Song Nhị
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


ĐỌC HÀ TRUNG YÊN


NGẬM MÙI HƯƠNG NẮNG

Cho tới khi tác giả Hà Trung Yên tham gia sinh họat với Cội Nguồn tôi mới được đọc ông nhiều hơn. Những bài thơ đầu tiên của ông đến với tôi như một chén trà ngon, như một ly rượu quý của buổi sơ giao tình thi hữu. Thơ ông đã thấm vào tôi như một sẻ chia, an ủi cảnh ngộ của những con người ôm cả bầu trời quê hương đi theo quãng đời lưu lạc. Tôi gặp Hà Trung Yên không chỉ qua cái “tay bắt mặt mừng” khi ông bà đến San Jose mà qua thơ ông, tôi như quyện vào, hòa lẫn vào nỗi niềm tư duy của người bạn thơ đàn anh này:
Thôi đã vong thân tàn quốc sử
Mà nay viễn địa tủi tâm tình
............
Thời gian tóc rụng mang hư ảo
Hai sáu năm dài mộng tái sinh
Bởi cũng như ông, lúc nào trong tôi thanh âm cũ, bóng hình xưa, quê hương và trăm nghìn thân thuộc đã vời xa, nhưng ngày đêm âm ỉ:
Thổi sáo nghe từng âm đẫm lệ
Có gì thao thức suốt năm canh
(Tư Duy)
Lời thơ như thế, tâm sự như thế, như chén rượu rót vào hồn người, ngây ngất, tái tê. Chẳng phải tác giả ngồi ôm lấy quá khứ để than vãn, u-hoài mà là thể hiện nỗi lòng của những con người đớn đau trước vận mệnh tồn vong của non sông đất nước.
Đọc bản thảo Hương Nắng, của Hà Trung Yên tôi cảm nhận thêm lòng hâm mộ thơ ông.
Hương Nắng là vòm trời quê hương, là khung trời kỷ niệm, là thuở hoa niên, là ngõ phố, dòng sông, là cánh chim chiều bay về hướng núi, là con đường trải lá bàng rơi, là nhịp mõ, lời kinh; là tiếng chuông chùa... là cả nỗi lòng của Hà Trung Yên ngày đêm vời vợi trông về, nhớ thương, thao thức:
Đây những dòng thơ mùa viễn xứ
Trải tâm tình nhớ thuở hoa niên
Trời lưu lạc lặng buồn hoa tuyết
Gửi cả trầm tư tới một miền
(Hương Nắng)
Ở nơi đây cũng có Xuân Hạ Thu Đông, cũng hai mùa mưa nắng, nhưng làm sao quên được màu nắng và mùi thơm của nắng quê nhà. Bởi thế cho nên mới có Hương Nắng. Nhà thơ mơ tưởng, đi tìm hương nắng quê nhà giữa bạt ngàn tuyết trắng, trong cái ảm đạm của của bầu trời mùa đông Georgia. Quê nhà và quê người, nơi nào là quê ta? Một chốn đôi nơi, cả một biển lòng xa cách khi mà “Cuồng khúc nén say mờ dặm trúc, quê ta ơi nhớ thuở lưu đày” ( Hẹn Thơ). Trong cung khúc “nhớ thuở lưu đày”, nhà thơ vẫn trải lòng về quê mẹ, vẫn cứ mãi băn khoăn:
Gỗ đá còn đau nỗi nhớ nhà
Bao giờ quên được cảnh quê ta?
(Mãi Mãi Song Vần)
Không quên được cảnh quê ta, nên tác giả tự hỏi:
Bây giờ là mùa Đông
Gửi tâm hồn lưu xứ
Tình quê có nhận không?
Cũng dễ hiểu tâm trạng của tác giả đối với quê hương, khi nào cũng trĩu nặng, thao thức, trăn trở, bởi trong suốt hai mươi năm dài ông đã đem hết nhiệt tình của tuổi thanh xuân, mòn gót quân hành trên vạn nẻo đường phục vụ đất nước, để giờ đây mơ hồ âm thanh hư ảo của đường gươm vút giữa hư không:
Tiếng gọi quê hương chợt xé lòng
Như gươm vung chém giữa tầng không
Đâu đây chim quốc còn mong nhớ
Tìm cuối mùa thu chút nắng hồng.
Mang tâm trạng “vong thân tàn quốc sử ”, một lúc nào đó nhìn lại quãng đường đời, mái tóc đã pha màu tuyết bụi tà huy, bình minh hào khí một thời loãng nhạt, hành trình từ bước đầu dấn nhập cuộc đâu còn muôn dặm ngàn phương, đường về quê xưa cách xa mù mịt. Hoài bão mỏi mòn... Người xưa, kẻ thì mài kiếm dưới trăng; người thì dốc cạn hồ trường mà diễn đạt tâm can kẻ sĩ, người đời nay như Hà thi sĩ thì nhìn lại, ngó lui mà nói lên nỗi lòng trong “cuồng khúc” trong cơn “say mờ dặm trúc”, trong nỗi băn klhoăn “về đâu”? “tới đâu”? :
Mỏi bước lưu ly tôi chợt hiểu
Một lần đi trĩu một khối sầu
Con đường thăm thẳm xa quê quá
Nào biết về đâu? Biết tới đâu?
(Mãi Mãi Song Vần)

Bên nỗi lòng trăn trở với đất nước quê hương, một khuynh hướng khác của thơ Hà trung Yên là nỗi lòng hoài niệm. Nhà thơ đã ra đi, dã trở về vã đã gặp lại – “gặp lòng mình xa xăm”, gặp lại “khuôn mặt quê hương”, cảnh cũ chợ xưa đổi thay khác lạ. Thời gian cũng như cuộc đời, những thoáng phút chợt vèo bay, có bao giờ tìm lại được – “Chiều không gian cũng như chiều đời tôi, gợn những mây trôi chẳng phản hồi”, nên nỗi buồn ngàn năm ấy đã tụ vào thơ:
Thơ già hơn đá tảng
Gom nỗi buồn ngàn năm
Chợt người qua viễn địa
Gặp lòng mình xa xăm
(Phân Vân)
Cũng như những người làm thơ khác, Hà Trung Yên làm thơ nói về người nhưng phần lớn để nói về mình, nói về nỗi buồn “hồ lệ” đã đong đầy trong tâm não của kẻ mất quê hương, của một thời lưu lạc, về hoài vọng một thuở thanh xuân đã phai tàn theo mùa chinh chiến để trong Em hay trong Thơ vẫn hoài hoài tái tê tâm sự:
Bay mãi nghìn năm không chút hẹn
Trắng khăn thương nhớ giạt lưng đồi
..........
Thơ ơi, tôi gọi hồn niên thiếu
Khoác áo thiên nhiên lặng biển tình
Với một tâm hồn phong phú, dạt dào cảm xúc, thơ Hà Trung Yên có đủ mọi thể tài: quê hương, tình yêu, tả tình, tả cảnh. Tôi vừa khựng lại như chính mình đang bước tới, đứng im trong căn nhà mà tác Tác giả đề cập. Một sự so sánh giữa động và tĩnh, giữa hữu và vô, giữa chân và giả. Tôi cho rằng đây là một bài thơ “tư tưởng” được thể hiện trong một giây lát, bộc phát từ một ý thức rất sâu, rất “triết học”:
Tôi bước khẽ vào nhà
Căn phòng im. trống vắng
Ngọn đèn như lương tri
Soi tâm hồn tĩnh lặng
Dùng thực cảnh ngọn đèn soi căn nhà để so sánh với lương tri soi rọi con người trong thái độ lắng đọng “bước khẽ vào nhà” ấy đã chứng tỏ ý tưởng, bút pháp vững chãi của tác giả.
Đọc Hà Trung Yên trong Hương Nắng cũng như một số thi phẩm khác của ông, tôi thường bắt gặp nhiều câu, nhiều đoạn có giá trị nâng cả đoạn thơ, cả bài thơ lên cao thêm một bậc.
Người làm thơ là người quấn quýt, loay hoay với chữ nghĩa: học hỏi, tra cứu, lục lọi tìm tòi, sáng tạo, hoặc vay mượn và sau cùng là làm sao để thủ đắc, trộn lẫn, chế ngự được từng con chữ, làm thành của riêng mình để đưa vào tác phẩm. Từ ngôn ngữ ấy, làm sao để hoán đổi tư tưởng và hình tượng vào một bức tranh chữ nghĩa lấp lửng, ý tưởng ảo mờ trong những câu thơ ẩn dụ, hàm xúc, trong sáng – một tính năng không thể thiếu của thơ và của người làm thơ. Trong Hương Nắng có những bài thơ ẩn dụ hình thành từ khả năng đó, khác với loại thơ “chữ nghĩa siêu phàm”, mà mỗi câu thơ là một chùm “mật ngữ ” tối om, mù mịt không soi tỏ được một điều gì. Lâu nay trên thi đàn lại nhan nhản những bài kiểu đó.
“Em Từ” là một ví dụ. Ngoại trừ hai câu ngỏ ý “Em” chính là Nàng, là nhân dáng toàn diện, là người kề cận yêu thương của tác giả:
Em từ tranh vẽ lại thăm
Bữa cơm em nấu dịu đằm vị quê.
kỳ dư thì nhân dáng ấy được thể hiện qua hình ảnh một Nàng Thơ: Nàng Thơ ấy là hoa, là bướm, là làn hương, là ánh trăng, là âm điệu:
Em từ hai chữ từ bi
Tâm hồn quán tưởng hỏi gì mây tan
....................
Em từ vần điệu ngọt ngào
Biến thành ý tứ nhập vào mỗi trang.
“Thuyền Thơ” trong Hương Nắng là một bài thơ tả cảnh mang âm hưởng Nho phong của các nhà thơ thế kỷ 19:
Xuôi thuyền êm nhẹ lướt dòng mơ
Dải nước trong veo áng nguyệt mờ
Mây trắng, nền xanh, sương phả tím
Đất trời gây lạnh vẻ tiêu sơ
Chỉ với bốn câu thơ, tác giả kéo người đọc đi từ Thu sang Đông với những mô tả rất tượng hình:
Tàn thu cây rụi lá
Héo hắt mấy ngọn hồng
Vuông cỏ gầy trơ cọng
Bây giờ là mùa đông.
Tình yêu đối với nhà thơ, ngoài nhu cầu tâm sinh lý, còn là một nhu cầu sinh động của cảm quan lãng mạn, một yếu tố phụ họa đắc lực để hồn thơ bay bổng. Đã là Thơ, là tâm hồn lãng mạn, tình yêu không đóng khung trong một mô hình cố định, tình yêu không dừng lại với thời gian, không đứng lại trong không gian và tình yêu vượt ra ngoài mọi ranh giới:
Hỡi người yêu thầm, xa xôi vạn lý
Giờ chênh nhau mười một tiếng đồng hồ
(Viết thư)
Cuộc sống, dù ở lãnh vực nào, nếu không có tính năng lãng mạn thì cuộc sống ấy mất đi nhiều ý nghĩa biết chừng nào. Điều đáng mừng cho tâm hồn thi sĩ khi chất lãng mạn trữ tình đã đi tới tuyệt đỉnh của “đường đi xơ xác mảnh vườn yêu” trong khoảnh “vườn lòng” mùa Thu đã qua mấy độ, nắng Hè đã tan, để Đông sang nhuộm xám:
Kìa trang viết chữ đã thành cỏ úa
Một đường đi xơ xác mảnh vườn yêu
(Vườn Lòng)
Với 70 tựa đề giản dị, chân chất của bảy mươi bài thơ đủ thể loại, mang nội dung đẹp, trong sáng, bằng một thứ ngôn ngữ rất thơ. Hương Nắng là một tập thơ toàn vẹn trong số những thi tập của tác giả Hà Trung Yên.

sn
12-2003






Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả