Song Nhị
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


LY RƯỢU MỪNG VÀ NHỮNG DÒNG LỆ CHẢY


Tôi nếm trải ngót nghét 10 năm trong các trại tập trung cải tạo, nếm trải từng phút giờ, từng ngày tháng trong nỗi chết, cận kề sự sống. Cái đói khát cào xé ruột gan bao tử, cái chịu đựng nỗi đắng cay tủi nhục như từng mũi kim chích vào thần kinh tâm não, cái đói triền miên từ ngày này sang tháng nọ làm cho thể xác người tù kiệt quệ, hơi thở thoi thóp.... Nhưng trong thể xác tàn tạ, điêu linh ấy vẫn còn một sinh lực vô hình ngấm ngầm, chìm lặng để giữ cho thể xác kia không sụp đổ, cho nhân cách phẩm giá không bị ố nhòe. Người ta gọi cái nguồn sinh lực ấy là tinh thần. Đời sống tinh thần không là miếng cơm manh áo, không là ăn ngon mặc đẹp, mà là cái gì sâu thẳm nhất, cái tinh chất nuôi sống con người, chủ động của mọi hành vi, thái độ. Có mấy ai cảm nhận cái sức mạnh “tinh thần” ấy như thế nào trong cuộc sống bình thường êm ả.
Trong nỗi kiệt cùng của sự sống, những người tù chúng tôi cảm nghiệm được cái “yếu tố tinh thần” kia nó mãnh liệt biết chừng nào. Đã có những con người ngã xuống, để lại thân xác nơi bụi bờ chỉ vì tinh thần sụp đổ; đã có những con người vẫn bước đi, vẫn cử động, nhưng linh hồn đã chết, khi đem thân làm tôi tớ cho đám cai tù để đổi lấy chút vật chất trội thừa, hoặc cái ảo tưởng được thoát chốn lao tù trước những người cùng cảnh ngộ.
Một Vũ Thành An sáng tác những bài hát ca ngợi chế độ mới, nguyền rủa cái “gia phả” của chính mình: “Nay mới biết đế quốc Mỹ là quân xâm lược. Bọn ngụy quyền là lũ tay sai. Bao nhiêu năm cúc cung tận tụy miệt mài. Cứ ngỡ rằng mình lo việc nước....” bài hát còn dài, kể công kẻ thù, kết tội chiến hữu.... để hằng đêm người tù phải tủi nhục ngồi hát tập thể hàng giờ đồng hồ trong bóng đêm đen kịt trên ngọn đồi Làng Cô Nhi Long Thành.
Tôi tin rằng ở các trại tù khác không thiếu gì những nỗi buồn, những dòng nước mắt òa vỡ vì khổ đau và vì sung sướng. Một trong những việc đầu tiên đươc áp dụng tại các trại tù là “nhồi nhét” thật nhiều những bài hát đem từ miền Bắc vào theo đoàn quân nón cối, những bài hát tôn vinh lãnh tụ, những bài hát khích động tuổi trẻ “sinh Bắc tử Nam”: “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, Chiếc Gậy Trường Sơn”, “Tiến Về Sài Gòn”..... Từ ngày này sang đêm nọ người tù phải ghi chép, phải học thuộc, phải ngồi hát tập thể những bài hát này, hết năm này sang tháng khác.

Cái Tết đầu tiên trong trại tù Long Thành, do yêu cầu, đề nghị của nhiều người, của các dãy nhà, các phòng giam đề đạt lên chỉ huy trại, bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được chấp thuận cho hát trong ba ngày Tết. Đây là một quyết định tâm lý, nhằm “xả xú bắp” cái bình áp suất bởi sự đè nén, uất ức tột cùng của những con người “sa cơ lỡ vận”.
Từ cái “gật, ừ ” đó, Ly Ruợu Mừng không chỉ được hát trong ba ngày Tết, mà từng đêm trong các buổi “sinh hoạt, học tập” đã trở thành “khúc tâm tình” của người tù tìm lại thuở xưa, cất vang lên, tỏa vào một khoảng trời không, rộng lớn. Bao nhiêu cảm xúc sung sướng lẫn đau buồn của mỗi người tù gửi vào tiếng hát gửi về người thân, gửi về một thời quá vãng của ấm no, tự do, hạnh phúc.... trong cảnh ngộ cá chậu chim lồng.

Khi đoàn tù được chuyển ra những miệt núi rừng biên giới Hoa Việt, trong khoảng cách không gian, thời gian và nỗi nhớ mịt mù ấy, biết bao dòng nước mắt đã ứa trào, tuôn chảy theo từng lời ca tiếng nhạc của Ly Ruợu Mừng. Đêm Giao Thừa Tết Tân Tỵ, tại trại tù Quảng Ninh, trong giờ phút thiêng liêng từ bao đời cha ông truyền lại – phút Giao Thừa – những người tù chúng tôi ngồi nhổm dậy, nắm chặt tay nhau, nhìn vào mắt nhau, cùng cất cao tiếng hát, tiếng hát lọt qua song sắt, phả vào không gian tĩnh mịch của núi rừng hiu quạnh vùng Cẩm Phả, Quảng Ninh:
- “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi...”
- “Mừng người vì nước quên thân mình...”
- “ Kìa nơi xa xa có bà mẹ già, từ lâu mong con, mắt vương lệ nhòa. Chúc bà một sớm quê hương, đón con về, hòa nỗi yêu thương”.
- “ A! A! A! A! Chúc mẹ hiền dứt mối u tình...
- “Bạn hỡi, Vang lên lời ước thiêng liêng. Chúc non sông hòa bình, hòa bình. Ngày máu xương thôi tuôn rơi. Ngày ấy quê hương yên vui. Đợi anh về trong chén tình đầy vơi....”
- “Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do......”
..........
Nước mắt chúng tôi tuôn rơi theo từng nốt nhạc, theo từng tiếng ca, như quặn xoáy vào từng tế bào thần kinh, vào từng mạch máu đang chuyển vần nhịp đập của trái tim.
Trong tập sách nhỏ “Bông Hồng Cài Áo”, khi nói về cái mình có mà mình không biết, khi bịỉ mất rồi mới ngó lại mà tiếc thương, thầy Nhất Hạnh viết: “Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi...” (Bông Hồng Cài Áo. Nha tuyên Úy Phật Giáo. Sài Gòn 1965).
Mười lăm năm tôi sống ở sài Gòn, tôi có mặt ở miền Nam trong hai mươi năm tồn tại của chế độ VNCH, của miền Nam tự do, chưa có khi nào tôi dành một khoảng nhỏ thời gian để nghĩ về người nhạc sĩ tài hoa này, mặc dù nhiều lần trong mỗi tuần lễ, trong mỗi tháng, tôi vẫn nhìn thấy trên màn ảnh Ti Vi hình dáng người nghệ sĩ này, tôi vẫn nghe ông hát trong ban hợp ca Thăng Long cùng với Hòai Bắc, Thái Thanh, gọng ca trầm hùng, réo rắt. Cho tới khi tôi và hàng vạn người tù cải tạo “thọ ơn ông” tôi mới nghĩ về ông, mới biết Phạm Đình Chương đích thực.
Bây giờ ông không còn nữa, đã ra người thiên cổ, những người còn “ở lại”, những người lớp sau ông đang nâng niu quý trọng những tác phẩm mà ông để lại cho kho tàng văn học nước nhà.
“Hội Trùng Dương”(*) với “ba dòng sông cuốn xuôi biển Đông, nhắc câu chờ mong... nước non buồn vui đây hội trùng dương đầy vơi...” là niềm vui mở hội ba miền dựng xây một thể chế mới cho một miền Nam Tự do, nhân ái...
“Tiếng Dân Chài” với tiếng “Dô hò dô kéo thuyền nhổ neo...” gởi gắm tâm sự tác giả trên con thuyền từ Bắc vào Nam, trong cuộc di cư vĩ đại để làm lại cuộc đời, sau hiệp định Geneve. Và nỗi chạnh lòng nhớ về quê cũ: “Tôi nhớ một chiều ánh lửa hồng soi thân yêu. Đâu bóng tre xanh, đâu mắt mẹ hiền, giọt lệ rưng rưng chờ mong bóng con...”
Sáng Rừng – “Rừng xanh lên bao sức sống. Ngàn cây xôn xao đón hương nồng của vầng thái dương. Cây vươn vai lên tiếng, chim chóc tưng bừng dậy sau giấc đêm dài triền miên...” triền miên trong cuộc kháng chiến mười năm đánh đuổi thực dân Pháp. Tiếng chim từng bừng trở dậy khi cuộc chiến tàn, và người dân yêu chuộng tự do tìm về miền Nam dựng gầy cuộc đời mới.
Ra Đi Khi Trời vừa Sáng – Ai ra đi? Cả một đoàn người, những đoàn người từ Bắc vào Nam. Ra đi khi ánh bình minh cuộc đời vừa le lói. Trước mặt là vầng thái dương nhuộm thắm cánh đồng, có ngàn hoa hé môi cười chào đón, “thế gian như đã biến thay đời”, tương lai đoàn người rạng rỡ.
Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội là cả một nỗi lòng hoài niệm, xót xa của Phạm Đình Chương. Ngồi nhìn những cơn mưa Sài gòn chợt thấy “tình quê ngút khơi” trong niềm vui “tự do phơi phới”, tác giả nhớ về những cơn mưa hoàng hôn trên năm cửa ô, trên Hồ Gươm, trên tháp Rùa trên tóc người yêu, trên thềm năm cũ, trên sông Hồng Hà... trên khắp phố phường Hà Nội, để gió hắt hiu lạnh vào hồn.
Tâm trạng đó của người nhạc sĩ họ Phạm năm xưa cũng là tâm trạng của chúng ta ngày nay khi nhìn về Sài gòn, nhìn về dĩ vãng giữa cái hiện tại sung mãn vật chất và tương lai hứa hẹn này.
Tôi viết đôi dòng cảm nghĩ, tỏ lòng ngưỡng mộ một tài hoa, nhân ngày âm nhạc “Niềm Tưởng Nhớ”, trình bày các bản hợp xướng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương tổ chức tại thành phố Los Altos Hills, California 2 tháng 5-2004.
sn.
-----------------------------
(*) Những chữ in đậm là tên nhạc phẩm.
Chữ trong dấu ngoặc kép là lời của trong bản nhạc.





Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả