TẢN MẠN... BA NGÀY XUÂN VỀ VUI BUỒN ĐỜI VIẾT VĂN

Năm tàn, Tết đến...
Các báo khắp nơi gởi thư xin bài tới tấp, “quíu” quá chừng vì làm sao có bài mới để gởi đi từng ấy báo? Nên đôi lúc một bài phải gửi hai, ba nơi. Xin lượng thứ cho vì thân này đâu thể ví xẻ làm... hambuger được?

Để làm quà đầu năm cho bạn đọc, dĩ nhiên đã có những truyện ngắn rồi. Bây giờ phải lồng vào... tản mạn này, có nghĩa là... thấy gì nói nấy, nghĩ gì ghi lấy để... vui buồn có nhau 3 ngày Xuân nhé bạn!

Chà, mở đầu cái chuyện đâu... mấy năm về trước khiến cho đầu óc tôi phải... quay về kỷ niệm mới nhớ cho có lớp lang thứ tự để bạn mới hiểu được. Số là sau khi tôi vừa trình làng một tập truyện ngắn “Hình Như Là Tình Yêu” được nhà sách Đại Nam, Tú Quỳnh, Lê Phan ủng hộ nhiệt liệt, còn lại mấy thùng sách chẳng biết thế nào để tiêu thụ nốt, tôi gởi đi biếu các báo... thì độ một tháng sau, anh Việt Hùng chủ nhiệm kiêm chủ bút nguyệt san Phương Đông ở Boston điện thoại cho biết vài độc giả đặt mua quyển sách ấy, yêu cầu tôi gởi cho anh 10 quyển, tôi vội gởi ngay sau đó. Rồi chỉ một tuần lễ sau anh điện thoại cho tôi giọng hoảng hốt:
- Chị Ái Khanh ơi! Chết rồi! Tập truyện ngắn của chị... bị nạn rồi!
Tôi hồi hộp:
- Anh nói sao? Nói rõ lại giùm đi, tôi không hiểu anh nói gì hết.
Anh Việt Hùng vừa thở vừa kể lể:
- Tôi vừa... ở đó về đây...
Tôi cắt ngang:
- Ở đó là ở đâu? Anh nói giùm đầu đuôi tôi coi!
- Câu chuyện thế này nè! Chuyện ngắn “Tìm về kỷ niệm” của chị có người đòi thưa chị cũng như tờ báo của tôi vì họ nói chị nói xấu dân tộc Miên của họ.
Tôi xin mở ngoặc nơi đây để sơ lược cốt truyện: Một cô gái bán nước mía ở chợ Bến Thành, Gài Gòn, được một thanh niên Việt gốc Miên đem lòng yêu thương, theo đuổi và xin cưới. Khi về làm vợ một thời gian cô khám phá ra chồng mình và cậu em chồng làm nghề trộm đạo. Cô bỏ về nhà mẹ. Mẹ thương con đi tố giác với phường khóm, chàng rể bị bắt vào tù. Người con gái xấu hổ với xóm làng bỏ đi biệt tích. Khi chàng thanh niên ra tù cậu ta tỏ vẻ ăn năn đã đánh mất một tình yêu rất đẹp, cậu đi xin việc làm và chờ đợi...”
Nghe anh Việt Hùng nói tôi vẫn hy vọng:
- Chuyện chỉ là hư cấu mà anh! Hơn nữa, tôi nghĩ chắc chẳng ai có tiền để đưa cho luật sư ăn trong khi sự thắng kiện rất mong manh vì thua họ sẽ trả hết phí tổn... Tôi nghĩ chắc không sao đâu anh!
- Trời ơi! Khổ quá chị Ái Khanh ơi! Ông này là... luật sư!
- Hả? Anh nói thiệt không vậy? Luật sư Miên mà đi đọc truyện ngắn Việt?
- Thì bởi... Trời ơi, tui lo quá, ổng là luật sư thiệt đó!
- Bộ anh gặp ổng rồi sao?
- Ổng vừa gọi tôi tới văn phòng ổng nè. Thiệt khổ quá, ổng lại là người quảng cáo trong tờ báo tôi nữa!
Tôi nao núng:
- Chết! Vậy bây giờ làm sao?
- Trời! Nếu tôi biết làm sao thì đâu có gọi chị làm gì? Hay là tôi cho chị số phone chị gọi thẳng nói chuyện với ổng xem sao nha. Hy vọng chị nói chuyện, ổng thông cảm hơn.
Tôi miễn cưỡng ghi lại số phone, lòng hồi hộp, rối bời không biết nói gì, tìm vội tờ báo Phương Đông để coi... mặt mũi ông luật sư này ra sao? Thấy mặt mày có vẻ hiền lành, trí thức trên hình tôi an tâm bấm phone... Hú hồn! Không có ai bắt phone có lẽ chiều quá rồi? Hoãn binh được chút nào hay chút đó.
Qua một đêm thao thức, mặt mũi bơ phờ, suốt ngày làm việc mà dạ chẳng yên. Tôi cứ tưởng tượng ra cảnh bị thua kiện, tiền đâu để chi đây? Rồi 2 thằng nhóc nếu mình có gì ai lo cho nó?
Tôi lê lết về nhà, lòng buồn rười rượi, phone cho ông anh, cho người bạn ai cũng như ông xã tôi cứ bảo không sao. Ai cũng lý luận truyện chỉ là do tưởng tượng, hư cấu...v.v... Đang định gọi anh Việt Hùng thì anh đã gọi, anh cười vui vẻ:
- Ổn rồi chị Ái Khanh ơi!
Tôi hớn hở:
- Sao? Anh nói sao mà ổn vậy?
- Tôi mời ổng đi uống cà phê ca bài con cá, giải thích một hồi ổng đồng ý bỏ qua...
Thoát nạn, tôi thấy vui trở lại...

Rồi chuyện “Bóng Ngả Cô Đơn” của tôi được đăng lên báo địa phương, một bạn thơ của tôi... chỉ điểm nơi tôi làm việc, ngay hôm sau tôi “được” một chàng đến gặp tôi và hỏi:
- Sao chị lấy chuyện tôi để đăng báo vậy?
Tôi ngơ ngác:
- Chuyện nào của anh!
- Chuyện “Bóng Ngả Cô Đơn”. Trong đó chị kể vợ tôi bỏ tôi để đi lấy ông “xếp” của bả!
Lại một màn... thanh minh thanh nga, nhưng nhờ sau đó anh chàng thường lui tới nơi tôi làm việc mới biết tôi... chẳng biết anh ta là ai thì làm sao mà đem vào truyện được?
Một lần tôi và ông xã tôi vào tiệm ăn, gặp hai thanh niên tiến đến chào hỏi và một người nhập đề như đã chuẩn bị sẵn trong bụng:
- Nè chị Ái Khanh câu chuyện “Nghe Những Tàn Phai” của chị hay, tôi thích lắm nhưng sao chị ác quá, người vợ đã bị chồng mới bỏ rồi bả quay về xin lỗi ông chồng rồi sao... chị không tha thứ cho bả?
Tôi mỉm cười:
- Tại ông chồng bả không tha thứ chứ đâu phải tại tôi không tha?
Sau đó họ xin số phone rồi chào để đi không quên nhắc nhở ngày nào ra mắt tập truyện mới đừng quên họ.
Một buổi chiều mưa tầm tã, tôi đang trú mưa bên hiên tiệm tạp hóa Tiến Hưng chờ dứt cơn mưa, một bé gái độ 14, 15 tuổi tiến đến chào tôi rồi cô bé ngập ngừng hỏi:
- Cô Ái Khanh ơi! Cháu hỏi cô câu này có được không?
- Có gì cháu cứ hỏi đi! Đừng ngại gì hết!
Cô bé im lặng như để sắp đặt câu hỏi rồi ấp úng:
- Cái chuyện “Cuối Đường Hạnh Phúc” cuối cùng bà vợ lớn chết ở VN cô bồ có đi Hawaii hay ở lại với ông chồng? Như vậy cái vé máy bay có lấy tiền được không cô?
Tôi phì cười với sự ngây thơ của cô bé. Để làm vui lòng một độc giả tí hon tôi hỏi:
- Cháu muốn họ ở lại với nhau hay muốn họ phải xa nhau?
Cô bé cười láu lỉnh hơn:
- Cháu muốn họ được ở với nhau cơ!
- Ừ thì cứ coi như họ sẽ ở lại đi!
- Vậy cái vé mua lỡ rồi thì sao?
Tôi nhìn cô bé để ước chừng cô qua Mỹ bao lâu rồi đáp theo suy nghĩ của mình:
- Chắc phải mất 50% nhưng mà có mất trọn cái vé để được bên nhau cũng đâu phải đắt phải không cháu?
Cơn mưa dứt, cô bé chào tôi và chúng tôi chia tay.
Còn câu chuyện “Ngã Ba Sông” các chị trong Cộng Đồng gặp tôi, cầm tay tôi siết chặt và kể cho tôi biết họ đã rơi lệ khi đọc truyện ấy. Tôi muốn mùa Xuân này các chị cười thay những giọt lệ đã qua và để kết thúc tản mạn này tôi xin gởi đến một chuyện ngoài đề những tác phẩm của tôi để chúng ta cùng cười vì đây không phải chuyện vui mà tôi “cóp” được ở một báo nào đó lâu rồi tôi cũng quên mất tên tờ báo.
Câu chuyện thế này: Ở VN trong một đám tang, người con gái hiếu thảo khóc cha rất thảm thiết, chợt cô khóc kể một câu khiến mọi người... hoảng hồn tưởng cô quá đau đớn, xúc động mà nói năng bất nhất chăng, cô ta khóc thế này:
- Khốn khổ cho thân cha, cha ơi là cha, “con đẻ cha ra làm gì” cha ơi là cha...
Sau tìm hiểu mới biết ba ngày trước, cô sinh con đầu lòng, bố của cô ở tít nhà quê, khăn gói ra tỉnh thăm cô và để nhìn mặt đứa cháu ngoại vừa ra đời, chẳng may ông bị xe đụng chết nên câu “con đẻ cha ra làm gì” khiến mọi người đi dự đám tang ngẩn tò te vì thế...

Những câu chuyện loanh quanh đời sống của tôi cũng không kém phần quan trọng là mục “gỡ rối tơ lòng” của tờ báo Rạng Đông tại Atlanta, thỉnh thoảng cũng giúp được độc giả thân mến để giải quyết nhiều vấn đề mà tự họ không tìm được cách nào để thoát ra... Những tấm chi phiếu tuy không nhiều lắm của độc giả bất ngờ gửi tới tặng là những món quà nho nhỏ nhiều lúc tôi lặng người vì cảm động.
Về truyện “Lấy Chồng Xứ Lạ”, có một cô bé tên Thái Hoa Tím ở tận Đài Loan gửi email cho tờ Việt Nam Nhật Báo để tìm tôi làm quen. Câu chuyện của cô tương tự “lấy chồng xứ lạ” mà tôi tưởng tượng nên thư qua, lại rất thân thiết... tôi vui vì đã cho cô bé một điểm tựa để bớt rơi nước mắt khi mở băng nhạc Việt ra nghe hò “Mẹ ơi! Đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?”. Những lời tâm sự của Thái Hoa Tím thật dịu dàng, dễ thương. Thật đáng buồn cô đã lấy phải người chồng quá khắc khe!

Ước mơ thật giản dị của tôi là đem được cho độc giả gần xa những niềm vui, dù bé nhỏ, là cũng cho tôi được một mùa xuân ấm áp trong những ngày sống xa quê hương rồi. Phải không các độc giả thân mến của tôi?

Đây là nụ cười mỉm dành cho độc giả thân yêu của tôi. Hẹn... tản mạn năm sau.




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả