Nghĩa Thật Tiếng Cười Thằng BỜM



Nghĩ về nhạc cảnh “Thằng Bờm”
do Trung Tâm Paris By Night trình diễn.

"Thằng Bờm
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mẹ
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim. Bờm rằng, Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi . . .Bờm cười"
( Ca Dao )
*
Ðêm ba mươi tết, các em nam nữ thanh niên ở Hội Thánh kéo đến nhà tôi đợi đón giao thừa. Chị xã tôi nướng bánh phồng, lấy trà mứt ra, đem chiếu lại video tape “Paris By Night 44” cho các em vừa ăn, vừa xem, vừa chờ không giờ chào năm mới. Trong Paris By Night 44 có tiết mục ca vũ nhạc “Thằng Bờm” do nhạc sĩ Pham Duy dựa theo bài ca dao Thằng Bờm của Việt Nam. Vở nhạc kịch do nghệ sĩ Kiều Hưng thủ vai Phú Ông và nghệ sĩ Ái Vân đóng vai Thằng Bờm cùng một số vũ công múa phụ họa theo động tác bò, trâu, cá mè, rừng lim, chim đồi mồi . . .

Nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn đương nhiên là professional rồi. Tôi, nhà tôi và các em cùng xem, ai cũng khen Ái Vân đẹp trai, diễn viên múa rất hay . . . Nhưng xem xong các em lại không chịu dừng ở đó. . . Trong khi chờ đợi lân trên TV múa đón giao thừa, các em “bắt” tôi nói thêm về ý nghĩa của bài ca dao “Thằng Bờm” cho các em nghe. Tôi viện cớ gần đến không giờ rồi, chờ lúc khác. Nhưng kỳ thật thì theo nhận xét riêng tôi là vở hoạt cảnh đã đánh mất ý nghĩa thật của tiếng cười thằng Bờm trong bài ca dao. Nói rõ hơn là nhạc cảnh dàn dựng cố tình tạo thêm cho Phú Ông cái cười hả hê khi lấy được cái quạt và nụ cười háu ăn của thằng Bờm lúc đổi được quả xôi ( đúng là nắm xôi) có hơi kỳ kỳ . . .Sự thêm thắt, trộn lộn hai cái cười nầy chẳng những không đúng theo ý bài ca dao mà còn làm nghĩa thật của nụ cười thằng Bờm mà tác giả bài ca dao đã lưu truyền lâu đời trong dân gian Việt Nam bị mất đi.

Phần đông người Việt chúng ta đều biết bài ca dao “Thằng Bờm”. Nhất là bọn nhóc con tụi tôi hồi nhỏ, đứa nào cũng thuộc, vì vần điệu ngôn ngữ của nó dễ đọc, dễ nhớ. Người lớn thích nó, nhớ nó vì nó chứa đựng được hàm ý sâu xa mà khi mở đầu trình diễn vở nhạc cảnh Thằng Bờm, MC Nguyễn Ngọc Ngạn giới thiệu đó là “nhân sinh quan” của Phạm Duy: Thú an nhàn còn quan trọng hơn giàu sang . . .” Nhưng rất tiếc là khi xem xong vở nhạc kịch Thằng Bờm thấy nó không thể hiện được nội dung nầy. Nếu không muốn nói là nó làm đảo ngược lại.

Người ta nghe bài ca dao, nhớ bài ca dao Thằng Bờm vì nó là một câu chuyện rất ư ngộ nghĩnh. Sự đổi chác từ cao xuống thấp lạ đời của Phú Ông thật ngộ nghĩnh và tiếng cười không nén được của thằng Bờm vỡ ra ở cuối bài ca dao thật hồn nhiên mà cũng thật bất ngờ.
“Phú Ông xin đổi nắm xôi Bờm cườị”
Tiếng cười sau cùng của thằng Bờm, theo tôi, nó là đáp số cho ý nghĩa bài ca dao nầy. Tuy nhiên, tiếng cười vốn mang nhiều ý nghĩa, cho nên ta không lấy làm lạ khi có người hiểu lầm thằng Bờm. Bằng chứng là trong “nhạc cảnh Thằng Bờm” có viết thêm cho thằng Bờm một câu (Ái Vân) hát: “Quạt mo có mát mà không có no”? Một em sinh viên (em Keren Nguyễn) nhận xét: Nếu cái quạt mo nầy chỉ để quạt cho mát thì Phú Ông cần gì phải tốn công sức của cải nhiều để theo thương lượng nài xin đổi với thằng Bờm? Chỉ cần sai một tiếng, đám đầy tớ theo hầu hạ Phú Ông sẽ ra vườn chặt tàu cau cắt cho ông ta hằng trăm cái quạt một lúc. . .

Thắt nút câu chuyện là cái quạt mo thằng Bờm. Tại sao Phú Ông mê mẩn cái quạt ấy? Phải bỏ của, bỏ công nài nỉ thằng Bờm đổi cho bằng được. Phú Ông có đổi được không? Giải đáp nầy là cái cười thằng Bờm.
“Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu”
Bờm vẫn nhất quyết: “Rằng chẳng lấy trâu” Vậy mà Phú Ông vẫn cứ òn ỷ:
“Phú Ông xin đổi một xâu cá mè”
Lẽ ra đến đây là Bờm cười rồi. Bởi vì kiểu thương lượng đổi chác ngược đời của Phú Ông. Ba bò chín trâu Bờm còn chẳng ham, huống gì một xâu cá mè? Trẻ con cũng biết, giá trị xâu cá mè thấp hơn trăm lần ba bò chín trâu. Vậy mà người sáng tác ca dao Thằng Bờm vẫn để cho thằng Bờm nén cười và từ chối rằng “Bờm chẳng lấy mè”. Phú Ông cũng chẳng chịu hiểu, cứ nghĩ rằng ta giàu có, muốn gì cũng được. Phú ông tiếp tục ngả giá “Một bè gỗ lim”, rồi “ con chim đồi mồi”, sau cùng lại xin đổi “nắm xôi”. Giá cả cái quạt mo qua con mắt Phú ông hết xuống lại lên, hết lên rồi xuống . . . đến còn “một nắm xôi” Bờm không còn nhịn được nữa. Bờm cười (dưy nhất trong bài ca dao chỉ tả tiếng cười một lần của thằng Bờm)

Tiếng cười của thằng Bờm, khiến cho người ta hiểu ra sự nghĩ suy phi lý của Phú Ông. Tiếng cười chê chính Phú Ông không hiểu được giá trị những gì mình có. Lại càng không biết rõ giá trị cái mình muốn. Tiếng cười xác quyết dứt khoát đối với những câu từ chối “Bờm rằng Bờm chẳng lấy . . .” Tiếng cười thằng Bờm nói lên cái quý giá của “Chiếc Quạt Mo” của chỉ riêng Bờm có. khác với các loại quạt khác, kể cả quạt trầm, quạt giấy hoa của các đầy tớ theo hầu hạ quạt mát cho Phú Ông. (Theo trong nhạc cảnh Thằng Bờm trình diễn)

Tôi nghĩ, bài ca dao tuy đơn giản, nhưng không dễ hiểu hết giá trị chiều sâu của nó. Ðây là câu chuyện vui, nhưng ý nhị, hàm xúc được tác giả sáng tác bằng một bút pháp tinh luyện, tự thân nó đãõ là một hoạt cảnh sôi động rồi. Nghệ thuật xây dựng nhân vật thật sinh động. Thằng Bờm chỉ thể hiện trong một câu chối từ lập đi lập lại Bờm chẳng lấy . . .Bờm chẳng lấy . . . tới cái cười ở cuối bài ca dao. Bờm ung dung tự tại cầm quạt phe phẩy trong cảnh an nhàn. Xung quanh thằng Bờm là Phú Ông múa may với biết bao của cải toan tính. Ðọc giả có thể tưởng tượng Phú Ông xun xoe quanh thằng Bờm; ngó dọc, ngó ngang, ngẩng lên, khom xuống, theo từng thứ vật mà ông ta đưa ra thương lượng “xin đổi”. Trong nghệ thuật kể chuyện tác giả đã tạo ra chi tiết gây cười mà lại dồn nén tiếng cười. Bờm cứ khư khư lập lại câu chối từ, mặc dù sự việc đã đáng cười. Câu chối từ của Bờm nghe rất ngây thơ mà lại lập lờ, lập lửng. (Bờm rằng Bờm chẳng lấy cái nầy, biết đâu chừng Bờm chịu lấy cái khác? ) Cuộc mặc cả cứ kéo dài, lôi cuốn bởi những chi tiết chừng như vô lý. Những điều nầy, theo tôi, tác giả tạo thêm một thủ pháp độc đáo “đánh lừa” gây động não cho người đọc, người xem. Nếu Bờm cười ngay từ lúc Phú Ông xin đổi “một xâu cá mè” thì ai cũng hiểu nghĩa tiếng cười thằng Bờm hết. Nhưng Bờm vẫn cứ cứng đơ “Bờm rằng . . .” Tác giả dân gian cứ tiếp tục dồn đống của cải trái ngược của Phú Ông để thu hút sự chú ý của đọc giả vào đó. Bị định hướng tâm lý cộng thêm kiểu nói lấp lửng của Bờm khiến người đọc cười là Bờm ngốc. Cuối bài ca dao Phú Ông đột ngột đưa ra đòi đổi “nắm xôi” và cũng đột ngột “Bờm cười” (Lưu ý, Bờm chỉ cười thôi). Chi tiết nầy gây hiệu quả đôi. Thứ nhứt nói lên sự ham muốn mù quáng của Phú Ông lên đến tột đỉnh buộc Bờm phải cười. Thứ hai những ai đã cười Bờm ngốc, càng cười đắc ý hơn, vì Bờm đã ngốc lại còn “ham ăn” như trong vở ca nhạc cảnh doTrung Tâm Paris By Night trình diễn.

Thế mới biết ca dao tục ngữ dân gian bao giờ cũng thâm thúy. Ðằng sau thằng Bờm vờ ngốc đến hài hước ấy là một triết lý “Kẻ ham giàu sang khó mà hưởng được an nhàn” Cho nên ai hiểu được Bờm thì gật gù tâm đắc, ai chưa hiểu thì tự nhiên cười mình mà không biết. . .

* Sáng mồng một, các em thanh thiếu niên đến nhà tôi chúc tết, cũng lại bàn cải nhau về ý nghĩa của tiết mục nhạc cảnh Thằng Bờm. Ðể khỏi thất hứa đêm hôm qua, tôi viết tặng các em bài thơ nhân xem nhạc cảnh Thằng Bờm của Paris By Night 44 với tựa đề là: Tiếng Cười Thằng Bờm để nói lên phần nào ý nghĩ của tôi về nghĩa thật của tiếng cười trong ca dao thằng Bờm :

Tiếng Cười Thằng Bờm
Bờm rằng Bờm chẳng thích đâu
Cá mè, lim quí, bò trâu, đồi mồi
Phu Ông dụ đổi nắm xôi
Bờm phe phẩy quạt mỉm môi Bờm cười
Bờm cười cho một kiếp người
Suốt đời đánh mất nụ cười Trời ban
Bờm cười lắm kẻ giàu sang
Muốn đổi thanh nhàn – lội biển mò kim

Trần gian bảy nổi ba chìm
Bởi lợi – danh - người khó tìm – an vui.

California, Ðầu năm Giáp Thân 2004
Sông Cửu




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả