Song Nhị
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


Ðọc YÊU DẤU TAN THEO

YÊU DẤU TAN THEO Thơ SƯƠNG MAI


Thường thì không phải là khó khăn, vất vả lắm mới hiểu được tâm tư, tình cảm của một tác giả gởi gắm vào tác phẩm của mình. Hơn thế nữa, chính người đọc có khi còn khám phá được những điều thú vị trong nội dung tác phẩm mà mình bắt gặp – bắt gặp chính mình, nhìn thấy mình trong đó – mà có thể tác giả lại không hay biết điều thú vị ấy.
Có nhiều định nghĩa về thơ đã từng được nói đến, nhưng thực ra Thơ không có định nghĩa. Làm thế nào để trả lời câu hỏi Thế nào là thơ? Thơ là cái gì? Dĩ nhiên Thơ không phải là văn xuôi và văn vần. Một bài văn vần chưa hẳn là thơ. Thơ có bản chất và sắc thái riêng của nó. Mới đây chúng tôi đọc được bài viết “Đôi lời gởi tới những tâm hồn thi sĩ” trên một nhật báo ở San Jose, tác giả hình như đã tung hỏa mù trong chữ nghĩa về căn cơ nguồn cội, về chất liệu, về định nghĩa của thơ. Bài viết có quá nhiều chữ nghĩa mà chúng tôi không tìm được một đúc kết nào gãy gọn để nói về cái cốt lõi của thơ.
Cách đây sáu mươi năm, cụ Bùi Kỷ cho rằng “ chỗ cao siêu nhất trong nghề văn là khí hạo nhiên, là phần hình nhi thượng của tạo hóa. Người xưa cho rằng “văn như hóa công”. Thơ biến hóa, tuôn trào ra từ đầu ngọn bút, như một thủy lưu trên một dòng sông. Mỗi dòng sông có một lưu lượng, một màu sắc, một phẩm chất riêng. Trong nghề văn, mỗi dòng thơ phải có một nguồn riêng. Nguồn riêng ấy là mối rung cảm, là nơi ẩn giấu của tâm hồn, là khuynh hướng diễn đạt, là ngôn ngữ, là một bóng dáng ẩn hiện ở một cõi không gian, thời gian nào đó - là cõi riêng của tác giả.

Sương Mai với bốn thi phẩm Thoảng Chút Hương Xưa (1996), Thơ Tình Sương Mai (1998), Trăng Mộng (2000), Và Yêu Dấu Tan Theo (2003) là một cõi riêng nhất quán và gần như triệt để. Từ tác phẩm đầu tay Thoảng Chút Hương Xưa tác giả đã thảng thốt kêu lên:
Ta về như thể trong mơ
Bóng ai, ai đó như chờ như than
(sđd, tr. 7)
đến Yêu Dấu Tan Theo, bảy năm sau vẫn hình bóng ấy, vẫn kỷ niệm ấy, vẫn nỗi lòng thao thức và vẫn với giọng điệu ấy:
Có một ngày kia giữa lá vàng
hình như tôi thấy cánh hoàng lan
hình như cành ấy vừa cho lộc
tôi đứng bâng quơ đợi bóng chàng
(YDTT, tr 85)
Hình bóng ấy cứ đi theo, bám sát, in hằn trong tâm tưởng nhà thơ, cứ hoài hoài thao thức trăn trở:
Nhớ người từ buổi sớm mai
đến khi trăng lặn còn hoài nhớ mong
(sđd, tr 55)
Như đã nói, cõi riêng nhất quán và gần như triệt để trong thơ Sương Mai là cõi tình, là thơ tình. Bạn đọc không trông mong được ở Sương Mai một hướng thơ nào khác. Sương Mai có một người tình trong thơ, có một bóng dáng tưởng như rất thật, nhưng bạn sẽ không thể bắt gặp được con người đó bằng xương bằng thịt. Con người đó chỉ có trong thơ. chỉ có trong ký ức, trong kỷ niệm, trong tâm khảm. Người tình đó là người tình thơ.
Tình yêu mà Sương Mai kiếm tìm, là một bóng dáng hư hư thực thực, như có như không; như có đó mà không có đó, rất thật mà không có thật. Có thể là các bạn, và trong chúng ta, có một lúc nào đó, có ai đó chợt tưởng mình là người tình trong thơ Sương Mai. Đọc Sương Mai tôi liên tưởng hơn sáu mươi năm về trước, sau khi bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn phổ biến, tiếp theo truyện ngắn Hoa Ti Gôn của Thanh Châu đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy tại Hà Nội vào năm 1937, “xóm nhà văn bỗng xôn xao, có đến mấy người nhất quyết TTKH là người yêu của mình” (TTKH, Nàng Là Ai? Thế Nhật nxb VH 2001).
Người yêu trong thơ Sương Mai có nhiều khuôn mặt, biến hiện, thay hình đổi dạng theo sự biến thiên tình cảm của tác giả. Có khi chàng như hơi ruợu, có khi chàng như áng mây, khi như cánh bướm, khi như giấc mơ:
Anh như cốc rượu dịu dàng
thấm vào dòng máu hòa tan trong hồn

Anh như ảo mộng mệt nhừ
đêm đêm trở giấc thực hư ngỡ ngàng

Anh như trăm nỗi nghẹn ngào
Đã dành dỗ mãi lòng nào nguôi đâu
Sau cùng chúng ta thấy, tình yêu ấy, người yêu ấy của Sương Mai chỉ là một ẩn số, cái ẩn số mà chính tác giả cũng từng băn khoăn, từng tự hỏi và đã không thể tự trả lời.
- “Anh như cốc rượu”, nhưng:
Rượu nào rót để mà say
Cùng ai đây để lắng tai nghe chiều?
- “Anh như ảo mộng” nhưng cái ảo mộng đó lại như một hiện thực lảng vảng trong tâm hồn nhà thơ:
Tình xa yêu dấu mơ hồ
Tôi con chim lạc bây giờ đậu đây

Hôm qua tưởng có được người
hôm nay nhìn lại ôi thôi, mình lầm.
(Hôm qua, tr. 23)
Tình yêu thường thể hiện qua thiên hình vạn trạng, kẻ đến người đi. Có khi người chỉ đi qua lòng tôi mà “người không đi qua đời tôi”; có khi ta phụ người, có khi người phụ ta, trò chơi ái tình cút bắt. Người gần thì ta lãnh đạm ơ hờ; người xa thì ta nhớ nhung quay quắt, đó là hoàn cảnh của tác giả Yêu Dấu Tan Theo:
Anh ơi, có nhớ em không?
có yêu em với tấm lòng nguyên sơ

Bởi vì nhớ quá anh ơi
nên em hỏi mãi những lời ngây ngô
(Hỏi Anh, tr. 26)
Tâm trạng của Sương Mai trải đầy trong bốn tập thơ đều hướng về một đối tượng. Đối tượng ấy, như tôi đã nói là một bóng hình hư ảo mà tác giả đã hình dung ra: “anh là những vì sao, trong đêm sâu lấp lánh. - xin được nhấn mạnh “những vì sao”, chứ không phải là “một vì sao”. Anh là sợi tơ chiều bên vách núi. Anh là bài thơ cổ ... Anh là những ước mơ... chẳng bao giờ nói hết”.
Và rồi Yêu Dấu Tan Theo. Bóng hình ấy, người thơ đem giấu vào một góc tim, giấu trong thơ, trong chiêm bao, trong xót xa, trong nỗi si mê, trong cánh chim khuất hút cuối trời... Sau cùng đành giấu vào trong mộng mơ miên viễn:
Giấu người trong giấc mộng dài
Sợ khi tỉnh giấc tình bay, mộng tàn.

Nhưng không biết có phải vì tình đã bay, mộng đã tàn nên mới có Yêu Dấu Tan Theo, là tập thơ thứ tư mà tác giả đem trình làng hôm nay hay không? Xin mời quý vị nghe tâm sự hối tiếc sau đây của tác giả:
Bao năm tàn một cuộc chờ
phai màu áo mộng đâu ngờ hôm nay
bao nhiêu yêu dấu cũng hoài
bài thơ hối tiếc loay hoay lựa vần

Mặc con bướm lượn ngoài sân
mặc con chim sẻ bước chân ngập ngừng
gió lùa phiến lá rung rung
mặc hòn đá cuội lưng chừng viễn mơ

Bão bùng chăng một trời thơ
dịu dàng chăng một hẹn hò mai sau
biết đâu còn một kiếp nào
mà mang oán hận buộc vào thiên thu
.............
(Hối Tiếc, tr 285)

Với trên 240 bài thơ, thật khó mà trích dẫn lên đây được đủ lời đủ ý. Ngoài một số bài rải rác tả cảnh, tả người, nói chuyện đổi thay xê dịch, còn nữa đều nằm trong một chủ đề nhất quán của Yêu Dấu Tan Theo.
Nhà thơ Hà Thượng Nhân nói rằng Sương Mai là một TTKH, là một Tương Phố của thời đại. Phải nhìn nhận rằng nếu Sương Mai là nhà thơ của thập niên 30 thì biết đâu tên tuổi cô cũng đã đi vào văn học sử như TTKH rồi. Mặc dù cho đến nay người ta đã tốn quá nhiều giấy mực để truy xét “TTKH, Nàng Là Ai”? Tất cả vẫn còn là một nghi vấn văn học. Nhân đề cập đến ý này tôi lại nhớ đến cách đây mấy năm có một bài thơ của Sương Mai và một bài thơ của Lưu Trần Nguyễn được in trong Cụm Hoa Tình Yêu dưới bút hiệu của một người khác ký tên, viết tại Paris. Biết đâu năm ba thập niên nữa lại có một nghi vấn văn học về hai bài thơ này.
Tôi nói nếu Sương Mai là nhà thơ của thập niên 30 thì biết đâu tên tuổi cô cũng đã đi vào văn học sử như TTKH rồi, vì rằng xét về số lượng TTKH chỉ có bốn bài thơ, được người thời bấy giờ cho là những bài thơ tình tuyệt tác. Tuyệt tác vì tính cách trái ngang của cuộc tình. Cũng tuyệt tác vì vần điệu, ngôn ngữ và tứ thơ trác tuyệt, chuyên chở được nỗi lòng người thiếu phu,ỉ đánh động được mối cảm xúc của mọi người, ở vào hoàn cảnh xã hội và đạo lý đòi hỏi hép kín mọi trái ngang của nỗi lòng, bó buộc tự do luyến ái, nhất là đối với phái nữ. Với Sương Mai, chỉ nói riêng về tập Yêu Dấu Tan Theo này thôi, thiếu gì những vần thơ gây cảm xúc, làm xốn xang lòng dạ tha nhân:
Còn đây một nửa cuộc đời
Nửa kia lỡ đánh mất rồi còn đâu
Gặp nhau tay buộc mối sầu
Ngó nhau đôi phút cơ cầu rồi qua

Tặng nhau câu hát làm quà
Gửi nhau một chút hương hoa tấm lòng
Người về nơi đó buồn không?
Ta về trăn trở những dòng cô đơn

Ý thơ vừa đượm chút buồn
Cầm tay đôi phút lòng còn ngẩn ngơ
Ta về ngơ ngác vần thơ
Người về hỏi có mong chờ gì không?

Ai về phố núi đầu sông?
Ta về đứng đợi cuối dòng tương tư./
(Cuối Dòng, tr. 176)
Thơ Sương Mai có đủ thể loại: Lục Bát, Ngũ ngôn, thất ngôn và thơ Tự do. Ngoại trừ loại thơ tự do phá thể, các thể loại khác, tác giả đạt tới trình độ kỹ thuật hoàn chỉnh. Thơ thất ngôn âm luật, bằng trắc nghiêm cẩn. Lục Bát mang dáng dấp ca dao, có nhiều đoạn, nhiều câu đắt giá. Thi ngữ không cầu kỳ, không dáng điệu. Bố cục mỗi bài thơ chặt chẽ. Nội dung nhất quán, theo sát chủ đề đã nêu từ câu mở đầu đến câu kết, xây dựng nhịp nhàng với tổng thể của tác phẩm.
Riêng thơ Tự do, không thể quan niệm là một loại thơ muốn viết gì thì viết. Làm thơ tự do, cũng như người họa sĩ, chẳng hạn Picasso (1881-1973) trước khi vẽ tranh lập thể, ông đã là một họa sĩ vẽ tranh cổ điển. Thơ tự do chỉ đạt khi thực hiện trên nền tảng thơ vần. “Bên Kia Sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan”, “Lửa Từ Bi” của Vũ Hoàng Chương v.v. là những điển hình thơ tự do bất hủ. Với quan điểm đó, bài thơ “Chuyện Đàn Chim” (tr.5) của Sương Mai chỉ là một bài thơ văn xuôi, mà đã là văn xuôi thì không phải là thơ. Một số từ ngữ dùng trong bài này (dụ khị, lớ ngớ) là loại văn nói chứ không phải văn viết, lại càng không phải là thi ngữ. Đó là một trích dẫn trong số các bài thơ phá thể của Sương Mai.
Năm 1995 Sương Mai đến với Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, tôi đã đọc những bài thơ đầu tiên của tác giả, những bài thơ chép tay, những bài thơ dưới dạng bản thảo, những bài thơ lần đầu tiên tôi giới thiệu trên tạp chí Đất Đứng của nhà văn Nhật Thịnh, từ bước đầu nhập cuộc đó đến nay Sương Mai đã bước đi bằng đôi hia bảy dặm, đã có một vị thế nhất định trên thi đàn hải ngoại.
sn.
16-11-2003






























Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả