Vạn Thủa Còn Yêu

"Ô hay
Đã tưởng rằng tim hết mộng mơ
Thôi yêu, thôi nhớ, hết mong chờ
Tương tự... lại mỏi mòn thơ thẩn
Yêu, nhớ, mộng mơ lại đợi chờ!"
(Bài "Ô Hay", trang 83)

Tôi trích bài thơ trên trong thi phẩm "Vạn Thủa Còn Yêu" của nhà thơ Vũ Hoài-Mỹ (VHM), một nữ sĩ dành trọn con tim và tâm hồn cho thơ chủ đề "Yêu" trong tác phẩm đầu tay của chị. Phải nói rằng đây là một tập thơ có hình thức trình bày thật công phu, trang nhã và mỹ thuật với rất nhiều phụ bản tranh màu, được ấn loát bằng kỹ thuật tân kỳ. Tập thơ dầy 140 trang, bìa bằng giấy dầy, láng khổ 8.0"x8.5", sách in trên giấy tốt. Bìa trước, tựa đề và tên tác giả đã được viết băng bút pháp rất độc đáo của họa sĩ Mạc Chánh Hòa (MCH), tôi đọc cái tựa đề "Vạn Thủa Còn Yêu" bằng nỗi hiếu kỳ, với hình con mắt được minh họa ngay ở chữ "Yêu". Bìa sau có in hình một người thiếu nữ của tuổi mộng mơ với suối tóc buông dài, nàng nhìn đời bằng một con mắt... thật lạc quan và yêu đời, bên cạnh là 2 câu thơ dẫn đề của VHM cho thi tập này:

"Tình chỉ phút giây mang vạn thuả,
Yêu, hồn tôi muốn dệt nên thơ..."

Ngay từ những trang đầu tiên cuả thi phẩm "Vạn Thủa Còn Yêu" ở trong bài tựa, thi sĩ kiêm nhà văn lão thành Nguyễn Thạch Kiên đã viết rằng:

"Cái giá trị cuả "Vạn Thủa Còn Yêu" đã có ở ngay văn phong nhà thơ nơi thi phẩm đầu tay cuả nàng, vì thơ Vũ Hoài-Mỹ chính là một dấu son rất khiêm nhường nhưng ngời sáng, tô điểm cho tâm hồn và làm cho lòng chúng ta ấm lại. Để vui sống trong cơn say mơ giữa cuộc đời tha hương sầu xứ, lạc lõng nơi hải ngoại".
(Trích bài tựa của Nguyễn Thạch Kiên, các trang 9,10,11,12 và 13)

Khi nói về thơ hay thi ca thì người ta bảo rằng thơ là những ý tưởng được gom góp lại giữa những thanh âm, vần điệu, thơ cũng diễn tả giữa mộng và thực. Theo định nghiã như vậy, những vần thơ của VHM đã đạt tiêu chuẩn, ví dụ bài "Mộng Du" nơi trang 93, bài thơ tiêu biểu cho sự lãng mạn của những kẻ yêu nhau, nhớ nhau trong cơn mộng:

"Ngực buông tay khẽ đụng hờ
Lưng phà hơi ấm vai hơ khói trầm
Tóc nghiêng lệch nhẹ gối nằm
Kéo viền chăn đắp, xiết vòng tay êm
Trở mình chợt tỉnh hơi quen
Bàng hoàng hơi ấm nhớ miền mộng du..."
("Mộng Du", trang 93)

Nếu yêu có sự lãng mạn của những mộng mơ khi yêu nhau thì về mặt thực của thơ VHM đã lột tả được những dấu yêu tình cảm cho gia đình, cho cha mẹ mà hình ảnh của người mẹ đã chiếm giữ nhiều trang. Chị VHM đã tâm sự và chị cũng tỏ niềm hối hận rằng khi còn thơ trẻ lúc ở gần mẹ, chị đã chẳng bao giờ bộc lộ tình cảm với mẹ qua những cử chỉ hoặc lời nói, có lẽ đó là nỗi ngại ngần chung của người Việt Nam ta và rồi từ khi xuất ngoại đến nay lúc nào chị cũng canh cánh trong lòng với ước mong có dịp về gần mẹ để một lần được hôn lên má mẹ mà nói lên lời yêu thương mẹ thật tha thiết, môt lần được ôm lấy mẹ để tìm lại hơi ấm của tình mẫu tử... Bây giờ đã quá trễ cho cái nhu cầu nồng nàn đó rồi. Mẹ chị đã vĩnh viễn lìa xa chị, nỗi ân hận, nỗi muộn muộn màng là những dằn vặt khôn nguôi, và nó được chị công khai bộc lộ qua lời dâng tặng yêu dấu cho mẹ ở trang 16 và rồi ở những trang 19, 24, 25 và 26 tôi đã đọc được những vần thơ viết cho mẹ thật cảm động của VHM:

"Mẹ là muôn thuả tình yêu
Mẹ là hạnh phu’c nuông chiều đời con
Mẹ là đá vững chẳng mòn
Mẹ là ánh nắng sưởi con ấm đời ...”

Rồi VHM đã kết thúc bài thơ trên bằng hai câu tri ân công ơn hiền mẫu:

“Mẹ là khúc hát muôn trùng
Mẹ là khởi thủy, tận cùng tình yêu"
(Bài "Mẹ" trang 19)

Bàn luận qua phone chị VHM cũng cho biết từ tấm bé chị là một "Barbie" của bố, bố chị cưng quý và yêu chiều chị như một Công Chúa của người. VHM chất chứa hình ảnh người cha quá sâu đậm, hình ảnh người cha thân thương lúc nào cũng choán ngập tâm hồn chị như một vị Thiên Thần của truyện thần tiên, chị đã được chia xẻ thật nhiều yêu thương cũng như kỷ niệm tuổi ấu thơ với bố nên có thể vì lẽ ấy chị lại bộc lộ ít hơn qua những lời thơ như chị đã dành cho người mẹ. Tôi tìm thấy một đoạn thơ dành cho bố chị qua bài "Xót xa" như sau:

"Cha già vai nặng tiếc thương
Lưng còng gối mỏi nhớ thương gắng chờ
Mải trông gặp lại con thơ
Bến xưa xiêu vẹo hững hờ đợi mong"
("Xót xa", trang 23)

Như bao thi sĩ khác, VHM đã dâng những vần thơ, bao ý nghĩ và lòng hiếu thảo đến song thân. Thơ thương yêu của VHM không phải chỉ gồm toàn nhưng vần thơ lãng mạn để diễn tả tình yêu đôi lứa hoặc tình cảm gia đình không thôi, mà thơ VHM còn đề cao vẻ yêu kiều của quê hương và nét đẹp của thiên nhiên. Tôi xin đan cử một bài VHM viết về quê hương qua suối Non Nước tại Đà Nẵng:

"Suối Non Nước, nước trong ngời
Xoè tay giọt nhỏ tưởng người trong mơ
...
Nhẹ buông dìu dặt tiếng tơ
In bàn chân mướt trên gờ biển xa"
("Nhớ Non Nước", trang 22)

Cảm xúc khi đứng trước một khu rừng hoang vu người yêu thơ đã lên cao thi hứng, nàng sáng tác bài thơ sau đây:

"Cỏ cây hong nắng hương say
Chiều về chầm chậm bóng mây lững lờ
Rừng thưa vẫn mãi đợi chờ
Xuân sang xanh lá về thu úa vàng"
("Rừng Thưa", trang 29)

Ở trang khác thơ của VHM lại ca ngợi cái vẻ đẹp quạnh hiu của cảnh biển hè, một tình yêu thiên nhiên chất ngất trong tâm hồn Vũ thi nhân như sau:

"Bãi vàng hong nắng xoải thuôn
Gây gây hương biển khơi nguồn dâ’u yêu
Nước viền mỏm đá cô liêu
Quạnh hiu giọt nắng rong rêu biển hè".
("Quạnh Hiu Biển Hạ", trang 58)

Một đặc điểm khác trong thơ của VHM là chị rất say đắm khi mùa thu về, chị có nhiều thơ nói về mùa thu, là nàng thơ yêu mùa thu, nhiệt tình với mùa thu như thơ của những thi sĩ gần gủi với mùa thu như Huệ Thu, như Cao Mỵ Nhân hay Lê Duyên Thùy Trang, hoặc nồng nàn với mùa thu qua âm nhạc như các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn hay Ngô Thụy Miên,... tất cả những tâm hồn của mùa thu yêu đương về chan hoà bên những con tim thổn thức. Nào, ta hãy lắng nghe các thi nhân hợp tấu khúc ca mùa thu, họ giải bày tâm sự về mùa thu:

"Ta bước bên thu trong buổi chiều
Sương thu se lạnh thắm hương yêu
Bao nhiêu năm tháng gầy mơ ước
Ấp ủ vòng tay chỉ bấy nhiêu"
("Thu độ ấy", Vũ Hoài-Mỹ, trang 36)

Những thi nhân thân hữu mùa thu mà VHM gần gũi trong thi ca, tất cả họ gặp nhau trong mùa thu ngân dài tiếng thơ:

"Chiếc lá đầu tiên mới trở màu
Mà nghe chiều đã muốn lao đao
Ngô đồng một lá đồng trong gió
Thu tận ngày xưa sẽ rớt đâu?"
("Chớm Thu", Huệ Thu, thi tập Tứ Tuyệt Huệ Thu)

"Trời đã lập thu, sương nhẹ bay
Mong manh kho’i sóng trên sông dài
Núi như chìm hẳn vào cơn mộng
Cây lá âm thầm nhớ bóng ai?"
("Lập Thu", Cao Mỵ Nhân, thi tập Lãng Đãng Vào Thu)

Cái điều lý thú mà tôi vừa khám phá ra là VHM còn là một nhạc sĩ amateur, chị học piano hồi còn bé, biết chơi đàn guitar và biết nhạc lý khá vững. Chị tự phổ nhạc cho thơ của chị (bài "Điệp Khúc Yêu Thương"). VHM rất yêu thích âm nhạc, nhất là những bài mà các nhạc sĩ nổi danh đã sáng tác để ngân lên khúc ca yêu thương bất tận ca ngợi dáng thu thật tuyệt vời:

"Anh mong chờ mùa Thu
Trời đất kia ngả mầu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh".
("Thu Quyến Rũ", Đoàn Chuẩn Từ Linh)

"Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
Mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe, nghe hồn thu nói
Mình yêu nhau nhé"
("Mùa Thu Cho Em", Ngô Thụy Miên)

Nàng thơ VHM đã diễn tả thu về trên thành phố San Francisco đầy sương mù thật đáng yêu với những màu sắc chấm phá rất thơ mộng, với kỷ niệm về bên gió thu sang trong buổi chiều se lạnh, với cái hơi ấm vòng tay cuả đôi tình nhân, với màn đêm thủ thỉ tình tự và những âu yếm trao nhau môi hôn nồng nàn thắm thiết nhất của mùa thu yêu đương:

"Thành phố đêm về khách lạ đông
Ánh xanh lấp lánh ánh pha hồng
Đêm thu ôm quyện bò vai ấm
Quên được làm sao nụ hôn nồng"
("Thu Độ Ấy", trang 36)

Tôi đọc tiếp những bài thất ngôn tứ tuyệt của chị làm rất dễ thương, hồn thơ lai láng như các bài: "Ô hay", "Vũ Khúc Tình Yêu", "Tơ Chùng", "Điệu Yêu Ngày Cũ", "Tiếng Đàn", "Bốn Mùa Thương Nhớ", còn nhiều lắm ... Ta hãy cùng nhau đọc tiếp nhé:

"... Cho dù tim đã biết yêu đàn
Muôn kiếp thôi đành mang dỡ dang
Say đắm tương tư hồn ngất lịm
Chùng rơi trên phím nhẹ cung vàng."
(" Tơ Chùng", trang 91)

Lục bát của VHM mang thanh âm nhẹ nhàng, hoà lẫn ý thơ man mác của bài “Rén Nhẹ” dưới đây tiêu biểu cho thi ca tình yêu của tác giả thi tập này. Tôi có cảm nhận là chị VHM có sở trường và năng khiếu sáng tác thơ lục bát. Tôi rất thích thú vô số bài viết theo thể này của chị, đơn cử như những bài: "Rén Nhẹ", "Chờ Giao Mùa", "Buồn", "Mòn Mỏi Cánh Chim", "Say Yêu","Tình Xuân" , và bài có cái tên thật dễ thương "Dọa Yêu"...Còn nhiều lắm, thật nhiều... Ta hãy nghe:

"... Ước gì em nắng thu vàng
Hôn trên nghìn lá muôn vàn yêu thương
Rồi nhờ làn gió thơm hương
Nhẹ lay lá rụng xuống vườn nhà ai."
("Rén Nhẹ", trang 51)

Nếu trong thi ca văn học Việt Nam có bài thơ hò hẹn đầy xao xuyến "Ngập Ngừng" của thi sĩ Hồ Dzếnh, thì nàng thơ VHM cũng có nhiều bài thơ về những hẹn họ để con tim thêm bâng khuâng, thêm vấn vương và rồi trách cứ, nhớ nhung. Tôi đọc các bài "Nhớ Hẹn Nhé", "Nhớ", "Hò Hẹn Mùa Yêu", ... Hãy nghe những phút giây hò hẹn, những nôn nóng đợi chờ của nhịp đập con tim, những nỗi lòng trông đợi ngóng chờ:

"Tình ơi còn nhớ thuả nào
Rộn ràng tim chớm yêu... trao ngập ngừng
Mắt trong, môi ấm, tim rung
Nụ cười rạng rỡ ta cùng gọi tên"
("Nhớ Hẹn Nhé", trang 62, 63)

VHM là nữ thi nhân rất trang trọng với nụ hôn trong thi ca như các nhà thơ đã có những áng thơ hôn tuyệt vời, tôi muốn đề cập đến quý chị Cao Mỵ Nhân, Hồng Vũ Lan Nhi, Lê Duyên Thùy Trang, Sương Mai, Huệ Thu, Hiền Vy, Bích Khuyên, Đạm Thủy,... Vũ thi nhân cũng đã xúc cảm với nụ hôn đầu thật dịu nhẹ nhưng rất nồng nàn và đắm say qua đoạn thơ dưới đây:

"Những chiều nắng ấm gió lên
Nhớ nhung, nhung nhớ cho mềm hồn nhau
Nụ hôn ngọt lịm ban đầu
Trao nhau vội vã vương màu say say"
("Nhớ Hẹn Nhé", trang 62, đoạn 2)

Tôi hỏi chị nghĩ thế nào về quan niệm tình yêu và con tim chị rung động trong tình huống nào. Chị nói rằng tình quê hương là một trong những tình yêu cao cả nhất, ngày mà chúng ta mất miền nam chị đang còn là một du học sinh tại Hoa Kỳ, chị bồi hồi khóc ròng trong những ngày cuối để cùng chia xẻ với những đớn đau của vận nước, lúc ấy tâm tư chị cũng đã nao núng, khắc khoải nhiều về những người thân thương nhất vì cả gia đình chị còn kẹt lại quê nhà. Trong khuôn khổ hiện tại của nghề nghiệp là một cán sự xã hội yêu nghề chị luôn cố gắng giúp đỡ cũng như giải quyết những khó khăn cùng cực của những gia đình cần đến trợ cấp xã hội, nhất là những gia đình đồng hương tỵ nạn. Con tim chị bị giao động với những khốn khó của họ. Chị dấn thân vô nhiều hoạt động xã hội từ thiện trong âm thầm từ nhiều năm qua.
Tôi hỏi thêm nhìn về quá khứ xa xưa, trong hoài niệm của cái ký ức cũ, con tim chị giao động ra sao khi chị đã sống với muà yêu đương của thủa tình xanh. Chị cho biết mối tình đầu được gửi gấm qua tác phẩm "Cơn sầu Mùa Đông", câu dẫn đề của bài thơ VHM đã viết: "Dĩ vãng là phần đất rất xa mà ta chẳng bao giờ trở lại", bài thơ dài 3 trang, làm theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, viết từ miền Bắc Mỹ trong mùa đông đầy tuyết rơi phủ chị nhớ về dĩ vãng nơi quê nhà có sóng biển dạt dào, về trong hơi nắng ấm của vùng trời Đà Nẵng nơi chị lớn lên chứa chan đầy hoài niệm là:

"... Ta mơ giấc hẹn hò
Phô’ biển vă‘ng chơ vơ
So’ng vỗ về tình tự
Biển xanh dệt áng thơ"
("Cơn sầu Mùa Đông", trang 95, đoạn ba)

Ở đoạn kết tác giả VHM đã thú nhận dĩ vãng như làn sóng đến rồi lại vọng ra xa và xa mãi, xa thăm thẳm...:

"Bây giờ đã thật xa
Sâu thẳm vực hồn ta
Chơi vơi trong tiềm thức
Xót xa cũng nhạt nhòa."
("Cơn sầu Mùa Đông", trang 95, đoạn mười)

Chị tâm sự tiếp đến bóng hình thứ hai đã xa cách hai bờ đại dương khi chị xuất ngoại, và chàng ở lại quê nhà. Từ quê người bên này bờ Thái Bình dương, tác giả chôn vùi trong nỗi nhớ nhà dâng tràn và mối sầu tình gặm nhấm tâm tư, nhìn mưa thu rơi bên ngoài mà thấy mình cô đơn đong đầy nước mắt nhớ nhung khi tình yêu chia cách hai bờ đại dương:

"... Tình xưa diệu vợi buông theo
Ngày xưa chăm chút dệt nhiều gấm hoa
Trâm vàng những muốn thiết tha
Giờ vương mắt lệ nhạt nhòa theo mưa."
("Tương Tư Trời Bên Ấy", trang 65)

Tình yêu của VHM là chuyện tình nồng nàn, đắm say. Những chia ly trắc trở, những éo le của hoàn cảnh khiến người thi nhân vương vấn và tương tư lòng:

"Vẫn còn lưu luyến dáng ai
Cố nhân ta gọi... mãi hoài nhớ nhau
Tình nhân linh thể phai màu
Tương tư bên ấy tháng nào mưa bay."
("Tương Tư Trời Bên Ấy", trang 65)

Trang bên cạnh bài thơ này là hình vẽ một thiếu nữ trong nét u hoài, khắc khoải, mong chờ. Phải nói rằng nét họa của họa sĩ Mạc Chánh Hòa rất độc đáo, điêu luyện và lã lướt từng nét chữ, từng hình vẽ ẩn chứa bố cục thật ý nghiã. Có những bức hình rất mộc mạc, đơn sơ, nhưng khi hiểu được ý tưởng của người họa sĩ này, đã cho tôi lấy làm ngưỡng mộ ông vô cùng. Tám bài thư họa thơ VHM do họa sĩ MCH thủ bút in trong thi phẩm "Vạn Thủa Còn Yêu" đã tạo một nét thật đặc sắc cho thi phẩm của VHM, tôi nghiệm ra rằng điều thư họa thơ ít phổ biến với người Việt mà nó thường thấy trong thi ca của người Tàu khi người thi sĩ vung nét bút rồng bay phượng múa vẽ những bài thơ.

Tôi mải mê xem đi xem lại, rồi liếc nhanh qua bản mục lục nơi trang gần cuối có liệt kê khoảng 70 bài gồm thơ, thư họa va nhạc phổ từ thơ VHM. Phần cuối là phần những bài thơ đã phổ nhạc của các nhạc sĩ như: Trần Trịnh, Hoàng Tiến Long, Lưu Thành và của chính tác giả. Ở trang gần cuối sách tôi tìm thấy bài thơ do nhạc sĩ nổi tiếng Trần Trịnh đã phổ thành nhạc:

"Nắng ươm nhẹ má em hồng
Bên nhau đôi trái tim nồng ngất ngây
Nhìn nhau cho mắt chợt say
Mi mềm khép nhẹ khói cay vướng vào... "
("Yêu Nhau Từ Đấy", trang 57)

Ở mỗi thi nhân khi họ sống cho tình yêu, viết cho tình yêu thì tác phẩm của họ chứa đựng những triết lý sống của riêng họ, hoặc giả họ gửi gấm lý lẽ của cuộc đời của họ về vấn đề nào đó như quan niệm về yêu thương, về gia đình, về thiên nhiên, về quê hương,... Như những nữ thi nhân mà tôi có dịp đọc thơ của họ từ Nhất Phương, Đạm Thủy, Trần Mộng Tú, Huệ Thu, Sương Mai, Cao Mỵ Nhân, Hạt Cát, Ngọc Thủy, Bích Khuyên, Hồng Vũ Lan Nhi hay Lê Duyên Thùy Trang,... Với VHM, tôi cảm thấy thơ VHM dào dạt lắm, say đắm lắm và đôi lúc táo bạo hay yêu đương cuồng nhiệt. Tôi và chị trao đổi hằng giờ về những chủ đề" yêu đương" và "tương lòng", vì đây là những khía cạnh bao trùm trong nhóm từ ngữ "Vạn Thủa Còn Yêu". Bất cứ người cầm bút nào khi họ không diển tả được trung thực nhất về những rung động của con tim, những cảm nghĩ riêng tư, thầm kín nhất của mình trên giấy trắng mực đen như các thi nhân hay văn nhân đã sống và chết cho tình yêu thì quả thực là một điều thiếu xót, đáng tiếc và hoang uổng. Vì yêu là phải nói, phải diễn đạt nội tâm, phải ghi nhận sự rung động của con tim hay những khắc khoải, những đắm say của tâm hồn. Tôi còn nhớ đã đọc qua cuộc đời của thi sĩ Hoa Kỳ Emily Dickenson. Bà sáng tác ra hàng trăm bài thơ viết lên nỗi lòng của mình trong 56 năm hiện hữu với kiếp làm người, từ 1830 đến 1886. Rồi một hôm bà trao cho tờ báo địa phương tại Massachusetts nhờ họ đăng thơ bà, nhưng vị chủ bút không biết lượng giá, không nhận ra nét phong phú của thơ bà, ông từ chối không đăng. Điều này tổn thương đến bà, bà buồn lòng và từ đó ảnh hưởng đến nguồn thi hứng, cảm tác của Emily. Khi bà qua đời văn học Hoa Kỳ ngưỡng mộ tài năng của một thiên tài văn học đã không được nâng đỡ đúng mức, giới văn học sau này tiếc rẻ khi họ bình luận. Họ cho rằng đáng lý ra số thơ của bà còn nhiều và phong phú hơn nữa.

Trở lại khi đọc thi phẩm "Vạn Thủa Còn Yêu" tôi thích thú khi VHM dám nói thực về những vì sao hôm trong dĩ vãng xa xưa của chị, cái mà người Anh Mỹ gọi là những "old flames", hay những ngọn lòng lửa ngày xưa, dù rằng có những ngọn lửa ấy đã bị vùi dập tắt hay những vì sao hôm đã thực sự vĩnh viễn trở về với cát bụi, với lòng đất và điều này khiến cho tác giả đem nhưng biến cố u buồn thành động lực để nói lên cảm nghĩ của một thời đã qua. Tôi chạnh lòng đọc từng ý tưởng của VHM được in trong sách dưới hình thức những câu nói của chị về đề tài tình yêu (expression quotes) như:

- "Thời gian có thể lãng quên... Tình yêu thì mãi nhớ"
- "Dĩ vãng là một phần đất rất xa mà ta chẳng bao giờ trở lại"
- "Mọi sự đều có mức tận cùng... Ngoài trừ tình yêu !"
- "Ngày mai ta còn gì nếu chẳng phải là tình yêu ta cho đi ngày hôm nay"
- "Sự chết là miên viễn. Tình yêu là bất tử"
- "Cuộc hành trình tình yêu, không dừng lại ở sự chết"

Tôi lại đối chiếu tư tưởng của VHM với ý tưởng của Emily Dickenson qua bài thơ ngắn, vỏn vẹn 4 câu, đề cập về tình yêu và sự chết như sau:

"Love
Love is anterior to Life
Posterior to Death
Initial of Creation, and
The exponent of Breath"

Trong cảm nhận cái tình yêu mà tôi và thi nhân VHM đã miên man thảo luận, tôi xin mạn phép phóng tác bài thơ Anh ngữ này của Emily Dickenson sang chữ nghiã Annamta là:

"Yêu đương
Yêu đương tiền kiếp của đời
Chết đi nuối tiếc hậu thời mang theo
Khởi đầu ý mộng ta đeo
Tương lòng khổ lụy kỳ kèo đời ta."

Như đã nói nàng thơ VHM là một cán sự xã hội lâu năm, mà những ngành học chị theo đuổi là tâm lý học và xã hội học. Khi đem hai lãnh vực đó áp dụng qua thi văn ca ngợi tình yêu. Tôi nghe rõ từng ý tưởng của chị như tình yêu là sự hiến dâng, và sự tự nguyện của hai tâm đầu ý hợp. Tình yêu phải theo một mô thức song phương, tôn trọng lẫn nhau và chia xẻ những lý tưởng của cuộc sống mà hai tâm hồn thấu hiểu nhau, tận tụy cho nhau. Tình yêu vốn cần sự hy sinh và tính vị tha. Với VHM, chị chủ trương khi đối tượng đáp ứng đúng tần số thì tình yêu sẽ tự phát triển đắm say, cuồng nhiệt như văn thơ của chị diễn đạt. Tôi nghĩ là điều này chí lý, vì "văn tức là người", khi ta đọc văn của ai, ta có thể đoán được cảm nghĩ hay nhân sinh quan của họ. VHM cũng nói thòng vào là sự đam mê của tình yêu nên được cân nhắc trong những hệ quả của ý thức trách nhiệm.

Tư tưởng của VHM càng đi gần gủi hơn với ý tưởng của giáo sư tiến sĩ tâm lý học John Gray, trong tác phẩm ông đã viết: "Nam, nữ và sự liên hệ lứa đôi" (Men, women and relationship), ông cũng nêu lên đặc điểm của tình yêu gồm 3 yếu tố căn bản: Chấp nhận lẩn nhau (accept), Trân quý cho nhau (appreciate) và Tin tưởng lẩn nhau (trust). Có được 3 yếu tố này rồi thì sự liên hệ song phương và bình đẳng sẽ phát triển dễ dàng để đưa đến hạnh phúc lứa đôi.

Trong một chương trình truyền hình mà tôi có dịp theo dõi buổi hội luận do hai ông tiến sĩ tâm lý học khác là Dr. Connell Cowan và Dr. Melvyn Kinder bàn thảo tại sao người ta yêu nhau, rồi lại bỏ nhau, một vấn nạn ly dị của xã hội Hoa Kỳ. Hai ông giáo này cho ra quyển sách ăn khách, best seller's book là "Women/men love, Women/men leave", họ cho là một trong các yếu tố thất bại trong tình yêu là sự ích kỷ, và hôn nhân thất bại khi đối phương thiếu cảm thông, lại đòi hỏi thái quá, mình chỉ biết đến mình, không tự chế các yêu sách hay tôn trọng lẫn nhau.

Tôi lại đối chiếu quan niệm "Vạn Thủa Còn Yêu" và quyển sách "Tâm Lý Yêu Đương" (The Psychology of Love) xuất bản bởi trường đại học Yale bên Boston. Giáo sư Elaine Hatfield, nhà tâm lý học nổi tiếng qua nhiều tác phẩm hay tài liệu nghiên cứu bà đã xuất bản cũng như những buổi diễn thuyết mà bà phụ trách. Tiến sĩ Hatfield phân biệt có hai loại tình yêu mà tôi tạm dịch là:
- Tình yêu mộng, đam mê (passionate love)
- Và tình yêu thực, có lý trí can dự vào, hay đồng hành (companionate love).
Càng đọc những lý luận của giáo sư Hatfield tôi không thấy chị VHM đi xa hơn những nguyên tắc, những lý luận yêu đương của vị giáo sư này đã tốn bao giấy mực thuyết giảng. Vâng, những điều căn bản về tình yêu mà VHM bộc lộ rất tương đồng với Dr. Hatfield.

Tóm lại, VHM yêu cuồng nhiệt, yêu say đắm lắm có thể lấy ẩn dụ như:

"Nghe như tiếng thở đam mê
Nhiễu dài thành giọt vào khe suối tình
Tơ rung nghe tiếng hồn mình
Nỗi yêu bừng giấc rưng tưng bồi hồi"

Đây là 4 câu thơ yêu trong bài mang tựa đề "Tiếng Đêm", trang 33. Bốn câu kế tiếp cho thấy sự so sánh thiên nhiên và tình yêu đắm say qua nỗi bồi hồi trong thơ Vũ thi nhân:

"Thân hồng lách lách nẩy chồi
Chờ xuân ươm nắng ấm... rồi đơm hoa
Dế mèn chủi gốc mai già
Chợt trong hơi thở điệu hoà ái ân..."

Trong bài thơ này, kỹ thuật dùng chữ diễn tả ý tưởng của VHM rất sống động khi tình yêu thăng hoa lên cường độ trăng hoa. Nó khiến tôi liên tưởng đến thời thi ca "Yêu" cuối thế kỷ 18 có nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tôi yêu thi ca tự nhiên của thi nhân Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương được trân trọng cho vào văn học Việt Nam. Thiết tưởng nếu có sự kết án khắt khe nào về thi ca của bà rất tiêu cực về ý nghiã, thì tôi cho rằng đó là điều sai lầm lớn vì bao thế hệ nối tiếp dòng văn học vẫn tán thành, đồng ý và thích thú với sự ví von khéo léo trong thi ca của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, và rằng tiếp tục theo dòng văn học, chúng ta có nhiều hậu duệ của bà.

Nói đến đây, tôi lật đến trang cuối của thi tập "Vạn Thủa Còn Yêu". Qua bao trang dông dài về bao ý tưởng của thi tập này tôi thiển nghĩ phần trình bày của tôi sẽ phải tạm ngưng cho một thi tập đầy tính chất lãng mạn, và đặc biệt nói về tình yêu của nhà thơ Vũ Hoài-Mỹ dù rằng đề tài yêu đương vốn là chuyện dài miên viễn, vô tận. Kết thúc bài viết với nụ cười trên môi, tôi xin đồng ý về sự lãng mạn của tác giả đã in ở trang sau của thi tập này:

"... Tình chỉ phút giây mang vạn thủa
Yêu, hồn tôi muốn dệt nên thơ..."

Việt Hải, los angeles


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả