MÓN QUÀ CUỐI NĂM

“Tôi si dại yêu người tóc trở bạc
Ngoài ba mươi mắt như úa màu xanh
Rất ngỡ ngàng khi gọi một tiếng anh
Nhưng mê đắm trong vòng tay bão loạn...”

*

Bạch Thường run run xếp quyển nhật ký của con gái lại, đút xuống tấm nệm như cũ. Bà ngồi xuống mép giường để trấn áp những lo âu...

Vừa lúc ấy bà nghe tiếng hát líu lo của con gái ngoài phòng khách, lúng túng không biết nên ngồi yên tại chỗ hay bước ra khỏi phòng con gái. Chưa kịp phản ứng thì Đan Hà bước vào, thấy mẹ đang ngồi trên giường mình, nàng sững người lại rồi nhanh trí đến bên mẹ ngọt ngào:
- Mẹ! Mẹ làm gì ở phòng con vậy?
Bạch Thường tự dưng nghe tức giận, bà làm thinh không đáp lời. Đan Hà cảm thấy bất an, lay tay mẹ:
- Mẹ! Mẹ giận con điều gì vậy?

Không dằn được, bà vung văng lật tấm nệm lên rút quyển nhật ký của Đan Hà vứt mạnh lên giường hét:
- Con phải nói cho mẹ nghe con viết nhăng viết cuội gì ở trong này?
Mặt Đan Hà tái không còn chút máu, nàng cầm quyển nhật ký ôm chặt vào người như sợ mẹ lấy lại. Đan Hà lí nhí:
- Mẹ! Mẹ đọc hết rồi hả?
Bạch Thường giận dỗi không trả lời con gái, Đan Hà sụp dưới chân mẹ:
- Mẹ! Chúng con chỉ là bạn với nhau thôi mà.
Bạch Thường thật sự chưa đọc gì ngoài bốn câu thơ, nhưng khôn khéo bảo:
- Phải kể bốn câu thơ phía đầu quyển sách của ai?
Đan Hà mừng rỡ:
- Mẹ! Bốn câu thơ đó là con chép lại của người ta thôi, ở trong con chỉ ghi chép sự gặp gỡ lui tới giữa con và Nhật Bình thôi hà. Không có gì bậy bạ hết mẹ ạ.
- Mẹ muốn con lo ăn học cho đàng hoàng, những câu thơ lãng mạn vớ vẩn đó con xé đi. Mẹ mà bắt gặp nữa mẹ sẽ không tha đâu.
Đan Hà níu tay mẹ khẩn khoản:
- Cho con giữ đi mẹ. Con đâu có làm gì bậy bạ đâu, thấy mấy câu thơ hay hay con chép lại vậy thôi. Mẹ không tin mẹ đọc đi.
Bạch Thường thở dài bảo:
- Mẹ không muốn đọc, mẹ cũng không muốn thấy những câu thơ tương tự như thế. Con đã lớn khôn rồi, mẹ mong con tự ý thức được những gì mà con thấy... quá trớn! Đan Hà mừng rỡ hứa hẹn:
- Thưa mẹ, con xin hứa con sẽ không làm cho mẹ buồn đâu!
Bạch Thường nghe giọng thỏ thẻ của con lòng dịu lại, kéo con đến gần nàng âu yếm:
- Mẹ hỏi thật con và Nhật Bình ra sao?
Đan Hà ấp úng:
- Mẹ..., tụi con chỉ là bạn thôi!
Bà vuốt tóc con bảo:
- Mẹ chỉ muốn ngày sau khi lấy chồng con được sung sướng, đừng như mẹ.
Đan Hà vứt quyển nhật ký xuống giường ôm vòng qua lưng, tựa đầu sau lưng mẹ hỏi:
- Mẹ! Con muốn biết vì sao Ba Mẹ cứ gây gổ hoài, lúc nào Ba cũng la lối mẹ và con hết vậy?
- Không, Ba con không ghét mình đâu. Con đừng nghĩ bậy!
- Mẹ! Con biết mẹ giấu con mà! Mẹ kể cho con nghe đi.
- Đan Hà! Con đừng nói bậy!
Mặt Đan Hà xịu xuống. Nàng phụng phịu đi tới đi lui trong căn phòng. Bạch Thường thở dài bảo:
- Thôi! Mẹ phải xuống bếp lo cơm nước.
Rồi bà ra khỏi phòng con. Đan Hà ngồi xuống giường rút quyển nhật ký ra khỏi tấm nệm lấy bút hí hoáy ghi “Ngày... tháng... năm... Hôm nay mẹ vào phòng bắt gặp quyển nhật ký này rồi, mẹ chỉ la mình sơ sơ thôi. Chắc phải tìm chỗ giấu mới. Sáng nay, Nhật Bình vừa tặng mình quyển Cám Ơn Em Đã Yêu Anh của Duyên Anh, tụi con Mỹ, con Vân chọc mình quá chừng! Ghét Nhật Bình ghê, cứ làm mình bị chọc quê hoài! Ưm, nhưng cũng thấy... thương ảnh quá đi thôi!”. Đan Hà xếp nhật ký lại, thầm nhủ ra phụ với mẹ lo cơm nước vì ba cũng gần về rồi...
Khi Đan Hà ra tới bếp thì thấy mẹ đang đứng nhặt thóc. Hà đến bên phụ mẹ, thấy mẹ không vui nàng hỏi:
- Mẹ! Mẹ đừng la con khi thấy con tò mò nghe mẹ... Sao mẹ cứ buồn hoài vậy?
Bạch Thường thở dài nhìn con, thấy con cũng đã khôn lớn rồi, nàng đắn đo không biết có nên kể rõ cho con biết chuyện hay không? Đang phân vân thì nghe tiếng mở cửa. Đan Hà nhanh nhẹn bước ra reo lên:
- Ồ! Bố đã về rồi!
Ông Mạnh Quang ngồi xuống ghế nghiêm trang chẳng nói gì, cúi mở giày ra ông nói như ra lệnh:
- Vặn quạt lên coi. Nhà gì nóng như cái hỏa lò.
Đan Hà mau mắn làm theo lời cha. Nàng biết nàng là con riêng nên cha nàng không thương yêu là phải, nhưng thật là tội nghiệp cho mẹ. Chẳng biết tại sao mẹ lại phải lấy bố trong khi mẹ chẳng được bố yêu thương? Nàng chỉ biết mơ hồ thủa xa xưa nàng được 7 tuổi, bố ruột mất đi, mẹ lấy chồng khác; ngày cưới mẹ và bố ghẻ còn để nàng ở với cậu Văn, cả tuần lễ sau thì cậu đem giao nàng cho bố, mẹ để cậu Văn vào Nam kiếm việc làm vì thủa ấy miền Trung rất khó kiếm việc...

Ở bên bố, mẹ Đan Hà rất được cưng chiều. Cho đến một ngày Cậu Văn đến thăm lần chót để lên tàu xuôi Nam thì không hiểu sao bố, mẹ gây gổ suốt ngày... Rồi sau đó chiến tranh lạnh xảy ra... Bố ghẻ ra mặt ghét bỏ Đan Hà. Con sen trung thành nhất cũng không chịu nổi với cuộc “chiến tranh lạnh” ấy nên sau đó vài tháng cũng xin nghỉ việc.

Hơn 9 năm dài trôi qua, mẹ âm thầm sống, nhiều lần khóc thầm. Đan Hà biết được thương mẹ quá nhưng hỏi mãi mẹ cũng bảo “chẳng có gì...”.

Có một mùa Xuân, cậu Văn ở Nam về thăm, mẹ mừng rỡ ôm lấy cậu, cậu thì hỏi han huyên thuyên, lôi ra trong một cái túi lớn đủ thứ đồ chơi cho Hà. Hà thích thú nhất con búp bê khi bóp mạnh vào bụng nó biết la lên “oe oe”.

Mẹ và cậu vui vẻ hàn huyên, bỗng mẹ nhìn lên đồng hồ la hoảng:
- Chết! Anh Mạnh Quang sắp về... Em đi đi!
Cậu nhìn mẹ sửng sốt:
- Chuyện gì vậy? Sao chị lại đuổi em?
- Chuyện dài dòng lắm, thôi để bữa nào chị kể cho em nghe!
- Không! Em phải ở đây gặp anh Quang hỏi cho ra lẽ.
Giọng mẹ sũng đầy nước mắt:
- Em thương chị thì đi liền đi!
Cậu Văn chẳng hiểu gì nhưng thấy chị khóc cũng chìu lòng bước ra khỏi nhà, nhưng cậu có vẻ giận nên sau đó đi biệt luôn. Rồi cậu được lệnh nhập ngũ... và bẵng cả năm sau được tin cậu tử trận, mẹ khóc như mưa... Đan Hà thường nghe mẹ lẩm nhẩm:
- Tội nghiệp em tôi quá!!! Nhưng cũng xin cầu cho em sớm siêu thoát.
Phần Hà, ngay cả mấy món đồ chơi cậu Văn mua cho, mẹ cũng căn dặn chờ bố đi khỏi hãy lấy ra chơi. Đan Hà chẳng biết giữa cậu và bố ghẻ có điều gì mà bố ghét cậu như thế...
Có một lần Đan Hà bóp bụng con búp bê kêu “oe oe”, bố vừa thiu thỉu nhỏm dậy:
- Tiếng gì kêu vậy?
Đan Hà hoảng hồn quên luôn điều mẹ dặn:
- Dạ! Tại con bóp bụng con búp bê cậu Văn cho nên nó kêu đó!
Bố ngồi bật dậy như bị điện giật:
- Cái gì? Cậu mày mua đồ chơi cho mày lúc nào?
Thế là con búp bê bị vứt ra đường trong cơn mưa tầm tã. Sau cơn mưa, Hà rón rén ra lượm thì nó... đâu mất tiêu. Đan Hà tiếc ngẩn ngơ nhưng đành chịu...

*
Dĩ vãng chín năm qua nhưng Hà không bao giờ hiểu được lý do gì mà bố vẫn lạnh nhạt với mẹ.
Chiều nay Hà có hẹn với Nhật Bình tại một quán nước. Bất chợt, bố và hai người bạn đi vào. Gặp bố bước vào, nàng luýnh quýnh thật tội nghiệp. Nhật Bình cầm tay nàng trấn an:
- Em cứ yên tâm đi, nếu bác la anh chịu cho. Anh sẽ nói thẳng anh thương yêu em, chờ anh học xong sẽ xin cưới hỏi em đàng hoàng... Em đừng sợ.
Đan Hà cúi mặt xuống, người run lên vì sợ. Bỗng ông Mạnh Quang đứng ngay bàn của con gái, ông trố mắt nhìn nàng như quái thai:
- Con Đan Hà? Mầy đó hả? Trời đất ơi! Mới bây lớn mà đã bày đặt bồ bịch rồi! Mầy muốn chết hả?
Đan Hà cúi gầm mặt xuống, nước mắt tuôn ra. Nhật Bình đứng dậy lễ phép:
- Thưa bác, con và Hà chỉ là bạn thôi!
Ông Quang nói như thét:
- Cậu im đi! Bây lớn bày đặt dụ dỗ con gái.
Bình tức giận:
- Xin bác nói lại cho đúng, chúng cháu quen nhau trong sự trong sạch...
Ông Quang chỉ mặt Bình:
- Thằng hỗn láo! Mầy có im đi không? Còn con Hà, đi về!
Ông giận dữ, đến lôi tay con gái ra khỏi bàn. Đan Hà líu ríu theo bố, ngay cả câu chào người yêu nàng cũng không dám thốt lên.

Về đến nhà, ông Quang tát Hà trước mặt vợ. Bạch Thường không còn nhịn được, nàng xông tới trước mặt chồng:
- Anh có giận thằng Văn thì đánh tôi đi. Con tôi nó vô tội sao anh nỡ đánh nó!
Bố la lên:
- À! Bây giờ bà mới chịu nói điều này trước mặt con gái bà! Hồi nào tới giờ sao lần nào bà cũng năn nỉ tôi đừng cho nó biết?
Đan Hà sững sờ nghe những câu đối thoại giữa bố, mẹ. Nàng mù tịt chẳng hiểu họ nói gì. Đan Hà quên cả cơn đau của hai cái tát vừa qua, nàng ngẩn đầu lên hỏi mẹ:
- Bố, mẹ nói gì vậy?
Ông Quang làm luôn một mạch:
- Ngày mầy còn bé, cậu mầy tới từ giã để đi vô Nam, bọc tiền của tao để trong phòng, cậu mầy “ẵm” đi luôn cho nên gia đình mới đói rách cả mấy năm trời. Đó, mầy nghe chưa?
Mẹ ngồi khóc tấm tức tấm tưởi, Đan Hà đến bên mẹ mếu máo:
- Có thật vậy không mẹ?
Mẹ vừa khóc vừa gật đầu rồi ôm nàng vào lòng kể lể:
- Đúng đó con! Tài sản của bố con chỉ có chừng đó giao cho mẹ giữ, mẹ cứ ỷ y ngày đó không có ai đem ra đếm, tới lúc cậu con tới, con còn nhỏ chưa biết gì, cứ kéo cậu đi khoe phòng này phòng nọ, khi cậu con về thì gói vàng, bạc mất luôn...
Đan Hà hỏi lại:
- Vậy ngày đó chị Sen đâu hả mẹ?
- Chị Sen không dính dáng gì tới cả. Lúc đó chị về quê thăm nhà, lẽ ra chị lên ngày đó nhưng mẹ chị bịnh nặng ở luôn tới ba, bốn bữa sau mới lên...
Đan Hà vỡ lẽ thì ra lý do khiến bố lạnh lùng với mẹ cũng vì thế. Tuy nhiên Đan Hà vẫn vớt vát:
- Mẹ! Con không tin vậy đâu. Cậu Văn thương mẹ và con lắm mà! Sao lúc đó mẹ không hỏi cậu?
Bà mếu máo:
- Mẹ cũng rất thương cậu con! Ba ruột của con và ông bà ngoại chết lúc bị mìn Việt Cộng chỉ còn lại hai chị em sống rất cực khổ trong căn nhà mục nát. Cậu con vẫn ao ước có cuộc sống khá giả để lo cho mẹ con mình.
Rồi bà Thường vừa khóc vừa kể:
- Mẹ nghĩ cũng vì vậy mà cậu muốn đánh liều lấy số vàng, bạc đó để gầy dựng sự nghiệp, có lẽ thất bại hay sao mà ngày gặp lại mẹ thấy cậu vẫn nghèo. Mẹ thương quá nên không muốn nhắc đến, sợ cậu con xấu hổ rồi đi luôn...
Cổ bà nghẹn lại, Đan Hà vỗ về mẹ:
- Thôi, con hiểu rồi. Mẹ đừng nói nữa.
Ông Quang nghe vợ kể xong làm như ông cũng dịu xuống cơn giận. Ông chỉ “hứ” một tiếng rồi bỏ vào phòng. Không biết ông nghĩ sao lại quây ra hăm he Đan Hà:
- Nè! Mầy phải xa cái thằng bạn trai mầy đi nghe. Cái thứ đàn ông con trai trên đời này không ai tốt đâu, ngay cậu mầy đó mặt mày dễ thương, tao thương biết mấy mà cũng ăn cắp... con ơi! Trên đời này đừng tin ai hết...
Nói xong ông lại quầy quả bước đi.
*
Chiều ba mươi tết, mẹ đang ngồi đánh bóng mấy lư hương, bố cũng được nghỉ sở trước nửa ngày, Đan Hà thì đang lau bụi bặm. Bố từ ngày “phun” được bí mật đè nén trong lòng trở nên hiền hòa. Bố đang đưa tay sờ sờ mấy bức liễn như để kiểm soát Hà lau sạch chưa thì nghe tiếng chuông gọi cửa. Ông Quang chạy ra thấy một ông cụ tuy lớn tuổi nhưng dáng dấp khỏe mạnh, ông hỏi:
- Xin cho tôi hỏi đây có phải nhà ông Mạnh Quang không?
- Phải, có gì vậy ông?
Ông cụ không đáp, lại hỏi tiếp:
- Có phải ông Quang có vợ tên Bạch Thường và con gái là Đan Hà không?
Ông Quang giận dữ:
- Nè! Mắc mớ gì mà ông điều tra gia phả tôi chớ? Có gì nói lẹ đi. Ừ, thì đúng đó!
- Ồ! Dạ thưa ông vì người gửi quà muốn tôi trao cho đúng!
- Quà?
Ông hỏi vặn lại rồi cũng đưa tay đỡ gói giấy trên tay ông cụ, chưa kịp hỏi gì ông ta đã hấp tấp:
- Thôi! Xin kiếu. Xe con tôi nó đang chờ tôi trước cửa.
Và ông lật đật chạy biến ra. Ông Quang vội vã mở gói quà trước cặp mắt tò mò của vợ và con gái. Mấy lớp giấy được bóc, một hộp đồi mồi hiện ra. Tất cả hồi hộp khi ông Quang run run mở nắp hộp. Mọi người “Ồ” lên một tiếng khi thấy một xấp tiền mới tinh và cạnh đó là hai mươi lượng vàng ba số chín, phía dưới dằn một phong thư, ông Quang tức tốc bóc lá thư dán kín ra đọc ngấu nghiến cho vợ và con nghe chung:

“Kính thưa cậu mợ,
Trước hết, con xin nói rõ con là Nguyễn Thị Tằm, tức con sen ngày trước của cậu mợ. Con xin cậu mợ tha thứ cho con cái tội tày trời đã đánh cắp tài sản của cậu mợ lúc trước. Con xin nói rõ đầu đuôi câu chuyện: ngày đó con trở lại nhà cậu mợ sau khi về quê thăm mẹ bịnh, vì như người trong nhà rồi nên con tự tiện đi vào, nhìn bé Đan Hà đang kéo tay cậu Văn ra sau hè, còn mợ ở đâu con không biết, con nhìn vào phòng cậu mợ thấy gói tiền để trên bàn, con động lòng tham là một lẽ, một lẽ lúc đó nhà con nghèo quá, má con đau nặng, con đánh liều lấy gói vàng của cậu mợ đi, cả nhà không ai thấy con vô nên con ra cũng không ai để ý. Ngày sau con vờ bảo thằng em lên xin cho con ở lại quê vài ngày để cậu mợ không nghĩ là con đánh cắp số vàng bạc này. Con về quê thì mẹ con cũng nhờ số tiền đó nên hết bịnh. Con trở lại thì gia đình cậu mợ xáo trộn vì con. Con cứ hối hận vô cùng nhưng lỡ rồi, con chẳng biết làm sao đành xin nghỉ để khỏi phải thấy cảnh tội lỗi do con gây ra và con quyết tâm làm ăn với số tiền còn lại. Nay con đã khá giả, con xin gửi trả cậu mợ mười lăm lượng vàng và hai trăm ngàn đồng, con xin gửi thêm năm lượng coi như để tạ lại phần nào tội lỗi con đã tạo ra, tổng cộng là 20 lượng.
Cầu xin cậu mợ tha lỗi và nhất là nhắn với cậu Văn con rất hối hận cũng mong cậu tha thứ cho. Cậu mợ đừng tìm kiếm con làm gì vì con ở rất xa, cũng xấu hổ vô cùng chẳng dám gặp cậu mợ đâu. Con nhờ ba con đưa quà này lại, và thằng em lái xe đưa đi nên con tin chắc tới tay cậu mợ. Con không biết cuộc sống cậu mợ ra sao kể từ khi mất hết của cải nhưng con không dám tưởng tượng vì bi đát lắm. Nay con buôn bán làm ăn dư dả cũng nhờ số tiền con lấy, cúi xin cậu mợ tha thứ cho.
Kính
Nguyễn Thị Tằm”

Ông Quang đọc một mạch hết chữ cuối cùng mà ông vẫn còn cầm bức thư trong tay chặt cứng, mắt ông mở trừng trừng chẳng khác nào bên cạnh ông, bà Bạch Thường và Đan Hà cũng ngây người ra như bị trời trồng...


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả