Nguyễn Ngọc Quỳnh Thi
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]


Chiều Lan Man

Hôm nay giỗ bố.

Chiều là những lan man riêng của tôi, là sự cần thiết mà những người xung quanh ít ai có thể hiểu được. Ai cũng bảo tôi "lập dị" khi trôi vào 1 khoảng vô hình nào đó mỗi ngày. Ngay cả anh, đôi khi anh cũng phải cau mày chấp nhận cái khoảng vô hình đó của tôi.

Nghĩa trang ngùn ngụt gió. Gió thổi mạnh trên đầu những ngọn cỏ cháy vàng mùa hạ. Những nén nhang tôi thắp trên mộ bố không kịp cháy để lại làn khói hương thật nhẹ, cay nồng sống mũi. Bỏ đoá hoa vàng xuống cỏ, tôi chạy vào khung cửa phía sau lưng mang tên "vườn Hy Vọng" (Garden of Hope). Khi đặt mộ bố, mẹ đã chọn mảnh đất này để hằng ngày bố có thể nhìn lên khung cửa kính vạn hoa (stainglass), và nuôi những hy vọng còn lại của mình ở một nơi xa đó. Gió cuốn vào trong dẫy hành lang thành 1 vòng tròn. Mặc kệ gió, tôi ráng đốt cho được bó nhang.

Quỳ trên cỏ. Cỏ đã vàng, nhưng cỏ lại mọc lan tràn trên tấm bia mộ gắn sát đất. Tấm bia đồng đã ngả mầu rỉ sét mòn với nắng mưa. Mặc kệ tôi cố công chùi sáng. Bố vẫn dặn tôi những ngày còn bé, rằng giỗ tết gì cũng phải nhớ lấy lư hương, để ông bà đừng buồn tủi ở nơi xa kia. Chiếc lư hương quả của tổ tiên về lại gia đình chú H. ở miền bắc sau khi gia đình di tản, được anh T. khệ nệ mang về, sau mười mấy năm tôi mới được trông thấy nó lần nữa, dù sứt sát không còn vẻ sáng bóng như khi bố chăm cho nó, nhưng vẫn làm tôi lao xaọ Bài học vỡ lòng nào đó bố dặn mỗi năm với chiếc lư hương "nhớ phải dùng mẻ để đánh cho nó sáng, phải dùng khăn mềm, phảị.." và "phải". Tôi đã bỏ ngoài tai nhiều lắm. Bao nhiêu thứ truyền từ đời cha ông mất đi khi đến tai tôi ? Còn lại bao nhiêu, 1 ngày trong tương lai giả tỷ tôi cũng sẽ phải truyền lại cho con cháu ?

Cắm mấy nén hương trước mộ, tôi lúng túng. Mẹ dạy bao nhiêu lậy, bao nhiêu vái ấy nhỉ ??? Có bao giờ tôi để ý điều mẹ nói ??? Thôi kệ, thành tâm là đủ. Dù vậy, có 1 điều gì đó vất vưởng trong đầu. Quay sang bên cạnh, tôi khẽ cắm những cành nhang trên những ngôi mộ xung quanh. Thói quen này của mẹ ngày xưa mà tôi nhớ. Mặc dù chị em tôi than van rằng họ là người ngoại quốc, gia đình họ sẽ không thích như thế, mẹ vẫn tiếp tục với lý do của mình "bây giờ họ là hàng xóm của cậu, thắp nén nhang cho mộ người ta ấm". Có những ngôi mộ được bỏ quên từ bao nhiêu năm, từ trước khi bố tôi được đặt nơi đây.
Mẹ với niềm tin có vẻ cuồng tín lúc đó, rằng ở dưới suối, "hàng xóm" mới của bố tôi sẽ giữ cho ông cụ khỏi hiu quạnh.

Tôi ngồi dưới chân mộ bố, chờ những nén nhang tàn. Từng đốm cháy đỏ lấp lánh vui mắt giữa làn khói mỏng. Đoá hoa cúc vàng đung đưa trong nắng. Những cành lan tím cũng lay lay nhè nhẹ. Những cánh hoa yêu quý của bố. Biết nói sao nhỉ ? Gia đình cứ bảo rằng hễ ra mộ trông thấy cúc vàng xen lẫn lan tím, là biết tôi vừa mới từ đây về. Thói quen này dường như tôi cũng "thưà hưởng" của bố. Chẳng biết tại sao bố và tôi cùng thích những khóm cúc vàng. Những mùa tết tôi vẫn nhớ. Bố và chậu cúc vàng ngoài sân thượng mảnh gác xép lợp tôn mà buổi trưa nóng còn hơn lò nướng bánh mì. Vậy mà tôi và bố vẫn đủ can đảm ngồi ngắm mầu vàng chói trong im lặng. Có phải bởi vì hoa cúc vàng có thể sống giữa ánh nắng sáng đó không ? Hay bởi vì lời dặn của bố "một ngày nào đó, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, con cũng phải tự mình vươn lên, như những cánh hoa kia". Vậy sao tên tôi không phải là Hoàng Cúc nhỉ ??? Bố có biết, tên của con mong manh lắm không ? Một loài hoa tối nở mai tàn.

Chiều buông lạnh làm tôi co ro. Mùa thu về tắt nắng nhanh theo màn trời bắt đầu sẫm màụ Đặt tay lên phiến bia mộ lạnh ngắt, tôi thì thầm lời khấn nguyện. Thôi con về. Ở nơi ấy chẳng biết bố có lạnh 1 mình không nhỉ. Giá như có thể xoay ngược kim thời gian. Cơn gió thổi ngang nghĩa trang vắng 1 mình. Tôi chậm bước ra xe. Ký ức của hơn 20 năm về trước lại trở về lao xao. Khuôn mặt bố khắc khổ ẩn hiện giữa giòng sông ký ức, của những ngày gia đình ly tán và tôi lưu lạc 1 mình suốt một dải đất ven biển từ miền đông xuống tây nam. Từ Vũng Tàu đến Cà Mau, Sóc Trăng Rạch Giá, những cái tên địa danh tôi lúc ấy chỉ mờ hiểu qua tấm bản đồ. Những ngày của hai bố con ngủ bụi trên tấm ghế xe đò chờ chuyến vượt biên. Có gì vui hơn lần thoát chết trở về, đứa bé tôi lao vào vòng tay bố oà khóc. Lần duy nhất tôi khóc trong vòng tay bố, và quên cả người ân nhân biến nhanh khỏi cửạ Hơn hai mươi năm, anh có còn sống và nhớ đã 1 lần cứu mạng 1 đứa trẻ trên lưng mình suốt mấy ngày đêm ? Tôi vẫn còn đi tìm trong hơn 20 năm qua, biết đâu cuộc sống có những điều kỳ diệu sẽ khiến tôi gặp lại ân nhân xưa. Chỉ biết rằng niềm tin từ anh thanh niên mang tên Phước đã đem cho tôi phước lành thật sự. Bố mẹ ân hận mãi đã không kịp hỏi thăm anh ở đâu. Và đó cũng là lần duy nhất trên gương mặt khắc khổ của bố, tôi nhìn thấy giọt nước mắt.

Lững thững mở cửa xe chui vàọ Tiếng gió thôi làm tội khi cánh cửa đóng sau tôi. Bỏ lại những triền miên, chiếc xe chậm chạp bò trên lối đi. Bên cạnh là tấm bằng khen tôi vừa lãnh chiều nay của 1 giải thưởng nhỏ, người ta đã hỏi tôi về người đã khuyến khích và giúp cho tôi có đủ nghị lực để có được ngày hôm nay ? Nhớ đến 1 ngày 15 năm về trước với nụ cười mãn nguyện của bố mẹ, ngày tôi đem kết quả đậu đại học về trình báo, chẳng ngại ngần tôi cảm ơn bố mẹ và gia đình, và cả những người quen, lạ, đã giúp tôi dọc trên đường đi. Cảm ơn bố mẹ, cảm ơn cuộc sống.


tháng chín, ngày mười chín, hai ngàn lẻ hai


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả