nhân nhượng để mọi người cùng vui vẻ hăng say trong công tác giáo dục của mình.

:::: Chương XXIX ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi


Tôi đưa thầy Tài và cô Liễu xuống nhà ăn ngồi chờ rồi tôi lên văn phòng gặp anh Nhật trước. Dù sao cũng phải chuẩn bị tinh thần cho anh ấy sẵn sàng trước rồi hãy để như là anh quyết định thay vì đó là quyết định của giáo viên hay của tôi. Thực ra thì chuyện đổi gần như là việc đã rồi, không thuyên chuyển thì trục trặc lung tung. Tôi ngó đầu vào văn phòng chào:

-- Anh Nhật rảnh không?
-- Vào đi, cậu vừa về?
-- Dạ, em vừa lên từ làng Kờ Mông. Đây là chương trình sơ khởi huấn luyện các giáo viên. Anh rảnh coi qua xem có đồng ý không?

Tôi đưa xấp giấy đã soạn cho anh Nhật, anh đọc phớt qua chương trình tóm tắt ở trang đầu, rồi chăm chú hơn ở những trang sau, gật gù:

-- Được lắm, giống như là cậu chuẩn bị cả bao nhiêu tháng nay.
-- Cám ơn anh, vậy là đại khái anh đồng ý?
-- Nhất trí mà! Tiếc là ông Ít chưa về để anh em mình nói chuyện thêm.
-- Anh Nhật, còn chuyện nữa, anh phải giúp mới được!

Anh Nhật ngẩng mặt nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi đưa đơn xin thuyên chuyển của thầy Tài và cô Liễu cùng với giấy giới thiệu của thầy Phúc từ B 3.
-- Bố láo thật! Anh chàng Phúc đáng lẽ phải bàn bạc với Phòng Giáo Dục trước chứ!
-- Có lẽ tại gấp rút thôi anh, chắc cũng như việc thầy Đáng, làm mất lòng đồng bào vì chuyện thịt trâu thốị

Tôi đưa ra lý do mà anh Nhật đã thừa biết vì chuyện giáo viên Đáng đã xảy ra trong khu vực của tôi, để gián tiếp nhắc nhở anh Nhật chuyện thuyên chuyển tế nhị
-- Thế cậu nghĩ sao?
-- Em à, em thấy mất cô Liễu cũng uổng, nhưng có thầy Tài cũng được. Thầy Tài khoẻ mạnh, nếu anh đồng ý thì em đưa thầy Tài vào làng Ea Rong thế thầy Đoàn sẽ ra làng Kờ Mông thế cô Liễu vì thầy Đoàn bị suyễn hơi nặng cần gần bệnh xá huyện để lỡ có việc gì ...
-- Cậu thấy được thì anh nhất trí luôn. Thế tính bao giờ chuyển?
-- Ngay liền bây giờ anh ạ. Thầy Tài đã mang ba lô lên đây đang ở nhà ăn với cô Liễu. Anh viết giấy thuyên chuyển xong thì em đưa thầy Tài vào làng Ea Rong liền cho kịp về thảo luận thêm với anh.
-- Thôi, việc gì gấp vậỵ Mai mốt anh em mình bàn cũng được. Cậu lo giùm mấy việc lặt vặt đi. Cậu qua phòng ông Ít đánh máy Lệnh Thuyên Chuyển rồi đưa cho tớ ký là xong.

Tôi lấy giấy ba tờ giấy carbon để đánh máy bốn bản Lệnh Thuyên Chuyển Giáo Viên mà không đề tên người hay làng, xã. Xong rồi tôi điền tên thầy Tài và cô Liễu và khu vực hoạt động. Thầy Đoàn trong cùng một khu vực nên không cần, hơn nữa dân làng Kờ Mông đã biết mặt thầy Đoàn rồi. Tôi đưa anh Nhật cả hai trang chưa điền tên, nói anh giữ phòng hờ sau này. Anh Nhật nói:

-- Cậu lo xa quá, khỏi cần đi. Thôi để tớ ký luôn. Có ai muốn thuyên chuyển bất chợt mà tớ vắng, giao cho cậu quyết định đó!
-- Anh lu bu nhiều chuyện thì được rồi, em giữ đơn này lại, có việc gì em sẽ trình anh.

Tôi báo thêm với anh Nhật:
-- Cô Liễu tối nay tiếp tục dạy ở làng Kờ Mông, sáng mai ra bến xe về, ngày mốt phải có mặt ở B 3 để trình diện thầy Phúc nhận nhiệm sở mớị Còn em đưa thầy Tài lên thay thầy Đoàn liền. Em sẽ ở lại Ea Rong đêm nay để giới thiệu thầy Tài với dân làng. Mai thầy Đoàn về làng Kờ Mông, còn em về đây rồi anh bổ túc thêm ý kiến chương trình huấn luyện giáo viên Thượng.
-- Tớ tin tưởng cậu mà! Hiệp nhận xét cao về cậu lắm!

Ở Phòng Giáo Dục có bốn cô và bảy chàng: chị Hiệp, chị Nhung, chị Chức, chị Hương, anh Nhật, anh Khoa, anh Giáp, anh Hưng, anh Bài, anh Ít và tôi. Anh Nhật có cảm tình nhiều với chị Hiệp, mặc dù anh đã có gia đình ở ngoài Bắc. Thường thường, chị Hiệp giữ vai thư ký ngồi ngay trong văn phòng của anh, nhưng hôm nay tôi không thấy chị ở đây.

Tôi cười hỏi anh:
-- À mà chị Hiệp đâu rồi, nãy giờ em không thấy chị ấy đâu!
-- Hiệp về thịxã trưa nay. Ở Phòng chỉ còn mấy mạng le que! Thôi cậu đi đi rồi về càng sớm càng tốt.

Tôi xuống phòng ăn. Cô Liễu và thầy Tài đưa mắt dò hỏi. Thầy Tài hỏi nhanh:

-- Có được không anh?
-- Xong rồi, đây là giấy thuyên chuyển cho hai người. Anh chị lên cám ơn anh Nhật một tiếng rồi Quang đưa anh Tài lên làng Ea Rong thế anh Đoàn, còn Liễu thì về Kờ Mông dạy và từ giã đồng bào tối nay, sáng mai Liễu về thị xã chơi một hôm rồi ngày mốt lên B 3 trình diện thầy Phúc.

Hai người xiết tay tôi, cảm động. Tôi vui lây vì vừa giúp được mấy người hạnh phúc, nhất là cô Liễu, má hồng lên sung sướng. Đúng là khi người ta yêu, ngay cả ý nghĩ sắp được gần người yêu cũng lồ lộ trên khuôn mặt. Còn tôi, không biết tôi đã yêu chưa mà sao trắc trở quá, với Du, với Nhung đều có cái gì là lạ, dù rằng tôi có cảm tình thật sâu với hai người.

:::: Chương XXX ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi


Thầy Tài và tôi rời Phòng Giáo Dục liền ngay khi thầy và cô Liễu lên chào và cám ơn anh Nhật. Tôi muốn làm việc gì thì làm cho xong, không muốn nấn ná ở lại. Tôi chỉ lấy gọn ghẽ những thứ căn bản một bộ đồ thay, khăn tắm, võng, màn, cà mên, đèn pin nhà binh... còn những thứ khác như mền, quần áo tôi để lại để việc đi lại được dễ dàng. Vừa đi tôi vừa nói qua tình hình dạy học ở khu vực và tình hình ở làng thầy Đoàn để thầy Tài nắm vững và hoạt động được tốt đẹp.

Một khu vực có thành công hay không là nhờ sự cộng tác của tất cả các giáo viên, chứ không tuỳ thuộc vào một cá nhân nào. Tôi không muốn mình độc đoán làm việc, những gì tôi biết, tôi đều chia sẻ với tất cả mọi giáo viên để họ cùng biết và giúp tôi dạy đồng bào Thượng. Thầy Tài lấy làm lạ tại sao tôi giải thích cặn kẽ từng chút một, tôi cười bảo thầy:

-- Mỗi một giáo viên là đại diện cho tập thể giáo viên. Thầy làm sai ở một làng, làng khác sẽ nghe tiếng và ảnh hưởng tới làng bên. Thầy hoạt động tốt ở một nơi sẽ động viên thầy cô giáo và đồng bào ở các làng lân cận.

Từ Phòng Giáo Dục lên làng Ea Nang chỗ cô Hạnh mất độ hơn hai tiếng đồng hồ. Thầy Tài và tôi đi độ hơn một tiếng rưỡi thì thấy mấy con nai chạy băng qua đường mòn. Nai rừng ít khi chạy, thường thong thả đi, trừ khi cháy rừng, bị bắn hoặc phát hiện người săn. Như linh tính báo có chuyện gì bất ổn, tôi thấy bên vầng thái dương giật giật vài cái. Thay vì đi thẳng tới làng Ea Rong, chỗ thầy Đoàn, tôi quyết định ghé lại chỗ cô Hạnh để hỏi xem có gì lạ.

Vừa thấy chúng tôi đến, cô Hạnh đã chạy ra, nói hớt hải:
-- Du kích và bộ đội đang truy lùng quân phiến loạn hay người vượt biên. Tối qua làng họp vì có người nấu nướng trên nhà kho ngoài rẫy của họ, khoai sắn nhổ tùm lum. Tro bếp còn ấm nên có lẽ mới đây thôi.
-- Du kích và bộ đội đi về hướng nào?
-- Về phía làng ông Đoàn đó!
-- Họ đi bao lâu rồi?
-- Chừng một tiếng thôi, vì du kích các làng và bộ đội họp chung ở đây rồi mới khởi hành.
-- Thế họ chia làm mấy nhóm?
-- Đi chung một nhóm thôi vì chỉ có 7 anh bộ đội còn đâu khoảng 20 du kích.
-- À thầy Tài sẽ lên thay thế thầy Đoàn ở trên làng Ea Rong. Thầy Đoàn sẽ về làng Kờ Mông sáng mai đó.
-- Thật không? Quang không nói giỡn chứ?
-- Giỡn làm chi? Chị hỏi thầy Tài là biết liền. Thầy Tài đổi chỗ cho cô Liễu, Quang đưa anh Đoàn về thế cô Liễu cho tiện việc đi lại bệnh xá nếu cần vì thấy anh bị suyễn hành nặng hơn.
-- Cám ơn Quang nha! Bọn này không quên Quang đâu!
-- Chuyện nhỏ mà, cám ơn thầy Tài nè! Không có thầy Tài, Quang đâu đổi chỗ ngay cho anh Đoàn được.

Cô Hạnh quay nhìn thầy Tài:
-- Cám ơn thầy Tài nha. Khi nào bọn này đám cưới thầy ráng đi dự đó!
-- Gì chứ ăn thì tôi nhanh lắm! Chừng nào vậỷ
-- Ồ chưa nhất định, nhưng bọn này chỉ làm đơn giản thôi, cũng dễ mà! Ăn chung là Quang cho bọ n này về sắp xếp!
-- Ấy ấy đừng đặt gánh nặng trên vai Quang nha chị, bộ tính làm áp lực hở? Nói chơi vậy thôi, sau vụ huấn luyện giáo viên Thượng, Quang sẽ tìm cách cho anh chị cùng về một chuyến!
-- Quang hứa rồi đó nha!
-- Dạ thì hứa đó, nếu Quang còn sống thì sẽ giữ lời! Thôi bọn này phải đi cho kịp, chị Hạnh vui vẻ nha!
-- Mấy anh đi cẩn thận, đừng lớ xớ bị bắn đó!
-- Khỏi lo, bọn này vừa đi vừa hát nhạc cách mạng.

Ra khỏi bìa làng, đường mòn quanh co, cây cối um tùm. Tôi nói với thầy Tài:

-- Thầy biết bài hát cách mạng nào không? Thầy hát trước đi, bọn mình thay phiên nhau hát!

Thầy Tài cười hỏi:
-- Thật hay giỡn vậy?
-- Thật đó, mình lùi lũi đi, đâu biết ai rình rập đâu đó, tưởng mình là FULRO thì chết bỏ sừ.

Thầy Tài lắc đầu:
-- Tài không biết bài hát nào cả, chỉ biết mấy bài hát của thiếu nhi thôi.
-- Kệ đi, mình hát bài nào mình biết! Cốt là để người ta biết mình không trốn tránh đó mà.

Thế là thầy Tài gân cổ vừa đi vừa hát:

"Ai yêu bác Hồ Chí Minh
Như thiếu niên nhi đồng ..."

Tôi thấy hay hay cũng hùa theo làm vang động cả khu rừng có lẽ vang vọng chu vi cả một cây số vì rừng núi âm vang tiếng hát của chúng tôi. Tôi mong tiếng hát vang vọng thật xa để mọi người nghe thấy, an toàn cho chúng tôi và báo động cho người đang lẩn trốn. Hát một hồi, thầy Tài nói:

-- Thôi anh Quang hát một mình bài gì khác đi, hát hoài khô cổ quá!
-- Để Quang dạy cho anh bài hát tiếng Thượng để anh lác mắt họ nghen! Cứ lập lại thôi, không cần biết nghĩa từng chữ.

Tôi hát một lượt bài Cách mạng thành công bằng tiếng Thượng, "Hơk kơ tơk jai ta jong ying eng ah kach mang ta eng ah oh tơ lơi ăm ah ..." giữa tiếng cười ngặt nghẽo của thầy Tài.

-- Thôi anh Quang ơi, Tài chịu thua. Hát tiếng Việt còn hát vớ vẩn nữa là tiếng Thượng.
-- Vậy thôi, mình ngưng hát. Cũng mỏi cổ rồi!

Chúng tôi im lặng, tôi đi trước, thầy Tài theo sau. Tôi thầm nghĩ không biết ai đã nhổ sắn và để lại dấu vết tùm lum để xảy ra chuyện này. Không lẽ anh Trung và anh Tâm vô ý đến thế sao khi mà tôi đã dặn dò chỉ vẽ kỹ lưỡng rồi. Tôi phải tìm ra hướng truy lùng của du kích và bộ đội. Không chừng tôi phải tìm cách liên lạc với anh Tâm và anh Trung. Bằng cách nào bây giờ, tôi ước lượng giờ này hai anh đã tới ranh giới B 12. Nếu tôi đi theo đường mòn cũng mất 6 tiếng nữa, lúc đó đêm đã phủ xuống, hơi lạnh trong núi bốc ra!

Tôi nghĩ có lẽ một nhóm người nào đó đã nhổ sắn chứ không thể nào là anh Tâm và Trung được, nhưng nếu bộ đội và du kích truy lùng về hướng các anh đi thì tôi phải kịp thời báo hiệu bằng cách vượt qua họ. Họ đi đông và chưa biết hướng các anh đi nên sẽ mất giờ truy lùng dấu vết, tôi được lợi điểm hơn nên có thể báo các anh đi về hướng khác an toàn hơn, nhưng bằng cách nào? Không thể xếp đá trên đường mòn vì dễ gây chú ý và các anh sẽ không đi theo đường mòn, mà chỉ đi dọc theo đường mòn để đỡ bị lạc nếu các anh theo đường tôi chỉ dẫn. Cách tốt nhất là bằng đèn pin chờ trời tối, dùng mật mã morse để liên lạc may ra nếu hai anh Tâm và Trung thay phiên nhau canh gác như lời tôi dặn họ có thể nhận ra tín hiệu của tôi. Dù với giá nào tôi cũng phải đưa hai anh ra khỏi vòng hiểm nguy.

Nguyên Đỗ
(Còn tiếp)











Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả