Nguyễn Đỗ Khanh
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]


Số ... Nức đố, đổ vách !!

Nguyên quán ở tại Hà Nội, Bà An được sinh ra trong một gia đình gồm có hai chị em, Bà là thứ, và một người em trai, là con nuôi từ tấm bé do Bố, Mẹ Bà nhận về . Và người Anh trai cùng Cha khác Mẹ .

Nhà Mẹ Bà, khi xưa ở làng Phú Thụy cách Hà Nội chừng vài chục cây số, ruộng vườn không bát ngát nhưng cũng gọi là dư giả như người ta. Nguyên nhân vì sao Mẹ Bà dọn ra phố Nguyễn Thái Học là do một lần, cái két sắt đựng tiền của Cụ quỷ quái thế nào mà bị kẹt cứng, loay hoay mãi nhưng nó vẫn cứ trơ trơ ra đấy, mặc dù đã có trăm tay giúp việc của người trong nhà . Rồi do duyên số đẩy đưa, Cụ đội nón ra phố tìm thợ sửa khóa .

Trên đường, Cụ ghé qua nhà người trong họ để nhấm nháp tí tách trà cho ấm lòng thời tiết Xuân lạnh giá . Trong lúc chuyện trò, Cụ đã bộc bạch cái nỗi trăn trở ấy ra thì may thay, đã có Cụ Ông, cũng lại là người quen ngồi ở đấy . Cụ Ông đã nhận lời sửa giúp cái két sắt giùm cho Cụ Bà . Nhờ thế mà Cụ hoan hỉ ra về với cái hẹn của Cụ Ông, lúc ấy chỉ một mục đích cao cả của tình người với người và nhất là đối với mày thanh, lá liễu .

Bẵng cho đến ngày, cho dù Cụ Ông đã là " goá vợ ", nhưng Cụ Bà vẫn cứ từ giã song thân lên xe hoa về nhà chồng ở tại trung tâm thành phố . Rồi thì lúc ấy, mọi người, kể cả trai làng mới vỡ ra một nhẽ : Cụ Ông có tài mở khóa thiệt !!.

Quán xuyến việc nhà chồng cùng con riêng của chồng, Cụ Bà vẫn không quên bổn phận chăm luôn: Đầu lòng hai ả tố nga cách năm một của mình !!. Bà Thanh là chị, bà An là em . Tuy là hai chị em nhưng hai bà cách xa nhau một trời, một vực . Bà Thanh giống tính Cụ Bà y hệt : chắt chiu, nhặt nhạnh, trầm tính, lễ nghĩa và ít hoạt bát . Vì là một mẫu người chu toàn việc trong nhà nên Bà xem ra có phần lam lũ một chút xíu . Còn Bà An thì được Cụ Ông cưng chiều, muốn gì được nấy vì Bà giống Cụ Ông như bánh đúc !. Cho nên tính tình của Bà rất thoải mái, thích đi đây đi đó, không chịu ngồi yên, hào phóng, ít suy tư, ít lo lắng gì cho ngày mai .

Con gái lớn thời ấy phải học làm, học ăn . Ăn thì đã có người ăn, kẻ ở lo cho rồi . Chỉ còn học làm nữa mà thôi . Nhưng làm ở đây có nghĩa là học làm ra tiền . Sau khi bàn bạc với Cụ Ông, Cụ Bà mở một hàng xén giao cho hai chị em Bà An trông nom . Nom từ xa, cái cửa hàng cửa họ của hai bà cũng đủ cạnh tranh với bạn hàng lắm chứ, nhưng cứ hễ thu được đồng nào thì Bà An lại rủ chị Bà gọi hết quà nọ đến hàng kia cho đỡ buồn miệng . Cuối tuần, khi kiểm tra sổ sách, Cụ Bà thường móc túi dúi vào cái két của hai chị em cho nó phồng phồng như thể ban đầu, vì nếu để Cụ Ông biết được thì không những hai bà con mà đến cả Cụ cũng sẽ bị " ốm nhời " vì quá chiều con.

Buôn buôn, bán bán không được bao lâu, vào một ngày giá vải giao động lên cao, người ta đi các chợ thu mua để tích trữ . Bà An thấy giá hời gấp hai, nên kêu người ta lại bán cho hết hàng để đi về . Riêng Bà Thanh thì nghĩ ngược lại:

- Không tội chi mình phải bán tống, bán tháo cho người ta như thế . Tự mình tích lấy hàng của mình, chờ giá cao nữa, lúc ấy mình sẽ lời gấp ba, gấp bốn lần .

Nghe sự phân bày của chị , Bà An nhất quyết không vâng lời, cứ một mực bán . Thế là không cầm được lòng , Bà Thanh cầm thước đo vải khỏ cho một cái lên đầu như trời giáng ở giữa chợ. Váng óc, Bà An cầm tiền, mắt mũi như mưa, bỏ về nhà méc Cụ Ông và nhất quyết không hợp tác bất cứ một chuyện gì với Bà Thanh nữa . Từ dạo ấy, hàng xén theo con kén xách giỏ đi luôn !!.

Ăn không xong, làm không đậu, Cụ Bà cùng Cụ Ông quyết định nhắn mối lái, tìm người gả phức hai bà cho rồi . Sau khi cân đo đong đếm, Bà Thanh lấy Ông làm ở ngân hàng, còn Bà An lập gia đình cùng Ông lo về thuế ở sở Tài Chính thời Pháp thuộc . Trước đó, Bà An đã có một Ông cưới hỏi đâu đấy xong cả rồi, khi Ông đi công vụ ở bên Campuchia, do lạ con nước, khí trời nên đã ngã bệnh và mất ở đấy. Vì thế, mang tiếng có chồng, nhưng Bà chưa làm dâu, làm vợ được lấy một ngày nào cả .

Sau khi đám cưới, vợ chồng Bà An ở luôn tại Hà Nội, kế bên nhà Bố Mẹ Bà mà không phải về Hải Dương vì công việc của Ông . Thời gian trôi qua dần, vào một ngày Ông được bổ nhiệm ra làm ở quận Hoành Bồ, đi theo Ông chỉ có Bà, còn cô con gái 6 tuổi duy nhất, Bà gởi Cụ Bà trông nom để tiện cho việc học hành và sức khỏe. Ra đấy, hàng ngày cứ mãi quanh quẩn ở trong nhà, Bà đâm chán và nhớ cái cảnh nhộn nhịp ở Hà Thành, nên Bà thường ghé về thăm con, và Mẹ chồng vào cuối tuần .

Nếu về thăm không, thì chẳng có gì để nói, thấy Mẹ chồng cùng các Cụ khác đang chơi tổ tôm một cách hào hứng, Bà ghé mắt vào trông . Thương con dâu trưởng chỉ vì công việc của chồng mà phải xa hết mọi thứ, để có cái khuây khỏa vào những lúc quạnh quẽ, Cụ chỉ cho Bà cách chắn, cách ù .

Thế rồi, chẳng ai chỉ bảo cho ai, nghề dạy nghề, Bà chơi lần nào cũng ù cả, mà ù sang nhà cái với nhà con, còn nhà Bà thì cứ trống tuềnh trống toàng, không biết lấy gì mà chắn cho vừa !!. Hết tiền, Bà về nhà xin Cụ Bà, cũng lại thương con số hẩm hiu, Cụ Bà trăm lần như một, đều lén gài vào tay Bà một nắm bạc . Sở dĩ, Ông An không một lời khuyên can được Bà An là vì lúc ấy, chính phủ Pháp do muốn dễ dàng áp đặc sự cai trị lên dân Việt , họ đã cho mở các quán rượu , những nơi giải trí như nhảy đầm , ăn chơi như cờ bạc và thuốc phiện kinh doanh một cách tràn lan . Ông An, do hợp tính với Cụ Ông mà đã tập tành hút sách từ thưở ấy !!.

Một hôm đang ngồi giở cây bài, Bà được tin Ông bị bắt giam ở một nơi không xa mấy Hoành Bồ. Tin mang lại đã làm cho Bà hoang mang vì không biết Ông bị tội gì ? và ai đã bắt Ông ?. Tức tốc trong ngày, Bà sắp xếp hành lý đi thăm Ông , tới nơi thì Ông đã ăn cơm tù ở đấy hết mấy ngày cộng với cơn sốt rét đang hành hạ . Ông đã sốt vì rét hay vì không có thuốc ?, điều ấy, Bà An không quan tâm . Bà chỉ muốn làm sao kéo Ông ra khỏi nơi ấy và trở về lại Hà Nội càng sớm càng tốt . Với tài ăn nói khéo léo thừa hưởng từ Cụ Ông và không quên thủ tục " đầu tiên ", Bà đã cùng Ông đi đến nơi về đến chốn một cách chu toàn .

Gia đình hai bên , họ hàng vui mừng mở tiệc đãi khôn xiết . Tại sao họ lại hỉ hả chúc mừng nhiều đến thế ?, và tại sao họ khen Bà An chăm chồng , lo con nhiều như vậy ?. Thì ra, cái gì nó cũng có nguyên nhân cả , họ mừng là phải !. Bởi không tin cũng phải tin vào số , nhờ phúc đức Ông Bà để lại cho Ông An mà Việt Minh đã không đem Ông đi theo vào rừng để làm việc cho họ hay xử bắn. Mà là để Ông nằm còng queo ra đấy hít thở khí trời vài hôm cho nở phổi !!. Chỉ riêng có Cụ Ông là ngồi tủm tỉm liếc qua Ông An cười mà thôi . Vì Cụ biết : Mặc dù được việc nhưng chả có người sáng trí nào đi vác kẻ nghiện theo cả !!. Nghiện rượu thì còn du di , chớ nghiện thuốc phiện vào rừng đào đâu cho ra cơ chứ ? . Trong khi hai người em trai của Ông bị đi biền biệt . Một bị làm " bia " trong chốn rừng núi và một bị ép buộc huấn luyện và làm việc cho họ . Đúng là Tài không bằng Đức và Hên không bằng May !!!

Trở về Hà Nội , Ông An được thuyên chuyển qua làm việc cho sở Di Trú một năm trước khi vào dịp tổng tuyển cử Bắc Nam và cuộc di cư lịch sử vào năm 1954 . Nhờ vào làm trong này mà rồi thân bằng quyến thuộc của Ông An đều được di chuyển hết vào trong Nam bằng máy bay . Trong khi những người khác đi bằng tàu há mồm và xe lửa . Ông An gởi Bà An và cô con gái đi trước cùng gia đình Ông Bà Thanh, còn Ông ở lại chờ Cụ Ông vào chuyến bay cuối cùng vì Cụ Cố Bà nhất định không chịu rời mồ mã , nhà thờ , ruộng vườn để dời vào trong Nam . Cụ Cố bảo :

- Nếu Anh trưởng đi , tôi sẽ đập đầu vào tường chết !.

Thương Mẹ , mặc dù đã đóng hết các đồ vật dụng trong nhà kể cả sập gụ !?!, Cụ bèn sai người làm gở hết ra để dùng và nhắn Ông An đi ngay cho kịp chuyến bay vào Nam lần cuối . Còn Cụ và Cụ Bà thì ở lại miền Bắc để chăm lo Cụ Cố . Ấy vậy chỉ hai tháng sau , Cụ Cố qua đời cùng với chính sách đánh tư bản và đấu tố của chính quyền mới đưa ra . Họ tụ tập những người ở làng nơi mà Cụ Ông được thừa hưởng đất đai do là trưởng tộc và những người ở làng Phú Thụy của Cụ Bà để đấu tố hai Cụ . Sau màn vô nhân tính , họ ép buộc người dân cống hiến tài sản trong vòng 5 năm để đưa vào hợp tác xã , đó là những gì họ đã xây dựng nên cái ước mơ : Cùng làm , Cùng hưởng . Kèm theo mớ giấy tờ dăm mảnh, con dấu chi chít, chữ ký lằng nhằng , lời cam kết hoàn trả của chính phủ mà ai cũng biết : Một đi là không bao giờ trở lại !! .

Mặc dù ở trong Nam , cuộc sống mưu sinh mới đã làm cho Bà nguôi ngoai đi được phần nào nhưng trong tâm của Bà vẫn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn và Bà vẫn mong đợi, lo lắng cho hai Cụ khi thông tin giữa hai miền không được nối liền . Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở không bao lâu, Ông An nhận việc phó tỉnh trưởng ở tại Mộc Hóa - Kiến Tường . Bà An bán nhà , gởi con cho chị ruột mình để tiện việc học và theo Ông . Nhưng do sức khỏe , chỉ vài tháng sau Ông xin về hưu non phụ Bà chăm nuôi gia súc và buôn bán qua ngày . Đúng với chân đi , có được đồng ra đồng vào Bà đem chia sẽ cho canh bạc hết vì sợ bạn đồng môn của chồng buồn vì thiếu tay . Một lần nữa , tài sản lại rung đùi đội nón ra cái quan trú ngụ .

Gắng ở đấy vài hôm cho tròn ba năm , Ông Bà thu dọn hàng quán gởi gắm cho chủ mới rồi cùng nhau về lại Sài Gòn . Vì có người quen trong họ làm ở Tân Sơn Nhất có việc cần Bà trông coi giúp nên đã nhắn tin xuống Mộc Hóa cho Bà . Được gần con , gần cháu đó là điều không gì mong muốn hơn , Bà An mệt mỏi tự hứa rằng từ nay sẽ từ giã canh bạc mà lo chí thú làm ăn , dù năm 1975 Bà đã không nỡ rời con cháu ,theo giòng người ra đi . Đây là những gì Bà còn lại , khi mà Ông An đã quy tiên vào hai năm trước đó .

Thời gian khó khăn không chừa lấy một ai, cùng gạo hẩm , bo bo , khoai mì ăn độn . Bà An tần tảo đi buôn bột ngọt , thuốc lá hàng chuyến từ Sài Gòn xuống một tỉnh ở phía Nam. Khi đi Bà chia làm hai phần , một phần Bà giấu ở dưới đáy giỏ mà bên trên được phủ những thứ linh tinh không phải đóng thuế hoặc đóng ít hơn nhưng tính ra vẫn còn lời chán vạn. Và phần còn lại , Bà dùng vải bó quanh bụng và hai bắp đùi , nên thoạt nhìn , ai cũng bảo tướng tá của Bà không thua gì tượng hai Ông Hộ Pháp ở cổng chùa Vĩnh Nghiêm . Khi về , bên cạnh tôm khô Bà còn mang theo đặc sản miền quê làm quà cho người thân : ếch sống, lươn , cá leo, chôm chôm , nhãn lồng , dưa gang , dưa Hoàng Kim ..v.v. . Nhưng vui cũng có buồn , đó là những lần bị bắt trắng tay , Bà không hề nản chí vẫn tươi cười quay về gầy dựng chuyến kế tiếp .

Số phận oái oăm , tình cảnh gia đình đã đẩy đưa Bà một phen nữa lận đận mặc dù tuổi đã cao và Bà không còn sức để làm nức đố đổ vách như Bố Mẹ Bà được nữa .

Giờ đây , mình Bà vò võ một thân một bóng ở bên kia đại dương cho dù bên Bà chỉ còn lại họ hàng và thỉnh thoảng Bà vẫn không quên : chắn , ù .... nhưng chỉ để vui mà thôi .

Phóng tác theo lời kể,

EWS 10.03.2004













Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả