Thầy Vũ

Buổi trưa nắng thật gắt, vài bóng mát hắt hiu bên đường ngã dài từ những thân cây già nua, cằn cỗi. Bước chân Thụy như vang lên rõ mồn một trên đoạn đường đến lớp học vẽ của thầy Vũ...

Tốt nghiệp trung học, Thụy mơ ước chọn khoa ngoại ngữ, môn Anh văn. Theo nhỏ Chi đạp xe đến trường xin đơn dự thi, Thụy háo hức giống như cái háo hức của đứa trẻ được quà. Vậy mà khi Thụy vừa lên tiếng báo cho Mẹ biết dự định của mình, Mẹ đã gạt ngay:
- Con không thể tiếp tục lên Đại học được! Con có biết giấy tờ bảo lãnh của gia đình mình sắp đến lượt rồi không?
- Con biết chứ Mẹ - Thụy nói - Nhưng mà con thấy đợi mãi cũng chẳng có nhúc nhích gì. Hay là Mẹ cứ để cho con học đi, khi nào đi thì con xin nghỉ cũng được mà Mẹ...
- Không được. Nhà mình nghèo, gia đình mình lại thuộc diện mà tụi cộng sản gọi là "Ngụy" đang dòm ngó. Con sẽ không được ưu tiên như mấy đứa con của bọn chúng. Con phải đậu với số điểm thật cao mới được, con biết mà.
- Dạ, con biết chứ - Thụy nài nỉ - Thì Mẹ cứ cho con thử đi. Con thích môn ngoại ngữ. Thầy Hạnh cũng khuyến khích con chọn khoa này mà Mẹ.
- Thế con có biết thằng Cường con bác Văn không? Cũng học cho cố vào, mới được chưa đầy hai năm thì giấy tờ gọi đi Mỹ. Bác Văn phải đóng tiền phạt cho nhà trường, một số tiền không nhỏ. Chúng bảo rằng, nhà nước không bỏ công đào tạo sinh viên ra để rồi đem cái kiến thức đó...dâng nạp cho tư bản. Thụy à, con đủ lớn để thừa biết Mẹ không có tiền đóng tiền phạt cho tụi nó nếu con bỏ học ngang đâu, con hiểu không?
- Nhưng mà Mẹ có chắc là gia đình mình được đi không ? - Thụy ráng vớt vát - ...Trong khi đó con chỉ học khoảng 4-5 năm là xong. Khi con học xong, chắc là không bị đóng tiền phạt đâu.
- Thụy, Mẹ biết con rất thích đi học tiếp. Nhưng nhỡ như chuyện bảo lãnh tới nơi mà con chưa học xong thì sao? Vả lại Mẹ không tin vào những gì cộng sản nói. Nếu con vừa học xong mà được đi, ngày con rời Việt Nam, bảo đảm chúng sẽ làm khó, làm dễ đòi tiền phạt cho con xem. Lúc đó, tiền đâu ra mà đóng, con nói đi?
- Nếu Mẹ đã nói thế thì thôi vậy - Thụy khổ sở chấp nhận - Con đành phải ráng chờ thời gian thôi. Chỉ sợ ngày con qua được tới Mỹ thì con lớn tuổi rồi, không còn tâm trí đâu mà học nữa.
Thụy nghe Mẹ thở dài, cô thấy thật thương Mẹ. Nhưng Thụy cũng muốn đi học để sau này có thể phụ cho Mẹ, giúp gia đình trang trải những khó khăn...nhưng, ý Mẹ đã thế, cô phải chấp nhận thôi.

Bạn bè của Thụy, đứa học bác sĩ, đứa học kỹ sư. Đứa chọn ngành sư phạm, đứa lên xe hoa về nhà chồng. Nhỏ Chi học giỏi là thế, nó thông minh, lanh lẹn, luôn trả lời đúng các câu hỏi của thầy cô, vậy mà cũng không thể học tiếp được . Nó lên xe hoa lẹ chưa từng thấy. Thụy nhăn mặt hỏi Chi:
- Mày làm gì mà ham lấy chồng vậy, sao không học tiếp? Tao thèm được tiếp tục học, còn mày thì vội vã vất hết sách vở qua một bên là sao?
- Vì...tiền! - Con nhỏ trả lời, mặt tỉnh bơ - Mày thừa biết Ba Mẹ tao không có tiền cho chị em tụi tao mà. Tao phải lấy chồng, đi theo ổng kiếm tiền. Ổng là chỗ dựa của tao, của gia đình tao.
- Mày lấy ai?
- Ông Thủy...
- Trời đất, cái ông già hơn mày cả chục tuổi đó hở? - Thụy nhảy nhổm lên - Mày có điên không? Mày từng kể với tao là ổng hay dẫn gái cho Việt Kiều, buôn bán, trao đổi dollars mà?
- Thì đã sao? Mày làm gì mà như bị điện giật vậy? Tao thà lấy chồng hiểu biết chuyện đời, từng trãi sóng gió. Mai mốt nó biết hết rồi, nó sẽ không thèm ba cái chuyện trai gái đó nữa. Còn hơn lấy cái thằng non choẹt, chẳng biết gì. Lấy mình xong, ngày mình nằm ổ, nó mon men đi tìm của lạ, tao thà chết sướng hơn.
-Trời đất, mày nghĩ gì kỳ vậy? - Thụy tròn xoe đôi mắt, ngạc nhiên nhìn Chi như nhìn một con người xa lạ, hỏi - Mày thay đổi gì lẹ thế? Mày có bị...điện chạm không, con khỉ?
- Chạm là mày chạm đó, tao không có con đường lựa chọn - Chi thở dài - Mày cũng biết là tao thích học hơn, nhưng nếu tao không đi kiếm tiền thì làm sao tao phụ cho Ba Mẹ tao được?
- Tao cũng vậy chứ khác gì mày. Bây giờ tao nhận may quần áo. Không đi học được thì đi làm, làm cái gì cũng được. Gia đình tao tuy đông, không dư giả, nhưng có bà chị tao bên Mỹ gởi về một ít giúp Mẹ tao cũng còn dễ thở. Mẹ tao bảo chỉ cần tao đi làm, lo cho chính tao là Mẹ tao mừng rồi. Trong khi mày có hai bà chị bên Mỹ, nhà mày sao đông bằng nhà tao? Đi làm cái gì đỡ đi, mắc mớ chi đi lấy chồng sớm thế?
- Thụy, mày cũng biết ông Thủy có tiệm sẵn rồi. Tao lấy ổng coi như có chỗ nương thân trong thời buổi này. Tao nghĩ mỗi đứa đều có hoàn cảnh, số phận riêng. Dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, tao cũng chỉ có mày là con bạn thân nhất. Cái gì cũng chia sẻ với tao. Thì hôm nay cũng vậy, nghe tin tao lấy chồng, mày phải mừng mới phải. Đừng cằn nhằn tao nữa mà, tao khóc bây giờ...
Thụy nghe bạn nói mà xót xa. Xã hội chủ nghĩa, tự do dân chủ là thế đấy. Một đất nước với những mầm non vừa ló dạng, đã sẵn sàng bị dập vùi tơi tả. Thụy miên man nhớ lại lúc trước, người chị gái của Thụy học giỏi được cấp học bổng du học ở Hoa Kỳ. Nhưng mẹ Thụy lại không cho chị đi chỉ vì chị là con gái. Bây giờ, bạn bè Thụy phần lớn học khá là thế, vậy mà phải chôn hết sách vở để làm vợ, lăn lộn với đời kiếm tiền phụ cho gia đình. Còn đâu những tương lai sáng lạn, còn đâu những hứa hẹn của tuổi trẻ, "Mang kiến thức phục vụ đất nước "?
Đám cưới Chi là đám cưới đầu tiên trong nhóm bạn thân của Thụy. Chi đã năn nỉ Thụy làm cô dâu phụ cho ngày cưới. Thụy không thích đứng trước nhiều người nhìn ngó Thụy nên từ chối ngay. Nhưng Chi đã nói:
- Tao chỉ có mình mày là con bạn thân nhất. Nếu mày không làm cho tao thì tao không còn biết nhờ ai. Vả lại, tao sẽ buồn, cái buồn...ngàn thu đó nhỏ à...
Thụy nghe giọng nói buồn bã của Chi mà ngạc nhiên. Thụy không ngờ con nhỏ Chi lúc nào cũng có nụ cười trên môi, thế mà bây giờ...
- Mày sao vậy? Giận tao hở? Thôi thì tao hứa với mày là tao làm. Nhưng nhớ nhé, tao chỉ đứng bên cạnh mày trong buổi lễ ở nhà thờ ra mắt hai họ và trao nhẫn thôi. Xong đâu đấy là tao biến. Và buổi tối, tao chỉ đến chung vui với mày cùng bạn bè, không có dâu phụ, dấu phiếc gì đây nhé. Mày chịu thì tao làm.
- Vậy là được rồi - mắt Chi vụt sáng lên, mừng rỡ - tao chỉ cần bấy nhiêu thôi. Buổi tối mày được miễn - rồi con nhỏ thì thầm - tao cũng không ép mày đi chung với tao lúc chào bàn đâu. Vì lúc nhận tiền là...phần của tao mà ...
Thụy phì cười. Chi là thế, buồn đó, vui đó. Nó có thể khóc trong lúc cười, và cười trong lúc khóc được, nhưng Thụy thì không thể nào. Thụy đập vào vai Chi, nói: "Mày cười là được rồi. Tao ghét thấy mày khóc. Cứ y như là mặt con khỉ bị giật mất trái chuối vậy. Nhăn nhó thấy ghê!"

Đám cưới xong, Chi về nhà chồng ở Quận 4. Mỗi khi về nhà thăm Bố Mẹ, Chi đều ghé qua thăm Thụy. Cuộc sống cứ thế, trôi đi. Thụy nhận may quần áo cho qua ngày, qua tháng. Có một lần, Thụy lái xe đi giao hàng, chợt đi ngang qua một căn nhà nhỏ ngay mặt đường Lê Quang Định. Tấm bảng quãng cáo đập vào mắt Thụy:"Dạy vẽ - Đinh Vũ". Thụy nhìn thật nhanh vào bên trong căn nhà đang mở rộng cánh cửa sắt. Có vài cái bàn, ghế được đặt ngay ngắn song song với nhau. Lác đác, Thụy thấy hai, ba người ngồi chăm chú với bản vẽ của họ. Cái nắng gay gắt làm lóa mắt Thụy, cô không thể nhìn rõ hơn. Đạp xe đi, Thụy nghĩ, "Mình sẽ đăng ký lớp học vẽ chân dung. Chắc tiền học phí cũng không mắc lắm đâu."
Sáng hôm sau, khi đã chợ búa, cơm nước xong đâu đấy, Thụy quay trở lại ngôi nhà nhỏ trên đường Lê Quang Định. Cánh cửa sắt không mở rộng như hôm qua, nó chỉ được mở ra he hé, vừa đủ cho một chút ánh sáng lẻ loi chui vào. Thụy dựng chiếc xe, rụt rè nhìn vội vào bên trong. Từ bên ngoài nhìn vào, Thụy chẳng thấy gì. Bên trong là một màu đen bao phủ. Đang phân vân không biết có nên gõ cửa hay không thì có tiếng người đàn ông, giọng thật trầm, ấm vang lên, hỏi:
- Cô muốn tìm ai?
- Dạ... - giật mình vì quá bất ngờ, tim Thụy đập như trống làng - Tôi... tôi muốn gặp thầy Đinh Vũ...
Giọng người đàn ông vẫn đều đều, dường như anh ta đang tiến ra phía cửa:
- Tôi đây, tôi là Vũ đây. Cô cần gặp tôi có chuyện gì không?
Thụy bình tĩnh hẳn lại. Cô nhìn thấy khuôn mặt anh ta lấp ló sau khung cửa khép hờ. Anh trông còn trẻ, khoảng dưới ba mươi tuổi. Đôi mắt ánh lên vẻ thông minh, nhưng thật buồn sau cặp kính cận khá dày. Cái vẻ cương nghị trên khuôn mặt chữ điền làm cho Thụy cảm thấy an lòng, chứ không sợ hãi. Cô mạnh dạn gật đầu chào anh ta:
- Dạ thưa anh, tôi tên là Thụy. Đã mấy lần đi ngang qua đây, nhưng không bao giờ để ý là có lớp học vẽ của anh trên con đường vắng lặng này. Hôm qua bỗng nhiên lại thấy cái bảng quãng cáo cùng với tên của anh. Thụy chợt muốn đến xin học vẽ...Không biết anh còn nhận học trò hay không?
Thụy thấy mắt anh ta như ánh lên vẻ mừng rỡ. Bấy giờ Vũ mới đưa tay ra, kéo cánh cửa sắt cho rộng thêm. Cảnh tượng trước mắt làm cho Thụy cứng người. Vũ ngồi trên chiếc xe lăn, đôi chân cụt lủn được che bởi hai ống quần tây dài màu đen. Cô không nói lên được lời nào. Bởi khi Thụy đến đây, cô không nghĩ người thầy dạy vẽ lại là một người đàn ông trẻ tật nguyền. Có lẽ Vũ cũng hiểu sự im lặng của Thụy, cô đang đứng đó thương hại cho số phận của anh. Lặng người có đến hơn một phút, Thụy chợt nghe giọng Vũ nhẹ nhàng:
- Xin mời cô Thụy vào đây. Rất vui là tôi có thêm một học trò mới, lại là một cô gái. Tôi sẽ cho Thụy biết giờ học, và tiền học phí luôn.
Thụy theo Vũ vào nhà. Vũ lăn xe tới góc phòng, giơ tay bật cái công tắc đèn lên. Ánh sáng trắng dịu dàng của chiếc đèn ne-on tỏa xuống giúp Thụy thấy rõ ràng hơn cảnh bày biện trong căn phòng. Những bức tranh đủ loại, cảnh vật, chân dung được treo ở hai bức tường bên hông căn phòng. Thụy đoán tất cả là tranh do Vũ vẽ. Vài chiếc bàn nhỏ có kèm theo những chiếc ghế được sắp xếp rất gọn trong diện tích giới hạn. Tiếng Vũ cắt ngang dòng suy nghĩ của Thụy, anh nói:
- Mời Thụy ngồi. Tôi có vài lời muốn nói rõ cho Thụy biết. Tôi mở lớp dạy vẽ thứ nhất là muốn cho tôi luôn bận rộn. Thứ hai là tôi sẽ dành số tiền thu nhập được để mở thêm một lớp học vỡ lòng cho các em mồ côi. Vì phải mua sách vở cho các em, và vì phải chi trả cho cô giáo đứng lớp, cho nên tôi rất cần có thêm học trò học vẽ như Thụy...
Nói đến đây, Vũ chợt ngưng ngang và nhìn Thụy như dò hỏi. Anh biết trước thế nào Thụy cũng có câu hỏi dành cho anh. Thụy nghe Vũ nói và rất thắc mắc, tại sao mở một lớp dạy vẽ mà anh giới thiệu chi cho dài dòng ngoài lề thế? Cô nhìn thẳng vào anh, lên tiếng:
-Ý anh là lấy thâu nhập từ lớp dạy vẽ, anh mướn cô giáo về dạy học cho các em bé mồ côi?
Vũ gật đầu, nhìn nhận sự nhanh nhẹn của Thụy:
- Phải, để mở lớp vỡ lòng cho các em mồ côi thì tôi không đủ tiền. Một mình tôi cũng không thể dạy các em được, cho nên tôi đã tìm thêm một cô giáo về dạy giúp tôi. Tôi dạy các em làm toán, và dạy các em vẽ. Còn cô giáo thì dạy các em học chữ. Do đó tôi quyết định mở lớp dạy vẽ, kiếm thêm tiền để trả thù lao cho cô giáo...
Thụy ngồi im xúc động. Cô không ngờ ở cái chế độ cộng sản, cuộc sống thật vội vàng, chụp giật, lại có một con người trẻ tuổi đầy lòng nhân ái đến thế. Tiếng Vũ cắt ngang, như không kịp cho cô suy nghĩ thêm:
- Phần lớn học trò đến lớp học vẽ của tôi đều là con trai. Thụy là cô gái đầu tiên đến xin học đấy. Tiền học phí tôi lấy là mười lăm ngàn đồng một tháng. Riêng Thụy...Thụy muốn giúp tôi bao nhiêu cũng được, ít hơn cũng không sao...
Thụy nghe Vũ nói và hiểu ý anh muốn gì. Có điều, chắc anh ngại và không đủ can đảm để hỏi thẳng Thụy một sự giúp đỡ thật khó nói ra. Cô nhìn anh thẳng thắn một cách trực tiếp:
- Thụy rất cảm động về tấm lòng của anh dành cho các em bé mồ côi. Thụy nói thật là Thụy cũng không có nhiều tiền để giúp anh, nhưng Thụy có thể giúp anh dạy cho các em học chữ. Như vậy, anh không cần phải mướn cô giáo nữa, và cũng không phải trả tiền cho Thụy. Anh nghĩ sao?
Vũ ngạc nhiên thích thú. Anh không ngờ cô gái ngồi trước mặt anh, nhỏ nhắn, xinh xắn lại thông minh và có trái tim ấm áp đến thế. Anh không cần phải dài dòng, cũng không phải ấp úng với cô trước vấn đề khó nói ấy, cô đã nói dùm cái ý nghĩ của anh một cách dễ dàng. Vũ cảm thấy dễ chịu khi được tiếp xúc với cô. Anh cười thật tươi và đáp:
- Thụy làm tôi bất ngờ quá. Có những điều muốn nói với Thụy nhưng tôi quá ngại vì chỉ là lần đầu gặp gỡ. Một cô học trò chưa bái tôi làm thầy, thì thầy đã nhờ vả học trò rồi. Tôi...tôi không biết nói sao để tỏ lòng thành của tôi đến với cô...
Thấy Vũ ngập ngừng Thụy vội nói ngay:
- Anh đừng lo, Thụy ra trường cũng không có cơ hội đi học tiếp. Hiện tại Thụy còn dư thì giờ chẳng biết làm gì. Nay biết anh làm việc có ích, một việc với nghĩa cử đẹp như thế, Thụy không thể nhắm mắt làm ngơ được. Anh cứ giao cho Thụy việc dạy chữ, có gì thắc mắc, Thụy sẽ hỏi ý anh.
Vũ thật sự cảm thấy thích thú với cái tính nhanh nhẹn của Thụy. Anh nghĩ Thụy là điềm may mắn cho anh. Anh tiếp lời:
- Nếu Thụy đã nói vậy, tôi thành thật cám ơn Thụy. Tôi sẽ dạy Thụy vẽ và không lấy tiền học đâu. Coi như mình giúp nhau, Thụy bằng lòng nhé?
Thụy mỉm cười, gật đầu đồng ý:
- Vậy cứ theo ý anh đi. Hai thầy trò mình sẽ giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. À, chừng nào thì Thụy có thể bắt đầu học vẽ, và bao giờ thì có thể đến lớp vỡ lòng của các em?
Vũ lăn xe tới chiếc bàn gần đó, với tay lấy cái thời khóa biểu của lớp học vẽ đưa cho Thụy, anh nói:
- Lớp vẽ thì ba ngày một tuần, hoặc hai, tư, sáu. Hoặc ba, năm, bảy. Mỗi ngày học hai tiếng, tùy theo giờ tự chọn, 2 giờ trưa đến 4 giờ chiều, hoặc 4 đến 6 giờ chiều. Còn lớp học vỡ lòng của các em thì mở từ thứ hai đến thứ sáu, bắt đầu từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối.
Thụy hỏi ngay:
- Tối thế thì sao các em về nhà được? Và các em bé đó ở đâu?
Vũ thở dài, đáp:
- Đã gọi là trẻ mồ côi thì làm gì có nhà hở Thụy?
Thụy hỏi tiếp:
- Thế làm cách nào anh gặp được các em? Và anh bắt đầu mở lớp vỡ lòng cho các em khi nào?
Vũ mỉm cười nói với Thụy:
- Tôi biết thế nào Thụy cũng còn thắc mắc nhiều. Trả lời xong câu này, tôi lại tiếp tục trả lời cho câu hỏi khác. Có đúng không?
Thụy mắc cỡ đỏ mặt, cô lúng túng trả lời anh:
- Tại Thụy...tò mò thôi. Anh bỏ qua cho, và nếu anh không có ý muốn cho Thụy biết, Thụy cũng không ép anh.
Vũ xua tay như phân trần:
- Không phải, tôi không có ý nói Thụy tò mò đâu. Lần đầu gặp Thụy, tôi có cái cảm giác Thụy là một người con gái có đức tính quan tâm đến người khác...
Chàng bật cười, nói tiếp:
- Tôi nhớ lại Bố Mẹ tôi thường nói với tôi rằng, tôi chuyên môn ăn cơm nhà, vác ngà voi. Chuyện thiên hạ mắc mớ chi mà tôi phải ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi buồn cười vì trong đời tôi, mãi đến hôm nay tôi mới tìm thấy một người hơi giống tôi...thích vác ngà voi!
Thụy bật cười, hết còn vẻ e thẹn. Cô cảm thấy như tự nhiên hơn với anh, cô nói:
- Anh lại nói trúng tim đen Thụy nữa rồi. Mẹ Thụy cũng nói về Thụy như thế. Riêng Bố thì luôn khuyến khích Thụy, bảo Thụy nếu thấy ai gặp hoạn nạn thì ra tay giúp đỡ. Nhưng theo linh tính của riêng mình thì Thụy thấy rằng, hình như Thụy có lúc cũng đi...quá xa...
Vũ nheo mắt chọc Thụy:
- Đi mãi tới đâu mà xa? Vào rừng tìm thêm voi hở?
Thụy gật đầu cười, cô lắc đầu như chịu thua Vũ:
- Đúng rồi đó anh. Anh cũng hiểu ý Thụy ghê há. Làm như vác bao nhiêu đó chưa đủ, Thụy còn xông xáo tìm thêm ngà voi, cứ y như là Thụy muốn hoàn tất bộ sưu tập ngà voi vậy.
Vũ cười lớn, anh nhìn đồng hồ rồi ý tứ hỏi Thụy:
- Thường thường vào buổi sáng, Thụy có bận gì không?
Thụy gật đầu trả lời:
- Dạ có. Thụy phải đi chợ, nấu cơm. Ngoài ra còn phải dọn dẹp nhà cửa mỗi buổi chiều. Có chi không anh?
Vũ giải thích:
- Có nhiều khi tôi muốn mua thêm một số đồ dùng học cụ cho các em, và một số vật dụng cho lớp vẽ...
Vũ thở dài, rồi nói tiếp:
- Nhưng như Thụy thấy đấy, tôi đi đứng rất khó khăn...
Thụy thương cảm cho anh, cô nói ngay:
- Anh đừng lo, khi Thụy đi chợ, Thụy sẽ đi tìm mua mấy thứ mà anh cần. Anh chỉ việc đưa cho Thụy cái danh sách những vật dụng thiếu thốn, Thụy sẽ mua về cho anh.
Vũ cười thật tươi. Anh không ngờ sáng hôm nay anh lại gặp nhiều may mắn đến thế. Anh nghĩ, không biết cơn gió nào đã đưa Thụy đến với lớp dạy vẽ của anh. Vũ cám ơn Thụy với một chút khách sáo:
- Trời ơi, Thụy làm tôi cảm động quá. Tôi không biết nói gì để cảm ơn về tấm chân tình của Thụy dành cho tôi nói riêng, và cho các em bé mồ côi nói chung. Nếu Thụy cảm thấy thuận tiện, Thụy có thể đến lớp vẽ mỗi ngày để học. Tôi muốn bù đắp lại những gì Thụy sẽ làm giúp cho tôi...
Thụy lắc đầu, cô cắt ngang lời Vũ:
- Xin lỗi cho Thụy cắt ngang lời anh. Thụy giúp anh vì thấy đó là những việc làm có ích. Anh không cần phải bận tâm như là thiếu nợ Thụy vậy. Người ta học một tuần ba buổi, thì Thụy cũng đến như thế. Anh đã không lấy tiền học phí của Thụy rồi, chẳng lẽ Thụy lại còn làm phiền anh hết một tuần luôn hay sao?
Vũ đáp lời Thụy:
- Nếu Thụy đã nói thế thì thôi. Nhưng mà tôi có ý nghĩ ấy chỉ vì tưởng rằng Thụy mê vẽ. Nếu đúng thì tôi sẽ không ngần ngại bỏ thời gian ra dạy cho Thụy mà.
Thụy cười, nói:
- Được rồi. Khi nào thầy thấy học trò có tiến bộ, lúc đó dạy thêm cũng chưa muộn. Bây giờ Thụy xin phép anh cho Thụy về, chiều nay Thụy sẽ bắt đầu đến lớp vẽ của anh. Và chiều tối thì dạy các em giúp cho anh, có được không anh?
Vũ giơ tay ra trước mặt như có ý tiễn Thụy. Anh gật đầu, rồi nói:
- Được mà. Vậy Thụy cứ thu xếp hết công việc nhà đi nhé. Trưa nay tôi sẽ gặp lại Thụy...

Sau lần gặp đầu tiên ấy, Thụy đến học vẽ với Vũ ba ngày một tuần. Và cô giúp Vũ dạy cho các em bé mồ côi học chữ mỗi đêm. Tình cảm dần dà trở nên thân thiết giữa Vũ và Thụy. Lúc đó Vũ mới kể cho Thụy nghe về cuộc đời của anh, nói cho cô biết lý do anh mở lớp dạy vẽ và dạy chữ cho các em.
Tốt nghiệp trung học, Vũ thi vào trường Đại học Mỹ thuật tại đường Phan Đăng Lưu, tức đường Chi Lăng cũ. Anh mê say môn hội họa từ bé, và luôn mong muốn mình trở thành một họa sĩ. Đang theo học tới năm thứ ba, Vũ bị động viên vào quân đội, mà lúc bấy giờ họ gọi là thi hành "nghĩa vụ quân sự". Vũ là con trai lớn trong gia đình. Vũ có hai em, một trai và một gái. Bố Mẹ Vũ lên phường xin cho Vũ được miễn lần thi hành nghĩa vụ quân sự năm đó, nhưng họ nhất quyết không cho. Họ bảo nếu như trong gia đình không ai thay thế cho anh được, thì anh phải đi, không được miễn gì cả. Gia đình Vũ buồn như có đám tang. Các em không còn dám cười đùa như mọi hôm. Mẹ Vũ lúc nào cũng nước mắt ngắn, dài. Vũ thì tập hút thuốc lá, uống cafe liên miên. Anh gặp bạn bè hầu như mỗi đêm trước ngày lên đường nhập ngũ. Cô bạn gái của anh cũng thế, mỗi lần gặp anh là đôi mắt đỏ hoe. Vũ thở dài ngao ngán. Anh vẽ nhiều hơn. Những bức tranh của anh là những tâm sự mà anh không thể nói cùng ai. Ngày anh ra đi, Bố Mẹ và bạn bè đưa tiễn anh tận nơi tập trung. Oái oăm thay, nơi tập trung lại là trước cổng trường Đại học Mỹ thuật. Anh buồn bã, ôm Bố Mẹ vào lòng và an ủi hai ông bà, "Bố Mẹ an tâm, rồi con sẽ trở về mà." Hai đứa em phải đi học, không được ra tiễn anh. Cô bạn gái thì anh không cho ra nơi tiễn hôm ấy, anh sợ cô lại khóc lóc, anh sẽ không an lòng. Giơ tay vẫy chào bạn bè, quay lại nhìn ngôi trường anh đang theo học một lần cuối, anh bước lên chiếc xe vận tải chở anh và các tân binh khác về trại tập trung ở Long Giao - Long Khánh. Chiếc xe chạy xa dần, Vũ chỉ còn kịp nhìn thấy Mẹ giơ tay quẹt nước mắt. Lòng anh đau nhói, và đó là lần đầu tiên, đôi mắt Vũ đỏ hoe...
Tại quân trường huấn luyện, chung quanh chỉ toàn gió với cát, Vũ nhớ nhà, nhớ người bạn gái, nhớ bạn bè đến quay quắt. Anh nhớ những bức tranh, nhớ cọ vẽ, nhớ màu sắc được anh pha trộn, chấm phá trên tấm lụa trắng tinh. Vũ gầy đi trông thấy. Anh lại có bạn mới tại quân trường, được học thêm tính kỹ luật và được nằm dài viết thơ cho Bố Mẹ, cho bạn gái, mà cái bàn là cái ba lô của anh. Khi chấm dứt khóa huấn luyện, Vũ không bị đưa qua biên giới Campuchia, mà được chuyển về kho đạn tại Dầu Giây - Long Khánh. Bởi vì anh bị cận nặng, cho nên không bị ra chiến trường. Thỉnh thoảng, Vũ cũng được phép về thăm nhà. Thường là cuối tuần thứ bảy, và phải quay lại vào chủ nhật. Hai ngày đó, Vũ dành thời giờ ban ngày cho bạn bè, buổi chiều tối cho người yêu, và sau chín giờ tối là cho Bố Mẹ và các em. Vũ nói với Thụy, "Bố Mẹ tôi là những người thiệt thòi. Lần nào về phép, Mẹ tôi cũng làm lỉnh kỉnh các món ăn khô cho tôi đem về quân đội. Bố thì dặn dò đủ thứ, nhưng mà thời gian tôi dành cho ông bà chẳng có bao nhiêu. Tôi hư quá Thụy nhỉ..."
Tình yêu của Vũ và cô bạn gái cứ thế tăng dần lên qua những lá thơ, và những lần về phép ngắn ngủi. Hai gia đình cũng đồng ý và họ quyết định sẽ làm lễ cưới sau khi Vũ giải ngũ. Ba năm thắm thoát trôi qua, chỉ còn khoảng hai tháng nữa là Vũ ra khỏi quân đội, và trở về với gia đình. Hai bên cha mẹ của Vũ và cô bạn gái đều khá giả, và nhất là bên đàng gái theo đạo Phật rất tin tưởng vào tướng số. Họ xem năm tuổi và chọn ngày lành, tháng tốt cho Vũ và con gái của họ. Ngày cưới sẽ là một tháng sau khi Vũ giải ngũ. Mặc dù Vũ chưa có công ăn việc làm, nhưng Bố Mẹ Vũ vẫn muốn Vũ đi học trở lại, để sau này Vũ ít nhất cũng có một cái nghề cho chính bản thân anh. Cô bạn gái cũng vừa tốt nghiệp trường Dược. Cô bằng lòng đi làm, và giúp Vũ hoàn tất việc học dang dở của anh. Trước ngày giải ngũ một tháng, một số bạn đồng đội thuộc khóa sau anh một năm được phép về thăm nhà. Vũ cũng xin cấp trên đi theo để về chuẩn bị cho ngày cưới. Cấp trên của anh là một người lính già, ông ta rất thông cảm và thương Vũ như con trai. Ông bằng lòng cho Vũ đi chỉ hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Ông bảo với Vũ rằng, anh phải quay lại trình diện với ông trước sáu giờ sáng thứ hai tuần sau, vì với những người lính sắp giải ngũ, không được lấy bất cứ phép gì, ngoại trừ gia đình có đám tang. Về tới nhà, Vũ giúp Bố Mẹ in thiệp cưới, ghi tên các quan khách được mời trên bì thơ. Anh cũng đưa cô vợ sắp cưới của anh đi chọn mướn chiếc áo cưới màu trắng thật đẹp cho ngày ra giáo đường. Anh cũng ghé tiệm may để lấy quần áo cho anh, và chiếc áo dài cưới gấm trúc, cúc màu vàng, nền màu đỏ thật sang trọng, trang nghiêm cho cô dâu tương lai vào ngày rước dâu. Vũ dặn người yêu ở nhà lo gởi thiệp mời giúp anh, phần còn lại như mướn quả, mướn xe, anh sẽ lo tiếp khi trở về.
Hai giờ sáng sớm thứ hai Vũ ra bến xe rước xe đò đi Long Khánh để trở về trình diện cho kịp giờ. Đường đi sẽ mất khoảng hai tiếng, sau đó anh phải lội bộ băng rừng khoảng hơn một tiếng nữa thì mới tới trại. Lên xe Vũ ngủ say sưa vì mệt. Anh dặn bác tài xế đánh thức anh khi tới Dầu Giây. Tới nơi là khoảng 4:30 sáng. Vũ lầm lũi đi băng rừng một mình, cũng may là hôm ấy có trăng. Gần tới trại, Vũ phải đi qua một cái hào nhỏ, được đào quanh trại. Nơi ấy thỉnh thoảng được đặt mìn khi có lệnh của cấp trên để phòng hờ kho đạn bị tấn công. Những lần như vậy, cả trại đều được báo trước, và hầu như họ đều ở tư thế phòng thủ vào các ngày lễ lớn mà thôi. Đêm nay Vũ ung dung quay về trại, anh những tưởng mọi thứ đều an toàn nên chẳng đề phòng gì cả. Vừa bước chân qua hào, anh nghe một tiếng nổ chát chúa bên tai. Tai anh ù đi, mắt hoa lên rồi không còn biết gì nữa...
Thụy còn nhớ khi Vũ kể đến đó, anh thở dài, ánh mắt thật xa xôi. Điếu thuốc trên tay anh cũng sắp tàn, như cuộc đời buồn bã của anh. Thụy nhẹ nhàng hỏi anh, "Sau đó anh ra sao? Chị bạn gái của anh chắc đau khổ lắm phải không, anh Vũ?"
Vũ cười buồn. Nhìn Vũ và nghe câu chuyện anh kể, Thụy thấy trái tim cô như thắt lại, mặc dù cô chẳng phải là người yêu của anh. Như thế thì Thụy phải hiểu được sự đau đớn mà cô ấy phải gánh chịu khi nghe tin Vũ bị nạn. Vũ kể tiếp, khi tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trên chiếc giường phủ dras trắng. Chiếc bàn nhỏ bên cạnh có cắm vài cành hoa hồng nhạt, mà anh biết do cô bạn gái anh mang đến. Vũ nhìn quanh phòng và biết mình đang ở bệnh viện. Trong phòng có bốn giường bệnh. Lúc ấy chỉ có Vũ, còn hai bệnh nhân khác đang nằm ngủ phía đối diện với anh. Vũ thấy cơ thể thật kỳ lạ, dường như anh cảm nhận được sự thiếu thốn, nhẹ tênh của thân thể phía dưới đôi chân. Vũ chợt choáng váng, cơn sợ hãi len nhanh qua đầu. Anh run run, đưa đôi tay kéo nhẹ tấm chăn mỏng phủ trên người. Và rồi Vũ thảng thốt, miệng kêu lên, "Lạy Chúa tôi..."
Vũ nhìn chằm chặp vào đôi chân cụt lủn, được băng bó trắng toát như không tin rằng đây chính là thân thể của mình. Vừa lúc ấy, người yêu của anh cũng quay trở lại, trên tay còn cầm chiếc bình thủy. Đôi mắt cô hum húp, chắc vì khóc đã mấy ngày nay...Vũ đau lòng, không còn thiết sống chi...
Vũ nói, sau đó Vũ quyết định chia tay cùng người vợ sắp cưới, mặc cho cô có khóc lóc, khuyên nhủ anh. Anh trở lại ngôi trường Đại học Mỹ thuật và học tiếp phần còn lại. Những bức tranh sau này hầu như đều mang sắc thái u ám, buồn bã. Vũ vẽ say sưa, anh đắm chìm vào nghệ thuật để trang trãi tâm tư anh thay cho lời nói của chính mình. Khi tốt nghiệp, Vũ xin Bố Mẹ cho anh mở lớp dạy vẽ tại nhà. Hai ông bà thương con, nên dành căn phòng khách lớn cho Vũ làm thành lớp dạy vẽ để anh bớt cô đơn. Vũ có học trò nhanh chóng, hầu hết họ còn rất trẻ và ao ước được vào trường Mỹ thuật. Họ giới thiệu cho nhau lớp vẽ của Vũ với một câu thật ngắn gọn, "Thầy Vũ trẻ, vui tánh và rất dễ thương!"
Lớp dạy vẽ của Vũ tạo điều kiện cho học trò chọn giờ tùy thích, vì thế ngày nào Vũ cũng phải mở lớp dạy cả. Một hôm anh đang chỉ cho một học trò vẽ cảnh Đà Lạt, một thành phố mờ sương huyền ảo, thì bỗng có một cô bé gái độ chừng chín tuổi bước vào. Trên tay em cầm một xấp vé số và miệng cười thật tươi mời Vũ mua. Nhìn em bé gái thật xinh, đôi mắt sáng long lanh ánh lên vẻ thông minh, Vũ bắt chuyện với em. Hỏi ra mới biết em là trẻ mồ côi và không được đến trường đi học. Mặc dù quần áo em bị sờn cũ nhiều nơi, nhưng trông rất sạch sẽ, tươm tất. Vũ được biết em và hai trẻ mồ côi khác được Bà Mười ở chợ Cây Thị nuôi dưỡng. Bà rất thương các em, nhưng lại không thể lo cho các em đi học được. Bà có một cái bàn nhỏ bán vé số được đặt gần cổng chợ. Bà cũng không có nhà. Đêm đến bốn bà cháu nằm ngủ bên nhau trên manh chiếu thô sơ ở một cái chùa nhỏ, Chùa Giác Quang ngụ tại đường Phan Văn Trị gần chợ Cây Thị cho qua ngày, tháng. Sau khi nói chuyện với em, Vũ cho biết anh sẽ theo em về gặp Bà Mười vào chủ nhật hôm đó. Qua Bà Mười, Vũ biết được Bà cũng chỉ biết các em nhờ các em lê la gần cái bàn vé số của Bà. Thấy các em mồ côi tội nghiệp, Bà chỉ cho các em bán vé số phụ Bà, rồi mấy bà cháu nuôi sống qua ngày. Vũ cảm động bởi tấm lòng của Bà Mười thật nhân hậu. Anh liền nghĩ ngay ra việc mở lớp học vỡ lòng dạy chữ cho các em. Anh lấy tiền thu nhập từ lớp học vẽ, rồi bù đắp cho lớp của các trẻ mồ côi. Dần dà, anh có thêm học sinh do các bé mồ côi dẫn về. Anh gặp nhiều khó khăn trong công việc từ thiện của anh, cho đến khi anh gặp Thụy. Vũ luôn nói, Thụy là thiên thần do ơn trên ban xuống cho anh. Thụy đã giúp anh rất nhiều, nhất là mỗi khi anh gặp khó khăn...

Hôm nay, Thụy đi bộ đến lớp vẽ của Vũ với tâm trạng nôn nao khó tả. Cô không biết bắt đầu từ đâu để báo cho Vũ biết cô sắp giã từ anh, giã từ Sài Gòn, Việt Nam để theo gia đình định cư tại Hoa Kỳ. Bước chân Thụy trên con đường vắng lặng vang lên, nhưng hình như cũng không lớn bằng tiếng đập của trái tim trong lồng ngực của cô. Đã biết trước thế nào cũng có cái ngày rời xa Việt Nam, nhưng không hiểu sao tâm trạng Thụy lúc này lại rối bời đến thế. Tình cảm thân thiết của cô và Vũ ngày càng khắn khít. Nhưng chưa bao giờ cái tình cảm này đi quá xa để nghĩ rằng đó là tình yêu. Thực tế mà nói, Thụy không dám yêu anh. Kể cả Vũ, anh cũng không bao giờ dám nói gì với Thụy. Anh không muốn làm khổ Thụy một chút nào. Anh cảm mến đức tính của người con gái từng ở bên cạnh giúp đỡ anh hơn một năm nay, ngoài ra anh không còn ao ước gì hơn. Miên man suy nghĩ, Thụy đến nhà Vũ lúc nào không biết. Thụy bước vào và gặp Vũ đang ngồi ngắm bức tranh ở trên tay anh. Vũ nghe tiếng chào của Thụy, anh vội ngước lên, và cười hỏi:
- Hôm nay sao Thụy đi bộ vậy? Xe bị hư hở?
Thụy lắc đầu, đáp:
- Dạ không, Thụy bỗng nhiên thích đi bộ thôi. Anh đang làm gì đó?
Vũ đưa cho Thụy bức tranh đang cầm trên tay, nói:
- Thụy xem nè, em vẽ càng ngày càng tiến bộ. Tại sao Thụy không học vẽ cảnh đi, cứ vẽ chân dung hoài vậy?
Thụy buồn bã trả lời:
- Thụy chỉ muốn vẽ chân dung thôi.
Vũ ngạc nhiên, thắc mắc:
- Tại sao?
Thụy đáp:
- Thụy muốn một ngày nào đó, Thụy có thể vẽ chân dung anh, mà khi bất cứ ai nhìn vào cũng cảm nhận được anh, một con người với trái tim nhân ái. Muốn hoàn tất bức chân dung, Thụy mỗi ngày phải tiếp cận anh để thấy cả tâm hồn anh, dù lúc vui, hay buồn. Thế mà hơn một năm rồi, Thụy vẫn cảm thấy mình chưa đủ sức để hoàn thành bức chân dung đó.
Nói xong, Thụy thở dài cúi đầu nhìn xuống đất. Vũ nhìn Thụy xúc cảm, trái tim anh như đập nhanh hơn. Anh có linh tính hình như Thụy có điều gì khó nói với anh. Vũ nhẹ nhàng hỏi nhỏ:
- Thụy, em có điều gì muốn nói với anh phải không? Nếu đúng thì em đừng ngại. Giúp được gì cho Thụy, anh không nề hà chi đâu.
Thụy không ngước lên, cô nói như cho chính cô nghe:
- Không bao lâu nữa, Thụy sẽ rời xa anh, xa Việt Nam để theo gia đình sang Hoa Kỳ. Thụy sợ anh ở lại một mình không ai chăm sóc, giúp anh mỗi ngày với hai lớp dạy vẽ và học chữ của các trẻ mồ côi...
Thụy nói xong, cô im lặng để nghe tiếng thở nhẹ của Vũ. Cô biết anh buồn lắm, nhưng cô không thể dấu anh ngày cô ra đi.
Sau hôm đó, Vũ buồn hẳn đi, nhưng anh vẫn dạy Thụy vẽ mỗi ngày, và cùng Thụy đến lớp học vỡ lòng của các bé mồ côi mỗi đêm. Ngày Thụy lên đường, Vũ không thể tiễn Thụy ra sân bay. Thụy nhận được món quà của Vũ do một em bé mồ côi trong lớp học mang đến cho Thụy cùng với lá thơ nhỏ. Thụy đọc lá thơ ngắn ngủi của Vũ. Anh chỉ chúc Thụy đi đường bằng an, gặp nhiều may mắn. Anh sẽ không bao giờ quên Thụy và dặn Thụy sang đến Hoa Kỳ, cô hãy mở món quà của anh tặng cho cô. Thụy mang món quà của Vũ theo lên máy bay, mà cô biết chắc là một bức tranh khá lớn được cuộn tròn lại. Từ Sài gòn tới Singapore, Thụy vẫn không đụng đến món quà ấy. Nhưng trên đường bay từ Singapore đến Đức, cô cầm lòng không nỗi và đưa tay tháo món quà của Vũ ra. Đó là một bức tranh Vũ vẽ cô đứng trước lớp học vỡ lòng. Tự dưng nước mắt Thụy rơi. Cô nhớ tới Vũ với những tháng ngày bên nhau đến dạy học, và vui đùa cùng các em nơi lớp học nho nhỏ ở ngôi chùa ấy. Làm sao Thụy có thể quên được...

Những năm sau đó, Thụy nhận thơ Vũ thường xuyên. Lâu lâu cũng có kèm theo những lá thơ từ đôi bàn tay nhỏ xíu của các em bé mồ côi trong lớp Vũ đào tạo. Trái tim Thụy như ấm hẳn mỗi khi nghe các em báo rằng được nhận vào trường học dành cho các trẻ em mồ côi mới thành lập. Thụy biết, Vũ đã bỏ hết công sức và rất cực nhọc với các em. Sau đó, vì công việc nhiều quá, Vũ ít liên lạc với Thụy. Thụy cũng vì bận rộn, có khi nửa năm mới viết một lá thơ cho Vũ. Lần cuối cùng Thụy nhận được thơ của Vũ là vào năm 1997. Sau đó cô chuyển nhà mà quên báo cho Vũ biết.
Giáng sinh năm 1998, Thụy bay trở về Việt Nam thăm Bà Ngoại của cô mà không báo trước với Vũ. Thụy lại một mình đi bộ tới ngôi nhà của Vũ để dành cho Vũ một ngạc nhiên. Thụy ngơ ngác trước ngôi nhà đóng cửa kín mít của Vũ. Bảng tên quãng cáo dạy vẽ của Vũ cũng không còn. Cô ngần ngại đưa tay bấm chuông và nôn nóng chờ đợi. Một lúc sau có một người đàn bà trẻ ra mở cửa cho Thụy. Thăm hỏi chị ta, Thụy được biết Vũ đã cùng gia đình định cư ở Úc và bán ngôi nhà này lại cho chị. Cô không có bất cứ địa chỉ hay số phone nào để liên lạc với gia đình Vũ. Cám ơn chị chủ nhà, Thụy quay bước ra về. Cầm bức chân dung cô vẽ cho Vũ trên tay, Thụy thở dài thì thầm như nói với Vũ, "Vũ ơi, biết đến bao giờ Thụy mới có thể cho anh biết được Thụy đã hoàn thành bức chân dung của anh. Một người thầy dạy trẻ không được phát bằng cấp chuyên nghiệp, nhưng lại là người thầy đúng với ý nghĩa nhất trong lòng Thụy, hở Vũ?"

Tóc Mây 09/03


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả