Song Nhị
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


Ðọc NGỌC HÂN CÔNG CHÚA



NGỌC HÂN
Tập Truyện KATHY TRẦN


Trong chúng ta không ít người, thuở thơ ấu đã từng ngồi xúm quanh bà nội, bà ngoại, bên mẹ nghe kể kể những chuyện cổ tích Tấm Cám, Trầu Cau, chuyện Quả Dưa Hấu, chuyện Thạch Sanh...Bên cạnh kho tàng văn học dân gian và văn chương truyền khẩu đó, văn học Việt Nam còn có thiên huyền sử Âu Cơ - Lạc Long và nhiều pho tình sử bất hủ khác. Những pho tình sử đó không phải là những hư cấu, vẽ vời bịa đặt mà là những chuyện thật, có manh mối, có căn cơ và còn chứng tích. Những thiên tình sử đó lại gắn liền mật thiết với lịch sử, hoặc do lịch sử tạo thành; hoặc là làm nên lịch sử, đã trải qua hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm tồn tại theo biến thiên của dọc dài lịch sử dân tộc. Hầu như người Việt Nam chúng ta ai cũng đã từng nghe, từng biết mối tình cô gái bán chiếu Thị Lộ với vị khai quốc công thần Nguyễn Trãi và vụ án Lệ Chi viên; đã từng nghe danh nàng công chúa họ Trần nghìn dặm ra đi để đem về cho giang sơn hàng nghìn dặm đất đai mà dân gian còn truyền tụng đến bây giờ:
Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi
Người đời cũng từng thương cảm mối tình của gã thuyền chài và tiếng sáo Trương Chi với nàng công chúa Mỵ Nương nơi lầu son gác tía. Và người dân Việt chúng ta, ai mà không thuộc lòng trang tình sử bi ai Trọng Thủy - Mỵ Châu vào đời An Dương Vương, đánh dấu một lần mất nước. Âu Lạc lọt vào tay Triệu Đà phương Bắc.
Trong suốt cuộc chiến đấu trường kỳ của tổ tiên trong quá trình dựng nước và giữ nước, lịch sử Việt Nam là cả một chuỗi thăng trầm đầy những cam go vinh nhục. Trên chặng đường dài đi tới của tiền nhân, lịch sử đã để lại những bóng dáng anh hùng hào kiệt, những nữ nhi sắc tài, tiết liệt cùng những cuộc tình nở hoa cho muôn đời sau. Những thiên tình sử đủ màu sắc, gắn liền với tình tự dân tộc và lòng yêu nước thương nhà.
Từng thế hệ đi qua. Thời gian cứ đẩy lùi từng chặng dài của cuộc sinh tồn về quá khứ và những cuộc tình xa xưa cũng đã trả về lịch sử những nghìn năm. Chúng ta đã từng nghe kể, từng đọc đâu đó trong truyện kể dân gian, trong văn chương sách vở về những chuyện tình vừa nói. Những gì chúng ta biết được, hiểu được lâu nay vẫn còn rất tản mạn, mơ hồ. Những thế hệ càng về sau càng biết loáng thoáng, thậm chí chẳng biết gì về những truyện tích huyền kỳ mà rất thực đó.
Tập truyện NGỌC HÂN của tác giả KATHY TRẦN vừa xuất bản trong dịp Xuân Nhâm Ngọ phải nói là một món quà quý giá cho chúng ta hôm nay và cho các thế hệ mai sau.
Tác giả tập truyện đã mở lại hồ sơ, giàn dựng lại bối cảnh lịch sử, đứng trên lịch sử quan của mỗi thời đại, và đặc biệt, tác giả đã “đem tâm tình viết lịch sử ” đồng thời mượn lịch sử để viết tâm tình nhân vật, cùng lúc mượn nhân vật để bày tỏ tâm tình của ngòi bút.
Trong lời dẫn nhập dưới tiêu đề Đốt Lò Hương Cũ tác giả viết: Cạnh những trang sử oai hùng khô khan là những thiên tình sử lãng mạn tuyệt vời... Để dựng lại những thiên tình sử thơ mộng, lãng mạn đó, tác giả đã cố tìm về những mối tình u ẩn, còn giấu kín trong những trang sử vô tình.
Nếu một người yêu văn chương nghệ thuật, nhất là nặng lòng với lịch sử dân tộc thì khi mở trang đầu của tập truyện tôi tin rằng sẽ thả hồn vào quá khứ, sẽ đắm chìm vào thời đại xa xưa, miên man với những lễ nghi triều kiến, những đối thoại nghiêm cẩn giữa thần Kim Quy và An Dương Vương, những câu trao đổi tình tự mà nghiêm túc giữa Trọng Thủy với Mỵ Châu, những đổi thay dâu biển trong một đời người, cảnh can qua và nỗi thăng trầm của lịch sử của đất nước. Chúng ta cùng nhói đau với nỗi quặn lòng của lịch sử trong cuộc dâu biển đầu tiên của bình minh Tổ quốc khi đất nước lọt vào bọn xâm lược Triệu Đà qua tình sử Trọng Thủy-Mỵ Châu. Cuộc tình kết thúc, cùng lúc kết liễu sinh mệnh hai cha con An Dương Vương và Mỵ Nương, mở đầu thời kỳ một nghìn năm Bắc thuộc của dân tộc ta. Với ngòi bút sắc bén, tác giả đã diễn tả lại giây phút lịch sử bàng hoàng ấy:
“ Nhà vua quay nhìn ra biển, tuyệt vọng, chua chát:
- Thôi..., Kim Quy, ngươi hãy đi đi, ta không cần ngươi nữa.
Thanh gươm được rút ra, máu từ vết thương phun có vòi, máu nhỏ từng giọt trên
mũi gươm. Nhà vua đăm đăm nhìn những giọt máu giỏ thắm của con gái mình, rồi nhẹ nhàng đặt Mỵ Châu xuống, mím môi, nhắm mắt... Thanh gươm được đưa lên thật cao, thật nhanh. Một nhát đâm thật gọn, thật mạnh. Nhà vua đổ ập xuống bên con.
Thần Kim Quy, hai mắt đẫm lệ, thở dài. Sóng chập chùng gào thét. Bóng thần chập chờn từng đợt sóng, từ từ mờ dần, mờ dần rồi biến mất. Mưa vẫn dồn dập đổ xuống trong tiếng quân rầm rập, vang vang gần lại...”(tr.30)
Người Pháp có câu ngạn ngữ: Lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng (L' histoire est perpétuel recommencement). Đọc đoạn văn trên đây làm chúng ta liên tưởng tới giây phút bàng hoàng của ngày 30 tháng Tư với các vị tướng QL/Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai.
Bằng trí tưởng tượng, đặt cả tâm hồn mình vào cuộc tình vương giả, kết thúc trong cảnh huống bi ai, tác giả vẽ lại đoạn kết khi Trọng Thủy gieo mình xuống giếng Tịnh Tâm mang theo niềm xót xa ân hận: “ Vầng trăng trên cao soi bóng long lanh xuống mặt nước, Trọng Thủy cúi nhìn xuống, những giọt nước từ thành giếng thánh thót rơi. Ánh trăng loang ra trên mặt nước, đuổi theo nhau loang loáng.... Đêm âm thầm trôi. Trăng vẫn lạnh lùng soi bóng. Trái tim chàng nghe âm thầm mà vang dội tiếng tiếng kêu gọi, trách hờn tuyệt vọng của nàng. ... Trọng Thủy thì thầm, cúi nhìn xuống, cúi thấp, thật thấp, sâu mãi vào lòng giếng... (tr.34).
Trong truyện Ỷ LAN, tác giả đã làm sống lại cả một thời kỳ lịch sử vàng son của dân tộc vào thời đại nhà LÝ. Cô gái hái dâu, dân dã, do kỳ duyên thiên mệnh, một buổi sáng bên cánh đồng, đất trời thanh tịnh, được vua Lý Thánh Tôn vời về cung lo việc tầm tang canh cửi. Sau được nhà vua yêu vì, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Ỷ Lan sinh hoàng nam, hoàng tộc có người nối dõi, càng được nhà vua thương yêu tin cậy. Ỷ Lan còn rất trẻ, sắc sảo, thông minh. Chẳng bao lâu nàng am tường mọi việc triều chính, được nhà vua cho phép cùng các quan đại thần luận bàn quốc sự. Trong công cuộc bình định Chiêm Thành, trong khi nhà vua xuất chinh, hoàng hậu Ỷ Lan một mình đảm đang việc nước ở hậu phương. Ỷ Lan đã hoàn thành sứ mạng phò nguy cứu khổ cho Đại Việt, cho toàn dân thoát cơn thiên tai, mất mùa đói khổ, đã tận diệt mầm mống tham ô hối mại. Nhờ công đức đó của hoàng hậu, muôn dân được no ấm, hậu phương được yên bình. Cuộc Nam chinh do đích thân nhà vua thống lĩnh đã đem về thắng lợi vinh quang. Vua Chế Củ dâng ba châu Bố Chính, Ma Linh Địa Lý và quy thuận, thần phục Đại Việt. Ba năm sau ngày chiến thắng bình Chiêm trở về, nhà vua gặp bạo bệnh băng hà. Thái tử Càn Đức lên ngôi lúc 7 tuổi, lấy hiệu Lý Nhân Tôn. Thái hậu Ỷ Lan từ một cô gái nuôi tằm dệt lụa, được vời tới từ một ruộng dâu, bà đã bước lên tới tột đỉnh quyền uy danh vọng, nhưng cũng vô cùng tâm đức, có công lớn với triều đình với dân với nước. Con trai của bà, hoàng thượng Lý Nhân Tôn là một vị minh quân, tài đức vẹn toàn cũng do thừa hưởng tâm đức của mẹ mà giữ vững giàng mối cho giang sơn Đại Việt vững bền và triều đại nhà Lý huy hoàng cả nghìn năm lịch sử.
Chuyện tình Trương Chi Mỵ Nương vốn dĩ là một huyền thoại, truyện kể một gã thuyền chài giang hồ phiêu bạt, quanh năm lơ lửng trên dòng sông, lấy gió trăng sóng nước làm bầu bạn. Với một diện mạo vô cùng dị dạng, xấu xí, nhưng trong con người kỳ dị đó lại ẩn chứa một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa mà cao thượng. Với tiếng sáo hòa nhịp cùng giọng hát của Trương Chi đã ru vào lòng người, đã làm tê mê, ngất lịm tâm hồn và trái tim Mỵ Nương, một tiểu thư khuê các. Tiếng sáo và lời ca vọng lên từ dòng sông đã khiến Mỵ Nương lâm bệnh tương tư, hao mòn tinh thần, thể chất. Khi chàng nghệ sĩ giang hồ Trương Chi được đưa tới ra mắt Mỵ Nương, nàng tiểu thư thấy tận mắt “người tình trong mộng”, nàng mới trở lại thực tại ngỡ ngàng, trả Trương Chi về với sông nước gió trăng trong niềm buồn tủi thân phận của chàng trai bạc phước. Trong truyện này, tác gỉa đã dàn dựng khung cảnh, tình tiết mối tình một cách thật lãng mạn, bi ai. Đoạn kết câu chuyện, cũng là đoạn kết mối tình được tác giả mô tả thật cảm động. Cả một mối tình say đắm đầy trái ngang đã tan biến trong chén lệ tình với tiếng hát của Thái Thanh: Ôi duyên kia, ai đã trả cho ai, cho mắt rơi lệ rồi, cho chén tan thành lời, để thành câu hát ru lòng ai... (Phạm Duy)
Có lẽ Truyện “Ngàn Dặm Ra Đi” là truyện mà Kathy Trần đã bỏ ra nhiều tâm huyết để tái tạo lại một thời kỳ lịch huy hoàng của dân tộc vào thời đại nhà Trần. Cuộc tình có thật giữa Huyền Trân công chúa và Chế Mân đã được người đời nhắc nhở theo chiều dài thời gian qua nhiều biến thiên lịch sử. Trong dân gian và sách vở cũng đã nói, đã viết khá nhiều về cuộc tình này. Nhưng có lẽ truyện Ngàn Dặm Ra Đi của Kathy Trần lần này mới là một ấn bản hoàn chỉnh nhất. Nhiều chi tiết, nhiều dữ kiện lịch sử khách quan từ thời đại cũ đã được tác giả đạo diễn thật khéo léo, đi sâu vào nội tâm từng nhân vật, làm sống lại một thời kỳ vàng son của Đại Việt.
Dưới hai triều đại Lý Trần, trải dài suốt 400 năm, từ năm 1010 đến năm 1400 nền Văn học nước ta phát triển một cách mau chóng và mạnh mẽ không ngờ. Cuộc Nam tiến đã được tiến hành một cách ngoạn mục, mở rộng cõi bờ cho giang sơn tổ quốc. Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm; Trần hưng Đạo hai lần đánh tan quân Mông Cổ. Công chúa Huyền Trân với cuộc hôn nhân tình duyên Chiêm - Việt là một sự kiện nổi bật nhất trong thời đại nhà Trần và có lẽ cả trong lịch sử nước ta. Vâng mệnh Cha là Thượng Hoàng Trần Nhân Tôn và anh là vua Trần Anh Tôn, Huyền Trân “ngàn dặm ra đi”, làm dâu xứ Chàm, hoàn thành sứ mệnh sứ giả hòa bình, thu phục cả vương quốc Chiêm Thành, đem về hai châu Ô Lý. Nhưng cuộc tình vương giả đó và thân thế nàng công chúa Đại Việt cũng chỉ là một thoáng mong manh, một đóa phù dung, chỉ nồng đậm trong ba năm rồi là tóc tang, là tàn héo. Chế Mân mất, Huyền Trân trở thành một góa phụ ở tuổi đôi mươi, được cứu thoát đem trở về Đại Việt, một năm sau nàng phát nguyện quy y lên núi Hổ Sơn nương bóng từ bi nơi cửa Phật. Nàng công chúa đi vào huyền thoại và thời đại tiếp tục đi về phía trước để hoàn thành sứ mạng với lịch sử.
Trong truyện Hận Tình Thiên Thu tác giả đã nói giùm nạn nhân của vụ án oan khuất Lệ Chi viên, mà nghìn sau người đời còn nguyền rủa bọn nịnh thần bất nhân, bất nghĩa đã ra tay hãm hại vị khai quốc công thần Nguyễn Trãi và Nguyễn thị Lộ, bậc mẫu nghi trong thiên hạ đã có công lớn với triều đình nhà Lê. Cũng với trí tưởng tượng phong phú, Kathy Trần đã đặt mình vào nhân chứng của bối cảnh lịch sử thời đại cũ, tác giả đã tả lại những tình tiết trong cuộc gặp gỡ nên thơ giữa cô gái nhà quê bán chiếu với vị đại quan ẩn dật Nguyễn Trãi bằng những mẫu đối thoại rất thời thế xa xưa mà cũng rất tình tứ thời nay:
- Cô cũng dược đi học kia à?
- Bẩm quan lớn, những lúc thầy con dạy học trò, con giúp thầy con chỉ bảo các
môn sinh nên cũng ăn mày được mấy chữ thánh hiền. Bẩm quan lớn... quan lớn muốn mua chiếu ạ?
Tiên sinh cười
- Ta muốn mua thì mới cô chứ. Biết cô đã đọc sách thánh hiền lại có tài thơ
phú, ta muốn mua chiếu bằng thơ xem cô đối ứng ra sao.
Cô bé ngại ngần:
- Bẩm quan lớn, con không dám...Con biết gì thơ mà trả lời quan lớn. Bẩm...
Tiên sinh khuyến khích:
- Có gì mà không dám. Nếu cô trả lời được, cô ra giá bao nhiêu ta cũng mua....
Cô bé ngần ngừ:
- Bẩm quan lớn:
- Được, cô nghe kỹ để trả lời ta:
Ả ở đâu mà bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa? Được mấy con?
Sau nhiều câu đối thoại đẩy đưa, tình tứ, chọc ghẹo, tán tỉnh, cuối cùng cô hàng chiếu hắng giọng trả lời:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ chi...ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ...
.....
Chồng còn... chưa có, hỏi chi con?
Hai bài thơ xướng họa ấy là đoạn mở đầu thiên tình sử giữa cô hàng chiếu Thị Lộ vị Khai quốc công thần Nguyễn Trãi; cũng là đầu mối kết thúc dòng họ Nguyễn với bản án tru di tam tộc.

Trong truyện Ngọc Hân, tác giả dẫn người đọc đi vào cuộc trường chinh Bắc phạt của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Mỗi dòng chữ, mỗi trang giấy là một hoạt cảnh lịch sử của cuộc Bắc tiến cùng cuộc tình giữa chàng trai Bình Định với nàng công chúa Bắc Hà: Ngọc Hân, con gái vua Lê Hiến Tôn. Một lần nữa, tác giả giở lại một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc qua những chiến thắng vẻ vang oanh liệt của Quang Trung Hoàng đế đại phá quân Thanh.
Phần kết truyện, tôi đồng ý khi tác giả mượn hai câu thơ
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
mà an ủi người đời về thiên tài Quang Trung mệnh yểu. Cuộc tình đẹp là cuộc tình ngắn ngủi như Ngọc Hân, như Thị Lộ; là éo le như Mỵ Nương, là bi ai như Mỵ Châu-Trọng Thủy...
Hai truyện khác: Tình Nghĩa Trúc Mai viết về nàng Châu Long và tình bằng hữu hiếm có xưa nay giữa Lưu Bình - Dương Lễ.
Và truyện kể người thiếu phụ Nam Xương, một chinh phụ của Trương phu quân, đã đi tìm cái chết để chứng minh cho tiết hạnh của mình. Mỗi câu chuyện là một “kinh điển” về bài học luân lý, đạo đức và nhân nghĩa của con người Việt Nam. Tác giả đã làm nổi bật tình cảm và tâm lý mỗi nhân vật với cách cấu tạo bố cục cốt truyện theo trí tưởng tượng phong phú của mình.
Đọc toàn bộ tác phẩm, tôi có nhận định tác giả là một người yêu thích và say mê lịch sử, có tìm tòi, thu góp tư liệu, và có nghiên cứu. Cô hiểu rõ một cách tinh tường diễn biến từng thời kỳ biến động của lịch sử nước nhà. Mỗi giai đoạn thăng trầm của đất nước đều được lồng vào trong đó một cuộc tình mà vai trò của người phụ nữ chiếm giữ một vị trí tích cực, then chốt.
Bối cảnh lịch sử được làm sống lại qua ý tưởng và sự sắp đặt riêng của tác giả khiến chuyện kể có tính sôi nổi, sống động làm người đọc như quay về quá khứ, đắm chìm vào hiện trường lịch sử của mỗi thời đại. Tôi cũng có cảm tưởng là tôi đã đọc được một loạt truyện phim thật hào hứng. Tập truyện này cũng là một pho sách giáo khoa giá trị, có thể giúp chúng ta ôn lại lịch sử, nhất là giúp thế hệ trẻ tìm hiểu, học hỏi, đi vào kho tàng văn học nước nhà.
Nhà văn Thanh Thương Hoàng sau khi đọc tập truyện Tiếng Vĩ Cầm Xưa của Hoa Hoàng Lan đã gọi cho tôi và nói rằng Bà này viết văn sắc bén lắm, ý tứ bố cục được. Nói chung rất được... Nhưng “ hơi tham, nói nhiều quá. Phải nên để dành phần cho độc giả nói, độc giả phán đoán.” Với tác giả Ngọc Hân, trong truyện “Hận Tình Thiên Thu (tr211) một phần nào đó cũng hơi đúng theo nhận xét của nhà văn TTH về Tiếng Vĩ Cầm Xưa. Tác giả cũng “hơi tham lam” khi trích dẫn nhiều đoạn trong bản Bình Ngô Đại Cáo đem vào truyện, không ăn nhập mấy với chủ đề tình sử. Một ghi nhận khác, có lẽ do quá... ngưỡng mộ tài sắc của Huyền Trân công chúa nên tác giả lặp lại hơi nhiều thành ngữ “Lá ngọc cành vàng” (tr.129,132, 154...)
Người xưa có câu “Thiên địa ố kỳ toàn” (trời đất không ưa sự đời toàn hảo). Câu nói này ứng nghiệm đúng vào mỗi con người, mỗi sự việc. Vâng, đời có gì toàn vẹn đâu. Tập truyện Ngọc Hân, với phần nội dung đặc sắc, hấp dẫn, hình bìa trang nhã, bên cạnh đó, có lẽ do sơ xuất của người lay-out đã khiến có sự... “giành giựt” giữa hai nàng công chúa Ngọc Hân và Huyền Trân. Ai là người đã được đăng ký làm chủ nhân “chính danh” của tập truyện? Ngoài bìa là Ngọc Hân mà tiêu đề (entête) trên mỗi đầu trang sách lại là Huyền Trân?
Tuy nhiên, “sự cố” này không ảnh hưởng gì đến ngòi bút sắc bén của tác giả qua những những chuyện tình hấp dẫn, cùng giá trị toàn bộ tác phẩm Ngọc Hân.
Đọc xong Ngọc Hân và qua bốn tác phẩm trước đây của Kathy Trần: Đàn Ông Đàn Bà (truyện phiếm), Được Vay Nụ cười (truyện dài), Nửa Sơn Hà (truyện dài), Không Cần Đàn Bà (truyện phiếm) tôi thấy được tính phong phú đa dạng của cây bút nữ này. Tác phẩm Ngọc Hân, lồng trong những cốt truyện và lối văn lôi cuốn là phần giá trị văn học sử cao nhất mà mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ nên tìm đọc.
sn.










Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả