Song Nhị
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


Ðọc VỌNG KHÚC

VỌNG KHÚC Của PHAN THỊ NGÔN NGỮ

Bài Phát Biểu Giới Thiệu Tác Phẩm Tại
Hội Trường Nhật Báo Người Việt ngày 13-9-2003



Có lẽ chúng ta đồng ý với nhau rằng nếu trái đất không có màu xanh của cây cỏ, lá hoa thì chúng ta sẽ tưởng tượng một cảnh trí trơ trọi, buồn tẻ đến dường nào; Và nếu cuộc sống không có thi ca thì liệu những sự sung mãn về vật chất đã đủ thăng hoa cuộc sống của loài người chưa?
Xin thưa, đời sống con người có một nhu cầu tinh thần rất lớn. Sự thèm muốn của cái dạ dày chưa chắc đã có những đòi hỏi nhiều hơn nỗi khao khát của tâm hồn . Do đó, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên trước tình trạng “trăm hoa đua nở” của Thơ, cũng như các bộ môn sinh hoạt văn học nghệ thuật khác tại hải ngoại trong những năm qua.
Trong gần mười năm sinh hoạt với Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, tôi có cơ hội được tiếp cận với nhiều nhà thơ và nhiều tác phẩm của các nhà thơ ở hải ngoại. Nhưng lần này, thật đúng là tình cờ của duyên hội ngộ giữa Thơ với Thơ, khi tôi nhận được tập Vọng Khúc từ tay một người bạn – anh Thân Trọng Nhân, trong một buổi họp mặt giữa các giáo sư và cựu Sinh viên Đại học Vạn Hạnh, tại San José.
Vọng Khúc, ấn bản thứ nhất theo tác giả cho biết có những thiếu sót do kỹ thuật in ấn nên tập thơ được bổ túc thêm, được in lại, như quý vị đã thấy hay đang cầm trên tay.
Vọng Khúc, bản tôi có khi viết bài này, hình thức và độ dày không có cái nhìn của một quyển sách bề thế. Nhưng khi tôi mở ra từng trang, dừng lại ở mỗi bài, tôi đã “gặp” tác giả – Hay đúng ra là đã có một cuộc gặp gỡ giữa vô hình Thơ với Thơ. Sự kỳ diệu của sản phẩm tinh thần này là ở chỗ đó.

Thơ đến với người và nguời đến với thơ hoàn toàn không có một sự sửa soạn, sắp đặt nào trước. Thơ không giống như các bộ môn nghệ thuật khác. Nhà nhiếp ảnh có thể ôm máy, ngồi đợi trăng lên để thu vầng trăng vào ống kính. Người họa sĩ hay điêu khắc gia có thể “đặt” vầng trăng trước mặt để thực hiện tác phẩm của mình. Một nhà văn có thể làm dàn bài, bố cục trước khi viết truyện về trăng, nhưng người làm thơ không thể có những động tác tương tự như các văn nghệ sĩ ấy. Nhà thơ chỉ bắt gặp ánh trăng và ánh trăng ấy gặp thơ rất tình cờ, rất ngẫu nhiên. Thơ bộc phát từ trăng, từ tâm hồn, từ cảm xúc bất chợt của nhà thơ, và có khi của cả vầng trăng nữa. Tất cả cảm xúc và ngôn ngữ đó chỉ thể hiện trong cái khoảnh khắc rung động ấy thôi, sau đó là hết, là mất hẳn. Sau đó nếu có cố vận dụng cách nào đi nữa thì cũng không bao giờ tái tạo được cái cảm giác kỳ ảo, đi kèm với những ngôn ngữ tuyệt diệu kia. Một bài thơ hình thành trong trường hợp đó mới là một bài thơ có hồn, có sức truyền cảm đến người thưởng ngoạn.
Trong Vọng Khúc của Phan Thị Ngôn Ngữ tôi bắt gặp được nhiều bài thơ từ những khoảnh khắc của cảm xúc bùng vỡ bất ngờ làm cho thơ vụt hiện.
Vào đầu tập thơ, bạn đọc sẽ nhìn thấy tác giả đang đứng một mình nơi góc sân trường cũ, đang nép mình bên hành lang vắng để nước mắt chợt tuôn tràn trước những vật đổi sao dời, trước những đổi thay tàn nhẫn. Một thời tà áo trắng bay trong chiều gió lộng, tiếng guốc giòn gõ nhịp đường trưa, dòng lưu bút thầy cô, bè bạn... tất cả chỉ còn là những cái chớp mắt, phù phiếm, mịt mờ:
Tôi về đứng trước ngôi trường cũ
...
Giật mình lòng bỗng khóc ngu ngơ
(Áo Trắng trường Xưa)
Từ bước chân vạn dặm tìm về, tác giả sững sờ đến buột miệng kêu lên “Khi trở lại Sài gòn sao lạ thế!” Lạ – vì phố đã thay tên, đường đã đổi chủ; cái cũ thân yêu không còn, cái mới ngỡ ngàng xa lạ:
Khi trở lại Sài Gòn tôi xưa cũ
Nghe chênh vênh ngơ ngác một chốn về
(Sài Gòn Khi Trời Lại)
Mỗi con người trong cõi nhân sinh, ai mà không có quá khứ, không có dĩ vãng, không có một thời, một chỗ để tìm về. Cũng như hầu hết trong giới làm thơ, Phan Thị Ngôn Ngữ đã “chẻ thơ tìm bóng”, quay về lục lọi quá khứ, tìm lại bóng thời gian, tìm lại thời thanh xuân, tìm vầng trăng cũ, tìm cái thuở hoa lòng vừa chớm nụ, để rồi giật mình trước hiện hữu, trước những mất mát, đổi thay, mà thốt lên: “Còn lại gì đây chẳng thể ngờ!” Tất cả chỉ còn trong ảo giác.
Trong tâm trạng của người viễn xứ, từ những hoài vọng, dồn nén, trăn trở cưu mang, tác giả đã diễn đạt ý tưởng, tâm sự thương quê, nhớ nước một cách chân thành:
Một nửa khóc rồi một nửa lại cười
Nửa lãng du xứ lạ, nửa ngậm ngùi cố hương.
(Chia Nửa)
Nghĩ về mình lại ngó đến người, đến cảnh ngộ chung của những người con xa rời quê mẹ. Dù trong đầy đủ, tự do, vẫn cảm thấy một nỗi niềm trống vắng. Tác giả nói với người hay đang nói với chính mình:
Mai rồi nắng sớm mưa trưa
Lạc loài xứ lạ ai đưa bậu về
(Bậu ơi)
Vẫn dòng tâm cảm đó. Vẫn tâm trạng của kẻ ly hương, không riêng của Phan Thị Ngôn Ngữ mà là tâm trạng của mỗi chúng ta. Chúng ta sẽ tìm thấy chính mình trong mỗi câu thơ của tác giả:
Khói sương mờ tỏ hồn lưu lạc
Biệt khúc trường giang vọng chốn nào?
(Biệt Khúc)
Khác với một số nhà thơ nữ chú trọng khuynh hướng thơ tình – tình yêu và những tình cảm lãng mạn không chủ đề, tác giả Vọng Khúc đã chia nửa tâm hồn, đã chia hai cuộc đời “Nửa lãng du xứ lạ nửa ngậm ngùi cố hương” (Chia Nửa). Ngậm ngùi về một thời bão giông, về khúc ngoặt nghiệt ngã 30 tháng Tư - 75. Tháng Tư mùa phượng đỏ khiến tác giả liên tưởng đến màu đỏ hãi hùng của cơn bão giông thời cuộc:
Cánh phượng đầu mùa báo tháng Tư
Báo mùa giông bão vẫn còn như ...
(Còn Có Tháng Nào Để Nhớ Nhau)
Và kể từ đó
Từ hôm ráng đỏ trời quê
Chim xưa lạc tổ trăng thề vỡ tan
(Đoạn Lòng)
Hàng triệu người đành đoạn bỏ nước ra đi, hơn hai mươi năm mà tưởng chừng vời vợi, “tưởng chừng nghìn thuở cách chia phôi” ( Còn có tháng nào...). Xin chia sẻ với tác giả tâm trạng này:
Con chim lạc bầy đứng ngó tới ngó lui
Ta xa quê lòng lặng câm như đá cuội
(Niệm Khúc)
Đọc hết 75 bài thơ, nếu trích dẫn ra đây, còn nhiều lắm những đoạn, những câu rất đáng giá. Thời gian không cho phép dài dòng, tôi dừng lại và thấy trầm lòng trước tâm sự của một người làm vợ – những người vợ, những bà Mẹ Việt Nam rất đáng tôn vinh sau cuộc đổi đời 30 tháng Tư - 75.
Sống trong một môi trường xã hội tiên tiến, thực dụng như ở Mỹ, thực dụng trong cả đạo lý và tình nghĩa vợ chồng, đọc bài “Em Vẫn Bên Đời Anh Lặng Lẽ” tôi đọc được cái tâm sự chân thành, thủy chung, tận tụy đáng kính phục. Với đấng phu quân – “Có bao giờ anh hiểu được lòng em” – nhưng - “Em cám ơn người, đấng phu quân” , một đạo nghĩa rất Việt Nam mà tác giả đã gửi gắm, bày tỏ với chồng:
Em cám ơn anh nghĩa vợ chồng
Mặn nồng như biển ngọt như sông
Sàng rau đĩa muối đời gian khó
Chia bảy sẻ ba cũng toại lòng
(Em cám ơn a anh...)
Về hình thức tác giả sử dụng nhiều thể loại, Thơ mới, thơ ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát. Một số bài thơ thất ngôn thỉnh thoảng có đôi ba chữ, một vài câu thất luật. Nhưng nói chung kỹ thuật sử dụng ngôn từ, thi ngữ vần điệu của tác giả rất vững vàng. Nhạc tính phong phú. Nhiều bài Lục Bát của tác giả có những câu đạt ý đạt lời, như ca dao:
Hắt hiu một chỗ ta ngồi
Lòng ta nhớ bậu như vôi nhớ trầu.
(Bậu Ơi)
Dùng dằng nửa đứng nửa ngồi
Lên non nhớ phố xuống đồi nhớ trăng

Dùng dằng con mắt lá răm
Theo mưa ra biển lại băng về rừng
không cần phải là một tập thơ dày vài ba trăm, hay năm bảy trăm trang, chỉ chừng này thôi, hơn một trăm trang sách với 75 bài thơ không dài câu, không nhiều chữ nhưng có đủ hương vị của một ly ruợu nồng, của một tách trà ngon để khách thưởng ngoạn nhấm nháp hương hoa mùi vị của thơ, của một tâm hồn thơ còn nhiều hứa hẹn.

sn.
Westminster 13-9-2003


Thơ Trích

SẦU RIÊNG MỘT ĐỜI


Người đi nắng cũng đi theo
Mưa còn ở lại lưng đèo ngóng ai
Em ngồi nhặt những tàn phai
Hoang vu từ độ dặm dài cách xa

Câu thơ chuốt giữa chiều tà
Rụng theo tiếng vạc ngày qua mất còn

Người đi nắng tắt đầu non
Mưa còn ở lại mỏi mòn ngóng trông
Mai kia mốt nọ lấy chồng
Đìu hiu phố quận úa dòng lệ xanh

Người đi – đi mãi thôi đành...
Chôn mùa trăng cũ sau vành nón nghiêng
Xếp đôi vạt áo ưu phiền
Dấu trong mắt lệ sầu riêng một đời./



THA HƯƠNG

Lòng ta như biển vắng
Từ thuyền xưa xa khơi
Con dã tràng chết vội
Trên cát – dưới chân người

Nhành rong về bãi cũ
Mang chút đời viễn phương
Hồn ta con ốc mượn
Lang thang trời tha hương

Đêm từng đêm sóng dội
Giữa chập chùng nhớ mong
Cánh buồm nâu bạt gió
Cứ lênh đênh giữa dòng./



NIỆM KHÚC


Trờ mưa chi sợi chùng sợi rối
Để hồn ta mấy nỗi ngậm ngùi
Con chim lạc bầy đứng ngó tới ngó lui
Ta xa quê lòng lặng câm như đá cuội
Bong bóng vỡ dưới vòng xe dong ruỗi
Dòng nước kia cứ đuổi mãi chân người
Đất Virginia ta ngồi – hồn đã chảy xuôi
Về bên ấy – những cơn mưa mùa Hạ
Mưa Sài Gòn hay tiếng cười giòn dã
Lẫn giữa hàng cây nhạc ngựa che đầu
Mưa tỉ tê buồn trên ngọn sầu đâu
Huế trăn trở của một thời Tôn nữ
Chân đã đi sao tay còn níu giữ
Mưa trái mùa Hà Nội luyến lưu ai
Đẫm ướt đời nhau giọt vắn giọt dài
Mưa Nha Trang cơ hồ như nước mắt
Như có chút gì xót xa – dằn vặt
Có chút gì nằng nặng giữa ngày mưa.



TUỔI THƠ CON
LÀ CHỖ NGOẠI NẰM


Từ khi rời quê ra phố chợ
Có đôi lần con trở về thăm
Tuổi thơ con là chỗ ngoại nằm
Chiếc chõng tre kê đầu hiên vắng

Chiếc võng gai mấy mùa mưa nắng
Mỗi trưa ngồi – con nhổ tóc sâu
Trong tiếng gù gù của lũ chim câu
Ngoại dắt con qua từng trang Kiều lẩy

Câu Lục Vân Tiên như mái chèo mái đẩy
Giọng ngoại chèo lúc nhặt lúc khoan
Để hồn con là cánh vụ quay tròn
Rồi ngủ rụng trên vai còm của ngoại

Bên bộ ván đã bao đời chìm nổi
Những lọ sơn – những thỏi mực tàu
Những tờ giấy điều – những bổi vàng thau
Cũng úa ố theo tuổi già của ngoại

Vết mực loang đọng trong lòng nghiên tối
Ngọn bút tà nên cũng chẳng buồn chăm
Tuổi thơ con là chỗ ngoại nằm
Có thời Xuân Thu đi qua từng trang sách

Có thuở Thịnh Đường vang vang trên vách
Dốc bầu thơ Lý Bạch ngửa nghiêng sầu
Trong con – ngoại là ngõ trúc ngọn cau
Là bóng hạc trên mái đình rêu phủ

Là chiếc nôi êm ru hồn con ngủ
Giữa vòng tay quê – không bến không bờ.



CHIA NỬA

Bởi cách chia nửa vòng trái đất
Cho nên lòng cứ nửa nhớ – nửa quên
Nửa muốn vui – nửa lại cứ ưu phiền
Như ngày nắng rộ bỗng triền miên mưa

Nửa đã buông theo bóng xế âm thừa
Nửa còn đọng vọng ngày xưa với người
Một nửa khóc rồi một nửa lại cười
Nửa lãng du xứ lạ – nửa ngậm ngùi cố hương

Đứng giữa đồi
Trăng mọc trong sương
Chừng nghe tiếng sóng nửa cồn cát xa
Nửa trưa chợt mấy tiếng gà
Nửa khuya chạnh tưởng
Chuông chùa xa vọng về

Đã nửa đời còn xa xứ xa quê
Hỏi đâu nửa mảnh trăng thề đầu non./


TÌNH RIÊNG

Gặp nhau ngày sắp tối
Câu nói không thành lời
Bàn tay từng nhánh mỏi
Ngập ngừng buông vai xuôi

Tình nhân xưa chung mộng
Chưa một lần gối chăn
Chỉ nhìn nhau cũng đủ
Yên ấm một chỗ nằm

Mai xa lìa cố quận
Dòng đời năm tháng trôi
Chút tình riêng gởi lại
Hoa khế trổ lưng đồi./
* phan thị ngôn ngữ.




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả