Mẹ Ơi

Tôi được tượng hình và góp mặt vào xã hội loài người ngoài sự mong mỏi của hai đấng sinh thành. Mẹ tôi không muốn có tôi, cha tôi lại càng không. Nói một cách khác, tôi là kết quả sau một lần "khôn ba năm, dại một giờ" của mẹ và sự không tỉnh táo bởi những ly rượu của cha. Cha, tôi chưa bao giờ có diễm phúc gọi người đàn ông đã tạo ra tôi bằng tiếng "cha" trìu mến vì khi vừa biết sắp có tôi, ông ta đã bỏ mẹ tôi đi biền biệt... Nếu như không có ngoại ngăn cản thì mẹ tôi đã phá bỏ tôi từ những ngày tôi còn trong trứng nước...

Mẹ hận cha tôi và hận luôn cả tôi bởi vì mọi người đều bảo tôi và cha tôi giống nhau như hai giọt nước. Từ những ngày sơ sinh, mẹ đã rất "lạnh lùng" đối với tôi và bỏ mặc tôi cho ngoại trông nom, bồng ẳm. Tôi chưa bao giờ nghe được câu hát ru ơi à ngọt ngào từ môi mẹ, cũng chưa bao giờ được mẹ tỏ ra lo lắng, thương yêu những khi ấm đầu, xổ mũi. Năm tôi lên bốn tuổi, mẹ lấy chồng, có cuộc sống riêng và dường như cố tình quên lãng sự có mặt của tôi giữa cuộc đời. Những khi tủi thân, tôi chỉ biết rút đầu vào ngực ngoại để cảm thấy mình không phải là một đứa trẻ lẻ loi, đơn độc.

Lớn lên một chút, tôi hiểu rõ hơn thế nào là nỗi bất hạnh của một đứa con không cha, thiếu mẹ. Khi tôi vào lớp một, tôi không có cái diễm phúc được mẹ âu yếm dẫn đến trường để được níu áo mẹ khóc thút thít, nhỏng nhẻo đòi về. Trên con đê làng, buổi sáng hôm ấy, tôi nắm chặt tay ngoại, cúi đầu mà đi. Mới sáu tuổi thôi, tôi đã biết an phận với những gì mình có. Vâng, tôi chỉ có ngoại là người thân duy nhất, là người lo lắng cho tôi nhất trên cõi đời này. Còn tiếng gọi "mẹ" hay tình thương yêu của mẹ đối với tôi chỉ là một thứ xa xí phẩm, một thứ mà tôi vừa thèm khát vừa tỏ vẻ bất cần... Chẳng biêt từ bao giờ, tôi đã tạo cho mình cái vỏ cứng rắn bao bọc bên ngoài và hình như tôi ít khi biết khóc. Mọi người nhìn vẻ lầm lầm lì lì của tôi thường lắc đầu và bảo: "Con bé cứng rắn thật!". Cũng có những lúc họ tỏ ra thương xót tôi bằng cách chép miệng ban cho tôi hai chữ "tội nghiệp". Họ có biết đâu tôi thật không cần hai chữ "tội nghiệp" của họ bởi vì hai chữ "tội nghiệp" ấy thường khơi lên nỗi đau trong lòng mà tôi cố tình quên lãng, tôi là một đứa con hoang, một đứa con ra đời không phải do sự mong muốn, đợi chờ của cha và mẹ!

Mẹ sống với gia đình riêng trên thị xã. Lâu lâu, mẹ về thăm tôi và ngoại nơi chốn đồng quê hiu quạnh, sình bùn. Khi thì mẹ về một mình, khi thì mẹ về với dượng. Mẹ dạy tôi gọi chồng của mẹ bằng dượng. Mà tôi cũng chẳng có nhiều dịp để gọi ông ta bằng tiếng "dượng" ấy vì ông ta ít nói lắm, đôi môi của ông ta luôn bận rộn bởi điếu thuốc và khói thuốc. Ông ta có thói quen thả khói thuốc thành những vòng tròn hình chữ O, rồi những chữ O ấy bay lên, tan dần trong không khí... Ông ta cũng dường như không để ý đến sự có mặt của tôi và thường nhìn tôi bằng đôi mắt dửng dưng, xa lạ. Với mẹ, tôi còn là một kẻ xa lạ thì huống hồ gì đối với ông ta, người tôi không có quan hệ máu mủ, ruột rà.

Mẹ về, vội vội vàng vàng, nói vài ba câu chuyện với ngoại, dúi vào tay ngoại một mớ tiền, nhìn thoáng qua tôi, hỏi vài câu sơ sài rồi lại bỏ đi. Tôi cũng chẳng bao giờ nhìn thẳng vào mắt mẹ hay tỏ ra quyến luyến, thương yêu. Để rồi, nhìn bóng mẹ dần khuất trên chiếc xe honda máy nổ ầm ầm, tôi cảm thấy cổ họng mình nghèn nghẹn, tiếng gọi "Mẹ ơi!" chưa kịp thốt ra khỏi vành môi đã bị tôi đè nén lại, chôn chặt ở trong lòng. Tôi... thương mẹ và cũng... hận mẹ! Bụi, khói từ chiếc xe honda của mẹ làm cho mắt tôi cay lắm nhưng tôi nhất định không khóc. Tôi vội vàng đi tìm một ly nước mưa thật mát uống vào để... quên...

Mãi đến năm mười lăm tuổi, tôi mới có dịp để cho nước mắt mình tuôn thành dòng như sông, như suối. Đó là ngày ngoại mất! Ngoại mất sau một tuần lễ bịnh cảm sơ sài, nhưng tuổi già sức yếu ngoại đã không vượt qua được. Cuối cùng, cuộc đời cũng chỉ còn lại một mình tôi. Những ngày đám tang của ngoại cũng là những ngày tôi được ở kề cận mẹ nhất kể từ lúc ra đời. Mẹ cũng khóc, đôi mắt sưng vù. Còn dượng tôi, ông ấy vẫn mãi bận rộn bởi điếu thuốc và khói thuốc, những làn khói như những chữ O tròn vo, bay lên không khí rồi tan dần...

Chôn cất ngoại xong, mẹ, vẫn lạnh lùng, bảo tôi:

- Thu xếp quần áo về thị xã ở với mẹ!

Tôi ngập ngừng:

- Còn nhà ngoại?

- Mẹ sẽ gởi lại cho ông út trông coi và hương khói cho ngoại.

- Còn... trường lớp, học hành?

- Mẹ sẽ đến trường làm thủ tục chuyển trường cho con.

- Còn... dượng?

Mẹ dường như hết kiên nhẫn với những câu hỏi của tôi, nên khẽ gắt:

- Mẹ bảo sao thì nghe vậy, thắc mắc nhiều làm gì?

Tôi không hỏi nữa, lẳng lặng đi thu xếp quần áo, sách vở vào mấy cái giỏ đệm. Nhìn lại ngôi nhà lá lần cuối, nơi đâu tôi cũng thấy hình bóng và những kỷ niệm về ngoại, mắt tôi lại rưng rưng. Mười lăm năm sau ngày ra đời, tôi mới có dịp được sống với mẹ nhưng cái cảm giác vui mừng, sung sướng trong tôi quả thật không có. Tôi như một kẻ bất đắc dĩ phải về sống với mẹ mình vì không còn con đường nào khác để đi. Dượng vẫn nhìn tôi dửng dưng, xa lạ, không tỏ vẻ gì là ghét hay thương...

oOo

Chẳng biết có phải vì cơm gạo nơi thị xã làm cho da tôi trắng hơn, tóc tôi mượt hơn hay vì tôi đã đến tuổi trưởng thành nên cơ thể cũng có nhiều thay đổi. Tôi để ý đến hình dạng của mình nhiều hơn và bắt đầu biết làm điệu. Nhìn vào gương, tôi không còn tìm thấy một con bé quê mùa, đen đúa nữa mà chỉ thấy một thiếu nữ nhìn lại tôi, đôi môi tròn mọng khẽ mỉm cười và đôi mắt sáng long lanh.

Dượng làm thủ kho của công ty xuất nhập cảng nên tìm ra được khá nhiều tiền. Mẹ và tôi có cuộc sống sung túc, không phải lo lắng về tiền bạc nhưng hình như mẹ cũng chẳng được vui và gia đình thường xảy ra lục đục mỗi khi dượng đi làm về quá nửa đêm, hơi thở nồng nặc mùi rượu, mùi khói thuốc và quần áo phảng phất mùi nước hoa của... đàn bà, con gái. Tôi hiểu lơ mơ câu chuyện qua lời cãi cọ, khóc lóc của mẹ, hình như dượng có bồ. Nhiều lúc, tôi cũng cảm thấy chua xót cho mẹ nhưng tôi tuyệt nhiên không bao giờ nói ra, cứ coi như tôi không hay gì, biết gì và chuyện của mẹ chẳng liên quan dính dáng gì đến tôi. Niềm an ủi của tôi lúc bấy giờ chỉ là trường lớp, bạn bè và những ánh mắt chan chứa nhiều thiện cảm của những người con trai học cùng trường, cùng lớp dành cho tôi. Tụi bạn gái cũng thường trầm trồ bảo tôi... đẹp, tôi cảm thấy có chút tự hào về bản thân mình.

Một buổi tối, như thường lệ, mẹ sang nhà bạn đánh bài. Còn dượng đi làm vẫn chưa về. Tôi ở nhà một mình lo cho bài vở của ngày hôm sau. Cánh cửa chợt mở, dượng loạng choạng bước vào, hơi thở vẫn nồng nặc mùi rượu như mọi khi, chỉ khác có một điều là hôm nay dượng về sớm hơn mọi ngày, sớm hơn cả mẹ!

Vừa thấy dượng bước vào, tôi vội vàng thu dọn tập vở để về phòng, nhưng dượng đã lên tiếng gọi:

- Ti, đứng lại cho dượng hỏi chuyện một chút!

Tôi cúi đầu, nhìn xuống nền nhà:

- Dạ!

- Mẹ ... đi lâu chưa?

- Dạ cũng hơi lâu rồi.

- Vào hứng cho dượng thau nước nóng rửa mặt đi!

- Dạ...

Tôi bưng thau nước cùng với chiếc khăn mặt ra, đặt lên bàn cạnh chiếc sa lông nơi dượng ngồi. Vừa định quay đi, dượng đã chụp cánh tay tôi lại. Tôi né tránh như một phản xạ tự nhiên, nhưng không kịp, cái trì níu quá mạnh của dượng đã làm cho hàng nút áo tôi bật đứt, để lộ một khoảng ngực con gái nở nang, trắng ngần. Tôi ngỡ ngàng, dượng cũng ngỡ ngàng... Tôi chưa kịp có phản ứng gì thì mẹ đã bước vào. Nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, mẹ gần như nổi điên, mắng xối xả vào mặt dượng trong khi tôi bật khóc. Dượng lầm lì, không trả lời, bỏ về phòng. Thế là mẹ đem mọi bực tức, uất ức trút lên người tôi, đứa con gái bất hạnh của mẹ. Vừa mắng tôi "đồ khốn nạn" mẹ vừa vung tay tán vào mặt tôi một cái thật mạnh, mạnh đến nổi máu mũi tôi trào ra. Tôi nhìn mẹ bằng đôi mắt toé lửa căm thù rồi tung cửa bỏ chạy ra đường mặc cho đêm tối. Có tiếng thắng xe ken két, khô khan trên mặt đường rồi tôi không còn biết gì nữa hết.

oOo

Những vòng khói thuốc của dượng không bay cao và tan vào không khí như mọi lần mà cứ to dần, to dần và quấn quanh người, quanh cổ tôi như những sợi dây thừng thật chắc. Những vòng dây làm cho tôi bị nghẹt thở... Tôi càng cố sức vùng vẫy thì chúng lại cứ xiết chặt hơn, chặt hơn... Mẹ đứng đó nhìn tôi lạnh lùng... Tôi nghe tiếng tôi gọi "Ngoại ơi cứu con!" khàn đặc, mỏi mòn ...

Tôi tỉnh giấc, bàng hoàng, ngơ ngác giữa một căn phòng xa lạ. Định ngồi dậy nhưng tôi phát hiện ra đầu mình thật đau, thật nặng và quấn băng trắng. Tay phải tôi cũng vậy, toàn là những mảnh băng trắng quấn quanh, chằng chịt, thê lương. Tôi dần nhớ ra mọi chuyện, hàng nút áo bật đứt, cái nhìn ngỡ ngàng của dượng, cái tát tay tàn nhẫn của mẹ, tiếng thắng xe ken két, khô khan trên mặt đường... Tại sao tôi vẫn còn sống? Tại sao cái đụng xe không đủ làm cho tôi chết? Tại sao tôi vẫn còn có mặt ở cõi đời này ngoài sự mong muốn của mọi người? Tại sao và tại sao... Những giọt nước mắt oán hận của tôi tuôn trào ra...những giọt nước mắt đã từ lâu rồi tôi cố tình đè nén và nuốt trọn vào lòng...

Cửa phòng bật mở, mẹ bước vào, dáng đi xiêu vẹo mặc dù bên cạnh đã có người y tá dìu đở mẹ. Nỗi hận trong tôi ngút ngàn, tôi vội xoay mặt vào tường. Mẹ đến bên giường tôi, ngồi xuống, giây lâu, mẹ... rụt rè đưa tay vuốt tóc tôi:

- Mẹ... xin lỗi con!

Tôi lấy hết sức lực còn lại của mình dồn vào cánh tay trái còn nguyên vẹn, hất tay mẹ ra, hét lớn:

- Mẹ đi ra ngay... ra ngay... Con không muốn nhìn thấy mẹ!

- Con...

- Mẹ ra ngay... Con hận mẹ, con căm thù mẹ...

Rồi tôi điên cuồng, đưa tay, cố tháo lớp băng trên đầu mình... Mẹ thảng thốt:

- Được rồi, được rồi... mẹ đi ra ngay đây...con đừng có tức giận và tự hành hạ bản thân mình nữa...

Mẹ quay sang cô ý tá, lúc này cô đang ngỡ ngàng nhìn chúng tôi chẳng hiểu đầu đuôi gì hết, và khẩn khoản:

- Nhờ cô chăm sóc cho cháu, khi nó bình tỉnh trở lại, tôi sẽ trở vào thăm nó...

Rồi mẹ bước ra, từng bước yếu đuối và xiêu vẹo. Cô y tá lo lắng:

- Bà yếu lắm, bà có sao không?

Mẹ xua tay:

- Tôi không sao, cô làm ơn khám cho cháu lại kỹ lưỡng dùm tôi...

Bóng mẹ khuất sau cánh cửa. Cô ý tá nhìn tôi trách móc:

- Cháu không nên đối xử với mẹ cháu như vậy, bà ấy còn yếu lắm vì vừa truyền hết cho cháu cả nửa lít máu... Cháu có biết cháu còn mẹ là một diễm phúc lớn nhất đời người không?

Tôi ngỡ ngàng... Cô y tá vừa nói gì, mẹ truyền máu cho tôi? Hèn chi mà mẹ trông xanh xao và tiều tụy đến thế... Phải rồi, máu của tôi mãi mãi trăm năm, ngàn năm là dòng máu của mẹ cho dù mẹ chưa từng mong muốn sự có mặt của tôi trên cõi đời này, và có giọt máu nào còn sống, còn luân lưu trong cơ thể mà lại chẳng chảy về tim... Tôi bật khóc giữa tiếng gọi "Mẹ ơi!" thật tha thiết, nghẹn ngào. Lần đầu tiên trong đời tôi muốn nói với mẹ là tôi... yêu mẹ... Cô y tá ơi, hãy gọi mẹ đến dùm tôi...


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả