Nhạc Sĩ Nguyễn Anh Dũng

Nguyễn Anh Dũng xuất thân từ một gia đình mà Ông nội anh là một nhạc sĩ nhạc cổ truyền. Sau khi thân phụ anh vượt biên ra nước ngoài, vì cảm thấy buồn nên Ông đã cho một người Anh và Chị của Dũng đi học guitar phím lõm để đàn cho vui. Trong một thời gian ngắn, Ông cho Nguyễn Anh Tuấn, người anh kế của Dũng, đi học đàn. Trong thời gian đó, Nguyễn Anh Dũng đã được Ông cho đi theo chơi. Ngay trong những giờ đầu, Anh Dũng đã tiếp thu được hoàn toàn những gì mà Nguyễn Anh Tuấn đã học. Đó là cơ duyên đưa anh đến thế giới âm nhạc. Kể từ đó, anh vẫn tiếp tục xem anh Tuấn học đàn, rồi khi về tập dượt thì được Ông chỉ dẫn thêm. Bên cạnh đó, Ông cũng đã dẫn Anh Tuấn và Anh Dũng đi chơi đàn ở nhiều nơi và gặp rất nhiều những nhạc sĩ cổ nhạc nổi tiếng ở Sài Gòn thời bấy giờ như Nhạc Sĩ Hai Ngưu và Nhạc Sĩ Chín Tâm để học hỏi và trau giồi thêm cho ngón đàn của mình. Khi sang định cư tại Melbourne, Anh Dũng lại có cơ duyên với âm nhạc Tây Phương, khi một người cậu của anh lập ban nhạc và đang cần người chơi guitar. Cậu đã khuyến khích Anh Dũng học guitar để chơi cho ban nhạc. Từ đó Anh Dũng bắt đầu tự học guitar. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Toán Học, Nguyễn Anh Dũng đã quyết định ghi danh học bộ môn âm nhạc tại Nhạc Viện thuộc Đại Học Monash Úc Châu, chuyên về thể loại nhạc Jazz, đồng thời anh cũng học nhạc cổ điển Tây Phương và âm nhạc của nhiều sắc tộc khác trên thế giới như âm nhạc của Á Châu và Phi Châu.

Trong buổi họp mặt với Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa tại Melbourne vào cuối tháng Chín năm 2003, khi Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa kể lại chuyện lúc Ban Quản Trị Dàn Nhạc Giao Hưởng Melbourne hỏi ông, Nhạc Sĩ nào sẽ chơi những nhạc khí cổ truyền trong tác phẩm Việt Nam 1975 của Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa, nếu tác phẩm này được chọn để trình diễn tại Thế Vận Hội Khối Thịnh Vượng Chung tại Melbourne vào năm 2006, Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa cho biết lúc đó ông nghĩ ngay đến Nguyễn Anh Dũng. Những nhạc khí cổ truyền mà Anh Dũng sử dụng được gồm đàn tranh, đàn bầu, đàn cò, đàn nguyệt, đàn sến, tỳ bà, guitar phím lõm, guitar Hawaiian, violin, tiêu và sáo (âm nhạc cổ truyền). Ngoài ra Anh Dũng còn sử dụng được guitar Tây Phương, keyboards và bass.

Trong năm 2003, Anh Dũng đã sáng tác, soạn nhạc, và trình diễn nhạc khí cho vở kịch Coup d’Etat của Melbourne Theatre Company. Vở kịch đã được trình diễn tại Victoria Arts Centre trong vòng một tháng rưỡi, từ thứ Hai đến thứ Bảy trong suốt thời gian này. Trong mục điểm kịch đăng trên báo Sunday Herald Sun tại Úc Châu vào ngày 24-8-2003, Catherine Lambert đã viết: “Hãy để ý đến chàng Nhạc Sĩ Nguyễn Dũng này” (Keep your eye on Musician Nguyen Dung). Ngoài ra, Anh Dũng cũng có thu đàn guitar Tây Phương cho nhạc sĩ Tùng Châu trong Thúy Nga Paris. Anh Dũng chơi nhạc Jazz cho nhiều ban nhạc khác nhau trong những Câu Lạc Bộ ở Melbourne và tham gia trong những chương trình kịch nghệ do người Úc tổ chức. Anh Dũng và Anh Tuấn cũng đàn cải lương cho các nghệ sĩ tại Úc Châu. Anh cũng đóng góp vào những chương trình tân nhạc Việt Nam trong cộng đồng người Việt tại Úc Châu. Vào tháng 10 năm 2003, Anh Dũng và một số những nhạc sĩ Úc trong ban nhạc Way Out West đã cho phát hành dĩa CD có tựa đề là Footscray Station. Việc gặp gỡ Nhạc Sĩ nhạc Jazz Peter Knight, sáng lập viên của ban nhạc Way Out West, cũng là một dịp may tình cờ đến với anh khi anh đang làm việc tại Footscray Arts Centre. Peter Knight nghe Anh Dũng chơi đàn guitar phím lõm thì ông nhận thấy có nét đặc sắc khác lạ, nên đã mời Anh Dũng đàn cho đĩa CD của ban nhạc Way Out West của ông. Trong CD này, Anh Dũng đã sử dụng những nhạc khí cổ truyền như đàn tranh, đàn bầu, guitar phím lõm, đàn nhị, nhưng lại chơi theo thể loại nhạc Jazz, tạo nên một sắc thái độc đáo Đông Tây hòa hợp. Lối chơi này đã khiến cho bản nhạc không hẳn là nhạc Jazz mà là sự kết hợp giữa nhạc Jazz Tây Phương với nhạc cổ truyền Việt Nam nói riêng, âm nhạc Á Đông nói chung. CD Footscray Station có hình bìa là sân ga Footscray lẻ loi vắnh tanh vào ban đêm. CD này được trình diễn bởi nhiều nhạc sĩ thuộc các sắc tộc khác nhau như Nhạc Sĩ Paul Williamsons (saxophone), chuyên về Blues Jazz, Ray Pereira (percussions) chuyên về nhạc Châu Phi, Howard Cains (acoustic bass) cùng một vài nhạc sĩ khác nữa như Leo Dale (flute), Scott Lambie và Tony Floyd (drums), Martin Breeze (vocals). Có sống ở Úc Châu, và đặc biệt ở vùng Footscray, một địa phương nằm phía Tây của tiểu bang Victoria, ta mới có thể cảm nhận trọn vẹn được tính đa dạng hài hòa của một đất nước theo chính sách đa văn, một đất nước nhân từ và bao dung đã mở rộng vòng tay đón nhận một số lượng khá lớn những người Việt vượt biên tị nạn vào Úc. Số lượng khá lớn so với mức độ thu nhập người tị nạn của toàn nước Úc vào thời bấy giờ (khoảng đầu thập niên 1980). Nước Úc đã khuyến khích những di dân lập nghiệp tại đây bảo tồn tiếng nói và những truyền thống văn hóa riêng của quốc gia mình, đồng thời hòa nhập vào một xã hội chính mạch. Footscray là nơi tập trung đông đảo người Việt cũng như những sắc dân khác. Nếu hình bìa CD Sân Ga Footscray tạo cho ta cái cảm giác heo hút trống vắng vào ban đêm, thì ban ngày, sân ga Footscray là một sân ga rộn rịp nhất tại vùng phía Tây, với tấp nập những người chờ đợi chuyến tàu, và những chuyến tàu đổ bến rồi rời sân ga liên tục. Những âm thanh của tiếng còi tàu hú khi cập và rời bến đã được ghi lại trong 2 bản nhạc trong CD này. Địa danh Footscray này đã thể hiện được sự đa dạng và hài hòa của xã hội Úc, nơi mà dân tộc Úc, và các sắc dân đã chọn Úc làm quê hương thứ nhì, sống hài hòa bên nhau. Footscray trước đây vẫn được biết đến như vùng của những người dân bình thường lao động. Ở vùng Maribyrnong kế cận trước đây có một hostel đã là trạm dừng chân đầu tiên của những người Việt vượt biên tị nạn được Úc chấp nhận cho định cư tại quốc gia này vào khoảng cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980. Thời gian gần đây, Footscray lại mở rộng vòng tay đón nhận những người có tay nghề vững chắc, thường là những người trẻ tuổi đến nơi đây để lập nghiệp, vì vị trí vùng này gần trung tâm thành phố, và khi những công trình xây cất địa ốc phát triển tại Footscray trong thời gian gần đây. CD này đã được Ron Coleman của The Times tại Úc phê bình như sau: “CD này là một sự pha trộn giữa các nền văn hóa khác biệt nhau, và là sự kết hợp hài hòa giữa các nhạc khí và những âm hưởng do những nhạc khí này mang lại, khiến ta không thể nào nghe được những âm thanh như thế ở những nơi khác trên thế giới... CD này là kết quả của sự đầu tư của Hội Đồng Thành Phố vào những hoạt động văn hóa tại vùng phía Tây. CD phản ánh được tài nghệ của những nghệ sĩ tại vùng này” .

Theo Anh Dũng, nhạc Việt cổ truyền thường được ghi bằng chữ theo lối hò, xư, xang, xê, cống… rất căn bản. Người học chỉ đàn theo những chữ chánh mà theo. Việc ghi chép này có thể bị xem là một giới hạn, nhưng theo Anh Dũng, lối ghi chép này hàm chứa sự huyền bí và nét đặc biệt riêng của nó. Vì theo anh, lối chơi nhạc cổ truyền của ta là lối chơi theo ngẫu hứng dựa theo bài nhạc và sự tuần hoàn. Mỗi người nhạc sĩ khi trình diễn nhạc cổ truyền đều có phong cách riêng, tùy theo kỹ thuật và tâm trạng của người nghệ sĩ. Đây cũng là lối trình diễn của loại nhạc Jazz và một số nhạc ở các nước Á Châu như nhạc Indonesia Gamlan (Javanese): bài bản không cần phải được ghi chép cặn kẽ. Những người học theo lối cổ truyền này có lợi điểm là phát huy được lối đàn ngẫu hứng một cách sống động và thoải mái tuỳ theo năng khiếu và tâm trạng của người trình diễn. Theo anh, các bài bản nhạc cổ truyền miền Nam ghi bằng chữ hò, xự… cũng không được thống nhất lắm, vì dường như mỗi thầy có phương pháp dạy khác nhau. Điểm khó khăn lúc hòa đàn là người nhạc sĩ cần phải nhớ bài thật tốt, nếu không thì bài bản sẽ không được ăn khớp. Theo kinh nghiệm riêng của Anh Dũng, anh học thuộc bài bản bằng chữ trước rồi đàn sau, chứ không học theo lời ca. Bàn về phương pháp học đàn theo lối truyền ngón, Anh Dũng cho biết phương pháp này thường chỉ được dùng vào lúc đầu học đàn thôi, lúc đã vững vàng rồi thì anh lấy bài tự học. Tuy nhiên theo anh, nếu đã khá rồi mà còn được những bậc thầy giỏi chuyền lại ngón đàn độc đáo của mình thì dĩ nhiên càng tốt nữa. Đó cũng giống như các nhạc sĩ chơi nhạc Jazz chuyên nghiệp, học từng nốt nhạc và nháy đàn theo giống trong CD do những nhạc sĩ lừng danh chơi. Theo anh, đa số những người chơi nhạc cổ truyền đều học từ những vị thầy ngoài đời chứ không theo học trường lớp, nên đôi khi có phần không thống nhất về phương pháp giảng dạy, dù kinh nghiệm thực tế của những vị thầy này thì thật hữu ích cho học viên.

Về nhạc tính trong tiếng Việt, theo Anh Dũng, không phải chỉ tiếng Việt là tiếng nói của âm nhạc, mà có những ngôn ngữ khác cũng có thể được xem là ngôn ngữ của âm nhạc thể hiện được tâm hồn dân tộc nước đó, dù có thể thể hiện ở mức độ khác nhau. Người Việt ta đã lấy cây đàn guitar của Tây Phương nhưng làm cho phím nó lõm đi để tạo nên những âm thanh độc đáo của dân tộc mình. Ngôn ngữ Tây Phương không có những dấu sắc huyền nặng hỏi ngã như ngôn ngữ chúng ta nên trong âm nhạc Tây Phương không có những xể, xảng... Những nhạc khí của người Tây Phương thường không có phím lõm để tạo nên những âm thanh như âm thanh trong nhạc của ta nói riêng và của Á Châu nói chung.

Trong các bộ môn nghệ thuật nói chung, và trong lãnh vực âm nhạc nói riêng, theo Anh Dũng, ngoài trí tượng tượng và óc sáng tạo rất cần thiết đối với người nghệ sĩ, người nghệ sĩ còn cần phải có sự tinh tế, có óc khoa học toán học, có óc phân tích, nghiên cứu, và một tinh thần học hỏi cầu tiến hầu có thể đạt được trọn vẹn tiềm năng của mình.

Khi được hỏi về sự tương quan giữa người nghệ sĩ sáng tác và người trình diễn, Anh Dũng cho rằng một sáng tác được một nghệ sĩ có trình độ và phù hợp với khả năng của người trình diễn thì đương nhiên sẽ làm cho sáng tác đó có giá trị hơn, hay hơn. Người trình diễn, vì thế rất quan trọng. Ví dụ như một bản giao hưởng hay thì cần có một dàn giao hưởng thật xuất sắc để có thể diễn đạt được tác phẩm một cách hoàn hảo. Anh Dũng tâm sự anh rất thích thể loại nhạc Jazz và nhạc cổ truyền vì hai loại nhạc này có một mẫu số chung, đó là lối chơi đàn ngẫu hứng (trong khuôn khổ), một phong cách chơi nhạc mà người trình diễn có cơ hội để thể hiện phong cách trình diễn độc đáo của mình, đóng góp khả năng của mình vào tác phẩm âm nhạc mà họ trình diễn.

Hướng về tương lai, người Nhạc Sĩ tài hoa này tâm sự rằng anh thích tiếp tục trình diễn nhạc và sáng tác nhạc, và hy vọng sẽ trau giồi thêm khả năng âm nhạc của mình. Âm nhạc đã khiến anh tìm được sự thoải mái và hồn nhiên trong tâm hồn. Anh Dũng cũng hy vọng người Tây Phương sẽ cảm nhận được cái hay cái đẹp mang tính dân tộc của người Việt ta, qua những nhạc khí cổ truyền Việt Nam, qua những bản nhạc thuần tuý dân tộc. Anh ước mơ âm nhạc Việt Nam sẽ có dịp giao du với âm nhạc Tây Phương, điển hình là việc đưa nhạc khí cổ truyền và âm nhạc Việt Nam đi vào nhạc Jazz của Tây Phương.

Nếu âm nhạc được xem như một sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học, thì Nhạc Sĩ Nguyễn Anh Dũng có thể được xem như một thí dụ điển hình của sự kết hợp tuyệt vời này. Chúng ta đang chờ thưởng thức tài trình diễn nhạc cổ truyền của Anh Dũng trong buổi hòa nhạc của Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa tại Melbourne trong tương lai.

4-2-2004


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả