Sau này khi con lớn

Năm đó Elli mới chín tuổi. Một đêm khuya, khoảng hai giờ sáng, tôi đang ngồi làm việc trong phòng, ngạc nhiên khi thấy Elli bước vào.

- Gì vậy con? Sao đang ngủ lại thức dậy? Tôi hỏi.

Elli không trả lời câu hỏi của tôi, chỉ đưa tay đặt lên ngực nói:

- Bố, sờ ngực con này...

Tôi đặt tay vào nơi Elli chỉ trên ngực. Một vài giây trôi qua, tôi bắt đầu cảm thấy nhịp tim đập thình thịch rất nhanh của Elli. Tôi buông tay ra khỏi ngực con rồi đặt trở lại, và nhận ra rằng nhịp tim của nó không những nhanh, mạnh, mà còn có vẻ hỗn loạn nữa. Hai bố con tôi cùng bước ra phòng ngoài. Tôi ngồi nói chuyện với nó hi vọng là trong chốc lát, tim nó sẽ điều hoà trở lại . Sự chờ đợi có lẽ chỉ mấy phút, nhưng sao dài vô tận. Khi thấy tình trạng không khả quan hơn, tôi quyết định đưa nó vào bệnh viện. Tôi đánh thức Minh Hương, vợ tôi, dậy rồi hai bố con vội vàng mặc quần áo và tôi lái xe đưa nó đến Phòng Nhận Bệnh của bệnh viện duy nhất của thành phố. Lúc ấy là tháng Giêng, giữa mùa Đông, trời chắc chắn là lạnh lắm, và chắc chắn là hai bố con tôi đều phải mặc thật ấm. Những chi tiết đó, bây giờ kể lại, tôi chỉ có thể dùng lý trí để suy đoán, chứ ý niệm về thời gian, lâu hay mau, trời lạnh ra sao, tôi và Elli nói gì với nhau trên đường tới bệnh viện, tôi không nhớ gì hết. Phải, lúc đó tháng Giêng, chắc chắn là lạnh . Tâm trí tôi chỉ dồn vào một câu hỏi, liệu tình trạng của con tôi có gì nguy hiểm không?

Hơn hai giờ sáng, phòng cấp cứu không đông như ban ngày. Y tá tiếp chúng tôi khá nhanh chóng. Sau những thủ tục giấy tờ họ bắt đầu dán những cực giây từ máy đo nhịp tim ECG vào người Elli, rồi cho máy chạy và in ra biểu đồ. Rồi bác sĩ trực cũng đến khám và lại tiếp tục cho máy chạy . Thấy con tôi được săn sóc bởi những người chuyên môn, tôi cảm thấy yên tâm phần nào . Cái cảm giác bất lực vì không biết phải làm gì cho đúng để giúp con, dường như được lấy đi khỏi tôi. Có lúc màn ảnh nhỏ màu xanh lá cây của máy monitor cho thấy những đường ngoằn nghoèo có vẻ bất thường, và những con số đôi lúc vọt lên thật cao. Lần đầu khi việc đó xảy ra, tôi đi tìm gặp người y tá và nói cho cô ta biết. Cô ta chỉ lặng lẽ điều chỉnh máy và không nói gì nhiều .

Tôi ngồi cạnh giường Elli, nói chuyện với nó, cố giữ vẻ bình thản, nhưng trong thâm tâm, những ý tưởng u ám cứ kéo về. Nhìn khuôn mặt rực sáng nét thông minh của con, lòng tôi nhói buốt lo âu . Phải chăng bây giờ là lúc bố mẹ phải trả một giá cho những năm tháng đầy hạnh phúc, gần như hoàn hảo đó, kể từ ngày con đến với bố mẹ từ một cõi nào đó hơn tám năm về trứơc? Phải chăng hạnh phúc quá hoàn hảo là hạnh phúc không thể có? Tôi ôn lại những niềm vui và hạnh phúc mà chúng tôi chia xẻ với nhau kể từ ngày Elli chào đời . Vui tươi, nhân hậu, nhưng hơi có chút quỉ quái là cá tánh của nó. Khi Elli mới lên ba, chúng tôi phải gửi nó ở nhà một người quen là bác Hoa trông hộ lúc chúng tôi đi làm. Mỗi sáng nó đều đòi hối lộ một cái gì đó rồi mới chịu đi, thường thừơng là một hộp nước cam tôi ghé mua trên đường đến nhà bác Hoa . Gần như mỗi ngày nó đều giở cái chiến thuật đòi hối lộ ra, nhưng khi vừa đến cửa nhà của bác Hoa thì nó đổi giọng đòi theo tôi! Ngày nào cũng như ngày nấy, hiếm khi nó chịu yên lặng đi theo bác Hoa . Nhưng bác Hoa nói với tôi:

- Cậu cứ yên tâm đi! Cậu vừa đi khỏi là nó nín, quay ra chơi vui vẻ liền!

Tôi bán tín bán nghi, nên một lần, quyết định vòng trở lại xem nó làm gì ngay sau khi tôi đi khỏi, thì thấy quả nhiên, như lời bác Hoa nói, nó đang chơi rất vui vẻ! Nhưng một lần khác, vì bác Hoa bị ốm, tôi phải gửi nó ở một nhà giữ trẻ khác tạm một ngày, tôi cứ nhớ mãi cái hình ảnh của Elli đi men theo hàng rào lưới của nhà giữ trẻ để nhìn theo xe tôi đang lái đi, cho đến khi khuất hẳn . Lần đó nó không khóc đòi đi theo tôi, nhưng cái hình ảnh đó không hiểu sao cứ ăn sâu trong trí tôi cho đến nay. May thay, chúng tôi chỉ phải nhờ người khác trông hộ Elli trong một khoảng thời gian rất ngắn. Sau đó Minh Hương quyết định nghỉ việc ở nhà trông con, không nuối tiếc phải bỏ việc một chút nào. Những kỷ niệm vui về Elli cứ kéo về trong trí tôi . Từ những giây phút hai bố con đùa nghịch với nhau, chơi chung với nhau một núi Lego, đến những lúc tôi dạy toán cho nó, lúc nào cũng tràn ngập niềm vui . Tôi vừa dậy nó học vừa chọc cười, và cả hai bố con cùng cười ròn rã. Có lần mẹ tôi trông thấy phải thốt lên:

- Hai bố con nó học chung với nhau, vui như tết!

Khi thằng nhóc còn học mẫu-giáo, mỗi sáng sớm cuối tuần, trong lúc tôi còn đang nằm trên giường, thưởng thức giấc ngủ dài hơn ngày thường, Elli đã đến bên giường, kéo áo tôi gọi nho nhỏ:

- Bố, cái này làm thế nào?

Tôi nửa thức nửa ngủ, không cần mở mắt nhưng cũng biết nó hỏi cái gì. Thằng nhóc cầm trên tay quyển sách toán lớp 4 bắt tôi giảng cho một bài toán khó. Có lúc tôi mở mắt giảng giải qua loa, có lúc tôi nói:

- Để bố ngủ chút xíu, lát nữa bố dậy bố chỉ cho...

Thật là ngược đời, Bố mà lười hơn con. Ban đầu, tôi không nghĩ là nó có thể nắm vững được những khái niệm về toán của lớp 4, lớp 5 trong lúc nó đang học mẫu giáo, bởi vì những khái niệm đó được xây dựng từ giản dị đến phức tạp, lớp sau đặt căn bản trên lớp trước . Nhưng dần dần tôi nhận thức được rằng những gì tôi giải thích qua loa với nó cho xong chuyện, vì nghĩ rằng nó chưa đủ trình độ để hiểu, thì nó nhớ rất kỹ, để lần sau khi tôi sắp sửa lập lại điều đó, thì nó đã tiếp tục câu nói của tôi. Nó còn biết đem những khái niệm mới nghe qua một lần, áp dụng cho những trường hợp tương tự trong tương lai. Chúng tôi ngạc nhiên về những tò mò có tính cách trí thức cao độ của nó, chẳng hạn những câu hỏi về chính phủ, về tôn giáo, về Phật về Chúa. Nhưng có một điều, nó chẳng bao giờ thắc mắc về Santa Claus, miễn là ông ấy mang cho nó bộ Lego mà nó thích, có biết đâu Santa càng rộng rãi với nó chừng nào thì bố mẹ càng lỗ chừng đó. Mỗi hộp Lego ba, bốn chục bạc mua về, mà thằng nhóc xơi tái trong vòng mấy phút, vì vậy, thùng này thùng kia chồng chất . Cũng may là nó chỉ bắt đầu say mê Lego từ năm 7 tuổi, ngoài ra không thích một thứ đồ chơi nào khác, nên chúng tôi cũng đỡ tốn tiền. Trước khi biết Lego, nó và em nó chỉ thích sách . Mỗi lần được mẹ hay bố đưa đến một department store, chúng nó chỉ kiếm khu sách trẻ con, mỗi đứa một quyển, ngồi bệt xuống đọc say mê cho đến lúc bố mẹ đến kêu về . Giáng sinh vừa qua, chỉ mấy tuần trước khi xảy ra việc này, tôi đã mua cho nó quyển tự điển Bách Khoa về Y học xuất bản bởi một đại học Mỹ vì nó thích đọc về khoa học và y khoa. Thỉnh thoảng có một thắc mắc nào đó, nó lại mở cuốn tự điển ra đọc rất chăm chú. Nếu tôi hỏi nó về những điều nó đọc, nó sẽ giải thích tường tận. Tôi luôn luôn nghĩ rằng, mỗi đứa trẻ có một lối phát triển riêng, rất độc đáo. Tuy sự hướng dẫn của cha mẹ rất quan trọng nhưng sự phát triển đó tuỳ thuộc nơi nhiều yếu tố khác nữa. Tôi không muốn lấy đi tuổi thơ của nó và để cho nó hưởng những thú vui, những trò chơi rất trẻ con, những tranh dành cãi cọ với em, như bao nhiêu đứa trẻ khác.

Nuôi dạy chúng nó là một niềm vui, nên sâu trong tiềm thức, lúc nào tôi cũng chuẩn bị tinh thần để đối phó với bất cứ khó khăn nào có thể xảy ra. Và dường như điều khó khăn đó đang xảy ra vào sáng sớm ngày hôm đó ...

Biểu đồ của máy ECG cho thấy là tim của Elli có nhịp đập không bình thường, và cần phải được nghiên cứu kỹ hơn bởi bác sĩ chuyên môn. Hai bố con tôi ở lại bệnh viện cho đến sáng ngày hôm sau. Elli được cho xuất viện chờ đợi kết quả thử nghiệm. Bệnh viện nhỏ không có bác sĩ chuyên khoa về tim, nên những biểu đồ và hình chụp quang tuyến X đều được gởi đến Bệnh Viện của Trường Y Khoa thuộc Đại Học Alberta ở Edmonton, một thành phố cách thành phố của chúng tôi ba giờ bay. Tôi nghỉ làm ngày hôm đó. Buổi chiều, theo lời cố vấn của một bác sĩ chuyên khoa về tim ở Edmonton, Elli cần phải được thuyên chuyển về Edmonton ngay. Cả gia đình tôi bốn người lập tức chuẩn bị hành lý để đi cùng Elli trong chuyến bay sớm nhất tối hôm đó.

Đến Edmonton lúc gần nửa đêm, chúng tôi đi taxi đến bệnh viện của trường Đại Học Y Khoa, Trung Tâm Nhi Khoa Ngành tim. Chúng tôi đi qua những khu bệnh viện mênh mang, những hành lang dài vắng vẻ, những thang máy lạnh lùng, để đến chỗ hẹn . Những thủ tục giấy tờ rồi cũng xong, Elli được nhập viện và tạm ở một phòng nhỏ có một giường duy nhất. Trong phòng có một chiếc ghế có thể ngả ra làm nơi ngủ tạm qua đêm cho một trong hai bố mẹ. Chúng tôi lại tiếp tục chờ đợi bác sĩ trực đến khám Elli. Nó thì chẳng có vẻ gì lo lắng, vẫn chăm chú đọc một quyển sách mang theo. Tôi nhớ ra một việc, nói với nó:

- Con cứ ở đây, bố đi hỏi cô y tá một chút rồi bố sẽ quay lại.

- Ô kê, bố.

Elli trả lời nhưng mắt không rời trang sách. Tôi đi đến trạm y tá để hỏi thăm xem có khách sạn nào gần khu bệnh viện để chúng tôi trú ngụ trong thời gian Elli được điều trị ở đây. Cô y tá cho tôi số phone và địa chỉ của McDonald House . Khi đó tôi chưa biết đó là một nhà trọ lớn tài trợ bởi McDonald's, franchise nhà hàng mà mọi người đều biết. Đó là lần đầu tiên tôi biết là ngoài những nhà hàng fast food, họ còn làm một hoạt động từ thiện là xây cất những nhà trọ miễn phí ở những thành phố lớn, dành cho thân nhân của những trẻ em bị bệnh hiểm nghèo từ xa tới, cư ngụ tạm. Sau này, trong những ngày ở đó tôi mới biết rõ thêm về hoàn cảnh của những bệnh nhân trẻ con khác. Hầu hết đều có bệnh nguy hiểm về tim, gan cần giải phẫu. Chỉ khi nào bệnh viện giới thiệu, McDonald House mới nhận. Tôi gọi phone và nói chuyện với nhân viên làm tại McDonald House. Người này có vẻ rất tận tâm, sắp đặt cho cả gia đình tôi cư ngụ tại đó và ngạc nhiên khi họ cho biết chúng tôi sẽ chỉ phải trả một lệ phí tượng trưng. Những ngày sau đó, chúng tôi khám phá ra là nhà trọ này có đầy đủ những tiện nghi còn hơn cả những khách sạn thông thường. Nó không những có không khí rất ấm cúng mà còn trang bị đây đủ như một tư gia với những phòng giải trí và đọc sách cho trẻ em và gia đình chúng. Những gia đình tạm trú ở đó chỉ cần giúp một tay trong những việc dọn dẹp hàng ngày, chẳng hạn như mang rác ra cửa cho xe lấy đi, hay sắp xếp lại phòng giải trí cho gọn gàng. Mỗi gia đình tự ghi vào thời khoá biểu công việc mình muốn giúp và giờ giấc mà mình muốn. Những việc đó chỉ mất chừng 10, 15 phút mỗi ngày nhưng nhờ vậy, cả cái nhà trọ rộng lớn có thể chứa cả chục gia đình, lúc nào cũng ngăn năp sạch sẽ. Khung cảnh ấy đã giúp cho thời gian chúng tôi lưu lại đó, một nơi không phải nhà mình, được dễ chịu hơn. Sự thuận tiện về di chuyển vì nhà trọ rất gần khu bệnh viện, và những tiện nghi khác chắc chắn đã giúp xoa dịu rất nhiêu những âu lo của những người thân của những trẻ đau ốm, xa nhà.

Đặt điện thoại xuống, sau khi nói chuyện với McDonald House, tôi quay về phòng của Elli. Tôi ngạc nhiên khi thấy phòng trống không. Có lẽ người ta đưa nó đi đâu rồi chăng? Tôi đi ra ngoài hành lang, nhìn cả hai phía cũng không thấy nó đâu, toan đi về phía trạm y tá để hỏi thì Elli xuất hiện từ chỗ cuối hành lang. Tôi thở phào nẹ nhõm. Hai bố con cùng hỏi một lượt:

- Con đi đâu vậy?!

- Bố đi đâu vậy ?!

Tôi nói với nó:

- Bố đã nói với con là bố ra ngoài nói chuyện với cô y tá một chút mà!

Mặt nó hơi ngẩn ra:

- Ồ!

Tôi hơi buồn cười vì cái tính đãng trí của nó. Thì ra thằng nhóc chú tâm đọc sách nên khi tôi nói với nó, nó chỉ ừ ào mà không thực sự ghi nhận.

Mãi đến hơn hai giờ sáng, bác sĩ trực mới khám Elli. Nó lại được nối vào máy ECG để lấy biểu đồ tim. Đêm hôm đó Elli ngủ trong phòng bệnh viện, và mẹ ngủ trên chiếc ghế bên cạnh giường. Tôi và Dory, em nó, đi về nhà trọ.

Tôi nắm tay con gái đi xuyên qua khu khuôn viên đại học, đi ngang qua những cửa hàng nhỏ liền nhau, sắp đặt theo hình thức của một shopping mall. Vào giờ đó, mọi cửa hàng đều đóng. Cái shopping mall nhỏ thiếu ánh đèn, dài hun hút, buồn tênh. Tôi chợt nhận ra đây chính là nơi mà mười năm trước, Minh Hương và tôi đã từng đi qua. Khi ấy chúng tôi mới cưới nhau và đã ở thành phố này. Chúng tôi đã một lần ghé qua khu đại học này trong một ngày hè. Ký ức về thành phố này đã phai đi rất nhiều, nhưng hôm nay quay lại đây trong một trường hợp đặc biệt thế này, đếm bước trong đêm khuya cạnh đứa con gái nhỏ của tôi, anh nó thì bệnh tình chưa biết rõ, tôi khe khẽ thở dài nói với con:

- Ngày mai mình vào thăm anh nghe con.

- Dạ. Dory trả lời.

Ngày hôm sau là một ngày của những thử nghiệm để chẩn bệnh cho Elli, và những chờ đợi. Buổi chiều, người ta cho Elli chạy trên treadmill để đo nhịp tim đập vào lúc hoạt động mạnh. Có lúc Elli phải cố chạy thật nhanh để theo kịp tốc độ của máy. Trông nó lúc ấy như một con chuột bạch chạy trong cái lồng bánh xe. Nhìn Elli chạy bất chợt, tôi nhớ lại rằng hơn mười năm trước, chính tôi cũng đã đến bệnh viện này vì lý do tim. Tôi không hiểu sao đến lúc đó tôi mới nhớ ra điều này một cách đột ngột. Tôi tự hỏi, phải chăng triệu chứng của Elli cũng tương tự như của tôi trước kia? Có lẽ vì quá lo âu trong mấy ngày vừa qua mà tôi quên hẳn đi là chính tôi cũng đã một lần phải đi khám tim và không thấy rằng vấn đề tim của tôi và của Elli có thể có một sự tương quan.

Buổi sáng cuối tuần của mười năm trước đó, tôi thức dậy và cảm thấy như có gì bóp lấy tim và nhịp thở của tôi. Tôi có cảm tưởng như sắp bất tỉnh, đồng thời một nỗi kinh hoàng ập đến khi hai chữ "heart attack" vụt qua trong trí tôi. Phải chăng tôi sắp bị một "heart attack"? Tôi quay sang nói với Minh Hương:

- Em! Có lẽ anh cần một ambulance.

Vẻ lo sợ hiện trên nét mặt vợ tôi:

- Sao vậy anh?!!

- Có thể anh sắp bị heart attack. Anh cảm thấy nghẹt thở và như muốn bất tỉnh. Hay đợi chút xem sao...

Vợ tôi nước mắt lưng tròng:

- Anh! Em sợ ...

Tôi trấn an nàng, mặc dù lòng tôi nhói buốt thương cảm vì đã làm nàng lo âu:

- Bây giờ đỡ rồi em à. Hay em lái xe đưa anh đi bệnh viện không cần ambulance đâu.

Ở bệnh viện, tôi cũng được thử nghiệm và cũng chạy treadmill như Elli đang làm bây giờ. Sau đó bác sĩ nói tim tôi có một chứng "murmuring", dịch là "thì thầm" nghe khá khôi hài. Từ đó đến nay, chứng đó hết hẳn không còn nữa. Tôi mong sao, trường hợp của Elli cũng giống như trường hợp của tôi và tự nó sẽ biến đi, chứ không phải là chứng bệnh nào khác.

Chiều hôm đó hai vợ chồng tôi được mời vào gặp vị bác sĩ chuyên khoa về tim trẻ em, tên ông ta là Michael Kantoch. Nhìn vẻ nghiêm trang trên mặt ông ta, tôi không khỏi hồi hộp. Ông ta nói:

- Ông Nguyễn. Sau khi xem qua các kết quả thử nghiệm, tôi thấy cần phải làm một cuộc giải phẫu nhỏ. Cuộc giải phẫu này có mục đích định rõ căn bệnh để sau đó chúng tôi sẽ dùng phương pháp trị liệu thích hợp. Hiện giờ thì tôi nghi là đây là một trong những hình thái của chứng supraventricular tachycardia. Chứng này gây ra bởi một tụ điểm nằm ngay chỗ giao điểm của các tâm thất, gọi là atrioventricular node, làm cản trở mạch điện qua cơ tim. Cuộc giải phẫu nhỏ này sẽ xác nhận xem điều tôi nghi ngờ có đúng không. Tôi rất hi vọng đây không phải là chứng Wolff-Parkinson-White, một chứng tật nguy hiểm hơn nhiều. Cuộc giải phẫu này chỉ liên quan đến việc luồn một cái ống nhỏ vào mạch máu rồi từ mạch máu vào tim. Ống này được luồn từ đùi lên đến ngực và thủ tục này không có gì đáng gọi là nguy hiểm. Tuy nhiên chúng tôi cần có sự đồng ý của ông bà trước khi chúng tôi bắt đầu. Khi xong, tôi sẽ xác định là chứng bệnh đó là gì và sẽ bàn chuyện trị liệu với ông bà.

Tôi trả lời:

- Vâng, dĩ nhiên là chúng tôi đồng ý. Bao giờ thì cuộc giải phẫu bắt đầu, và nó sẽ dài chừng bao lâu?

- Tôi sẽ làm ngay chiều nay. Thời gian khoảng một tiếng đồng hồ. Sau khi đã định rõ bệnh, tôi sẽ bàn với ông bà thêm.

Chúng tôi ra ngoài ký giấy tờ đồng ý về việc giải phẫu. Điều quan tâm lớn lao nhất của chúng tôi là không biết chứng tật này có là một chứng tật làm ảnh hưởng suốt cuộc đời con chúng tôi hay không. Thôi cũng đành phải đợi xem cuộc giải phẫu tiến hành ra sao, chứ biết sao hơn.

Thế rồi mấy tiếng đồng hồ sau người ta đưa Elli vào để chuẩn bị chích thuốc mê. Chúng tôi ở bên cạnh Elli, nói chuyện với nó cho đến khi thuốc mê được chích xong và bắt đâu ngấm. Nhìn người ta bắt đầu đẩy nó sang phòng giải phẫu, tôi đưa tay vỗ vào vai con mỉm cười (hay là tôi nghĩ là tôi đang mỉm cười):

- See you later butthead...

Tôi nhận ra mình đang cố nói câu vui vẻ đó với con qua hai hàm răng nghiến chặt để ngăn chặn một cục nghẹn đang dâng lên trong cổ. Tôi nhìn theo chiếc giường được lăn đi khuất rồi nhìn sang Minh Hương để thấy hai hàng nước mắt đang lăn dài trên má nàng.

Chúng tôi ngồi đợi, hi vọng trộn lẫn lo âu mong sao mọi việc đều trở lại bình thuờng. Nếu tôi có phải cho đi một phần đời còn lại của tôi để con tôi hoàn toàn bình phục tôi cũng sẽ không từ. Thời gian trôi qua chậm chạp nhưng rồi sự chờ đợi của chúng tôi cũng chấm dứt khi vị bác sĩ mở cửa phòng, mời chúng tôi vào. Ông ta bắt đầu:

- Đúng như tôi nghi ngờ, Elli có một hình thức của chứng supraventricular tachycardia. Về trị liệu thì có hai phương cách. Phương cách thứ nhất gọi là radiofrequency ablation. Nói một cách giản dị, chúng tôi sẽ dùng một luồng điện để "zap" hay đốt cái tụ điểm làm cản trở mạch điện để loại bỏ đi cái nguyên nhân khiến tim đập bất bình thuờng. Nhưng phương pháp này có thể có điều rủi ro là trong khi "đốt", một điểm khác cạnh đó có thể bị tổn thương và gây ra biến chứng khác. Thống kê của sự rủi ro đó là 3% và cũng có thể nguy đến tính mạng hay làm cho bệnh nhân phải suốt đời mang pacemaker, một dụng cụ chạy bằng pin điều hoà nhịp tim. Cách thứ hai, chắc chắn là an toàn hơn, đó là việc dùng thuốc. Điều này có nghĩa là bệnh nhân phải uống thuốc trong một thời gian vô hạn định, có thể là mãi mãi. Việc lựa chọn phương pháp điều trị là tuỳ nơi ông bà.

Tôi suy nghĩ một chút rồi hỏi một câu của một người không biết phải bấu víu vào đâu:

- Tôi xin hỏi bác sĩ câu này. Nếu là con của bác sĩ, thì bác sĩ sẽ lựa phương pháp nào?

Ông ta trả lời:

- Tôi không thể trả lời được bởi vì có những yếu tố khác làm ảnh hưởng đến quyết định của mình. Những điều mà chỉ cha mẹ mới có thể quyết định được thôi.

Thấy ông ta tránh né, tôi cũng không ngạc nhiên, và tôi cũng không trông đợi ông ta trả lời khác hơn. Tôi nói với ông ta là tôi cần nói chuyện với vợ tôi trước khi cho ông ta biết quyết định của chúng tôi. Ông ta khuyên chúng tôi cứ suy nghĩ kỹ.

Chúng tôi ra ngoài, bàn với nhau và đi đến quyết định mau lẹ là chúng tôi không muốn bất cứ một sự rủi ro nào có thể xảy ra cho con chúng tôi, dù là xác xuất của sự rủi ro đó nhỏ đến đâu. Dù rằng chúng tôi cũng biết bác sĩ Kantoch là một "leading authority" về khoa tim nhi đồng, chúng tôi cũng quyết định chọn cách trị liệu bằng thuốc.

Như vậy là mối lo âu của chúng tôi, một phần nào đã được giải quyết. Elli sẽ phải uống thứ thuốc gọi là Isoptin đều đặn hàng ngày. Dĩ nhiên, đó là điều không ai muốn, nhưng ít nhất chúng tôi cũng được yên tâm là chứng bệnh này không phải quá nguy hiểm, bất trị. Chỉ mong rằng người ta đã chẩn bệnh chính xác .

Hôm sau Elli được cho xuất viện, với một máy monitor cá nhân phải đeo mỗi ngày mấy tiếng đồng hồ để các dữ kiện về nhịp tim đuoc ghi nhận và sẽ được bác sĩ theo dõi . Chúng tôi rời Edmonton quay lại thành phố nơi chúng tôi cư ngụ. Hàng tuần Elli sẽ phải đi khám ở bệnh viện và mỗi tháng sẽ đi gặp bác sĩ chuyên khoa từ Edmonton đến . Chúng tôi cố làm cho cuộc sống trở lại bình thường trong lúc vẫn cho Elli uống thuốc đều đặn. Tôi vào Internet tìm những website về y-học để tìm hiểu về chứng bệnh của con tôi . Hàng đêm, tôi dùng modem để log on với sở làm chính phủ từ nhà. Hồi đó Internet chưa phổ biến lắm, và browser dùng là text-based, nên việc kiếm tìm các website không dễ như bây giờ. Tất cả chỉ là những dòng text, mà việc xử dụng rất là lúng túng. Nói chung việc dùng Internet đòi hỏi kiên nhẫn . Tôi đăng ký vào những freenet và gia nhập những newsgroups về y học để đăng những câu hỏi để được bàn luận bởi những bác sĩ chuyên môn . Tôi học hỏi được khá nhiều qua những tìm tòi đó.

Tôi tiếp tục liên lạc với bác sĩ Kantoch, gửi cho ông ta một số bài posts trên Internet và rất cảm động khi ông ta bỏ thì giờ gửi cho tôi một lá thư cộng thêm ba bài đăng trong tạp chí y-khoa về chứng tim của Elli. Nhờ vậy, tôi hiểu rõ hơn và cảm thấy yên tâm hơn.

Hai ông anh bác sĩ của tôi mặc dù không phải là y sĩ chuyên khoa tim, một người ở một tỉnh phía Tây, một người ở một tỉnh phía Đông, tôi cũng gọi điện thoại hỏi chỉ với mục đích được trấn an . Có lần tôi đánh thức ông ở phía Đông dậy vào khoảng nửa đêm để hỏi mấy điều mà tôi đọc được trên Internet . Đốc tờ đang ngủ bị dựng dậy, lầu bầu vài câu vô thưởng vô phạt rồi lại ngủ tiếp. Ngẫu nhiên, thái độ "no big deal" của ông anh tôi lại là một sự trấn an hữu hiệu đối với tôi.

Elli ngày ngày đến trường, đeo kè kè bên hông cái máy monitor chạy bằng bình điện . Thằng nhóc không những không thấy phiền mà còn có vẻ khoái chí vì có dịp giải thích về chứng tim của mình cho các thày giáo và các bạn bằng những danh từ y-khoa dài thoòng. Chừng hai tuần sau thì nó không phải đeo máy nữa và cũng ít khi kêu tim đập nhanh nữa. Nó uống thuốc đều đều hàng ngày, nhưng thỉnh thoảng cũng quên, và những lần quên đó Elli cũng không cảm thấy tim bị ảnh hưởng gì. Khi thấy Elli quên mấy lần như vậy mà không có triệu chứng gì, tôi bắt đầu nghĩ đến việc thử cho Elli ngưng uống thuốc xem sao. Tôi gọi điện thoại cho bác sĩ Kantoch hỏi ý kiến . Ông ta đồng ý để Elli ngưng uống thuốc trong lúc chúng tôi quan sát kỹ xem có phản ứng gì không. Ngày, rồi tuần, rồi tháng qua đi, Elli không còn cần đến thuốc để điều hoà nhịp tim đập nữa.

Tôi viết thư cho bác sĩ Kantoch, vui mừng nói cho ông ta biết điều đó và cám ơn những săn sóc đặc biệt của ông ta. Bảy năm trôi qua từ ngày đó, chứng tim của Elli dường như đã hoàn toàn biến mất, cũng như chứng tim của tôi cũng không hề trở lại kể từ 17 năm trước. May mắn thay, chúng tôi đã chọn phương pháp chữa trị bằng thuốc cho Elli và bây giờ thuốc cũng không cần nữa. Tôi sẽ không bao giờ quên cái đêm mùa Đông hôm đó với nỗi lo âu ngập hồn. Và trong tủ hồ sơ của tôi có một cái folder ghi "Precious stuff", trong đó giữa những bút tích quí giá của các con mà tôi lưu trữ qua năm tháng, một lá thư ngắn của Elli, viết trước khi đi Edmonton điều trị:

To dad,

Thank you for taking care of me at the hospital yesterday night. My heart is still sometimes painful in the chest.

Yours truly,

Elli

Khi đọc bức thư lần đầu tiên, tôi chưa biết bệnh trạng của con ra sao, tôi cảm thấy nghẹn trong cổ. Tôi suy nghĩ rất nhiều về bức thư một dòng này của con.

Lấy giấy bút ra để viết câu cám ơn bố đòi hỏi một tình cảm rất mạnh mẽ con dành cho bố. Con vừa muốn cám ơn bố, vừa cảm thấy cần cho bố biết tim con vẫn còn đau . Có lẽ con nghĩ rằng viết cho bố sẽ làm bố đỡ lo lắng hơn là nói với bố. Chính sự tế nhị đó của con làm bố xúc động.

Bây giờ đọc lại nét bút thơ ngây của con năm nào, hình thức trang trọng ngộ nghĩnh của bức thư mới có thể làm cho tôi mỉm cười nhẹ nhõm .

Hà Đan


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả