Nguyễn Thị Tê Hát
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]


Chuyện Đêm Giao Thừa

(viết để tặng các bạn tôi ngày xưa)


Những lần vào cuối năm, vào những ngày sửa soạn tống biệt năm cũ để chào đón năm mới, tôi lại thấy lòng nao-nao xúc động khi nhớ đến những cái tết ở quê nhà, những lần dạo phố trong những chợ hoa đông người, những bản nhạc vui nhộn về xuân từ những cửa tiệm 2 bên đường phố, những đống dưa hấu chất cao như núi với những lời mời đon đả, những vại hạt dưa, bánh mứt đủ màu sắc, những phong pháo đỏ ối treo lơ lửng trước cửa tiệm, những chai rượu, những hộp trà hảo hạng gói giấy bóng đỏ lấp lánh khi ánh nắng chiếu vào làm nổi bật không khí, sắc thái của những ngày tết đang đi về.  Những đôi tình nhân đắm chìm trong cái hạnh phúc mùa xuân như cây cỏ cũng tươi mát say tình trong khí trời đổi mới.  Bởi thế mỗi lần Tết sắp đến, dù là Tết Dương Lịch, hay Âm Lịch tôi vẫn cảm thấy bồi hồi, nhớ nhung về những gì đã mất, nhớ nhung về những tình cảm đầu đời man mác nào đó.  Nhưng có một cái Tết nơi quê nhà, cái Tết mà tôi đã trải qua với đầy sợ hãi, hoảng hốt để cuối cùng lại thấy đó là một sự khôi hài mà không bao giờ quên được.

Khi đất nước đổi thay, đổi thay tất cả, cuộc sống trở nên xáo trộn, mọi người đều chới với, khi cánh cửa tự do đã khép lại đàng sau. Những ngày lễ lớn như lễ Giáng Sinh, lễ Phật Đản đều bị bác bỏ. cũng như đảo lộn cả vấn đề ăn tết, đón giao thừa... Nhà nước tuyên bố Lịch đã in sai ngày Tết Âm Lịch. Vì thế đã có nhiều nơi đón Ông Bà không cùng ngày, có nơi vừa làm lễ đón Ông Bà xong thì mới biết là đón Ông Bà về ăn Tết quá sớm. Có nơi lại đón Ông Bà về quá muộn, nên tôi cũng chẳng hiểu cái Tết năm đó Ông Bà có thông cảm cho con cháu về ngày giờ đưa đón lộn xộn, và có về được để cùng chung những ngày Tết bất hạnh với con cháu hay không?

Chúng tôi, tuổi trẻ của chúng tôi cũng mang chung số phận như nhau, đắm chìm, ẩn mình trong bóng tối như những con chim non nép dưới đôi cánh mẹ để sau đó từ từ bắt đầu nhón nhén bước ra với những bước chân chim dọ dẫm, ngập ngừng nhưng thận trọng. Vài năm sau ngày CS cưỡng chiếm miền Nam, tuổi trẻ chúng tôi đã thật sự vươn lên trong cuộc sống đe doạ, hồi hộp, u ám của thời cuộc. Những khói thuốc lại được thả những vòng tròn mờ đục lên cao bên những ly cafe đen đậm. Những tiếng nhạc êm dịu len lén vọng ra từ một góc phòng với những bàn ghế thô sơ, mộc mạc. Những quán cafe trữ tình cũng được mọc lên với những tiếng đàn dương cầm dìu dặt trong ánh sáng lung linh toả ra từ những cây nến được chủ quán lãng mạn thắp lên trên mỗi bàn. Rồi những bản nhạc ngày xưa được sống lại một cách thận trọng để rồi một vài ngày sau đó thấy quán bị niêm phong và chủ quán đã bị đưa đi đến một nơi nào đó trong hay ngoài thành phố mà không ai biết đến. Thế nhưng đâu đó vẫn còn những tiếng hát ngày xưa mà CS đã dùng danh từ "Nhạc Vàng" để đặt tên cho những nhạc phẩm tình cảm êm dịu. Các cán bộ trẻ tuổi như chúng tôi cũng đam mê loại nhạc này không kém.

Tuổi trẻ chúng tôi là đó, chúng tôi không còn sợ sệt như những năm tháng đầu khi có sự hiện diện của những người muốn thay đổi cuộc sống chúng tôi, thay đổi cái hạnh phúc, cái tự do mà chúng tôi đang có. Tuổi trẻ bắt đầu vui đùa, tổ chức các buổi dạ vũ nho- nhỏ, thu gọn trong đám bạn bè, tổ chức trong những ngôi nhà bị đánh tư sản mại bản hay trên một tầng lầu cao nhất của những building như Tổng Phát Hành Báo Chí Nam Cường chẳng hạn. Sau khi Ông Nam Cường bị bắt đi học tập "cải tạo" thì cái building của Ông cũng bị nhà nước tịch thu, trưng dụng. Sau một thời gian giằng co, khiếu nại, nhà nước đã chấp thuận cho thân nhân của Ông Nam Cường được ở vào những tầng lầu trên, còn tầng dưới thuộc sự cai quản của nhà nước, dùng làm cơ-sở. Các quý tử của Ông Nam Cường thuộc cái loại "chơi bời, hư hỏng, truỵ lạc" theo lối chê bai của chính quyền CS. Mỗi lần tổ chức dạ vũ nho nhỏ, chúng tôi lại được nhỏ tai, thầm thì, hẹn giờ giấc để rồi sau đó tổ chức ngay trước mũi của nhà nước nhưng trên lầu 7 của building, tầng cao chót thật là an toàn và hấp dẫn. Chúng tôi trang trí khung cảnh như sống lại những khoảng khắc ngày xưa. Đứng trên cao có thể nhìn xuống thành phố nườm nượp xe dạp và cũng có thể quan sát những gì có thể xảy ra ở phía dưới. Khi tất cả bạn bè đã có mặt đông đủ, thang máy được khoá lại và nếu có bị động tĩnh chúng tôi chỉ cần tản mác vào các phòng trống trong các tầng khác mà không sợ bị khám phá, vì nếu Công An có leo lên đến lầu 7 thì e họ cũng chẳng còn sức để đi kiếm các thủ phạm "hư hỏng" như chúng tôi nữa. Thế là mọi người cứ việc vui đùa quay cuồng bên nhau để quên đi một thực tại quá nhiều đổi thay và cay đắng.

Những buổi vui chơi như vậy không bao giờ thiếu vắng vào những dịp lễ lớn. Tuổi trẻ của chúng tôi là thế, chúng tôi đã mất mát quá nhiều bởi chiến tranh. Bởi một cuộc chiến phi-lý giữa 2 miền Nam - Bắc... Tuổi trẻ của chúng tôi sống vội vã, không có sự thong thả, bình an học hành, chúng tôi bị dồn nén bởi vận nước ngả nghiêng, bởi sự thăng-trầm của những người đi làm lịch sử. Tuổi trẻ của chúng tôi là đấy, trong đó có Tôi và Chàng... chúng tôi gặp nhau vào một thời điểm tối đen tận cùng của đất nước. Chàng như một bại chiến trở về bơ phờ mệt mỏi. Ngày nào cũng thấy Chàng ngồi uống cafe với điếu thuốc trên tay, im lim ở một quán nhỏ nơi góc đường Lê Thánh Tôn nhìn người qua lại như một giải trí nhẹ nhàng. Tôi quen Chàng, tôi đến với Chàng trong một tâm hồn bị mất mát, trong một khoảng trống dày đặc như sương mù. Chúng tôi tìm đến nhau trong sự chán đời, yêu đời và cay đắng đời để rồi tôi được nhâm nhi nho nhỏ "từ nay tôi đã có Chàng, có Anh ca hát bên đời líu lo..." hay chàng cũng sẽ "từ nay tôi đã có nàng, có Em xoả tóc đang ngồi trước sân..." để cùng góp nhặt những nỗi buồn của nhau chất thành đống cao như gom những chiếc lá vàng mùa thu và sẽ bay tản mác trước những cơn gió thời cuộc. Chúng tôi bên nhau, bên những ly chanh đường tuy không còn ngọt lịm như môi Em. Chúng tôi bên nhau, bên những ly cafe đắng ngắt như cuộc đời hiện tại.

Hôm qua, vợ chồng dược sĩ Ái, Liên hỏi:

- Ê! quý vị có muốn đi nhảy đầm không? tụi này định tổ chức dạ vũ Tất Niên đó, chỗ này kín đáo và ngon lành lắm, không sợ bị bể đâu.

Chàng và Tôi nhìn nhau im lặng giây lát, chàng hỏi anh Ái :

- Ông tổ chức ở đâu vậy?

- Ở đường Trần Bình Trọng, gần đường Nguyễn Trãi. Cô bạn của Liên có nhà, gia đình cô ấy bị đánh tư sản mại bản bắt đi Kinh Tế Mới, nhà chỉ có 2 chị em thôi. Đừng sợ, tụi này bảo đảm mà lo gì, mỗi cặp 20 đồng.

Chàng thận trọng hỏi thêm:

- Nhưng nhà có cửa sau không?

- Có.

Tôi và Chàng nhìn nhau e-ngại, chàng bảo anh Ái:

- Chiều tụi này trả lời, nhưng có đông không?

Anh Ái vỗ vai chàng trấn an:

- Tụi này không rủ đông, chỉ rủ bạn bè thân thôi, khoảng 20 cặp, nhưng nhà rộng và rất an toàn.

- Nhưng nếu tụi này đi thì gặp Ông Bà ở đâu?

- Hai người cứ ngồi uống nước ở góc đường Nguyễn Trãi và Trần Bình Trọng, khoảng 7g30 tụi mình bắt đầu đi vào. Lúc đó trời cũng bắt đầu nhá nhem tối, nếu thấy tụi này đứng lên thì cứ thản nhiên đi vào từng cặp kẻo hàng xóm để ý.

Hai đứa nửa muốn đi, nửa không vì còn nhút nhát. Chàng mà bị bắt thì chắc phải đi học tập e không có ngày về vì là dân ka-ki. Tôi mà bị bắt thì chẳng phải đi luôn như Chàng nhưng cũng chết một đời vì đã để Bố Mẹ mất mặt với bà con họ hàng, xóm giềng. Đến chiều, không khí mát mẻ của những ngày đầu năm với những xôn xao tiệc tùng ở nhà người này, người kia cũng đủ làm chúng tôi nôn nao, vả lại vợ chồng anh Ái lớn tuổi chắc phải cẩn thận nhiều, mà chàng thì cũng ham vui nên đã đóng tiền cho buổi dạ vũ bỏ túi tối hôm đó. Thế là chúng tôi cùng nắm tay nhau mạnh dạn lên đường, không biết đó là con đường sẽ đưa chúng tôi tới Thiên Đàng hay xuống Địa ngục? chúng tôi cũng quên nghĩ đến điều đó.

Tối đó, tôi nói dối Mẹ là Chàng sẽ đưa tôi đi dự Tất Niên ở nhà một người bạn và sau đó chúng tôi sẽ dự lễ nửa đêm ở nhà thờ Đức Bà. Mẹ dễ dãi vì đêm đó là đêm Giao thừa, tuy thời buổi hiện tại không lấy gì là vui cho lắm để bày vẽ tiệc tùng, ăn uống linh đình như những năm trước, nhưng Ba Mẹ cũng làm một cái tiệc nhỏ khiêm nhường trong gia đình cho mọi người như bao nhiêu gia đình khác. ba Mẹ thông cảm cho chúng tôi còn trẻ nên cho phép chúng tôi vui chơi với bạn bè vào những dịp lễ đặc biệt trong năm. Mẹ biết tôi là con bé ham vui nhất nhà nên cứ thỉnh thoảng lại nhắc chừng sợ tôi quên:

- Thời buổi này không phải như ngày xưa, con đừng có ham vui mà nhảy với nhót rồi bị bắt cho khổ thân mà Bố Mẹ lại phải xấu hổ với xóm giềng, họ hàng... có gì là Bố mày giết chết đấy con ạ.

Mẹ thì bao giờ cùng hăm doạ, và tôi lúc nào cũng ngoan hiền nhất nhà, không bao giờ đi chơi về nhà quá 8g tối. Chỉ có những đêm đặc biệt như Giáng Sinh hay Giao Thừa, bất kể Giao Thừa nào tôi cũng được đi chơi về muộn mà không phải áy náy, nhưng cũng chỉ cỡ đến giờ tan lễ nửa đêm mà thôi. Vì thế Mẹ lúc nào cũng yên trí con gái Mẹ rất ngoan đạo, vì sáng hôm sau tôi lại theo Mẹ đến nhà thờ để xem lễ bù cho đêm hôm qua. Tối ấy, Chàng chở tôi bằng chiếc xe đạp mi-ni nhẹ nhàng lên dốc cầu Trương Minh Giảng vì tôi "Mình hạc xương mai" nên Chàng cứ phơi phới lái xe vèo-vèo lên dốc cầu mà không cần phải thở hổn-hển, hỳ-hục như những lúc Chàng phải chở một cô bé mát da mát thịt nào đó phía sau...(tôi chỉ đoán thế thôi!}.

Khi vào trong nhà, 2 đứa ngạc nhiên vì có đủ mặt bạn bè, không thiếu một ai. Tiếng nhạc dồn dập như làm tan biến sự sợ hãi, hồi-hộp trong tôi khi mới bước vào. Tôi và Chàng vui với cái vui của mọi người trong căn phòng kín đáo, say sưa trong tiếng nhạc, trong vòng tay nhẹ nhàng lả lướt của Chàng, tôi thì thầm:

- Mình không đến đây tối nay thật là uổng phải không anh?

Và Chàng, "chàng cũng cho như thế!... ra ta hợp tâm đầu". Đang say mê quay cuồng trong tiếng nhạc, trong điệu nhảy, bỗng có tiếng chó sủa ầm ĩ, tiếng chân người chạy dồn dập, tiếng súng lên đạn lách-cách, tiếng quát tháo:

- Đứng im, mọi người đứng im tại chỗ, ai chạy bắn bỏ.

Cả một trời sợ hải, thảm não đổ ập lên tôi, tôi bủn rủn trong tay Chàng, tôi run-rẩy như tận thế đang gần kề. Mọi người im phăng-phắc. Anh Ái nói nhỏ:

- Mọi người cứ bình tĩnh, giả bộ ăn uống như không có chuyện gì xảy ra.

Người này nhanh tay xoá những giòng chữ bay bướm viết trên bảng, người kia quét vội những bột phấn trên nền nhà như muốn xoá kỹ những dấu tích phù phiếm vừa rồi. Vài tên Công-an phường đội nhảy vào trong nhà chỉa súng, hò hét ầm ĩ như ngoài mặt trận:

- Các anh, các chị tụ họp ở đây làm gì? nhảy nhót hả?

Anh Ái lên tiếng:

-Dạ không anh, chúng tôi chỉ tụ họp bạn bè ăn tất niên như mọi người, như các anh thôi.

Anh Ái chưa dứt lời, tên Công an đã quát lên:

-Láo, chúng tôi ăn uống đàng hoàng chứ có nhảy nhót như các anh, các chị bao giờ.

Anh Ái yên lặng cầm ly nước lui ra sau. Chàng cầm miếng bánh đưa cho tôi an ủi:

- Ăn đi, đừng sợ, không sao đâu.

Cầm miếng bánh trong tay chàng, tôi run lập-cập làm miếng bánh như muốn rơi lại xuống đĩa, tôi thì thầm:

-Em sợ quá, lỡ có chuyện gì Ba Mẹ giết em chết...

Bỏ miếng bánh xuống, nước mắt đoanh tròng, miệng tôi khô cứng, lưng tôi lạnh buốt vì sợ. Trước mắt tôi không còn thấy gì ngoài đôi mắt nghiêm nghị của Ba Mẹ, chàng vỗ nhẹ lên tay tôi nói vừa đủ cho tôi với Chàng:

- Không sao đâu, cứ bình tĩnh, liệu trốn đi nhé, đừng có đi theo nghe không? mặc kệ tụi nó hăm doạ, đừng sợ.

Chàng biết tôi là con bé chậm chạp và nhút nhát nên cứ dặn đi dặn lại bên tai. Tên Công-an đi vòng quanh căn phòng, nhìn tận mặt mọi người, hách-dịch, hất mặt hỏi trống không:

- Tiệc tùng gì mà chỉ có vài cái bánh, cái kẹo, nước ngọt? Các anh, các chị ăn mặc lố lăng như thế đấy hả?

Trời ơi, chúng tôi ăn mặc bình thường có gì đặc biệt lắm đâu, chỉ gọn gàng, lịch sự và dĩ nhiên là đẹp mắt hơn mọi ngày một tý, thế mà cũng ngứa mắt nhà nước. Tiếng Cô Chủ nhà người Nam nói giọng thật dễ thương, nhõng-nhẽo:

-Dạ không anh, tụi em chỉ có tố chức party thôi chứ có nhảy nhót gì đâu anh.

Tên Công-an quay lại nhìn người đẹp, hơi dịu giọng, nhưng còn gắt nhẹ:

- Party là cái gì?

- Dạ tụi em chỉ tụ họp ăn uống mừng Tất Niên vậy thôi.

Cô chủ nhà cất giọng oanh vàng thỏ-thẻ, tay cầm miếng bánh mời mọc:

- Bánh ngon lắm, anh ăn với tụi em cho vui

Hắn liếc nhanh nhìn cô bé, thấy cô cũng xinh xinh và dễ thương nên hắn nhẹ nhàng trả lời:

- Để đó

Cô chủ nhà lại nghịch ngợm đưa miếng bánh lên miệng tên Công An một lần nữa làm mọi người khúc khích trước trò đùa của chủ nhà. Hắn đỏ mẳt đảo mắt nhìn quanh mọi người rồi gắt lên:

- Để đấy, làm cái "chò" gì thế?

Một lúc sau, tên đi chung thì thầm với hắn điều gì, hắn dõng dạc ra lệnh:

- Tất cả mọi người bỏ giấy tờ ra bàn.

Hắn đi thu tất cả giấy chứng minh nhân-dân, một loại thẻ kiểm tra của chính phủ lúc đó dùng để đi đường, tôi không mang theo vì đàn bà con giá ít khi bị hỏi giấy tờ như đàn ông con trai nên Chàng lúc nào cũng phải mang giấy tờ bên mình. Hắn ra lệnh thu tất cả giấy tờ, và ra lệnh cho mọi người lần lượt theo hắn về Phường Công-An làm việc sau khi đã làm một màn giáo huấn, xỉ vả chúng tôi thật kỹ:

- Các anh, các chị không biết thân, không biết xấu hổ, dám tổ chức nhảy nhót, các anh các chị chỉ có biết chơi-bời truỵ lạc, không chịu đi lao động. Mỹ, Nguỵ làm hỏng cuộc đời các anh, các chị... con trai thì tóc dài, mặc áo chim cò, con gái thì áo bỏ trong thùng, trông nhố-nhăng quá. Chúng tôi sẽ cho các anh chị đi lao động 3 năm để biết thế nào là vinh quang.

Cô chủ nhà năn nỉ:

- Anh tha cho, tụi em có nhảy nhót gì đâu... anh ăn bánh đi.

Hắn hết thấy Cô chủ nhà dễ thương như lúc nãy nên gân cổ hét:

- Không có tha gì hết, mọi người theo tôi về Phường Công-An làm việc, ai chạy bắn bỏ.

Mọi người bình tĩnh lần lượt theo hắn, chỉ có cậu em của Cô Chủ Nhà được ở lại vì còn nhỏ, không tham dự trò chơi của chúng tôi. Chàng thì thầm bên tai:

- Liệu trốn đi, đừng đi theo nghe không?

Tôi nhìn quanh phòng, ngây thơ hỏi:

- Nhưng trốn ở đâu?

Chàng gắt nhỏ:

- Thì trốn đại trong mấy kẹt tủ nào đó.

Vừa nói, chàng vừa đẩy tôi đi, rụt rè tôi đứng nấp đại sau cánh cửa gần đó, nhưng ở đó cũng đã có một tên đồng cảnh ngộ đứng từ lúc nào. Tôi đứng sát vào người hắn, lúc đó tôi cũng chẳng còn nhớ câu mà cổ nhân thường nói "Nam, Nữ thọ thọ bất tương thân", nhưng trong sự sợ hãi tột cùng, lòng thương người cũng dấy lên trong tôi, tôi chợt nghĩ mình không thể trốn ở đây được sẽ bị lộ cả 2. Tội nghiệp hắn, hắn là con trai, nếu bị bắt sẽ nguy hiểm hơn, thế là tôi chậm chạp kiếm địa điểm khác, chỗ này cũng không lấy gì là kín đáo cho lắm, vì là khoảng trống chật hẹp giữa 2 kệ hàng vừa mới bị nhà nước tịch thu tài sản, hàng hoá, nhưng vì mặc áo quần màu đen hoà lẫn với bóng tối lờ mờ trong căn phòng nên tôi đã thoát được sự bắt bớ đêm hôm đó. Mọi người đã ra hết bên ngoài, căn phòng trở nên lặng-lẽ, im lìm. Ngoài sân tiếng người xôn xao bàn tán, tiếng hách dịch vẫn còn vọng lại:

- Này anh kia, đi xích vào trong này, cô này đi lẹ lên chứ, ai có xe mang theo, ai chạy bắn bỏ nghe chưa?

Lúc nào cũng nghe hăm doạ bắn bỏ, nghe sao ghê quá. Những tiếng chân xa dần, tiếng người bên ngoài cũng bắt đầu thưa thớt, tôi vẫn đứng đó như con mèo con, không dám động đậy và cũng không dám thở mạnh vì quá sợ. Ba Mẹ đâu có biết tôi hư đến thế, cứ nghĩ tôi ngoan lắm cơ mà... trời ơi! nếu bị bắt, hàng xóm, họ hàng biết được chắc Ba Mẹ tôi xấu hổ ghê lắm vì có đứa con gái ngỗ ngịch như tôi. Tôi không sợ bị la mắng, tôi chỉ sợ làm Ba Mẹ thất vọng và buồn thôi... Tôi chóng mặt, choáng váng vì vẫn còn sợ hãi. Tôi đứng đó thật lâu trong bóng tối dày đặc của căn phòng, tôi không biết đã đứng đó bao lâu nhưng đến khi định thần lại thì mới biết ngoài sân đã im hẳn những tiếng bàn tán lao xao của hàng xóm, không còn cả tiếng hách-dịch quát mắng như lúc nãy. Ngoài sân, trong nhà lặng như tờ, thỉnh thoảng giật mình vì tiếng chó sủa vang gần đâu đó. Tôi rón rén bước ra, cậu em của Chủ nhà thầm thì:

- Họ đi hết rồi, chị ra đi.

Cậu bé bật đèn, ánh sáng lờ mờ nhưng cũng đủ soi rõ những ngổn ngang trong phòng cùng với những khuôn mặt còn vương sợ hãi của những người may mắn trốn thoát. Anh Ái từ trên nóc nhà nhẹ nhàng nhảy xuống, Yến chui ra từ đống quần áo lộn xộn sau tấm màn, một tên nào đó từ trên lầu phóng xuống, và tiếng Liên kêu khẽ:

- Anh Ái! Anh Ái đỡ Liên xuống.

Mọi người cùng ngước nhìn lên, Liên đang kẹt cứng trong một hộc tủ trên cao, chúng tôi cùng bật cười nho nhỏ và không hiểu Liên làm cách nào mà lại chui vào trong ấy được, thật là chỗ an toàn hiếm có. 5 đứa nhìn nhau im lặng, mỉm cười về sự may mắn của mình rồi vội vã chia tay. Tôi yên tâm vì không còn phải lo sợ Ba Mẹ buồn phiền về sự dại dột ham vui của mình. Nhưng còn Chàng?... số phận Chàng và các bạn sẽ ra sao? Tôi về nhà bằng cách nào khi ngoài đường không còn xe cộ qua lại? mà xe đạp thì lại đang ở phường công an với Chàng. Quýnh quáng chẳng biết tính làm sao, tôi đành liều đến thẳng phường để dò thăm tin tức của Chàng và các bạn, hy vọng sẽ không bị nhận diện để lấy xe đạp về nhà vì đã gần 1g sáng.

Chậm rãi bước về phía người Công-an đang ngồi gác cửa, thấy tôi đến gần, hắn đưa điếu thuốc lên môi hút một hơi dài, cầm súng đứng chờ tôi đến. Tôi nhỏ nhẹ lễ phép, giọng thật ngọt ngào mà Chàng chưa bao giờ được nghe:

- Dạ thưa anh, tôi mới nghe nói Phường đang giữ một số người phải không ạ?

Hắn dập tắt điếu thuốc đang cháy dở nhìn tôi:

- Đúng, nhưng cô tìm ai?

Sau khi giả bộ hỏi tên Chàng xem có bị giữ ở đây không, tên Công-An hắng giọng, đổi cách xưng hô:

- À có, nhưng chị là gì của anh ta?

Tôi mắc cỡ, lúng túng nói nhỏ:

- Dạ thưa... tôi... là vợ ạ.

Hắn hỏi giọng sống sượng, vô duyên làm tôi đỏ mặt:

- Chị là vợ hả? thế có con cái gì không? nhà cửa ở đâu?

Nghe câu hỏi bất lịch sự và cái giọng chua như dấm của hắn làm tôi ngượng vô cùng:

- Dạ.. tôi có một cháu nhỏ, nhà ở bên Khánh Hội đó anh, nhưng xin anh làm ơn cho biết tại sao nhà tôi lại bị giữ ở đây?

Hắn lên giọng giảng giải:

- Thế chị không biết thật hả? Chồng chị với một nhóm người trong kia đã tụ họp tổ chức nhảy đầm trong khi nhà nước đã ngăn cấm nên mới bị bắt đấy.

Tôi giả bộ sửng sốt kêu lên:

- Chết, thật hả anh? tôi đâu có biết, thật không ngờ nhà tôi lại quá quắt đến thế, hẹn đón tôi thế mà bây giờ lại như thế này, khổ quá.

Chàng chợt nghe cái giọng kêu trời của tôi, Chàng gọi tên tôi qua cánh cửa sắt, tôi tiếp tục giả bộ sừng sộ với Chàng trước mặt tên Công-an gác cửa:
- Tại sao mình kỳ vậy? mình hẹn 10g đến đón sao lại để người ta chờ cả đêm?... Bắt chước Mẹ, tôi lên mặt với Chàng:

- Thời buổi này sướng lắm hay sao mà còn nhảy với nhót.

Nói đến đây tôi ngượng chín người như cảm thấy mình đang xỉ vả chính mình.  Chàng thấy tôi đóng kịch hay quá, hay hơn cả kịch sĩ Kim-Cương nên Chàng cũng hoạ theo:

-Thôi lỡ rồi về đi kẻo con khóc, đừng làm ầm ở đây nữa.

Tôi đanh đá cứ như đã là vợ Chàng từ lâu, cứ như các bà vợ lâu năm kinh nghiệm vì chồng qua mặt nhiều lần không bằng:

- Lỡ gì mà lỡ, thế này thì quá lắm rồi, thời buổi này mà còn ham vui, bỏ bê vợ con, để người ta chờ suốt cả đêm như vậy đó hả? Con cái chẳng thèm để ý, lúc nào cũng chỉ muốn đàn đúm nhảy nhót thôi.

Tôi cứ đứng đó lải nhải, chất vấn Chàng tại sao và tại sao mãi. Tên Công An thấy tôi hung hăng vì tưởng tôi quá giận Chàng nên nhỏ nhẹ:

- Thôi, chị bớt nóng, chị về đi kẻo cháu trông.

Tôi vẫn đứng lải nhải:

- Đó, thấy sáng mắt chưa? ham vui lắm mà, vợ con thì chẳng thèm lo, chỉ biết có mình thôi, bị bắt thế này thì làm sao đây?

Chàng giả bộ xuống nước năn-nỉ:

- Thôi về đi, đã bảo về đi kẻo con khóc mà cứ đứng đó cằn nhằn hoài. Chuyện lỡ rồi, khổ lắm nói mãi. Quay sang tên Công-An Chàng bảo:

- Anh làm ơn đưa cái xe đạp màu đỏ nằm trong kia cho Bả về, cứ đứng đó cự nự hoài à.

Tên Công-An mắc bẫy của Tôi với Chàng, len lỏi mãi mới lôi được chiếc xe đạp của tôi dựng sát bên trong, tôi cười thầm nhưng ngoài mặt vẫn làm ra vẻ giận hờn. Tên Công-an đưa chiếc xe đạp cho tôi an ủi:

- Chị về đi kẻo khuya lắm rồi, cháu nhỏ đang chờ, chị về trước đi, tý nữa anh ấy về, không sao đâu.

Liếc thấy các bạn đang ở trong với Chàng cứ rũ ra cười và phục cái tài đóng kịch của tôi, làm tên Công-An đang ngồi xem xét giấy tờ phải quát lên:

- Này các anh, các chị kia, làm cái gì mà ồn ào lên thế? có im lặng cho người ta làm việc không?

Tôi vội cầm xe đạp quay ra, sau khi không quên cằn nhằn Chàng vài tiếng cho có lệ.

Thật sự tôi là con bé ngoan của Ba Mẹ, chẳng bao giờ đi chơi đâu một mình nên chỉ biết con đường từ nhà ra chợ và từ chợ về nhà nên đêm hôm ấy chẳng biết đường về, lên xe cứ việc phóng một mạch vào hướng Chợ Lớn, giữa đêm khuya thanh tịnh với những ánh đèn mờ nhạt 2 bên đường. Chợt biết mình đi sai hướng, tôi vội vã quay xe trở lại. Về đến nhà mọi người đã vào giường từ lâu, tôi gõ cửa thật nhẹ sợ đánh thức mọi người dậy, Mẹ hỏi vọng ra:

- Con đấy hả? sao về muộn thế? cả nhà chờ con mãi.

Tôi đáp nhỏ:

- Dạ tại bánh xe bị bể nên con về muộn.

Vừa nói tôi vừa chạy nhanh xuống nhà dưới rửa mặt, leo vội lên lầu để tránh những câu hỏi của Mẹ.  Nằm trên giường mắt vẫn mở to như cố gom góp lại những gì kinh hoàng vừa xảy ra.  Tạ ơn trời tôi đã không bị bắt.  Đã không để Bố Mẹ phải lo âu vì sự ham vui của mình, nhưng tôi chợt lo cho Chàng, liệu họ có thả Chàng ra như tên Công-An đã nói với tôi? hay họ sẽ đưa Chàng và các bạn tôi đi lao động? trăm ngàn ý nghĩ lo sợ cho Chàng như đổ ập trên tôi, tôi thầm cầu nguyện cho Chàng thoát khỏi mọi sự khó khăn, bắt giữ, để tôi được gặp Chàng, để Tôi và Chàng lại có nhau, được nghêu ngao chở nhau bằng chiếc xe mi-ni bé nhỏ qua những con đường rợp lá me, để Chàng đưa tôi đến những quán cafe đông người để tôi được ngồi ngắm nhìn những khói thuốc vòng tròn bay lơ lửng trên không, để tôi được nhăn mặt nếm thử những giọt cafe đen đậm như đắng ngắt cuộc đời hiện tại.  Hay để Chàng chở tôi đến những xe bán khô bò cho tôi được nhâm nhi những cọng đu đủ cay xè đến nỗi chảy cả nước mắt, như khóc cho tuổi thơ vỡ vụn của chính mình... tôi hồi hộp cho Chàng vô cùng và tôi cũng mơ mộng thật nhiều để rồi thiếp dần vào giấc ngủ mệt mỏi lo âu về sáng.

Giật mình tỉnh ngủ khi ánh sáng len vào phòng qua những khe cửa sổ. Vội vàng sửa soạn đi gặp Chàng, tôi nhu mì nhìn bóng mình trong gương với chiếc áo bà ba đen duyên dáng được may cắt sau khi CS vào Saigòn. Trang điểm sơ sài, cột nhanh mái tóc vừa đủ dài bằng chiếc khăn lụa vàng, dắt vội xe đạp ra cửa, Mẹ kêu lên ngạc nhiên:

- Con bé này hôm nay đi đâu sớm thế? Bộ không ăn sáng hả?

- Dạ không, con không đói

Vừa nói, tôi vừa đi nhanh như trốn tránh cái nhìn dò xét của Mẹ. Từ nhà tôi sang nhà Chàng bên Khánh Hội hôm nay sao xa quá, xa hơn mọi lần.  Tôi cố đạp thật nhanh nhưng con đường hình như cứ dài thêm ra, như diễu cợt sự hồi hộp, lo lắng trong tôi.  Đến nhà Chàng, Ông Cụ bảo đêm qua không thấy Chàng về, tôi nghe bủn rủn cả tay chân, tôi cuống cuồng sợ hãi, hay là họ đã giữ Chàng của tôi với các bạn tại một nơi nào đó để chờ đưa đi lao động "lấp sông, phá núi"?  tôi thầm cầu nguyện quýnh quáng trong lòng, trời ơi! xin đừng bắt Chàng của tôi đi, hãy trả Chàng về cho tôi, Chàng là nụ cười, Chàng là nước mắt và dù Chàng có là trái đắng, tôi cũng vẫn mong có Chàng bên cạnh, cho dù cuộc đời này có là ngõ cụt của hạnh phúc đi chăng nữa.  Dựng xe trước cổng Phường đã bắt giữ Chàng và các bạn đêm qua, tôi đến thẳng bàn giấy hỏi người Công An đang ngồi làm việc.  Nhận ra tôi, hắn vội vã:

- Chị đến đây có việc gì nữa vậy?

Tôi lo âu:

- Vâng anh làm ơn cho hỏi thăm những người bắt giữ đêm qua thế nào và nhà tôi ra sao ạ?

Hắn kêu lên:

- Ô hay! thế ông ấy không về nhà hả? chúng tôi đã thả mọi người về đêm qua hết rồi, thế này thì quá đáng lắm. Đã vậy không về nhà với vợ con mà còn đi chơi nữa, đàn ông trong Nam hư hỏng quá.

Nghe hắn nói, tôi như trút khỏi gánh lo âu trong lòng, vội đỡ lời:

- Dạ chắc sau khi thả ra, nhà tôi không dám về nhà sợ bị cằn nhằn nên có lẽ ghé nhà bạn bè ngủ, chắc giờ này nhà tôi cũng đã về, cám ơn anh nhiều nhé!

Nói xong, tôi vội vàng ra chỗ Chàng hay ngồi uống cafe, gặp Chàng, sự sợ hãi, lo âu như tan biến theo mây khói, hai đứa nhìn nhau cười cười như nhớ lại màn kịch đêm qua. Chàng kéo tôi đi ăn sáng, chưa kịp đi, đám bạn tối qua đã xúm quanh chọc tôi với Chàng, Vân đùa:

- Tụi tao đâu có ngờ mày đóng kịch còn hay hơn cả Kim-Cương, chỉ có cái là không thấy nước mắt thôi.

Tôi vênh mặt đùa lại:

- Dĩ nhiên là tao đóng kịch hay rồi, tao không khóc vì ông ấy dặn tao là không được khóc đó chứ.

Thế là mọi người đều biết cái màn kịch của tôi đêm qua, nhỏ em tôi phom-phom tiến đến làm tôi lo lắng xịu mặt:

- Chết nhé, dám đi nhảy đầm để tý nữa bị bắt, em về mách Mẹ, chị với ông ấy liệu hối lộ em đi.

Tôi năn nỉ:

- Ừ, nhưng đừng nói với Mẹ nha, hứa đi, đứa nào nói, đứa đó có tội nghen!

Hứa thì hứa thế chứ con bé thật là lẻo mép, vì vừa thấy mặt tôi, Mẹ đã bảo ngay:

- Cái con này đến là hư, Mẹ đã nói mà không nghe, đi đêm thế nào cũng có ngày gặp ma.  Hèn chi mẹ thấy nó về êm ru, vội vàng leo lên lầu chứ không lục đồ ăn như mọi khi làm Mẹ cũng hơi ngạc nhiên... May mà không bị bắt, thời buổi này mà còn nhảy với nhót, mày mà bị bắt vì tội nhảy đầm là Bố mày giết đấy con ạ, lúc đó đừng có bảo là Mẹ không nói trước...

Nghe những lời hăm doạ của Mẹ, tôi cười cầu hoà và tự hứa sẽ không bao giờ tham-dự những trò chơi "đùa với lửa" như vậy nữa, nhưng... với một điều là... Chàng đừng có rủ Em nữa đấy nha!...



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả