Nguyễn Thị Tê Hát
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]


Ngày Tháng Không Quên!

Thấm thoát đã bao nhiêu năm dài trôi qua, tưởng chừng như mới hôm qua, tưởng chừng như chỉ là một ác mộng, một ác mộng trong giấc ngủ mệt mỏi muộn màng... Vâng, đúng là ác mộng, một ác mộng kinh hoàng kéo dài ngày này sang ngày nọ, đêm này sang đêm kia và cứ tiếp mãi để không biết đến bao giờ trời mới sáng, để không còn là một giấc mơ hãi hùng tiếp nối, để người trong mộng thôi khổ đau, thôi điên cuồng thất trí, để nước mắt không còn nhạt nhoà trên mặt kẻ chia ly, để những con tàu ra khơi được quay đầu về bến. Để tất cả được xum vầy trong hạnh phúc, trong tiếng cười, để những kẻ ngu muội sớm thức tỉnh, nhận biết sự khổ đau đang gào thét quanh mình.

Ngày đó, những ngày gần cuối mà hình như những người như tôi không đủ khả năng để nhận đoán được đoạn cuối của một cuộc chiến dài đăng đẳng, ròng rã suốt 30 năm trời, đã làm tiêu hao biết bao nhiêu tiền bạc, nhân lực và sinh mạng của 2 miền Nam - Bắc, giữa những con người cùng mau da, cùng tiếng nói, nhưng rồi lại cứ xâu-xé nhau, xiềng xích nhau chỉ vì cuồng tín, chỉ vì tham lam, u-mê chưa thức tỉnh, để sau cùng chỉ còn lại một Quê hương thương đau và tan tác.

Khi cuộc chiến bắt đầu sôi-động ở vùng Tam Biên là lúc đơn-vị Công-Binh của Ba tôi đang đóng ở Quy-Nhơn được lệnh sẽ dời về Nha-Trang, và cũng là lúc Mẹ tôi cảm thấy mệt mỏi không còn hăng-say như bao nhiêu lần trước để đưa cái tiểu đội bé nhỏ của Mẹ đi theo gót giầy nhà binh của Ba tôi nữa. Vì thế Ba Mẹ tôi sau những lần bàn tính, đồng ý đưa gia đính vào Sài Gòn trước khi đại-đội của Ba tôi phải di chuyển đi nơi khác.

Thế là con bé khờ khạo của Ba Mẹ được giao cho nhiệm vụ đi vào SG trước để kiếm nhà với sự phụ giúp của Dì Dượng. Ngôi nhà gia đình mua phải là ngôi nhà dễ thương như ngôi nhà chúng tôi đang ở, phải ở ngoài mặt đường, phải thuận tiện cho việc buôn bán sau này, cho dù từ ngày đi lấy chồng đến giờ Mẹ tôi chưa hề biết thế nào về buôn bán. Nhưng một tuần qua, chúng tôi vẫn chưa tìm được ngôi nhà hội đủ điều kiện mà mọi người muốn thì lại nghe tin cuộc chiến càng lúc càng khốc-liệt. Tin đồn lan rộng khắp nơi, nào là bỏ trống Ban-Mê-Thuộc, nào là mất Phú Bổn, Pleiku... nào là sẽ cắt đất từ Nha Trang trở ra, ..v.v. lúc đó, tôi cuống cuồng lo âu, không còn đủ bình tĩnh để kiếm nhà như ý mọi người, vội vàng mua vé xe trở về Qui-Nhơn cho dù Dì Dượng đã tìm đủ mọi cách ngăn cản. Cuối cùng vì sợ tôi yếu đuối đường xa nên Dượng nhất định đưa tôi trở về.

Khi xe đến Long-Khánh, hàng đoàn xe đò đã nằm chờ ở đó từ bao giờ. Người lái xe vội chạy lên phía trước để thăm dò tin tức, một lúc sau trở về cho biết có giao tranh ở phía trên Long Khánh. Hành khách trên xe lao-nhao bàn-tán, tôi khóc vùi trong tay Dượng và chợt sợ hãi khi nghĩ đến sự xa cách gia đình, vĩnh viễn sẽ không bao giờ gặp lại, bởi Cộng-Sản tàn ác sẽ dựng lên bức màn sắt để che khuất chúng tôi như tin đồn đang lan rộng.

Không còn cách nào trở về QN, dù cả phương tiện Hàng-Không cũng vậy. Chợt nhớ đến Linh-Mục Cao-Đức Thuận, đang làm Tổng Giám Đốc Nha Tuyên Uý Công Giáo, tôi chạy vào cầu cứu Người, vì ngày xưa tôi chả là con bé ngoan đạo trong ca đoàn do cha thường chủ lễ ngày nào. Sau khi nghe con bé sướt-mướt kể-lể sự tình, Cha phân-vân đưa tay sửa lại đôi kính dầy cộm trên sống mũi:

- Đường bộ đi không được, vì từ đây về QN có giao tranh nhiều nơi rất nguy hiểm, chỉ còn có một cách là Cha sẽ gởi con theo các phi-vụ có nhiệm vụ thả thực phẩm dọc theo Quốc-lộ 13 mà thôi... Nhưng, ngày mai Cha phải gọi điện thoại hỏi ý kiến Bố Mẹ xem có bằng lòng cho con trở về lúc này không đã, Cha e con trở về chỉ làm vướng bận thêm cho gia đình...

Ngày hôm sau, Cha cho biết Ba Mẹ nhất định không cho tôi trở lại QN và bằng bất cứ giá nào tôi cũng không được rời SG. Ba Mẹ bảo nếu có chia cắt đất nước thêm một lần nữa thì gia đình vẫn còn có một người con thoát khỏi sự bạo tàn của CS. Tôi khóc trong sự bất lực của mình mà không biết làm sao hơn khi Cha nhất định giữ lời hứa với Ba Mẹ. Những ngày tiếp nối đối với tôi là những ngày dài khắc-khoải, bồn chồn, lo-âu. Cuộc chiến cứ lan rộng và lan rộng mãi để rồi chính sự hiểu biết nghèo nàn, kém cỏi về Chính-trị đã làm tôi thắc-mắc về sự liên tục rút quân, mất đất như vậy. Những người lính can-trường của tôi đâu? Những thần tượng anh-hùng của tôi đâu? Các người chạy trốn đi đâu cả rồi?... Sao các người không tiến lên để tôi có đường về? Để tôi được trở về với thành phố bé nhỏ êm đềm của tôi, thành phố hiền hoà không xa hoa, không hào nhoáng. Để tôi được trở về cười đùa với thiên-nhiên, với ghềnh cao, biển lớn bên bạn bè... Những người hùng của tôi đã biến mất nên tôi vẫn cứ lẻ loi ở lại, dài cổ ngóng trông gia đình từng giờ từng phút như Cò con chờ mẹ!!!

Lễ Phục Sinh đến, gia đình tôi vẫn biệt tin, tôi không còn biết cách nào để dò thăm tin tức gia đình. Đường giây điện thoại cũng không còn liên lạc được... Nửa đêm đi lễ chung với gia đình Dì Dượng, tôi cảm thấy quanh tôi một màu ảm-đạm thê-lương như ngày Chúa chịu chết trên Thập Giá. Nhìn những khăn tang trắng quấn vội vã trên đầu càng ngày càng nhiều trong Thánh đường làm tôi chua xót và tự hỏi, liệu ngày mai, ngày mốt, tôi có là một trong những người khổ đau mất mát đó không? Càng nghĩ, tôi càng rùng mình sợ-hãi với những ý nghĩ rồ dại trong đầu. Hơn một tuần sau, Mẹ tôi mới đưa được 3 em tôi vào SG với một cái giá đắt không tưởng được. Mẹ tôi không mang được gì ngoài 2 va-ly với những vật dụng cần thiết. Mẹ cho biết tất cả đồ đạc đã được chất lên xe theo đơn vị Ba tôi về Nha Trang.

Ở SG được một ngày, Mẹ tôi bắt đầu cuống-cuồng sợ hãi vì những tin đồn rút quân, cắt đất. Tin đồn càng lúc càng nhiều như vết dầu loang làm người dân thêm hoang mang, hoảng hốt, không còn biết bám víu vào đâu để yên tâm làm ăn. Mẹ tôi chạy đôn, chạy đáo mua được vé máy bay để trở ra Nha Trang kiếm hơn nửa gia đình còn lại. Khi máy bay sắp sửa đáp xuống phi trường, thì ở dưới cả một sự hỗn loạn, náo động, không trật tự nên máy bay đành quay trở lại SG, mặc tiếng khóc than phản đối của những người đang có người thân nơi vùng đất không an toàn phía dưới.

Mẹ tôi không ăn, không ngủ năm khóc hoài, các em tôi ngơ ngác lo âu... Vài ngày sau đó, khi cả nhà còn đang dùng bữa ăn sáng muộn màng, đang chờ đợi tin tức từng giờ từng phút trong Đài Tiếng Nói Quân-Đội, để biết diễn tiến về cuộc chiến bên ngoài SG như thế nào. Những bản nhạc dục quân, tranh đấu "Trên đầu súng ta đi, diệt hết những căm thù..." lời nhạc cứ vang vọng hết giờ này đến giờ nọ, nhưng tin thắng trận đâu không còn nghe nhắc đến, chỉ còn nghe những thua thiệt mà thôi. Bần thần đến không tưởng được một Quân-đội như Quân đội của mình mà lại phải thua trận, rút quân liên-tục một cách nhục- nhã đến như vậy. Chợt đứa bé hàng xóm chạy ùa vào báo tin có người đang tìm ngoài cổng. Chúng tôi vội vàng chạy ra khỏi nhà, không giầy, không dép... Trời ơi! Ba tôi đó, Chị tôi đó, Các Em tôi đó, sao trông tiêu điều thê thảm quá, mặt mày hốc-hác, những đôi mắt sâu thảng-thốt như vừa trải qua một cái gì thật kinh-hoàng, khủng-khiếp. Chúng tôi ôm nhau khóc, khóc vì sung sướng gặp lại nhau, khóc vì từ đây chúng tôi lại phải làm lại tất cả từ đầu, vì cả cơ nghiệp mà Ba Mẹ chúng tôi đã gầy dựng, dành dụm từ bao nhiêu năm trời, kể từ ngày 2 người dắt díu nhau vào Nam, nay không còn gì nữa, không còn gì ngoài 2 cây đàn Guitar treo lủng-lẳng hai bên hông xe và 2 con chó thân yêu đã nếm biết bao nhiêu thăng trầm, cay đắng, ghê rợn trên con đường sinh-tử di tản đầy xác người ngổn-ngang với chủ. Chợt 2 tiếng nổ ầm đâu đó làm chúng tôi giật mình, cứ tưởng SG cũng không còn là nơi chốn bình yên cuối cùng của chúng tôi nữa. Về sau mới biết là Nguyễn Thành Trung vừa thả bom ở Dinh Độc Lập.


Ngày tiếp ngày, hình như không còn bình an cho ai được, tất cả như xáo trộn, ở đâu cùng nghe người ta đang bàn tán bỏ nước ra đi. Không biết ở các Chùa thì sao chứ ở một vài Nhà Thờ, người ta bảo nhau sẽ có một cuộc di cư thật là lớn, sẽ đưa giáo dân đến Úc Đại Lợi hay một hòn đảo nào đó để tránh hiểm hoạ CS, đến nỗi tư-tưỡng sắt đá của chúng tôi cùng bị lung lay là không thể tin một Sài Gòn thất thủ. Cậu em họ cũng đến hỏi ý kiến của Mẹ tôi:

- Bác ạ, nếu có lệnh di tản A-37, cháu có nên đi không?

Mẹ tôi cương quyết:

- Cháu phải đi, cháu có cả tương lai trước mặt, cháu cứ đi rồi Bố Mẹ và các em cháu sẽ đi sau...

Đi sau... Vâng, đi sau nhưng cho đến hôm nay với bao nhiêu năm dài trôi qua vẫn chưa thấy bóng dáng Cô Chú tôi đâu cả.

Những ngày cuối cùng, những ngày đen tối đã đưa vận mệnh đất nước sang trang khác. Qua những cuộc bàn giao. Qua những bàn tay không nắm nổi vận mệnh Quốc Gia. Từ Tổng Thống, đến Phó Tổng-Thống rồi từ Phó TT đến Dương Văn Minh, để rồi sau đó Ông Đại tướng Quân Đội VNCH xuất hiện trên màn ảnh truyền hình kêu gọi binh-sĩ buông súng đầu hàng. Cúi đầu bàn giao vận mệnh Quốc Gia và hơn 26 triệu dân miền Nam vô tội qua tay CS. Qua tay kẻ đại thù của Dân tộc, của những người đã nằm xuống vì cờ vàng sọc đỏ, vì 2 chữ TỰ DO. Chúng tôi cũng như bao nhiêu người khác ngồi khóc lặng lẽ khi biết sự thật đất nước này không còn nữa. Chúng tôi im lặng nhìn nhau không nói. Ba tôi uể oải đứng dậy chiêu ngụm nước trà như cố nuốt đi những gì đang nghèn-nghẹn trong tim. Làm sao Ông không đau lòng cho được khi nửa cuộc đời đã hiến thân cho đại cuộc. Nay không còn gì nữa, không còn cả lá cờ để những người chân thành như ông vin vào đó đứng lên. Gần 30 năm trời Ba tôi đã cùng đồng đội xây đắp vá cầu, hầu mong đất mẹ được bình an, được tươi sáng... nhưng không, đất mẹ càng ngày càng lở lói thêm ra bởi những đứa con của Mẹ Việt Nam đã tham vọng điên cuồng, quá sân si để đất Mẹ thêm rách nát, để trăm dân ngàn họ phải thê thảm tù đày nhẫn nhục, để hàng trăm ngàn người phải lang thang khắp chân trời bốn bể để tìm một chỗ đứng trong trời đất, để hàng ngàn người phải vùi thây nơi rừng thiêng, biển dữ.

Nhìn Dương Văn Minh trên đài truyền hình trong lúc trao quyền hành đất nước, tôi cứ ôm sự thắc mắc là không hiểu và không biết tại sao Quân Đội VNCH lại có thể có một vị tướng bất tài, vô dụng đến như vậy? Thật xấu hổ cho những kẻ Cờ đến trong tay mà không dám phất lại cúi đầu dâng nạp "ấn tín" cho kẻ đại thù của dân tộc. Đau lòng thay cho những kẻ bị lợi dụng cả cuộc đời thanh xuân trong Quân ngũ, đã vào sanh ra tử dưới làn tên mũi đạn để bảo vệ Quê hương, để rồi phút cuối cùng bị phản bội, bị lọc lừa, bị bỏ lại sau lưng, nhưng vẫn ngạo-nghễ mặc quân-phục , ngực gắn đầy huy-chương anh-dũng để sau đó tự sát dưới màu cờ, sắc áo trên đại lộ Trần Quốc Toản. Những người lính thà làm ma lang-thang còn hơn làm người cúi mặt. Những người lính can-đảm đã ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trước khi SG hoàn toàn rơi vào tay CS, trước khi nhìn thấy đất nước nhuộm màu tang lạnh lẽo. Những người lính đó đáng đúc tượng, tạc hình cho người đời chiêm ngưỡng, khâm phục, đáng cho các bà mẹ nhìn vào để dậy con sống xứng đáng làm trai thời loạn, xứng đáng làm một con người mà không bao giờ khuất phục bởi lợi danh, bởi riêng tư ích kỷ.

Đám quân tiều tuỵ của CS tiến vào thành phố SG trông như những con ma tơi, vàng vọt xanh xao đến tội nghiệp. Những kẻ xu thời, những kẻ ăn cơm Quốc gia thờ ma CS, cứ tưởng khi CS vào sẽ chia đất, nhường nhà nên vênh váo, hò hét không thôi. Những người dân chân thật, thấm đau với vận nước cúi đầu che dấu những giọt nước mắt vừa rơi xuống má. Đường phố ngổn ngang với những đôi giầy trận, quần áo mũ nón, cờ vàng 3 sọc đỏ, lá cờ mà mỗi lần trước giờ vào học, chúng tôi đã nghiêm chỉnh đứng chào khi lá cờ từ từ kéo cao lên đỉnh cột, lá cờ bay phất phới trong gió như mang theo những anh linh của những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc nay đã nhàu nát vướng víu trên lối đi, trên cống rãnh, bên cạnh những bộ đồ trận còn loang mồ hôi chiến đấu. Chị em tôi lách mình cố tránh không bước lên như sợ đạp trúng hồn thiêng của dân tộc.

Người ta đồn khi CS vào chiếm SG, chúng sẽ rút móng tay, móng chân đàn bà con gái vì sơn màu và sẽ tịch thu tất cả những gì mà họ gọi là đồi truỵ văn hoá và chắc đã xảy ra ở một vài nơi hẻo lánh nào đó, vì có gì mà không làm được với con người CS. Những con người không có trái tim, chỉ có một bộ máy do tập đoàn CS điều khiển. Chị em tôi, không ai bảo ai cũng chùi thật sạch và cắt thật sát để không có gì trông có vẻ tiểu-thơ dài-các. Hàng hoá vải vóc trên thị trường bắt đầu tăng giá và khan hiếm, nhất là những mầu sậm tối như màu nâu, mầu đen, vì nhà nào cũng mua vài ba thước để may quần áo, để thay thế cho những quần áo thời trang vừa lỗi thời từ khi Cộng quân bước vào thành phố. Mẹ tôi cũng bắt đầu cắt may cho chúng tôi mỗi đứa vài bộ quần áo bà-ba đen để trông có vẻ quê-mùa lam-lũ. Áo dài bắt đầu cắt ngắn và không còn thấy trên đường phố, thỉnh thoảng chỉ thấy đơn sơ nơi Giáo đường vào những sáng Chủ nhật.

Thành phố đã bắt đầu đổi tên và Sài Gòn thật sự không còn nữa. Những lá cờ vàng, ngôi sao đỏ với búa liềm đầy dẫy khắp nơi như đe doạ người dân đêm ngày, như sẽ giáng xuống đầu bất cứ lúc nào. Những bảng vàng chữ đỏ nhan-nhãn trên đường phố, trong các hang cùng ngõ hẻm. "Không có gì quý hơn độc lập tự-do" như diễu cợt, như mai mỉa dân SG. Thành phố SG, hòn ngọc của Viễn Đông nay đã biến hẳn trên bản đồ VN hình cong chữ S. Thay vào đó chỉ là một thành phố u- buồn, ảm đạm thê-lương, thành phố mang tên một xác người, thành phố chết, thành phố của xe đạp và của người đi bộ.

Mỗi lúc đêm về, Vâng! Việt Cộng chỉ thích bóng đêm nên khi trời vừa tối, nhà nào nhà nấy cũng tắt đèn im lìm để hồi-hộp, lo-lắng chờ đợi một điều gì đó không may xảy đến cho gia đình, hay cho những người lân-cận. Sự hồi-hộp đó tiếp nối đêm này sang đêm khác mỗi khi nghe có tiếng chó sủa, tiếng chân người đi qua hay dừng lại... Mỗi lần nghe tiếng loa phóng thanh của những tên xu thời vang-vang trong đêm tối "A lô, A lô, đồng bào chú ý..." là tim tôi muốn nhảy vọt ra ngoài vì sợ-hãi. Người dân bắt đầu lặng-lẽ, im-lìm, chịu đựng hơn, họ tâm sự với nhau bằng ánh mắt hơn bằng môi miệng, đời sống như không có sinh-khí mà chỉ có u-uất ngục-tù mà thôi.

Gạo bắt đầu khan hiếm trên thị trường. Muốn mua gạo phải xếp hàng từ sáng sớm cho đến chiều mới đến phiên mình, gạo không còn thơm mùi lúa mà chỉ có mùi mốc trộn lẫn với ngũ cốc đến không ăn được, đã có những gia đình không còn đủ ăn phải ăn thêm khoai sắn, lá cây để trừ bữa. Những cán bộ lúc nào cũng hung-hăng như những hung thần, nhưng rồi cũng có những em bé cao-ngạo, đùa cợt trên những chiến thắng của kẻ thù bằng những bài hát châm biếm . Cũng có những câu thơ được truyền cho nhau nghe thật ý nghĩa "Đôi dép dâu dẫm nát đời son trẻ, Nón tai bèo phủ kín ánh tương lai..." nghe sao thâm thuý vô cùng. Có những thanh niên khí-phách ngông-cuồng không sợ tù tội đã vẽ những hình tượng trên 2 đầu gối quần jean bạc rách để đùa cợt khi đứng lên ngồi xuống..., Ôi đất nước tôi sau ngày 30/4 sao lắm chuyện khổ đau nhưng cười ra nước mắt đến như vậy...Rồi đến đổi tiền, đánh tư sản mại bản, tiếp theo là càn quét tất cả những gì mà họ cho là đồi truỵ văn hoá, để sau đó tống khứ dân lành lên những vùng đèo heo hút gió, nơi mà họ đặt cho cái tên hoa mỹ là Vùng Kinh Tế Mới, sau khi đã tịch thu hết tài sản, nhà cửa.

Gia đình tôi cũng bắt đầu xào xáo vì những bất đồng ý kiến trong gia đình. Mẹ tôi nhất định xuống Trà Cổ, Hố Nai mua đất trong khi Chị tôi phản đối, Mẹ đưa lý do là sợ CS đuổi gia đình đi Kinh tế mới vì Ba tôi là Nguỵ Quân (chữ Nguỵ Quân ở đây tôi phải viết hoa để tuyên dương bao nhiêu năm trời làm lính của Ba tôi). Mẹ bảo nếu có bị bắt phải đi thì cũng có chỗ dung thân tạm an toàn vì gần SG hơn là phải lên những nơi xa xôi, hoang vu khô cằn sỏi đá, mà Chị em chúng tôi lại thuộc cái loại chân yếu tay mềm, chưa bao giờ vất vả. Nhưng Chị tôi lại cho rằng bất cứ chế độ nào cũng phải dùng đến người tài giỏi. Chị có ngờ đâu CS chỉ là những kẻ lợi dụng, vắt chanh bỏ vỏ, khi không cần nữa chúng sẽ loại ra như chúng đã dùng chóp nón để loại bỏ dần dần những con em mà chúng gọi là con của Nguỵ Quân, Nguỵ Quyền. Học đường không còn là nơi trau dồi văn-hoá mà chỉ là chỗ để CS tuyên truyền chính trị cho những đầu óc ngây thơ non nớt. "Một em bé chăn trâu đã khều trúng máy bay địch". Em bé chăn trâu của CS còn hơn cả Phù Đổng Thiên Vương trong Sử ký nước nhà mà tôi đã học khi còn bé.

Chợ trời bắt đầu mọc lên như nấm, bởi các tiệm buôn đã bị đánh tư-sản mại-bản nên không còn ai mở cửa. Chợ Bến Thành vắng tanh, rác rưới, tối đen. Chỗ nào có tý đất trống là chỗ đó có chợ trời. Chợ trời bán không thiếu một thứ gì, kể cả thuốc tây cũng vậy. Nhưng CS đâu có để cho người dân tự-do buôn bán, chúng lại ruồng bắt càn quét và lợi dụng cơ-hội đó để đưa người dân vào những trại cải tạo, hay những chương trình thuỷ-lợi, phá núi, lấp sông mà chúng cứ tưởng là chúng có thể làm được. Bệnh nói láo là căn bệnh chung của các Bộ đội lúc đó. Họ mê man trước những "tàn tích của Mỹ, Nguỵ" để lại, nhưng cũng cứ ba-hoa bảo rằng ở miền Bắc cái gì cũng có, có cả máy lạnh ở công-viên Hà Nội nữa...

Như bao nhiêu gia đình khác, gia đình tôi cũng có Ông Chú ở ngoài Bắc đi Bộ đội vào Nam, ghé nhà thăm hỏi rất ân cần như lo sợ cho chúng tôi không quen với cuộc sống mới, khuyên bảo chúng tôi phải biết lao động, vì chỉ có lao động mới đưa con người đến vinh-quang. Nghe ông chú tôi nói, chị em tôi ghét vô cùng, ghét như Ba tôi ghét Ông Chú Bộ-đội vậy đó. Lúc đầu gặp Chú, Ba tôi rất vui mừng khi gặp lại em vì khi Ba Mẹ tôi rời bỏ Nam-Định, Chú ấy còn bé xíu, nhưng khi gặp nhau, nói chuyện được vài ba câu là Ba tôi đứng dậy đi vào trong, mặc cho Mẹ tôi ngồi thăm hỏi chuyện ngày xưa, sau ngày Ba Mẹ tôi vào Nam để tìm tự-do. Khi Chú tôi về, Ba Mẹ tôi giận nhau chỉ vì Ông Chú VC của chúng tôi quá lắm miệng. Mẹ tôi cằn nhằn:

- Mình kỳ quá, mới nói chuyện được có vài ba câu là đứng dậy bỏ đi, nó có gì đâu mà mình không muốn nói chuyện? Ở ngoài Bắc ai cũng phải đi Bộ-Đội cũng như mình ở trong Nam vậy, mình chỉ được cái có thành kiến với nó nên mới như vậy.

Ba tôi được dịp gắt ầm lên, nhưng cũng chỉ đủ trong nhà nghe:

- Thế mình không nghe nó nói chuyện hả? nói chuyện với tôi mà nó dám dùng chữ Nguỵ-quân, Nguỵ-quyền mà còn bảo tôi ngồi im nghe nó nói được à? Tôi không ném cái ly vào mặt nó là may lắm rồi, đừng bao giờ bảo nó là Em tôi nữa, đã vậy nó còn dám gọi Ông Thiệu là "thằng Thiệu"... đúng là cái thứ vô-học. Lần sau nó đến đừng có gọi tôi nữa, mình muốn thì mình cứ nói chuyện với nó đi.

Thế là Ba tôi nhất định không thèm tiếp chuyện khi Chú tôi đến, chỉ có Mẹ và Chị em chúng tôi, dù chúng tôi cũng chẳng ưa gì Ông chú Bộ đội ấy tý nào nhưng vì nể Mẹ nên chúng tôi không dám chống đối như Ba tôi được. Ông Chú tôi là một điển hình cho những tên Bộ đội vào Nam lúc bấy giờ. Một hôm lợi dụng Mẹ tôi xuống bếp làm cơm, Chú Cháu tôi nói chuyện rất ư là tâm đầu ý hợp. Không biết hôm đó tôi ăn trúng cái gì mà miệng lưỡi trơn tru, phang Ông chú tôi không tiếc lời và không một tý vấp váp:

- Chú có biết tại sao Bộ-Đội vào Nam không?

- Để miền Nam khỏi sự kềm kẹp của tụi Mỹ, Nguỵ, bộ cháu không thấy hả?

Tôi ung dung:

- Chứ không phải tập đoàn Bắc-việt thấy trong Nam giàu có, đất đai màu mỡ, phì nhiêu nên tham lam vào thôn tính hay sao? Miệng thì chửi Mỹ Nguỵ, nhưng tay thì cái gì cũng vơ, cái gì cũng vét, đồ đạc của Mỹ Nguỵ hấp-dẫn lắm Chú ơi nên họ đâu có cầm lòng nổi. Những cán bộ như Chú làm sao biết được ý đồ của những kẻ tham lam đó, họ nói gì chỉ biết làm theo, đi đúng một đường mà họ đã vạch sẵn, đi trật ra ngoài là bị tiêu-diệt ngay. Bởi vậy ông Bộ đội nào vào Nam cũng nói giống nhau cả. Giống như trước khi vào Nam, các cán bộ phải học qua một lớp nói láo vậy đó, phải không Chú?

Ông Chú Bộ-đội của tôi đỏ bừng mặt, quên cả lịch sự tối thiểu của một người đàn ông cho dù là Chú Cháu đi chăng nữa:

- Mày chỉ được cái nói láo, làm sao mày biết mà dám nói như thế? Bác và Đảng lúc nào cùng quan tâm...

Không để Chú tôi nói tiếp, tôi ngắt lời:

- Biết chứ Chú, ở đây không có Bác và Đảng, chỉ có Tự-Do, có sách báo đầy đường, Chú muốn đọc gì cũng có, Chú muốn viết gì cũng được, không ai dám đụng đến Chú cả.

Chú tôi sừng sộ:

- Chúng mày chỉ tin cái bọn bồi bút thôi, báo chí trong Nam chỉ là phường láo-toét. Tao nói thật, nếu mày mà không phải là Cháu tao, tao sẽ tát cho 1 bạt tai vì dám ăn nói lếu láo như vậy.

Tôi cũng đỏ mặt vì giận khi nghe những lời nói bất lịch sự mà tôi chưa bao giờ được nghe như thế. Không giữ được bình tĩnh tôi nói:

- Vâng, cháu cùng nói thật với Chú, nếu Chú không phải là Chú của cháu, cháu cũng đã mời Chú ra khỏi nhà từ lâu rồi kìa...

Mẹ tôi hốt-hoảng dưới bếp chạy lên:

- Thôi, thôi tao lạy Chú Cháu mày, đừng có lôi chính-trị, chính em vào nhà này nữa, không biết là tai vách mạch rừng hay sao mà cứ ong-óng lên như vậy? Bộ muốn giết cả nhà hả?

Cả 2 chúng tôi cùng im lặng, Ba tôi hắng giọng bên trong như tán thành những gì tôi vừa nói, như tôi vừa làm một việc nho-nhỏ để trả thù CS giùm Ba tôi vậy.

Kể từ hôm đó, Ông Chú VC biết không thể nào nhồi sọ chúng tôi qua những đường lối chính trị của CS nên nhã-nhặn, cẩn-thận hơn khi nói chuyện với Ba Mẹ và chúng tôi. Cũng như luôn tránh né những danh từ "Nguỵ" để chúng tôi khỏi phật lòng. Dần dần Ông Chú Bộ-đội được chúng tôi gọt rửa tư tưởng CS dễ dàng hơn. Đã thích nghe nhạc "vàng", loại nhạc tình cảm êm dịu trong Nam hơn những bản nhạc đinh tai nhức óc đấu tranh của Việt Cộng, và cũng đã thật thà hơn khi tâm sự với chúng tôi về đời sống cơ-cực, lầm-than sau những ngày Ba Mẹ tôi rời Bắc vào Nam.

Cuộc sống khốn khổ đó đã rèn đúc Chú tôi suốt 30 năm trời như thanh sắt được tôi luyện trong lửa đỏ. Khi Chú tôi được 20 tuổi, Ông tôi gọi về lấy vợ với sự chấp thuận của Bác và Đảng. Nhưng chỉ 3 ngày sau lại phải chia tay, Chú tôi lại tiếp tục lên đường "chống Mỹ, cứu Nước" để thím tôi ở lại với những nhiệm vụ riêng của người Nữ cán Bộ. Họ xa nhau đúng 13 năm dài, không một lần gặp mặt cho đến khi đất nước hai miền Nam-Bắc thông-thương, thím tôi lặn lội vào Nam tìm chồng. Họ ngỡ ngàng gặp lại nhau, như xa lạ, như vừa mới quen... Chua xót khi thấy cả hai cũng dãi dầu sương-gió vì bom đạn. Thế là vợ chồng Chú tôi định cư luôn ở SG và cùng lao vào chợ trời như bao nhiêu người dân khác.

Ngày tôi chuẩn bị lên đường, tìm cho mình một hướng đi, một cuộc sống mới, Chú tôi ân cần dặn dò:

- Chú biết cuộc sống ngày không thích hợp với các cháu, Chú cũng muốn ra đi, nhưng ai chấp nhận những con người như Chú? nửa cuộc đời của Chú Thím đã không ra gì, bây giờ chỉ còn cuộc đời của các em thôi, Chú mong sao đời sống của các cháu và các em sẽ khá hơn, không như đời sống của Chú Thím...

Nghe Chú nói, tôi quên mất dĩ vãng bom đạn của Chú, tôi chỉ biết trước mắt tôi, một con người có tất cả tâm hồn với một trái tim tan nát không nguyên vẹn vì đã quá nhiều mất mát.

Sài Gòn, sau ngày CS vào thành phố, nhiều tin đồn loan truyền nhau, nhiều lúc không biết kiểm chứng vào đâu để tin được. Nhưng nếu ai đã chứng kiến được 2 F-5 thả truyền đơn trên cao thành phố SG sẽ không cầm lòng khi thấy tận mắt sự khao-khát tự-do của người dân VN như thế nào. Những người buôn bán lam lũ trong chợ, trên lề đường đã mừng vui gọi nhau ơi ới, chỉ cho nhau xem những tờ giấy nhỏ bay lấp lánh trên bầu trời nắng chang-chang của SG. Họ mừng vui khấp khởi, xúc động quỳ xuống chấp tay nguyện cầu. Cầu nguyện gì? Khấn xin gì khi những giọt lệ mừng vui hay khổ đau lăn dài trên má, bất chấp những Công-an áo vàng hăm-he, doạ nạt.

Hôm nay, nơi vùng đất tự do, vùng đất mà bao nhiêu người đang khao khát được đặt chân đến, lại sắp sửa đón thêm một lần vọng tưởng về ngày 30 tháng 4. Ngày tang thương của đất nước. Ngày Sài Gòn phủ kín màu tang. Ngày đảo lộn cuộc sống bình an của mọi người có tôi trong đó, để giờ đây, nơi này, bâng-khuâng nhìn qua cửa sổ, tôi tự hỏi lòng, biết đến bao giờ tôi lại có được một ngày của ngày xưa, một ngày không là một ngày sau ngày Quốc Hận... Nhưng có một điều tôi biết chắc chắn từ ngày còn ở quê nhà, sau ngày CS vào thành phố, vẫn còn những người đầy nhiệt huyết, đầy lòng yêu nước can-trường đã ẩn mình trong rừng sâu với những nhiệm vụ cao cả, với những trách nhiệm nào đó cho dù thời gian đã 20 năm dài trôi qua, cho dù chưa hay không thành, cũng xin cho tôi được nghiêng mình cúi đầu trước những anh-linh không tên tuổi đã vì 2 chữ VIỆT NAM TỰ-DO mà ngã xuống.


(1990)


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả