Những tiếng reo điện thoại cuối năm.

Noel chúng tôi năm nay được bắt đầu với anh chị NL. Anh chị NL đã mang vợ con từ Canada đến Mỹ để được ở lại hai ngày nói chuyện với anh Q. Vừa tiến anh chị NL ra khỏi cửa , hai vợ chồng tôi loay hoay lo rước cháu gái trưởng từ phi trường về, chuẩn bị phòng giường, tính toán các món ăn cho mấy đứa con, mấy người em đến thăm trong tuần Giáng Sinh. Sáng hôm sau còn phải trở ra phi trường rước cháu gái kế. Rồi hôm sau nữa là đại tiệc gia tộc . Các gia đình của mấy đứa em họ đã tự ý chọn địa điểm tại nhà của chúng tôi làm hẹn cho Noel năm nay.

Ngày còn ở Việt Nam, đi lễ nửa đêm là một cơ hội quí giá nhất cho tuổi học trò chúng tôi gần gủi, thức khuya nói chuyện trước sân nhà, ăn bánh mì nướng mua ngay tại lò bên góc phố. Không còn nhớ đã nói những chuyện về đề tài nào nữa, chắc chắn là đề tài vô định, nhưng nói mãi không hết. Bây giờ, không hiểu vì lý do nào rõ rệt, đi lễ Noel không còn là một động lực tinh thần nữa. Noel nào cũng là dịp gặp gỡ gia đình lớn nhỏ, chẳng phải vì lý do nào khác hơn là ai cũng được nghỉ hơn tuần dài gần như nhau.

Buổi chiều ngày 25, bên ngoài trời hết mưa, chưa có tuyết nhưng lạnh se. Thôi thì trong nhà mấy đứa bé con của các gia đình mấy đứa em họ tha hồ đùa giỡn la hét khi gặp nhau, chạy lên chạy xuống các bậc thang, rượt bắt, khóc , cười , ... vang từ nhà dưới lên đến nhà trên. Ở bàn phòng khách nhà trên, các ông cũng nói huyên thuyên, chuyện nợ nhà nợ xe, chuyện cho con đi học trường này trường kia, chuyện các hoạt động khác nhau của nhóm này nhóm kia, chuyện gạt lừa của các bộ óc thời đại, chuyện những đứa con ngoan, những đứa không ngoan, chuyện giúp đỡ người thân bên nhà. Trong bếp, các bà vợ trẻ đứng ngồi di chuyển khắp hướng, kẻ lo cho con uống, ăn, người dọn rửa. Trong phòng computer cũng có hai ba đứa trẻ châu đầu vào một trò chơi, bàn tán với nhau để thắng cái máy vô tri, nhưng khó đánh bại. Cái thói quen và trật tự của văn hoá Á Đông vẫn tồn tại một cách nhẹ nhàng và âm thầm.

Tiếng reo của điện thoại đều đặn và réo rắt như cố gắng vượt khỏi những âm thanh náo nhiệt trong khung cảnh như thế.
- Ồ, chúc mừng cuối năm mà thôi.
- Vâng ạ, chúng tôi cũng chúc gia đình anh chị may mắn dài dài, trúng số một vố lớn, nghỉ đi cày cho khỏe mấy tấm thân.
- Cám ơn nhiều, anh chị cũng thế nhé.
- Nếu vậy, chúng tôi muốn trúng số thì phải đợi sau khi anh chị trúng mới được nhỉ! Hà hà ...
- Có đi chơi đâu không ?
- Không ạ, các cháu về làm một mùa hội ở đây, mệt tắt thở, vui đủ rồi. ....

Khuya đến, anh bạn từ bên miền Đông gọi lại, anh NC, nói là đã gọi từ hôm qua lúc chúng tôi đi chợ. Mới ba hôm trước đã nhận được một bài thơ của anh. Bài thơ tả cảnh em bé ngoài góc phố không biết về đâu khi tiết đông đã đến. Anh NC nói bài thơ đó là do cảm hứng từ câu chuyện có thật, và kể lại việc giúp đỡ của các anh em của anh ấy cho một trung tâm khuyết tật mà chính người điều hành cũng là một người bị khuyết tật. Đại khái cũng giống như những việc khác mà anh ấy thường làm khi còn ở gần tỉnh chúng tôi, những việc nghĩa, việc thiện, giống như bản tính của anh. Anh NC kể chuyện thương tâm của hai vợ chồng trước khi điều hành trung tâm. Cú điện đàm kéo dài khoảng 20 phút. Tôi chưa có phản ứng thích hợp trong lúc nhà cửa bê bối, vả lại còn việc tham gia làm giám khảo cho cuộc thi cho trẻ con mùa Tết nên kết thúc cuộc nói chuyện một cách rất gượng ép cho xong để trở lại với không khí gia đình.

Ngày sau, sau buổi cơm chiều ồn ào, có đứa con gái thứ nhì mới rước từ phi trường về lúc trưa, điện thoại lại reo vang. Tiếng nói chậm rãi và sang trọng của chị CH. từ Cali gọi thăm. Như vậy là đã có hơn một năm nay sau những lần đầu nói chuyện trên điện thoại khi linh mục MT., chú ruột của chị CH. sang Hoa kỳ thăm viếng. Theo sự nhận xét của tôi lúc còn bé độ 9, 10 tuổi, linh mục MT. đã có nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người giáo hữu ở một họ đạo nghèo và thưa thớt nơi chúng tôi sinh sống thuở còn thơ.

Ngài là một con chim én trong mùa đông. Trong thời Đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà, các linh mục là giai cấp sang cả, quyền thế còn hơn các ông tỉnh trưởng. Thế mà linh mục MT. vẫn sống cuộc đời đơn giản. Tôi còn nhớ ngài bước lên bục bàn thờ làm lễ với cái ria lòng thòng dưới lai quần vì rách nát. Ngài từ chối sự săn sóc của giáo dân, cũng có thể ngài chỉ có một cái quần. Lúc chưa có gia đình người anh dời đến giúp, ngài làm đủ mọi thứ chuyện, từ việc vác lu hứng nước mưa để dành xài, giặt giũ áo quần cho đến việc tập hát, tập ngâm bài thương khó để hát mùa chay, cho mấy đứa trẻ trong hội hát không người điều khiển, trong đó có tôi. Tôi kính trọng ngài vô cùng. Vì thế, khi nghe được linh mục MT. còn sống sót tới ngày nay sau hơn chục năm học tập, và còn được sang thăm người cháu ở Mỹ. Tôi liên lạc ngay để đón tiếp ngài sang tiểu bang của chúng tôi cả mấy tuần lễ mặc dù việc làm vô cùng bận rộn. Đó là mùa hè năm trước.

Nói chuyện dong dài cả hơn 40 phút, chị CH. đề cập tới một vài vấn đề gián tiếp mong chúng tôi đứng ra thực hiện. Chuyện thứ nhất là việc chuẩn bị cho lễ Kim khánh cho cha MT. sẽ xảy ra hai năm tới. Ngài sắp làm linh mục được 50 năm. Tôi không rõ lễ kim khánh là ăn mừng 60 năm hay 50 năm. Nhưng lế Ngân khánh ăn mừng 25 năm. Do đó, có thể 50 năm đúng là Kim Khánh. Chị CH đề cập đến ý định mua ba chiếc áo lễ cho ngài. Nhưng rồi lại kể chuyện Ngài không chịu hưởng thụ gì cả. Những chiếc áo vest mà chị mua cho ngài từ Mỹ đã được cởi ra ngay sau khi về đén phi trường Tân Sơn Nhất và đã cho người khác. Một số lớn tiền gom góp được của các giáo dân bên Mỹ cũng được xài trong việc sửa chửa nhà hưu dưỡng nơi mà ngài từng bị nước ngập đến đầu gối.

Nhà sửa xong, ngài để đó cho người giúp việc ở. Xong rồi ngài đi lung tung nay họ đạo này mai họ đạo khác. Ngài đầu tóc bạc phơ, nhưng đi bộ nhanh hơn người 50 tuổi. Ngài không thích tích của, nên tiền bạc phân phối cho thiên hạ hết. Thế thì nếu ai có lòng yêu mến ngài, muốn cho ngài ăn miếng ngon hơn, ở nhà tốt hơn, mặc áo đẹp hơn sẽ không được kết quả. Tôi đã thầm gọi cha là con én bay đuối cánh để tạo một mùa xuân trong những tháng lạnh giữa mùa đông. Tôi chợt nói một câu gì đó làm cho chị CH chộp lấy và hỏi tôi có thể xem kiểu và may cho cha một cái. Nhưng tôi từ chối nói không thể làm được vì đã có quá nhiều việc tình nguyện vặt vảnh đã chiếm hết thời giờ hẹp hòi của tôi.

Việc thứ hai chị CH. có ý khích tôi vận động người bạn cùng xứ viết thơ mời một cha khác sang. Lúc đầu tôi không hiểu tại sao chị ấy lại có ý lạ lùng như thế, vì tôi chẳng quen biết ông linh mục đó, và người bạn cũng đâu có liên hệ thân tộc gì, nên thắc mắc hỏi thẳng chị. Chị giải thích là nếu cha nào được sang ngoại quốc thì chắc chắn sẽ kiếm được tiền mang về. Tôi chợt cảm thấy cổ họng tôi như bị nghẹt bởi một vật gì đắng đắng. Và sau đó, ý định đóng góp cho lễ kỷ niệm của một vị tu sĩ đã từ từ bị lấn át bởi cái hình ảnh không đẹp của kẻ lợi dụng lòng tin của kẻ khác.

Tiễn các con trở lại phi trường sau mấy ngày lễ trở về, tôi vào máy tính xem lại thơ từ của các người bạn. Thấy những bài nhạc anh NC gửi thêm, trong 5 bài đã có tới 4 bài thiền, và một trái tim biết rung động cho những tấm thân bé bỏng không người chăm sóc, tôi quyết định tham gia đóng góp cho việc của anh NC làm. Anh bạn tôi nói, đừng cố gắng ôm đồm quá sức, không còn giờ tiếp anh làm cái project đang dở dang.

Tôi không trả lời hay giải thích, và âm thầm đánh thư hỏi anh NC địa chỉ liên lạc để đóng góp cho anh làm việc cho những người bạc phận. Lương tâm tôi bảo rằng trước những lời vận động của các bạn chung quanh, tôi đã thấy được sự tương phản giữa phù phiếm, giả tạo, và thực tế đau thương. Tôi đã quyết định chọn thoả mãn những yêu cầu chính đáng.

Sau khi quyết định như thế , tôi cảm thấy đã trúng một con số độc đắc cho tâm hồn tôi sống cả năm mà không cần phải chờ người khác trúng số trước, hay đổi điện thoại để trốn những solicitors.




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả