Ngủ Trong Mùa Xuân

Trường PTTH Châu Thành A nho nhỏ, nằm khiêm nhường bên tay phải trục lộ chính đi về thị xã Bến Tre . Qua bắc Rạch Miễu, chạy xe đạp chừng cở năm phút, người ta sẽ nhìn thấy tấm bảng nhạt màu mưa nắng, lờ mờ ghi tên trường, biết trách ai, trường huyện mà, làm sao được thường xuyên tu bổ cho đẹp bằng trường tỉnh chứ!

Trường có ba dãy thấp lè lè, kiến trúc theo hình chữ U . Phía sau trường là dãy nhà giành cho giáo viên "nội trú" . Trong sân trường lác đác vài ba cây phượng vĩ và một cây cổ thụ mà tụi bạn nói với Trúc là cây bã đậu . Tụi nó còn hù Trúc, hôm nào đói quá cũng nhớ đừng có lượm trái bã đậu mà ăn, e chết ... không kịp ngáp . Nghe tụi bạn nói, Trúc lắc đầu le lưỡi và thường tránh xa cái cây bã đậu "giết người" đó .

Trúc là cô học sinh bất đắc dĩ của ngôi trường này . Đáng lẽ Trúc học trường Nguyễn Đình Chiểu của tỉnh vì Trúc được tuyển thẳng vào đó . Nhưng rồi cả gia đình dời về Mỹ Tho, Trúc chưa có hộ khẩu ở Mỹ Tho, xin vào trường Nguyển Đình Chiểu Mỹ Tho cũng không được, mà đi trở về học trường Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre thì xa quá . Thôi thì đành ... ở giữa chừng ... tạm làm cô học trò của trường Châu Thành A trong một năm, đợi khi xin được hộ khẩu ở Mỹ Tho thì xin chuyển trường cũng không muộn ... Thế là mỗi ngày, Trúc phải lên phà, xuống phà để đi đến trường và đi ngược về nhà ... Đâu chỉ có mình Trúc, một số học sinh khác cũng vậy . Chính sách của "nhà nước" mà, hộ khẩu ở tỉnh nào thì phải học trường của tỉnh đó, không được "lộn xộn"!

oOo

Ngày 25 tháng Chạp năm 1989

Cả lớp 10A2 nhốn nháo trong buổi sinh hoạt lớp . Tụi Trúc đang mè nheo thầy Sĩ là giáo viên chủ nhiệm . Con Phượng lớp trưởng đưa lên thầy "cái nguyện vọng" của cả lớp là được làm liên hoan cuối năm . Chuyện đơn giản như "đang giỡn" vậy mà thầy cũng cố tình làm khó với cái mặt buồn buồn cố hữu ... Thầy sống khép kín quá, đến nỗi không ai biết gì về đời tư của thầy hết, ngoại trừ cái tướng hơi ... đẹp ... sồn sồn, đôi mắt sâu mang nhiều tâm sự và một điều nữa để cho đám nữ sinh lãng mạn mộng mơ, thêu dệt đủ thứ là thầy còn ... độc thân .

Tuy là hơi "khíu chọ", nhưng thầy Sĩ thương tụi Trúc lắm . Thầy dạy toán hay số dách nhưng lại thích đọc thơ tiền chiến và phân tích thơ thì không chê vào đâu được . Tụi Trúc thường thì thầm nói lén là "thầy có tài nên có ... tật ", chỉ dám nói lén thôi chứ nếu thầy mà nghe được thì chết ...

Nhỏ Phượng cố nài nĩ:

- Thầy ơi, cho tụi em làm liên hoan cuối năm rồi chia tay nhau về nhà ăn tết nghen thầy!

Thầy lắc đầu:

- Thôi bày đặt làm gì ? Chia tay đơn giản thì được rồi ...

Con Nhi cũng góp lời:

- Em thấy mấy lớp khác rộn ràng tổ chức liên hoan mà mắc ham, còn lớp mình im ru bà rù ... Ngoài trừ là thầy có lý do đặc biệt để thuyết phục tụi em ...

Giọng thầy chợt lạc đi:

- Lý do đặc biệt à ? Chỉ vì ... chỉ vì tôi ... tôi ... vốn sợ tết lắm ...

Cả lớp ngạc nhiên:

- Sao vậy thầy ?

- Chắc thầy sợ tết rồi tụi em bắt thầy lì xì phải không ?

Thầy Sĩ im lặng trong giây lát rồi khẽ bảo:

- Được rồi, hôm nay tôi sẽ kể cho các em nghe một câu chuyện mà suốt mười mấy năm tôi cố tình quên đi như một cơn ác mộng ...

Cả lớp nhao nhao, mỗi đứa một câu:

- Chuyện gì mà giấu kỹ dữ vậy thầy ?

- Chắc là chuyện tình yêu của thầy hả ? Hihi ...

- Hay là hồi đó thầy nghịch quá, đốt pháo bị ... tét tay ?

- Thầy kể nhanh đi thầy!

Đôi mắt của thầy Sĩ bình thường đã sâu và buồn, bây giờ lại càng sâu và càng buồn hơn ... Giọng thầy nhẹ nhàng đưa cả lớp vào câu chuyện xa xưa ...

oOo

Ngày 24 tháng chạp năm 1972

Trường Châu Thành A buổi trưa vắng vẻ, chỉ còn lại rải rác dăm ba học sinh ... Có tiếng cười khúc khích trong lớp 12A:

- Quốc Sĩ cà chớn ... hihi ...

- Đoan Thi cà chua ... khì khì ...

- Ý chời, cà chớn mắc mớ gì tới cà chua chứ ? Quê xệ quá đi ...

- Ừa mắc mớ là vầy nè, "cà chớn" bóp mũi "cà chua" cho thành trái cà chua thiệt luôn ...

Quốc Sĩ đưa tay ra dọa bóp mũi Đoan Thi ... Nàng né tránh và lại cười:

- Hihi ... đồ ... ăn gian ...

- Đồ ... ăn vụng ...

- Ừ, không ăn vụng thì đâu phải là con gái chứ ... Thôi không giỡn nữa! Bàn chuyện đàng hoàng đi ... Buổi liên hoan cuối năm đã tính toán xong và mỗi người một việc . Đây là cái tết cuối cùng của bọn mình còn ngồi chung với nhau ...

- Thi nhắc Sĩ mới nhớ, qua tết là mình phải nộp đơn thi đại học rồi . Thi vẫn giữ ý định làm cô giáo chứ ?

- Phải! Chiến tranh ngày càng khốc liệt . Người đang cười nói hôm nay biết đâu ngày mai phải nhắm mắt lìa trần chỉ vì một viên đạn lạc ... Con người có vẻ tàn nhẫn quá, Sĩ thấy không ? Thi muốn làm cô giáo để khuyên nhủ thế hệ sau hãy đến với nhau bằng tình thương hơn là thù hận, bắn giết ... Dù biết rằng, một mình Thi thì cũng chẳng đóng góp được bao nhiêu nhưng Thi không rời bỏ lý tưởng của mình đâu ... À, còn Sĩ ?

- Sĩ sẽ thi vào ngành y . Hàn gắn lại những vết thương trên thân thể con người cũng là một cách làm nhẹ bớt những đau thương do chiến tranh gây ra phải không Thi ?

Thi gật đầu, vẻ xúc động:

- Đúng rồi Sĩ ! Thi chúc Sĩ thi đâu đậu đó nha!

Sĩ nhìn sâu vào đôi mắt to của Thi:

- Học bác sĩ lâu lắm, Thi có ... chờ Sĩ không ?

Má Thi e thẹn ửng hồng, nhưng nàng giả vờ:

- Chờ gì Sĩ, chờ Sĩ thành bác sĩ rồi chữa bịnh miễn phí cho Thi hả ? Hihihi ...

Sĩ gọi nhẹ:

- Thi, không lẽ Thi không biết tình cảm Sĩ dành cho Thi sao ?

- Ý chết, Thi còn nhỏ xíu hà ? Không dám nghĩ tới mấy chuyện đó đâu, má Thi đánh chết !

- Thi 18 tuổi rồi, nhỏ gì ? Hơn nữa, Sĩ cũng đâu đòi cưới Thi ngay bây giờ, chỉ là Sĩ muốn Thi ... đợi Sĩ ...

Thi cúi đầu, giọng thật nhỏ:

- Đợi thì đợi, nhưng Sĩ đừng quên Thi nha! Thi không muốn làm hòn vọng phu đâu á ...

Sĩ rụt rè đưa tay nắm tay Thi, Thi nghe nhịp tim mình bồi hồi đập mạnh nhưng cũng vội vàng rút tay về:

- Sĩ, đừng làm vậy, người ta thấy ... kỳ lắm!

- Đâu có ai mà sợ ...

- Thôi trưa rồi, Thi đi về đây ! Hẹn gặp trong buổi liên hoan ngày mai ...

oOo

Buổi liên hoan được tổ chức thật rộn ràng nhưng cuối cùng mọi người nhớ ra là còn thiếu ... nước đá . Thế là Sĩ bị Thi "đì" đi mua nước đá ở chợ Tân Thạch . Cột bịch nước đá ở yên sau xe xong, Sĩ định quay xe về nhưng bà lão bán thiệp tết kế bên đã mỉm cười thật hiền:

- Cháu ơi, mua thiệp tết không ? Thiệp của bác đẹp lắm đây!

Sĩ nhớ tới Thi . Ừ nhỉ, mua một tấm thiệp tết để tặng nàng làm kỷ niệm cũng hay lắm chứ, thế mà Sĩ chẳng nghĩ ra . Chàng vui vẻ nói:

- Bác lựa dùm cháu một tấm đi!

- Cháu muốn tặng ai ? Bạn bè hay người yêu ?

- Dạ ... cho cháu tấm ... tặng người yêu đi!

Bà bán thiệp lắc đầu cười khi thấy vẻ mặt mắc cở ửng đỏ như con gái của Sĩ . Bà lựa cho Sĩ tấm thiệp có hình hai đứa nhỏ - một trai, một gái -đang đứng bên cây mai và phong pháo tết rất dễ thương ...

Chợt ... ẦM ẦM ... cả ngôi chợ nhỏ như rung chuyển theo những tiếng ầm ầm khô khan và rợn người đó ...

Mọi người nhốn nháo, "họ" lại "thụt" cà nông nữa ... mấy ngày tết mà cũng không yên ... Chiến tranh luôn luôn tàn nhẫn như vậy ...

Sĩ lật đật quay xe đạp trở về trường, lòng tự hỏi buổi liên hoan cuối năm có được tiếp tục hay không ? Trên đường, bao nhiêu gương mặt cũng đang hớt hãi, kinh hoàng như Sĩ ...
Cái gì thế kia ? Trước mắt Sĩ là ngôi trường Châu Thành A trong biển khói . Tiếng kêu khóc vang rền . "Họ" đã thụt pháo kích xuống ngay ngôi trường này rồi . Một dãy trường bị sụp đổ tan tành, trong đó có lớp 12A của Sĩ ...

Sĩ lảo đảo, chiếc xe đạp ngả nhào ... Đôi mắt Sĩ lạc thần nhìn về phía lớp học thân yêu, nơi người ta đang khiêng ra những người bạn của Sĩ ... Máu ở đâu mà nhiều thế, máu nhuộm đỏ những chiếc áo trắng học sinh ... Này Nga, này Đào, này Hãi ... và còn ai nữa ... Sĩ muốn ngả quỵ xuống mà chết ngay tức khắc để khỏi phải chứng kiến cảnh tượng hãi hùng này ... Và, Sĩ kêu lên đau đớn "Thi!..." . Tiếng những con chim nhỏ cũng kêu lên thảng thốt trên càng cây bã đậu . Đất trời quay cuồng, người Sĩ đổ xuống, không còn biết gì nữa ... Tấm thiệp xuân trong tay cũng bị chàng vò nát lúc nào không hay ...

oOo

Hình ảnh ấy suốt đời ám ảnh Sĩ! Thi được người ta khiêng ra trên băng ca, mình đẫm đầy máu ... đôi mắt mở to, ngơ ngác ... Đó là lần cuối cùng Thi còn nhìn thấy cảnh tàn nhẩn của chiến tranh mà Thi chính là nạn nhân, để rồi từ đó, Thi ra đi vĩnh viễn mang theo cái ước mộng làm cô giáo, mong gieo vào lòng con người những tình thương thay thế những hận thù, bắn giết . Thi ra đi ở cái tuổi mười tám tràn trề nhựa sống ... Thi ra đi để lại trong lòng Sĩ màu một màu đen ảm đạm ... Thi ra đi giữa mùa xuân ... Một sự ra đi tức tửi, kinh hoàng ...

Sĩ thay Thi thực hiện cái ước mơ của nàng . Chàng trở thành thầy giáo như hôm nay . Đã mười mấy năm rồi, nỗi ám ảnh của mùa xuân đó luôn đeo đuổi Sĩ ... Chàng bỗng dưng cảm thấy sợ hãi mỗi lần xuân đến ... Thi đã ngủ yên nơi lòng đất lạnh ... Nhưng sao đôi mắt mở to, ngơ ngác kia của Thi mãi còn in sâu trong lòng Sĩ ... Chàng hận chiến tranh, chiến tranh đã cướp mất đi của chàng một người thân yêu nhất ...

oOo

Có tiếng sụt sùi trong lớp, rồi những tiếng nấc như bị dồn nén lại, vang lên tức tửi ... Mấy mươi cặp mắt đỏ hoe . Tụi con gái "ướt át" hơn con trai nên khóc nhiều hơn ... Những giọt nước mắt của Trúc cũng lăn dài trên má . Và trên kia, thầy Sĩ cũng đang lấy khăn lau nước mắt . Hồi lâu, không khí trong lớp quá nặng nề, thầy cười gượng:

- Xin lỗi các em, tôi đã làm các em buồn trong những ngày tết ! Mỗi năm vào ngày 25 tháng chạp tôi vẫn đi viếng mộ của Thi ... Và có lẽ suốt đời, tôi sẽ làm như vậy .

Trúc rụt rè hỏi:

- Hôm nay thầy có đi viếng mộ cô ấy không ?

- Có chứ, lát nữa tôi sẽ đi ...

- Thầy ... cho tụi em cùng đi được không thầy ?

Tụi bạn cũng nhao nhao:

- Đúng rồi đó thầy, thầy cho tụi em đi với ... Tụi em sẽ không đòi làm liên hoan tết nữa đâu ...

Thầy Sĩ ngập ngừng:

- Các em muốn đi thì đi, có lẽ Thi sẽ vui lắm khi nhìn thấy gương mặt thông minh, ngoan hiền của các em ...

- Hoan hô thầy ... Hoan hô thầy ...

Tình thầy trò như chan hòa, ấm áp hơn . Nắng mùa xuân ngoài kia như cũng nhẹ nhàng, thơm tho hơn ...

oOo

Mộ cô Thi nằm nơi gò đất cao ráo, sạch sẽ . Trúc lấy khăn tay lau đi lớp bụi bám trên tấm mộ bia . Qua bức hình trắng đen hơi nhạt màu thời gian, nụ cười của cô Thi vẫn rạng rỡ và thật tươi, khoe chiếc răng khểnh dễ thương ... Cô chết khi còn trẻ quá! Thầy Sĩ đã đứng bên cạnh Trúc từ lúc nào:

- Cám ơn em, Trúc!

Trúc cảm thấy gần gũi với thầy hơn:

- Cô Thi dễ thương quá phải không thầy, nhất là nụ cười thật tươi ...

- Ừ, Thi ngày xưa vui vẻ, hồn nhiên lắm, như các em bây giờ vậy . Em có nhận ra một điều không ?

- Điều gì hả thầy ?

- Em có nụ cười răng khểnh rất giống Thi !

Trúc chợt bẻn lẻn:

- Thiệt hả thầy, nhưng ... nụ cười của em chắc không tươi được như cô Thi đâu ...

Tụi con Phượng cũng la lên:

- Ừ, đúng rồi, nhỏ Trúc cười giống cô Thi lắm ... Trúc ơi, cười thử cái coi ...

Trúc mắc cở quá, không biết nói gì, chỉ biết đưa mắt nhìn những đám mây đang bay lơ lững trên bầu trời . Không biết hồn cô Thi có xen lẫn trong những đám mây đó để nhìn xuống thầy Sĩ và bọn Trúc không ? Trúc thì thầm chỉ cho một mình cô Thi nghe:

- Ngủ ngon nhé cô, lại một mùa xuân nữa về rồi đó . Thầy Sĩ và bọn em sẽ nhớ cô mãi mãi ...

Gió mơn man, rì rào bên tai Trúc như tiếng trả lời của cô Thi từ một nơi xa xăm nào đó ... Trúc cảm thấy mắt mình cay cay ... Tự nhiên cái mơ ước làm cô giáo trổi dậy trong lòng Trúc ... Ừ, có thể lắm chứ, Trúc sẽ trở thành cô giáo thật dịu hiền ...

Tiếng pháo tết đì đùng nổ làm cho Trúc sực tỉnh ... Thầy Sĩ chợt lên tiếng:

- Hay là ... hay là năm nay mình tổ chức liên hoan tết nhé các em!

Thằng Hà lớp phó học tập ngạc nhiên:

- Nhưng thầy bảo thầy sợ ... tết mà, tụi em hiểu và không đòi hỏi nữa đâu thầy ...

- Không, thầy đã thay đổi ý định rồi ... Chuyện đã qua, có lẽ Thi cũng không muốn thầy bị ám ảnh cái tết năm xưa suốt đời . Hơn nữa, hôm nay kể lại câu chuyện này cho các em nghe, thầy đã thấy lòng mình có chút nhẹ nhàng, thanh thản . Thôi thì, hãy để cho quá khứ ngủ yên, hãy để cho Thi được ngủ yên giữa những mùa xuân ... Ai đúng, ai sai trong chiến tranh chúng ta không nói tới, chỉ có điều, chiến tranh nào cũng gây mất mát đau thương và những số phận con người trong chiến tranh thật quá mỏng manh, tội nghiệp ...

Cả lớp bùi ngùi . Trúc và các bạn may mắn không từng sống trong chiến tranh nhưng Trúc hiểu chứ, chiến tranh luôn luôn có sự tàn nhẫn, vô tình ...

Gió thấm lạnh, thầy Sĩ bảo mọi người về trước, thầy muốn một mình ở lại với cô Thi sau khi dặn dò nhỏ Phượng hoạch định chương trình liên hoan cuối năm để trình thầy vào ngày mai ... Trúc theo tụi bạn ra về mà trong lòng cảm thấy bùi ngùi thương thầy Sĩ, thương cô Thi quá ...

Đạp xe ngang qua trường, nghe tiếng chim mừng xuân ríu rít trên tàn cây bã đậu, Trúc chợt khẽ rùng mình khi nhớ lời bọn bạn dặn tránh xa cây bã đậu "giết người", nhưng thật oan cho nó quá, cây bã đậu nào đâu biết giết người, chỉ có con người mới biết hận thù, giết chóc lẫn nhau mà thôi ... Một mai dù có xa ngôi trường này, Trúc sẽ không bao giờ quên câu chuyện tình dang dở của thầy Sĩ và cả ánh mắt buồn buồn cố hữu của thầy ...

Tiếng pháo tết lại vang dội đì đùng ... Trúc chép miệng "Lại thêm một năm mới sắp về ... " và Trúc như thấy đâu đây nụ cười rạng rỡ của cô Thi, người ngủ yên mãi mãi trong những mùa xuân ...


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả