Song Nhị
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


MỘT NĂM LOANH QUANH CHỮ VỚI NGHĨA

một năm loanh quanh

CHỮ
VỚI
NGHĨA

Tôi vẫn đi về trên con đường này, con đường vòng quanh khu tứ giác McKee - Educational, một khu chung cư hạng trung của thành phố điện tử Silicon Valley, cùng với mấy dãy nhà ngói đỏ. Con đường này hai bên có hai hàng cây, mùa Hè tàng lá xanh tươi phủ trùm rợp bóng. Mỗi lần đi qua, tôi lại nhớ về hai hàng me trên con đường Nguyễn Du của Sài Gòn xưa, “cây dài bóng mát”.
Những năm tôi qua lại trên con đường này, năm nào cũng thế, mùa Thu, từng đợt lá vàng bay ào ào theo từng cơn gió mạnh, hay lác đác theo từng ngọn gió hiu hiu, rồi thì hàng cây trơ trụi. Đến tháng Mười Hai, như lúc này, mặt đường phủ đầy một lớp màu nâu thẫm. Mấy trận mưa vừa qua biến những lớp lá vàng rụng xuống hôm trước, hôm kia trở thành màu nâu thẫm, ẩm ướt và nhớp nhúa. Nhưng chỉ một hai hôm sau, những tảng lá phủ trên mặt đường kia đã được dọn đi bóng nhẵn.
Đi hết con đường vòng quanh là công viên Overfelt Gardens mà dân ta thường quen goi là vườn Tàu. Gọi như vậy cũng có lý do. Trong công viên rộng bao la này, cây cối cổ thụ um tùm, quanh năm evergreen, không giống cái khu Evergreen của vùng núi có trường đại học Cộng Đồng Evergreen (Community College) và những khu nhà sang trọng, đắt tiền kia, chỉ “evergreen” được ba, bốn tháng mùa mưa, rồi là màu vàng phủ hết những ngọn đồi, cỏ cháy xám, trơ trụi.
Trong công viên Overfelt, người Hoa dựng đền thờ Tôn Dật Tiên. Phía bên kia bờ hồ nước là một pho tượng Khổng Tử cao sừng sững màu sơn trắng, như hiển hiện dáng đứng của nhà hiền triết đang nhìn vào cõi không gian và thời gian bất tận từ hơn hai nghìn năm trăm năm về trước.
Người “Tàu” ở Mỹ đông hơn người Việt, và họ có mặt ở Mỹ từ thuở xa lắc xa lơ nào. Phố Tàu Cựu Kim Sơn là một địa danh nổi tiếng của thành phố du lịch San Francisco. Không riêng du khách ngoại quốc mà ngay cả đến người Mỹ từ các tiểu bang khi tới Bắc California cũng phải tìm đến tận nơi cho biết phố Tàu, cho biết cầu Golden Gate. Tới đó người ta có cảm tưởng đang đi dạo phố Hongkong, hay Thượng Hải.
Ở Chợ Lớn trước 1975 không có khu phố Tàu nào sầm uất sang trọng kiểu này.

Vào dịp cuối năm, gần Nô-en, gần Tết sinh hoạt có vẻ chộn rộn hẳn lên. Mặc dù mọi người vẫn nai lưng đi làm tám tiếng, vẫn không thiếu thốn món ngon vật lạ nào, nhưng mọi người vẫn như chập chờn thấy Tết – Tết ta, và cũng là Tết Tàu – Tết Tàu, Tết ta “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Xin đừng ai hiểu theo cái nghĩa “tự ti” rằng ta ăn Tết theo Tàu. Ta có tục lệ của ta.
Theo Kim Định (Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc) thì tục lệ ăn Tết của ta có từ đời Hùng Vương thứ ba. Ngày đó để truyền ngôi cho con, vua Hùng chọn ngày đầu năm, mở cuộc thi gia chánh. Các hoàng tử, mỵ nương trổ tài nấu nướng, chọn và làm được món ăn nào ngon nhất, vừa ý, vừa miệng vua cha, mà lại ý nghĩa nhất thì sẽ được vua Hùng cho lên kế nghiệp.
Theo lệnh vua truyền, các công nương, hoàng tử liền tỏa đi, kẻ lên rừng người xuống biển tìm của ngon vật lạ, mang về đủ thứ sơn hào hải vị, chả phượng nem công. Riêng người con thứ 9 là hoàng tử Lang Liêu vì nghèo, không đủ phương tiện di chuyển để đi đây, đi đó và không có cách gì để vận chuyển của (nếu) tìm được nên chẳng có được một món gì đặc sắc, ngon lạ. Lang Liêu ngày đêm buồn rầu, lo lắng, suy nghĩ thì một đêm nằm mộng thấy một vị thần đến bảo: hãy xuống nhà bếp lấy gạo nếp ra làm một cái bánh vuông (bánh chưng) và một cái bánh tròn (bánh dày- Trong Nam thì bánh tét) rồi để chồng lên nhau mà đem dâng vua cha. Lang Liêu làm theo lời thần mộng. Hôm sau đem bánh đến dâng thì được nhà vua chấm giải nhất thuộc loại “ưu hạng” với lời khen: bánh không những ăn ngon mà mà nội dung còn hàm súc ý nghĩa cao siêu. Bánh chưng vuông biểu tượng của Đất, bánh dày biểu tượng của Trời. Đó là đạo làm người, vì “người” được định nghĩa là “nhân giả kỳ thiên địa chi đức”. Vua liền truyền ngôi cho Lang Liêu và cải hiệu là Tiết Liệu. Tiết Liệu có nghĩa là biết lo liệu cho cuộc sống hợp với tiết Trời và Đất. Từ đó ngày đầu mùa xuân được gọi là Tết và cũng từ đó ta ăn Tết là phải có bánh chưng bánh dày, bánh tét.

Xưa ở miền Nam cũng như nay tại hải ngoại, hễ nói đến Tết là nói đến bánh chưng bánh tét; và hễ có bánh tét, bánh chưng thì không thể thiếu.... tờ báo Xuân. Tập tục này đã trở thành một truyền thống của văn hóa Việt, dù ở trong nước hay ngoài nước. Cho nên cứ mỗi năm khi thiên hạ rục rịch tính chuyện ăn Tết thì các ông chủ báo bắt đầu lo chuyện báo Xuân.
Có mấy ông chủ báo ới tôi gửi bài đóng góp. Tôi cảm ơn và ầm ừ. Có bài hay không, viết được hay không thì hạ hồi phúc đáp. Cả năm loanh quanh chữ với nghĩa rốt cuộc cũng chỉ nước chảy hoa trôi, mây tan bèo dạt. Suốtũ năm cái keyboard cứ đừ ra khi tìm chữ nghĩa, tìm đề tài, đến cuối năm viết cho báo Tết tưởng rằng đề tài rành rành ra đó, nhưng khi ngồi vào lại cứ đừ người ra với cái keyboard. Tưởng vậy mà không phải vậy. Không phải dễ đâu. Tất cả những chuyện Tết nhất nó cũ như trái đất rồi. Quanh đi quẩn lại cũng năm dê nói chuyện dê, năm thân nói chuyện khỉ. Rồi tử vi viễn tưởng, rồi lá Sớ Táo Quân dâng Thiên Đình thượng giới, kể chuyện cóc nhái thế gian, rồi câu đối, rồi Thơ Xuân, rồi chuyện Tết... Đọc tờ báo Xuân nào cũng chỉ bấy nhiêu thôi, tuy đề bài có khác, tên người viết có khác, lối hành văn có khác.
Tôi ngồi mơ giá như ông chủ báo kêu mình đến nhà cắt giùm bãi cỏ hay xới mấy cái luống đất thì chỉ vài tiếng đồng hồ là xong ngay, là perfect. Ông bà người Mỹ cạnh nhà tôi cứ hai tuần lễ lại kêu người đến cắt cỏ, bón gốc mấy khóm hoa, nhặt nhạnh mấy lá cây rải rác (công việc này với tôi, dễ ợt). Mỗi tháng hai kỳ, mỗi kỳ hơn một tiếng đồng hồ, ông thợ cắt cỏ được chi 250 đô mỗi tháng.
Với thời gian bằng đó, có khi người được đặt hàng ngồi “rặn” chưa ra đề tài cho một bài báo Xuân. Biết được “cái khó bó cái khôn”, tôi cải tiến thành cách riêng “cái khó ló cái khôn” nên tôi viết về cái mục sau đây không ăn nhập gì với Xuân với Tết cả.
Cái mục tôi muốn nói đến là chuyện văn chương sách vở trong một năm qua tại Bắc California và vài vùng lân cận. Tôi không dám vượt không gian đến những vùng xa xôi mang danh xưng hải ngoại, quốc tế... nghe nó to quá, “oai” quá!
Chuyện văn chương chữ nghĩa loanh quanh những vùng mà tôi biết, trong năm qua vẫn trên đà thừa thắng xông lên. Nổi bật nhất là hiện tượng Ra Mắt Sách.
Ra Mắt Sách, mang ký hiệu “RMS” lâu nay đã thấy quen mắt trên các trang mạng. Nhiều năm trở lại đây, “RMS” đã trở thành một sinh hoạt văn học quen thuộc trong đời sống tinh thần của cộng đồng Việt ở hải ngoại. Không những thế nó còn là một hiện tượng “boom” trong các sinh hoạt tinh thần, bên cạnh các “boom” đại nhạc hội dưới đất và các “địa điểm” (website) thi ca trên trời.
Nổi bật của RMS trong năm 2003 là những cuốn hồi ký của một số nhân vật được trình làng tại nhiều thành phố khắp nước Mỹ. Riêng tại Thung lũng Điện tử này, đồng hương, đồng bào đã lần lượt tiếp nhận năm cuốn hồi ký của năm tác giả cùng viết về cuộc chiến đấu về cái chết, cái sống của miền Nam, nhưng nội dung khác nhau về các địa hạt, do cương vị của mỗi tác giả từng đi qua trong bối cảnh thời thế của họ.
Hồi ký Trả Ta Sông Núi của đại tá Phạm Văn Liễu gây ồn ào hơn cả. Ngay trong khi vừa mở màn RMS tại “rạp” đã có biểu tình đả đảo. Sau khi cuốn hồi ký được tung ra, nhiều bài viết phản bác và lên án tác giả là xuyên tạc lịch sử là tự tâng bốc bản thân, là... là v.v....
Luật sư Lê Trọng Quát với hồi ký “Việt Nam Đi Về Đâu – Huyền Thoại Và Sự Thật 1930-2000” chia làm hai cuốn dày 1062 trang, sau một lần RMS đã in ấn bản lần thứ hai.
Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn, riêng tại San Jose đã quy tụ trên 500 người trong lần RMS đầu cuốn Đất Nước Tôi với số sách bán được bằng con số người tham dự. Sách bán hết sạch sau hai lần RMS tại Westminster và Sacramento, nên có một bữa tôi gặp tác giả đến năn nỉ nhà in cho in gấp thêm 500 cuốn trước.
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ tung ra cuốn hồi ký Tôi Phải Sống, sau một thời gian được dư luận chú ý qua vụ Bùi Đình Thi (phạm tội ác trong các trại tù cải tạo, bị Sở Di Trú Hoa kỳ bắt, truy tố và làm thủ tục trục xuất). Linh mục Lễ đã tổ chức ra RMS quyển hồi ký 21 lần tại 21 địa điểm khác nhau trong thời gian chưa đầy một năm, ở các tiểu bang Hoa Kỳ. Số sách bán được trên mười ngàn (10.000) quyển. Đây phải kể là quyển sách best seller trong các quyển sách Việt ngữ xuất bản tại hải ngoại xưa nay. Tác giả đã trở về Tân Tây Lan (New Zerland) để ... ăn Tết ta, sau đó sẽ trở sang Mỹ. Không biết khi trở lại Hoa Kỳ, linh mục còn đưa tác phẩm đi chu du những nơi nào nữa?
Một cuốn hồi ký khác, “Dòng Họ Ngô Đình – Ước Mơ Chưa Đạt” của ông Nguyễn Văn Minh xuất hiện đúng vào dịp lễ giỗ lần thứ 40 Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng hai bào đệ, cố vấn Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn. Cuốn sách này ra mắt độc giả Bắc California vào tháng 11-2003 do Mai Hân, Gám đốc Little Saigon Radio và Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn tổ chức. Lần RMS tại đây 300 quyển sách bán hết trong vài ba tiếng đồng hồ.
Sau các cuốn hồi ký, nếu kể từ đầu năm, họa sĩ Vũ Hối đã “xông đất” RMS tại thủ phủ Sacremento CD và tập thơ Mây Ngàn vào ngày 9 tháng 2. Một tháng sau, cũng tại Sacramento nhà văn Ngô Viết Trọng ra mắt tập truyện Ngõ Tím. Tác giả này, sau ba tập truyện Vết Hằn Mùa Xuân, Tình Hận, và Ngõ Tím, mới đây vừa ấn hành cuốn tiểu tuyết lịch sử “Công Nữ Ngọc Vạn” chưa có RMS. Sau Ngô Viết Trọng, ca sĩ Thanh Lan và tập thơ “Tình Đầu” cũng RMS tại Sacranmento, rồi San Jose. Khác với Thanh Lan ca sĩ được ái mộ, Thanh Lan “thi sĩ” xuất hiện làm mất cân đối tiếng tăm cô ca sĩ tài danh này.
Lưu Dân Thi Thoại, Bút Luận 25 Năm Thơ Hải Ngoại của hai tác giả Diên Nghị - Song Nhị do Cội Nguồn ấn hành đã có một RMS long trọng với trên 300 khách và một số nhà thơ từ các tiểu bang xa về San Jose tham dự .
Vào một ngày tháng 9 tiết trời rất đẹp, kẻ viết bài này – một “người từ miền Bắc” – lần đầu tiên được đi xuống Westminster, miền Nam giới thiệu thi phẩm Vọng Khúc tại hội trường Nhật báo Người Việt trong lần RMS của Phan Thị Ngôn Ngữ từ Virginia bay sang. Lần RMS của thi phẩm này do hội Cựu Sinh Viên Vạn Hạnh Hải Ngoại tổ chức được coi là thành công mỹ mãn.
Rời “Vọng Khúc” ở Wetsminster, tác giả trở về Virginia, tôi trở về San Jose là ngấp nghé đến ngày RMS tập tạp văn Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo, tác giả là Trung Tá Không Quân VÕ Ý. Tác phẩm do CSTV Cội Nguồn ấn hành nên tôi được dự phần cùng Hội Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và Hội Không Quân trong Ban Tổ chức. LLDNCT được RMS mãi tận một câu lạc bộ của Mỹ – The Villages Golf and Country Club – trong một dạ tiệc với 250 khách tham dự. Tác phẩm này cho đến hôm nay đã sold out, chỉ còn một ít quyển gửi ở một vài nhà sách.
Lão Nho gia Thúy Sơn tuy tuổi đã ngoại bát tuần vẫn hăng say với chữ nghĩa. Tôi đến RMS Khúc Nhạc Tương Tư của ông với tất cả tình cảm của kẻ hậu sinh đối với một người trọng tuổi. Từ trước nay tôi vẫn kính trọng và ái mộ nét “bút lông” cùng cái vốn liếng chữ Hán của ông. Nhưng thật tình tôi thấy tội nghiệp khi ông đứng ra nhâản cái chức chủ tịch văn bút rồi cố đem hết sức già để làm một hai “tác phẩm” không phải để đời mà để RMS, hợp thức hóa cái “hư vị” mà chính ông đã thổ lộ công khai trước mọi người trong lần RMS ấy. Ông cho biết ông được đôn lên làm chủ tịch thay ông Đào Đức Chương. Ông nói đối với ông thật là khó khăn nặng nhọc vì “không phải là vác ngà voi mà vác cả con voi” (nguyên văn) .
Trước đó, tại Sàigon Business Center, nhà văn Trần Trị Chi RMS tác phẩm đầu tay - tập truyện Gia Phả - với số khách tham dự rất đông đảo, có nhiều nhân vật tiếng tăm trong cộng đồng. Người giới thiệu tác phẩm là ký giả Lâm Văn Sang. Thường ngày ông LVS viết bài tường thuật các buổi RMS rất đặc sắc. Ông nắm vững từng chi tiết, cái “dở” cũng như cái “hay” của diễn giả, nhưng lần này ông nói “không ai hiểu” như chính ông thừa nhận. Tôi ngồi nghe BS Nam nói với Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh “ Không hiểu anh ấy nói cái gì!”. Khi gặp diễn giả đang hút thuốc phía ngoài tôi hỏi “Số báo tới ai viết bài tường thuật buổi này?” Anh cười vui vẻ đáp: “Tôi viết”.
Sau Cuộc Chiến là tập thơ thứ tám của nhà thơ nữ Cao Mỵ Nhân do Cội Nguồn ấn hành, RMS tại San Jose vào những ngày cuối năm tiết trời lạnh, nhưng có nắng vàng rực rỡ trên khắp thung lũng điện tử Silicon Valley.
Thêm một RMS khác cũng tại San Jose của tập thơ Yêu Dấu Tan Theo, được tác giả Sương Mai mang từ Fair Oaks, tận phía bắc về tổ chức nơi Thánh đường Tự Do.
Sau Sương Mai là RMS của Huy Phương đến từ Nam California với tập tạp văn Nước Mỹ Lạnh Lùng. Mặc dù là người từ Nam lên, “xuất chiêu” lần đầu nhưng buổi RMS này có một không khí rất thân tình văn nghệ giữa những thân hữu, người tổ chức như Nguyễn Thanh (Sacramento), Kim Oanh, Nguyễn Trung Dũng (San Jose) và tác giả.
Mãi từ Bắc Âu hai ông bà Nguyễn Hữu Nhật, Nguyễn Thị Vinh cũng đưa tới Bắc Cali mấy tác phẩm trong một RMS do một số thân hữu tổ chức. Còn phải kể thêm RMS của Nguyễn Lân ( con nhà văn Hoàng Đạo) tại Café Lovers, San Jose, do hội cựu nữ sinh Gia Long bảo trợ. Rồi thì Ngọc Thủy, rồi thì tập thơ-văn-Hoa-Vàng do Ngọc An tuyển chọn, RMS tại nhà hàng Phú Lâm.
Nữ nghệ sĩ Bích Thuận, như thông lệ hàng năm, khoảng cuối quý III, đầu quý IV, bà lại bay từ Pháp sang Mỹ tham dự những sinh họat văn nghệ với bà con đồng hương tại một vài thành phố. Bắc Cali, mà San Jose là trạm dừng chân lâu hơn cả. Người ta còn nhớ, tháng 2-1999 CSTV Cội Nguồn tổ chức một RMS – đúng ra là RMCD – cho người nghệ sĩ này xuất hiện lần đầu trên sân khấu văn nghệ Bắc California. Bà con yêu Hát Bộ, Cải lương kéo đến rần rần, đầy “rạp”. Vừa qua cũng tại địa điểm năm xưa ấy, một RMS với tập hồi ký “Từ Vân Hồ Đến Unesco” của Bích Thuận được giới thiệu tới độc giả mến mộ. Khác với RMCD trước kia, lần RMS này của NSụ Bích Thuận đã để lại nhiều “dư âm”, để có chuyện cho khách trà dư bàn tán, cho kẻ nói đi, cho người nói lại, kể cả trên mấy tờ báo.
Chuyện chữ nghĩa còn loanh quanh ở một số bài viết, như bài điểm sách “Văn Nhân Lục” của Diên Nghị và Song Nhị trên Trang Văn Học Cội Nguồn, bài “Trận Giặc Văn Bút Tái Diễn” của Lão Trượng trên Thời Báo đã làm các “nhà văn” trong cái “Ban Chốp Hành” Văn Bút Canada - Bắc Cali phản ứng bằng thư I-Meo đến tòa Soạn và người Điều Hành Cội Nguồn, phản đối gay gắt. Điều khó hiểu là không biết hai ông bà Nghĩa-Hương, với nhà “đại thi hào” Yên Sơn nào đó từ Texas lấy tư cách gì mà gửi thư đến “khủng bố tinh thần” CSTV Cội Nguồn.
Nhưng mà thôi, năm hết Tết đến, chúng ta quên hết chuyện cũ để sửa soạn cho năm mới cái mới hơn. Chúng ta có ân oán hận thù gì nhau đâu. Xin chúc nhau lời chúc thân mật và thật thà là quý lắm rồi. Mong làm sao những người cầm bút quốc gia chân chính sáng suốt để đừng bị lọt sàng rớt vào những vùng xôi đậu.
Chúc Mừng Năm Mới.
sn.










Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả