Cát Biển và Thi Tập Trùng Khơi Sóng Vỗ

Nhà thơ Cát Biển sinh trưởng tại thành phố biển Phan Thiết. Phan Thiết chỉ là một thành phố bé nhỏ ven biển, nhưng đa số người dân sinh trưởng tại đây dường như có mang dòng máu nghệ sĩ tiềm tàng trong tâm hồn. Quê hương anh đã un đúc dưỡng dục cho các nghệ sĩ như: Trần Thiện Thanh, Thanh Thúy, Anh Khoa, Phương Đại, Tuấn Vũ, Việt Hùng, Thanh Thủy, Trang Mỹ Dung, Mỹ Thể, Nguyễn Hữu Thiết (vợ là Ngọc Cẩm), Hồng Phúc (đài Pháp Á), Huyền Vũ (thể thao), Ngọc Cảnh, Trường Thanh, Thái Tài, Đức Phương, Bảo Phương, v.v... Cát Biển vào học trung học Nguyễn Khuyến Sài Gòn từ năm 1963. Năm 1967 anh học lớp đệ nhất tại trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết. Sau đó anh vào Đại Học Luật khoa và Đại Học Vạn Hạnh cho đến ngày anh tình nguyện nhập ngũ quân chủng hải quân khóa 20 Đệ Nhị Hổ Cáp. Hải nghiệp đã mang nhiều ấp ủ thời tuổi trẻ, song bầu nhiệt huyết hăng say và nỗi gian lao cực nhọc của người lính thủy lại mang đến cho anh khá nhiều nguồn thi vị lãng mạn. Từ thuở mới lớn cho đến lớp đệ nhất, vào mỗi buổi tối, anh thường hay cùng những người bạn yêu văn chương thân thương tụ tập ngồi ngắm sao trời, bàn luận say mê về các tác phẩm nổi danh vào thời đó, thường là các tác phẩm triết lý gợi suy ngẫm cho tuổi mới lớn, như Ung Thư của Thanh Tâm Tuyền, Buồn Nôn của Jean-Paul Sartre, Bonjour Tristess của Francois Sagan, La Porte Etroite của Andre Gide do Bùi Giáng dịch v…v… Anh làm thơ, viết văn cho báo trường. Đó là những bước đầu tập tễnh vào khu vườn văn thơ. Mãi đến lúc sang Hoa Kỳ, những buồn bã bâng khuâng từ nỗi cô đơn nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ quê hương, đã dấy lên thành một động lực mạnh mẽ thôi thúc anh viết những bài thơ dào dạt tâm trạng của anh về nếp sống tha hương, về biển cả, về quê hương. Anh tốt nghiệp ngành Kỹ Sư tại Wilkes University và University of Houston. Tốt nghiệp Cao học Quản Trị Kinh Doanh tại Chapman University. Anh đã từng dạy các lớp kỹ thuật điện toán tại Boeing, và là hội viên Toastmaster International. Thời gian đầu nơi xứ người, anh thường tiếp xúc với người Mỹ nên ít có dịp dùng tiếng Việt. Từ năm 1985 đến 1990, anh làm xướng ngôn viên Đài Truyền Hình Việt Nam ở Nam California, cùng lúc nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng vừa sang Hoa Kỳ đảm nhận giám đốc chương trình, với sự chủ xướng của báo Người Việt và ông Lương Văn Tỷ. Trong thời gian này, anh mới có cơ hội dùng tiếng Việt thường xuyên. Từ đó, anh bắt đầu làm thơ đều đặn hơn. Một thời gian sau, với sự khích lệ của một số cây bút đàn anh, anh có hứng sáng tác nhiều hơn, nhất là thời kỳ “lưu vong” làm việc cho hãng BEI tại vùng Little Rock, Arkansas, với công việc thiên nhiều về mặt kỹ thuật, lại thêm nếp sống lặng lẽ nơi thành phố êm đềm này nên thơ đã là môi trường thân thương để anh trút những nỗi lòng của mình. Năm 2002, anh về lại Nam California và cho xuất bản thi thập đầu tay Trùng Khơi Sóng Vỗ. Thi tập Tình Thơ Áo Trắng được ra đời sau đó, góp mặt cùng với một số nhà thơ thân hữu. Thơ đã trở thành một người bạn trung thành để anh thổ lộ những nỗi niềm, và là nhịp cầu để anh gởi gắm những giấc mơ mà anh từng ấp ủ đến người. Môi trường thơ là một vùng không gian trừu tượng để anh có thể diễn đạt những nét đẹp mà anh bất chợt cảm nhận, hay những yêu thương man mác thoáng đến, hoặc những cảm xúc bâng khuâng nào đó...

Phan Thiết là nơi chốn để anh nâng niu chiu chắt những kỷ niệm ngọc ngà của tuổi thơ. Quê hương anh là một miền biển mặn có con sông Mường giang lững lờ trôi:

Ai về Phan Thiết quê tôi
Nhắn sông Mường Mán chiều ơi nhớ cùng

Phan Thiết trong lòng anh vẫn mãi mãi là một chốn thân thương tuyệt vời của thời niên thiếu, khi tâm hồn anh còn bát ngát những ngây ngô non dại. Những niềm hạnh phúc vô biên với những câu chuyện đầy ly kỳ lẫn thi vị do ba anh kể lại, đã được chị em anh lắng nghe say mê từ lúc còn bé, đến những buổi cơm chiều đậm đà hương vị quê hương có canh chua, cá nục kho, gỏi cá mai do mẹ anh nấu, quây quần với tiếng cười tiếng ca náo nhiệt của các chị em trong nhà. Những kỷ niệm này sẽ hằn mãi trong một nơi sâu thẳm của ký ức, để anh mang theo suốt cuộc đời. Thành phố đó cũng mang nhiều hình ảnh lam lũ bình dị của những người dân chài miền biển. Những người dân này rất chân phương hiền hòa và mộc mạc trong lối giao tiếp giữa người và người. Khi anh lớn lên và có dịp vào Sài Gòn học trung học, dù rất yêu chốn phồn hoa đô hội này, nhưng Phan Thiết luôn luôn trải mời tiếng gọi réo rắc, kéo chân anh về với quê hương, vì nơi đó có hình ảnh của một mái ấm gia đình, có lũ bạn thuở thiếu thời, có mớ chân tình sâu đậm:

Mường Giang óng ánh nhẹ nhàng
Quê hương tôi đó muôn vàn nhớ thương
Người đi lạc xứ vấn vương
Chiều trông quê cũ lệ tuôn đôi hàng

Năm anh học lớp đệ nhất tại trường trung học Phan Bội Châu, Phan Thiết đã thoáng ghi nhận một mối tình học trò thơ ngây:

Phan Bội Châu áo dài tia nắng dại
Lối đi về vai chạm nhói tim nhau

Trùng Khơi Sóng Vỗ dẫn dắt người đọc quay trở lại thời kỳ quê hương còn đắm chìm trong chiến tranh. Chàng thanh niên trẻ sinh trong thời loạn đã rời ghế nhà trường để dấn thân vào cuộc chiến:

Rồi cảnh quê mình thêm khổ đau,
Bom giày đạn xéo đẩy chia ly,
Những cánh tay ôm ngày giã biệt,
Người trai nhập ngũ tuổi xuân thì

Anh tình nguyện nhập ngũ như bao nhiêu thanh niên cùng lứa tuổi anh đã phải tòng quân trong hoàn cảnh đất nước điêu linh. Ngày anh bắt đầu lên đường theo tiếng gọi của non sông cũng là ngày anh chấm dứt cuộc đời thư sinh mơ mộng:

Anh ra đi gói theo hành trang nhỏ
Ấm quê hương thương mấy giọt lệ chào
Cửa xe cuối đời học sinh áo trắng
Khép kín khung trời thơ mộng xuyến xao

Vùng biển thân thương đã ghi dấu biết bao những kỷ niệm thời thơ ấu. Đại dương đã có một sức quyến rũ mãnh liệt nơi anh. Vào thời điểm đó, chiến cuộc đang tràn lan khắp nơi trên quê hương, với tuổi trẻ đầy bầu nhiệt huyết, nhìn cuộc đời bằng một màu xanh, màu xanh của mặt đại dương bao la, màu xanh của hy vọng tuổi trẻ, anh đã ôm ấp một cuộc đời binh nghiệp với những chuyến hải hành phiêu lưu bất tận:

Xưa yêu biển anh mộng mơ hải nghiệp
Dệt hồn mình thẳm tuyệt một màu xanh

Anh gia nhập quân chủng Hải quân khóa 20 Đệ nhị Hổ Cáp vào năm 1969:

Áo trắng tinh anh mũ vành phong nhã
Nếp chỉ vàng vai áo dạ hoàng gia
Hoa biển mộng ẩn đầy vai khổ nhục
Cánh tay trần luyện hái gió đo mây
Ngày đăng quang quỳ đưa tay vũ trụ
Đeo nhẫn vàng thách thức ngũ đại dương

Vào thời đó, muốn gia nhập binh chủng Hải quân cần có Tú Tài 2 ban B, và cần phải trải qua thời kỳ huấn nhục khốc liệt khá nổi tiếng so với các trường đào tạo sĩ quan Việt Nam khác, và sau gần 2 năm trời mới được mang lon Chuẩn Úy. Được trang bị với niềm kiêu hãnh của màu cờ sắc áo, cộng với một tinh thần bất khuất hiên ngang của quân chủng hải quân, anh đã đến nhiệm sở khoát theo một lý tưởng thật cao đẹp của hải nghiệp để dấn thân phục vụ cho quê hương, và lo lắng chung cho các binh sĩ dưới cờ. Trong suốt 6 năm thêu dệt mộng hải hồ, với những chuyến đi công tác, quần đảo Trường Sa là địa danh đã ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm với những chuyến hải hành đầy mưa giông bão táp, với tầm bao la của biển trời, và sự nhỏ nhoi cô độc của thủy thủ giữa ngàn khơi. Các binh sĩ đóng ở các hải đảo hẻo lánh xa xôi với sóng nước mênh mông chung quanh, chỉ có bạn là những chú chim hải âu với tiếng kêu vang trời trên hải đảo. Các thủy thủ thường chỉ mong thấy được bóng dáng con tàu để tưởng nhớ đến đất liền, bắt cầu nối nhịp với đời sống loài người. Anh vẫn còn nhớ đến lòng biển chứa đầy các xác tàu chìm, và hằng hà sa số các sinh vật đặc thù kỳ lạ trong thế giới thủy cung:

Rồi từ đó loài kình ngư lượn sóng
Mộng thủy cung huyền thoại mỹ nhân ngư
Ngắm sao trời gió lũ sóng ba đào
Đi chất ngất chuyến phiêu lưu kỳ ảo
Chiều Trường Sa hải âu bay ngập đảo

Con tàu vượt đại dương trong những chuyến hải hành của người lính thủy không biết có làm thỏa chí tang bồng nơi anh:

Bến ở đi sương mờ giăng hải lý
Gan thép thề bền bỉ với non sông
Những ca đêm hải hành vào tác xạ
Đại pháo bắn đi rung cả thân tàu

Rồi những chiều mưa giông vờn bão lớn
Tàu nghiến mình răng rắc rợn cả da
Và những chuyến xuôi buồm trong nắng sớm
Thủy thủ hát ca vang vọng cả boong tàu

Một kỷ niệm khó quên trong thời gian phục vụ binh chủng hải quân là trong trận hải chiến Hoàng Sa, tàu của anh được lệnh ra yểm trợ 4 chiến hạm đang nghênh chiến với hải quân Trung Cộng, nhưng khi ra đến nơi, chiến hạm của anh nhận được chỉ thị bỏ neo ngoài khơi Đà Nẵng chờ chỉ thị. Sau trận chiến ngã ngũ, HQ-10 đã chìm vào lòng biển khơi, còn các HQ-4, HQ-16, HQ-5 đều bị trúng đạn nặng nề, phải trở về bến Đà Nẵng. Lúc đó anh có một số bạn thân đồng khóa cùng phục vụ khắp các đơn vị tham chiến, có cả toán người nhái Hải Kích (Seals), nhất là người bạn chí thân HTD. Anh rất nóng lòng theo dõi tin những người bạn này. Khi liên lạc qua máy truyền tin chiến hạm các bạn anh an toàn, anh mới thở dài vui mừng. Trong trận hải chiến đó đã có bạn đồng khóa anh bị quân Trung Cộng tấn công lên quần đảo Hoàng Sa bắt giữ, rồi giải giao về Trung Cộng. Những người bạn này sau được trao trả tù binh về lại Việt Nam.

Anh được gởi xuất ngoại du tập trên các chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Lúc mới trở về lại Hạm Đội Hải Quân Việt Nam, mang cấp bậc Trung Úy, lòng anh đầy hăng say. Từ giây phút rời lực lượng hải quân Mỹ thuộc Đệ Thất Hạm Đội, với bao nhiêu sự khâm phục và ngưỡng mộ về các khả năng và tiềm lực hoạt động quá tối tân của hải quân Hoa Kỳ, anh nguyện lòng sẽ làm một cái gì đó cho đất nước, nhất là các anh em binh sĩ phục vụ trong cùng đơn vị. Để làm một cuộc cách mạng bản thân, anh đã quyết định bỏ hút thuốc lá, và từ một người hút thuốc khá nhiều năm 1974 với một ngày hơn một gói rưỡi, anh đã không hút một điếu nào cho đến ngày hôm nay. Ý chí này có lẽ đã được tôi luyện từ lò luyện thép hải quân Nha Trang. Hải nghiệp tưởng đã theo anh suốt cuộc đời, biến cố tháng Tư năm 1975 đã khiến cuộc đời anh rẽ qua một khúc quanh lịch sử khác, gắn liền với định mệnh của dân tộc:

Phiêu lãng đời trai ngất cao ước mộng
Bỗng một chiều ác mộng tháng Tư đen
Nhổ neo cắt xuồng đắng cay tấc lưỡi
Xếp lá cờ tức tưởi kiếp tha hương

Buổi chiều tháng Năm năm 1975 tại hải phận Phi Luật Tân, chưa bao giờ anh lại có một cảm giác lưu vong buồn nản cho kiếp người đến tức tưởi như thế. Bây giờ mỗi khi nhắc lại biến cố này anh vẫn còn thấy nghèn nghẹn nơi cổ:

Ngày Ba tháng Năm tàu vào Phi phận
Con số chiếc tàu sơn cạo, xóa tên
Bao nhiêu uy danh nay thành hư ảo
Khối sắt vô hồn, thây xác rỗng tênh
Còi chào sĩ quan nghe cay đắng nhức
Viên chức Hoa Kỳ trình ủy nhiệm thư
Nhận các con tàu vừa thành vô chủ
Áo biển trẽn trơ ngày mất bến bờ

Anh mang tâm sự của một người tướng xông pha trăm trận không buồn vì da ngựa bọc thây mà đau vì sau mình không đi dẹp giặc*. Chỉ khác một điều là ở đây, anh chỉ là một người lính trẻ, đã không còn được cả cái quyền buồn vì da ngựa bọc thây nữa, và đã thoáng lo âu về tương lai đất nước:

Cả trời tin yêu một lòng anh dũng
Tuổi trẻ kiêu hùng dâng hiến quê cha
Nay quê chẳng còn, con buông chí cả
Mai con đi rồi ai giữ quê ta?

Buổi chiều trao trả chiến hạm lại cho các sĩ quan Hoa Kỳ để họ bàn giao tàu lại cho hải quân Phi, khi lệnh hô: “Hạ kỳ!”, cả thủy thủ đoàn anh ai cũng chào tay mà khóc sướt mướt, vì biểu tượng cuối cùng của đất nước, chất keo sơn cuối cùng gắn bó giữa anh và những người bạn đồng đội của anh với quê hương đã bị tước đoạt đi:

Chiều gió mơ màng hàng người im phắc
Đứng thẳng boong tàu cứng ngắt, chào tay
Nhìn lá cờ vàng lòng đau quặn thắt
Còi thổi: “Hạ kỳ”, mọi mắt đều cay
Có kẻ nấc lên người kềm nước mắt
Nhìn lại bạn bè hận ức bủa vây
Hăm Chín Tháng Tư khăn tang ban phát
Tàu có hai xuồng chung thủy đón đưa
Lệnh gom quân vĩnh biệt đến giờ
Không kéo thuyền lên mà đành đoạn cắt
Thủy thủ chặt giây, hồn tim se thắt
Lìa bỏ con thuyền dứt bến bờ thương
Mồng Bảy tháng Năm ta mang đời tị nạn
Từ đó hằn sâu dấu tích quê hương

Anh đã cảm nhận cả một nỗi niềm cô đơn trống vắng mênh mông vào những tháng ngày đầu tiên trên xứ người. Anh như chú chim lạc bầy giữa thành phố lạ, mà lòng vẫn ray rức khôn nguôi tiếc nuối những tháng ngày lênh đênh trên biển cả:

Khuya nay lệ đắng hành trang
Chim về phố lạ, lũ đàn bỏ rơi
Sóng ơi xin chớ gọi mời
Biển yêu chớ trách một đời dở dang

Trong hành trình tức tưởi rời bỏ quê hương đi vào một phương trời xa lạ, các anh em binh sĩ đến hỏi anh “Trung Úy ơi, mai mốt qua xứ Hoa Kỳ xa lạ, mình làm gì để sống hả Trung Úy?” Anh cũng đang hoang mang không kém gì những binh sĩ này:

Chiều nào nghe tên mình đọc trên loa
Ngỡ ngàng bước lao mình cơn gió lốc
Đi ở chia tay giã từ rào cổng
Mỏi gót chân đời nên cười hay khóc?

Cuộc đời tha hương sau đó chỉ là những chuỗi ngày dật dờ cho qua một kiếp người:

Mỗi ngày xa quê là một ngày lạc lỏng
Mỗi bóng mặt trời là một kiếp khổ sai
Mỗi tối hoàng hôn là âm tỳ tủi nhục
Mỗi sóng reo đùa là mũi nhọn chởm gai

Những tháng ngày đầu tiên trên xứ người, hành trang chỉ là những nghị lực và ý chí phấn đấu, anh đã sớm khuya đèn sách, để có thể thích ứng với một cuộc sống mới, hầu có thể có cơ hội vươn lên nơi quê hương thứ nhì:

Con người là các sản phẩm chưa hoàn tất –
Unfinished products,
Cho tới vài giây trước khi buông tay nhắm mắt.
Cuộc hành trình
Thế có phải chăng là một chuỗi dài học hỏi,
để vượt qua các giới hạn?

Một hôm nào, chợt nhìn lại, tuổi xuân đã qua, dù giấc mộng giang hồ trên biển cả vẫn còn rất mãnh liệt trong anh:

Nay phố lạ áo gươm trao trả mộng
Thoáng rượu nồng hổ chợt nhớ rừng xưa
Ôi hải nghiệp biển yêu còn ấp ủ
Tóc ngã màu chim rũ cánh phiêu du.

Một nét khá đặc biệt nơi anh là mối liên hệ tình cảm gia đình, tình anh chị em rất sâu đậm. Bài Đêm Nghe Đoàn Xe Lửa viết về một cậu bé nhỏ được Ba dắt lên đô thành mỹ lệ chơi:

Thương chuyến cùng Ba xe lửa khuya
Mường Mán ga đêm chén cháo gà
Ánh mắt giương to nhìn phố lạ
Chợ Bến Thành huyên náo lụa là

Để rồi vào một đêm khuya, tiếng đoàn xe đã làm anh thức giấc, mà sao mọi cảnh vật đều quá đổi xa lạ:

Khuya nay thức giấc tiếng đoàn xe
Chợt nhớ tàu khuya ấm cháo gà
Lẻ bóng bên trời nơi phố lạ
Có người con vọng nhớ đến cha

Bài thơ Tịnh Diệu là những cảm xúc dâng trào, là tiếng lòng rất thực của anh về người mẹ vừa khuất bóng:

Ngủ yên nghe Má
Con vẫn nhớ cái vuốt đầu xưa khi còn bé
Và hôm nào sẽ kể cho Vi
Ngày xưa bà nội là một phụ nữ xinh
Với đôi mắt sáng và nụ cười thân yêu
Thường vào Sài Gòn thăm ba của Vi
Với các nồi cá nục kho tuyệt diệu
Mà ba yêu vô cùng

Trùng Khơi Sóng Vỗ có nhắc đến một cuộc tình không trọn vẹn, tựa như một dòng sông đã chảy cuộn rồi dần dần mất hút giữa dòng thác lũ của cuộc đời:

Ta dừng lại ngắm tinh cầu rạng rỡ
Xe muôn đèn chảy cuộn một dòng sông

Trong khi những lời thơ trong Sinh Nhật Vivian nghe tựa như những dòng tâm sự tuôn trào ra từ đáy lòng thổn thức của anh:

Mồng Hai tháng Tám tuổi con yêu
Sao chẳng gần con kể chuyện nhiều
Các cô cùng hát ngâm cung điệu
Để lớn Vi đầy đặn tiếng yêu

Lời thơ của anh về cô em gái với những thoáng lo âu lẫn chút trìu mến của người anh:

Đã mấy Thu rồi trôi tuổi thơ
Người em trăn trở bến bao bờ
Nẻo đời truân chuyên lòng vẫn mở
Những lời êm ngọt trải cung tơ

Tình bằng hữu, tình đồng đội, cũng chiếm một chỗ đứng thật đặc biệt trong tâm hồn anh:

Giữa ngày về sao vĩnh viễn ra đi?
Trong uất nghẹn bao bạn bè thương tiếc
Khuya hôm nay trên vòm sao Hổ Cáp
Một ngôi sao chợt tắt giữa đêm đen

Chuyến Phiêu Lưu Kỳ Ngộ nhắc đến một kiếp người phù du. Cuộc đời là một chuyến hành trình mà anh đã chấp nhận bằng một cặp mắt nhân từ đôn hậu:

Giữa bóng tối của vũ trụ đang xoay dần
Tinh cầu cách xa nhau hằng triệu năm ánh sáng
Một trăm năm kiếp người
Ngắn ngủi như ánh sáng chiếc diêm quẹt
Lóe lên rồi chợt tắt

Dầu chuyến đi ấy
Đẹp đẽ hay bi thương đến đâu
Đáng kể chăng là sự hoan hỉ chấp nhận
và khai phóng
Biến hành trình ấy
thành chuyến phiêu lưu kỳ ngộ

Thơ anh ăm ắp những trăn trở về một lý tưởng, để sự hiện hữu nơi trần gian này còn mang một ý nghĩa nào. Anh nhắc đến một vị thầy đã mở cho anh cánh cửa tâm hồn để anh bước vào thế giới kỳ thú đầy những giá trị về tinh thần của con người:

Người dạy con lý tưởng thanh tao
Từ bóng đêm bước vào minh đạo
Hành trang đời bờ tim chân thật
Đêm bão bùng nổi ngọn đuốc cao

Người thầy đã nhắn nhủ anh: “Hãy tự đi tìm lẽ sống của con. Hãy sống bằng con tim chân thật, và rồi bao điều kỳ diệu sẽ đến với con. Nhưng trước hết con phải có nghị lực đi tìm lý tưởng ấy bằng ánh nến trong quả tim con”:

Ngọn nến ngày xưa
Cưu mang ngày Mẹ hôn chào đời
Ủy thác trong con với bao ước vọng
Tinh thể tích tụ từ những thăng trầm
Cô đọng nguồn bất khuất của quê hương.

Ngọn nến hướng đến một lý tưởng, một niềm tin, cho dù trong hoàn cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng:

Ngọn nến ấy
Đang được đốt cả hai đầu
Nó sẽ không sáng trọn đêm dài
Nhưng hãy nhìn kỹ đi
Đang lóe lên những tia sáng huyền dịu

Trong phần dẫn nhập của thi tập Trùng Khơi Sóng Vỗ, anh đã đặt câu hỏi làm thế nào để có thể đo lường ý nghĩa của kiếp người? Theo anh, một đời người không hẳn được định giá bằng cao độ của nấc thang danh vọng, mà là những gian lao thử thách ta đã vượt qua. Điều quan trọng nhất là ta đã tiến được bao xa từ điểm khởi hành. Bài thơ Hành Trình nói về thân phận con người mà theo anh, sự hiện diện của ta trên cõi đời này cần hướng đến một điều tốt đẹp nào đó. Theo anh, ta cần phải kiên trì và dấn thân hầu đạt đến ước nguyện này:

Ngày đó bạn chợt thấy
điều mình phải làm và dấn bước

Bạn vẫn dấn bước
Mặc đau khổ hụt hẫng làm tan nát kiếp người
Thị giác mờ và quả tim như muốn cạn khô
Dầu thời gian cướp đi tuổi thanh xuân tươi đẹp

Chợt tai nghe vọng về tiếng du dương thánh thót
Mà chính là lời chân thật tự bản thể
Đã bị phủ át đi do bao tiếng vọng khác

Đó mới chính là kẻ đồng hành đích thực
Nghị lực để làm một điều ý nghĩa nhất
Để biện minh và hoàn mỹ
Cho hành trình của chính bạn

Một điểm tích cực của cuộc di tản của người Việt ta là sự việc “trăm hoa đua nở” trong lãnh vực văn học nghệ thuật tại hải ngoại. Đã có nhiều văn thi nhạc sĩ tài tử đã làm văn thơ hay viết nhạc tại hải ngoại, chỉ để trút những nỗi niềm tâm sự của mình qua thi văn nhạc, tạo nên một khu vườn nghệ thuật với những dị thảo đầy màu sắc. Thơ của anh Cát Biển đã là nguồn cảm hứng cho khá nhiều nhạc sĩ như Nguyên Phan, Vũ Thư Nguyên, Nguyễn Thiện Doãn, Anh Vũ, Mai Đức Vinh, Nhật Vũ, Võ Tá Hân, Phạm Anh Dũng, Vũ Hữu Toàn, Quách Nam Dung, Sông Cửu, Hoàng Thy, Hàn Sĩ Nguyên, v.v.... Đây là một sinh hoạt đáng yêu của giới làm văn học nghệ thuật hải ngoại.

Tiếng thơ trong thi tập Trùng Khơi Sóng Vỗ đôi lúc làm người đọc cảm thấy bồi hồi rung động vì lời buông vừa đủ, mà âm ba dường như không dứt … Nếu thơ được ví như những mảnh vải lụa để trang điểm cho cuộc đời, thì Trùng Khơi Sóng Vỗ của nhà thơ Cát Biển đã được dệt bằng những sợi tơ óng ả mượt mà những tấm chân tình của anh, khi anh viết về cuộc sống hằng ngày, về tình đồng đội, về những người thân yêu, về quê hương, hay về những giá trị tinh thần cao quý… Những sợi tơ lòng này, trong một kiếp sống hữu hạn, anh đã trân trọng gởi đến người, đến đời…


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả