Quê Hương Thứ Hai

Cuộc đời lưu vong của My bắt đầu từ khi chiếc Boeing 747 đưa My và gia đình rồi khỏi phi trường Tân Sơn Nhất. Nhà cửa,những con đường cùng cảnh vật bên dưới nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút trước đôi mắt mờ lệ của My . Thế là hết, từ nay My xin gởi lại quê hương một tuổi thơ yêu dấu với những ngày đội nắng, tắm mưa hồn nhiên cùng bè bạn. Xung quanh My bây giờ là mây trắng mênh mông. Hồi nhỏ có lần My ao ước được bay giữa những đám mây trắng như thế, My nghĩ, cái cảm giác lơ lửng trên bầu trời chắc là tuyệt diệu lắm. Nhưng giờ đây My chẳng thấy tuyệt diệu chút nào hết khi bên cạnh My, chị Hạnh đang bắt đầu nôn mửa và hai cái lổ tai của My thì nghẹt nghẹt hết sức khó chịu . Cả nhà My, ai nấy mắt đỏ hoe vì đã khóc quá nhiều . Những người khác cùng đi chung chuyến bay cũng vậy, được ra đi đến xứ sở tự do, công bình, bác ái mà sao My chẳng thấy ai cười nổi trong lúc này . My nhớ tới câu hát "một ngày xa quê hương là một ngày mang đau thương..." mà trong lòng buồn diệu vợi . Chỉ cần một ngày xa quê hương thôi mà người ta đã nói là "mang đau thương" rồi, huống hồ chi My phải xa quê hương không biết đến bao giờ!

oOo

Qua tới Thái Lan, ai nấy đều rã rời, phần vì thiếu ngủ trong suốt mấy đêm liền ở Việt Nam, phần vì bị say sóng say gió gì đó. Mọi người được đưa vào ở tạm trong một building của trại tù để chờ ngày lên máy bay đi tiếp. Cũng tại đây, gia đình My biết là sẽ được đưa sang Texas định cư . Qua những cuốn sách My đọc lúc nhỏ, Texas là một vùng đất khô cằn sỏi đá và là xứ sở của những chàng cao bồi chuyên môn cỡi ngựa, bắn súng, My mếu máo:

- Thôi chết rồi ba ơi, sao họ không đưa mình tới Cali mà lại đưa tới Texas? Ở đó là nơi đồng khô cỏ cháy chỉ có những nông trại và những người cao bồi thôi hà...

Ba cũng lo lắm nhưng cố trấn an My:

- Không sao đâu con, nếu mình ở đó không được thì dọn đi nơi khác. Đất Mỹ là xứ tự do mà!

- Huhu ...mình có biết ai đâu mà dọn đi ? Rồi con làm sao mà học hành đây ?

Chị Hạnh cũng òa khóc:

- Đi chi cho khổ vầy nè? Không thân nhân, không họ hàng thì làm sao mà sống?

My thấy thương chị Hạnh quá, chị đã phải để lại mối tình đầu thơ mộng để ra đi, anh Quân ở lại chắc cũng tan nát lòng vì "làm người ở lại có bao giờ vui ..."!

Gia đình My chỉ ở Thái Lan có một đêm rồi ngày hôm sau lên máy bay đi chuyển tiếp qua Nhật. Phải ngồi ở phi trường bên Nhật cả ngày trời để đợi chuyến bay kế tiếp, ai cũng đói nhưng ăn không vô vì đồ ăn người ta phát cho có cái mùi sao mà "khủng khiếp" quá. My mon men lại gần cafeteria coi có bán cái gì ăn được không thì My thấy bảng giá cho một tô mì ăn liền là 4 đô la . My hết hồn khi nhẩm tính ra 4 đô là cả hơn 50 ngàn Việt Nam. Thôi thà nhịn đói chứ tiền đâu mà ăn kiểu "tư sản" này!

Khi được thông báo là sắp sửa lên chuyến bay đi qua Mỹ, Mẹ, chị Hạnh và My vội chạy đi thay áo dài vì nghe người ta nói người Mỹ rất thích tà áo dài Việt Nam nên hễ mình qua tới đó mình mặc áo dài sẽ được người ta dành cho nhiều ưu ái ... Ưu ái đâu không biết, My chỉ thấy thật là cực khổ khi vừa phải xách hành lý nặng chình chịch mà vừa phải mặc chiếc áo dài lê thê, lếch thếch...

Rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy, nhưng khi gia đình My đến Mỹ, chẳng có phái đoàn nào đón rước rần rộ như lời đồn đãi từ những người đi trước, chỉ có một anh chàng Việt Nam đại diện hội bảo trợ ra đón mà thôi . Rồi cả nhà My leo lên xe của anh ta để đi về căn apartment cũ kỹ nằm sâu trong những con đường ngoằn ngoèo, chằng chịt. Ôi thiên đường của hạ giới như thế này hay sao ?

Những ngày sau đó, có nhiều người Việt Nam tới thăm và mang cho My cùng gia đình thật nhiều quần áo ...cũ. Mẹ bảo:

- Kệ, người ta có tấm lòng, họ cho thì mình cứ nhận, mình không dùng đến thì để dành đó cũng chẳng sao ...Ở đây có nhiều người Việt như vầy chắc cũng không đến nổi buồn... Cuộc sống rồi sẽ dần dần ổn định trở lại thôi các con ạ!

oOo

Mẹ đã nói đúng. Cả nhà My bắt đầu làm quen với cuộc sống mới . Chị Hạnh thì đi may ở hãng, còn My theo mấy bà già và những người khác trong khu chung cư đi xe bus đến trường học ESL. Lúc đó tiếng Anh của My lắp ba lắp bắp như cà lăm, My nói My còn không hiểu thì làm sao người khác hiểu được...Đi xe bus đến hai chuyến mới đến trường, mỗi lần xuống chuyến đầu tiên, My nghe bác đi chung lại chỗ ông tài xế hỏi cái gì mà "per per" rồi ông tài xế đưa cho bác ấy với My tờ giấy như là cái vé xe vậy . Hai người cầm tấm vé đó đem đưa cho ông tài xế của chuyến xe kế tiếp và không phải trả tiền thêm lần nữa . Bữa kia, bác đó nghỉ học, thế là My phải đi học một mình. Xong chuyến xe đầu tiên, My đến gần ông tài xế run run nói:

- Paper, please!

Ông tài xế trợn mắt nhìn My:

- Paper what?

My càng run thêm, vừa nói vừa đưa hai tay diễn tả cái kích thước của tấm vé đó:

- Pa ...per, pa ...per...

Ông tài xế chắc cũng thuộc loại thông minh nên chợt hiểu ra:

- Oh, transfer!

Rồi ông lấy tấm vé đưa cho My:

- Right?

- Ye ...s, sir!

My mừng quýnh chụp tấm vé từ tay ông tài xế rồi vội bước xuống xe, My tự cười bẽn lẽn cho sự "dốt đặc cán cuốc" về tiếng Anh của mình.

oOo

Tháng tám năm đó, My ghi danh vô trường highschool để học lớp...chín mặc dù My đã tốt nghiệp cấp ba ở Việt Nam hơn cả năm. Tại tiếng Anh của My tệ quá thì phải vậy thôi chứ còn biết sao hơn. Mấy ông thầy bà cô thấy My học giỏi Math, Physics, Chemistry thì cưng My lắm mặc dù có khi My nói My hiểu còn họ nói họ hiểu ... chứ không ai hiểu ai hết... Mà phần đông là My xài "động từ to quơ" (quơ tay ra để diễn tả) không hà...

Cũng trong ngôi trường highschool này My gặp Mẫn. Mẫn cũng mới qua và bằng tuổi My, nên hai đứa học chung nhiều môn. Vì cùng cảnh ngộ nên Mẫn và My trở thành đôi bạn thân và sau đó một tình cảm dịu dàng đã chớm nở.

Năm sau, Mẫn rủ My bỏ highschool để đi học college, My không chịu vì My thấy học highschool cũng vui và bổ ích, hơn nữa tánh My hay cố chấp, đã làm một cái gì đó thì nhất định phải làm cho đến nơi đến chốn. My quyết chí học xong highschool rồi mới đi học college! Mẫn chào thua, đành đi trước My một bước, nhưng tình cảm của hai đứa thì vẫn tốt đẹp như ngày nào!

Hồi đó, những trường highschool của Texas đều bắt học sinh phải thi TASS Test rồi mới được ra trường. Ai thi không đậu thì phải thi lại nhiều lần cho đến lúc đậu mới thôi . Mà hễ môn nào đậu rồi thì lần sau học sinh khỏi thi môn đó nữa . Chương trình thi gồm có ba môn: Math, Writing và Reading. Math thì My không sợ, nhưng còn Writing với Reading thì đối với My là cả một vấn đề vì My tự nghĩ tiếng Anh của mình "viết không đầy cái lá mít" thì làm sao mà thi đậu cho được. Bâng khuâng, trăn trở mãi rồi cái ngày thi ấy cũng tới, lòng My xốn xang, phập phồng. My không muốn mình thi rớt nhưng My cũng không biết làm sao để thi đậu . Thôi thì phó mặc cho số phận, My chỉ có thể cố gắng hết sức mình.

Ngày có kết quả, hai tay My lạnh ngắt, My không dám lên phòng giám thị để coi . Bạn bè My đứa thì đậu một môn, đứa thì đậu hai môn, lại có đứa chẳng đậu môn nào hết. Đối với những đứa đậu hai môn, My phục tụi nó sát đất... My ước ao sao My cũng đậu hai môn như vậy là phước đức lắm rồi . Cuối ngày My mới thập thò lên phòng giám thị để hỏi kết quả. Nhìn bà giám thị mở cuốn sổ ra, My run gần như muốn xỉu, rồi bà la lên:

- Congratulations! You passed all three!

My không dám tin vào tai mình nữa và hỏi thật ngớ ngẩn:

- Are you sure ? How can?

- Yes, you really passed all three, my sweetheart!

Nước mắt vui mừng của My trào ra trong khi My nói:

- Mrs. Cocktail, I want to cry ...hic...hic...hic...

Bà giám thị cũng chia xẻ niềm vui với My bằng cách ôm My vào lòng. Thế là My được khóc một trận mùi mẫn. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của vui mừng, của bước đầu thành công mà My có được trên đất Mỹ.

Chỉ trong vòng ba năm, My đã lấy xong bằng highschool. Có ai ngờ con bé mới hôm nào không nói được chữ "transfer" nay lại có bằng trung học ở Mỹ chứ?

oOo

Sau khi tốt nghiệp highschool, My theo Mẫn học college . Tình cảm giữa hai đứa ngày càng khắng khít và hai bên gia đình cũng đã chấp nhận cuộc tình duyên này, chỉ đợi ngày cả hai ra trường thì sẽ tiến hành hỏi cưới . Những ngày học mõi mệt, bơ phờ rồi cũng qua . Và cũng đúng ba năm sau, My lấy xong bằng Bachelor of Science in Computer Science . Mẫn cũng thế. Ngày ra trường hai đứa thật vui vì đều đã tìm được việc làm trước đó. Chân My bước lên khán đài để lãnh bằng mà hồn My bay bổng đâu đâu ...My lại rưng rưng muốn khóc nữa rồi, ôi đáng quý làm sao những giọt nước mắt của vui mừng và hạnh phúc. Để có được ngày hôm nay, đối với My không phải là dễ. My vẫn còn nhớ những đêm thức trắng gạo bài, những hôm trời đổ tuyết vẫn phải lái xe rị mọ đến trường... Cũng may là có Mẫn luôn sát cánh cùng My trong những lúc khó khăn nhất. Nếu không có sự động viên nhiệt thành của Mẫn chưa chắc gì My được như ngày hôm nay!

Thế là sau sáu năm ở cái đất Texas "chỉ toàn là nông trại và những chàng cao bồi cỡi ngựa bắn súng", My đã trở thành cô kỹ sư với một tương lai tốt đẹp đang đợi chờ phía trước! My không bao giờ dám tự hào về mình nhưng nhìn những thành quả mà My đạt được, My cũng thấy vui lắm. Lời người xưa nói thật chẳng sai, "có công mài sắt, có ngày nên kim"!

oOo

Đúng ba năm sau khi ra trường, My và Mẫn làm đám cưới trước sự chứng kiến thật đông, thật vui của bà con, bạn bè hai bên. Lại một lần nữa My bật khóc trong khi khoác chiếc áo cô dâu để về làm vợ Mẫn. Một cuộc tình kéo dài chín năm với một kết thúc thật đẹp! Trước khói hương nghi ngút nơi bàn thờ gia tiên, My cúi lạy Mẹ Cha để bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống trong đó sẽ có Mẫn cùng chia bùi xẻ ngọt với My kể từ hôm nay và mãi mãi .

oOo

Nhiều lúc nhớ về những ngày qua, My có cảm tưởng như mình vừa trải qua một giấc mộng thật dài . Từ một con bé Việt Nam ngơ ngáo, My của hôm nay đã có thể hòa nhập vào cái xã hội của một nước văn minh nhất thế giới . Có khi My nghĩ rằng tất cả mọi thứ như đã được sắp đặt nhờ bàn tay mầu nhiệm của thượng đế. Thượng đế đã cho My đến cái đất Texas này và cũng đã mang Mẫn đến cho My . Ôi mảnh đất mới ngày nào My nghĩ là khô cằn sỏi đá giờ đây trong My thật đáng yêu và tràn đầy nhựa sống. My vẫn tự hào mình là người Việt Nam với da vàng máu đỏ, nhưng My xin nhận nơi đây làm quê hương thứ hai yêu dấu của mình!


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả