Nguyễn Thị Tê Hát
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]


Rồi Như Bọt Biển

* Viết cho chị tôi


Chị tôi, phải nói là đẹp, chị có một mái tóc dài nổi tiếng ở thành phố đó ngày xưa, chẳng thế mà có biết bao nhiêu cây si trồng trước nhà không sao bứng đi cho được, cho dù nhà tôi đã có 2 cây dừa xum xuê cành lá hai bên cổng ra vào. Cái quyến rũ của mái tóc dài, cái đẹp của chị tôi đôi khi đã làm phiền người khác không ít, trong đó có tôi... bởi tôi đã bị đòn oan chỉ vì thương hại những cây si trước sân nhà.

Trong những đứa con của ba mẹ, chị tôi là người đẹp nhất, bởi thế trời chẳng công bằng khi đã dành cho chị tôi quá nhiều ưu đãi, từ khuôn mặt, dáng dấp đài các cho đến mái tóc dài quá eo đã làm nhiều anh chàng chết mê chết mệt, đã làm cổng nhà tôi sập một bên chỉ vì ghen, chỉ vì không tìm được chỗ đứng trong tim chị tôi. Cái đẹp ngây thơ của tuổi dậy thì đã khiến biết bao anh chàng mà trong đó có những anh chàng Hải Quân khốn khổ, ngẩn ngơ... mỗi lần tàu cặp bến Bạch Đằng, các ông thuỷ thủ đã làm trắng cả thành phố Đà Nẵng trông thật đặc biệt, lúc đó Chị và bạn bè của chị đã đặt tên cho thành phố Đà Nẵng là thành phố của Hải Âu.

Một hôm đi học về, sau khi chia tay với bạn, đi một quãng chợt thấy có người đi theo, chị quýnh quáng bước vội, càng bước nhanh, người đi sau càng tiến đến gần...người đi theo chị mặc quân phục trắng, giây vàng đeo một bên vai vừa đi vừa hát nho nhỏ vừa đủ cho chị tôi nghe " Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng, em là thiếu nữ đẹp như trăng, tóc xanh là bóng dừa hoang dai, âu yếm nhìn tôi không nói năng..." . Thế là chị tôi biết yêu " Hoa Biển" , biết " Tâm Sự Một Loài Chim Biển" , chị tôi thích những gì liên quan đến biển và...chị tôi thích Binh Chủng Hải Quân từ đó, nhưng Ông Bố nhà binh khó tính của chúng tôi lên tiếng:

- Con còn bé, lo học hành không được quen vớ vẩn...

Thế là chị tôi im lặng vâng lời nhưng buồn không ít. Tuy nhiên cái tình cảm học trò đó đã len lén đi vào tâm tư chị tôi, cho dù có lần chị bảo:

- Chị nghe cô Hương bên cạnh nhà mình có chồng Hải Quân nói lấy chồng HQ khổ lắm, cô đơn lắm, họ đi quanh năm suốt tháng, có khi 6 tháng mới về một lần... eo ơi! nghe vậy chẳng muốn quen mấy ông HQ nữa đâu.

Thế nhưng " Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên" của chị tôi như một cái gì thật đẹp, thật lãng mạn của người đi theo sau, hết con đường này đến con đường nọ, của những buổi tan trường như một kỷ-niệm ăn sâu trong lòng chị tôi, và tình cảm đó đã phải dừng lại khi chúng tôi và Mẹ, một lần nữa lại theo gót giầy của Ba tôi vào Quy Nhơn, nơi cũng có biển xanh, cát vàng, nơi có những hòn đá nằm chồng lên nhau. Nơi có Suối Tiên, có Mộ Hàn Mặc Tử nằm cheo leo lẻ loi nhìn ra biển, nơi cũng có Cù-Lao-Xanh xa thật xa với ngọn hải đăng nằm cô độc quanh năm nhìn sóng vỗ... Tuy nhiên, Quy Nhơn không là bến Bạch Đằng nên QN không có những bộ quân phục trắng như ngày xưa, thay vào đó là những bộ quần áo màu xám xanh để chúng tôi cứ gọi đùa là " Lính đổ xăng" .

Ở đấy, chị em tôi lớn lên theo ngày tháng, chị tôi chững chạc hơn, hiểu biết hơn để vừa đủ làm thiên hạ khổ lên, khổ xuống. Còn tôi, tôi lớn lên theo cái thế giới ngây thơ của tôi, tôi vẫn ồn ào, vẫn chưa tập cho mình sự nhẹ nhàng, khoan thai, từ tốn như chị tôi đang có. Cái thế giới của tôi không biết làm khổ người khác, như một nụ hoa còn e-ấp, chưa nở hết cánh thành ra mỗi lần đi đâu với Chị, tôi muốn được làm người lớn, muốn khoác lên mình chiếc áo dài như chị nhưng luôn bị chị bỉu môi châm biếm:

- Thôi, Nhỏ mặc đầm hay quần tây đi, mặc áo dài trông thẳng từ trên xuống dưới không giống ai cả...

Những lần như vậy tôi tức đến muốn khóc, nhưng vì ham đi nên tôi đành chiều theo ý chị, cho dù tôi chỉ chờ cơ hội để khoác lên mình những chiếc áo dài tha thướt như chị tôi đang mặc. Bởi thế nên cái thế giới của tôi luôn bị che lấp bởi cái tàn lọng của chị, nên tôi cứ như con mèo con, như cái bóng bên cạnh chị để rồi vẫn vô tư đùa giỡn, đuổi bắt nhau trong sân trường với những tiếng cười dòn tan, thoải mái, với những trái me xanh dấu kín nhâm nhi trong lớp học, với những chồng bánh bèo nóng hổi bên đường, hay của những quán chè nằm trong ngõ cụt.

Thỉnh thoảng chị cho tôi được tham dự những cuộc picnic cuối tuần ở những hòn đảo ngoài khơi do mấy ông " lính đổ xăng" của chị tổ chức. Những cuộc đi chơi xa ấy bao giờ cũng đem đến cho tôi nhiêu hứng thú. Tôi ngắm trời, ngắm biển, ngắm những đợt sóng tiếp nối va vào thân tàu để rồi tan vỡ ra thành những bọt biển trắng xoá li-ti, cứ thế tôi mải mê ngắm mà quên mất chị tôi đang khốn khổ, đang vật lộn với con tàu nhấp nhô với cái mũ sắt trước mặt, nhìn vào tôi rùng mình quay đi. Người ngồi bên cạnh có cơ hội được săn sóc chị tôi, tay giữ chặt cái mũ sắt mà đôi mắt lo âu áy náy đến tội nghiệp. Lúc ấy chắc chắn chị tôi không còn thích loài chim biển hay hoa biển hay sóng biển bởi chị đang xanh xao như tàu lá, lúc ấy nếu ai có hỏi chị có muốn lên tàu hoa để ra biển khơi, chắc chắn chị sẽ rõ ràng lắc đầu quầy quậy chứ không ỡm ờ như mọi khi để những cây si trước nhà cứ hiểu lầm nhau mãi, để tôi bị đòn oan chỉ vì thương người không đúng chỗ như Ba Mẹ tôi vẫn thường hay mắng.

Cù Lao Xanh, một hòn đảo đẹp nổi tiếng ở Quy Nhơn, từ đất liền đi ra Cù-Lao-Xanh cũng mất khoảng một tiếng rưỡi nếu đi tàu của mấy ông HQ, vậy mà chị tôi cũng rũ-rượi trông ghê quá, trong khi tôi vẫn tỉnh bơ vừa ăn vừa ngắm trời xanh mây nước...nước biển trong xanh để có thể nhìn thấy những cụm rong biển, những cây san-hô đủ màu mọc sâu dưới nước để có người tình nguyện nhảy xuống đưa lên cho tôi những cây san-hô màu trắng xanh non, màu trắng tim-tím trông thật đẹp.

Khi người ta không thương thì người ta rất vô tình đến tàn nhẫn, như cái tàn nhẫn của chị tôi. Chị bị Ba Mẹ la hoài vì có cái tật là không chịu nói thẳng cho người ta biết về cảm tình của mình như thế nào, Mẹ vẫn nói " không thương thì cứ nói là không, mà thương thì cứ bảo là có..." nhưng chị lại vẫn cứ ẫm-ờ để rồi một tối cả nhà đã lên giường, chỉ có tôi còn đang ngồi học bài, chuông cổng lại cứ reo, nhìn ra tôi biết là một trong những cây si của chị, người ấy năn nỉ thật tội:

- Bé làm ơn mở cửa cho anh vào, anh hỏi chị một câu là anh ra ngay...

Tôi suốt đời vẫn là con bé ngu, nên tin người, thương người tôi mở cổng, chị tôi cũng ác lắm, không chịu ra cho người ta hỏi 1 câu để người ta đi, chị nhất định không ra, và người ta cũng nhất định không về. Ba tôi nằm trong phòng chắc bực mình lắm nên cứ hắng giọng làm tôi cuống quýt:

- Chị em ngủ rồi không ra đâu, anh làm ơn đi về giùm em đi ,không em bị Ba em la bây giờ.

Trời ơi, cây si của chị tôi hình như say nên vùng vằng hất bình bông trên bàn xuống đất vỡ tan tành rồi bước nhanh ra cửa. Ba tôi giận quá trở ra phòng khách mắng một trận, Ba bảo tôi thương người, tội người không đúng chỗ.

Lần khác, cũng vì cái không dứt khoát của chị nên những cây si không đủ thông-minh để hiểu ra điều đó, nên có lần đang ngồi chơi, chợt thấy chị tôi cuống quýt chạy vội ra sau nhà, trốn cuối vườn , vừa chạy vừa nói nhanh:

- Bảo ông ấy chị không có nhà.

Cũng vẫn là tôi, tôi mở cổng nhỏ nhẹ an ủi:

- Chị em không có nhà, anh về mai mốt lại nha,

Người ấy không nói không rằng đẩy mạnh cánh cổng bước hẳn vào trong, tôi hốt hoảng kêu lên:

- Ơ hay, anh đừng có vào, Mẹ em la đó.

Người ấy không thèm trả lời, bước nhanh xuống nhà sau làm tôi cuống quýt kêu:

- Mẹ ơi! Mẹ!

Biết không thể nào gặp được, người ấy đành ra về với khuôn mặt hậm hực tức tối.

Tính chị tôi là thế, không những vậy mà chị tôi còn nghịch ngợm là đàng khác. Nhớ có lần khách của chị đến chơi, chị tiếp đãi rất ân cần và chu đáo, đến nỗi anh Định cứ tròn mắt ngạc nhiên nhìn tôi e-dè. Tôi cũng trố mắt nhìn vì không hiểu sao hôm nay chị tôi lại không giống chị tôi của mọi ngày, chị giả vờ không thấy cái ngạc nhiên của chúng tôi, chị cười thật tươi hỏi khách:

- Anh Định với anh Khôi uống gì để Dung pha, uống trà lipton chanh nha, Dung pha trà ngon lắm, hôm nay Dung sẽ pha trà đặc biệt để mời 2 anh dùng. Dung đố quý vị tìm ở đâu có mùi vị giống như Trà của Dung.

Anh Định nhìn chị vẫn cái nhìn thắc mắc, bởi chị tôi có bao giờ ngoan và tử tế đến như vậy, lúc nào cũng cứ để Mẹ phải nhắc yêu:

- Không đứa nào lấy nước mời anh uống hả, hư quá!

Chị tôi hôm ấy thật dễ thương, nói năng ngọt ngào êm ái chứ không ngang bướng như mọi khi làm cho khách của chị tôi cứ ngẩn ngơ, như lạc vào mê hồn trận với những chiếc kẹo ngọt lịm mà chị tôi vừa trao, để không nghĩ được gì. Chị xuống bếp tự tay pha trà mà không làm phiền đến tôi như mọi lần. Chờ khách đưa tách trà lên môi nhấp từng hớp nhỏ, chị ân cần:

- Sao? trà Dung pha uống có vừa miệng không?

Không biết có phải tại trà ngon thật hay chỉ để lấy lòng chị, 2 ông khách của chị tôi khen lấy khen để:

- Ngon lắm, cô Dung mà pha trà thì phải ngon rồi.

Chị tôi mỉm cười nhẹ nhàng cám ơn khách với khuôn mặt tự mãn. Khách vừa ra đến cổng, chị ôm bụng cười ngất, chị kéo tôi vào phòng nói nhỏ:

-Nhỏ biết vừa rồi 2 ông tướng ấy uống gì không?

Tôi trợn mắt nhìn chị:

- Ủa, chứ không phải chị pha trà Lipton chanh cho 2 anh ấy uống sao?

- Mày ngu quá, có bao giờ tao tử tế đến cỡ đó đâu, tao cho 2 ông ấy uống thuốc xổ đó, biết chưa ngu?

Tôi trố mắt nhìn chị sợ hãi kêu lên:

- Trời ơi! chị ác quá, lỡ 2 anh ấy uống có gì thì sao? eo ơi!... em mách mẹ.

Chị hăm doạ:

-Ừ nói đi, nói cho Ba Mẹ biết là đừng có hòng đi theo đó, nghe chưa?

Thứ Bảy tiếp đến không thấy bóng dáng 2 ông thuỷ thủ của chị tôi đâu, tôi lo lắng hỏi:

- Sao tuần này không thấy 2 anh ấy đến chơi? Không biết họ có bị gì không?

Chị nói cứng giọng, nhưng tôi biết chị cũng hồi hộp không kém, chị cố che dấu sự bối rối của mình để trấn an tôi:

- Bị gì? Mày lúc nào cũng nghĩ vớ vẩn, tao bỏ ít chứ đâu có bỏ nhiều, rõ khéo lo.

Nhớ lại chuyện đó, tôi hỏi chị:

- Nhưng chị bỏ cách nào mà 2 anh ấy uống không biết gì cả?

Chị cười:

- Mày thấy tao thông minh không? bỏ thuốc vào người uống đã không biết gì mà lại còn khen rối rít nữa, tao phục tao thật.

Tôi lắc đầu nhìn chị:

- Chị vậy mà ác thật, em thấy tội cho họ

Chị nhún vai, bỉu đôi môi dày mọng:

- Tội gì?... ai bảo cứ theo người ta hoài làm chi.


Hai tuần sau chúng tôi thấy mỗi anh Định đến chơi, gặp anh, chị muốn biết công hiệu môn pha trà của chị như thê nào, chị giả vờ:

- Sao tuần trước không thấy anh đến chơi, mà anh Khôi đâu sao hôm nay không đi với anh?

Anh Định nhìn chị tôi, cái nhìn khó hiểu với nụ cười dễ dãi trên môi:

- Khôi nó phải đi công tác nên hôm nay không đến... kỳ trước đến nhà cô Dung về, tụi này bị đau tưởng không đi được, không biết cô Dung tiếp cái gì mà tụi này bịnh quá, thằng Khôi nửa đêm phải đưa vào bệnh xá, hôm sau đứa nào đứa nấy " dung nhan" thấy không được nên chẳng dám đi đâu cả.

Tôi im lặng nhìn chị rồi nhìn sang anh Định. Chị tôi đỏ mặt quay đi giả bộ lảng sang chuyện khác.


Đó, chị tôi đó, cái đùa của chị tôi là thế, tuy chị tôi mới có 17 thôi đấy nhé, thế mà đã làm khổ người ta thật nhiều, nhưng người ta lại cứ tình nguyện đến cho chị tôi làm khổ. Đã vậy còn tìm đủ cách để lấy lòng chị. Tôi nhớ có lần anh Vi về SG thăm nhà, anh trở ra tặng chị một đôi giầy màu nâu đóng rất đẹp, nhưng khổ nỗi đôi giầy mà anh đã tốn công chọn màu, vẽ kiểu để làm quà, đã không làm vừa lòng chị vì anh đâu có ngờ bàn chân của chị tôi to như cái tàu của mấy ông Hải Quân, nên không có cái diễm phúc xỏ vào đôi giầy đẹp, đóng công phu và mắc tiền đó.

Chờ khách vừa khuất sau cánh cửa, chị tôi vội vàng hý hửng mang hộp giầy ra..., vừa nhìn đôi giầy, chị đưa cho tôi không thèm nói một tiếng. Nhìn đôi giầy trong hộp tôi phá lên cười, thì ra tôi là cô bé lọ lem có đôi chân thon nhỏ xỏ vừa vặn đôi giầy đẹp, nhìn chị đang ấm ức xịu mặt, tôi đùa:

- Thôi đừng giận nữa, cũng tại chị, ai bảo mấy lần ngồi nói chuyện không chịu đưa bàn chân ra cho người ta ngắm mà lại cứ dấu trong giầy, trong dép làm gì, em nghĩ lần sau chị nên đi chân đất ra tiếp khách là tiện nhất.

Chị lườm tôi 1 cái thật dài, xí một tiếng thật to rồi bỏ lên lầu. Thế là vô tình tôi có một món quà đẹp ưng ý để mỗi lần nghĩ đến đôi giầy xinh xinh đó, đến khuôn mặt thất vọng, hậm hực của chị tôi không sao nín cười được.

Đời cũng có những lúc vui, lúc buồn. Mỗi lần buồn, chị lôi tôi theo chị vào những rạp cine thường trực sau khi mua cho tôi một ổ bánh mì, một bao nước mía, 1,2 bọc kẹo hay đậu phụng luộc để giữ tôi bên cạnh từ sáng cho đến chiều, trong khi chị ngồi thu mình gậm nhấm nỗi buồn cô đơn trong bóng tối. Những lúc đó tôi thấy chị tôi thật là ngoan hiền, nhu mì chứ không độc đáo như những lần có những cây si bên cạnh. Và tôi, tôi vẫn lại là con bé con, vẫn là cái bóng lu mờ bên cạnh chị.

Nhưng, với một người đẹp như chị tôi, sao lại không có quyền kiêu hãnh? không có quyền làm khổ người khác?... Mặc dù tôi không có những cái chị tôi đã và đang có... nhưng tôi, tôi cũng có và đang có những cái mà chị tôi không thể tìm được trong cuộc đời chị, kể cả những cái hạnh phúc, những cái bất hạnh, những cái đau, những cái mà tôi đang đeo nặng trong tim, cho dù đã có lúc tôi nhìn về chị như một ước ao thèm khát cho chính mình.

Hôm nay, với thời gian không ngừng lại, thời gian cứ tiếp nối trôi qua, bỏ xa dĩ vãng, để chị tôi không còn là cô bé của ngày xưa với đôi môi tròn mộng, với dáng dấp đài các kiêu sa, với mái tóc dài tha thướt nổi tiếng ngày nào... Cuộc chiến dài vừa qua đã chiếm một phần quan trọng trong cuộc đời thơ ngây của chị tôi, trong đó có biển xanh, sóng vỗ, có những con tàu ngả nghiêng theo sóng nước đã làm cho cuộc đời của chị tôi thêm mặn mà, thêm thi-vị cho dù bây giờ không còn nữa... Tất cả như bọt biển tan biến trong lòng đại dương, vì sau một biến cố không lường được của Quê Hương, đã đưa đẩy chị tôi phiêu dạt đến một phương trời xa, nơi có mùa đông dài hơn mùa hạ, nơi có nỗi cô đơn ôm chặt lấy đời người để ngày nay, chị tôi quay lưng lại, cắt bỏ cái dĩ vãng ngọc ngà con gái của mình như một đoá hoa hồng bạch mà tôi đang muốn hứng lấy, để trang trọng cắm vào chiếc bình quý mà cuộc đời tôi đang gom nhặt.




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả