Nguyễn Nam Việt
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN Hay Chỉ Là TỬ LỘ?

Những tòa nhà đổ nát hoang tàn thường chôn vùi những bí ẩn nào đó dưới những đống gạch vụn ngổn ngang…Rồi những nhà khảo cổ đã dầy công đào xới những lớp đất này, đển rồi khám phá ra những cột trụ của một công trình kiến trúc thuộc một nền văn minh rất xa xưa nào đó … Và thế là một công trình kiến trúc nguyên thủy trong một tình trạng rã rời mục nát vừa được phát hiện … Tư tưởng ta cũng thế, rồi cũng sẽ bị đào thải theo thời gian, nhất là khi nền mống của những tư tưởng này được (hay bị) xây trên cát trong một thời gian khá lâu dài.

Bài diễn văn nhậm chức của vị Tổng Thống Hoa Kỳ Harry Truman vào ngày 20 tháng Giêng năm 1949 trước Quốc Hội Hoa Kỳ đã khiến mưa giông bão tuyết thổi ào ạt đến đại lộ Pennsylvania. Trong bài diễn văn này, Tổng Thống Truman đã vạch rõ một điều: nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang sống trong “vùng chậm phát triển”. Từ đó, vị Tổng Thống này đã nẩy sinh ra những tư tưởng cao đẹp, lại có giá trị trường cửu vào thời bấy giờ: tư tưởng trọng yếu cho rằng các nước thuộc miền Nam bán cầu, dù mỗi nước có một nét đặc thù rất khác biệt nhau, vẫn có thể được sắp xếp chung vào một hạng - hạng các quốc gia chậm phát triển. Thế là lần đầu tiên, người ta được nghe nói đến một tầm nhìn mới của thế giới, một thế giới mà tất cả các dân tộc đều cùng hướng về một phía, và cùng thiết tha đạt đến một mục đích duy nhất - làm sao giúp các quốc gia chậm tiến này có cơ hội vươn lên ngang hàng với các quốc gia khác trên thế giới.

Tổng Thống Truman đã vạch ra một phương hướng đi rõ ràng trước mắt: “Tăng gia sản xuất là chìa khóa hé mở cánh cửa hòa bình và thịnh vượng”. Mà thật vậy, chẳng phải Hoa Kỳ đã đạt đến những điều không tưởng này hay sao chứ? Theo mẫu mực so sánh này, các quốc gia trên thế giới cũng giống như những tay chạy đua, dù là chạy lẹt đẹt phía sau hay chạy dẫn đầu. Và chẳng phải “Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã vượt trội các quốc gia khác với những phát triển về kỹ thuật trong lãnh vực kỹ nghệ và khoa học hay không đấy chứ ?”. Rồi Tổng Thống Truman đã phát họa ra một chương trình trợ giúp kỹ thuật để “làm vơi bớt nỗi khổ đau của những dân tộc này” bằng những “hoạt động kỹ nghệ”, và bằng phương cách “nâng cao mức sống của người dân”.

Thấm thoát mà đã bốn thập niên trôi qua. Giờ hồi tưởng lại, ta phải công nhận rằng bài diễn văn của Tổng Thống Truman đã có tác dụng như một phát súng khai hỏa để mở đầu cho một cuộc chạy đua, để các quốc gia thuộc vùng Nam bán cầu có cơ hội bắt kịp những nước ở Bắc bán cầu. Tuy nhiên, ta cũng nhận thấy rằng trên sân đua giờ đây đã trở nên thưa thớt dần, vì một số tay đua đã bỏ cuộc, và một số bắt đầu hoang mang không biết mình có chạy ngược hướng hay không?

Quan niệm cho rằng thế giới như một vũ đài kinh tế đã được manh nha vào thời Truman. Quan niệm này hoàn toàn tương phản với quan niệm về chủ nghĩa thực dân, cho dù rằng vào thời đế quốc thực dân, những mẫu quốc này cũng đã tham gia vào một cuộc chạy đua kinh tế ráo riết, với những thuộc địa xa xôi cung cấp nguồn nguyên liệu thô rất cần thiết cho việc phát triển kinh tế của những mẫu quốc này. Chỉ sau Đệ Nhị Thế Chiến, những quốc gia này mới thực sự tự lực cánh sinh, và bị buộc phải cạnh tranh với thị trường kinh tế toàn cầu.

Ngày chủ nghĩa thực dân đế quốc còn tồn tại, động lực tiên khởi đã thôi thúc Anh và Pháp trong việc áp đặt quyền cai trị lên các nước thuộc địa bắt nguồn từ cái nhã ý muốn thực hiện sứ mệnh văn minh hóa đến các nước thuộc địa này. Người đề ra chính sách “nhất cử lưỡng tiện” này là Lord Lugard ở Anh quốc. Ông quan niệm, đành rằng việc cai trị các thuộc địa mang lại những lợi lộc về kinh tế, song nghĩa vụ thiêng liêng chính vẫn là việc nâng cao trình độ văn minh của những “sắc dân da màu”. Quốc gia của ông đi đến những nước thuộc địa chỉ để thực hiện cái nghĩa vụ cao cả trên, chớ họ chẳng có toan tính chi đến việc bắt đầu một tiến trình cung cầu bất tận.

Vào cuối thập niên 1960, công trình kiến trúc này đã để lộ những vết nứt nẻ trầm trọng. Những lời hứa hẹn vang trời thuở nào về một vùng phát triển tươi đẹp giờ đã tựa như những lâu đài xây trên cát. Thế nhưng trong lúc các nhà lỗi lạc trên thế giới vẫn còn bận rộn với những dự án phát triển trong tương lai cho những xứ sở này, thì những chuyên gia thuộc tổ chức Lao Động Thế Giới và Ngân Hàng Thế Giới đã bàng hoàng mà nhận ra rằng những công cuộc phát triển này đã chẳng đạt được kết quả khích lệ gì cho lắm, vì bên cạnh sự phồn thịnh do nền kinh tế chấp cánh bay cao tạo nên, cảnh nghèo khó cũng đã gia tăng theo cùng một tỷ lệ thuận với sự phồn thịnh này. Tình trạng thất nghiệp vẫn không được giải quyết ổn thỏa. Những hãng xưởng chế tạo thép được xây dựng lên để đáp ứng với nhu cầu của nền kinh tế phát triển, vẫn không cứu vãn được tệ trạng liên quan đến vấn đề thực phẩm. Chuyện hai năm rõ mười, rằng niềm tin tình trạng xã hội sẽ được cải thiện một khi nền kinh tế có dịp lớn mạnh giờ chỉ còn là chuyện hoang đường.

Ước mơ các quốc gia trên qủa địa cầu này cùng nhau xây dựng một thế giới phát triển, đã từng làm phấn khởi biết bao nhiêu người, nền mống tòa lâu đài này giờ đây đã rạn vỡ từng mảnh và có nguy cơ sụp đổ tan tành. Nhưng những mảnh vụn này vẫn còn vương vãi khắp nơi làm nghẽn lối con đường phát triển thực sự. Dẹp bỏ những đống gạch vụn này là việc làm rất cần thiết hầu mở ra một chân trời mới sáng lạng hơn cho những quốc gia này.

Chuyển ngữ từ Development: A Guide to The Ruins của Wolfgang Sachs


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả