Nguyễn Nam Việt
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


Một Góc Nhìn Về Văn Học Miền Bắc (1954-1975)

Một Góc Nhìn Về Văn Học Miền Bắc Giai Ðoạn 1954-1975

Nếu ngày 20 tháng 7 năm 1954, ngày ký kết Hiệp Ðịnh Geneve chia đôi đất nước đánh dấu một mốc thời gian quan trọng và đau thương đối với dân tộc Việt Nam, thì biến cố tháng Tư năm 1975 càng là một mốc thời gian cực kỳ đau thương và quan trọng hơn nữa, vì đất nước Việt Nam đã bị cưỡng ép nhập làm một, khi xe tăng thiết giáp của bộ đội chính quy miền Bắc lũ lượt tiến vào thủ đô miền Nam. Giai đoạn 1954-1975, vì thế, là một giai đoạn khá lạ lùng trong lịch sử Việt Nam, cho nên ta cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên cho lắm khi trong giai đoạn này, đất nước ta có đến hai nền văn học, cùng hình thành một lúc, dù rất khác biệt nhau.

Theo quyển Văn Học Việt Nam Dưới Chế Ðộ Cộng Sản của Nguyễn Hưng Quốc, vài năm sau ngày ký Hiệp Ðịnh Geneve đã xẩy ra nhiều biến động ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa trên thế giới. Biến cố đáng kể nhất là việc Krushchev vạch trần những tội ác của Staline trong đại hội Ðảng lần thứ 20 của Ðảng Cộng Sản Liên Xô vào tháng 2 năm 1956, sau gần 40 năm xây dựng chủ nghĩa Cộng Sản tại nước này. Tình hình bên Trung Quốc vào thời điểm này cũng chẳng ổn định chút nào. Vào tháng 5-1956, trưởng ban Tuyên Huấn Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc là Lục Ðịnh Nhất đã phát động chiến dịch 'Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh'. Ðồng thời ở các nước Ðông Âu như Ba Lan, Hung Gia Lợi, dân chúng đã nổi dậy chống chính quyền tại những nước này, khiến một số văn nghệ sĩ miền Bắc cũng đã nhân dịp này đứng lên đòi tự do cho giới làm văn nghệ, mà nồng cốt là nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.

Theo Nguyễn Hưng Quốc, Giai Phẩm Mùa Xuân được phát hành vào dịp Tết năm 1956 gồm những bài viết phê phán gay gắt những sự khốn cùng và những hiện tượng thiếu dân chủ tại miền Bắc. Nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến bài thơ Nhất Ðịnh Thắng của Trần Dần:

Tôi bước đi
Không thấy phố
Không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
Trên màu cờ đỏ

Chỉ khoảng sau năm 1958, Cộng Sản mới bắt đầu thẳng tay trừng trị những văn nghệ sĩ có chân trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, vì trước đó, những biến động ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa đã gây ra nhiều bất lợi cho giới cầm quyền miền Bắc. Lúc đó họ cũng đang bận rộn sửa sai sau vụ cải cách ruộng đất. Những biện pháp đàn áp của nhà nước này đã tỏ ra có hiệu quả vô cùng, hầu hết giới làm văn nghệ miền Bắc đã phải âm thầm chấp nhận số phận nghiệt ngã mà Bác và Ðảng đã dành cho họ.

Xuân Diệu, qua ngã rẽ mới này, đã thôi không còn tìm cách cắt nghĩa tình yêu, dù ông đã từng cảm nhận rằng nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu. Xuân Diệu đã đánh mất hồn thơ năm nào để chỉ sáng tác theo 'hiện thực xã hội chủ nghĩa'.

Cục tác cục tác tác
Hết trứng này tôi còn trứng khác

Còn đâu hình ảnh con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô trong một buổi chiều thu có lá thu rơi xào xạc. Lưu Trọng Lư dưới chế độ Cộng Sản đã phải thúc thủ chấp nhận số phận hẩm hiu của giới làm văn nghệ miền Bắc:

Bây giờ có Ðảng về đây
Chúng tôi là Ðảng cầm tay dắt diù
Nông dân theo Ðảng quyết liều
Ðấu cho ngã gục bổ nhào chúng đi!

Và mỗi năm khi hoa đào nở, ta lại bùi ngùi nhớ đến Vũ Ðình Liên với hình ảnh ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ bên phố đông người qua. Cái thanh vận nhẹ nhàng nhưng buồn não ruột này đã làm bồi hồi biết bao nhiêu người, giờ đây những người muôn năm cũ, hồn phiêu bạt nơi nào mà chỉ nghe những âm thanh chát chúa:

Buổi thu ấy hét vang như sấm động
Lên ngập trời với ngọn cờ giải phóng
Tràn qua thây quân phát xít kinh hoàng
Như sóng dâng xô đổ một ngai vàng.

Còn Huy Cận chắc cũng đã phải ngậm ngùi mà bức hiếp nàng thơ mình, còn đâu nắng chia nửa bãi chiều rồi, vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu, giờ Huy Cận sáng tác Trời Mỗi Ngày Một Sáng, Chiến Trường Gần Ðến Chiến Trường Xa..

Theo Nguyễn Hưng Quốc, một điểm khá độc đáo trong giai đoạn này là sự xuất hiện, dù rất âm thầm, của một nền văn chương 'chui' dưới chế độ Cộng Sản, vì vẫn có một số văn nghệ sĩ đã dám đi lệch ra ngoài cái quỹ đạo mà Bác và Ðảng đã vẽ sẵn cho họ. Thơ Nguyễn Chí Thiện là những báo cáo trạng hùng hồ và có đầy sức thuyết phục nhất về những tội ác của Cộng Sản, vì chúng được thai nghén trong hoàn cảnh ngục tù rất thực:

Thì cũng sống cuộc đời oanh liệt đã
Nếu chúng ta đồng tâm tất cả
Lấy máu đào tươi thấm tưới cho hoa
Máu ươm hoa hoa máu chan hoà
Hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đoá
Hoa hạnh phúc tự do vô giá.

Hai mươi tám năm là một khoảng thời gian khá dài, đủ dài để ta có thể bình thản nhìn lại một giai đoạn văn học của đất nước một cách khá chính chắn, không ngờ vực, không nghi kỵ... Ðể ta cúi đầu ngậm ngùi thương tiếc những Trần Ðức Thảo, Ðặng Ðình Hưng, Phùng Quán ... những người đã lặng lẽ ra đi mà chắc hẳn vẫn còn vấn vương u uẩn vì những ước mơ hoài bão của mình vẫn chưa thực hiện được. Ðể ta trách móc, dù rất nhẹ nhàng những Tố Hữu, Chế Lan Viên.. đã quá nhiệt tình trong việc phục vụ một nền văn học cách mạng. Và để ta thương cảm những Tô Hoài, Nguyên Hồng, Huy Cận, Nguyễn Tuân ... những người có thể được sắp ở cái khoảng lưng chừng... Dù những hoạt động của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chỉ diễn ra trong năm 1956, nhưng nhóm này có một thế đứng thật riêng biệt trong nền văn học Việt Nam, vì nhóm này đã tập hợp được nhiều tài năng ưu tú của miền Bắc vào thời điểm đó, và vì ở thái độ bất khuất của họ, đã dám bộc lộ những gì mình ấp ủ qua ngòi bút của mình.

Một giai đoạn văn học đã qua, một trang sử đã khép lại ...


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả