Song Nhị
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


GIỮA THƠ VỚI THƠ


Những Mảnh tình Trong Khuôn Viên Đại Học
Thơ VIỆT BẰNG

GIỮA THƠ VỚI THƠ
Song Nhị


Người xưa cho rằng một trong những cái vui sướng nhất đời, là xa quê hương nghìn dặm mà gặp lại được người bạn cũ. Thiên lý tha hương ngộ cố tri. Đã hơn ba mươi năm từ ngày rời xa giảng đường và khuôn viên đại học, đến một lúc cách xa quê hương nửa vòng trái đất, tôi gặp lại anh - người bạn học cũ - trên xứ lạ quê người.
Như một tình cờ, cuối cùng Thơ đã là trung gian cho tình thân, tình bạn, tình bút nghiên để xích lại gần nhau. Cuộc tái ngộ giữa tôi và Việt Bằng cũng là cuộc tái ngộ giữa thơ với thơ.
Cách đây hơn hai năm, Việt bằng trao cho tôi bản thảo tập ÁNH MẮT TÌNH NHÂN và muốn tôi viết cho bài tựa. Tôi đã viết và bài tựa đó… ... bỏ quên. Nay anh tìm lại, cùng với một số bài thơ khác, gửi đến, với mong muốn tôi viết tựa cho tập NHỮNG MẢNH TÌNH TRONG KHUÔN VIÊN ĐẠI HỌC mà anh đang tiến hành in ấn.
Tôi vốn dĩ sống nhiều với nội tâm, quý trọng những thân tình và kỷ niệm. Cho nên khi gặp lại Việt Bằng, kỉ nệm và tình thân bảo tôi viết bài tựa này mà không chút so đo. Ngày đó, sinh viên Lê Xuân Tiếu, tên thật của Việt Bằng, cũng là một nhà giáo, dạy môn Triết tại một trường công lập ở Kiến Hòa. Anh ghi danh lớp Triết Học Đông Phương tại đại học Vạn Hạnh sau khi đã học xong bên Văn Khoa Sài Gòn. Anh là bạn cùng khoa với tôi: Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn. Thời gian anh là Chủ Tịch Ban Đại Diện SV Phân khoa này thì tôi đã rời trường vào quân ngũ.
Con người luôn luôn có nụ cười tươi vui cởi mở ấy lại ẩn chứa trong tâm hồn những trăn trở ưu tư về thế sự, nước non, những sôi nổi dạt dào rung cảm của con tim; những suy tư trầm lặng trước lẽ biến thiên của cuộc đời, những hư thực mất còn giữa thực tại và ảo ảnh của tình yêu và cuộc sống ...
Việt Bằng làm thơ từ những năm đầu thập niên 60. Ở cái tuổi thanh niên tràn đầy mơ mộng và yêu thương say đắm ấy, thơ Việt Bằng là những lời tỏ tình chân chất, nói thẳng, nói thật, không màu mè, không dáng điệu:
Người đâu biết tôi yêu người không kể xiết
Mang thư người vào lớp học đọc say mê
Việt Bằng đã đi vào tình yêu và đi vào thơ từ buổi đó. Tình yêu là một cuộc săn đuổi, kiếm tìm bất tận; là một sự tra vấn, dằn vặt trước một đối tượng bằng xương bằng thịt rất thật, nhưng lại là một ảo ảnh, lại là một bóng dáng mập mờ ẩn hiện, vì thế mà nhà thơ cứ làm thơ tình mãi cho đến ngày hôm nay. Thơ tình của Việt Bằng thời tuổi học trò chân chất, thật thà bao nhiêu thì khi đã già dặn trong trường đời và trường tình, thơ Việt Bằng lại “triết lý” bấy nhiêu. Tôi cho rằng chẳng phải vì anh “bị méo mó nghề nghiệp” của một thời học triết và dạy triết mà vì thời gian và sự từng trải, đã cho anh thấm nhuần cái lẽ hư thực của cuộc đời khi đã nếm đủ mùi vị ngọt đắng của tình yêu. Đọc thơ Việt Bằng, bạn sẽ nhận ra những gì theo cảm quan của bạn rồi bạn liên tưởng tới lời nhận định của tôi. Trong tập Ánh Mắt Tình Nhân trước đây, tôi thích những bài thơ của Việt Bằng về tình yêu như bài Thuở Ấy, Hình Ảnh, Lưu Luyến.
La Rochefoucauld, nhà luân lý học người Pháp thế kỷ 17 nói rằng: “Chỉ có một thứ ái tình mà thôi, nhưng có đến cả ngàn bản sao” (There is only one kind of love, but there are a thousand imitations). Tôi đã đọc được rất nhiều “bản sao” trong tập thơ “Những Mảnh Tình Trong Khuôn Viên Đại Học” của Việt Bằng. Những “bản sao” đó anh đã trao gửi đến những người bạn học, những người bạn thơ và những người bạn …... tình mà anh đã gặp gỡ, quen thân. Và thơ là một trung gian thơ mộng và hữu hiệu nhất.
Việt Bằng đã đến với bạn hữu như đến với thơ và do đó thơ anh đã được trao gửi đến từng người bạn, bạn tình thơ như Cao Mỵ nhân, Ngô Tịnh Yên, Trần Vấn Lệ, bạn trong khuôn viên đại học như Thùy Vân (SJSU), Tuệ Phương (CSU)… còn có cả những bóng hình khác như Đan Phượng, như Mai Sơn, như Kim Phụng…. Đọc hết những bài thơ Việt Bằng gửi tôi, trong tập “những Mảnh Tình Trong Khuôn Viên Đại học”, tôi vẫn ưa thân cận với những bài thơ có vần. Có một số đoạn, một số câu tôi nghe, tôi cảm rất thấm, như trong bài “Hai Nửa Trái Tim”, một nửa còn, một nửa mất, viết theo ‘một Nửa” của Sương Mai:
Ý thơ bất tận dạt dào
Nửa ra hiện thực nửa vào mộng mơ
.. .. ..
Tìm đâu hoa mộng thênh thang
Nửa tim rất trẻ, nửa sang tuổi già

Cuộc tình đến lúc chia tay
Nửa vơi nỗi nhớ, nửa đầy nỗi thương!
(Hai nửa trái tim)
Đúng là “tìm đâu hoa mộng thênh thang, nửa tim rất trẻ, nửa sang tuổi già”. Việt Bằng còn rất trẻ trong tình yêu, trong nỗi rạo rực của con tim. Do đó thơ tình của anh rất tha thiết, ngọt ngào, tình tự:
Em về cho gió nương theo
Cho tôi ngơ ngẩn quạnh hiu nỗi lòng
(Dạ Vũ Xanh )
Có khi anh ngồi hồi tưởng lại, nỗi nhớ mênh mông, “đường khuya bước nhẹ không đành lòng xa”, xa lối về xưa:
Tóc em thơm nắng. Hạ xưa
Lối về ngày ấy. Còn chưa biết buồn
(Tháng Năm)
Cảnh không giữ được người. Người phải ra đi, vì “em cũng không níu lại”, cho nên cõi hồn hoang vắng, hoang vắng bởi vì không được yêu, và bởi vì “đã tiếc gì với nhau”. Đó là bài thơ “Tiếc Gì Với Nhau”, tác giả tặng nhà thơ nữ Ngô Tịnh Yên:
Cảnh không giữ được chân người
Vì em chưa níu áo người ra đi
Hồn tôi hoang vắng lạ kỳ
Nếu yêu chẳng có tiếc gì với nhau.
Cũng thật là lãng mạn khi nói về tháng Chín. Tháng chin có gì đây? Tháng chin có mùa thu, tựu trường. Tình cảm trẻ thơ hồn nhiên như đóm than hồng, cô bé vào lớp thưa thưa với thầy: “anh ấy tắm .. ném bùn dơ áo con”. Rồi đến tuổi 15, yêu kiều, e ấp.. .. cho đến tháng Chín rất xa xôi về sau, người thơ ngồi mơ về kỷ niệm cũ:
Bờ ao cá động chân bèo
Bờ ao em tắm trăng treo đêm rằm.
Đấy là bài thơ “Tháng Chín” tác giả tặng Cao Mỵ Nhân.
Rồi đến tháng Mười. Có một tháng Mười nào đó, tác giả về thăm quê hương. Tác giả là dân Thái Bình, Hà Nội. Anh đã xa đất ngàn năm văn vật ấy từ đầu thập niên 50. Xa quê hương hàng chục năm dài đằng đẵng ấy ai mà không mơ ước một lần về. Nỗi mừng vui khi đặt chân lên mảnh đất, con đường, ngõ phố trên lối cũ quê xưa là một tình cảm tự nhiên. Tác giả đã bộc lộ niềm vui sướng ấy bằng cảm quan lý trí hơn là tình cảm nội tâm. Tôi hình dung có những nụ cười bên tiếng khóc, có những vui tươi rộn rã bên tức tưởi nghẹn ngào, có những lộng lẫy màu mè bên những tối tăm, u ám… .. ..
Đọc bài thơ Tháng Mười (tr110), tôi khựng lại ở cảm nghĩ này. Bạn đọc cũng có thể hiểu khác đi mà không đồng tình, nhưng đó là ý lời phát xuất từ suy lý của tác giả, xin trích vài đoạn:
Đường thời gian xin cứ thật dài
Để có những ngày
Tôi về thăm tổ quốc, (dấu phẩy)
Chưa bao giờ đẹp như hôm nay. (chấm)
Một ngày tháng Mười
Giữa quảng trường màu áo ai bay
.. .. ..
Ở nới ấy
Có ánh đèn màu lộng lẫy
Có những bờ môi đỏ thắm tình người
(tháng mười- tr.110)
Xin cảm ơn bạn Việt Bằng đã dành cho tôi một vinh dự. Tôi xin nhắc lại, kỷ niệm và tình thân bảo tôi viết bài tựa này mà không chút so đo.
sn.









Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả