Mạn Đàm Về Tiếng Việt

Ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng để phản ảnh những bước tiến về lịch sử cũng như về chính trị, khoa học … của một nước. Âm mưu Hán hóa dân tộc Việt thời nước ta bị Trung Hoa đô hộ đã thất bại vì sự ra đời của chữ Nôm, thứ chữ riêng của người mình, thường là sự ghép của hai chữ Hán lại, đã được xem là một chiến thắng vinh quang của ngôn ngữ Việt vì người Hoa nhìn thấy chữ Nôm từa tựa như chữ Hán của họ nhưng họ không thể đọc và hiểu được. Đến khi các ông cố đạo ở Âu Châu sang nước ta, các ông ấy mới đặt ra chữ Quốc Ngữ bằng những mẫu tự La Tinh, tức chữ viết ta dùng ngày nay.Trong giới hạn của bài viết, một vài chữ Việt được đề cập đến để thử tìm hiểu tính chất phong phú, thâm thúy của tiếng Việt khi được sử dụng như thế nào?

Chữ quốc, ngoài nghĩa là một loài chim, quốc thường được dùng có nghĩa là nước (nhà), mà bà Huyện Thanh Quan đã có lối chơi chữ tài tình trong câu:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Một bài thơ có liên quan đến chữ quốc, còn được lưu truyền đến ngày nay. Chuyện rằng Lý Thường Kiệt, một danh tướng đời vua Lý Nhân Tôn, khi quân Tống sang xâm lược nước ta, thế giặc rất mạnh. Lý Thường Kiệt bèn nghĩ ra một kế: làm một bài thơ tứ tuyệt rồi sai người vào đền Thánh Tam Giang ngâm vang bài thơ này. Sau đó ông cho loan tin đồn rằng Thần đã giáng bút làm bài thơ để báo trước lẽ tất thắng của quân ta, dụng ý để quân dân nức lòng đánh giặc. Bài thơ ấy như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Tạm dịch là:

Nước Nam của vua Nam ở
Sách trời đã định rõ như vậy
Vậy giặc kia sao dám xâm lấn
Chúng bây sẽ phải thất bại

Vậy là ngôn nhữ đã được dùng như một thứ vũ khí để đánh giặc cứu nước.

Bàn về chữ , có nghĩa là không. Thí dụ như chính phủ là không có chính phủ, thường có nghĩa là đất nước lộn xộn, thiếu trật tự, an ninh; dụng là không dùng, thường ám chỉ những món đồ không dùng được hay cả con người bất tài, không có ích lợi gì cho bản thân gia đình hay xã hội; giáo dục là không có giáo dục, thường có nghĩa là mất dạy theo lối nói nôm na của người mình. Trong từ nhà Phật thường đề cập đến từ ngã. Chúng ta ai ai cũng đều mang ngã tính trong người, cái cảm nhận về “tôi”, “cho tôi” và “cái của tôi”. Vào thời Đức Phật và cả thời nay, nhiều người tin rằng chúng ta có một tâm linh riêng biệt, bất biến, bất diệt còn gọi là linh hồn, hay tiểu ngã. Tuy nhiên khi chứng ngộ, Đức Phật đã nhìn thấy rằng trên thế gian này chẳng có gì là biệt lập, là vĩnh cửu cả. Chúng ta sinh ra, tồn tại một thời gian rồi mất đi… Ý niệm ngã hình thành từ đó. Những ai đã từng kinh qua chân lý ngã đều có thể thấy rằng ý niệm đó chẳng có gì đáng phải sợ cả, mà ngược lại còn là điều đáng mừng nữa vì nó mang ý nghĩa giải thoát chúng ta khỏi cái nhà tù chật hẹp của cái “tôi”. Chẳng thế mà trong Cung Oán Ngâm Khúc, một trong những áng văn chương tiếng Việt tuyệt vời của cụ Ôn Như Hầu từ đời Hậu Lê, đã có những câu rất gần gũi với ý niệm ngã này:

Tuồng huyễn-hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù-sinh trông thấy mà đau!
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nắm cổ-khâu xanh rì!

Tác giả Đông Phong trong quyển Bản Sắc Dân Tộc có viết rằng tiếng Việt là tiếng của nghệ thuật âm thanh. Nhịp điệu và ngôn ngữ trong tiếng Việt không những chỉ dùng để biểu hiện tư tưởng của ta mà còn là cái vốn trời cho để dân tộc ta tồn tại và phát triển qua bao nhiêu sóng gió của lịch sử. Tiếng Việt là loại ngôn ngữ mà ý và thanh hoà quyện với nhau, qua cách dùng phối âm, đối âm. Đối âm và phối âm, theo Đông Phong, đã khiến cho tiếng Việt không còn là tiếng đơn âm, mà cũng không hẳn là tiếng đa âm. Phải chăng nhờ đặc thù ngôn ngữ này mà ca dao tục ngữ nở rộ trong khu vườn văn học dân gian ta? Ngoài ra, theo tác giả, câu và nhịp trong tiếng Việt lôi cuốn nhau, húc đẩy nhau, bổ túc nhau. Ngữ pháp thì đơn giản. Nhịp điệu câu nói thì uyển chuyển biến hóa.

Theo tác giả Đông Phong, thanh của tiếng Việt thật là tuyệt vời. Đối với người Âu Mỹ thì thanh tiếng Việt khó học vì nhiều lý do: thứ nhất, tất cả mọi tiếng đều là cách ngữ. Thứ nhì, cùng một tiếng phát âm một cách khác nhau, có thể có nhiều nghĩa, và có khi nghĩa những tiếng này lại đối nghịch nhau. Thứ ba, thanh của mỗi tiếng đôi khi rất nhẹ và khá tế nhị. Thứ bốn, đây là điểm khó khăn nhất trong khi dùng tiếng Việt, đó là việc phát âm. Trong khi đọc lên một tiếng, ta phải làm thế nào để hơi thở, môi, răng, lưỡi, và họng cùng hòa hợp phát ra một tiếng vừa phải và chính xác. Có như thế thì tiếng được phát ra mới diễn tả đúng sự việc mà ta muốn nói. Một thí dụ mà tác giả Đông Phong thuật lại là câu chuyện ông trích trong cuốn Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ của Đỗ Quang Chính. Chuyện kể về một Linh Mục bạn với giáo sĩ Đắc Lộ, một hôm bảo người làm đi chợ mua cá. Khi đi chợ về, người làm báo cho ông hay là đã mua như ý ông. Ông liền xuống bếp xem loại cá nào. Ông bỡ ngỡ khi nhìn thấy cả một thúng đầy cà.

Các nhà ngôn ngữ học xưa thường xếp tiếng Việt vào loại đơn âm. Điều này có vẻ đúng vì tiếng Việt không biến dạng như đa số tiếng của các ngôn ngữ Âu Tây. Tất cả mọi tiếng đều là cách ngữ, mỗi tiếng Việt chỉ phát ra một âm, thí dụ từ đẹp trong tiếng Việt, tiếng Anh phải phát ra ba âm, beau-ti-ful. Theo Đông Phong, cách xếp loại đơn giản như thế không được chính xác cho lắm. Nếu công nhận mỗi từ chỉ diễn đạt một nghĩa thì tiếng Việt không chỉ là đơn âm mà còn có phối âm và đối âm.

Phối âm là hai, ba, bốn âm đi chung với nhau để diễn tả một nghĩa, như đo đỏ, sạch sành sanh, đỏng đa đỏng đảnh…. Tách rời những âm đó ra thì ý nghĩa hơi thay đổi, có khi không còn đúng với ý muốn diễn tả nữa. Ngoài ra, hai âm, ba âm, hay bốn âm, có phối trí liên hợp nên khi nói không thể tách rời những tiếng này được. Những từ phối âm của tiếng Việt phát ra những sóng âm dội vào tâm thức một ý niệm và chỉ gợi lên một ý. Theo ông, tiếng Việt không những chỉ dùng lý trí để nhận thức sự vật qua giác quan tai mắt, mà còn dùng tâm thức để tiếp nhận mọi điều qua giác quan và cảm quan. Từ đó, não bộ người Việt quen dần với phân tích, liên hệ, điều phối những ý niệm, những tri thức để cảm nhận chân lý. Đặc tính phối âm của tiếng Việt, theo tác giả Đông Phong, đưa tâm thức người Việt lên cao, dễ tiếp thu những khái niệm thần học, triết học, khoa học, toán học … đồng thời đặc tính này cũng làm cho tiếng Việt có nhạc tính phong phú, dễ đưa tâm hồn người Việt vào thi ca. Ngoài ra, theo tác giả Đông Phong, sóng âm phát ra qua mỗi từ, truyền qua hệ thần kinh thính giác một tín hiệu, dội vào tâm thức một rung động, nên trong một câu tiếng Việt, nhạc điệu lên xuống vờn lượn với nhau một hơi, dài ngắn tiết tấu nhịp nhàng, mới đem đến người nghe một cảm thông, một hiểu biết. Bàn về nhạc điệu, tiếng Việt biến hoá thần kỳ. Ngoài sáu âm chính (năm dấu và không dấu), tiếng Việt còn có vô số âm phụ. Có khi cùng một dấu mà trường độ, cao độ, và cường độ khác nhau. Thí dụ như không cùng thang âm với bách; rã không cùng thang âm với rãnh… Chính sự khác từ khác dấu này phát ra những sóng âm khác nhau. Mỗi sóng âm dội vào tai một tần số, truyền vào não một tín hiệu, khiến hệ thống thần kinh rung lên một mệnh lệnh, kích thích hoạt động cơ thể. Sóng âm tiếng Việt biến hóa hơn nhiều ngôn ngữ khác, nhờ đó não bộ người Việt ta khá nhạy bén và tinh tế.

Nhạc Sĩ Võ Thanh Tùng trong quyển Nhạc Khí Dân Tộc Việt có viết, tiếng Việt là tiếng nói của âm nhạc. Khác với các ngôn ngữ khác, tiếng Việt mỗi từ có 6 thanh với 6 cao độ khác nhau, do đó người Việt khi nói chuyện dễ tạo cho người nghe cảm giác như đang hát. Bắt nguồn từ ngôn ngữ Việt Nam, trong âm nhạc dân tộc cổ truyền mỗi cung của thang âm được quyện quanh bởi những âm tô điểm, nhấn nhá, luyến láy làm cho âm thanh trở nên mềm mại hơn. Người Việt đã chế tạo nên những nhạc khí truyền thống như cây đàn với những ngón nhấn, ngón luyến; ống sáo với những ngón vuốt, ngón láy mà khoảng cách âm thanh giữa các phím, các lỗ bấm phù hợp với các cung bậc của thang âm dân tộc.Theo Nhạc Sĩ Võ Thanh Tùng, vấn đề cơ bản của điệu thức là hệ thống thang âm. Theo các tài liệu nghiên cứu, hệ thống định âm trong âm nhạc truyền thống Việt Nam không trùng khớp với hệ thống bình quân luật của âm nhạc cổ điển phương Tây. Các điệu thức Việt Nam không cấu thành từ hệ thống 12 bán cung chia đều trong một quãng Tám… Sự khác biệt về hệ thống định âm này chỉ có thể giải thích là do thẩm âm khác nhau mang tính bản sắc dân tộc của từng khu vực, từng dân tộc.

Đối âm là một từ hay một cụm từ có hai vế, cả ý nghĩa và thang âm đều đối nhau, cuốn hút nhau theo luật âm dương tương thôi tương thành. Tương thôi là cùng lôi cuốn hút đẩy nhau. Tương thành là cùng nhau làm nên một ý nghĩa mới. Đối âm tách ra đều có nghĩa, nhưng đi chung lại mang một ý mới, và ý cộng hưởng không muốn tách rời. Ông thí dụ đất có nghĩa riêng, nước có nghĩa riêng. Đất nước, khi đi chung lại mang một nghĩa khác, một nghĩa khơi dậy những tình cảm đặc biệt về địa lý, lịch sử, về dĩ vãng, hiện tại, tương lai, về cuộc sống của một dân tộc. Đối âm, dù được dùng làm chủ từ, động từ hay túc từ, chỉ mang một nghĩa, diễn đạt một ý thôi: cha mẹ, làm ăn, mẹ tròn con vuông, một nắng hai sương, ăn dầm ở dề…. vì thế khi viết những từ hay cụm từ đối âm thì ta không thể cho dấu phết vào giữa, và khi nói thì ta không thể tách rời câu được. Thí dụ chamẹ, khi nói rời để chỉ hai người, nhưng khi đi chung với nhau thì thường mang một ý sinh thành dưỡng dục. Đặc tính đối âm làm cho não bộ người Việt luôn phải so sánh, đối chiếu. Nhờ thế, người Việt dễ cảm nhận những dị biệt phải trái, nên dễ tiếp thu các môn học có tính cách so sánh, đối chiếu.

Ngữ pháp tiếng Việt thật đơn giản, nghĩ sao nói vậy: Ăn được không? Không được ăn. Không ăn được. Được ăn không?. Chỉ có ba từ mà có đến bốn cách nói. Ngữ pháp càng đơn giản thì não bộ càng phải hoạt động mau lẹ và tinh tế để có thể bắt ý hiểu lời. Hệ thần kinh não bộ càng làm việc nhiều thì năng lực của trí não càng phát triển, khiến ta có khuynh hướng mau hiểu, mau nhớ. Nhưng nếu không biết định hướng thì trí thông minh có thể khiến ta trở nên ranh mãnh, láu cá.

Ngoài ra, theo tác giả Đông Phong, tiếng Việt còn có lối nói bóng nói gió, lối chơi chữ chơi điệu độc đáo:

Nói gió mà chạnh lòng mây,
Tuy rằng nói đó nhưng đây chạnh lòng

Ngôn ngữ một dân tộc dĩ nhiên gắn liền với định mệnh, với nguồn gốc dân tộc ấy.
Tiếng Việt, tuy có chịu ảnh hưởng nước ngoài, vay mượn nhiều của người Hoa, vẫn có những nét đặc thù riêng của nó. Chúng ta, những người may mắn được sinh sống ở một nước Tây Phương, có thể đọc sách, thâu thập tư tưởng văn hóa Âu Tây để làm phong phú thêm cho nền quốc văn của ta. Chúng ta có thể chọn cái hay của người mà dung hòa với cái hay của mình ngõ hầu giữ được tiếng nước ta có cơ hội tiến hóa mà vẫn không mất bản sắc của dân tộc mình. Những bản sắc dân tộc này đã gắn liền với dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Vấn đề giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam hiện đang sống tại hải ngoại là một nhu cầu thiết yếu để duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ tại quê hương thứ hai này. Lời cụ Phạm Quỳnh dường như còn vang vọng bên tai: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn”. Tiếng hát Thái Thanh dường như cũng văng vẳng đâu đây:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi
Bốn ngàn năm ròng rã ngược xuôi
Khóc cười theo vận nước nổi trôi…



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả