Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam Dưới Ánh Sáng Mới Của Khoa Học

TÁC PHẨM KHẢO CỨU

Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam Dưới Ánh Sáng Mới Của Khoa Học
Của Luật Sư Cung Đình Thanh

Luật Sư Cung Đình Thanh đã hoạt động âm thầm trong lãnh vực văn hoá dường như trong suốt cả cuộc đời ông. Tác phẩm khảo cứu Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam Dưới Ánh Sáng Mới Của Khoa Học (TVNGVMVNDASMKH) của ông là kết qủa của một công trình nghiên cứu lâu dài và công phu, hoàn thành được là nhờ dựa vào những công trình nghiên cứu biên khảo đã được công bố của nhiều thế hệ học giả khác. Trong tác phẩm này, ông đã lần lượt giới thiệu đến chúng ta một góc nhìn khá mới lạ về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, về nguồn gốc nền văn minh Việt Nam.

Luật Sư Cung Đình Thanh chính quán tại làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nhưng sinh tại chân núi Yên Tử, gần thị xã Uông Bí (tỉnh Quảng Yên) vào năm Giáp Tuất. Ông học văn khoa, luật khoa (Việt Nam), rồi sau đó, khoa quản trị và lãnh đạo tại Đại học Connecticut Hoa Kỳ. Ông di cư vào Nam năm 1954. Ông gia nhập Luật Sư Đoàn Toà Thượng Thẩm Saigon năm 1961, rồi tham gia Ban Giảng Huấn Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1963. Sau khi ở Hoa Kỳ trở về nước, biết rõ thế nước, ông đã từ chối mọi đề nghị hợp tác chính trị và chỉ dồn tâm lực vào việc phát triển văn hoá giáo dục. Ông làm Tổng Giám Đốc các trường Bách Khoa Bình Dân và các Trung Tâm Tráng Niên Giáo Dục tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam (1967-1975) thuộc hiệp hội tư. Ông là Chủ Tịch Ban Quản Trị Trung Ương Hội Văn Hoá Bình Dân (1968-1975). Ông sáng lập câu lạc bộ Làng Văn, chương trình truyền hình Làng Văn (nhạc sĩ Hùng Lân điều khiển), trung tâm Văn Học Nghệ Thuật Phan Kế Bính, tập san Phát Triển Văn Hoá, Ông lập các làng Văn Hoá, Giáo Dục, Ngoại Giao, Yên Tử. Ông cũng từng là hội viên Hội Đồng Văn Hoá Giáo Dục trước năm 1975, hội viên Hội Đồng Luật Sư, Luật Sư Đoàn Toà Thượng Thẩm (1974-1975). Ông tạm ngưng hoạt động trong suốt 15 năm trời kể từ sau năm 1975. Năm 1989 ông rời quê hương sang định cư tại Úc Châu. Khi đến Úc Châu, ông bắt đầu hoạt động trở lại. Ông dạy văn hoá tại Đại Học Sydney miền Tây (MacArthur), thành lập Hội Phát Triển Văn Hoá Việt tại hải ngoại (Vietnam International Culture Development Inc.). Hiện ông chủ trương Tập San Tư Tưởng và Tủ Sách Nghiên Cứu Việt Học.

Trong Lời Nói Đầu, quyển sách này chỉ để khơi lên một việc, mà đáng lẽ phải làm từ lâu, đó là tổng hợp các kiến thức cập nhật của các nhà chuyên môn trong cũng như ngoài nước, về các ngành khảo cổ học, cổ sử học, nhân chủng học, ngôn ngữ học, sinh hoá học, liên quan đến nguồn gốc văn minh Việt Nam, mà theo ông, là một trong những nền văn minh cổ nhất của nhân loại nhưng đã bị lãng quên, chiếm đoạt, bị xoá nhoà, thậm chí bị lăng nhục vì nhân loại vào thời điểm đó chưa có văn tự để ghi chép lại những sự kiện lịch sử một cách rõ ràng. Với khối lượng thông tin phong phú và đa dạng, mà đa số những dữ kiện này được chú thích nguồn xuất xứ, dựa vào phần lớn những chứng minh khoa học sau này, như tựa quyển sách đã gợi ý, ta không khỏi tự hỏi không biết ông đã bỏ ra bao nhiêu thời gian và tâm huyết của mình để hoàn tất tác phẩm này, nhưng vượt trên tất cả là bàng bạc cả một tấm lòng của ông đối với vận mệnh của quê hương dân tộc. Ông mang một nỗi bâng khuâng trăn trở của một người vừa mất tổ quốc mà vẫn chưa công khai hoá được những kết quả nghiên cứu của mình. Ngay từ khi chủ trương Tập San Tư Tưởng, ông đã viết những bài tham luận về nguồn gốc văn minh Việt Nam, theo ông, chỉ với mục đích đánh động sự quan tâm của học giới ở hải ngoại mà lúc bấy giờ dường như vẫn chưa ý thức được đúng mức đến vấn đề quan trọng và cấp bách này. Mặt khác, ông muốn tìm những người bạn đồng điệu để cùng làm công việc nghiên cứu chung cho nền văn hoá của đất nước mai sau. Cũng chính động lực này đã khiến ông quy tụ được một số những nhà trí thức Việt Nam và những người Việt đồng điệu khác hiện đang sống tại nhiều quốc gia trên thế giới, hầu thực hiện một dự án mà những người bạn đồng hành của ông đã đồng ý lấy tên là Tủ Sách Nghiên Cứu Việt Học. Như ông đã viết ở Lời Nói Đầu của quyển sách, để tương đối có sự thống nhất, Tủ Sách Nghiên Cứu Việt Học cần có một khởi điểm chung, thí dụ như một tác phẩm dựa vào các chứng cớ khảo cổ mới nhất, phối hợp với các lý thuyết khoa học về cổ nhân chủng học, ngôn ngữ học, sinh hoá học… để có thể chứng minh rằng văn minh Việt Nam có trước, không nhất thiết là hay hơn, đẹp hơn, nhưng rõ ràng là không hoàn toàn giống với văn minh phương Bắc, rằng vay mượn về văn hóa, nếu có, chẳng qua là sự trao đổi hai chiều đương nhiên xẩy ra ở mọi nơi mọi thời khi có sự giao lưu giữa hai nền văn hoá khác biệt. Tác phẩm TVNGVMVNDASKH ra mắt bạn đọc một phần cũng vì những lý do kể trên.

Tác phẩm khảo cứu TVNGVMVNDASMKH chỉ là tiếp nối của những hoạt động về văn hoá trong âm thầm của ông từ bấy lâu nay. Qua quá trình nghiên cứu công phu và bền bỉ, ông đã đi đến kết luận rằng tổ tiên Việt tộc ta là một trong những người đã tạo ra nền văn minh Hoà Bình, một trong những nền văn minh cổ của nhân loại. Điều này đã được chứng minh bởi một vài nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Theo ông, sự ra đời của quyển sách này chỉ là bước đầu, bước kế tiếp sẽ là việc duyệt lại toàn bộ các tác phẩm của ta từ trước đến giờ, các tác phẩm thuộc những lãnh vực từ văn chương, sử học, triết lý, giáo dục, kinh tế, thương mại… để chúng ta có thể đi đến những kết luận hầu có thể xác nhận những điều nào thuộc về di sản của tổ tiên ta để lại. Vào tháng 2 năm 2004, một buổi lễ giới thiệu Tủ Sách Nghiên Cứu Việt Học sẽ được tổ chức tại Sydney. Vào tháng 9 năm 2004, một buổi hội thảo gồm những người yêu văn hoá Việt, những người đã nghiên cứu văn hoá Việt, hay những người chỉ hoạt động cho văn hoá Việt sẽ họp lại tại Washington D.C., thủ đô của quốc gia có đông đảo người Việt tị nạn nhất trên thế giới, để cùng đề cử ra những vị sẽ soạn hai bộ sách là Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Việt và Bộ Việt Học Toàn Thư. Hai bộ sách này hy vọng sẽ là những viên gạch đầu tiên để dùng làm tài liệu tham khảo về nguồn gốc văn minh Việt Nam, hay để những nhà giáo khoa sau này có thể có tài liệu để soạn sách giáo khoa cho học sinh. Một thí dụ nho nhỏ trong quyển sách này là ta vẫn thường được các thầy cô ở những bậc tiểu học và trung học dạy rằng việc trồng luá gạo là do các Thái Thú Tích Quang và Nhâm Diên dạy lại cho người dân ta. Kết quả nghiên cứu của Luật Sư lại đưa đến kết luận rằng dân Việt ta đã biết ăn gạo từ hơn 10,000 năm nay, và chính kỹ thuật thuần hoá luá nước là do tổ tiên ta đã đem sang phương Bắc và đã dạy cho người Trung Hoa.

Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam Dưới Ánh Sáng Mới Của Khoa Học của Luật Sư Cung Đình Thanh, đã dẫn dắt chúng ta đi ngược dòng lịch sử, để quay trở về một đất nước từ thời xa xưa, một đất nước, mà theo nhãn quan của ông, đã tồn tại một cách độc lập, đã bước vào một thời đại khá văn minh vào thời điểm đó. Xã hội trống đồng là xã hội của một cộng đồng đã tương đối được ổn định về phương diện vật chất lẫn tinh thần, với ngành luyện kim phát triển rất sớm, với quan niệm về thẩm mỹ khá cao… Cũng theo lời ngỏ ở đầu quyển sách, những dữ kiện được nêu ra trong tác phẩm này chỉ là những bước đầu trong công trình khảo cứu thôi, đề tài này còn cần sự thảo luận và nghiên cứu sâu xa hơn nữa trong tương lai. Theo ông, một quốc gia có phát triển được hay không tùy thuộc ít nhiều vào thiểu số những người trí thức tạm được xem là những tinh hoa của đất nước. Thời đại nào mà tầng lớp này được nuôi dưỡng bởi một nền văn hoá dân tộc không ngoại lai, và gây được ảnh hưởng sâu rộng đến người dân, thời đó nước giàu dân mạnh. Bởi vậy, một chương trình kiến quốc nghiêm chỉnh cần được bắt đầu hầu gầy dựng một tầng lớp trí thức lành mạnh thấm nhuần tinh thần dân tộc của đất nước mình.

Có khi nào chúng ta tự hỏi không rõ tổ tiên ta là ai? thuộc chủng tộc nào? lịch sử dân tộc ta bắt đầu từ bao giờ? và diễn tiến ra sao để nun đúc chúng ta với hình hài, vóc dáng và nếp sinh hoạt như ngày nay? Vấn đề nguồn gốc văn minh Việt Nam vẫn chưa hề được giải đáp thỏa đáng bao giờ, vì một sự thật đau lòng rằng ta không có nhiều sử liệu để nghiên cứu tường tận. Về văn bản, ta chỉ có năm bảy bộ sử, đôi ba tập ký Trung Quốc đề cập vài ba câu liên quan đến thời kỳ này. Ngoài ra là một số chuyện thần thoại được lưu truyền trong dân gian. Không ít những nhà viết sử ta vẫn cho rằng tổ tiên ta có liên hệ đến người Hoa. Ngay chính truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên cũng cho rằng Đế Nghi là cháu mấy đời của vua Thần Nông, một ông vua Trung Hoa. Quyển sách TVNGVMVNDASKH đã ra đời, đã dám đưa ra một số kết luận khác hẳn với những gì mà ta và con cháu ta vẫn thường được học từ trước đến nay. Khi nhìn những hình ảnh được khắc trên trống đồng, những hình ảnh này gợi cho chúng ta liên tưởng đến một cuộc sống lành mạnh, đôn hậu, thủy chung… Phải chăng những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ phải, gắn liền với ý thức cộng đồng, là những đặc tính của dân tộc ta, đã được nung đúc từ thời xa xưa ? Phải chăng chính những đặc tính dân tộc này, cộng với một nền văn hóa lành mạnh và một nền kỹ thuật khá cao từ thuở xa xưa ấy, đã là sức mạnh sinh tồn của dân tộc Việt Nam ta, mà trải qua những thế kỷ bị đô hộ bởi ngoại bang, đất nước Việt Nam chúng ta vẫn không hề bị biến thành quận huyện vĩnh viễn của những người đô hộ này. Ước mong chúng ta, và những thế hệ mai sau, trong bối cảnh lịch sử đau thương hiện tại, với những người Việt tha hương sống rải rác trên khắp nơi trên thế giới, sẽ có dịp cùng nhau bắt đầu một phong trào văn hoá mới, một phong trào văn hoá thuần tuý Việt Nam, một phong trào văn hoá mà mọi người dân đều có thể nhận ra được cái hồn dân tộc độc đáo của dân tộc mình. Đó là ước vọng của Luật Sư Cung Đình Thanh khi ông viết công trình khảo cứu TVNGVMDASKH. Đó, hy vọng cũng là ước vọng chung của dân tộc Việt Nam.

Quách Nam Dung
12-12-2003

Địa chỉ liên lạc: tutuong@tpg.com.au
Điện thoạI liên lạc : 02 9716 7010


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả