Trần Quốc Sỹ
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]


Tết Mậu Thân 1968

Truyện ngắn sau đây được trích trong quyển hồi ký "Giòng đời trôi nổi " của cùng tác giả . Những sự kiện xảy ra trong truyện ngắn này hoàn toàn là sự thật . Một vài tên tuổi đã được sửa đổi .
***
...

''Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên'' cổ nhân ta đã dạy. Những dự tính của bố tôi không qua được bàn tay của tạo hóa. Ông bạn quý của bố tôi, người đã lấy lá số tử vi cho tôi, cũng đã tiên đoán rằng bố tôi sẽ phải ba lần phá sản. Tính ra, bố tôi đã một lần phá sản khi lên tàu há mồm vào Nam tìm tự do. Có ai ngờ năm ấy, sau mười bốn năm gầy dựng lại sự nghiệp, bố tôi tưởng rằng ông đã phần nào quên được cuộc di tản đau thương của năm 1954, thì định mệnh khắc nghiệt dành cho ông lại một lần nữa ứng nghiệm.
Mồng một Tết Mậu Thân, trong lúc quân dân miền Nam Việt Nam đang tưng bừng, vui vẻ trong không khí của những ngày Xuân thì đột nhiên tin dữ đưa về thủ đô Sài Gòn: Huế đã thất thủ vào tay bọn Việt Cộng. Những tên Cộng Sản đê hèn đã lợi dụng sự ngưng bắn trong dịp Tết Nguyên Ðán để bất thình lình tung quân đánh úp và chiếm quyền kiểm soát xứ Thần Kinh.
Thiết Quân Luật được ban hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà.
Mồng hai Tết, Sài Gòn tràn ngập những du kích quân Việt Cộng. Họ chui rúc trong các ngõ hẻm, hoặc các xóm nghèo bình dân, lao động. Ban ngày họ trà trộn lẫn vào đám dân chúng địa phương, ban đêm họ xuất đầu lộ diện, dùng vũ lực kiểm soát, khủng bố và tuyên truyền. Khi tới xóm nào, việc đầu tiên là họ tịch thu tất cả sổ gia đình, gom góp đàn ông và đàn bà thành từng nhóm. Những người họ cho là nguy hiểm, gián điệp, phản cách mạng, Mỹ-Ngụy đều bị đem ra xử bắn. Tôi còn nhớ, trên con đường Sư Vạn Hạnh, trong một tuần lễ, từ mồng 3 đến mồng 10 tết, đã có 21 xác người đàn ông lẫn đàn bà bị vất ra giữa đường lộ, trương sình, trông rất kinh tởm. Tất cả bị trói bằng cờ ba sọc đỏ và bị hành quyết bằng một viên đạn bắn vào sau gáy. Trong số những kẻ xấu số này, có cả một người mắc bịnh phong cùi.
Quân Ðội Việt Nam Cộng Hoà phản công mãnh liệt cố gắng đẩy lui được bọn Việt Cộng ra khỏi thành phố. Cuộc giao tranh đã bùng nổ giữa lòng Sài-Gòn. Cũng như những thành phố khác trên đất nước Việt Nam, Sài Gòn chằng chịt những ngõ hẻm, ăn luồn từ xóm này qua xóm nọ. Những tên Việt Cộng lợi dụng những ngõ hẻm này, chui rúc trong các xóm đông dân cư, để dễ bề hoạt động. Ban đêm chúng thường di chuyển từ xóm này qua xóm khác, nên sự đối đầu với bọn này của các anh hùng mũ nâu Biệt Ðộng Quân, lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến và những đơn vị khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà rất là khó khăn.
Những thiệt hại về vật chất và nhân mạng không thể nào tránh được trong thời chiến. Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam, dù chưa một lần bị nếm mùi bom đạn, cũng bị tàn phá ít nhiều trong trận tổng tấn công của Việt Cộng tết năm ấy.
Những tiếng tạch, tạch, tạch...tạch... ròn rã của những khẩu tiểu liên M16 hay AK47 rền vang, những tiếng ầm.. ì.. rung chuyển mặt đất của những trái đạn phóng pháo B40 hoặc M79 rót xuống những khu xóm đông dân cư, cùng những tiếng xé tai của những phản lực cơ chiến đấu vần vũ trên bầu trời đã làm cho Sài Gòn hoa lệ trở nên một bãi chiến trường khốc liệt.
Chiều mồng hai tết, lửa bắt đầu bốc cháy lên từ khu trường đua Phú Thọ. Từ nhà, tôi có thể thấy được cột khói khổng lồ, đen xì, bốc cao che phủ kín cả một bầu trời. Tiếng súng vẫn vang rền, tiếng bom ầm ì, hoà với tiếng còi xe chữa lửa tí te tạo nên những âm thanh ghê rợn.
Màn đêm buông xuống bao trùm cả Sài Gòn. Mặc dù ngọn lửa đã được dập tắt, cột khói đen xì không còn nữa, nhưng mùi khét lẹt trong không khí vẫn lan tỏa tới những con đường, ngõ ngách, chòm xóm của Quận 10. Sự chết chóc hình như vẫn lảng vảng đâu đó trên những người dân thành thị.
Xế trưa mồng ba Tết, Sài Gòn vẫn chìm trong không khí chiến tranh. Lệnh thiết quân luật vẫn áp đặt trên toàn thành phố. Ðại lộ Minh Mạng vắng tanh, khác hẳn với thường ngày xe cộ qua lại như mắc cửi. Ngoài đường, không một chiếc xe, không một bóng người, ngoại trừ thỉnh thoảng một chiếc xe nhà binh vụt qua thật nhanh.
Thời gian hầu như ngừng lại, nghẹt thở. Mọi người dân trong thành phố được lệnh ở trong nhà. Bố tôi và ông anh rể ngồi bên chiếc radio, mặt người nào cũng đăm chiêu, tư lự. Bọn trẻ con chúng tôi năm ấy rất buồn vì vừa mất tiền lì xì lại không được ra ngoài chơi bèn rủ nhau xúm năm tụm ba lắc bầu cua. Mẹ tôi và chị tôi đang sửa sọan bữa cơm trưa.
Tạch... tạch...tạch...tạch..., tiếng súng tiểu liên vẫn thỉnh thoảng từ xa vọng lại.
Khoảng gần hai giờ chiều, bọn trẻ con chúng tôi đang say mê sát phạt với bàn bầu cua, cãi nhau chí chóe, thì bỗng tiếng súng tiểu liên ròn rã vang lên thật gần, tưởng chừng như ngay trước cửa.
Tạch...tạch...tạch..,Tạch...tạch...tạch...,Tạch...tạch...tạch...
Tiếng súng vẫn nổ dòn, rồi bỗng nhiên...một tiếng...ầm... khủng khiếp như xé tan màng nhĩ của tôi. Mặt đất rung chuyển dữ dội, rồi vài giây sau đó là những tiếng lộp độp rơi trên mái tôn như mưa . Cả nhà tôi nhốn nháo, bố tôi hét lên:
-Tất cả nằm sát xuống đất.
Mọi người nằm rạt xuống nền gạch hoa. Ông anh rể tôi ôm chặt lấy đứa con gái nhỏ, chui vào hốc cầu thang. Mẹ tôi, chị tôi và con em gái cả ba ôm lấy nhau, thu mình bên cái tủ lớn trong góc tường, tỉ tê khóc lóc. Bà nội tôi và hai thằng em trai ẩn mình cạnh cái trường kỷ sát tường. Tôi lao mình vào gầm một cái bàn lớn gần cầu thang, ngồi thụp xuống, tay ôm đầu, người run lên cầm cập.
Lại một tiếng 'ầm' vang dội. Mặt đất lại rung chuyển dữ dội.
Bỗng có tiếng la thất thanh của ông Tư Tròn từ căn nhà bên phải:
-Bớ bà con ơi, nhà tôi cháy rồi...
Ầm... rầm...rầm...rầm...két..kọt...két...két...
Tiếp theo là cái sân thượng nhà tôi, có lẽ trúng B40, đổ sập xuống trên gian nhà bếp.
Rầm...rầm...rầm...két..kọt...két...két...
Những âm thanh ghê rợn của gạch ngói, cây cối đổ ngổn ngang vang lên từng hồi.
Ầm...Ầm...
Hai tiếng nổ long trời, lở đất tiếp theo.
Rầm...rầm...rầm...
-Bà con ơi, nhà tôi cũng cháy rồi
Tiếng kêu cứu của bà Nhường chủ căn nhà bên trái...
Ba tôi đứng phắt dậy, hét lớn:
-Mọi người ra khỏi nhà mau lên
Nói xong, ông nhẩy nai về phía bà nội tôi, xốc bà dậy và dìu bà ra cửa. Mẹ tôi, chị tôi, em gái tôi và hai thằng em trai cũng lếch thếch, nắm tay nhau theo sau. Ông anh rể tôi bò ra khỏi gầm cầu thang, ôm đứa con nhỏ, băng mình ra cửa trước. Không ai thấy tôi vẫn còn đang thu mình dưới gầm cái bàn lớn. Tôi ngồi chết trân như pho tượng, người vẫn còn run lên như cầy sấy. Ðầu óc tôi bảo tôi phải bò ra khỏi cái gầm bàn, nhưng thân thể tôi không tài nào nhúc nhích. Chân, tay tôi hình như bị ai cột chặt, không cách gì cục cựa.
Khói bắt đầu tỏa lan, mù mịt. Mắt tôi cay xè, ngực tôi nặng như bị tảng đá đè lên, tôi há miệng nhưng không thở được. Tôi ôm ngực ho lên xù xụ. Nước mắt đột nhiên tuôn trào, tôi bật khóc:
-Bố ơi...bố ơi...
Khói vẫn mù mịt khắp nơi, tôi không còn nhận rõ được cảnh vật chung quanh mình . Tất cả như đắm chìm trong làn sương mù dày đặc .
Tôi lại nghĩ đến sự chết . Cuộn phim đời tôi một lần nữa lại chầm chậm quay, những hình ảnh lập loè lại lần lượt hiện lên trong trí óc tôi rồi mờ dần, mờ dần ...
Bỗng nhiên, có tiếng một người đàn ông lớn giọng:
- Có ai còn ở trong nhà không ?
Như người chết đuối vớ được cái phao, tôi cố gắng kêu lớn:
- Ai đó, làm ơn giúp con ...Xin làm ơn...
Một bóng người chợt hiện ra trước mặt tôi. Người đàn ông trong bộ quận phục rằn ri của lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến, uy nghi, nhưng nhân từ như một thiên thần. Anh đưa tay về phía tôi, giọng nhẹ nhàng:
- Tới đây với anh, đừng sợ ... Nắm lấy tay anh ...
Lời nói của anh như một linh dược, đột nhiên tôi cảm thấy như mình được ai cởi trói, chân tay không còn tê cứng. Tôi đưa tay nắm lấy bàn tay của người đàn ông xa lạ. Anh kéo tôi ra khỏi gầm bàn, cúi xuống bế xốc tôi lên rồi nhanh nhẹn băng mình ra phía cửa . Ra khỏi cửa, anh đặt tôi xuống đất . Tôi không kịp nhận diện và nói lời cám ơn anh đã cứu mạng tôi thì anh đã quay lưng bước thật nhanh rồi lẫn vào đám người đang nhốn nháo chung quanh tôi . Tôi nhìn theo dáng anh một vài giãy rồi phóng theo anh trên con hẻm dẫn ra ngoài đường lộ.
Ra đến đầu hẻm, tôi dừng lại thở dốc, ôm ngực ho từng cơn, sặc sụa. Tôi nhìn dáo dác chung quanh . Nhà tôi cùng những căn kế cận đang bốc cháy dữ dội. Ðằng sau tôi, bên cạnh tôi là một biển lửa cao ngút trời. Hơi nóng hừng hực táp vào người tôi. Người đàn ông kỳ bí đã biến mất . Mọi người chung quanh tôi nhốn nháo, chạy tới chạy lui, tay xách nách mang những đồ đạc, vật dụng lấy ra từ trong nhà, cố gắng được món nào hay món nấy. Tiếng la ơi ới, tiếng thét thất thanh, tiếng gào kêu cứu, tiếng đạn tiểu liên ròn rã, tiếng xe chữa lửa rít lên từng hồi nghe đinh tai nhức óc.
Khung cảnh lúc đó thật ồn ào, hỗn độn.

Ba chiếc xe chửa lửa sơn màu đỏ chói, thắng ken két, đỗ xịt trên đường, ngay trước cửa cửa hàng của bố tôi. Những người lính cứu hoả trên xe nhảy phóc xuống. Bằng những cử chỉ lanh lẹ, thành thạo, họ nối dây vòi rồng và cùng nhau khệ nệ, vác ống xịt nước vào đám lửa đang rực cháy. Từ chỗ tôi đứng, nhìn qua phía cửa hàng Văn Lang, tôi thấy một người lính cứu hoả đang dùng cây búa lớn phá cái cửa sắt. Tôi chạy lại gần vừa đúng lúc cánh cửa được kéo dạt sang một bên. Bên trong tiệm, dựng sát tường là cái xe đạp của tôi, bên cạnh, trên mặt đất là cái lồng gà. Trong lồng là hai con gà mái đang kêu quang quác và nhảy lung tung vì nóng. Trên trần lửa đang bốc cháy dữ dội, khói bay mù mịt, khét lẹt. Tôi dợm mình, định nhảy vào lôi cái xe đạp cùng cái lồng gà ra thì bỗng nghe tiếng hét lên của người lính cứu hoả:
-Ê nhỏ, mày định làm gì thế? Mày không thấy cái trần sắp sửa xập xuống hay sao? Muốn chết hả, nhóc con?
Tôi khựng lại một giây, rồi mặc kệ tiếng thét lên của người lính cứu hoả, tôi nhảy vào nhà, một tay lôi cái lồng gà, một tay lôi cái xe đạp ra ngoài.
Rầm...rầm...rầm...
Cái trần nhà sập xuống ngay sau lưng tôi, khi tôi vừa ra khỏi khung cửa sắt vài bước. Những cây sà nhà gỗ cháy đỏ, đổ xuống, chồng chất, ngổn ngang. Những cục than hồng chạm đất, bắn tung toé lên cao như pháo bông. Tro bụi bay mù mịt. Người lính cứu hoả nhảy lùi ra sau, tránh những mảnh than hồng đang bắn trong không khí, nhìn tôi lắc đầu. Lúc này tôi đã kéo được cái lồng gà và chiếc xe đạp ra được một khoảng xa.
Tôi khệ nệ kéo cái lồng gà và chiếc xe đạp ra đến lề đường. Tôi quay lại nhìn về phía nhà tôi, tất cả đang chìm trong biển lửa. Cột khói đen khổng lồ bốc lên cao. Tro bụi bay mịt mờ trong không khí quyện cùng mùi cháy khét lẹt của gỗ, tiếng nổ lách tách trộn với hàng chục thứ tiếng động khác chung quanh, đã gây cho tôi một cảm giác khó diễn tả.
Những người lính cứu hỏa vẫn kiên trì chiến đấu. Họ xịt những tia nước thật mạnh vào ngọn lửa đỏ ác liệt đang nhẫn tâm thiêu huỷ gia tài của bố tôi cùng những người hàng xóm lân cận. Những dòng nước tuôn ra từ những cái vòi rồng tuy vũ bảo nhưng hầu như chẳng thấm vào đâu rồi biến mất sau những ngọn lửa phừng phừng. Bà hoả vẫn hoành hành không một chút xót thương cho những nạn nhân đang rên rỉ, kêu la, khóc lóc.
Bỗng tôi nghe tiếng một người đàn ông vang lên từ cái loa cầm tay:
-Các anh em thuộc đội cứu hoả nghe đây. Tôi là Chuẩn Tướng NNL, chỉ huy trưởng của lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia. Các anh em hãy vì danh dự của quân đội Việt Nam Cộng Hoà, cố gắng hết sức dập tan ngọn lửa, để bảo toàn tài sản của đồng bào. Tôi sẽ có mặt ở đây, chiến đấu sát cánh bên anh em.
Người vừa nói trông còn rất trẻ, tuổi độ tứ tuần, uy dũng trong bộ quân phục của cảnh sát dã chiến, tay áo sắn cao khỏi khuỷu tay, trên cổ áo đeo một ngôi sao bạc. Tay cầm loa phóng thanh, ông cổ võ cho sự can trường của những người lính mệt nhoài, đang cố gắng hết sức trấn áp ngọn lửa đang phừng phừng, bốc cháy, mãnh liệt. Lời nói của ông bỗng như một liều linh dược tiếp tế cho cơ thể chiến sĩ cứu hoả, làm tinh thần họ thêm phấn chấn. Họ trở nên hăng say , dũng mãnh kình chống với bà hoả và kết quả khoảng hơn một giờ đồng hồ sau, cột khói đen khổng lồ đã từ từ trở nên cột khói trắng.
Không biết phải làm gì, tôi ra lề đường, ngồi xuống bên cạnh là chiếc xe đạp và cái lồng gà. Tôi chợt nghĩ đến bố mẹ tôi. Không biết gia đình tôi bây giờ ở đâu? Sau quả đạn làm sập cái sân thượng nhà tôi, ba má tôi và các anh chị em của tôi đã dắt díu nhau đi mất cả. Bỗng dưng, tôi ôm mặt khóc hu hu.
Một lát sau, tôi quệt nước mắt, mỏi mệt đứng lên. Tôi nặng nhọc dắt chiếc xe đạp và kéo cái lồng gà qua bên kia đường. Tôi đem chiếc xe đạp và cái lồng gà gởi cho ông K chủ tiệm tiệm chụp hình K. Sau đó, tôi thẫn thờ, rảo bước ngược về phía nhà của tôi một cách vô ý thức.


Ðến trước cửa chùa Hưng Long, tôi đứng lại nhìn sang bên kia đường. Tôi chợt bật khóc khi thấy một cảnh tượng hoang tàn, đổ vỡ. Gần ba chục căn nhà, trong đó có nhà tôi và cửa tiệm của bố tôi, đã bị thiêu huỷ hoàn toàn.
Tôi chạy băng qua đường, đến trước cửa tiệm Văn Lang. Nó, cùng chung số phận với căn nhà trong hẻm của chúng tôi, chỉ còn là một đống tro tàn với những cây gỗ đen sì, cháy dở dang, chồng chất lên nhau, vô trật tự.
Căn nhà kế Văn Lang của bà NN, cũng chỉ còn lại cái nền nhà. Bên kia hẻm, cửa hàng của ông bà PH và những nhà kế cận còn nguyên, không hề hấn.
Tôi đi lần về phía căn nhà kho. Căn của ông bà AC, sát bên Văn Lang, cũng chỉ còn là đống gạch vụn. Căn của ông NT, rồi đến căn của ông NK vẫn còn nguyên. Căn kế, của ông TT, bán xe đạp, bên cạnh căn nhà kho cũng chỉ còn lại cái nền nhà. Một nỗi vui mừng chợt dâng lên trong tôi khi thấy căn nhà kho và căn Thanh Ðức và căn cao ốc 5 từng của gia đình QTL cũng còn nguyên vẹn. Những căn nhà giáp đít với căn nhà kho đều bị thiêu rụi. Lửa cháy đến vách của căn nhà kho thì bị dập tắt.
Những chiếc xe cứu hoả đã rời khu vực nhưng mùi khét lẹt vẫn còn trong không khí. Cả một khu xóm rộng lớn, giờ đây chỉ còn là vài chục cái nền nhà, ướt nhẹp.
Tôi cũng như hàng trăm người khác, len lỏi trong đống tro tàn, cố gắng bới móc với hy vọng tìm được một cái gì còn xót lại, có thể dùng được.
Tất cả đều bị thiêu rụi, sũng nước.
Trời ngả về chiều, những giọt nắng dần tắt trên khung cảnh đỗ vỡ, hoang tàn. Tôi bỗng rùng mình, cảm thấy lành lạnh. Nhìn xuống người, tôi mới chợt nhận ra trên thân thể mình chỉ có một cái quần đùi, và một cái áo mayor xách nách. Tôi co ro, rảo bước về phía ngã bảy.
Vưà đi được dăm bước bỗng tôi nghe tiếng ai gọi giật:
-Sỹ
Tôi quay lại, bố tôi đang đứng cách tôi vài chục thước. Tôi băng mình phóng về phía bố tôi, ôm chầm lấy ông, oà lên khóc.
Bố tôi ôm chặt tôi vào lòng, nghẹn ngào:
-Bố lo quá khi không thấy con đâu. Cám ơn trời phật, con vẫn lành lặn.
Tôi đưa tay quệt nước mắt:
-Nhà cháy hết rồi, bố ơi. Huhu.
Bố tôi vỗ lưng tôi, an ủi bằng giọng chua xót:
-Bố biết, nhưng cũng không phải là tuyệt vọng. Căn nhà kho còn, bố sẽ gầy dựng lại. Ðiều quan trọng là mọi người đều bình yên.
-Gia đình mình đâu rồi hở bố ? tôi hỏi trong tiếng nấc
Bố tôi âu yếm:
-Tất cả mọi người đang ở nhà ông bà QT trên đường Hồng Thập Tự. Thôi đi theo bố. Ðể bố tìm cho con bộ quần áo ấm. Tội nghiệp con của bố, lạnh đến nỗi môi thâm tím cả lại.
Nói xong, ông nắm tay kéo tôi đi về phía nhà ông PH.
Chợt nhớ ra chiếc xe đạp và cái lồng gà, tôi nói:
-Con cứu được hai con gà và chiếc xe đạp của con. Con gởi bên nhà ông K chụp hình.
Bố tôi cười:
-Thằng khỉ, mày đúng là con của bố.
Tối hôm đó, tôi và bố tôi tạm trú tại nhà ông bà PH.
...
Tôi đương say ngủ thì bỗng bị bố tôi lay dậy:
-Sỹ, dậy đi chữa lửa với bố
Tôi dụi mắt, ngồi dậy:
-Mấy giờ rồi bố?
Bố tôi nghiêm giọng:
-1 giờ rưỡi. Từ trên gác nhà ông PH, bố thấy đám than đằng sau căn nhà kho muốn bùng lên trở lại. Mình phải đi dập tắt nó.
Bố tôi, ông PH, và tôi ra khỏi nhà, len lỏi dưới hàng hiên đi về phía căn nhà kho.
Tới nhà ông NT và ông NK, bố tôi đập cửa họ.
-Ông T ơi, ông K ơi, mở cửa
Giọng ông K:
-Ai đó?
-Văn Lang đây
-Gì thế, ông Văn Lang?
Bố tôi nói mau:
-Các ông giúp tôi dập tắt đống than đằng sau căn nhà kho của tôi. Nó có vẻ muốn bùng lên trở lại. Nếu căn nhà kho của tôi bị cháy đêm nay, nhà của hai ông cũng sẽ đi theo.
-Chờ tôi lấy mấy cái thùng đã
Trời tối đen như mực vì không có điện, nhưng sát vách sau của căn nhà kho, một đám than hồng đang rực đỏ. Chúng tôi đứng thành một hàng dọc. Bố tôi đứng đầu, sát bên đống than, sau đó là tôi, rồi tới ông PH, ông NT, và ông NK đứng sau cùng.
Trong bóng đêm, năm người chúng tôi âm thầm, lặng lẽ chuyền từng thùng nước từ nhà ông NK tới tay bố tôi để ông đổ vào đống than hồng.
Khoảng hơn nửa giờ sau, đống than được dập tắt hoàn toàn. Ba ông K, T và PH thấy tình hình tạm yên, lặng lẽ bỏ về nhà, chỉ còn lại hai cha con tôi. Bố tôi, mải mê dùng cây đào xới những đống than để chắc chắn nó sẽ không còn bùng lên trở lại, đã không để ý gì đến thời gian. Tôi đứng sau lưng ông, im lặng. Một lúc lâu sau, ông quay lại vui mừng:
-Xong rồi, chúng ta có thể ngủ yên rồi. Ủa, ông PH đâu rồi ?
Tôi đáp:
-Dạ, mấy ông ấy bỏ về lâu rồi, chỉ còn mình con với bố.
Bố tôi nhìn đồng hồ tay:
-Chết cha, hơn hai giờ rưỡi sáng rồi. Giờ này đi ngược trở lại nhà ông PH rất nguy hiểm. Chúng ta có thể bị bắn lầm. Thôi cha con mình vào Thanh Ðức, tìm chỗ ngủ, sáng ra rồi tính.
Nói xong, ông kéo tay tôi, mở cửa sau của căn Thanh Ðức.
Vào đến bên trong, bố tôi định bụng sẽ tìm một cái bàn, hay một cái trường kỷ để cha con ngả lưng. Nhưng xui xẻo thay, tất cả đều sũng nước, ướt nhẹp. Tìm quanh quất một hồi mà vẫn không được một chỗ để nằm, bố tôi đang phân vân không biết tính sao. Bỗng dưng trong đầu tôi lóe lên một ánh sáng. Tôi đề nghị:
-Bố, tại sao mình không lên gác, ngủ nhờ gia đình A Hớn ?
Bố tôi vui mừng:
-Con nói nghe có lý.
Trời tối om, cha con tôi mò mẫm từng bước trên bậc thang gạch để lên từng hai.
Lên đến đầu cầu thang, bố tôi lên tiếng:
-A Hớn, a Hớn, nị còn thức không?
Không có tiếng trả lời. Bố tôi lên tiếng lần nữa:
-A Hớn, ngộ là sì thẩu Văn Lang, nị còn thức không?
Vẫn không có tiếng trả lời.
Tiến tới gần cửa, bố tôi đưa tay vặn nắm cửa, đẩy mạnh. Cửa không khoá. Bên trong, tối om, vắng lạnh. Chúng tôi lần mò đi về phía trước của căn nhà. Bỗng bố tôi dừng bước, đưa tay ngăn tôi lại. Cánh cửa trước mở toang. Thấp thoáng dưới bóng trăng, hình như có bóng người ngoài lan can đằng trước. Bố tôi lại lên tiếng:
-A Hớn, nị phải không?
Vẫn không có tiếng trả lời. Bố tôi nói nhỏ:
-Con đứng đây, để bố ra xem
Nói xong bố tôi cẩn thận, từ từ tiến ra phía trước. Tuy đã được bố dặn đứng im nhưng vì tò mò tôi cũng rón rén theo sau. Ra tới cửa, người tôi bỗng bủn rủn, chân tôi muốn khuỵu xuống. Dưới ánh trăng mờ là một cảnh tượng hãi hùng. A Hớn nằm gập người trên lan can, bất động, đầu nghiêng về một bên. Một nửa gương mặt của anh bị đạn bắn nát, đến nỗi tôi không thể nào nhận ra anh ta nữa. Xương hàm, xương má và xương mặt của anh lòi ra, lởm chởm. Thịt văng tung toé lên tường. máu khô đọng thành từng vũng. Bố tôi quay lại ôm chầm lấy tôi, đưa tay bịt mắt tôi ngăn không cho tôi thấy cảnh tượng kinh hoàng đó, nhưng đã trễ, tôi đã thấy toàn diện gương mặt của a Hớn.
Bố tôi tìm được một mảnh giấy dầu lớn, ông phủ lên người a Hớn, che kín gương mặt ghê tởm của anh. Bố tôi nói nhỏ:
-A Hớn, nị ngủ ở đây, bố con tôi ngủ trong kia
Bố tôi kéo tôi vào bên trong, ông nói:
-Chúng ta không thể ngủ ở đây. Ðể bố xem, chúng ta có thể ngủ ở đâu được.
Trở lại đầu cầu thang, bố con tôi định xuống lại nhà dưới thì bỗng ông dừng lại, ngước mắt nhìn lên, suy nghĩ, rồi kéo tôi leo lên chiếc thang sắt dẫn lên sân thượng.
Sân thượng vắng lặng, gạch ngói, rác rưởi khắp nơi. Trên sân, nước đọng thành từng vũng. Bố tôi lộ vẻ thất vọng ra mặt, nhìn quanh. Bỗng mắt ông sáng lên khi nhìn thấy cái cửa sổ từng thứ ba căn cao ốc của gia đình QTL. Bố tôi đến gần cái cửa sổ, đưa tay đập mạnh, gọi nhỏ:
-Anh T ơi, anh T ơi, tôi là Văn Lang đây. Làm ơn mở cửa cho chúng tôi với, anh T ơi.
Vài phút sau, đèn trong nhà bật sáng. Anh T, con trai ông bà QTL, há hốc mồm, ngạc nhiên, khi thấy bố con tôi lù lù bên khung cửa sổ. Khi nhận ra chúng tôi, anh dơ tay ra hiệu cho bố con tôi xuống nhà dưới, rồi mở cửa trước cho chúng tôi vào. Nhờ vậy, đêm đó bố con tôi có chỗ ngả lưng.

Ngày hôm sau, mồng bốn tết, bố tôi đưa tôi lên gặp gia đình ở nhà ông bà QT. Bà nội và mẹ tôi ôm chầm lấy tôi mừng rỡ. Vài giây sau, cả hai oà ra khóc làm tôi cũng khóc theo. Bà QT an ủi mẹ tôi:
-Anh chị đừng buồn về sự mất mát. Người còn thì của vẫn còn.
Tuy vậy, làm sao bố mẹ tôi không buồn được. Mười mấy năm gầy dựng cơ nghiệp, phút chốc tan thành mây thành khói. Bố tôi tuy không để lộ vẻ lo lắng ra ngoài mặt nhưng tôi biết trong thâm tâm ông cực kỳ đau khổ.
Chiều hôm đó, khi tình hình khu Minh Mạng tạm yên, gia đình tôi trở về tạm trú ở nhà ông cậu tôi, ông BL. Vì nhà ông BL chỉ cách nhà tôi non một cây số nên ban ngày cả gia đình tôi kép nhau về ngôi nhà cháy để dọn dẹp.
Hơn một nửa tài sản của bố tôi đã bị thiêu huỷ. Căn nhà ở và căn tiệm Văn Lang chỉ còn là hai cái nền nhà trống. May mắn, căn nhà kho và hàng hoá trong tiệm Thanh Ðức còn nguyên vẹn. Bố tôi tuy rất buồn những rất lạc quan. Ông nói:
-Với số đồ đạc còn lại trong căn nhà kho này, tôi có thể gầy dựng lại.
Tình hình Sài Gòn lúc ấy vẫn còn nghiêm trọng. Thiết Quân Luật và giới nghiêm 24/24 vẫn áp đặt trên mười một quận nội thành và toàn vùng Gia Ðịnh. Cũng giống như khu Phú Thọ ngày mồng hai, khu nhà tôi trong ngày mồng ba Tết, lần lượt những khu khác cũng theo nhau bốc cháy. Mồng năm tết, khu chùa Ấn Quang. Mồng bẩy Tết khu Tổng Ðốc Phương. Mồng tám Tết khu Nguyễn Thiện Thuật. Những cột khói vẫn bốc cao, những tiếng còi xe chửa lửa tí te suốt ngày, xen lẫn với tiếng súng tiểu liên ròn rã cùng tiếng ầm ì của bom đạn vẫn vọng về nhắc nhớ cho người dân Sài Gòn là họ đang sống trong thời chiến.
Ông anh cả tôi năm ấy về Nha Trang ăn Tết bên nhà vợ. Ông có một căn nhà nhỏ trong hẻm Sư Vạn Hạnh, cách nhà tôi không xa. Bố tôi bàn với mẹ tôi:
-Tình trạng này, tôi chắc nhà thằng T trước sau rồi cũng sẽ bị thiêu huỷ. Căn nhà kho của mình và căn Thanh Ðức bây giờ không sợ bị cháy nữa. Chi bằng mình qua bên nhà nó, dọn hết đồ đạc của nó về đây.
Sở dĩ bố tôi dám quả quyết căn nhà kho và căn tiệm Thanh Ðức sẽ không bị cháy nữa vì bên phải căn nhà kho là nhà ông TT đã bị thiêu huỷ hoàn toàn. Những căn nhà đằng sau căn nhà kho cũng đã bị cháy rụi. Bên trái căn nhà kho là căn nhà đúc Thanh Ðức, và cạnh đó là căn cao ốc 5 tầng. Không có lý do gì để lo nữa.
Sáng mồng chín tết, chúng tôi thuê ba chiếc xe ba gác, qua bên nhà anh chị T gom góp hết đồ đạc chở về. Khi đi qua đường Sư Vạn Hạnh, một cảnh tượng đã làm tôi muốn nôn mửa. Trên mặt đường, gần hai mươi xác chết đàn ông lẫn đàn bà bị vất ra giữa lộ, trương sình, rồi nhặng bay chung quanh, trông rất kinh tởm. Tất cả bị trói bằng cờ ba sọc đỏ và bị hành quyết bằng một viên đạn bắn vào sau gáy. Trong số những kẻ xấu số này, có cả một người mắc bịnh phong cùi.
Vất vả gần một ngày trời, chúng tôi mới chuyển xong được những đồ đạc của anh chị T về Minh Mạng. Một phần chứa trong nhà kho, một phần chứa trong Thanh Ðức.
Bố tôi có một người em họ mà chúng tôi vẫn gọi là cô T (T là tên người con trai lớn của cô). Cô chú T cũng làm nghề buôn bán đồ gỗ, cách nhà tôi độ mươi căn nhà về hướng ngã sáu. Tên tiệm của cô chú là TT, từ tên của hai thằng con trai.
Bố tôi cũng nói với cô chú T:
-Tình hình này, tôi nghĩ nhà cô chú cũng không tránh khỏi cháy chóc. Nếu cô chú có gì qúi giá, có thể đem xuống gởi nhà tôi. Cái nhà kho tôi còn rộng, mà lại an toàn nữa.
Thế là cô chú tôi gom góp những gì được coi là quí giá, đem xuống gửi bố tôi. Tôi và T, con trai lớn của cô chú, chuyển đồ đạc, chất đầy lên chiếc xe ba gác rồi đứa đạp, đứa đẩy, từ nhà hắn đến nhà tôi. Cũng mất hết mấy chuyến, chúng tôi mới được nghỉ xả hơi. Chiều hôm đó, tôi ở lại ăn cơm với gia đình cô chú tôi.

Chập tối, sau khi cơm nước xong, tôi và T bắc ghế ra trước cưả nhà, tán dóc. Ðột nhiên, tiếng súng tiểu liên lại rền vang. Cả tuần lễ qua, tiếng súng đã trở nên quá quen thuộc với chúng tôi, nên chúng tôi tỉnh bơ như chẳng có gì xảy ra.
Tạch..tạch..tạch..tạch...Tiếng súng tiểu liên lại ròn rã vang lên. Lần này nghe gần hơn lần trước. Chúng tôi vẫn chẳng bận tâm, tiếp tục tán gẫu.
Bỗng...một tiếng ''ầm'' khủng khiếp vang lên. Một ánh chớp choá sáng, trước mặt chúng tôi. Mặt đất rung chuyển dữ dội. Tiếp theo sau đó là trận mưa đất, đá trút xuống trên mái tôn nghe đồm độp.
Tôi và T lao mình nằm bẹp xuống sàn xi măng lạnh.
Ầm...ì...ầm...ì...
Liên tiếp là những tiếng nổ long trời, kinh khiếp của những trái B40, trút xuống khu xóm đằng sau nhà của T.
Những hình ảnh thảm khốc của một tuần lễ trước đây lại đang được tái diễn.
Ầm...ì...ầm...ì... Ầm...ì...ầm...ì...
Lần này, có vẻ tệ hại hơn tuần trước.
Lửa lại bốc lên cao ngất trời. Không phải một chỗ mà nhiều chỗ cùng lúc. Lửa lan thật nhanh, phút chốc, cả vùng rộng lớn biến thành một biển lửa kinh hồn.
Mọi người, nhốn nháo, túa ra đường, tay xách nách mang, gọi nhau ơi ới.
Tiếng thét của chú tôi từ trong nhà vọng ra:
-Má thằng T dẫn thằng Th (em của T) chạy về nhà bác T (bố tôi) nhanh lên. Thằng T cùng thằng Sỹ giúp tao khiêng đồ đạc ra ngoài.
Tôi và T cùng bật dậy, hì hục kéo xềnh xệch những cái tủ áo cẩm lai nặng chình chịch từ trong cửa hàng ra ngoài đường. Rồi đến những cái tủ rượu, những bộ sa-lông, những cái bàn ăn, lần lượt cũng được tôi và T chất đống trên giữa đường lộ.
Lửa đã lan đến nhà của cô chú tôi. Cột lửa cao phừng phừng, sáng cả một vùng trong đêm tối. Sức nóng đã làm cho tôi và Tiến không thể đến gần. Không làm được gì hơn, chúng tôi băng qua bên đường, nơi đó có một cái bệ lớn xây bằng xi măng, cái đế của trụ điện cao thế. Trong hốc bệ , đã có một ông Tàu đang ẩn nấp.
Tiếng súng vẫn rền vang, mỗi lúc mỗi ròn rã hơn.
Tôi và T nhanh nhẹn chui vào hốc của cái bệ, chen cùng ông già Tàu để tránh những viên đạn vô tình.
Nằm trong hốc, tôi phóng mắt sang bên kia đường. Lửa vẫn cháy rực trời. Căn nhà của Tiến hoàn toàn chìm trong biển lửa. Tôi thấy mắt Tiến đẫm lệ. Bỗng nó ôm mặt khóc hu hu. Tôi không biết phải làm gì, ôm vai nó, vỗ nhẹ.
Khoảng hơn một giờ sau, tiếng súng thưa dần. Bên kia đường, ngọn lửa vẫn bốc cao.
Ngọn lửa vẫn tiếp tục thiêu hủy tất cả những gì đang cản lối. Từng căn nhà bốc cháy và đổ ập xuống, cuối cùng chỉ còn lại đống tro tàn.
Tiếng súng bây giờ rời rạc vang lên trong đêm vắng
Một lúc lâu, bỗng ông già Tàu lên tiếng:
-Hềy lị, lị muống uống lước không ? Ngộ có chai lước trong xe hũ tíu của ngộ. Lị làm ơn chạy ra lấy dùm ngộ li.
Vừa nói, ông vừa chỉ tay về phía chiếc xe hủ tíu của ông bên vệ đường.
T nhỏm người dậy định bò ra khỏi hốc cái bệ nhưng tôi nắm tay nó lại, đưa mắt nhìn nó, lắc nhẹ. T ngồi lại xuống đất.
Một lúc sau, ông già hầu như không chịu nổi với cơn khát, đứng lên, lò dò đi về phía chiếc xe hủ tíu của ông.
Khi ông chỉ còn cách chiếc xe mấy bước thì bỗng nhiên tiếng súng tiểu liên nổ dòn.
Tạch..tạch...tạch
Ông già đang đi bỗng ngã ngược về phía sau, rồi nằm yên bất động. Trong hốc bệ, tôi và T mất hồn khi được chứng kiến cảnh tượng vừa qua. T, miệng há hốc, mắt trợn tròn vì sợ. Toàn thân nó run lên từng hồi, ôm chặt lấy tôi, lắp bắp không ra lời:
-Ông già..ông già bị bắn..
Tôi cũng không hơn gì nó. Người tôi cũng run lập cập muốn xón đái ra quần.
Nếu tôi không cản T, người nằm sóng xoài bên cạnh chiếc xe hủ tíu kia đã là nó.
Tôi và T ngồi yên trong cái hốc bệ của trụ đèn cao thế cho đến khi trời hừng sáng mới lần mò về nhà tôi.
Về đến gần nhà QTL, tôi sững sờ khi nhìn thấy căn nhà kho của bố tôi cũng chỉ còn là đống tro tàn. Cái kho hàng mà bố tôi đinh ninh là sẽ an toàn cũng không thoát khỏi tay bà hoả.
Tại sao ông trời lại quá ác độc với gia đình tôi ?
Mới cách đây một tuần, ông đã khắc nghiệt lấy đi gần hết gia sản của bố tôi, mà bây giờ ông lại nhẫn tâm thiêu huỷ phần hy vọng còn lại của gia đình tôi. Ba tôi đã kỳ vọng thật nhiều vào cái kho hàng này hầu có thể gầy dựng lại sự nghiệp, mang cơm áo về cho vợ con.
Bây giờ gia đình tôi sẽ ra sao trong những ngày tháng sắp tới?
Tuy vậy, ông trời vẫn còn chút lòng thương cho gia đình tôi. Căn cửa hàng Thanh Ðức mà ba tôi thuê của ông Tàu còn nguyên vẹn. Từ xa, tôi bỗng nghe thấy tiếng khóc từ trong nhà vọng ra . Tôi cắm đầu băng mình chạy một mạch về hướng Thanh Ðức. T cũng lẽo đẽo theo sau.
Tôi bước vào nhà thì thấy bà tôi và mẹ tôi đang khóc ngất. Chị tôi ôm chặt lấy mẹ tôi trong khi bà thổn thức, than van cho số mệnh. Ðưá em gái của tôi cũng đang ôm ghì lấy bà tôi, đang vật vã trên nền nhà. Ba tôi ngồi ủ rũ trên chiếc tràng kỷ gần cầu thang. Mãy thằng em tôi cũng ngồi co ro, mặt mày bí xị. Tôi chạy tới ôm chầm lấy chị và mẹ tôi rồi cũng oà lên khóc.
Một hồi lâu, bố tôi đứng lên, tới bên mẹ tôi vỗ về:
-Má nó đừng buồn nữa. Người còn là của còn. Gia đình ta không ai việc gì, đó là điều may mắn. Chúng ta sẽ xây dựng lại tất cả.
Mẹ tôi ngửng lên, mắt đỏ hoe. Bà đưa tay quệt nước mắt, thổn thức:
-Lấy gì mà xây với dựng? Tất cả đều ra tro tất cả. Giời ơi, sao tôi khổ thế này. Hu hu.
Bố tôi giọng cương quyết:
-Mười mấy năm trước, khi chúng ta mới vào Nam, chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.
So với ngày đó, bây giờ mình còn khá hơn nhiều. Ngày nào tôi còn khoẻ, tôi sẽ không để gia đình phải đói khổ.
Nói xong, ông nắm chặt hai bàn tay, mặt đanh lại. Lúc đó, tôi nhìn thấy nơi bố tôi một sự quyết chí, một sức mạnh phi thường ...
Và chỉ trong vòng 3 năm, bố tôi đã gầy dựng lại toàn bộ sự nghiệp của ông cho đến khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam vào tháng 4 năm 1975, tịch thu hết tài sản của ông và đuổi ông về vùng kinh tế mới.

Năm 1979, ông vượt biên cùng hai người con trai và hai cháu gái.  Ông hiện định cư tại Basel, Thuỵ Sĩ . Năm nay ông đã ngoài 80 nhưng vẫn còn rất minh mẫn, vẫn còn đọc sách, làm thơ và tham gia vào các hoạt động văn hóa và chính trị.
Trường ca "Lỡ Mối Tơ Duyên" của ông đã được xuất bản vào tháng 7 năm 2006 tại Hoa Kỳ.
...



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả