TẤM LÒNG SON TRONG “HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU”, TẬP TRUYỆN CỦA ÁI KHANH

Năm 1994, tập truyện “Một Thời Để Nhớ” ra mắt, được nhiều độc giả, văn thi sĩ đón nhận nồng nhiệt, từ đó tên tuổi Ái Khanh xuất hiện đều đặn trên nhiều tạp chí hải ngoại, là cây bút thường xuyên của Phụ Nữ Diễn Đàn (CA), Kỷ Nguyên Mới (VA)... chủ bút Bán Nguyệt san Rạng Đông (GA).

Quyển “Việt Nam 20 năm: 1975-1995” của nhiều tác giả do Đông Tiến xuất bản tháng 4/1996, về lãnh vực văn, tác giả Nguyễn Hoàng Văn đã ghi nhận 110 tên tuổi gồm 80 nam văn sĩ, 30 nữ văn sĩ, trong đó có Ái Khanh cùng những tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Hữu Nghĩa, Đỗ Tiến Đức, Đào Văn Bình, Sơn Tùng, Hồ Trường An, Xuân Vũ, Nguyễn Văn Ba, Mai Thảo, Nguyễn Thị Vinh, Nhã Ca, Trần Mộng Tú, v.v...

Quyển “Nhà Thơ Và Nhà Văn Hải Ngoại: 1975-2000” của Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuyến đã dành 12 trang để nhận định và trích văn Ái Khanh.

“Một Thời Để Nhớ” tiêu biểu là ba truyện Những Gói Mì Trên Biển Đông, Thân Phận, Bóng Đêm, đã chấp cánh cho Ái Khanh bước vào Văn Học Hải Ngoại bằng một phong cách riêng: ngắn gọn, trong sáng, giản dị, vừa hiện thực vừa lãng mạn và chan chứa tình người.

Là một thuyền nhân đến Mỹ, định cư tại Orlando từ đầu thập niên 80, Ái Khanh trở thành quen thuộc và nổi tiếng như là một hình ảnh dấn thân của Phụ Nữ Việt Nan Hải ngoại. Ngoài công việc mưu sinh thường ngày ở sở, chu toàn bổn phận làm vợ làm mẹ trong gia đình, đảm nhận hoàn tất nhiều chức vụ nặng nề của Cộng đồng, Hội đoàn giao phó, chị còn phải nỗ lực để lo cho tờ bán nguyệt san ra đúng hạn kỳ, kể cả việc sáng tác như viết báo, viết truyện, làm thơ. Tôi nghĩ dù là nam nhi chi chí vai năm thước rộng thân mười thước cao, cũng khó đảm đương nhiều công việc như vậy. Và hầu như không có một buổi sinh hoạt lớn nhỏ nào của người Việt tại Orlando mà vắng bóng chị, không những có mặt, chị còn là một mạnh thường quân nữa. Chị thường xuyên đứng ra tổ chức những buổi ra mắt sách tại thành phố Orlando cho các văn thi sĩ ở địa phương và từ các tiểu bang khác tới. Sở dĩ chị làm được nhiều công việc thành công xuất sắc được nhiều đồng hương quý mến có lẽ nhờ vào khả năng, thiện chí, lòng hy sinh, cũng như bản tánh hiền hòa, tế nhị, khiêm tốn của chị trong làm việc, tiếp xúc... được sự giúp đỡ to lớn của người bạn đời năng nổ luôn sát cánh bên chị như bóng với hình, đó là anh Đỗ Xuân Hùng, người có nhiều khả năng về các lãnh vực chuyên môn, kỹ thuật.

Trước sự thành công vượt bực của tác phẩm đầu tay, đầu tháng 5/1997 chị khai sanh tiếp đứa con tinh thần thứ hai “Hình Như Là Tình Yêu” tập truyện tiếp nối bước đường sáng tạo nửa hiện thực nửa lãng mạn của chị.

Bìa trình bày lộng lẫy, sử dụng nhiều màu sắc tươi sáng, của Họa sĩ Vũ Đức Thanh, ăn khớp với chủ đề. Nhìn tranh tôi có cảm giác Mùa Xuân Vĩnh Cửu, Vườn Địa đàng, Tình Yêu Diễm Tuyệt, nơi lòng ta không vướng lụy phiền. Nơi Tự Do trọn vẹn, mảnh đất của Sức Sống Son Trẻ, là sắc là hương, là suối reo chim hót, tình yêu bất diệt ở cõi diệu huyền nào. Một ngày Thôi Hộ lạc bước vào khu vườn Mộng được trang hoàng bằng Nhan Sắc và mối Tình lãng mạn, để một nghìn năm sau hậu thế vẫn còn phân vân tự hỏi chẳng biết hoa hay người:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ?
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Năm ngoái ngày này trong cánh cửa
Nhân diện, đào hoa cùng ửng hồng
Nhân diện chẳng biết giờ đâu tá?
Đào hoa xưa vẫn cười gió đông.)

Nhưng tình yêu ở đây (trong Hình Như Là Tình Yêu) mơ hồ lãng đãng quá, như cánh hoa mờ ảo lung linh sau làn sương, hay mối tình vừa chớm nở trước bức màn luân lý. Một ngày gặp gỡ để rồi chia xa, nhân vật chính phải nhận chịu hy sinh để nụ hồng rạng rỡ, tình yêu bất diệt. Bất diệt vì chưa hình thành. Bất diệt vì chỉ mới “đang là” chứ chưa phải “là” còn mơ hồ, lãng đãng, hình như... Chỉ “hình như” thôi, nên suốt đời vẫn còn đó nỗi ngậm ngùi tiếc nhớ khôn nguôi.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ? Người xưa bây giờ ở nơi đâu? Câu hỏi nghìn năm chẳng trả lời.

Hầu hết các câu chuyện tình trong “Hình Như Là Tình Yêu” của Ái Khanh cứ lửng lơ như thế. Không thành tựu. Bởi vì tác giả muốn Tình vẫn đẹp khi còn dang dở. Cho nên phần lớn các nhân vật (thường là các nhân vật nữ) đều phải nhận chịu hy sinh, dù đó là những nhân vật tràn đầy sức sống, yêu quý tự do, khao khát tình yêu mãnh liệt vô bờ bến, nhưng vẫn dằn lòng gìn giữ nét son phẩm hạnh. Phẩm hạnh? Vâng, phẩm hạnh của người Phụ nữ Á Đông nghìn đời thua thiệt. Đa số các câu chuyện đều được kết thúc ở đó: Lòng Hy sinh. Và đó cũng là đáp số cho chính sự tìm tòi thắc mắc của tôi sau khi đọc truyện Ái Khanh:

- “Tại sao truyện Ái Khanh dễ gây xúc động cho người đọc ?”

Chính vì lòng hy sinh của các nhân vật nữ đã chấp nhận mọi thua thiệt, mất mát, đau đớn... để cho người bạn tình được hạnh phúc, mà những giọt nước mắt đầy thương cảm của chúng ta đã nhẹ nhàng lăn trên gò má...

“Hình Như Là Tình Yêu” dài 200 trang, với 18 truyện ngắn là những cảnh đời đau khổ lầm than, một nét chấm phá trong bức tranh lớn đầy bi thảm của đồng bào giữa cuộc biển dâu. Tác giả đã vẽ lại y hệt như những cảnh đời thật bằng một lối văn chấm phá nghiêng về đối thoại sống động. Chỉ cần một mẫu đối thoại ngắn tác giả đã nói được rất nhiều điều thay vì phải dùng cả mấy trang giấy để kể lể dài dòng. Nhờ thế mà văn Ái Khanh trở nên hấp dẫn, cô đọng, hàm súc. Có thể nói văn đối thoại là sở trường cũng là chìa khóa thành công của tác giả “Hình Như Là Tình Yêu”.

Những nhân vật nữ được phác họa khéo léo qua các mẫu đối thoại đã tỏ rõ sự thông minh, tinh tế , bén nhạy của họ. Tuy bề ngoài mang dáng dấp yểu điệu thục nữ, nữ tính, nhưng bên trong lại ẩn chứa một ý chí mãnh liệt, một tinh thần bi chí bất khuất, một thái độ minh bạch dứt khoát với cuộc đời. Phải chăng đó là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ VN hiện đại đã được Ái Khanh thể hiện qua các nhân vật như : Tố Tố trong Hình Như Là Tình Yêu, Hương trong Xóm Nghèo, Bội Trúc trong Xa Khỏi Tầm Tay, Thủy trong Tìm Về Kỷ Niệm, Thảo trong Cánh Hoa Rơi, Hạ trong Thoáng Suy Tư. Những thoáng suy tư của Hạ đã làm tôi cảm kích. Nhìn chung họ là những nhân vật nữ rất xứng đáng điển hình cho Phụ Nữ Việt Nam hiện đại đang đứng trước dòng đời nghiệt ngã, chịu nhiều đau thương mất mát nhưng vẫn nhân hậu, thủy chung, cao cả. Lòng Hy Sinh Vị Tha của họ như đã nói, luôn đi kèm với Niềm Tin, Tình Yêu, và sự Tha Thứ.

Phải chăng đó là Tấm Lòng Son của Phụ Nữ VN từ ngàn xưa đã tích tụ qua bao đời mà 200 năm trước Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã làm thơ ca ngợi:

Thân em thì trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Xin cầu chúc Nhà văn Ái Khanh vững bước trên đường nghệ thuật, luôn giữ Tấm Lòng Son với đất nước, văn chương.



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả