Hoàng Chính
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


Cuối Đường Khổ Nạn

(Viết cho Mẹ, ở quê nhà.)



"Còn xa không, mẹ?" Cậu thanh niên dừng lại bên gốc cây chờ người đàn bà đang lẽo đẽo ở phía sau. Ánh mắt tinh anh của chàng thoáng chút mệt mỏi của một ngày đường lên dốc, xuống đèo.

"Hả mẹ?" Chàng lại hỏi khi người mẹ đi tới gần.

"Cũng gần thôi..." Người đàn bà đưa tay áo quệt mồ hôi trán. Cái nón lá đeo bằng chiếc quai vải nâu tuột ra phía sau vai.

Chàng nhìn mẹ, ái ngại, "Mẹ mệt thì..." chàng loay hoay tìm chữ. "...nghỉ một lúc, cho khỏe."

Người đàn bà nhìn quanh quất vùng núi đồi hoang dại chung quanh. Phía trước mặt, con đường mòn bò ngoằn ngoèo, vắt ngang những bụi cỏ dại mọc um tùm tới ngang đầu gối, và mất hút sau những lùm cây rậm rạp. Một con chim rừng nào đó cất tiếng hót lanh lảnh trong không gian thăm thẳm. Trời biếc xanh trên cao.

"Thôi, cố đi thêm ít lâu nữa. Lại muộn, người ta không cho vào..."

"Sợ mẹ mệt."

"Không sao."

Chàng thanh niên nghe rõ tiếng thở ì ạch của mẹ. Chàng cũng thấy thật rõ những giọt mồ hôi lấm tấm trên mũi mẹ. Lâu lắm chàng mới thấy lại những giọt mồ hôi của mẹ mình.

Cũng gần hai chục năm chứ không ít. Những giọt mồ hôi làm lòng chàng nao nao. Nỗi buồn phiền bất chợt dìm những băn khoăn xuống tận đáy lòng chàng.

"Ði con." Ði quá vài bước, mẹ chàng ngoái cổ lại, gọi. Chàng xốc cái túi xách đeo trên vai, lầm lũi bước theo. Chàng cũng bắt đầu thở ậm ạch.

Ði tới sát bên mẹ, chàng cằn nhằn, "Ở bên đó con never đi bộ xa như thế này. Never!"

"Hở? À... thì mẹ cũng biết vậy..." Người đàn bà nói một cách áy náy. "Nhưng mà làm sao được bây giờ!"

Câu nói, như một lời thở than tối nghĩa. Chàng thanh niên xốc cái túi xách đang tụt dần xuống và càng lúc càng trĩu nặng trên vai.

"Con thấy cũng chả cần..." Chàng buột miệng nói, rồi sựng ngay lại, như cảm thấy những điều mình sắp nói ra sẽ xúc phạm đến đấng thiêng liêng nào đó. Chàng thở dài. Tiếng thở dài cố tình, xen lẫn vào tiếng thở ì ạch của một cuộc leo dốc, nghe gượng gạo, vô duyên. Mẹ chàng chắc cũng nghe được lời cằn nhằn của chàng. Bà nhỏ nhẹ như thể đang nói một lời khuyên lơn chí tình.

"Con đừng nghĩ thế chứ... Dù sao thì cũng..."

Có cái gì đó lấn cấn trong câu nói ậm ạch theo nhịp bước thấp cao của người đàn bà. Rồi cả hai cùng lặng thinh. Người thanh niên nhìn mông phía trước mặt. Con đường mòn lơ thơ cỏ dại. Ánh mắt chàng bắt gặp một bụi hoa dại màu tím. Những cánh hoa đu đưa trong gió nhẹ. Một cánh bướm lẻ loi đầu cành. Con chim rừng nào đó lại hót vang những lời ca thánh thót. Thiên nhiên cô tịch trải rộng trước mặt chàng. Thiên nhiên không giam cầm ai, chỉ những con người mới giam cầm những con người. Chỉ những đầu óc hạn hẹp mới giam cầm được con người.

Chưa kịp thấy thơ thới trước cái mênh mông của đất trời lòng chàng lại tối ngay lại vì những câu hỏi không thể trả lời.

"Tại sao ba ở trong jail lâu vậy?" Chàng buột miệng.

Mẹ chàng ngơ ngác một giây, rồi hiểu ra ngay. Chàng cố gắng lắm mà vẫn không bỏ được cái tật chêm tiếng Anh vào câu nói. Vẫn biết bây giờ tiếng Anh là chìa khóa mở vào những công ty của nước ngoài, nhưng chàng muốn Việt ra Việt, Anh ra Anh rõ ràng. Thành ra chàng vội sửa, một cách khó khăn, "Con muốn nói sao ba ở... ở... tù lâu vậy..."

"Ai mà biết!" Câu trả lời trụi lủi những ngôn từ của mẹ khiến chàng nghĩ bà giận dỗi vì những câu hỏi trẻ con của mình. You always think that Ím a kid! Lúc nào mẹ cũng nghĩ con là đứa con nít. Ðồng ý là lúc mẹ gom góp tiền bạc cho con đi vượt biên mười mấy năm về trước, thì con chỉ là một thằng bé không biết gì, ngoài cái địa chỉ của nhà ở Việt Nam để báo tin đã đến nơi đến chốn. Bây giờ khác rồi. Con cũng đã có girl friend, ấy quên, bạn gái rồi chứ bộ.

Bước chân của chàng sượng lại làm chàng lao đao suýt ngã. Một con cóc sần sùi nằm ngay trên lối đi của chàng. Con vật màu xám, tối tăm như cục đất, thò lõ hai mắt nhìn chàng.

"Bên này nhiều frog quá hả mẹ?"

"Con nói gì?" Bà mẹ vừa mới tụt lại phía sau, nghểnh cổ hỏi.

"Frog. Mẹ biết con frog không?" Chàng vừa nói một cách bực dọc, vừa dậm dậm bàn chân trên nền đất. Con vật xù xì nhảy vội vào bụi rậm, phát ra những tiếng lộp bộp lạ tai.

"À." Người mẹ gật đầu vội vã, "Con cóc đấy."

"Dirty creature!"

"Hả?"

"Con thú dơ dáy! Con ghét mấy con... mẹ nói tên nó lại xem..."

"Con cóc."

"Ya! Con ghét mấy con cóc dơ bẩn..."

"Con cóc là cậu ông trời đấy. Ai mà đánh nó thì trời đánh cho..."

"What?"

Người mẹ đang vui miệng đọc câu hát đồng dao từ bao nhiêu thời trước cho thằng con nghe, chợt bừng tỉnh như thể bị đánh thức bất ngờ ra khỏi giấc ngủ ngầy ngật.

"Không có gì hết. Mẹ đọc cái câu... vớ vẩn ấy mà."

Chàng thanh niên chờ mẹ đi sát bên cạnh, đưa tay vuốt mồ hôi trán, tò mò, "Mẹ đọc lại được không?"

Người mẹ ngần ngừ.

"One more time. Please." Chàng nài nỉ.

Bà mẹ chỉ hiểu lờ mờ câu nói của đứa con trai duy nhất, nhưng bà cũng ngập ngừng một chút, rồi đọc, "Con cóc là cậu ông trời..."

"And?"

"Ai mà đánh nó thì trời đánh cho."

"Silly!"

Người mẹ chẳng hiểu con nói gì, nhưng nghe cái giọng vui vẻ của nó, bà cũng thấy phấn khởi ít nhiều, như người diễn viên kém tài nghe được những tiếng vỗ tay tán thưởng đầu tiên.

Bà thong thả tiếp, "Con cóc là cậu thầy nho, ai mà đánh nó trời cho quan tiền."

"That's stupid!"

"Hả?"

"Nothing. Không có gì đâu."

Hai người lại lầm lũi bước. Chàng thanh niên nhìn đăm đăm vào đường viền ngắt xanh ở chân trời. Vài cánh chim vạch lên nền trời những vệt chữ V đặm nét. Tiếng gà rừng gáy lanh lảnh trong thinh không. Xứ sở gì đâu mà buồn tái buồn tê. Tưởng tượng mình phải sống ở nơi này, chắc sẽ chết mỏi mòn vì buồn chán. Còn Janet chắc chẳng đời nào chịu về làm dâu cái xứ nghèo nàn, cằn cỗi này. Chàng thầm nhắc tên người con gái mười bảy tuổi mà chàng đang theo đuổi. Bố mẹ Janet là người Việt. Nhưng Janet là người Mỹ. Mỹ tận trong xương trong tủy.

"Ở bên đó, chắc con chẳng bao giờ đi xa như thế này nhỉ." Người mẹ lại cố gắng lấp đầy khoảng trống vắng vây quanh, bằng giọng ái ngại.

"No. Never." Chàng trả lời một cách mạnh bạo. Rồi lặng thinh, quơ tay gạt một con châu chấu vừa mới đáp xuống trên vai áo. Con châu chấu phóng vút đi. Những vuốt sắc cào trên da lưng bàn tay chàng ran rát. Cặp cánh tím vạch lên nền trời một đường viền lấp lánh. Ðất nước này đẹp, nhưng buồn. Chàng thầm nghĩ. Nếu như có một hệ thống siêu xa lộ gồm những freeway chạy qua vùng này chắc là tuyệt vời. Những ý nghĩ lam nham đem nỗi buồn rầu phủ xuống lòng chàng.

"Không biết bao giờ this country mới được như người ta!" Chàng than thở.

"Hả, con nói gì?"

"Chừng nào Việt Nam mới được như người ta..." Chàng bực dọc lập lại câu nói. Mẹ chàng ngơ ngác:

"Người ta nào?"

"Tây, Mỹ, Canada, Australia, Thailand, Malaysia, Taiwan..." Chàng tuôn ra một tràng tên với nỗi uất ức không hình dạng.

"Cái vận của đất nước mình nó thế." Người mẹ lẩm bẩm trong miệng.

"What?"

"Con không hiểu nổi đâu!"

"You mean... Mẹ nghĩ con là con nít phải không?"

"Không phải vậy, nhưng mà..."

Người thanh niên ngoái cổ lại nhìn. Nỗi mệt nhọc kéo tụt mẹ chàng lại phía sau. Mà đề nghị ngồi nghỉ cho đỡ mệt thì không nghe. Chợt chân chàng vấp phải một nhánh cây vắt ngang lối mòn. Chàng chúi đầu, lao đao muốn ngã. Câu chửi thề Anh ngữ buột khỏi miệng. Chàng không kềm lại kịp. Nhưng mẹ chàng chắc không hiểu.

Bà luống cuống, "Có sao không? Có sao không, con?"

Câu hỏi ân cần của mẹ làm lòng chàng nao nao một nỗi niềm. Mẹ mình đó. Cái người đàn bà gầy nhom, có chiếc cổ dài ngoằng ra phía trước, cắm vào cái thân hình mỏng tanh kia là suối nguồn yêu thương quý giá của đời chàng. Mối thân tình đã xa, đã mòn vì cuộc sống lao đao, vất vả. Chàng nhìn mẹ bằng ánh mắt ấm áp. Nếu mom chịu cho con bảo lãnh đi Mỹ thì mom đâu có ốm yếu bệnh hoạn như thế này! Chàng thầm trách.

Vệt nắng vạch trên mặt người đàn bà những đường gẫy hũng sâu của hai gò má. Người thanh niên ngước nhìn bầu trời chói lòa ánh nắng. Con nắng này mà ở Florida, hoặc Boston, hẳn là tuyệt vời. Ở đây là cả một thế giới riêng. Xa vời, kham khổ.

Rồi chàng lại cúi đầu lầm lũi bước đi. Rồi chàng đứng lại, ngóng mẹ đang lẽo đẽo tuốt phía sau. Rồi lại dùng tay áo quệt mồ hôi trán, và lầm lũi bước. Nắng đổ lửa trên vai, nung than hồng trên đầu, trên cổ rát bỏng. Con gà rừng nào đó gáy những tiếng đặc keo trong cuống họng. Một con rắn ráo lấp lánh trườn nhanh trong bụi cỏ. Những con bướm nhàn du. Lũ cào cào châu chấu cánh tím vỗ trên vai áo xoàn xoạt.
Chàng bắt đầu thấy hối hận vì đã nhận lời đi theo mẹ. Con đường càng lúc càng quanh co. Một người đàn ông khoác trên người chiếc áo xám nhằng nhịt những miếng vá, ì ạch đẩy chiếc xe gỗ cọc cạch nồng nặc mùi phân bò và rơm rạ đi ngược chiều hai mẹ con chàng. Chàng ngoái cổ nhìn theo mảnh lưng gầy guộc ướt đẫm mồ hôi, và vấp ngã thêm một lần.

Hai bàn tay rướm máu. Chàng bắt đầu thù ghét con đường. Ngày xưa con đường thánh giá Chúa đi qua chắc cũng gian nan như con đường này. Gió lùa qua khe lá, mát lạnh vùng mặt và đầu đẫm mồ hôi. Thua rồi. Mệt quá rồi!

"Nghỉ một tí mẹ à. I give up!" Chàng gỡ cái túi vải ra khỏi vai, quăng xuống đất, và ngồi thụp xuống cỏ, thở dốc. Nhưng mẹ chàng vẫn lầm lũi bước.

"Tới rồi, con à."

Chàng ngơ ngác nhìn theo mẹ. Có bao giờ chàng ngờ mẹ chàng lại có thể đi bộ dẻo dai đến như vậy. Chàng ăn uống no đủ ở xứ người. Chàng chơi thể thao thường xuyên, chàng có thân hình no tròn những bắp thịt vậy mà bây giờ chàng đang ngồi thở hì hạch trong khi mẹ chàng vẫn lầm lũi bước đi, với cái tay nải đựng quà thăm nuôi nặng trĩu một bên vai.

"Tới kia rồi, con à." Mẹ chàng gọi với lại. Chàng ngao ngán đưa tay lên xem đồng hồ. Bốn giờ rưỡi chiều. Ngày đã xế, mà nắng vẫn còn gắt gay. Chàng nhìn những mô đất gồ ghề như những cục bướu không đều lẫn trong cỏ dại và những bụi cây rập rạp. Những mô đất thấp lè tè như những gò mối trong rừng rậm nhiệt đới.

"Ðã tới đâu!"

"Tới rồi. Chỗ có lá cờ..." Mẹ chàng vừa nói vừa chỉ về phía trước. Chàng uể oải đứng dậy nhìn theo hướng chỉ của mẹ.

Xa xa, lẫn trong những tàng cây rậm lá, đường viền của một thứ thành lũy trung cổ vạch ra ở chân trời. Và chàng thấy một lá cờ bay phất phới giữa những ngọn cây trơ trụi, khẳng khiu chĩa những chông nhọn như lông nhím lên nền trời.

"Phải daddy ở trong đó không?" Giọng chàng sẳng và chua chát.

"Ừ."

Chàng hậm hực lê những bước mỏi mệt trên con đường mòn lam nham cỏ dại. Trong óc chàng hiện ra một thành lũy kiên cố với tường đá dầy hàng thước tây, mọc đầy chông nhọn. Những hầm tối lạnh cứng người có đám tù nhân xiềng cứng vào vách đá. Chắc không đến nỗi thế. Chàng khẽ lắc đầu để xua những hình ảnh ám tối, trót thấy trong các phim ảnh về thời trung cổ, thỉnh thoảng vẫn chiếu trên ti-vi. Cái thời ấy đã qua lâu lắm rồi. Con người bây giờ đã văn minh hơn trước nhiều lắm. Làm gì còn những hầm tối để người ta giam cầm nhau như thế.

Nghe tiếng ho của mẹ, chàng ngước lên nhìn, bắt gặp cái lưng mỏng như miếng mo cau phơi đầy sân nhà hàng xóm của mẹ chàng. Trại giam. Nhà tù. Prison. Jail. Chàng thuộc tên gọi của cái nơi chàng sắp ghé thăm bằng cả hai thứ tiếng. Chàng lầm thầm đọc đi đọc lại bốn chữ thiếu thân thiện ấy, và trong đầu lại hiện ra hình ảnh những tù nhân đi lại thảnh thơi trong các trại giam ở Bắc Mỹ. Ðám tù nhân chơi bóng chuyền, bóng rổ xôn xao trong vòng rào kẽm gai. Những người tù ngồi gác chân lên bàn, coi ti-vi và đọc báo giết thời giờ. Những người tù viết thỉnh nguyện thư lên chính phủ liên bang, than phiền là tủ lạnh trại giam không đủ lạnh. Những người tù không bao giờ bận tâm về chuyện mất việc làm, phải đi lãnh trợ cấp xã-hội. Và chàng cố tưởng tượng đến hình ảnh cha mình; người đàn ông chàng chưa bao giờ thấy mặt.

"Thấy gần vậy mà đi mãi không tới." Mẹ chàng nói bằng cái giọng khao khao như vướng đờm ở cổ họng. Giọng nói chìm xuống nỗi xúc động cùn mằn nào đó khi không làm chàng áy náy tột cùng. Chàng hít một hơi dài, rảo bước cho kịp mẹ.

"Mom!"

"Hả?" Mẹ chàng trả lời, chân vẫn gài những bước rắn rỏi xuống con đường xác xơ cỏ dại.

"Chừng nào người ta mới let him go?"

"Hả?"

"Chừng nào," Chàng ngập ngừng tìm chữ. "Chừng nào người ta mới... cho ba... cho ba... về nhà?"

"Mẹ làm sao biết được!" Giọng mẹ chàng xìu xuống như thể bà đã cố gắng vét chút hơi hám còn sót trong lồng ngực, gom lại thành lời trăn trối sau cùng.

"Ba ở trong jail how long?"

Chàng hỏi, và toan tìm chữ để dịch ngay ra tiếng Việt cho mẹ hiểu, nhưng bà đã trả lời vội vã, "Mười chín năm, tám tháng, sáu ngày..."

"Mười chín năm, tám tháng, sáu ngày?" Chàng bước lên sát bên mẹ, kinh ngạc quay qua nhìn vào khuôn mặt rám nắng của bà. Your memory is incredible! Chàng nghĩ bằng tiếng Anh. Những lúc cần suy nghĩ cho nhanh, chàng phải dùng tiếng Anh. Trí nhớ của mẹ đáng nể thật! Chàng toan tìm chữ để nói ý nghĩ ấy với mẹ, nhưng đã sựng ngay lại khi bắt gặp một khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt, lấm lem bụi đường.

"Are you OK. Ơ.. Mẹ có sao không?"

Mẹ chàng lặng lẽ lắc đầu.

"I hate this country! I hate this people!" Chàng gầm gừ, bực dọc.

"Hả? Con nói gì?"

"Không. Nothing. Không có gì hết." Chàng cứng cỏi lắc đầu. Mười chín năm, tám tháng, sáu ngày. Thời gian người đàn ông ấy sống trong những vòng rào kẽm gai cũng lâu bằng tuổi đời của chàng. Và mẹ bảo người đàn ông ấy là ba chàng. Chàng nhớ bức hình cũ xì mẹ chàng đã chỉ cho xem. Người đàn ông trẻ măng. Những nụ cười trên môi và trong mắt nhìn rạng rỡ tin yêu. No wonder why mom loves him. Hèn chi mẹ yêu ba là phải. Người đàn ông trong hình thấy hiền khô, chả làm sao có thể nghĩ rằng ông có một lúc nào đó lại trở thành tội phạm. He is a prisoner. Và ở tù tới gần hai chục năm. Mình sẽ tìm việc làm. Dành dụm một số tiền, đóng cho trại giam, xin cho ba được về. Mẹ cần ba. Mẹ chỉ cần một mình ba. Thật là khó hiểu. Sau chừng ấy năm xa cách, mommy vẫn không thể quên được daddy.

"Mẹ nghĩ cần bao nhiêu thì đủ?"

"Bao nhiêu gì?"

"Tiền. Có tiền, xin cho ba về chắc được. I believe..."

"Chắc không được đâu."

"How do you know? Sao mẹ biết? Từ lúc con về tới giờ, đi tới đâu cũng chỉ cần đưa tiền Mỹ ra là OK ngay. Từ cái airport Tân... Tân... gì đó..."

"Tân Sơn Nhất."

"Ya, từ Tân Sơn Nhất trở đi... Everywhere! Don't you remember?"

"Ừ thì..." Mẹ chàng đưa tay lau nước mắt. "Tới rồi đó con."

Một hàng rào kẽm gai cao quá đầu người lởm chởm hiện ra trước mắt chàng. Những thân cây trụi lá trỏ những ngón tay khẳng khiu lên bầu trời. Vài con chim xám xịt ríu rít trên những sợi kẽm gai đen đúa. Vài người lính canh súng ống trĩu nặng trên vai, lom lom nhìn hai mẹ con chàng. Chàng ngại ngần nhìn qua hướng khác, và bắt gặp cái bảng căng ngang chiếc cổng gỗ xiêu vẹo, cái bảng trang trọng một dòng chữ lạ lùng màu đỏ chói.

Chàng cố hình dung thêm một lần hình ảnh người cha chưa bao giờ gặp mặt. Bức hình chụp từ đời thuở nào vùi sâu trong bọc hành lý. Chàng muốn moi ra, nhìn lại một lần cho chắc ăn, nhưng lại ngần ngừ. Mẹ chàng đã tới sát bên cánh cổng khép hờ, làm bằng những thanh sắt sét rỉ, vênh vẹo. Bỗng dưng, chàng tuột lại phía sau, như cái lần theo chân người mẹ nuôi người Mỹ, bước vào văn phòng hiệu trưởng trường tiểu học.

Người lính gác nói gì đó với mẹ chàng. Chàng thấy mẹ trả lời một cách rụt rè nhưng sôi nổi. Chỉ có tình yêu, chàng thầm nghĩ, mới làm cho người ta thiết tha với nhau đến thế. Chàng không hiểu được tình cảm của mẹ mình. Chàng không hiểu được tình cảm của bất kỳ người đàn bà Việt Nam nào. Chàng thuộc về cõi khác. Mười chín năm, tám tháng, sáu ngày... Người đàn bà Việt Nam yêu chồng, đếm từng tháng từng ngày xa cách.

Chợt mẹ chàng quay lại, gọi chàng bằng cái giọng thổn thức, "Ðược rồi con. Vào đây đi!"

Người lính đẩy hé cánh cổng nặng nề. Bây giờ chàng mới để ý nhìn khoảng sân trại vắng tanh vắng ngắt. Chàng thấy những nếp nhà tranh cũ kỹ, xiêu vẹo nép bên nhau. Kiểu nhà của những khu xóm lao động bên Philippines, Indonesia... thường thấy trên truyền hình. Người lính dẫn hai mẹ con chàng vào căn nhà vuông vức bên cạnh hàng rào. Một cuốn sổ bìa đen dày cộm những trang giấy quăn mép được mở ra từng tờ, trang trọng. Giọng nói của người lính trẻ nghe lạ tai. Chàng chỉ bắt được vài chữ trong cái chuỗi âm thanh trọ trẹ, sượng chát như vị của một thứ trái cây chín ép. Nhưng dường như mẹ chàng hiểu hết. Bởi vì khi người lính ngưng nói chàng bắt gặp nét sững sờ tượng đá trên mặt mẹ. Hai con mắt mở căng hết cỡ. Cái miệng há hốc như hụt hơi sau cuộc chạy đua gai góc. Những giọt nước mắt lã chã lăn xuống hai gò má khô cằn. Chút ái ngại vương trên nét mặt người lính trẻ.

"What's wrong? À... Chuyện gì vậy?" Chàng xen vào, cộc lốc.

Người lính nhìn chàng đăm đăm.

Chàng đến sát bên mẹ, "Sao vậy, mom?"

"Không sao..." Mẹ chàng lắc đầu vội vã, làm những giọt nước mắt rụng xuống cằm, xuống ngực áo.

"Thế... ba đâu?" Chàng hỏi một cách khó khăn.

"Họ thả ba rồi!" Mẹ chàng nói nhỏ vào tai chàng, rồi sụt sịt đưa tay áo quệt nước mắt. Cái túi xách rớt xuống dưới chân bà vang lên một tiếng động khô khan, nhàu nát.

"Vậy sao không... báo cho mình biết?"

Người lính trẻ giải thích. Chàng lại nghe tiếng được tiếng không. Nhưng mẹ chàng đã dịch ngay lại cho chàng, "Họ báo rồi, cách đây sáu tháng..."

"Where is he now? Ơ.. Bây giờ ba ở đâu? Why..." Nỗi xúc động chặn cứng lấy cổ họng làm chàng lắp bắp không ra đầu đuôi, câu kệ gì ráo.

Người lính trẻ xếp cuốn sổ dầy cộm lại, nói liến thoắng một câu trả lời. Lần này chàng nghe và hiểu được tới chín chục phần trăm. Chẳng cần mẹ chàng phải dịch lại. Chàng hiểu là ba chàng không còn ở đây nữa. Hiện giờ ông ở cách đây khoảng ba cây số. Ở một nơi có cái tên tiếng Việt chàng chưa bao giờ nghe qua.

Mẹ chàng khóc tấm tức. Chàng càng không hiểu. Daddy hết ở tù thì mommy phải vui mới phải chứ. Ðàn bà Việt Nam thật khó hiểu.

Chàng đứng sát bên mẹ, đem cái chữ bí hiểm ra hỏi nhỏ vào tai bà, "Nghĩa địa là gì vậy mẹ?"

Chàng không nghe mẹ trả lời. Chàng chỉ thấy những giọt nước loang trên hai con mắt ngoằn ngoèo những tia máu đỏ. Và tiếng khóc tức tưởi bị dồn xuống lồng ngực, làm đôi vai gầy guộc rung lên, nhịp nhàng với những tiếng nấc gầy gò, khô khốc của mẹ chàng.


Trong tập "Lời Tỏ Tình Đã Cũ" Văn Mới xuất bản 2000
http://hoangchinh.net

 



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả