Những Tháng Tư Tội Tình

Một ngày cuối tháng tư năm 2003...

Trưa, trời nắng chang chang, chiếc xe cà tàng, già nua của Nguyên thở hì hà, hì hục, cố gắng rướn người đi tới đoạn đường trước mặt. Chiếc xe... nóng, Nguyên cũng... nóng bởi cái máy AC đã ngủm củ tỏi từ lâu rồi. Nghĩ cũng tội nghiệp cho nó, cà tàng, già nua như thế mà vẫn chưa có được ngày nghỉ ngơi, vẫn phải hằng ngày làm bậu bạn với Nguyên suốt từ quảng đường từ nhà đến hãng rồi từ hãng về nhà. Đường tuy không xa nhưng đối với Nguyên, và cả chiếc xe, đúng là một con đường thiên lý. Ai thử đi xe cũ, không máy lạnh giữa trưa hè đi rồi biết...

Nghĩ ra, cuộc đời là nối tiếp của những chuổi bóc lột không ngừng dưới mọi hình thức . Nguyên bóc lột... chiếc xe, còn thằng supervisor trong hãng thì bóc lột Nguyên và những người dưới quyền hắn, trong khi, đối với boss lớn thì hắn khúm núm cúi đầu, nịnh bợ, sợ sệt đủ thứ. Nguyên thật chẳng ưa gì cặp mắt cú vọ và nụ cười giả tạo của thằng supervisor đó. Nó thường đi vòng vòng, thỉnh thoảng dừng lại ở chỗ Nguyên (Nguyên biết tỏng tòng tong là nó đang dò xét coi Nguyên và mọi người làm việc có chăm chỉ không, có xứng đáng với đồng lương rẻ mạt của hãng không!), banh miệng ra cười như một cái máy (đã nói là giả tạo mà), đầu gật gật ra chiều thân thiện:

- Good, good... You guys keep up the good work...

Nguyên lầm bầm chửi thề "Good work cái... con mẹ mày... Đồ đểu cáng...". Nguyên cũng biết mình hơi quá quắt, luôn nhìn đời bằng cặp mắt đen xì, nhưng đời vốn đen xì như thế mà, biết làm sao hơn...

Chiếc xe thở dốc, rục rịch rồi... dừng hẳn. Từ cái hoop, khói xì ra... mịt mờ. Nguyên vội vàng mở cửa xe bước ra ngoài. Anh hít một hơi thuốc cuối và vung tay quăng mạnh cái đầu lọc ướt mẹp xuống đường. Xong, anh dùng mũi giày dí mạnh lên cái đầu lọc ướt mẹp đó một cách hằn học. Phải, bao nhiêu hằn hộc với đời sống, với tình yêu, với số phận, trong giờ phút này Nguyên... xổ ra hết trên cái đầu lọc... bất hạnh đó. Nguyên bất hạnh nên những gì có liên quan tới anh đều... bất hạnh, tội tình!

oOo

Một ngày cuối tháng tư năm 1975...

Nguyên trở về thành phố với bộ đồ cũ mèm, rách rưới. Súng ống, đồng đội không còn. Quanh Nguyên là những cảnh hớt hãi, loạn lạc. Hết, hết tất cả! Lý tưởng, tình yêu, tuổi trẻ mãi mãi không còn mặc dù Nguyên chỉ vừa mới 23.

Nguyên trở về thành phố lầm lũi, cúi mặt làm một kẻ bại trận khi trên đài phát thanh cứ phát đi phát lại tiếng kêu gọi buông súng đầu hàng của TT DVM và những bài hát mừng chiến thắng của... phía bên kia. Nguyên hận nhất là bài "Nối Liền Cánh Tay" của TCS, nối liền cánh tay được sao khi những cánh tay đã bị cắt lìa, bưng máu mủ, đau đớn đến lịm người?!

Nguyên trở về thành phố, ngang qua ngôi chùa cũ gần nhà của Hạ. Anh bồi hồi nhớ lại mới hôm nào, Hạ cùng anh đi lễ chùa vào dịp tết đầu năm âm lịch. Đó cũng là mùa xuân cuối cùng trước khi anh giã từ chiếc áo trắng thư sinh để khoác lên mình chiếc áo trây di, xanh màu rừng núi.

Ngày ấy, Hạ vẫn còn là cô nữ sinh hồn nhiên, bé bỏng. Biết anh chọn cuộc đời binh nghiệp, Hạ không ngăn cản cũng không tán thành. Với đầu óc thơ ngây, đơn giản của Hạ, chiến tranh bao giờ cũng tàn nhẫn. Dù thắng hay bại, mỗi bên đều không tránh khỏi mất mát, tan thương, nhất là cuộc nội chiến nồi da xáo thịt ròng rã suốt mấy chục năm trời... Hạ bình dị, mộc mạc, hiền lành thì dĩ nhiên cô cũng yêu luôn những gì bình dị, mộc mạc, hiền lành như cô vậy... Mà chiến tranh thì không có những thứ đó...

Hạ thắp nén nhang trước đền Phật, miệng thì thầm khấn vái. Nguyên cũng đứng đó chắp tay, cúi đầu... nhìn lén Hạ. Những sợi tóc tơ mềm mại, lòa xòa trước vầng trán thanh tân, tà áo dài trắng chưa lem luốc chút bụi trần tạo cho Hạ vẻ gì đó dịu dàng, thoát tục... Nguyên nghe trong lòng mình rào rạt những yêu thương... Hạ khấn vái xong, quay sang, bắt gặp Nguyên đang nhìn trộm mình, cô mỉm cười bẽn lẽn:

- Sao anh cứ đứng đó nhìn... người ta?

Nguyên đưa tay, lần tìm tay Hạ:

- Hạ van vái gì mà có vẻ thành kính vậy?

Hạ rút tay lại thật nhanh:

- Trước đền Phật, anh nên tỏ ra cung kính một chút! Không được... đụng chạm... Coi chừng có tội!

- Hạ đừng lo, Phật dạy con người sống yêu thương lẫn nhau. Anh nghe lời Phật, nên sống và... yêu thương Hạ!

Mắt Hạ thoáng buồn:

- Anh nói vậy sao lại còn bỏ Hạ ra đi?

- Hạ, anh đi vì lý tưởng, thân trai phải đền nợ nước, đền ơn tấc đất, ngọn rau. Anh hứa với Hạ không lâu, anh lại sẽ trở về bên Hạ. Xin Hạ hãy ráng đợi chờ anh!

Hạ cúi đầu, giấu những giọt lệ đong đầy trên mắt:

- Lúc nãy anh biết Hạ van vái gì không?

- Nói cho anh nghe đi!

- Hạ cầu xin đất nước thôi hết chiến tranh để không còn những cảnh tiễn đưa ngậm ngùi, để không còn những cảnh vợ khóc chồng, con khóc cha và để anh... để anh mãi mãi không rời xa Hạ...

Nguyên nghe có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ, anh muốn nói với Hạ thật nhiều nhưng giờ phút này đây, mọi lời nói bỗng trở thành vô nghĩa. Nguyên lại đưa tay xiết nhẹ bàn tay Hạ. Lần này, Hạ để yên tay mình trong tay Nguyên. Nắng xuân lao xao trở mình, gió xuân thơm ngát mùi hoa cúc, nhưng phải chi tình xuân được trọn vẹn và dòng đời không có những chia xa...

oOo


- Trời ơi, anh Nguyên!

Hạ thảng thốt kêu lên khi nhìn thấy Nguyên từ ngoài cổng nhưng rồi cô đưa tay bụm miệng vội vàng, mắt lấm lét nhìn quanh. Tai vách mạch rừng, biết đâu tiếng kêu mừng rỡ, sum hợp của cô lại chẳng gây phiền phức cho Nguyên. Lòng Nguyên chợt nhói đau, Hạ ngây thơ, hồn nhiên của anh từ bao giờ đã biết e dè sau trước? Có phải dòng đời khắc nghiệt đã cuốn trôi đi hết những nét hồn nhiên ngây thơ ấy?

Hạ chạy vội đến bên Nguyên, thì thầm:

- Cuối cùng thì anh đã trở về!

Nguyên mỉm cười chua chát:

- Phải, anh đã trở về, làm một kẻ chiến bại... Sự trở về chẳng chút vinh quang... Nước mất, nhà tan rồi, Hạ ơi!

Nguyên nghẹn ngào, không nói được nữa. Nam nhi đại trượng phu thà rơi máu chứ không rơi lệ, vậy mà, giờ phút này đây, Nguyên bật khóc ngon lành trước mặt Hạ, những giọt nước mắt uất ức, tủi hờn, nhục nhã, khổ đau cứ thế tuôn ra...

oOo

Những ngày sau đó Nguyên tá túc nơi nhà của Hạ vì gia đình anh đã loạn lạc, di tản, không còn ai. Ông bà Thân, ba mẹ của Hạ, từ lâu đã xem anh như một người con rể trong gia đình rồi.

Một buổi tối, sau giờ cơm, ông Thân kéo Nguyên ngồi nơi chiếc bàn gỗ kê ngoài vườn. Ông tự rót cho mình chung nước trà và cho Nguyên một chung. Giọng ông thật nhỏ, chỉ đủ hai người nghe:

- Nguyên à, cháu có toan tính gì cho tương lai không?

- Những kẻ bại trận như cháu thì còn toan tính gì nữa hả bác? Nhưng những người bên kia đang kêu gọi tụi cháu ra... trình diện để đi học cải tạo. Cháu định bụng, nếu như tình hình yên ổn và đúng như những lời "họ" hứa hẹn, có lẽ cháu...

Ông Thân vội vàng ngắt lời Nguyên:

- Không được, cháu điên rồi à? Ra để nộp mạng cho họ một cách danh chánh ngôn thuận ư? Chúng ta còn lạ gì cái chiêu bài tuyên truyền và lừa bịp của họ. Đương không, sao cháu lại muốn chui mình vào rọ?

- Cháu biết làm sao hơn? Trời đất mênh mông nhưng hình như không có chỗ cho tụi cháu dung thân. Ở đây làm phiền hai bác, làm phiền Hạ hoài cũng không phải là cách. Hơn nữa, trước sau gì họ cũng biết, cháu không muốn gây phiền phức cho gia đình bác.

- Giờ này mà cháu còn phân biệt gia đình này, gia đình nọ nữa hay sao? Từ lâu hai bác đã thương mến và xem cháu như người trong nhà. Phiền phức thì bác không ngại, chỉ ngại cho tương lai của cháu thôi. Cháu còn trẻ, không thể tự đào huyệt chôn mình bằng cách ra trình diện họ đâu... Bác đã toan tính cách khác cho cháu, không biết ý cháu như thế nào?

- Bác dạy sao thì cháu nghe vậy thôi!

- Bác muốn gởi cháu đi... vượt biên...

Tiếng "vượt biên" ông Thân nói thật nhỏ vậy mà Nguyên cũng nhận ra được là giọng ông đang run run. Anh cũng bàng hoàng trước đề nghị bất ngờ này của ông Thân. Đi hay ở, lòng anh thật rối bời, không định hướng... Cả một đất nước còn bị mất thì huống hồ gì một số phận, một con người tầm thường, bại trận như anh!

oOo

Chiếc xe lam rời bãi, bỏ lại sau lưng một đám khói mịt mù, bỏ lại sau lưng mái chùa ngói đỏ cong cong, và, bỏ lại sau lưng vành nón lá nghiêng nghiêng của Hạ. Vành nón lá nghiêng nghiêng, che giấu những giọt nước mắt nghẹn ngào. Thêm một lần nữa, Hạ lại tiễn Nguyên đi. Lần trước Nguyên đi cho lý tưởng, cho một viễn ảnh tương lai tốt đẹp của đất nước, của tình yêu và hẹn ước ngày về. Còn lần này, Nguyên đi như một kẻ trốn chạy, một kẻ đi mà không biết nơi nào mình sẽ đến thì nói chi đến ngày về...

Nguyên bất chợt nghe thèm quá ánh mắt thơ ngây của Hạ ngày nào, thèm những đêm hai đứa ngồi bên nhau dưới trăng làm thơ, thèm được nhìn thấy bàn tay búp măng ngòi viết của Hạ đang che miệng cười khúc khích khi Nguyên làm bộ... ngất ngưỡng say... Mà hình như Nguyên cũng say thật, say tình!

Tất cả những điều đó nay đã quá xa vời, còn chăng chỉ là một đám bụi khói mịt mù làm cay mắt cả Nguyên và Hạ...

oOo

Chiếc tàu nhỏ tròng trành, vật lộn với sóng gió, đưa Nguyên và một số người ra biển . Những ngày còn sống trong cuộc đời quân ngũ có khó khăn, nguy hiểm nào mà Nguyên đã chẳng trải qua, kể cả những lần phải đối diện với cái chết trong từng đường tơ kẽ tóc, vậy mà Nguyên vẫn không sao . Để đến bây giờ, những ngày lênh đênh trên biển đối với Nguyên lại là cả một cực hình . Ngoài những lúc ói ra tới mật xanh, mật vàng, Nguyên ngủ li bì vì say sóng ...

Giấc ngủ của Nguyên thường gắn liền với những cơn mơ kỳ quặc và có những kết thúc bất ngờ . Có lần, Nguyên mơ thấy Nguyên cùng Hạ đi chùa lễ Phật, bỗng đâu, có tiếng đạn pháo ầm ầm . Hạ gục ngã trong vòng tay của Nguyên, máu của cô thấm đỏ chiếc áo dài trắng . Nguyên hãi hùng gọi tên Hạ rồi choàng tỉnh khi cảm nhận được một bàn tay mát lạnh đang dịu dàng đặt trên trán mình .

Nguyên mệt mỏi mở mắt và bắt gặp một đôi mắt khác đang mở to nhìn mình. Cô gái lo lắng hỏi:

- Anh không sao chứ?

Nguyên vẫn còn bần thần, thở dốc:

- Tôi vừa trải qua một cơn ác mộng...

Cô gái cười buồn:

- Từ sau ngày mất nước, giấc ngủ của mỗi chúng ta đều là những cơn ác mộng! Anh đã từng đi lính?

Nguyên không trực tiếp trả lời cô gái:

- Một người lính bại trận và đang... chạy trốn chính mình...

Cô gái nhìn Nguyên, ngậm ngùi:

- Đó là số phận chung của chúng ta mà. Em tên là Song Thu, còn anh?

- Tôi hả? Chẳng biết sao ba mẹ tôi ngày xưa lại đặt tên tôi là Nguyên trong khi cuộc đời tôi bây giờ... rách nát?

- Sao anh bi quan vậy? Em vẫn tin tưởng ngày mai trời lại... sáng.

Ánh mắt Nguyên xa xôi nhìn ra mặt biển đen ngòm:

- Ngày mai, biết bao giờ mới đến ngày mai?

oOo

Những ngày đầu tiên ở đảo, Nguyên đau yếu liên miên. Có lẽ những cơn sóng dữ vẫn còn đeo đuổi để hành hạ anh ngay khi anh đã ở trên đất liền, một dãy đất hoang vu, xa lạ, không phải là bóng dáng, hình ảnh của quê hương. Cũng may, Nguyên được Song Thu hết lòng săn sóc, lo lắng từng miếng ăn, giấc ngủ, đến thuốc men.

Song Thu đi vượt biên có một mình vì cha mẹ cô còn kẹt lại nơi một vùng quê hẻo lánh. Từ lâu, cô đã sống tự lập và đi làm ở thành phố nên rốt cuộc cô cũng một mình theo dòng người di tản, bỏ thành phố mà đi.

Những đêm hải đảo mênh mông, tiếng sóng âm vang vỗ vào ghềnh đá càng làm tăng thêm nỗi cô đơn của Nguyên và của Song Thu. Hai nỗi cô đơn gặp nhau, tìm nhau . Hơi thở của Nguyên gấp rút, hơi thở của Song Thu bồi hồi . Rồi bóng đêm như cùng đồng lõa với họ, đem họ đến bên nhau thật gần, thật sát... như một định mệnh đã an bày. Sau cái khoảng thời gian gọi là ái ân đó, Nguyên lịm dần vào giấc ngủ, trong mơ Nguyên lại thấy Hạ. Lần này, Hạ chỉ lặng yên, không nói. Vành môi cô dỗi hờn mím lại như sắp sửa bật khóc. Và, đôi mắt cô nhìn anh... thật buồn...

Từ sau đêm ấy, quyển tự điển cuộc đời của Nguyên có thêm hai chữ "chồng vợ". Cái mái gia đình nho nhỏ, tạm bợ trên đảo đã trở thành đời sống của Nguyên. Song Thu là một người đàn bà cứng cỏi, tính tình độc lập và thực tế. Còn Nguyên, tuy đã từng là lính chiến, đã từng vào sanh ra tử, nhưng cái tính mơ mộng, lãng mạn trong dòng máu vẫn còn...

Cuộc sống của gia đình Nguyên cũng khá bình lặng, êm ả và không sóng gió. Khi người ta lấy nhau, thường thì cái tình đến trước rồi cái nghĩa đến sau. Còn Nguyên, cái nghĩa đến trước rồi mới đến cái tình. Nhưng tình Nguyên dành cho Song Thu chẳng giống chút nào tình yêu Nguyên đã từng cho Hạ.

Mỗi lần nhớ đến Hạ, Nguyên lại thấy tội lỗi của mình thật nhiều cộng với bao nỗi nhớ, niềm thương. Nguyên đành gởi lòng qua những dòng thơ khoắc khoải, ngậm ngùi. Những dòng thơ mà chỉ có Nguyên mới hiểu hết được ý nghĩa của nó, mới biết từng chữ từng dòng là từng nhịp tim đau đớn, ưu tư. Song Thu không để ý cho lắm, cô chỉ nghĩ Nguyên làm thơ đơn giản là để... giải trí trong những lúc rảnh rỗi, nhàn hạ... Ngày mai khi rời khỏi đảo, đối đầu với cuộc sống mới, ắt hẳn Nguyên sẽ không còn thì giờ để thơ thẩn nữa...

oOo

Song Thu chìa tờ giấy ra trước mặt Nguyên:

- Anh làm ơn ký vào đây, mọi thủ tục khác em tự mình lo liệu.

Nguyên khổ sở:

- Vợ chồng với nhau mười mấy năm, em đành lòng dứt bỏ cái nghĩa, cái tình sao?

Song Thu cười buồn:

- Anh, có lẽ duyên nợ của mình đã hết rồi, trói buộc nhau thêm nữa chỉ khổ cả hai người. Em chuộng đời sống thực tế, còn anh thì lúc nào cũng mơ mộng ở trên mây. Trong gia đình, hình như em đang đóng vai trò của một người đàn ông, còn anh thì... không phải. Nói thật, em cảm thấy mệt mỏi ghê lắm và sức chịu của một con người có giới hạn. Em không muốn sống, chịu đựng anh và cũng không muốn anh sống, chịu đựng em. Càng ngày, chúng ta sẽ thấy càng chán, càng hận đối phương chứ chẳng có ích lợi gì. Bây giờ xa nhau, may ra chúng ta còn có thể giữ được cho nhau tình bạn và chút nghĩa cũ càng.

Nguyên nuốt nước miếng, nghe cổ họng khô khan, đắng nghét:

- Anh biết, xưa nay anh chưa hề là một người chồng, người cha tốt. Nhưng mái gia đình hôm nay là do chúng ta tạo dựng nên, em không nghĩ đến con cái sẽ như thế nào nếu chúng thiếu đi tình cha hoặc mẹ sao?

- Con cái chúng ta cũng đã khá khôn lớn rồi. Tụi nó nay mai cũng sẽ bước vào cuộc sống tự lập của những sinh viên nội trú. Từ lâu chúng cũng đã nhìn thấy tình cảnh của cha mẹ chúng. Nói ra thì thật đau lòng, chứ em biết anh chưa bao giờ thật dạ... yêu em...

Nguyên kêu lên:

- Song Thu!

Song Thu đưa tay ngăn Nguyên:

- Đã nói thì phải nói cho hết. Em là một người đàn bà, em cảm nhận được tình cảm của chồng dành cho mình như thế nào. Em biết trong anh vẫn còn âm ỉ một cuộc tình, một hình bóng xa vời nào đó. Những vần thơ của anh, anh bảo chỉ là để giải trí đó ư? Em dù có đui mù, cũng có thể nhận ra anh không phải là chỉ khóc gió, thương mây, mà là anh đang khóc cho anh, khóc cho một người... đàn bà khác. Em ở bên cạnh anh bao nhiêu năm, họa hoằn lắm cũng chỉ làm một cái bóng mờ.

- Song Thu, em đừng nói vậy, thực tế chẳng giống như em nghĩ đâu...

- Thôi anh, tình đã cạn, nghĩa đã cùng, em không muốn kéo níu nữa. Một đời người có là bao, hãy cho em một chút không khí, một chút hơi thở của riêng em. Hãy cho em được tự do làm những gì em thích, và, đối với anh cũng vậy. Em trả lại cho anh những ngày tháng tự do, tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm, muốn làm thơ, muốn mơ mộng ai cũng được, không cần phải bị cái mặc cảm... có lỗi với em.

- Song Thu, em trách anh không trọn lòng với em thì anh chịu, bởi vì tình cảm con người phức tạp, không phải lúc nào cũng tuân theo lý trí. Anh chưa làm điều gì có lỗi với em, ngoài cái thú yêu thích văn thơ...

Song Thu cười buồn:

- Yêu thích thơ văn, một cách nói văn hoa quá anh nhỉ. Rất tiếc, nàng thơ, nàng văn của anh không phải là em. Nói một cách khác, anh... anh ngoại tình tư tưởng!

- Song Thu, anh... yêu em và thật không muốn mất em!

Đôi mắt Song Thu chợt ướt:

- Phải chi em được nghe anh nói những lời này trong những năm về trước khi mà em còn chờ đợi để được nghe. Bây giờ thì đã... hết rồi. Ý em đã quyết, không có gì thay đổi được đâu anh!

Đôi mắt Nguyên đỏ ngầu, vô vọng:

- Anh đã nói hết lời. Thôi thì, anh chìu ý em... Anh ký đây...

Nguyên run run tay ký vào tờ đơn ly dị mà Song Thu đã điền sẳn đâu vào đấy. Anh nghe âm vang trong đầu mình tiếng gương vỡ... Rồi những mảnh vụn ấy đua nhau cắm vào tim Nguyên đau nhói... Nguyên chới với, đưa hay tay ghì chặt thành ghế, anh mơ hồ nghe mấy tiếng "Cám ơn anh!" của Song Thu và rồi hình bóng cô nhạt nhòa, tiến dần về phía cảnh cửa. Cánh cửa mở ra, khép lại, hình bóng nhạt nhòa của Song Thu rốt cuộc cũng không còn. Cánh cửa đời cũng khép lại, chia cách Nguyên và Song Thu mãi mãi. Lỗi tại ai? Tại Nguyên hay tại cuộc đời cứ mãi trêu đùa, cợt nhã đối với anh? Cái gì đến với anh cũng dang dở, nửa chừng. Hạ, Song Thu và còn ai nữa đây sẽ đi qua đời anh, hay đời anh từ đây về sau mãi mãi là một vũng tối âm u... Tờ lịch trên tường hôm ấy cũng là một ngày cuối ... tháng tư!

oOo

Năm dài, tháng rộng trôi qua, tháng tư tiếp nối những tháng tư như một định luật hiển nhiên nhưng... khắc nghiệt. Khắc nghiệt vì từ tháng tư ấy, tháng tư năm 75, trở về sau, có tháng tư nào mà Nguyên không buồn, không nhớ, không khắc khoải vạn nỗi niềm. Nỗi đau chung của đất nước, nỗi đau riêng của cuộc đời mình đã khiến Nguyên dần quên đi mất những nụ cười...

Nguyên càng ngày càng trốn sâu vào cái vỏ ốc của riêng mình. Trong đó, Nguyên còn có ba người bạn: internet, thơ và rượu.

Những người bạn trên internet đôi khi cũng giúp Nguyên tạm quên những ưu tư, phiền muộn của cuộc đời. Những người bạn Nguyên không từng biết mặt nhưng có thể chia xẻ, cảm thông nhau qua những dòng chữ rất chân thành. Thà như thế còn hơn những người mà Nguyên phải đối diện hằng ngày để nhìn rõ ràng hơn sự giả trá và lọc lừa. Nguyên có thêm nhiều bạn bè mới trên net. Ở đó Nguyên có thể sống thật qua thơ, qua những lần chit chat chuyện trò với những cái nicks Tử Ngôn, Phương Du, Gọt Xoài và còn nhiều nữa. Ai cũng có đời sống riêng, thế giới riêng, nhưng gặp nhau trên net, đem lại cho nhau chút niềm vui kể ra cũng không phải là quá đáng. Miễn sao, Nguyên đừng đi quá xa ranh giới của tình... bạn thiết. Vậy mà đôi khi Nguyên cũng không tránh khỏi những tình huống khó xử, đúng như cái câu người đời vẫn nói "Ở lâu sinh tình". Tất cả cũng do thơ của Nguyên mà ra...

Thơ Nguyên sâu sắc, lạ và có vẻ... tàng tàng. Có ai đó đã từng ví thơ Nguyên như là những nhịp đập của một trái tim, một trái tim đang thổn thức, một trái tim đang vụn vỡ vì tình, vì đời... Người ta yêu mến thơ Nguyên, rồi từ lúc nào cũng yêu mến luôn... Nguyên mà không rõ... Nhưng Nguyên còn gì cho đời, cho mình, cho người thương mình, hay cho người mình thương ngoài những dòng thơ ấy? Cho nên, biết người ta... yêu mình, Nguyên càng trốn tránh, càng cố ngụy tạo cho cái vỏ ốc của mình thêm phần cứng cáp. Nguyên sợ tình yêu nửa mùa, không trọn vẹn sẽ gây khổ lụy cho cả đôi bên. Yêu Nguyên không được, người ta trở lại trách móc cho rằng Nguyên có trái tim bằng đá, lạnh lẽo, vô tình. Có ai biết được đâu, đá cũng biết khóc, đá cũng biết đau... Và những cơn đau ấy, Nguyên lại tìm quên trong men rượu.

Nguyên uống bia như uống nước. Uống để quên mình, quên đời, nhưng khổ nổi càng uống thì Nguyên càng nhớ... Đến một lúc nào đó, Nguyên phát hiện ra mình đã trở thành một kẻ nghiện ngập nhưng nỗi đau trong lòng không thuyên giảm chút nào mà lại có phần sâu sắc hơn, buốt nhói hơn. Mà nghĩ cho cùng, bia rượu mới là người bạn đường thủy chung của Nguyên. Còn con người, tình người vốn bạc bẽo như vôi.

Cũng từ sau ngày chia tay với Song Thu, Nguyên rời bỏ Dallas, nơi dù sao cũng đã in đậm những kỷ niệm khó quên, về sống với những người em bà con ở Minnesota. Về sống với họ là Nguyên cố tình tìm về một chút tình thân, nguồn cội chứ một thân một mình như Nguyên đi đâu lại chẳng được. Thế mà, một chút an ủi ấy Nguyên cũng không tìm thấy được qua những người bà con này khi cuộc sống quanh Nguyên người ta coi trọng vật chất, tiền bạc hơn cả cái tình thân thuộc, máu mủ.

Nguyên không phải là kẻ bất tài, không thể làm ra đồng tiền nhưng Nguyên thật sự khinh ghét đồng tiền. Cũng vì đồng tiền mà người ta tranh giành, gạt gẩm lẫn nhau. Cũng vì đồng tiền mà con người trở nên giả dối, điêu ngoa. Với Nguyên, tiền không phải là tất cả, cho nên Nguyên thường lừng khừng, chỉ kiếm đủ tiền cho cuộc sống mà không mong dư dã hay giàu có như người ta. Những người bà con của Nguyên thì cho là Nguyên lập dị, trái đời, bất đắc chí. Kệ, ai hiểu về Nguyên sao cũng được, miễn Nguyên tự hiểu mình và không làm gì thẹn với lương tâm là được rồi...

Kinh tế Mỹ đang hồi suy thoái trầm trọng, Nguyên làm ở hãng này vài ngày thì bị laidoff, làm được ở hãng nọ mấy tháng thì hãng đóng cửa. Những ngày thất nghiệp của Nguyên cộng lại dài hơn những ngày đi làm. Để rồi hôm nay, mới tìm được việc làm thì cái xe chết tiệt của Nguyên lại ù lì, xịt khói và chết ngắt. Cuộc đời hình như đang đùa cợt với Nguyên hay sao ấy. Trò đùa kéo dài quá đến nổi Nguyên mệt mỏi gần như là kiệt sức mà nó vẫn không thôi...

oOo

- Buồn bã, chán nản quá nhỏ ơi!

Đó là cái message mà Nguyên gởi qua yahoo cho Xuân, một cô bạn nhỏ trên net. Để rồi đọc xong, Xuân ngẩn ngơ buồn và... thương Nguyên quá. Với Xuân, Nguyên không thân, không có nhiều tình cảm đặc biệt như những người khác. Xuân quen Nguyên cũng là do làm thơ qua lại từ những giây phút ban đầu khi vừa mới vào Đất Việt. Thơ của Xuân còn non kém lắm nên Xuân cứ đi theo đọc thơ của Nguyên để học hỏi, làm quen. Lâu dần ở hai người nãy sinh ra một tình bạn dù là tuổi tác chênh lệch và Nguyên đôi khi bảo Xuân: "Trong mắt anh, nhỏ dù đã gần ba mươi tuổi nhưng vẫn chỉ là một đứa con nít mới lớn, đường đời chưa trải qua được bao nhiêu."

Xuân tức lắm nên cứ đi theo ghẹo chọc Nguyên miết để Nguyên không còn coi Xuân là... con nít nữa. Nguyên chỉ biết kêu lên hai tiếng "gian ác!" và chào thua. Thế mà Xuân lại dùng chỉ hai chữ "gian ác" ấy để viết ra cả một bài thơ, bắt đầu bằng những câu:

Em "gian ác", che miệng cười khúc khích
Anh giật mình, tay giữ chặt trái tim
Hai đứa dù ở hai nơi xa tít
Niềm vui nào vẫn len nhẹ trong đêm
....

Và kết thúc bằng những câu:

Em "gian ác" trói anh bằng sợi tóc
Mỏng manh thôi mà bền chắc, lạ lùng
Tóc không gội bằng mùi hương bồ kết
Vẫn nồng nàn hương tình ái, thủy chung...

Lần đó, Nguyên chỉ biết kêu trời và hình như có một niềm vui nho nhỏ đang len lén vào lòng Nguyên. Thoáng chốc, Nguyên lại nhớ tới Hạ. Hạ ngày xưa vẫn gội đầu bằng bồ kết cho nên trong những bài thơ của Nguyên, Nguyên thường đưa hình ảnh ấy vào. Xuân biết nên có ý... ghẹo chọc Nguyên... Cô nhỏ xem ra cũng khá lí lắc và hình như ít khi biết buồn...

Vậy mà có lần Xuân buồn thiệt vì... cô lỡ làm cho Nguyên buồn và thức trọn một đêm... Để rồi sáng hôm sau, Nguyên vào trong Đất Việt bắt gặp bài thơ "Tạ Tội" của Xuân:

Lời tạ tội trên môi, buồn vướng vít
Biết không anh, khi nói thật, đau lòng
Trăng muôn đời vẫn mãi là trăng khuyết
Khi đôi mình cách biệt một dòng sông

Dallas buồn phải đâu vì đông đến
Từ bây giờ bốn mùa giống như nhau
Lời hứa hẹn anh về thăm một chuyến
Em chỉ còn chờ đợi ở chiêm bao...
....

Nguyên xúc động vô cùng khi đọc những dòng chữ chân thành này của Xuân. Để rồi sau đó Nguyên cũng làm một bài thơ đáp lại... Hai người vẫn họa thơ qua lại như vậy và những lúc Nguyên buồn, Xuân thường lắng nghe anh kể lể, tâm sự, dù không giúp ích được gì, nhưng Nguyên cũng cảm thấy được an ủi, cảm thông.

Cho đến lần "gặp gỡ" sau cùng, Nguyên tỏ ý muốn đi xa. Xuân hỏi anh đi đâu, Nguyên bảo "Anh đi về the dark side of the moon!". Xuân nghe buồn diệu vợi như sắp đánh mất đi một cái gì đó rất đỗi thân thương. Xuân năn nĩ Nguyên ở lại nhưng cuối cùng thì Nguyên (hình như) đi thiệt sau khi làm một bài thơ từ giã để lại cho những người bạn bè, những người đã từng có tình cảm với anh... Sau bài thơ đó Xuân không thấy Nguyên... xuất hiện nữa. Hay anh đã đi về "the dark side of the moon" thật rồi?!

Hôm ấy, đọc bài thơ của anh xong, Xuân muốn khóc. Cô vẫn luôn hy vọng anh sẽ đột ngột xuất hiện và gởi cái message cho Xuân như anh vẫn thường làm để nói với cô rằng: "Anh đâu có đi, chỉ là hù nhỏ thôi...". Mỗi một ngày, trong Xuân niềm hy vọng ấy vẫn còn...

oOo

Nguyên cắm cúi lau chùi lại đôi giày cũ để làm hành trang cho một chuyến đi xa... Giây phút cuối, Nguyên vẫn còn nán lại để đọc hết bài thơ sau cùng mà Xuân làm cho Nguyên "Anh Đi Về Vùng Đen Tối Của Vầng Trăng"

Em chẳng muốn làm một người đưa tiễn
Xếp trang sách buồn, xếp câu chuyện tình ta
Mai anh đi, cả bầu trời quyến luyến
Gió bão nơi nào mà vùn vụt lướt qua

Khẽ hỏi nhỏ đi về đâu, anh hỡi
Anh đi về vùng đen tối của vầng trăng...
Để cho em bên này cứ âm thầm chờ đợi
Đọc từng tiếng kinh cầu, tội lỗi vẫn trăm năm

Đôi giày cũ theo anh, con đường dài hun hút
Gánh hành trang trên vai chắc cong oằn
Anh có mang theo chăng, trái tim em thổn thức
Tay buông tay rồi, tình một thuở... xa xăm

những ngày mưa em còn ai vuốt tóc
Từng sợi nhạt nhòa, lạc vào mắt, thêm cay
Sờ kỷ niệm, em nghe mình bật khóc
Cuối nẻo con đường, anh có biết, có hay

Và em hiểu, cuối tuần buồn hơn trước
Khi một mình đi ngang qua căn gác ngày xưa
Nhớ anh quá, nhớ từng vòng khói thuốc
Bến hẹn hò nào, ngày hai đứa đón đưa...

Nếu anh đã có lần thương sợi tóc
Sao lại đành lòng khi cất bước ra đi
Em như tóc, tháng ngày thành gầy guộc
Mộng tàn phai, còn đâu nét xuân thì

Đem nỗi nhớ chia đều thành hai nửa
Một nửa theo anh, và một nửa cho em
Những trái ngang kia cứ mãi nằm ở giữa
Đêm tối mịt mờ, làm lạc mất đường tim

Tình khốn khó như tách cà phê đắng
Một chút ngọt ngào, sao lại chẳng cho em
Thoáng đi qua đời nhau, để biết thêm vị mặn
Đầu lưỡi tái tê rồi, cắn lần nữa, đau thêm...

Có những lúc em ước mơ làm giọt rượu
Ấp ủ đôi môi anh, ru giấc ngủ muộn phiền
Rồi theo anh đi vào cõi mơ, tình tự
Hay chỉ lặng thầm nhìn anh một đêm trọn, bình yên

Đời vốn vậy, vô tình và... tàn nhẫn
Mơ ước nhỏ nhoi mãi mãi vẫn không thành
Bên kia của vầng trăng, đời anh tối đen, lận đận
Còn em bên này, cúi đầu, khóc nỗi cách ngăn...

Những hạt mưa bụi ngoài kia, chui qua lớp cửa kiếng, len vào mắt Nguyên làm cho mắt anh cay xè... Đời Nguyên đã trải qua Hạ, Thu và một chút... Xuân, nhưng từ bây giờ, có lẽ anh phải đối diện với một mùa đông dày đặc và lặng buồn... Nơi đó, Xuân, Hạ, Thu có đến chăng, chắc chỉ còn là trong ký ức... Nguyên nghe tim mình thì thầm:"Nhỏ ở lại mạnh giỏi, anh đi!"...

Mưa vẫn vô tình rơi rơi... Bầu trời xám xịt một màu như đang độ đông sang dù chỉ mới là một ngày của tháng năm...


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả