Trần Khải Hoài, Một Tấm Gương Sáng (Khá Đặc Biệt) Cho Tuổi Trẻ Hải Ngoại N

Thưa quý bạn độc giả,

Tôi xin mạn phép dùng tờ tạp chí này, để giới thiệu một người trẻ, thành viên, cộng tác viên với tạp chí Kết Đoàn, đến với quý bạn. Anh là một người rất đặc biệt, xin giới thiệu anh --Trần Khải Hoài.

Trần Khải Hoài, sinh năm canh thân (1980), hiện là nghiên cứu sinh tại viện đại học Cornell về Văn Chương Việt Nam, Phong Tục Tập Quán và Lịch Sử Á Châu. Anh là người Mỹ gốc Việt (nhưng anh luôn bảo mình là người Việt). Bố của Khải Hoài là người Việt, Mẹ là người Mỹ.

Ngoài khả năng Việt ngữ lưu loát ra, Khải Hoài còn biết đọc, viết tiếng Nhật, tiếng Hoa, cả Nôm lẫn Hán Việt. Anh đã từng giảng dậy Anh ngữ tại Bắc Kinh, Trung Quốc; The Renqiu School of Research ở Renqui, Trung Quốc; và The Center for Asian Americans in Washington, D.C., Mỹ.

Không những thế, Trần Khải Hoài còn là võ sư đai đen của Thiếu Lâm, Wushu, Taichi, Korean...vv...vv...

Tháng Bảy, 2003 vừa qua, anh là một trong 12 người nhận giải National Young Community Leaders Recognition Award tại Westminter, California do National Alliance of Vietnamese American Service Agencies (NAVASA) trao.

Thưa quý bạn độc giả,

Một trong những tôn chỉ của Hội Kết Đoàn nói chung, tờ Tạp Chí Kết Đoàn nói riêng, là duy trì và bảo tồn văn hóa Việt. Vì vậy, tôi cảm thấy rằng tờ tạp chí rất cần giới thiệu về anh đến với giới trẻ Hải Ngoại.

Xin quý vị theo dõi cuộc nói chuyện qua mạng giữa Trần Khải Hoài và Tạp Chí Kết Đoàn để biết rằng, chúng ta vẫn còn có người quan tâm đến ngôn ngữ Việt và tìm về "cõi ta". Trong bài phỏng vấn này, chúng tôi dùng hoàn toàn bằng tiếng Việt để nói chuyện (qua mạng) với nhau. (Một điều thật hết sức lý thú đối với tôi khi tiếp xúc với Trần Khải Hoài.)

Tạp Chí Kết Đoàn (TCKĐ):
Chào Hoài. Phú xin đại diện tạp chí Kết Đoàn chào đón Hoài đến với độc giả của Kết Đoàn. Hoài có nhớ lần đầu tiên Lý, Hoài, & Phú gặp nhau trong buổi thuyết trình về tuổi trẻ, tại nhà hàng Thần Tài, ở Falls Church, Virginia? Lần đó, tụi này rất ngạc nhiên khi thấy một người "bản xứ", mang tên Jason, da trắng, đang dùng đũa để gắp thức ăn. Hoài nghĩ sao khi chúng tôi nghĩ và "thấy" Hoài qua "cái nhìn" như thế?

Trần Khải Hoài (TKH):
Hoài nhận mình là người Việt Nam, nhưng có khi người khác lại không nhận. Vì thế trong trường hợp đó Hoài cảm thấy hơi bực mình; như vậy là tự nhiên thôi. Sở dĩ người “hải ngoại” hoặc “bản xứ” bị coi như là quái lạ khi làm như người Việt là vì văn hoá người Việt rất là đặc thù, rực rỡ, và khác thường. Trường hợp đó còn nhắc lại Hoài một điều nữa là sự “dĩ thần hội nhân,” trong tín ngưỡng từ-bi phật giáo Việt. Câu này có nghĩa là khi gặp người khác thì phải nhìn bên nội của họ (tức là thần) để làm quen.

TCKĐ:
Không phải là không nhận Hoài là người Việt Nam, nhưng chỉ thấy ngạc nhiên và thích thú đó thôi.

Xin Hoài cho biết bối cảnh gia đình Hoài như thế nào? Và những chi tiết về bản thân. Ví dụ như anh sinh và lớn lên ở đâu....vv...vv....

TKH:
Gia đình của Hoài có tất cả sáu người: Ba má, hai em trai, một em gái và Hoài. Hoài sinh ra ở bang Pennsylvannia năm canh-thân. Quê của ba gần Sài gòn và má là người Mỹ. Ba má tôi lấy nhau năm 1979, hai năm sau ba tôi sang Mỹ. Trước khi ba tôi rời khỏi Việt Nam, ba tôi ra hứa với ông tôi: Đến ngày được con thì Đoàn (tên ba của Hoài) sẽ gọi con thứ nhất là Khải Hoài. Khải có nghĩa là “khải hoàn” (được thắng mà về quê) và chữ "hoài" có nghĩa là hoài niệm và hoài cũ; cũng có nghĩa là nhớ nhung gốc của mình.

Hồi còn trẻ Hoài ít khi nói tiếng Việt ở nhà. Khu vực mà Hoài lớn lên không có nhiều người Việt và bạn bè của tôi đa số là người Mỹ da đen. Kết quả là Hoài không thể nói tiếng Việt hoàn toàn như những người Việt Kiều có hai ba má Việt. Khi trẻ chỉ có ba tôi nói tiếng Việt với tôi. Nhưng hễ khi ba tôi kêu tên Hoài thì Hoài nghĩ đến những cuộc đau khổ mà ba tôi đã trải qua, những điều ba tôi đã hy sinh cho gia đình tôi và những vết thương ba vẫn còn trong lòng. Tên "Hoài" của tôi nhắc lại "hoài" những điều đau khổ của người đi trước. Và, Hoài luôn luôn nhớ “hoài” đau khổ này trong lòng. Vì thế, Hoài đã lâu rồi mong muốn tìm cách chữa đau khổ này và hiểu thêm về quê của ba tôi.

TCKĐ:
Nhìn bên ngoài của anh, ai cũng biết anh không phải là người Việt 100%, vậy anh cảm thấy ra sao khi mình mang trong người hai dòng máu?

TKH:
Ở Việt Nam có nhiều người gọi người hai dòng máu là “bụi đời,” và những người bụi đời bị trông như là con người từ đau khổ mà ra. Bụi đời bị coi rẻ vì họ bị xem như là vết thương từ cuộc chiến tranh ghê gớm với người tây dương. Có khi Hoài cũng cảm thấy sự đau đớn của “vết thương” này. Thế mà buồn chứ. Thực ra người hai dòng máu chiếm một địa vị khác thường mà người Việt 100% không thể kịp được, vì họ có hai cỗi gốc và hai tổ quốc. Hoài nghĩ rằng con lai rất đặc biệt vì họ có thể biết hiểu được hai loại văn hoá Việt Mỹ, làm gần và giải hòa hai dân tộc đó.

TCKĐ:
Rất đồng ý với Hoài là những người mang hai dòng máu rất đặc biệt. Những cái đặc biệt đó, có lẽ, những người như tôi sẽ không bao giờ có và hiểu được.

Thông thường thì những người bản xứ (người Mỹ) họ nói tiếng Việt học rất khó vì những dấu ('), (`), (?), (~), và (.) của Việt Nam. Hoài đến với ngôn ngữ Việt bắt đầu từ khi nào và nó có gây rắc rối cho Hoài?

TKH:
Từ nhỏ Hoài có nghe được tiếng Việt của ba tôi, nhưng nói, đọc, và viết thì không. Năm ngoái Hoài mới bắt đầu học tiếng Việt ở trường. Hoài thấy tiếng Việt khá khó học nhưng nếu mình muốn tìm hiểu về văn hoá Việt Nam thì phải cần học tiếng Việt vì ngôn ngữ là “quý báu” lớn nhất trong những diện văn hoá người Việt.


TCKĐ:
Chúng tôi biết được, Hoài vừa tốt nghiệp cử nhân tiếng Hoa và Văn Chương với hạng danh dự tại đại học George Washington. Và, hiện đang theo chương trình tiến sĩ về Văn Chương Việt Nam, Phong Tục Tập Quán và Lịch Sử Á Châu, ở viện đại học Cornell, xin Hoài cho biết lý do tại sao Hoài lại chọn ngành này, mà không phải những ngành khác như bác sĩ, kỷ sư, dược sĩ....vv.....

TKH:
Ở đại học Cornell Hoài đang nghiên cứu về Phật giáo và cổ văn Lý-Trần. Hoài chọn ngành này là vì Hoài có một khái niệm như sau: Mình phải "tra" trong người mình, nhận những điểm yếu của mình, và mình phải sửa lại những điểm yếu đó cho trở nên điểm mạnh. Trước khi tốt nghiệp Hoài thấy điểm yếu lớn nhất của Hoài là tiếng Việt và Hoài đã lâu rồi chịu nhục do đó. Bây giờ khi nói và viết tiếng Việt Hoài cảm thấy gần hơn văn hoá người Việt, gần hơn quê và ông tổ của ba Hoài, và vui vẻ đến độ không thể diễn tả được.

TCKĐ:
Ngoài những việc học rất bận rộn của anh, chúng tôi còn biết anh rất tích cực tham gia vào các công việc cộng đồng, xin anh cho biết sơ về một số việc cộng đồng mà anh đã từng tham gia? Và, thời gian đâu anh có thể vừa học vừa tham gia như vậy?

TKH:
Mùa hè vừa rồi Hoài làm việc ở một tổ chức cộng đồng Việt Nam ở Mỹ mang tên là National Alliance of Vietnamese Americans Service Agencies tại Washington, DC. Hoài còn dạy tiếng Anh cho những người di dân ở Center for Asian Americans tại Thành Trung Hoa (China Town), DC. Khi còn ở Washington Hoài dạy võ ở đại học George Washington. Bây giờ thì Hoài đã lập Võ Đường ở đại học Cornell và đang dạy võ ở đây.

TCKĐ:
Vừa rồi, chúng tôi cũng được biết anh mở một trường võ thuật tại đại học Cornell, lấy tên là Võ Thần Thiên Đạo hay School of Martial Spirit and the Way, xin anh cho biết thêm về trường võ thuật này, và lý do tại sao anh lại thành lập?

TKH:
Tháng 9 vừa qua, với sự giúp đỡ của các bạn bè ở đại học Cornell, Võ Đường Võ Thần Thiên Đạo được thành lập. Lý do mà Hoài thành lập Võ Đường này là vì Hoài muốn góp phần để phát triển văn hoá Việt Nam ở Mỹ.

Bây giờ thì chúng ta thường nghe nói về “bảo tồn” văn hoá người Việt. Nhưng theo Hoài thì chúng ta không nên làm hoàn toàn như vậy, mà theo ý kiến của Hoài thì văn hoá là một điều “sống” của người sống, chứ không phải là một cái gì cố định. Văn hoá dễ biến thật và từ cổ tới kim trong quá trình phát triển văn hoá Việt Nam, nó được rất nhiều rất nhiều thay đổi. Văn hoá chẳng có gì là cố định hết và vì vậy không có thể bảo tồn được. Sở dĩ có người nói về “bảo tồn” là vì họ muốn sáng tạo một cái gì đó hoàn toàn thuộc vào dân tộc Việt Nam; cái đó tiếng Mỹ gọi là “Vietnamese-ness.” Nhưng đó chỉ là một cách nói thôi. Theo nghiên cứu của tôi, sự “Vietnamese-ness” đơn thuận và không thể bị dân tộc “ngoại” thấm vào chẳng có căn cứ gì cả. Văn hoá Việt Nam đã được ảnh hưởng của những dân tộc khác như người Trung Quốc, Champa, Thái Lan, Pháp, Cam bốt, Hoa Kỳ, vv. Thế nhưng đáng kể nhất là trên diễn đàn phát triển văn hoá Việt Nam đó, vai trò lớn nhất chính là người Việt và văn hoá của họ thật là rực rõ và đặc thù. Văn hoá chẳng bao giờ ngưng phát triển và Hoài muốn gia nhập vào quá trình này. Vì vậy Hoài đã quyết định lập Võ Đường ở đại học Cornell và bắt đầu chia sẻ văn hoá Việt cho lẫn Việt kiều cả người Mỹ.

TCKĐ:
Chúng tôi được biết anh đã từng du học bên Trung Hoa, vậy có khi nào anh có ý định về Việt Nam?

TKH:
Hoài chưa bao giờ được về thăm quê hương của ba, nhưng đó là ước mơ lớn nhất của tôi. Bây giờ thì Hoài tạm có ý định đi Việt Nam mùa hè tới, nhưng Hoài chưa chắc chắn ước mơ đó sẽ dược thực hiện năm nay hay không.


TCKD:
Tôi nghĩ chắc chắn anh sẽ có cơ hội về thăm quê Cha một ngày rất gần. Chúng tôi cũng nghe thấy anh đang viết sách, xin anh cho biết sách ấy khi nào sẽ xong?

TKH:
Sách đó tạm bị bỏ cuộc vì bây giờ Hoài bận rộn vô cùng – sorry!

TCKĐ:
Anh chỉ nói là "tạm" bỏ cuộc, nhưng trong tương lai, chắc anh sẽ tiếp tục nó, tôi nghĩ vậy.

Trong tờ tạp chí Kết Đoàn này, anh có viết một câu truyện Cổ Tích về "Ông Vua Bốn Vợ", viết bằng tiếng Việt hoàn toàn, anh có thấy khó khi viết? Và, anh đã viết bao lâu thì xong câu truyện này?


TKH:
Hoài đành hai ngày để viết câu truyện đó, một ngày để viết, một ngày để sửa lại với sự giúp đỡ của bạn tôi. Viết lại câu truyện này thì chỉ cần hai ngày thôi, nhưng nội dung thì qua hơn 15 năm Hoài mới hiểu rõ cốt truyện. Thực hành bài dạy của câu truyện đó thì Hoài chỉ có thể cố gắng và hy vọng một ngày đẹp trời Hoài sẽ “đắc đạo” và tu hành đạo “sống” được.

TCKĐ:
Xin cám ơn Trần Khải Hoài (Jason) đã cho tạp chí Kết Đoàn một buổi phỏng vấn đầy thú vị. Xin chúc Hoài mãi tiến bước trong con đường học vấn, chúc anh vui vẻ với những công tác thiện nguyện, công việc cộng đồng. Và, luôn hy vọng anh phổ biến ngôn ngữ Việt đến tất cả bạn bè quen thuộc để bảo tồn văn hóa Việt.

TKH:
Thanks Phú!! và Tạp Chí Kết Đoàn....

Thưa quý vị độc giả,
Quý vị vừa đọc xong phần phỏng vấn giữa Tạp Chí Kết Đoàn và anh Trần Khải Hoài, một người khá đặc biệt với chúng ta.

Ở Trần Khải Hoài, chúng ta đã nghe những lời tâm sự của anh. Tuy anh không được giống như một số bạn trẻ của chúng ta là có cả cha lẫn mẹ là người Việt, nhưng Hoài thật sự đã làm tôi quý mến, nể phục anh, một Trần Khải Hoài của Việt Nam.

Xin quý vị độc giả hãy khuyến khích con em mình học thêm tiếng Việt để chúng ta còn, sẽ, và mãi có những người trẻ yêu mến tiếng Việt giống như Trần Khải Hoài.

Xin tạm biệt quý vị và hẹn quý vị ở những lần giới thiệu sau.

(Trích Tạp Chí Kết Đoàn Số Mùa Xuân 2004, chủ đề Xuân Mới. Trong phần phỏng vấn-Mỗi kỳ một người trẻ.) Kỳ sau, Phỏng vấn, Trần Đức Anh Thư.


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả