Song Nhị
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


LỄ CƯỚI VÀ VĂN HÓA VIỆT


Lễ Cưới Và Văn Hóa Việt



Ý nghĩa của chữ Văn theo người xưa là nét vẻ, là dáng dấp, là lề thói đẹp. Văn cũng là lời nói hay câu viết, bài viết đẹp, thiện mỹ. Văn còn là phép dạy cách ăn ở tốt đẹp với người, với đời. Người ta thường, rất thường nghe nói đến các từ ghép Văn Chương, Văn Học, Văn Hóa, Văn Minh, Văn Hiến... Người Việt ta hầu như ai cũng biết văn thuộc thơ và trọng vọng những người có chữ nghĩa văn chương, trân quý những giá trị của truyền thống đạo lý cổ truyền. Đó là một nét nổi bật của văn hóa Việt.
Vậy thì Văn Hóa là gì? Xin thưa, cũng theo sách người xưa để lại thì chữ “ Hóa” có nghĩa là thay đổi một cách tự nhiên, tỷ như trời đất sinh ra, hình thành nên vạn vật. Hóa còn là sự dạy dỗ, là sửa đổi. Lấy Văn mà ghép lại với Hóa tức là dùng Văn mà dạy dỗ, mà sửa đổi, mà biến hóa mức độ, cung cách, lề lối sinh hoạt của một con người; hay sinh họat chung của một cộng đồng, của một dân tộc, hay của cả nhân loại về các lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, phong tục, tập quán...
Nói về phong tục thì phải nói tục lệ cưới hỏi là một trong những phong tục khá rườm rà, đôi khi rắc rối, nhất là cung cách cưới hỏi từ thuở xa xưa. Thời Phong kiến việc hôn nhân gả cưới rập theo thủ tục gần như cố định. Trước hết chọn “Môn đương hộ đối” xứng vai vừa vế, để tương kết thông gia. Trai gái phải hợp tuổi nhau trong Ngũ Hành Bát Quái và không xung khắc, rồi mới tính đến việc hỏi cưới theo “Lục lễ thành hôn”: Lễ dạm ngõ, Lễ Vấn danh, Lễ Đính hôn, Lễ Nạp tài, Lễ cưới và Lễ Vu quy. Thời ấy có khẩu thuyết “đóng cửa thách cưới” và “Thách cho mà bỏ” đó là trường hợp cha mẹ không ưng thuận nên thách cho bên nhà trai bất mãn hoặc bất lực mà bỏ... “Bà thách cho mà chừa”. Nhưng cũng có trường hợp bên nhà trai chịu khuất phục, cưới bằng được. Khi đưa dâu về nhà thì hành hạ cô dâu để trả thù cho hà hơi đã dạ.
Xưa còn có tục lệ trai lấy gái cách làng phải nạp “tiền cheo” cho làng và họ. gọi là “cheo làng”, “cheo họ” thì cuộc hôn nhân mới có giá trị. Trước lúc tổ chức đám cưới, nhà gái phải thiết đặt bàn thờ lễ cưới, mời cố đạo tới lễ Thần và lễ ông bà Tổ tiên nhà gái.
Thời ấy cho dù trai gái đã quen biết nhau từ trước, nhưng kể từ khi cha mẹ đã thỏa thuận kết nghĩa thông gia thì các con phải giữ đúng câu “Nam nữ thọ thọ bất thân,” phải lánh mặt, không trực tiếp chào hỏi nhau. Từ lễ dạm ngõ tới ngày thành hôn kéo dài tới sáu tháng hoặc hơn một năm chàng trai phải lui tới đi về nhà gái làm rể. Ngày trước trong dân gian có câu ngạn ngữ “Làm rể ăn cơm nguội ngủ nhà ngoài”. Mỗi lúc chàng trai tới nhà gái làm rể phải lễ phép, giữ gìn nết na, dè dặt từ lời ăn tiếng nói, không suồng sã, không được vào nhà trong. Khi có việc được phép vào nhà trong thì cô gái phải trốn vào buồng hoặc ra cửa sau lánh mặt.
Trường hợp do cha mẹ “đặt đâu ngồi đó” hai bên trai gái chưa gặp mặt nhau, khi chàng trai tới nhà, cô gái muốn nhìn thấy người chồng tương lai của mình như thế nào thì phải trổ vách ghé mắt vào kẽ hở để nhìn lén. Đến ngày vu quy làm lễ tế “Tơ Hồng Nguyệt Lão” trai gái mới thật sự được gần gũi giáp mặt nhau. Sau lễ, cô gái lấy chén rượu lễ dâng cho người chồng và người con trai lấy đĩa trầu-lễ trao cho vợ, gọi là “Hợp cẩn” biểu tỏ ýù nghĩa sum hợp vững bền. Lễ này cũng còn gọi là “Giao Bôi”. Từ đó vợ chồng sống với nhau tâm đầu ý hiệp, “bách niên giai lão”, ít xẩy ra chuyện ly thân, ly dị.
Khoảng từ giữa thế kỷ 20 trở về trước, một tập tục gọi là Tảo Hôn hầu như phổ biến khắp nơi. Những gia đình có con trai con gái khi lớn lên vừa mười lăm, mười bảy tuổi, cha mẹ đã phải đem nom ngắm nghía, tìm kiếm người mai mối lo tác thành gia thất cho con, mong được dâu hiền rể thảo. Cũng có trường hợp cha mẹ xây dựng vợ chồng cho con từ lúc mười ba mười bốn tuổi.
Thường tình con gái khi đã quá tuổi 20 gọi là “hâm”, đã tới lúc hâm mốt, hâm hai, hâm ba, tức là đã “hâm”hai ba lần, ít ai dùng. Thời đó có câu tục ngữ: “Trai 30 tuổi đang xoan, gái 30 tuổi lo toan đóng hòm.” Nạn tảo hôn từng được áp dụng cho tới thời kỳ sau năm 1945 mới thay đổi. Nay thì mọi người lại cho rằng: “Gái 30 tuổi còn xoan, ba lăm ba bảy lo toan về già.” (theo sách “Phú Gia, Lịch Sử Sự Tích”, tác giả Đông A Phúc Nhạc).
Chuyện cưới hỏi ngày xưa nó “lạ đời” như thế, dần dà đã được “văn hóa” cải đổi để gạn lọc những thủ tục không phù hợp, lỗi thời, tránh những bày vẽ không cần thiết. Kể từ sau năm 1945 tục lệ thách cưới, dạm ngõ, vấn danh, tiền cheo, nạp tài... không còn nữa. Thanh niên thiếu nữ cũng lập gia đình ở tuổi chững chạc hơn. Càng về sau càng nhiều những cặp hôn nhân già dặn, cả về tuổi tác lẫn vốn sống.
Trước năm 1975 hôn nhân ở miền Nam Tự do đã tạo được một nề nếp tương đối giản dị, mẫu mực chan hòa giữa hai thái cực cũ mới. Cái cũ phong kiến rườm rà, có những thủ tục tỏ ra “vô lý” như tiền cheo, nạp tài... dần dần tự nó cáo chung. Cái mới là hiện tượng phá sản của văn hóa khi xóa bỏ hết mọi nghi thức của cuộc hôn nhân, biến hôn nhân thành một sinh hoạt xã hội phục vụ cho nhu cầu chính trị, bằng những đám cưới tập thể dưới chế độ cộng sản miền Bắc trước năm 1975.
Cùng với dòng người bỏ nước ra đi, một trong những tài sản tinh thần mang theo là những nghi thức hôn lễ, cưới hỏi của xã hội miền Nam, nay đã trở thành một truyền thống tại hải ngoại.
Trong chúng ta ở hải ngoại, có thể nói mọi người ít ra đã hơn một lần là chủ nhân một tiệc cưới, hoặc là tham dự một đám cưới; hoặc chính là cô dâu chú rể của đám cưới. Chắc chắn không ai “thoát ra” khỏi cái nhu cầu tục lệ phổ thông này. Tôi ở Mỹ mười năm, đã tham dự ít nhất cũng vài ba chục đám cưới. Mỗi đám cưới có một cách riêng của người đạo diễn, nhưng cái chung vẫn giống nhau, như nhau.

Những cái chung, cái giống nhau phổ biến là tất cả mọi tiệc cưới đều được tổ chức tại một nhà hàng. Mỗi nhà hàng đều có một chút riêng của chủ nhân nhưng nhà hàng nào thì cũng là nhà hàng ăn cả. Món ăn ngon dở một phần do gia đình chủ hôn đặt, một phần khác cũng do đầu bếp. Vấn đề đáng nói ở đây là mỗi người có một ý nghĩ khác nhau khi chon một nhà hàng. Có người chọn nhà hàng lớn, sang trọng, có người chọn nhà hàng gần khu mình ở; có người chon nhà hàng xa xa một chút cho nó là lạ một chút. Điều này chẳng có gì quan trong đối với cô dâu chú rể nhưng khách di dự có khi tìm đường, nhất là vào thời tiết mùa Đông thì vô cùng vất vả.

Có người ở nhà ra đi trước 15 phút theo thiếp mời, lái xe vòng vo tìm đường mất hai tiếng đồng hồ, định quay trở về vì đã quá trễ, nghĩ lại thì cứ vào có ai bắt bớ gì đâu. Khi vào ngồi mới hay còn được thong thả ngồi chờ thêm 30 phút nữa. Cái này là điểm giống nhau của tất cả mọi đám cưới Việt Nam ở xứ Mỹ. Nay thì nó trở thành một căn bệnh trầm kha mất rồi. Đã có nhiều người tỏ ra khó chịu, buồn phiền khi phải bỏ phí gần 3 tiếng đồng hồ ngồi chờ đợi... một bữa ăn. Đến để chung vui với bà con, với bạn hữu, nhưng ngồi đợi tốn thì giờ quá, mà thì giờ ở cái xứ Mỹ này thì ai lại không biết là tính từng phút “bấm thẻ” ăn tiền. Do đó mà lòng cứ thấp thỏm mất vui. Có người chỉ chờ khai mạc xong, gửi lại cái bao thư quà tặng cho một người trong bàn rồi đứng dậy ra về ngay. Chắc là ông bà này có việc không thể ngồi lâu hơn, chứ không có giận hờn gì đâu; Có người ngồi ăn mấy món qua loa cho tới sau khi cô dâu chú rể chào bàn, thấy được sự hiện diện của mình, trao quà xong là “a-lê hấp”: dzọt!
Đã có nhiều tiếng nói nhắc nhở, kêu gọi trên báo chí, trên diễn đàn, trong dư luận... nhưng cho tới nay hầu như tất cả chỉ là âm thanh trong sa mạc, hoặc là câu nhắc nhở cốt ý đùa vui. Nhà thơ Hoàng Ngọc Văn ở San Jose cách đây vài năm có một bài thơ đăng báo “than thở” về vụ giờ giấc này. Tôi nhớ một MC khi giới thiệu một đám cưới gần đây đã lên tiếng xin lỗi về việc khai mạc chậm trễ, có pha trò một câu: “Người nào không ăn đậu không phải Mễ, Ai không đến trễ không phải Việt Nam”. Nhiều người khách phá lên cười. Tiếng cười như châm biếm mỉa mai chính mình, như chê trách những người xung quanh, như an nhiên chấp nhận cái thói quen “bê trễ” đó.
Cách đây vài năm, ở San Jose ông bà “chủ cơ quan” VIVO làm đám cưới cho ái nữ, trong thiếp mời có ghi thêm một bức “tâm thư” thông báo giờ khai mạc và chương trình sẽ được thực hiện đúng (giờ giấc) như đã ấn định, xin bà con vui lòng đến đúng giờ.
Ở nhà ra đi, bà “nội tướng” nhà tôi tỏ ra nghi ngờ, trách tôi sao khởi hành sớm quá. Tôi “liều”. Tới nơi sớm hơn 7 phút và quả thật bà con đã ngồi chất ních hết cả nhà hàng. Tiệc cưới khai mạc sớm hơn vài ba phút. Bà con hả hê. Về sau tôi đưa cái thư mời ấy “gạ” một số đám cưới khác bắt chước nhưng ai cũng tỏ ra ngờ vực, làm theo cách lối lâu nay cho chắc ăn!
Một cô gái Việt Nam sinh đẻ tại Mỹ, nói tiếng Việt không rành lắm, là một ứng viên trong một cuộc thi hoa hậu, khi giám khảo hỏi cô: - Nếu được yêu cầu gửi đến đồng hương Việt Nam của cô một lời nhắn nhủ nào đó thì cô sẽ nói về điều gì? Cô ta trả lời người giám khảo: Nếu em được yêu cầu như vậy thì em sẽ nói với đồng hương của em “Xin các bác các cô đừng bao giờ đến trễ!”
Sau cái vụ giờ giấc là phần nội dung bữa tiệc. Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt của chúng ta, nhưng trong tiệc cưới, phần đông thực khách rất không lấy gì làm thích thú lắm khi phải “thưởng thức” cái âm thanh inh tai nhức óc, trong khi muốn được thoải mái ăn uống chuyện trò với bạn hữu trong bàn tiệc. Có nhiều tiệc cưới đã sử dụng loại nhạc nhẹ, bằng tape. Có tiệc cưới chỉ mời vài ba nhạc sĩ vĩ cầm chơi những bản nhạc cổ điển êm dịu và đã được sự tán thưởng nhiệt liệt của khách thưởng ngoạn. Đây chỉ mới là một “hiện tượng lẻ tẻ”. Những tiệc cưới khác vẫn thuê các ban nhạc sống. Có người quan niệm mướn ban nhạc càng hùng hậu thì càng sang. Xin thưa người viết và nhiều người khi bàn luận về đề tài này đều không đồng ý với quan niệm đó. Lo một đám cưới biết bao nhiêu tổn hao rồi, còn phải bỏ ra thêm một, hai ngàn đô thuê một ban nhạc là điều nên nghĩ lại. Không nên cho rằng “người ta sao tui vậy”, rán mà theo. Có một số đám cưới tôi được tham dự với chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” mà rất hào hứng, thú vị.
Một thủ tục khác rất phổ biến xưa nay trong các tiệc cưới là việc chào bàn. Chào bàn là thủ tục cha mẹ cô dâu chú rể dẫn con trai con gái “của chúng ta” đến từng bàn ra mắt và cảm ơn bà con, bạn hữu, đồng thời bà con bạn hữu trao quà tặng. Nghe qua thật giản đơn, chính đáng và rất ý nghĩa. Nhưng thủ tục này lâu dần xem ra có vẻ “lòng thòng” tổn sức, mất thì giờ và nhàm chán. Thử tưởng tượng, một tiệc cưới có 50 bàn, hai bố mẹ cô dâu chú rể tuổi quá lục tuần, hoặc thất thập cổ lai hy mà phải dắt díu nhau vượt qua bao nhiêu hàng rào cản bởi những dãy ghế kê khít nhau đến tận chỗ 50 bàn khách, lặp đi lặp lại 50 mươi lần cùng một lời chào, cùng một câu nói cảm ơn gần như cái maý cassette thì có ớn tận xương sống không? Có những ông bà xui đã phải bỏ cuộc giữa đường, có những ông bà xui sau khi đi hết một vòng, trở về chỗ ngồi tưởng như vừa được giải thoát, có người gần như hụt hơi, ngất xỉu. Có người về nhà ốm luôn cả tháng!
Bên cạnh đó cái việc cô dâu chú rể nhận quà tặng tại bàn lâu dần đã bị những đầu óc tiếu lâm cho là “đi thu tiền hụi, đi lấy tiền ăn”.
Mới đây trên một website một người Mỹ đã đưa ra một số nhận xét khi viết về đám cưới người Hoa, người Việt. Một trong những nhận xét đó là thủ tục chào bàn. Tác giả với lối văn pha mùi dí dỏm cho rằng giây phút cô dâu chú rể đến chào bàn là giây phút quan trọng và hồi hộp nhất, vì đó là lúc bạn phải “bấm bụng” để chi ra một số tiền quá lớn ( theo suy nghĩ của người Mỹ đó) ngoài dự tính, ngoài “ngân sách gia đình”.
Cái rắc rối cuộc đời nó là như thế, cho nên nếu ta đơn giản, hợp lý hóa được phần nào thì ta nên xét lại, nên làm. Đời sống là một sự lựa chọn và đi lên theo hướng chiều giản đơn mà hay đẹp.
Lâu nay tại Bắc Cali đã có những tiệc cưới bỏ mục chào bàn thay vào đó bằng một cái hộp mà người Mỹ gọi là “happy Well” (cái giếng Hạnh Phúc), đặt nơi bàn ghi danh, ký tên lưu niệm. Phần phát biểu cảm ơn do một đại diện hai họ chỉ phát biểu một lần qua máy vi âm, vừa trang trọng, vừa lịch sự và vừa tiết kiệm được thì giờ và sức khỏe. Tôi cho rằng cách làm này nên được phát huy thành một thói quen để sau này nó sẽ là một phần trong văn hóa dân tộc.
Trong tiệc cưới còn có một “cách chơi” mới xuất hiện vài ba năm gần đây có vẻ không thích hợp lắm với văn hóa Việt. Cách chơi này do các bạn trẻ của cô dâu chú rể bày đặt ra mua vui và tạo thân mật, nhưng thực ra đó là cách “hành tội” cặp tân hôn và tân giai nhân thì đúng hơn. Khi cô dâu chú rể đến chào bàn, những người bạn trẻ bắt cô dâu chú rể phải làm những điều họ bày đặt đòi hỏi. Chẳng hạn họ bắt chú rể nhắm mắt lại đưa tay sờ vào một một con cút chiên, chú rể sờ đúng chỗ nào nơi con chim cút thì phải hôn lên nơi đó của cô dâu. Khi chú rể nhắm mắt, họ đưa cái phao câu con chim cút cho chú rể sờ, rồi bắt chú rể phải hôn mông cô dâu. Hoặc họ buộc những bao thư vào đầu sợi dây một cần câu, bắt cô dâu phải nhướn người lên để lấy. Mới đây tôi dự một đám cưới thấy cô dâu phải đứng lên trên một cái ghế, cái dây câu vẫn đưa lên cao dần cho tới khi cô dâu xuýt bị té xuống.
Cũng có nhiều trường hợp các bạn trẻ bắt chú rể cụng ly “tới chỉ” mà quên đi mất là chú rể, cô dâu sau bao nhiêu ngày chuẩn bị sắp đặt cho lễ cưới, đến lúc đó đã đuối sức lắm rồi. Những trò chơi như vậy có nên duy trì không? Tôi cho rằng những cách chơi như thế có phần thiếu tác dụng tốt và có phần nào đó phi ăn hóa cần được xem xét lại.
sn.






Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả