Nhà tôi trên bến sông bên đây có chiếc cầu nhỏ cong cong và nhà nó ở trên bến sông bên kia, ngay cạnh nhà máy xay lúa. Ngày tối, tiếng máy cứ vang lên xình xịch, xình xịch, ít lúc nào dừng. Nếu là người từ phương xa đến, hẳn người ta sẽ cảm thấy khó chịu lắm và ban đêm khó lòng mà ngủ ngon giấc. Còn đối với dân trong xóm tôi và xóm nó, thì tiếng máy đã trở nên một cái đó rất thân quen, quen đến nỗi mỗi khi tiếng máy dừng là người ta sẽ nhận ra ngay điều khác lạ và đêm cũng khó lòng ngon giấc vì... nhớ đến âm thanh xình xịch, xình xịch ấy.

Nhà tôi có hai anh em, tôi và anh hai tôi. Ba tôi ngày xưa giỏi chữ Hán nên đặt tên cho anh em chúng tôi rất đẹp và cũng rất kiêu kỳ. Anh hai tôi tên là Thiện Hùng, còn tôi tên là Tử Ngôn. Anh hai tôi tự hào về cái tên của mình lắm và thường vênh mặt giải thích:

- Thiện Hùng là người anh hùng chuyên môn làm việc thiện đó mày!

Tôi nhìn mặt anh hai tôi, cố tìm xem anh "thiện" ở chỗ nào và "hùng" ở chỗ nào, nhưng trăm lần như một, tôi tìm hoài tìm mãi không thấy, chỉ thấy mặt anh kênh kênh đến phát... tức. Anh còn dám cả gan chê cái tên của tôi:

- Tên mày là Tử Ngôn hả? Tử là chết, Ngôn là lời nói, lời nói chết là lời nói không có giá trị hay cũng là lời nói của... người chết, mày ơi...

Tôi gân cổ cãi lại:

- Ba nói với em Tử là tím, Ngôn là ngôn từ... Em là một bài thơ màu tím...

Anh hai tôi cười ha ha, thật đáng ghét:

- Hahaha... bài thơ màu tím, bài thơ chết thì có... haha...

Cãi không lại anh hai, cuối cùng tôi bật khóc, chạy đi méc ba và dĩ nhiên, anh hai tôi bị rầy một trận nên thân vì cái tội ăn hiếp em út. Anh hai tôi với tôi nghịch nhau như mèo với chuột. Khổ nỗi tôi không phải là mèo mà là chuột nên nhiều khi bị anh kí đầu, dọa nạt. Nói thật ra, anh cũng thương tôi lắm. Mấy lần anh theo bè bạn đi câu được vài ba con tôm, con tép, anh luôn nhường tôi phần mình tôm ngon lành, còn anh chỉ ăn tép và đầu tôm...

Đó là bối cảnh gia đình tôi, còn bối cảnh gia đình nó thì khác. Nó có ba chị em. Nó là chị lớn trong nhà, kế đến là hai đứa em nhỏ, đều là con gái. Tôi không biết tên thật của nó, chỉ nghe người ta gọi nó bằng một cái tên hết sức quê mùa, Xoài. Tên gì mà nghe đến là cảm thấy chua lè, chua lét đến nỗi chảy cả... nước miếng. Hai đứa em của nó cũng vậy, con lớn tên là Thơm , còn con nhỏ tên là Táo. Eo ơi, cả nhà nó đều là trái cây... Biết đâu ba má nó có tên là ông Chanh, bà Quít trong giấy tờ cũng không chừng... còn người quen thì gọi họ bằng anh chị Tám... Tôi và anh tôi tinh nghịch thêm vô chữ Tàng, họ trở thành vợ chồng Tám Tàng... Bị ba mẹ tôi rầy hoài mà chúng tôi vẫn cố tình... quên...

Nó thường dẫn hai đứa em đi qua chiếc cầu nối hai bờ sông sang xóm tôi chơi và chui hàng rào vào lượm mận trong vườn nhà tôi. Nhà nó không có ai tên Mận hèn chi tụi nó mới thèm mận như thế. Tôi ghét tụi nó lắm vì nó... nghèo và ở dơ kinh khủng. Đầu tóc tụi nó bù xù, là ổ cho đám chí mẹ, chí con mặc sức tung hoành ngang dọc.

oOo

Nó từ đâu xuất hiện lù lù ngay trong lớp tôi bữa đầu tiên nhập học. Tôi không khỏi ngạc nhiên và trố mắt nhìn nó. Đi học, nó vẫn chẳng có gì thay đổi, vẫn với chiếc áo ca rô sọc xanh đã nhăn nhúm sờn cũ và chiếc quần đen mốc cời, mốc thếch. Còn đầu tóc của nó thì cũng hết chỗ... khen, vẫn bù xù và vẫn là doanh trại tuyệt vời cho đám chí mẹ chí con...

Mãi lo tay bắt mặt mừng với đám bè bạn cũ, tôi quên hẳn đi sự có mặt "không mời mà đến" của nó. Chẳng mấy chốc, tiếng trống trường vang lên, báo hiệu một năm học mới. Tôi hồi hộp tiến về chỗ ngồi kế bên nhỏ Tâm Thu:

- Ê, hè có gì lạ không mậy?

Con nhỏ chắc chỉ đợi tôi hỏi thế nên... xổ ra một tràng:

- Dĩ nhiên là có rồi, tao được đi thành phố chơi nè, được đi Vũng Tàu tắm biển nè... Còn mầy?

- Tao hả? Tao cũng được đi tắm biển nữa...

- Mầy đi tắm biển nào?

- Biển... Ba Tri.

Nhỏ Tâm Thu cười hi hi:

- Xời, tưởng biển gì chứ biển Ba Tri mà mày cũng khoe, bờ biển đó sình không, tắm gì được?

- Hihi... ừ, tại ba tao đi thăm bà con ở đó nên dẫn tao theo, tao được viếng mộ của cụ Nguyễn Đình Chiểu, rồi sẳn đó, tao ra... tắm biển... sình luôn...

- Hihi... vậy cũng vui hén...

- Ừ, cũng vui...

Tôi bất chợt quay lại nhìn nó nơi cái bàn cuối lớp. Nó ngồi cô đơn, lẻ loi một mình... Thấy tôi nhìn, nó hơi nhoẻn miệng cười, có lẽ nó muốn nhận... bà con hàng xóm với tôi nhưng sức mấy mà tôi thèm, tôi phớt lờ nụ cười của nó và vội quay lên xì xào tiếp với nhỏ Tâm Thu.

Cô Phương Du với chiếc áo dài màu xanh da trời trông thật hiền, thật đẹp bước vào cửa lớp. Chúng tôi đồng thanh đứng dậy chào cô. Năm nay cô sẽ là chủ nhiệm của lớp tôi, lớp 4B1.

Tới giờ điểm danh, cô lần lượt gọi tên từng đứa và bảo chúng tôi tự giới thiệu về bản thân mình... Khi cô gọi đến cái tên Nguyễn Mai Giáng Xuân thì tôi nghe nơi cái bàn cuối lớp, chỗ nó ngồi, vang lên một tiếng dạ nho nhỏ, rụt rè... Cả lớp quay về hướng đó... Nó làm cho chúng tôi ngạc nhiên, nhất là tôi. Một đứa đầu bù tóc rối, áo quần lê thê, lết thết lại có cái tên đẹp đến thế sao, đẹp hơn cả cái tên Phạm Đình Tử Ngôn của tôi nữa... Lòng tôi chợt có chút ghen tỵ, nhưng rồi tôi vội cười thầm "Tên đẹp mà người... thấy ghê, đồ... không biết mắc cở!"...

Nó đứng lên, giọng run run:

- Em tên là Giáng Xuân, năm nay em được 12 tuổi. Vì... nhà nghèo, không có tiền nên mãi đến năm em 8 tuổi, ba em mới dẫn em vào lớp một. Em học trường Miễu, chỉ có từ lớp một đến lớp ba, cho nên em đến đây để học tiếp lớp bốn...

Thì ra nó lớn hơn tôi những 2 tuổi và học trể đến 2 năm... Lớn hơn tôi 2 tuổi mà trông nó đẹt ngắt và ốm như cây tre miễu. Cô Phương Du nhìn nó bằng ánh mắt dịu dàng:

- Cô hy vọng em sẽ sớm làm quen với bè bạn và ngôi trường này... Em nhỏ người như thế, sao lại ngồi mãi bàn chót? Lên trên bàn nhất này ngồi kế bên Tử Ngôn đi...

Tôi nhìn cô... tuyệt vọng, cô... giết tôi rồi! Biểu nó ngồi gần tôi thì để cho tôi... chết còn sướng hơn. Tôi kêu gào trong lòng thật... thảm thiết, thế nhưng, cô Phương Du nào có nghe... Lần đầu tiên tôi phải công nhận anh hai tôi nói đúng "tiếng nói của tôi là tiếng nói của...người chết".

oOo

Tôi khoe với nhỏ Tâm Thu cây viết Trung Quốc mới cáu cạnh mà ba tôi mới mua cho tôi vào đầu năm học. Cây viết màu xanh nước biển, bóng ngời với cái nắp màu vàng lấp la lấp lánh... Nhỏ Tâm Thu cứ luôn miệng suýt soa, trầm trồ làm cho tôi càng khoái chí...

Nó ngồi cạnh, nhìn tôi với nhỏ Tâm Thu, rụt rè:

- Cho Xuân mượn cây viết ngắm một chút được không?

Tôi nhìn bàn tay lem luốc của nó:

- Tay mày dơ hầy, làm mờ cây viết của tao rồi sao?

Nó vội đưa hai tay chùi chùi vào trong áo:

- Tay Xuân sạch rồi nè... không làm dơ viết của Ngôn đâu!

Tôi miễn cưỡng đưa cây viết cho nó. Kệ, lâu lâu tôi làm việc thiện, cho nó coi để nó đở... thèm...

oOo

Tôi lục tung cả cái cặp, tìm kiếm hoài mà chẳng ra cây viết Trung Quốc quý giá của tôi... Thủ phạm không ai khác hơn là nó, tôi dám đoan chắc như vậy. Nhỏ Tâm Thu nhà giàu lại là bạn thân của tôi dĩ nhiên không đời nào nhỏ lại đi làm cái chuyện xấu xa đó. Chỉ còn có nó, không nó thì ai vào đó chứ? Tôi vừa tiếc cây viết, vừa tức nó cành hông và... nguyền rủa nó thậm tệ. Chiều nay đi học tôi sẽ... tra tấn nó cho ra lẽ...

- Mày lấy cây viết của tao phải không?

Nó lắp bắp:

- Xuân không có...

- Hôm qua mày mượn coi, rồi đợi lúc tao không để ý mày lấy luôn!

Nó muốn khóc:

- Không có... không phải vậy mà... Xuân thích cây viết đó lắm nhưng Xuân không bao giờ đi ăn cắp. Ba Xuân đã dạy nghèo cho sạch, rách cho thơm...

- Thôi dẹp mày đi, đem ba mày ra hù tao hả? Mày không trả lại, tao méc cô...

Tôi thấy trong mắt nó bắt đầu có một làn nước mỏng. Đúng là vừa ăn cướp vừa la làng, làm bộ khóc...

Cô Phương Du nghe bọn tôi xì xầm thì quay xuống hỏi:

- Giáng Xuân, Tử Ngôn có chuyện gì vậy?

Chẳng biết sao, tôi không méc cô mà luýnh quýnh:

- Dạ không có gì ạ!

- Không có gì thì lấy tập ra viết bài đi... Nếu còn nói chuyện trong giờ học, cô quất cho mỗi đứa 5 cây nghe chưa!

- Dạ!

Tôi dạ nhỏ rồi làm thinh không nói nữa, mắt lườm lườm nhìn nó, tức muốn... chết. Nó cúi đầu, tôi vừa thấy một giọt nước từ mắt nó rơi xuống đất. Nó khóc âm thầm, làm như tôi nói oan cho nó không bằng...

Chưa hết uất ức, tôi lấy cục phấn kẽ một đường thẳng giữa phần bàn của tôi và nó, rồi bảo:

- Mày mà để tay qua bên tao, tao lấy thước tao đánh ráng chịu. Còn đồ mày mà lấn sang đây, tao... tịch thu hết...

Nó lặng lẽ nhìn tôi, không nói, mắt nó buồn hiu... cho chừa cái tật ăn cắp. Chỉ có nhỏ Tâm Thu nhìn tôi le lưỡi:

- Mày dữ quá, Ngôn ơi!

Tôi chống chế:

- Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy... Nó là ma nên tao phải trị chứ mậy...

oOo

Chiều, tôi đi học về, gặp anh hai Thiện Hùng ngay cửa:

- Sáng tao mượn đở cây viết của mày rồi quên trả lại. Hôm nay mày viết bài bằng viết gì vậy?

Miệng tôi chợt đắng nghét, cứng đơ:

- Anh...

- Mượn, lỡ quên, làm gì dữ vậy mậy?

Rồi chẳng hiểu sao, tôi òa khóc... Tôi khóc vì giận anh tôi hay là vì đã lỡ trách oan cho nó... Tôi chỉ biết trong lòng tôi nặng nề như đang mang tảng đá và thật khó chịu lắm...

oOo

Sáng chủ nhật, anh hai dỗ tôi bằng cách... bắt con chuồn chuồn. Số là tôi ham bơi lắm nhưng lại chết nhát. Mỗi lần thử xuống nước là tôi... chìm lĩm và anh hai phải hì hục kéo tôi lên. Lần này, anh bắt con chuồn chuồn, bảo:

- Đưa rún ra cho con chuồn chuồn cắn là mày biết bơi liền.

Tôi nhìn anh, nghi ngờ:

- Thiệt không?

- Sao không, nhiều người làm thử vậy rồi...

- Sao hồi đó, anh không cho chuồn chuồn cắn rún anh?

- Tao biết bơi... bẩm sinh, cần gì cho chuồn chuồn cắn rún chứ. Đưa rún ra mau lên...

Tôi vạch áo, đưa cái rún ra... Anh hai đặt con chuồn chuồn vào đó. Một giây, hai giây... Tôi hồi hộp chờ đợi và...

- Á... đau quá...

Anh hai tôi hớn hở:

- Nó cắn rồi hả? Bảo đảm mày biết bơi...

Tôi đau đến ứa nước mắt... Còn con chuồn chuồn chết tiệt, vừa cắn tôi, nó vừa... đái trong rún của tôi hay sao mà tôi nghe ươn ướt, thấy ghê...

oOo

Chiều, đợi lúc không ai để ý, tôi quyết định đi bơi thử coi con chuồn chuồn cắn rún có linh nghiệm không. Ra bờ sông, tôi thấy nó đang đi loanh quanh nhặt nhạnh mấy cọng củi khô... Tôi định mở miệng nói về chuyện cây viết nhưng rồi thôi. Tự nhiên tôi thấy... ngại quá và làm lơ nó luôn.

Tôi đến bên bờ sông, leo lên cầu, nhắm mắt, thở một hơi thật sâu rồi... nhảy xuống...

Ùm... Cùng với tiếng ùm, tôi thấy xung quanh mình toàn là nước... Tôi chới với. Tay chân quơ quào tùm lum và chợt nhận ra là tôi đang chìm dần... chìm dần... Tôi vẫn chưa biết bơi. Không có anh hai ở kề bên để cứu tôi... Chuyến này tôi chết là cái chắc...

Chợt có một vòng tay nhỏ bé ôm ngang hông tôi rồi từ từ kéo tôi lên... Qua khỏi mặt nước, tôi ho sặc sụa và nhận ra nó... Nó bỏ qua "thù cũ", cứu tôi... Vừa hì hục kéo tôi vào bờ, nó vừa nói:

- Ráng một chút nghen Ngôn, sắp tới bờ rồi...

Lên tới bờ, tôi nôn thốc nôn tháo ra toàn là nước và mệt lả người. Nó cũng nằm dài, bất động... Rồi nó cũng bất chợt ôm miệng nôn. Nó nôn ra không phải nước mà là... máu... Tôi hết hồn, tay chân run lẩy bẩy... Nó còn ráng thều thào bảo tôi:

- Xuân không có ăn cắp cây viết của Ngôn... Thiệt mà...

Tôi nghẹn ngào:

- Ngôn... Ngôn biết rồi... Xin lỗi Xuân...

Mắt nó chợt sáng long lanh:

- Thiệt hả?

- Ừ, thiệt...

Rồi nó lịm đi... Tôi khóc và kêu cứu vang cả xóm...

oOo

Từ đó, tôi không còn ghét nó nữa. Chẳng biết có phải vì tôi mang ơn cứu mạng của nó hay không mà trong mắt tôi nó bỗng trở nên hiền lành và dễ thương đến lạ. Tôi không kêu nó bằng mày, xưng tao nữa mà gọi bằng nó bằng tên và xưng lại cũng bằng tên.

Tôi xin phép ba mẹ, lựa những quần áo mà tôi ít mặc nhưng còn tốt mang cho nó để nó có thêm áo quần thay đổi. Nhất là mùa mưa, quần áo phơi thật lâu khô mà nó chỉ có mỗi bộ đồ để đến trường thì thật là tội nghiệp lắm. Nhỏ Tâm Thu còn mang cho nó mấy chai xà bông gội đầu và thêm cái lược chải... chí... Từ đó, nó tươm tất, sạch sẽ hẳn ra, trông nó cũng xinh xinh ra phết.

Nó, tôi, Tâm Thu trở thành bộ ba chơi với nhau thật thân, thật khắng khít. Nó học giỏi lại tốt bụng. Trong lớp, bạn bè cần gì nó đều giúp đở tận tình.

Những cánh hoa đỏ thắm bắt đầu đơm trên những cành phượng nơi sân trường báo hiệu một năm học sắp kết thúc... Anh hai Thiện Hùng lén hái hoa cho chúng tôi làm bướm ép vào tập và dùng nhụy hoa chơi... đá gà... Tiếng cười ngây thơ, hồn nhiên của chúng tôi vang lên rộn rã một góc sân trường và mãi mãi sau này, những tiếng cười đó, những kỷ niệm đó còn theo tôi hoài trong ký ức.

oOo

Sáu năm trôi qua, sáu năm chúng tôi lớn lên bên nhau, bên thầy cô, trường lớp. Lớp chín hết, một mùa hè nữa lại về. Sang năm, chúng tôi sẽ chuyển sang trường cấp ba có lẽ sẽ không còn chung lớp nữa... Nghĩ tới đó, tôi buồn thiu... Chúng tôi chuyền tay nhau những quyển lưu bút xinh xinh, ghi lại những câu văn, đoạn thơ vụng dại của tuổi học trò...

Tôi và nhỏ Tâm Thu mới có 15 tuổi nhưng nó đã bước sang tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu rồi. Nó trở thành một thiếu nữ tuy không đẹp sắc sảo nhưng lại mặn mà và có duyên ngầm...

Chúng tôi thường kéo nhau ra bờ sông để nói về tương lai và những dự tính, ước mơ trong đầu. Tôi ham làm bác sĩ, nhỏ Tâm Thu thích làm luật sư, còn mơ ước của nó thì bình dị và dễ thương hơn, nó muốn làm cô giáo vì nó rất thích trẻ con. Chúng tôi thả những ước mơ của mình lên dòng sông quê hương, lên màu nắng và lên cả luôn những áng mây trời. Biết ra sao ngày sau, nhưng chúng tôi vẫn không ngừng mơ ước...

Anh hai Thiện Hùng của tôi thường hay để ý và hỏi thăm đến nó... Tôi đem gán ghép hai người với nhau và tôi mong lắm chứ, biết đâu đó chẳng là một mối duyên tiền định... Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một mà, anh tôi lớn hơn nó một tuổi thì xứng lứa vừa đôi quá rồi còn gì! Mỗi lần bị tôi chọc ghẹo, nó thẹn, hai má ửng hồng, trông duyên dáng làm sao, nhưng rồi nó lại tủi phận nhà nghèo và bảo tôi rằng nó không dám trèo cao... làm tôi thất vọng, thở dài thườn thượt.

oOo

Ba nó bịnh, nó buồn hiu. Nhà nó nghèo quá, không có tiền mà bịnh tiểu đường của ba nó thật là nguy kịch, nếu không đủ thang thuốc thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng hay sẽ bị bại liệt cũng không chừng.

Mấy ngày nay, trong nhà nó có thêm mấy người khách lạ thường ghé qua. Đó là hai người đàn ông ăn mặc sang trọng và chải chuốc đến đởm dáng. Bà con trong xóm xì xào, bảo là nó sắp chồng... Tôi nửa tin, nửa ngờ, kéo nó ra hỏi:

- Ai tới nhà Xuân hoài vậy?

- Ơ... mấy người bà con xa thôi mà...

- Sao người ta bảo Xuân sắp... lấy chồng?

Nó tránh ánh mắt của tôi, cúi đầu, nhìn xuống đất. Tôi hỏi tới:

- Lời họ nói là sự thật phải không?

Nó nghẹn ngào:

- Xuân cần tiền!

- Nhưng... Xuân còn nhỏ quá, mới 17 tuổi thôi mà.

- Xuân đã làm giấy khai sanh lại, bây giờ Xuân 18 tuổi và đã đủ tuổi lấy chồng...

Tôi ngỡ ngàng vì lời xác nhận của nó:

- Rồi Xuân không đi học nữa hả?

- Chắc đành chịu!

- Còn... anh hai Thiện Hùng của Ngôn? Xuân không có thương anh ấy sao?

Nó không trả lời tôi, dõi mắt nhìn ra dòng sông. Tôi cũng dõi mắt ngó mông lung. Những cụm lục bình cứ trôi, trôi mãi nào biết nơi đâu là bờ bến. Nó rồi đây cũng vậy... Tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ của Chim Sáo:

Mình ở đâu những ngày mưa, tháng nắng
Nước ngược dòng, xuôi thuyền chẳng gặp nhau
Tiếng ai hò từng trưa nghe văng vẳng
"Bậu sang sông làm nỗi nhớ bạc đầu"

Mai nó lấy chồng rồi, nó có mang theo chăng một nỗi nhớ đến bạc đầu?

oOo

Chồng của nó người Đài Loan nhưng lại có nguồn gốc Việt Nam và cũng biết nói chút đỉnh tiếng Việt. Ông ta lớn hơn nó cả hai mươi mấy tuổi nhưng ông ta có tiền, có tiền mua tiên cũng được mà!

Tôi đến nhà nó, gặp luôn cả người môi giới và... chồng tương lai của nó. Tôi nghe nó kêu người môi giới là anh Kim Sơn . Anh Kim Sơn tuổi cũng sồn sồn, nhưng mày râu nhẳn nhụi, áo quần bảnh bao lắm và trên tay đeo một chiếc lắc to đùng bằng vàng 24, có lẽ anh ta đeo để khoe của và loè mắt thiên hạ. Còn chồng của nó có tên tiếng Việt là... Bảo Vinh . Bảo Vinh đúng là một ông xì thẩu giàu có thứ thiệt, trên ngón tay của ông ta lấp lánh chiếc nhẩn có gắn hạt kim cương to như cục đá. Tôi tự nhiên ghét hai người họ đến thậm tệ. Họ đang dùng tiền bạc để mua đi cái thơ ngây, xuân thì của nó. Nghèo có phải là cái tội không mà nó phải nhắm mắt đưa chân đi vào một cuộc hôn nhân tréo ngoe và thiếu hẳn tình yêu? Mai nó đi, nó sẽ bỏ lại trường lớp, tuổi thơ và bỏ cả... tôi với anh hai Thiện Hùng...

oOo

Đám cưới nó được tổ chức đơn sơ cho có lệ rồi nó sẽ theo chồng về bên Đài Loan. Tôi nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má nó trong giờ làm lễ mà đau lòng... Tôi nghe tiếng Bảo Vinh, chồng nó vừa cằn nhằn vừa dỗ dành:

- Khóc cái dzì mà khóc, ngộ thương lị mún chít chứ có ăn thịt ăn cá dzì lị đâu mà lị khóc... Dzỏi, dzỏi... lín ngộ thương... mai mốt làm dzợ ngộ dồi, ngộ mua nhiều hột xoàn, lữ chang cho lị đeo cho lị lở mày lở mặt...

Tôi vừa tức lại vừa buồn cười vì cái giọng nói lơ lớ của... chồng nó. Tôi muốn thoi một cái thật mạnh vào mặt hắn cho hắn biết thế nào là "lở mày lở mặt".

Nó kéo tôi vô buồng, trao cho tôi chiếc khăn tay và nói trong nước mắt:

- Ngôn đưa tặng anh... Thiện Hùng dùm Xuân nha...

- Xuân?

- Đừng hỏi gì Xuân hết... Xuân khổ lắm...

Nó khóc và tôi cũng khóc... Nhưng nước mắt của chúng tôi chẳng thể hủy bỏ được cuộc hôn nhân này.

oOo

Nó đi thật rồi...

Đêm hôm ấy, anh hai tôi ôm đàn ra trước sân, ngồi hát...

"Rồi con chim đa đa chiều nay đứng trông về chốn xa, còn âm vang câu ca ngày đưa tiễn em đi theo chồng... Thà như mây lang thang nhờ cơn gió đưa lời thở than, còn hơn chim đa đa sao vô tình cho buồn người ta... "

Lời hát buồn và tiếng hát, tiếng đàn của anh cũng buồn... Có lẽ anh đang than thở cho mối tình đầu với nó chưa kịp bày tỏ đã vội lìa xa.

Tôi lặng lẽ đến, ngồi xuống bên anh. Đợi anh hát xong, tôi rút từ trong túi áo chiếc khăn tay của nó:

- Xuân gởi cho anh nè!

Anh hai tôi vội buông cây đàn, cầm lấy:

- Xuân gởi hồi nào?

- Hồi sáng, trong lúc đám cưới.

- Sao em không đưa cho anh sớm hơn mà bây giờ mới đưa?

- Có khác gì đâu anh hai? Đằng nào thì Xuân cũng phải lấy chồng mà...

Anh hai tôi thẩn thờ:

- Ừ, có khác gì...

Chúng tôi không nói gì nữa, chỉ ngồi đó lặng lẽ, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng tư... nhưng chúng tôi đều nghĩ đến nó.

Cơn gió chướng thổi qua, làm những trái mận trong vườn rơi lộp độp, tôi bất chợt lên tiếng, hỏi một câu vớ vẩn:

- Ở Đài Loan có mận không anh hai?

- Ờ... chắc có mà...

Nhưng tôi biết, dù mận ở Đài Loan có ngọt, có ngon vẫn không làm sao nó quên đi những trái mận trong vườn nhà tôi mà thỉnh thoảng anh hai tôi vẫn hái để dành tặng riêng cho nó...

Tôi đưa mắt nhìn ra dòng sông lấp lánh ánh trăng soi trước mặt. Tiếng máy của nhà máy xay lúa vẫn vang lên xình xịch nhưng tôi nghe trong lòng thật thiếu vắng nhớ thương một điều gì đó. Đêm nay và nhiều đêm khác, tôi biết mình sẽ mất ngủ vì... nhớ nó...

Nó lấy chồng rồi, mang theo luôn cả cái mơ ước nhỏ nhoi nhưng không bao giờ thực hiện được, làm cô giáo.


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả