Mother's Day: Ơn Mẹ qua thi ca Mạc Phương Đình

"Mẹ như vũ trụ bao la
Mẹ ru giấc ngủ, Mẹ là quê hương
Mẹ là suối ngọt tình thương
Mẹ như sao sáng muôn phương ngút ngàn

Nhớ Mẹ, con mãi miên man
Cầu xin Mẹ mãi bình an suốt đời
Đêm đêm con ngắm sao trời
Ngân hà tinh tú thấu lời con xin ?

Mẹ là ánh sáng bình minh
Mẹ cho lẽ sống, bóng hình tương lai
Mẹ như hy vọng sớm mai
Mẹ ơi, chúc Mẹ vui ngày Mother's Day.»
(VHla, "Nhớ Mẹ")

Ngày Mother's Day cận kề, tôi làm thơ mà nhớ Mẹ tôi hơn bao giờ hết. Người ta thường bảo ta cài hoa màu trắng khi mẹ khuất núi và giữ hoa màu hồng khi ta còn mẹ. Trong cái ý nghiã đó, tôi còn bông hồng cho bóng Mẹ tôi. Nói về chủ đề "Mẹ" trong văn chương thì quả là một đề tài rung động con tim, bao la như vũ trụ, biển cả hay trời cao. Mẹ đến với con người từ lúc ta chào đời và từ đó hình bóng mẹ mang theo trong tâm khảm chúng ta. Bỏ ra những trường hợp ngoại lệ, con người nhìn hình ảnh mẹ vốn cao quí, đáng kính yêu. Do đó ngày Vu Lan hay ngày Hiền Mẫu là dịp ta tri ân nhớ về người mẹ đáng yêu trong đời. Không phải có ngày này nhân loại mới tôn vinh hay tri ân hình ảnh Mẹ, nhưng theo phong tục mà nhiều xã hội muốn dùng móc thời gian nhắc nhớ, dù bánh xe xã hội đưa chúng ta chạy theo dòng đời sống, và trong cái vận tốc quay cuồng của xã hội nhiêu khê có thể đem chúng ta xa Mẹ trong cuộc sống.

Tôi ngó lên tờ lịch ngày 9 tháng 5 được nhà in in màu đỏ, ngày lễ Mẹ lại sắp trở về. Trong ngày này chúng ta hãy ôn lại những gì mà Mẹ đã cho ta, dù Mẹ sinh thành ra mình, Mẹ nuôi hay Mẹ vợ hoặc Mẹ chồng sẽ mang một ý nghĩa chung và kế đó người ta cũng dành ngày thiêng liêng này để tạo tiền lệ cho các con ta hướng về Mẹ chúng, tức người bạn đời tri kỷ của ta. Nói một cách tổng quát Mẹ của 2 thế hệ được xã hội, cộng đồng hay tâm tư ta chia xẻ nỗi xao xuyến chung vì cả hai bà Mẹ của thế hệ đều xứng đáng được vinh danh và tri ân trong ngày này theo một quan niệm cởi mở của ngày hôm nay.

Bất giác trong ý nghĩ bâng quơ, tôi nhìn lên kệ sách bên góc phải vần «M» tôi thấy cuốn thi tập màu vàng nhạt mang tên rất âu yếm «Lời Ru Của Mẹ» (LRCM) của nhà thơ Mạc Phương Đình. Tôi biết anh trong tình cờ, tôi quí anh vì cá tính ôn hòa, mộc mạc và thân tình. Anh tặng tôi 2 cuốn thi tập chan chứa nỗi lòng của anh, gồm "LRCM" và " Những Dòng Kỷ Niệm" (NDKN). Nếu cuốn LRCA chú trọng về bóng hình người hiền mẫu thì cuốn NDKN có nhiều thơ về thuở đi học và về tình yêu lãng mạn. Tôi thích thơ Mạc Phương Ddình (MPD) như mến sự nhẹ nhàng và rung cảm tính chất thi vị dạt dào của nó. MPĐ như nhiều người bạn khác của tôi, trân trọng chia xẻ bóng hình người mẹ trong u uẩn, thương tiếc, sầu vơi, vì hoàn cảnh chiến chinh của đất nước để rồi xa mẹ thiên thu. Chính vì thế mà những dòng thơ anh làm cho mẹ anh đã khuấy động hồn tôi khi tôi đọc thơ "Mẹ" của anh. Anh vốn là người thầm lặng, kín đáo, khiêm cung, thích nếp sống chân thật và thiên về nội tâm. Có lần anh tâm sự cho tôi nghe tại sao anh dùng nhiều thơ anh cho người Mẹ hiền, tuy rất mộc mạc của đất Quảng Nam đã dầy công nuôi dưỡng anh khôn lớn. Trong cái suy tư như vậy tôi muốn ghi nhận lại những năm tháng tôi đã biết về nhà thơ này nhân mùa Lễ Mẹ về trước mặt tôi.

Nơi trang đầu của thi tập LRCM là bài thơ cảm đề của nhà thơ cao niên Hà Thượng Nhân:

"... Lời ru của mẹ, lời ru ấy
Có rối cùng chăng tóc Nguyễn Dủ
Có những đêm trường thao thức nhớ
Lời ru còn nhớ đến bao giờ ?
Mẹ tôi mới đó không còn nữa
Sao tiếng ru kia lại bất ngờ
Xin cám ơn ai người tuổi trẻ
Nhắc nhau trên những bước bơ vơ
Rằng còn sông núi, còn quê mẹ,
Còn khói lam xanh, bóng nguyệt chờ..."
(Cám Ơn, Hà Thượng Nhân, trang 7-9)

Những lời thơ của Hà Tiên Sinh đọc thơ MPĐ mà chạnh lòng nhớ đến mẹ mình. Tôi hiểu tâm trạng cụ vì đọc qua thơ MPĐ, lòng tôi cũng đã dâng lên nỗi buồn nhớ mẹ tôi rất nhiều. Nói về nhạc tôi yêu bài hát "Lòng Mẹ" của nhạc sĩ Y Vân và về thơ tôi thích bài "Lời ru Của Mẹ" của MPĐ, nó là những tiếng lòng ngọt ngào như xôi nếp một, như đường mía lau cho tôi trạng thái chùn lòng và cay mắt vì nhớ đến mẹ tôi hơn bao giờ:

"Nửa khuya giọng hát nhà ai
âm ba tiếng Mẹ ru dài phố đêm
lời ru khi nổi khi chìm
mang mang hoài niệm cho tim bồi hồi
ta thầm gọi nhỏ : Mẹ ơi
tháng ngày thơ ấu đẫm lời Mẹ ru
nghe trong tiềm thức sa mù
giọng xuân đầm ấm, giọng thu dịu dàng
trưa hè giọng Mẹ nhặt khoan
đêm đông lời Mẹ như than lửa hồng..."

Tiếng gọi "Mẹ ơi" sao mà ngọt ngào dễ thương của thuở ban đầu thơ ấu, nó làm tôi xúc động nhớ sự bé nhỏ của ngày tấm bé chạy lăng xăng theo bên mẹ tôi. Rồi được gọi Mẹ trong sự trìu mến, gọi Mẹ trong sự nhõng nhẽo nhưng kính yêu, và gọi Mẹ trong sự âu yếm đầy luyến lưu. Để rồi khi khôn lớn ta ngại ngùng sự nhõng nhẽo của ngày xưa còn bé, ngày mẹ ru con ngủ như lửa hồng sưởi ấm mùa đông.

"một đời thân Mẹ long đong
lời ru vẫn mãi thanh trong ngọt ngào
lời ru như giấc chiêm bao
chắp con đôi cánh bay vào tương lai
mải mê biển rộng sông dài
con đi giữ nước áo phai bụi đường
lời ru tình tự quê hương
ngợi ca quốc sử anh hùng tiền nhân
lời ru Mẹ đã bao lần
giục con tiến bước trước ngàn chông gai...
Vọng khuya nghe tiếng ru dài
Viễn phương lòng vẫn u hoài niềm đau."
(LRCM, trang 12)

Tựa đề bài thơ này được tác giả dùng làm tựa sách. Một tựa đề rung cảm tim tôi. Mẹ như biển rộng sông dài, Mẹ la` tiếng nói yêu thương ngọt ngào của mọi ngôn ngữ, mọi xã hội con người, mọi lục địa, và trong thiên nhiên nữa. Tôi nhớ đến những con kangaroo Mẹ phóng đi từng bước nhảy có đèo chú con nhỏ ở túi phía trước ngực, hay một khỉ Mẹ bắt chí cho con, một chim Mẹ mớm mồi cho chim con hay một con gà Mẹ phùng mang bảo vệ đàn con mình trước một đối thủ diều hâu hung dử,... những hình ảnh Mẹ trong thiên nhiên mà tôi cho là cao đẹp nhất trong vũ trụ ngoài đời sống con người vốn có đạo đức và văn hóa. Trở lại, Mẹ trong ý nghiã che chở quảng đại đó MPĐ còn có bài thơ là "Lời Mẹ Ru":

"lời mẹ ru theo máu chảy trong người
mãi êm ả bồng bềnh theo tuổi trẻ
những lời ru vẫn ngọt ngào sông bể
thấm vào đời đầy ắp cả buồng tim
hướng tương lai con mê mải đi tìm
và gian khổ nhọc nhằn con đã thấy
dẫu vấp ngã, con bền lòng đứng dậy..."

Mẹ dạy con đi trên đường đời, Mẹ ru con những tình tự quê hương, của non sông gấm vóc:

"... đời dạy con như lời mẹ ngày nào
chân bước lên trong đất rộng trời cao
tình đất nước, tình quê hương ngời sáng
mười mấy năm lăn mình trong lửa đạn
cùng bạn bè đi gìn giữ non sông
trải yêu thương lên phố thị, nương đồng
đem nhân ái gội thơm tình Tổ quốc..."

Khi Mẹ khuất núi, và quê Mẹ bị bỏ mất hút nơi chân trời xa xăm, lòng ai lưu luyến những lời Mẹ trao. Dù vậy, lời Mẹ ru vẫn văng vẳng lời ân tình yêu thương, lời của những bao dung và những quảng đại từ con tim:

"...Và giờ đây trên nẻo đường lưu lạc
mẹ mất rồi, con cũng mất quê hương
lời mẹ ru như nhắc nhở trong tim
dẫu thất bại vẫn bền tâm vững chí
sống vì người không vì lòng ích kỷ
và tình yêu luôn vượt thắng hung tàn...
Lời mẹ ru đầy từ ái, bao dung."
(Lời Mẹ Ru, trang 34, thi tập NDKN)

Câu thơ trên làm tôi nghẹn ngào, "mẹ mất rồi con cũng mất quê hương" làm tôi rơi lệ vì xót xa cho sự kiện trùng điệp trong cuộc sống đầy oan khiên, lệ rơi trong câu thơ vỏn vẹn 9 chữ đã chứa cả nỗi đau buồn, chứa cả một bầu trời thương nhớ của hằng triệu người con ly hương, lưu lạc nơi phương xa khi mà xa Mẹ lại đồng nghĩa với số kiếp lưu vong miên viễn, và phải chia lìa tình mẫu tử, nghiệt ngã thay đến thiên thu như tác giả. Người ta ví Mẹ là quê hương, Mẹ Việt Nam là cội nguồn của dân tộc và ý nghĩa người Mẹ Việt Nam thật thiêng liêng, bao la trong dòng huyết quản của chúng ta. Tôi tiếp tục đọc, các bài thơ về Mẹ mà MPD sáng tác phần lớn được tìm trong sách LRCM do chủ đề mà nó mang, trừ vài bài về Mẹ lại được in trong cuốn NDKN. Mẹ ru con nồng nàn, Mẹ ru con thiết tha. Mẹ cho con bàn tay âu yếm, mềm mại dẫn dắt con qua tuổi đời niên thiếu, những ngày ấu thơ:

"ôi thần tiên đôi bàn tay mẹ,
đôi bàn tay tắm mát tuổi thơ
tay nâng bầu sữa cho con bú,
tay dắt con qua những dại khờ."
(Bàn Tay Mẹ, trang 120)

Lời ru của Mẹ ru con khôn lớn Mẹ mừng. Mẹ nuôi con bằng những tình tự quê hương. Và khi con khôn khôn lớn con như loài chim bay vào cái nguồn máy xã hội đai nghiến ngoài kia. Khi nguồn máy ấy xay nghiền con làm Mẹ đau đớn thêm. Nước mắt Mẹ hiền chan hòa khóc cả đời vì con:

"Con khôn lớn bằng lời ru của Mẹ
những lời ru thấm đẫm bốn quai nôi
Mẹ đã mất nhưng lời ru còn đó
trong tim con tha thiết đến muôn đời..."
(Con Khôn Lớn)

Dòng sông quê Mẹ tắm mát tuổi đời thơ ấu của con, những dòng sông cho gió mát tuổi xanh của con. Ôi, có những dòng sông quê Mẹ mãi mãi ngự trị trong ký ức thần tiên, tuyệt diệu của con, và chính những dòng sông đưa con thuyền về quê hương ngọt ngào của kỷ niệm êm đềm trong tâm trí, để lưu luyến mãi mãi trong con:

"Ơi trong vắt những dòng sông quê mẹ
giọt nước nào tắm mát tuổi thơ xưa
ta vùng vẫy với mây trời bãng lãng
những đêm trăng thuyền chở gió sang mùa."
(Dòng Sông Quê Mẹ, trang 24)

Gợi nhớ về quê xưa năm cũ trong ký ức của buổi phân ly khi nước nhà lịch sử sang trang, khi mà con đi tù, đời Mẹ chỉ chuốc lấy những khổ lụy, vất vã triền miên để mẹ chịu đựng khóc thầm, lòng con ray rứt, quặng thắt niềm đau nơi rừng sâu, chốn tù đày:

"mẹ nhặt gạo chừng vơi phân nửa
mấy năm qua mẹ đã khóc thầm
xưa mẹ nuôi con bằng gạo trắng,
con lớn khôn với những thăng trầm.
...
Mẹ gói trọn gian truân vất vả
mang vào thiên thu hai chữ thành tâm."
(Gian Truân Tuổi Mẹ, trang 58)

Mẹ sinh con, con chưa báo hiếu, chăm sóc Mẹ già, mà Mẹ lại mang ánh mắt u hoài, khóc lệ vì con. Gia đình mình không muốn xa nhau, Mẹ không muốn xa con, con không muốn xa Mẹ, để rồi từ nơi rừng sâu con nhoà lệ nhớ Mẹ già. Nơi quê nhà mắt Mẹ hiền nhỏ lệ vì nhớ con. Kiếp nhân sinh chỉ đem cho Mẹ nhiều phiền não, khổ lụy:

"Con đi tù, mẹ ngồi lặng lẽ
nhìn núi xa mắt mẹ rưng rưng
nỗi đau như những vòng dây trói
để bước chân con phải ngập ngừng"
(Nỗi Đau Của Mẹ, trang 34)

Mười năm đi tù đày về, hình ảnh Mẹ hiền nay thay dổi quá nhiều, Mẹ già hom hem, răng đã rụng nhiều, Mẹ cười mà hình như đã khóc... Nếu MPÐ đau xót sáng tác bài thơ cho Mẹ anh, thì trong ý nghĩ sâu kín nhất tôi như đổ lệ cho bao người Mẹ già Việt Nam đã chịu kiếp người đày đọa, Mẹ sống trong gian truân, lầm than, khổ hạnh, Mẹ chắt chiu nuôi con khôn lớn để rồi chiến tranh đem con Mẹ đi xa, lấy một phần thân thể con yêu của Mẹ đã mất đi và khi trở về với nạng chống cụt chân, hay trên xe lăn nghiệt ngã để lòng Mẹ thêm u hoài, hay tệ hơn thế nữa con của Mẹ về trong màu áo cổ quan để Mẹ Việt Nam không còn nước mắt tiễn đưa con yêu của mình. Mẹ Việt Nam sinh con cho cuộc chiến để mang niềm đau bất tận cho xót xa đời mình. Mẹ Việt Nam chịu thiệt thòi, gian khổ như hòn đá truân chuyên vọng người thân đứng giữa thiên nhiên khắc nghiệt nhất, Mẹ đứng giữa những oan khiên ngang trái trong cuộc sống, trong sự vô lý tột cùng đến độ tội nghiệp cho đời Mẹ. Nhiều khi Mẹ khóc chồng xông pha ngoài chiến tuyến chưa dứt và rồi lại khóc cho con nối tiếp nghiệp cha. Mẹ sinh ra đời chỉ để chịu đựng những u uẩn khổ ải dằn vật Mẹ. Mẹ biết thấu tỏ cùng ai hay chỉ ôm lấy nỗi tâm bệnh cho đời mình ? Nào ai có hay cho những nỗi oan khiên, những nỗi đoạn trường này ? Và cho đến bao giờ Mẹ Việt Nam bớt khổ hạnh trầm luân ?

"Ngày con về, mẹ già bảy tám (78)
hàm răng đen mẹ đã rụng nhiều
miệng già móm mém cừơi như khóc
tóc mẹ bây giờ đã trắng phau

mẹ đứng chờ con bên cánh cửa
cầm tay mừng chẳng nói nên câu."
(Thương Mẹ Gian Truân, trang 98)

Nếu Mẹ là dòng sữa thơm ngọt ngào hay dòng suối mát thần tiên thì MPÐ lại ví hình ảnh người cha như Vòm Cây Cổ Thụ vì Cha vốn mang vai trò là cột trụ của gia đình, thông thường người con trai lấy hình ảnh của người cha làm la bàn hay kim chỉ nam để lèo lái cho bước chân non dại của mình:

"mẹ bảo vì con cha phải khổ
cha đau con xót cả trong lòng...
từ đó con lo chăm chỉ học
đáp đền cha mẹ những hoài mong.

Cha vẫn như vòm cây cổ thụ
suốt đời che mát bước chân con."
(Vòm Cây Cổ Thụ, trang 78)

Có lẽ không còn nỗi đau đớn nào cho người con của Mẹ, ngày về thăm Mẹ, Mẹ không còn như khi xưa. 94 năm hiện diện mang kiếp người, nay tuổi già đến với Mẹ để Mẹ không còn nghe, không còn thấy và Mẹ không còn thấy đưọc con trai Mẹ về thăm Mẹ:

"đến bên mẹ, nắm bàn tay gầy guộc
gọi mẹ ơi, nhưng mẹ chẳng còn nghe
tuổi chín bốn mắt mẹ mờ tai điếc
...
mẹ tôi đó mấy mươi năm gian khổ
vui ruộng nương chưa biết chốn kinh kỳ"

Vì tương lai con ra đi bôn ba nơi hải ngoại, bỏ lại Mẹ già ở lại quê hương để khi mỗi độ xuân về, chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê Mẹ ruột đau chín chiều. MPĐ nhìn về quê xưa lòng thêm trăn trở, để ruột thêm đau đớn, lệ lòng buồn rơi.

"chưa trả hiếu, con làm người tỵ nạn
xa mẹ già, đứt ruột kẻ ra đi
xuân lại đến, mẹ già thêm một tuổi
hoàng hôn lên hiu hắt bóng tà huy."
(Xuân Về Thăm Mẹ, sách NDKN, trang 66)

***

Trong chủ đề Mẹ Việt Nam mà tôi dâng niềm xúc cảm nhất khi tôi nhận được bài thơ Anh ngữ của thi sĩ Thanh Thanh Lê Xuân Nhuận dịch bài thơ "Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười" của thi sĩ Trần Trung Đao. Một bài thơ dâng tiếng lòng từ người con cần tiếng cười của mẹ để làm ấm mùa Xuân của cuộc đời. Phân nữa bài thơ được trích dẫn như sau:

"... Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau

Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Đau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười."
(Trần Trung Đạo, ĐCTTTMC)

Phần Anh ngữ của Thanh Thanh :
"...
Your voice was broken off, you choked up, I found;
Mom's endearing words or mere in-reverie sound ?
You are too far, how could I reach out for you ?
And when could we meeting again look forward to ?

Do not cry, my dear mother, and continue to await.
All my grief I will hide in the rhymes I create.
Of all my sorrow I will write reams and reams,
And find your warmth my warmth in my dreams."
(THANH-THANH)

Tôi xúc động khi đọc bài thơ "Mẹ" của thi sĩ Hoàng Ngọc Liên, bài được làm vào năm 1952, tác giả tri ân tình thân mẫu thắm thiết với tiếng lòng kính dâng Mẹ như sau:

Con biết viết gì dâng kính Mẹ,
Làm sao nói được hết lời thơ ?

(HNL)

"Mẹ là tất cả của tim lòng
Là vạn tình yêu, máu đặc dòng.
Là vĩnh cửu trùng dương trời bát ngát
Là về vạn ngả bến thuyền sông.

Mẹ vẫn sống trong con, từng hơi thở
Từng giây, từng phút của đời con.
Con yêu Mẹ vô cùng, không đủ lời diễn tả
Vì có gì sánh được trời biển, núi non!"
(Hoàng Ngọc Liên, "Mẹ")

Chia chung cùng cảnh ngộ đi "học tập cải tạo" như nhà thơ Mạc Phương Đình, thi nhân Hạ Ái Khanh cho những lời thơ về Mẹ:

"... Mười năm trời cải tạo
Xa Mẹ quá lâu ngày
Bây giờ còn xa nữa
Mẹ ơi! Biệt ly hoài!..."
(bài "Mẹ Ơi!", Hạ Ái Khanh trong thi tập « Ngậm Ngùi »)

Chiến tranh gây khổ đau, chiến tranh gây chia ly, chiến tranh gây tù tội để mẹ già mãi héo hon. Tiếng kêu "Mẹ ơi!" trong khung cảnh tù tội nơi rừng sâu, nhớ Mẹ hiền, làm tâm thức chúng ta xót xa... Trong bài "Thương Mẹ", Dương Viết Điền Hạ Ái Khanh tả cảnh người mẹ già ra đón con về thật cảm động:

"... Mẹ già nước mắt trào tuôn
Lom khom chống gậy bên đường chờ con
Bâng khuâng nhớ Mẹ mỏi mòn
Bao mùa lá rụng, héo hon thân gầy."
(HAK, sách đã dẫn)

Mẹ già thương con cho lá sầu rụng rơi, cho thân tàn héo úa. Mẹ Việt Nam là như thế. Mẹ sinh ra trong những chuỗi ngày hứng chịu bao nghiệt ngã, Mẹ khóc cạn nỗi nhớ thương ngóng trông từng người con của Mẹ.

Nhà thơ Thiên Tâm sáng tác những vần thơ lục bát tặng Mẹ nhân ngày Lễ Hiền Mẫu như sau:

"Mẹ từ muôn dặm xa xăm
Tuổi già sức yếu qua thăm bên nầy
Bài thơ con tặng Mẹ đây
Làm sao kể hết ân dầy tình sâu ?
Dù con tóc đã phai màu
Công ơn trời bể dễ đâu đáp đền !
Con hằng mong được kề bên
Sớm hôm chăm sóc Mẹ hiền yêu thương
"Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau" ..."

Bỏ 6 dòng, tác giả tiếp lời thơ kể về kỷ niệm thuở ấu thơ hiện về nhân ngày Lễ Mẹ hôm nay:

"Mẹ ơi, thương Mẹ vô ngần
Con mong sao được ở gần Mẹ luôn
Đầm đìa giọt lệ trào tuôn
Trời cao đất rộng con còn Mẹ đây
Làm thơ tặng Mẹ hôm nay
Con như sống lại những ngày còn thơ
Cuộc đời còn đẹp như mơ..."
(Thiên Tâm, "Bài Thơ Tặng Mẹ")

Nhà thơ có niềm ao ước rất chính đáng, chỉ mong được ở gần Mẹ hiền. Niềm mơ ước không cao xa và người con chỉ vui sướng khi mẹ còn hiện hữu trên trần gian cho nước tuôn trào vì tình mẫu tử vốn thiêng liêng.

Kế tiếp nhà thơ Phạm Doanh gởi VH (3) bài thơ đại ý Mẹ ru con làm theo thể thất ngôn bát cú, VH xin trích một bài như sau. Phạm Doanh đưa chúng ta về tiếng võng kẽo kẹt đầu đời bên tiếng ru của Mẹ. Nơi quê xưa trong buổi trưa hè vắng lặng có chim muông tìm mồi, có bụi chuối khóm tre, nơi đó là quê hương, có lời ru của Mẹ êm ả và quạt cho con vui giấc nồng say:

"À ơi đưa tiếng hát ru hời
Tĩnh mịch trưa hè suối tóc lơi
Nhịp võng ru con hồn lặng sóng
Lời thơ nhắc mẹ thuở yêu người

Bụi tre bụi chuối vươn mầm ngọn
Chim sẻ chim quyên kiếm miếng mồi
Quạt giấy mơn man làn gió nhẹ
Nhìn con say ngủ nét môi cười."
(Phạm Doanh, "Ru Con Trưa Hè")

Cũng là một tù nhân đi "học tập cải tạo" để mẹ già trông ngóng chờ tin con về đoàn viên, chúng ta thấy Mẹ Việt Nam bao la, Mẹ Việt Nam nuôi con khôn lớn, rồi Mẹ Việt Nam xót xa cho những người con xa Mẹ, thi sĩ Song Nhị cho những dòng thơ ray rứt của nạn nhân trong chiến tranh, cảnh tù tội, Song Nhi như Hạ Ái Khanh, như Mạc Phương Đình cho thấy hậu quả của chiến tranh sai trái, mà chủ nghiã Cộng Sản vô nhân tính không ích lợi cho nước nhà và nó là nhân tố chính đầy đọa cả một dân tộc lầm than, nước nhà lụn bại. Ngày 30-04 năm nay tôi viết bài này với tâm trạng khổ não, đớn đau, tâm tư dày vò bởi kỷ niệm quê hương đè nặng trên vai Mẹ Việt Nam. Những dòng thơ của Song Nhị cũng như các thi sĩ bạn đóng góp cho thấy những chuỗi ngày khổ lụy của Mẹ Việt Nam quá bi thương, quá oan khiên:

"... Ngoài bảy mươi chưa hết nỗi đoạn trường
đau thương chất lên tuổi già sức yếu
mẹ lại sống những tháng ngày túng thiếu
lại nhớ thương trông ngóng từng ngày

Mẹ chắt chiu dành dụm trong ta
từng đồng bặc để nuôi con cải tạo
con ngồi trong bốn bức tường trâng tráo
từng đêm dài tiếng mẹ vọng yêu thương

Mẹ ơi, chiều nay gió bấc thổi từng cơn
con muốn viết cả tấm lòng về mẹ."
(Song Nhị, "Thơ Cho Mẹ", trại Xuân Lộc 12-1981)

Nhà thơ Song Vinh cũng là nhà thơ có nhiều áng thơ nồng nàn gởi cho Mẹ anh, tôi đọc bài "Mẹ" của Song Vinh:

"Mẹ ngồi im bóng đêm vây quanh mẹ
Ôm thư con như sợ mất đôi dòng
Muốn hồi âm hận mình thất học
Biết nhờ ai viết hết chữ trong lòng."
(SV, "Mẹ", thi phẩm "Về Dưới Hiên Xưa")

Song Vinh rất chân tình trong thơ anh, anh tả hình ảnh một người Mẹ tiêu biểu cho quê hương Việt Nam thật tội nghiệp, bao bà mẹ lớn lên trong thời tao loạn chinh chiến, của sự nghèo khó, học đường vốn xa vời cuộc sống, tôi quặng đau cho quê hương triền miên trong tâm thức u hoài của Mẹ Việt Nam:

"Một đời mẹ
Con về mừng lễ Mẹ
Mẹ cười giọt nước mắt cuối năm
Con lại
Mẹ tiễn giọt nước mắt đầu năm."

Song Vinh thương mẹ bao la như biển lòng. Tôi đọc bài thơ sau trong nỗi ngậm ngùi khi Song Vinh mừng ngày Lễ Mẹ bằng đóa hoa màu trắng, trong tiếng lòng khấn vái mẹ hiền về với con:

"...Con đốt nén nhang khấn mẹ hiền
Rưng rưng giòng lệ khóc mẹ yêu
Mẹ ơi hãy về trong mộng
Cho con ôm mẹ mãi không rời."
(SV, "Biển trong con", sách đã dẫn)

Tương tự như Song Vinh, Trần Quốc Sỹ (TQS) có rất nhiều thơ về mẹ, cho mẹ và tặng Mẹ. Trong các bài thơ anh gởi tôi xin trích ra một tiêu biểu như sau:

"Mẹ già vất vả với đàn heo
Lam lũ sáng hôm bởi kiếp nghèo
Mắt kém, răng long, đầu bạc trắng
Tay run, chân yếu, ngón cong queo

Thương con biền biệt, nơi hoang dã
Nhớ cháu bôn ba, chốn núi đèo
Thức trắng năm canh lau ngấn lệ
Trên gò má hóp đã nhăn nheo"

Hình ảnh người Mẹ TQS mô tả là mẹ quê hương tiêu biểu, Mẹ Việt Nam hình hài mộc mạc, lam lũ trong cuộc sống khó khăn. Tâm hồn tôi gần gủi với những bà Mẹ quê hương chân chất, bút mực Việt Nam đã tô điểm cho người mẹ quê bàng bạc trong thơ văn Việt ngữ. Tôi đọc tiếp bài thơ của TQS trong nỗi cảm xúc tận đáy lòng:

"Trên gò má hóp đã nhăn nheo
Lệ đổ tràn lan tựa thác đèo
Ngày ấy hàng bầu leo xanh mát
Bây giờ dãy bí chết còng queo

Quê nhà mẹ sống trong khổ cực
Đất khách con không biết khó nghèo
Tháng tháng đi chùa luôn khấn Phật
Con về mẹ cúng một con heo"
(Trần Quốc Sỹ, "Mẹ già")

Hoàng Thuận Dũng (HTD)là một nhà thơ trẻ tại bắc Cali, anh cũng là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Doãn đóng góp bài thơ Mẹ của anh như sau:

"Thức trắng, nhặt góp tơ đời
Tháng năm cùng tận, tóc người điểm sương
Nhớ Mẹ, khóc, lòng còn vương
Phải chi cạnh Mẹ trên đường tương lai!

Xa xôi vọng nhớ, chiều buông
Hình dung dáng Mẹ lòng tuôn lệ dài"

Thơ HTD nhớ Mẹ, anh quay về kỷ niệm ấu thơ, bất cứ người con yêu nào của Mẹ vẫn ấp ủ kỷ niệm xưa, được nâng niu, được nuông chiều bởi Mẹ, Mẹ là tình thương bao la và thiên thu trong tâm hồn của họ:

"Tuổi thơ Mẹ ẵm trên vai
Cố quê u-tịch, miệt mài
Mẹ trông Viễn Xứ buồn, vẫn hoài mong
Được Mẹ ôm chặc trong lòng như xưa
Bước chập chững có Mẹ đưa
Hôm nay cô lẻ lòng thương Mẹ nhiều."
(Hoàng Thuận Dũng, "Mẹ Ơi")

Nhà thơ trẻ Lê Minh Luân cuối cùng gởi cho bài viết những dòng tâm sự của anh cho ngày Lễ Mẹ, anh tri ân Mẹ ân cần như bản tính vui tươi của tuổi trẻ thành danh tại Mỹ:

"Mẹ trong khoảng cách xa xôi
Trong tâm ấp ủ cho tôi yêu người
Mẹ tôi vui vẽ tiếng cười
Nhìn đàn con trẻ cho tươi tuổi già

Mẹ thương con cái đậm đà
Đi xa mẹ nhớ, vắng nhà mẹ trông
Bao năm cực khổ trong lòng
Kính dâng đến mẹ bông hồng tri ân."

Tuổi trẻ lớn lên tại xã hội Mỹ cho thấy bóng Mẹ sẽ có phần khác hơn trong những gia đình Việt Nam đầy đủ tại xứ này. Lời thơ có vẻ lạc quan hơn, có lẽ không bị trói buộc bởi khổ nạn trực tiếp bởi chiến tranh. Kế tiếp cũng là bài lục bát dài 36 câu của nhà thơ Lý Đồng, có thi hiệu là Đồng Văn.
Bài Mẹ của Lý Đồng đi từ đất bắc vào Cà Mau, Mẹ đi hết chiều dài của dư đồ nước Việt. Mẹ giúp cha kháng Pháp, chống Nhật. Đó là Mẹ Việt Nam trong thời chinh chiến loạn ly trong ý thức: "Giặc tới nhà đàn bà phải đánh", hình ảnh Mẹ của Đồng Văn môt tay bế con, môt tay phụ chồng. Bà mang hình ảnh của những vị nữ lưu như Trưng Trắc hay Cô Giang năm nào. Ôi, những bà Mẹ làm nên lịch sử dân tộc. Mẹ là hiện thân cho những hy sinh, cuộc đời và bể khổ, lòng Mẹ bao la, lòng Mẹ vị tha vô ngần:

"Mẹ tôi vai tóc bạc phơ
Lưng còng như thể bản đồ VIỆT NAM
Bước đi từ ải Nam-Quan
Vượt đường vào đến rừng tràm Cà-Mau
Chiến tranh bốn cuộc nát nhàu
Vai mẹ gánh cả cho đau tuổi đời
Phụ cha chống Pháp ngược xuôi
Theo chồng đuổi Nhật trên đồi Trường Sơn..."

Những ngày cuối tháng Tư, Lý Đồng nhớ đến ngày chia ly với Mẹ hiền không một lời giã biệt, để rồi Mẹ ra đi và thi nhân kết hoa trắng trong tâm hồn, một nỗi buồn mang tang Mẹ. Khi nhìn những cánh hoa hồng trước ngõ, Lý Đồng chạnh lòng nhớ ngày Lễ Mẹ tháng năm. Ký ức xưa hiện về cho lai láng hồn thơ của thi nhân.
Ngày Lễ Mẹ từng nỗi nhớ về Mẹ làm tâm tư thi sĩ buồn tủi, đau đớn và nước mắt tuôn rơi theo từng cánh hoa dâng Mẹ:

"Giặc vào con vượt biển đông
Bỏ quê xa mẹ bỏ đồng lúa xanh
Một đi xây mộng sẽ thành
Ngày con trở lại Quê mình yên vui
Đưa tay vun mộng cho đời
Việc quê, việc nước đôi vai con kề
Dầm mưa dãi nắng trên Quê
Con chưa về lại mẹ ra đi rồi
Mẹ ơi con mẹ mồ côi
Nhìn hoa lệ nhỏ tủi đời cô đơn
Hoa rơi từng cánh có buồn ?!
Mẹ ơi nhớ mẹ tận hồn con đau."
(Ðồng Văn, "Mẹ VIỆT NAM")

Mùa Xuân là mùa đoàn tụ cho mọi gia đình Việt Nam. Thi sĩ Nhược Thu làm thơ dâng Mẹ mùa Xuân bên giỗ Mẹ, vì Mẹ anh ra đi vào mùa Xuân. Những năm khói lửa chiến chinh con xa Mẹ vì đời quân ngũ. Tiếng pháo Giao thừa đón Xuân sang làm Mẹ giật mình nhớ đến người con nơi chiến trường hay biên thùy xa xăm:

"Ai cũng mừng Xuân cũng đợi Xuân
Riêng con Xuân đến có đâu phần
Xuân xưa Mẹ ngóng chờ con cái
Muôn nẽo về bên Mẹ hợp quần

Rồi những mùa Xuân lửa chiến chinh
Con đi mong nước đợc yên bình
Lưng còng Mẹ mõi mòn bao Tết
Tiếng pháo làm mẹ cứ giật mình..."

Mất miền nam, con đi tù Mẹ đau lòng ngất lịm vì tin chẳng lành đến với Mẹ. Hằng năm vào ngày 23 tháng giêng giỗ Mẹ thi nhân Nhược Thu nhìn nhang tàn khói lạnh, tác giả tự vấn mình phải chăng cái giá lạnh vì cuối lập Đông hay vì Xuân sang là ngày giỗ Mẹ:

"Rồi khi chinh chiến tàn hoang cõi
Con lính vô tù mẹ ngất đi
Bao nỗi hận sầu cao tuổi hạc
Hai đường sinh biệt đã chia ly...

Giờ nghe gió thổi từ đông bắc
Có phải là Xuân hay tiết Đông
Mười mấy năm rồi nhang khói lạnh
Tội tình con mẹ trả sao xong...!"
(Nhược Thu, "Xuân Giỗ Mẹ", Ngày giỗ Mẹ 01-23-04)

Ngược lại ý thơ trên, thi nhạc sĩ Phan Ni Tấn (PNT) từ vùng trời Canada làm bài thơ hoan ca nỗi đoàn tụ với Má dài 46 câu. PNT kể chuyện đưa Má sang Canada, anh kể cho Má nghe từng người trong gia đình như ông bà nhạc ăn chay tu hành, bên người vợ hiền thục, hiếu đạo cùng đàn con ngoan ngoãn cho Má yên lòng:

"rốt cuộc gì rồi má cũng tới
mừng thôi hết biết để nói ra
má tới như một bài ca mới
nhịp vui cho đời đồng thanh ca

mười mấy năm tình thâm cách biệt
thiệt tình mới đó mà lẹ ghê
gặp má cứ tưởng như nằm mộng
tim con gia tốc đập hả hê

chèn ơi má coi già quá ể
thời gian nhuộm trắng cả mái đầu..."

Thơ là ngôn ngữ tình tự văn vần từ đại chúng. Thơ toả nét phổ quát của dân gian, thơ còn phản ảnh sự bình dị, mộc mạc đi sát tâm hồn thi nhân do nỗi cảm xúc chợt đến. Cái dễ thương của âm thanh thơ PNT là nét chất phác của người đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây Nam phần.

"Má sang đoàn tụ với con trai, Má vui ngày tiệc mừng liên hoan đoàn tụ, Má chạnh lòng nhớ đến Ba. Ngày sinh tiền Ba thường đờn cò ò e, phải chi Ba còn sống cho Ba nhậu cho đã đời, nói theo ngôn ngữ vui là cho Ba say "quắc cần câu" ".
Điều này cho thấy trong bất cứ tình huống nào tâm tư của người Mẹ là sự thủy chung với người cha, từ cuộc đời hay trong dòng tâm tưởng:

"nhớ tới ba mà tiếc cho người
phải ba còn sống qua đây má
đãi ba nhậu một trận đã đời
con nhớ ba những đêm trăng sáng
thường xách đờn ra kéo ò e
bổn vọng cổ nghe rầu thúi ruột
mê mẩn hồn con tới tận giờ
qua đây má khỏi lo gì nữa
vợ chồng con cáng đáng đủ rồi
suốt một đời nắng mưa tần tảo
có bao giờ má được thảnh thơi"

Trong cái tâm tình về công dưỡng dục phụ mẫu, nhà thơ PNT buông 4 câu kết luận trong ơn tình của người con hiếu đạo:

"Già yếu rồi nghỉ ngơi nghen má
dạ coi đây là đất dưỡng thân
để tụi con có phen đền đáp
ân dưỡng dục của đấng sanh thành."
(Phan Ni Tấn, bài "Ngày Vui Đoàn Tụ")

Nếu PNT tỏ lòng hiếu thảo với mẹ mình bằng thơ anh thật nồng nàn, thì người thi sĩ tôi sắp giới thiệu những nét thơ chân thành của anh cũng không kém phần xúc đông. Điểm đặc biệt là anh tri ân người nhạc mẫu của mình. Đó chính là thi sĩ Vũ Đình Trường (VÐT). VÐT thú nhận anh không có nhiều thơ; thơ cho phụ mẫu cũng không nhiều. Vì sự sẵn có bài thơ anh đã làm cảm tạ nhạc mẫu, vì nhạc mẫu luôn luôn thương anh cho dẫu vợ chồng anh có hục hặc hay va chạm. Bà vẫn thường bênh anh. Anh hỏi tôi thơ cho nhạc mẫu, mà không phải thơ cho mẹ ruột như đa số các anh em khác có được hay không. Tôi bảo anh là thơ anh là viên ngọc quí đối với tôi. Vì chủ đề tôi nêu ra là Mẹ mà điển hình là 3 bà Mẹ tiêu biểu: Mẹ ruột, Mẹ vợ (hoặc Mẹ chồng), hay Mẹ nuôi (Dưỡng mẫu) đều có giá trị bằng nhau. Văn học Việt Nam không có chỉ dấu phân biệt hay có sự kỳ thị nào trong ba bà mẹ như thế, văn học Việt Nam bao dung và không ích kỷ như sự tính toán của những đầu óc hẹp hòi, thiển cận hay mưu sĩ như vài trường hợp xảy ra trong đời sống là Mẹ mình thì nâng niu, Mẹ người phối ngẫu mình thì bị triệt hạ. Văn hóa Việt Nam không hề cổ xúy cho những tư tưởng vị kỷ như vậy. Tôi xem Ti-vi show Mỹ, tôi có vài người bạn địa phương làm chung sở khi nói về người mẹ vợ thì họ bông đùa hay cười sặc sụa một cách khó hiểu. Họ tỏ vẻ không kính trọng hình ảnh người mẹ vợ như mẹ ruột. Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam hay sách giáo khoa toàn thư mà chúng ta học chỉ nói về hình ảnh bao la của người mẹ tổng quát có thể diễn giải cho cả 3 loại bà Mẹ mà tôi đề cập ở trên. Do đó ý thơ của Vũ Đình Trường là đóa sen thơm ngát trong vườn thơ Việt Nam, xin đọc:

"Thư mẹ viết gửi đàn con yêu dấu
Trên xứ người, Bắc Mỹ đến Tây Âu
Giòng mực xanh như phương thuốc nhiệm mầu
Xoa dịu bớt những buồn đau nhân thế

Mẹ sức yếu trong tuổi già bóng xế
Vì thương con, Mẹ gượng bước chân đi
Montréal cho đến tận Cali
Mẹ là biển cho sông về hội ngộ..."

Vợ chồng anh ở Virginia, xa bóng nhạc mẫu của anh khi bà di chuyển từ Montreal về Cali, anh chạnh lòng thương bà vì phải di chuyển sống nhiều nơi. Cuộc sống của người già Việt Nam tại xứ ngoài rất buồn bã, và sẽ có bao nhiêu người can đảm đưa lên ý tưởng của người thân mình trên giấy trắng, mực đen để nói lên cái thực chất của vấn đề xã hội và gia đình, mà trong đó liên hệ nhiều đến hình ảnh đáng thương của Mẹ. Bởi vì đó nhiều khi là nỗi buồn của lương tri hay xót xa cho cảnh đời oan khiên của những ngày hoàng hôn trong đời Mẹ:

"Mẹ là nắng cho hoa cười nở rộ
Mẹ là cây tỏa bóng rợp đời con
Mẹ là mưa cho trái mọng căng tròn
Mẹ là gió cho thuyền con rẽ sóng

Mẹ bao dung như sông dài biển rộng
Vầng trán cao thấp thoáng mảnh trời quê
Mắt yêu thương vằng vặc ánh trăng thề
Câu từ ái rót vào tai ngọt lịm..."

Người Mẹ nói chung vẫn là bầu trời bao la che rợp bóng mát, và người Mẹ trong vai trò nào cũng được văn chương xem là đóa hoa từ mẫu nhân ái như những ý tưởng trong sách vở hay gần hơn là ý thơ trên của VÐT:

"Nửa đời qua trên mái đầu sương điểm
Con vẫn hoài khao khát một lời ru
Đã lâu rồi đánh mất tiếng ầu ơ
Hồn thảo mộc cũng cằn khô sỏi đá

Phút chia tay nghe lòng xao xuyến lạ
Hạ chưa tàn sao ngỡ đã vào Thu
Rặng núi xa lãng đãng khói sương mù
Trời xám xịt với mây sầu giăng mắc"

Có thể VÐT cũng như thi sĩ Trần Trung Đạo đeo vòng hoa trắng trong tâm mình khi tuổi đời còn quá sớm, theo sự suy diển của tôi, cả hai anh đều nuối tiếc cho Mẹ của mình và cả hai anh đều tri ân nhạc mẫu của mình rất nồng ấm theo chỗ anh em chúng tôi chia xẻ những nỗi niềm riêng tư với nhau trên nguyên tắc nhân bản khi nhìn về chủ đề Mẹ. Hẳn nhiên đa số mọi người đồng thuận trên nguyên tắc đó, nhưng chủ đề nhạc mẫu trong vài trường hợp khi hạnh phúc đổ vỡ người ta không tiện đi sâu trên giấy trắng mực đen vì sự nhiêu khê trên thực tế. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn và phức tạp. Khi ta mở rộng tấm lòng với Mẹ của người hôn phối thì biết đâu cuộc diện của vấn đề được thuận lợi hơn cho lương tâm và cho cuộc sống vốn mang nhiều khổ lụy trầm luân.

Phần cuối của thơ VÐT cho thấy gia đình anh sống tại Mỹ, và bà cụ về sống tại Canada giá lạnh là điều mà cụ muốn, nhưng anh lại không muốn:

"Con xuôi Nam còn Mẹ về phương Bắc
Hai cảnh đời, hai ngả rẽ chia xa
Con trở về cùng tháng lại ngày qua
Mẹ phương đó với tuổi già hiu quạnh

Mùa Đông đến ngập trời băng tuyết lạnh
Sầu ly hương gặm nhấm mảnh hồn đơn
Vì các con Mẹ vẫn đợi mùa Xuân
Mang Hè đến trong niềm vui tái ngộ."

Tình nhạc mẫu tử xa cách trong cuộc sống để lòng ngưới dấy lên ý tưởng u hoài về Mẹ vẫn đợi mùa Xuân hạnh phúc trong cuộc đời:

"Đại dương xanh bao giờ ngưng sóng vỗ
Mẹ mới thôi không nặng nợ vì con..."
(Vũ Đình Trường, "Mẹ vẫn đợi mùa Xuân ",
Kính tặng nhạc mẫu, 8/2003)

Từ Úc châu nhà thơ Đường Sơn tả về Mẹ mình. Anh xa quê nhà Rạch Giá trong nghiệt ngã, bỏ lại Mẹ già cách xa một bờ đại dương:

"Khi đi, mẹ tiễn lệ hai dòng
Con ơi! thời thế, chẳng nơi lòng
Lìa quê, nhớ mãi! mùa Hạ biển
Biệt phố, vương hoài tiết Xuân phong."

Người ra đi ray rứt tâm can, Mẹ Cha trong nỗi nhớ con vẫn chờ mong cho dòng sông hạnh ngộ trong cuộc đời:

"Đường chiều bên Rạch cha hoài niệm
Nắng sáng phủ đê mẹ ngóng trông
Ngày về quê mẹ không lâu nữa
Ngươì xưa, nhà cũ với dòng sông."
(Tăng Đức Sơn, "Ra Đi")

Thi sĩ Sông Cửu một tù nhân khác là nạn nhân khác của chế độ hà khắc CSVN, của trại "học tập cải tạo" tả về người Mẹ suốt một đời cho chồng con. Ngày từ trại tù trở về tác giả xót xa nhìn Mẹ già nua, sống chật vật cực khổ, gặp Mẹ chẳng bao lâu con lại vượt biên tìm tự do:

"Nước mắt chảy mòn xuân xanh của Mẹ
Mấy mươi năm trời bể dâu
Chưa một ngày nào Mẹ trọn niềm vui
Tiễn con ra đi đủ bạn đủ đôi"

Con ra đi thì Mẹ còn lại một mình thương nhớ. Thơ Sông Cửu nêu lại cái tâm trạng tương đồng của cả triệu bà mẹ Việt Nam sống trong đìu hiu, trong mòn mỏi thương nhớ con cái. Sự hy sinh của Mẹ gần như giống nhau nuôi con khôn lớn rồi Mẹ cô quạnh buồn nhìn những đàn chim trẻ bay đi tìm đất lành xây dựng tương lai:

"Mẹ ở lại đứng ngồi thương nhớ...
Con như cánh chim giữa đồng lúa trổ
Thương Mẹ thân cò mò cá đêm đông
Ơn Mẹ biển cả – Tình Mẹ dòng sông

Giữa cơn sấm sét lũ lụt bão giông
Mẹ còng lưng che đời con nguyên vẹn."
(Sông Cửu, "Nghĩ Về Mẹ", trích thi tập Góp Nhặt)

Thi sĩ Hoàng Thy cũng có một bài thơ dài về Mẹ mà tôi tìm thấy trong thi tập "Những Con Đường". Tôi trích đoạn giữa tác giả nêu công dưỡng dục của hiền mẫu:

"... Khi Đông tới gió mang theo lạnh lẽo
Mẹ âm thầm từng mũi chỉ đường kim
Trắng thâu đêm, Mẹ thức trắng thâu đêm
Đan xong áo, ấm lòng con của Mẹ"

Công Cha được ví cao như núi và nghĩa Mẹ bao la như đại dương trong ca dao Việt Nam, nỗi lòng của Cha Mẹ lo cho con trong thơ Hoàng Thy Trần Triệu Đông được mô tả là:

"Rồi những khi con trở trời trái gió
Lòng mẹ rầu như ai cắt từng cơn
Lòng cha lo ngồi đứng chẳng được yên
Chạy lui tới tìm thầy hay thuốc lạ."
(Hoàng Thy, "Tấm Lòng Của Mẹ", thi tập "Những Con Đường")

Nhà thơ Anh Vũ cất cao câu hò về Mẹ khi mùa Xuân trở về:

"Xuân năm nay con vẫn ở cuối trời xa xôi
Nhớ Mẹ thương vẫn đợi ngày về
Xuân năm này hình hài Mẹ ra sao
Xin cho con gởi ngàn nụ hôn nồng ấm."

Bỏ 12 câu khi tác giả ôn kỷ niệm cũ của mùa Xuân quê hương lởn vởn chứa chan bóng Mẹ. Lòng son sắt nguyện một lời thề thanh bình thực sự cho Việt Nam cho ngày Mẹ vui nhìn lại những người con lưu lạc.

Đây là bài thơ cũng là bản nhạc cùng tên do tác giả phổ nhạc:

"Con sẽ về bên đồi nương ruộng rẫy
Nhặt lá thu rơi, rơi rụng của gió giao mùa
Con sẽ em về đem tình thương trang trải
Trên đất cha, tổ quốc mẹ Việt Nam."
(Anh Vũ, "Mẹ ơi, Con sẽ về")

Thi sĩ Hà Huyền Chi cũng chia xẻ nỗi lòng của mình về Mẹ, của những năm xưa tháng cũ:

"Biển sâu, lòng mẹ sâu hơn
Cơn vui sóng vỗ, nỗi buồn triều lên
Cuống nhau liền với cuống tim
Cách chi con mẹ báo đền công ơn"

Ca dao Việt Nam phản ảnh cái văn hóa cao thượng của Cha Mẹ Việt Nam. Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, Mẹ nuôi con bằng tình thương bao la vị tha, thương chồng con hơn thân phận mình. Nhân bản hơn Mẹ Việt Nam dạy con thương người, độ lượng và quảng đại với thế gian:

"Một cây làm chẳng nên non
Mẹ ơi, con mẹ chưa mòn niềm tin
Mẹ ru chân cứng đá mềm
Triệu người lưu xứ chưa quên sơn hà

Mẹ ơi, con mẹ chưa già
Trái tim rực lửa thiết tha yêu người."
(Hà Huyền Chi, "Mẹ Tôi")

Nếu những thi sĩ cao niên như Hoàng Ngọc Liên, Hà Huyền Chi, Lê Xuân Nhuận, Hoàng Ngọc Văn, Mạc Phương Đình, Sông Cửu, Hạ Ái Khanh, Song Nhị thì trong bài này cũng có thi nhân rất trẻ, tập tểnh bước vào vườn thi ca Việt ngữ, một An Lộc Sơn (ALS) của thế hệ hôm nay mà tôi đã xin được phép trích thơ anh. Tuy khoảng cách tuổi có đấy, nhưng thơ vốn không có ngăn cách tuổi tác. Những ý tưởng về Mẹ vẫn là sự đồng cảm giữa các thế hệ văn chương hay những cảm xúc của những rung động được chia xẻ đồng bộ về sự hiếu thảo, về đạo đức hay nhân sinh quan của bổn phận làm con. Tựu trung, họ được ấp ủ trong chiếc nôi văn hóa của những tình tự dân tộc Việt Nam:

"Mẹ à, mẹ đẻ con ra
Ngàn năm vẫn nhớ, mẹ là mẹ con
Ngày nào con bé tí hon
Con đau mẹ khóc, mẹ còn âu lo"

Nhà thơ trẻ ALS chia cảm nghĩ tương đồng âu yếm về Mẹ như Nguyễn Thiện Doãn, như Tăng Đức Sơn hay như Lê Minh Luân:

"Đời làm mẹ khổ bể dâu
Nuôi con khôn lớn, dạ sầu con đi
Nuôi con mẹ chẳng nhờ chi
Tuổi già của mẹ lắm khi thật buồn
Thương con gạt lệ mưa tuôn
Hình dung bóng mẹ, mưa nguồn trong con."
(An Lộc Sơn, "Khi Xa Mẹ")

Thi sĩ Cát Biển cho lời thơ yêu thương về bóng hình Mẹ hiền, lời thơ thật nồng nàn qua những tình tự của anh. Nào, chúng ta hãy nghe:

"Mẹ đi qua bến yêu
Lưu dấu đời bờ hi sinh
Mẹ ban cho suối thương
Con ngập hồn tình quê hương

Mẹ cho con tiếng ru
Con yên vành nôi giấc ngủ
Mẹ qua bao lửa giông
Ấp ủ tình con bao ước mong

Mẹ đem thân tả tơi
Cho sữa bầu con tuổi thơ
Mẹ truân chuyên ngả đường
Dẫu xa lìa yêu cố hương"

Những ân tình của người Mẹ đã lo cho con vẫn là chủ đề chung, có khác chăng là từ ngữ hay thi phong các thi nhân dùng khác nhau, tùy tâm trạng khác nhau hay thi phong khi vui hoặc lúc buồn, thể loại thơ chuyển đạt được dùng làm phương tiện có khác nhau. Mẹ trong thơ Cát Biển là lời ru con ngủ dạt dào trong tình tự quê hương của cùng chủ đề như Phạm Doanh hay trong cái tương đồng với sách Mạc Phương Đình mà tôi đang đọc.

Khi Mẹ ra đi hình hài của Mẹ chỉ còn trong tâm khảm khôn nguôi của tác giả và dĩ vãng Mẹ hiền ẩn hiện bao la như biển yêu:

"Mẹ qua bao đổi thay
Mong một ngày con nhảy bay
Mẹ nhỏ lệ vai gầy
Tô điểm đời bao đắng cay

Mẹ ra đi có nghe
Tay con còn lời lay kêu
Mẹ đi xa luỹ tre
Có nghe lòng con đau biển yêu

Mẹ ơi nơi suối mơ
Ghi nhớ tình ai dâng tấm thân..."
(Cát Biển, "Mẹ Yêu")

Thi nhân cuối cùng đóng góp là Hải Đà Vương Ngọc Long với bài thơ trứ tác của thi sĩ Mạnh Giao qua bài "Du Tử Ngâm", bài thơ tuy có 6 câu, nhưng ý thơ rất súc tích:

"Từ mẫu thủ trung tuyến
Du tề thân thượng y
Lâm hành mật mật phùng
Ý khủng trì trì quy
Thùy ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy"
(Mạnh Giao, "Du Tử Ngâm")

Thi sĩ Hải Đà phóng tác bài thơ trên ra 2 lời Việt ngữ như sau:
- Lời 1:

"Tay Mẹ hiền xe chỉ
Khâu áo người đi xa
Chắt chiu từng sợi kỹ
Sợ con lâu về nhà
Lòng cỏ nào đáp nổi
Nắng ba xuân đậm đà."
(Hải Đà, Lời 1, "Khúc ngâm cho người con đi xa"»)

- Lời 2:

"Mẹ ngồi xe chỉ trên tay
Chắt chiu áo mỏng, đợi ngày con đi
Đường khâu mũi vá chi li
Băn khoăn lo lắng con đi lâu về
Hỏi rằng tấc cỏ lòng quê
Ba Xuân nắng ấm đền bù được chăng ?"
(Hải Đà, Lời 2, "Khúc ngâm cho người con đi xa")

Trong suốt bài viết về sách "Lời Ru Của Mẹ" của thi nhân Mạc Phương Đình, anh mô tả về người con ra đi ở phương trời xa xôi, người con có những xúc cảm về Mẹ mình, thì "Khúc ngâm của người con đi xa" nhớ về những ân tình của Mẹ qua áng thơ rất xưa của thi nhân Mạnh Giao hay qua hai bản phóng tác của thi nhân Hải Đà cho thấy trong tâm tư của Mẹ là nỗi nhớ thương con, băn khoăn về con, vượt thời gian, xa cách hằng bao nhiêu thế kỷ văn chương vẫn dành chổ đứng trang trọng cho người Mẹ hiền.

***

Trong ngày Lễ Mẹ vào Chủ Nhật 9 tây tháng 5, 2004 này, VH thực hiện bài viết "Lời Ru Của Mẹ" mượn tác phẩm Mạc Phương Đình làm nền và sự đóng góp nhiều ý thơ của các nam thi nhân, vì đây là ngày cho Mẹ. Để nhớ công ơn của Cha, ngày Lễ Cha vào tháng 6 VH hy vọng các nữ thi nhân xin góp thơ. Một chút đóng góp cho thi ca từ nhiều người sẽ cho thây sự đa dạng hóa từ nhiều cá nhân khi mình viết cho Cha hoặc Mẹ, những nỗi niềm thiêng liêng nhất khi hướng về các đấng sinh thành.

Thay cho phần kết luận bài viết là VH xin cảm ơn tất cả bà mẹ Việt Nam trong đời sống của quá trình hình thành dân tộc Việt Nam. Đặc biệt những bà Mẹ, những người vợ của các cựu quân nhân, công cán chính VNCH bị đầy đọa trong ngục tù CSVN để tất cả đớn đau thêm, ray rứt thêm vì nỗi khổ mất mát, nhớ nhung hay chia lìa.

Bên ngoài hình ảnh người Mẹ, người phối ngẫu các thi nhân mà cá nhân VH biết là chị Sông Cửu, chị Song Nhị, chị Hạ Ái Khanh Dương Viết Điền, chị Vũ Đức Trường, chị Nhược Thu, chị Hoàng Thy, chị Phạm Doanh, quí chị Hoàng Ngọc Văn, và chị Hoàng Ngọc Liên chia chung số phận nghiệt ngã của phu quân khi bị CS hành xác trong vòng tù tội.

VH xin phép nêu lên trường hợp chị Mạc Phương Đình khi mới đến Mỹ, anh Mạc Phương Đình ngoài giờ đi làm kiếm cơm về anh nản chí, thất vọng vì cuộc sống xa quê hương buồn bã. Chị MPĐ bắt mạch được tâm lý chồng vì trước 1975 anh thường làm thơ. Chị khuyến klhích anh hãy trở lại làm thơ để chôn dấu nỗi sầu trong đó, để giải khuây những tồn đọng uất ức u hoài xảy ra trong cuộc đời mà không giải bày được. Những bài thơ đầu tay của anh tại hải ngoại được chị chia xẻ góp ý, và khuyến khích nâng cao tinh thần anh. Tôi không ngạc nhiên vì ngày xưa chị làm cô giáo và đánh giá cao về thú tiêu khiển văn chương. Chị khuyến khích anh ra sách để đời. Chị bắt trúng căn bệnh tâm lý của chồng làm anh trở nên yêu đời hơn và sáng tác mạnh hơn. Nếu ngạn ngữ Pháp cho là: "Đằng sau sự thành công của người đàn ông thì có bóng dáng của người đàn bà". Vâng, trong trường hợp MPĐ quả thật đúng, vườn hoa thi ca văn học sử Việt Nam sẽ mãi mãi tri ân cái cò của thi sĩ Vị Xuyên Tú Xương, hay ngày hôm nay là vì sao nhân ái của anh MPĐ.

VH xin cám ơn tất cả những chị em hiền thê của quí văn thi hữu đi sát với phu quân để chia xẻ tâm trạng của người phối ngẩu của mình. VH xin dâng những đóa hoa hồng Mother's Day đến tất cả quí chị.

Lời sau cùng nhân ngày Mother’s Day, VH xin dâng đóa hoa hồng cho Mẹ VH vì ngày ra mắt sách VH tại nam Cali bà từ Houston bay về chia xẻ tâm tư với con trai. Con bao giờ cũng thương Má vì ngày nào Má còn sống thì trong con đóa hoa hồng đỏ vẫn còn ẩn hiện trong tim, và con không muốn đóa hồng đó nhạt màu đi nhen Má. Và cũng xin dâng một bông hồng khác cho nhạc mẫu tôi, vì bà đã cho tôi hoa hồng đỏ thứ hai trong cuộc sống.

* Ghi chú: Cám ơn anh chị Mạc Phương Đình cho thi tập "Lời Ru Của Mẹ" làm nền cho bài viết và đặc biệt cám ơn tất cả quí thi hữu đóng góp thơ cho VH viết tri ân các bà Mẹ của chúng ta, dù là Mẹ ruột, Nhạc mẫu hay Dưỡng mẫu.

Happy Mother's Day 2004!!!

Việt Hải, los angeles


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả