Nguyễn Thị Tê Hát
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]


Giữa Lưng Chừng Trời...!


- Chúng tôi rất tiếc báo tin buồn... Ông nhà vừa đi xong, chúng tôi đã cố gắng hết sức để giúp cho bộ óc của ông hoạt động trở lại, để cứu ông, nhưng chúng tôi đã thất bại, đành bó tay. Viên đạn đi qua đầu đã làm bộ óc hoàn toàn tê liệt, bà hãy nhìn lên đồ thị, đây là đường giây điện tử phát ra từ bộ óc, cho thấy một đường thẳng dẹp chứng tỏ là bộ óc đã chết hẳn, không thể hoạt động từ ngày xảy ra tai nạn. Chúng tôi không còn cách nào đành để ông nhà ra đi, cho dù những bộ phận khác còn rất tốt .

Khanh gục đầu lên thành giường chết lặng, từ hôm xảy ra điều bất hạnh cho Viễn, lúc nào Khanh cũng nghĩ Viễn sẽ tỉnh dậy, sẽ trở về với nàng, cho dù Khanh biết ước muốn ấy quá mong manh vì Viễn đã nằm yên như thế đã hơn 3 tuần lễ. Khanh cảm thấy cần phải nói lên một điều gì đó, nhưng nàng vẫn không sao thốt nên lời. Cổ nàng nghẹn cứng. Khanh muốn khóc thành tiếng, muốn gào thật to cho tan vỡ những uất nghẹn trong lồng ngực, nhưng mắt nàng hình như là cả một cái giếng khô cạn, những giọt nước mắt trốn ở nơi đâu hoặc đã đông cứng trong mắt nàng không chừng. Người Bác-sĩ già tận tâm nắm nhẹ tay Khanh an ủi:

- Bà hãy bình tĩnh, tôi thành thật chia buồn cùng bà về sự mất mát lớn lao này. Nhưng xin bà cũng hiểu cho là khoa học cũng chỉ có giới hạn, không thể làm gì hơn nếu không có sự tiếp tay của Thượng-đế. Chúng tôi xin bà ký giấy cho chúng tôi được rút giây hồi sinh ra, để ông nhà thanh thản ra đi. Nhưng trước khi làm điều đó chúng tôi cũng xin phép bà như chúng tôi đã thưa chuyện... chỉ có cách đó mới có thể lưu lại một phần nào sự sống của ông mà không thật sự mất hẳn.

Khanh kinh-hoàng nhìn vị Bác sĩ với khuôn mặt dại khờ, tê điếng, nàng năn nỉ:

- Không, chết là hết, chết là mất vĩnh viễn xin đừng ai đụng đến thi-thể ấy. Hãy để cho anh ấy ra đi nguyên vẹn, tôi van xin BS.

Khanh đau khổ gục đầu trên ngực Viễn trong khi vẫn giọng đều đều nhẫn nại của vị BS già:

- Chúng tôi xin bà hãy nghĩ lại, sự ra đi nguyên vẹn của ông sẽ mang theo sự sống của bao nhiêu người, bao nhiêu người đang tha thiết chờ đợi sự chấp thuận của bà, xin bà hãy vì tha nhân mà làm điều tốt đẹp đó. Tôi thiết nghĩ nếu ông nhà còn nhận biết được những điều ấy, tôi chắc chắn ông cũng sẽ vui lòng để bà thay ông làm công việc nhân đạo phi thường đó. Với tình yêu trọn vẹn bà dành cho ộng xin bà đừng vùi, đừng huỷ hoại mà hãy lưu giữ lại với những sinh mạng đang cần đến. Đang cần có để hồi sinh cuộc sống.

Khanh như không muốn biết đến những lời phân bày thống thiết của vị BS tuổi đã về chiều nhưng vẫn còn hăng say công việc của mình với tấm lòng từ thiện. Khanh cúi xuống nhìn thân xác Viễn với sự khổ đau như đè nặng lên người. Đôi mắt này mới ngày nào trìu mến nhìn nhau nay đã nhắm chặt. Đôi môi này mới ngày nào còn nồng ấm đam mê nay đã xe-thắt hững hờ... Thân thể Viễn hình như còn ấm hơn thân thể Khanh. Bàn tay Khanh lạnh buốt, run rẩy quờ quạng trên tóc, trên mặt, trên môi Viễn như muốn được vuốt ve lần cuối. Cổ Khanh khô rang, hình như vướng víu cái gì đó thì phải, mắt Khanh ráo hoảnh to tròn mất thần như có thể nuốt lấy cả thân thể Viễn trước mặt.

Khanh như mơ hồ, như lãng đãng, nàng cúi xuống hôn nhẹ lên đôi môi còn ấm chưa kịp lạnh giá của chồng rồi thất thểu nương theo cánh tay của vị BS già ra cửa.

Hai tháng sau, Khanh nhận được lá thư từ Bệnh-viện của vị BS tận tâm như cả đời hiến cho nhân loại:

Thưa bà,
Với một tấm lòng rộng lượng, bác-ái, vị tha hiếm có của bà đã đem đến cho nền khoa học nhiều thành công mỹ mãn. Chúng tôi xin thay mặt gia đình những bệnh nhân may mắn ấy với tất cả sự cảm tạ mà không có gì đền đáp lại. Với sự quyết định khôn ngoan và quả cảm của bà đã cứu sống được 7 bịnh nhân trong các tiểu bang phụ cận. Đặc biệt lá gan của ông nhà đã được thay thế cho một bịnh nhân ở Kansas, trái thận bên phải đã được cứu sống một người ở Dallas, trái thận bên trái đã kịp thời thay thế cho một em bé ở Galveston, đôi mắt đã dùng để thay thế cho một thiếu nữ tật nguyên ở Arkansas, 2 lá phổi đã được thay thế cho 2 người tại tiểu bang này và đặc biệt nhất là quả tim đã được thay thế cho một người đàn ông bằng tuổi ông nhà của một thành phố nhỏ ở Oregon..."

Khanh thẫn thờ gấp lá thư bỏ lại vào phong bì, kẹp giữa quyển nhật ký và nhét vào tận đáy học bàn. Khanh biết rằng cách đó 3 tháng, Khanh đã đưa tiễn chồng, một thể xác trống rỗng với một bộ óc không ai cần đến.

Tai nạn đã cuốn mất Viễn cách đây 2 năm, Khanh nhắm mắt lại và cứ tưởng như vừa mới xảy ra, như một cuốn phim lần lượt đi qua tâm trí nàng...

Mỗi năm, cứ mỗi lần hè đến, năm nào cũng như năm nào, 2 vợ chồng Khanh đều lấy 2 tuần để đi nghỉ hè ở tiểu bang khác, để tránh cái nóng như nung đốt người nơi đây. Khi xe dến gần Arizona thì trời đã về chiều, những con đường lên đồi, xuống dốc đem theo những cơn gió mát nhè nhẹ làm Khanh thiu thiu ngủ, chợt nàng giật mình khi thấy xe dừng lại, Khanh mơ màng hỏi:

- Ủa, đến rồi hả anh?

- Chưa, còn lâu, xe phía trước hình như họ bị bể bánh xe, để anh xuống giúp bà ta một tay.

Khanh tỉnh ngủ hẳn, ngồi lên và nhìn chiếc xe Oldmobile màu xanh cũ kỹ trước mặt đang đậu sát vào lề. Bánh xe bên phải bị xẹp. Viễn cầm cái đội xe đi về phía trước. Khanh mở cửa xuống theo, Viễn vừa cầm bánh xe định cúi xuống thay, chợt Khanh run giọng gọi nhỏ:

- Anh Viễn, coi chừng

Viễn quay lại, chàng giật mình khi thấy người đàn ông vừa xuất hiện cách chàng vài thước, tay lăm lăm chỉa khẩu súng về phía Viễn. Chàng định thần lấy lại bình tĩnh hỏi:

- Ông muốn gì?

Hình như hắn là người Mễ, tóc tai dài gần đến cổ, ào quần lem luốc, hắn hất đầu về phía sau, một tay ra dấu như muốn mở khoá xe. Viễn nói giọng chậm rãi, cẩn thận:

- Chìa khoá ở trong xe

Hắn vẫn đứng im như không hiểu, Viễn đưa tay lên định chỉ về phía xe của mình thì hắn đã nổ súng, cùng người đàn bà lúc nãy lao nhanh lên xe của Viễn và phóng mất. Viễn ngã bật người ra phía sau, tay vẫn còn cầm bánh xe, áo chàng phía sau cả một vũng máu đỏ tươi. Giữa trán một chút máu đỏ từ từ thấm ra.

"Chết là hết..." nàng đã nói với vị BS ngày nào, nhưng lúc này, 2 năm sau, Khanh cảm thấy hình như câu nói ấy không còn đúng với nàng nữa.

Một lần Khanh vào chợ, khi đứng xếp hàng mua thịt chờ đến phiên mình. Người đàn bà đứng trước Khanh, chỉ con vịt quay trong tủ kiếng, bảo người bán hàng:

- Ông làm ơn chặt con vịt ra từng miếng nhỏ, tôi không lấy bộ lòng, đầu và chân đâu, ông cứ giữ lấy cho người khác.

Đến phiên Khanh, người bán hàng hỏi:

- Bà muốn lấy những gì và muốn chặt như thế nào?

Nhưng Khanh đã vội quay gót ra cửa. Sau đó nàng ghé đến nghĩa-trang thăm mộ chồng. Ngôi mộ đó thật sự không hoàn toàn nguyên vẹn có thân thể Viễn trong đó, trong ấy chỉ có những phần không quan trọng mà người ta từ chối chẳng cần đến, khi tất cả những mầm sống thuộc về chàng đã bị phân tán rải rác khắp các tiểu bang... trong khi đó, Khanh là vợ chàng, Khanh còn lại được gì? Khanh giữ lại được gì cho chính mình? ngoài một tiếc nuối, ngoài một mất mát lớn lao. Có ai hiểu sự đau khổ của người goá phụ như Khanh... Nếu người chồng thật sự đã chết, đã được chôn vùi nguyên vẹn thân xác, thì người vợ khổ đau ấy vẫn an tâm khoác lên mình chiếc áo goá phụ; còn Khanh? Chồng nàng đâu đã thật sự chết hẳn, sự chết của Viễn chỉ tính theo số nhỏ phần trăm, hay cho dù là 50% đi chăng nữa thì liệu 50% còn lại có đủ cho Khanh khoác lên mình chiếc áo goá phụ hay không? Khanh khổ đau trong dằn vặt, trong tấm áo quả phụ nửa vời mà thiên hạ đã mặc lấy cho Khanh. Khanh thắc mắc với chính mình và tự hỏi ai là người có thể trả lời Khanh trong lúc này?

Những buổi tối đến với Khanh thật trống vắng, thật lặng lẽ cô độc, như một thói quen từ ngày Viễn mất, Khanh lúc nào cũng đăm chiêu buồn bã, chìm đắm trong mông lung, trong dằn vặt khắc khoải. Không đêm nào Khanh ngủ trước 12g, lúc nào cũng thẫn thờ trước TV cho dù nàng chẳng để ý gì đến những diễn tiến trên màn ảnh. Trong nàng như một cơn bão to, như một vực thẳm tối đen làm tâm trí nàng cô đọng, mù mịt... Lá rơi xào xạc ngoài sân, sấm chớp vụt xé bầu trời đêm như báo hiệu cơn mưa sắp đến. Khanh đứng dậy định đóng cửa sổ, nhưng mưa đã ào đến, những hạt mưa hắt lạnh vào người, vào mặt, vào tóc nàng, Khanh cảm thấy sự cô đơn khủng khiếp như ào đến bao quanh. Nước mắt Khanh được dịp hoà lẫn trong mưa, trong tiếng nấc tức tưởi như trút bỏ những ấm ức, những uất nghẹn mà nàng cố đè nén, che đậy.

Giấc ngủ bao giờ cũng làm Khanh sợ hãi, những giấc mơ nào hình như cũng giống nhau để càng ngày càng làm cho Khanh thêm mù mịt tâm trí, như bị bao kín trong vùng sương mù không lối thoát. Trong giấc mơ, Khanh thấy 2 người đàn ông nằm trên 2 cái bàn kê gần nhau. Một người là Viễn, còn người kia Khanh không thấy rõ mặt. Cả hai đều bị banh lồng ngực như 2 cánh cửa sổ, người ta đang làm công việc mà họ gọi là giải phẫu. Họ đang giải phẫu Viễn, họ mặc quần áo màu trắng, che kín tóc và miệng chỉ để hở đôi mắt để làm việc. Khanh như đang đứng run rẩy ở một góc phòng theo dõi cuộc giải phẫu trước mặt. Người y-sĩ đưa 2 bàn tay vào ngực Viễn, nâng nhẹ trái tim một cách thận trọng như nâng một báu vật, từ từ ra khỏi lồng ngực và lại nhẹ nhàng đặt vào lồng ngực của người đàn ông nằm bên cạnh đang chờ sẵn. Người đàn ông vừa đón nhận trái tim của Viễn, từ từ ngồi dậy mặc áo và bỏ đi, mặc Viễn nằm đó với khăn trắng phủ kín từ đầu đến chân. Những giấc mơ như thế cứ quay quắt trong Khanh để sau cùng Khanh cảm thấy Khanh phải đi tìm người đàn ông có trái tim của Viễn, để được thấy tận mắt, phải nghe tận tai để biết chắc sự sống của người đàn ông đó qua con tim của Viễn như thế nào?

Ý định điên cuồng đó cứ theo ám ảnh Khanh mãi, để rồi Khanh quyết định phải đi gặp người đó một lần, một lần để nghe rõ nhịp tim của Viễn, dù đang đập nhịp nhàng trong một thể xác xa lạ mà không phải là thân xác của Viễn đi chăng nữa. Khanh tự hỏi, không biết Khanh phải cắt nghĩa như thế nào cho người đàn ông đó hiểu ước muốn của Khanh để họ không nghĩ Khanh là kẻ bịnh hoạn, điên rồ hay ám muội... Khanh biết phải cắt nghĩa thế nào khi chính Khanh cũng không biết phải cắt nghĩa cho chính mình làm sao nữa?

Khanh hoàn toàn mù tịt về người đàn ông mang trái tim của Viễn, địa chỉ không có và nàng cũng không biết rõ cả khuôn mặt của người đàn ông hằng đêm có trong giấc mơ của nàng. Đầu óc Khanh miên man suy tư. Khanh cảm thấy như mình là người đàn bà có chồng mất tích trong một cuộc vượt biển đi tìm tự do, Khanh tự hỏi sẽ làm gì trong trường hợp đó? Nàng sẽ yên tâm để tang chồng cho dù sự chết của chàng là mơ hồ, không thật, hay nàng sẽ lặn lội khắp nơi tìm kiếm? Vâng, Khanh sẽ tìm đủ mọi cách để biết chắc chắn Viễn của nàng còn sống hay thật sự đã chết, cho dù nàng có phải lặn lội đến tận các hoang đảo hay tất cả các trại tỵ nạn, hay bất cứ nơi nào, lãnh thổ nào mà nàng nghĩ con tàu bé nhỏ của Viễn có thể ghé đến, có thể trôi dạt vào...

Khanh ngày nay đã trưởng thành trong sự đau khổ của một người đàn bà, Khanh phải đi tìm... tìm những gì của Viễn cho dù nàng phải vượt qua nhiều trở ngại khó khăn đi chăng nữa. Khanh chợt nhớ đến lá thư của Bác-sĩ Wesley đã gởi cho nàng cách đây 2 năm, báo cho nàng biết những cơ phận của Viễn đã được rải rác khắp nơi. Nàng không quan tâm đến những điều ấy, nàng chỉ muốn biết về trái tim của Viễn, hiện giờ ra sao? và đang ở nơi nào? Trái tim đã một lần đem đến cho nàng tình yêu thắm thiết đầu đời, một hạnh phúc ngọt ngào, một tình yêu nồng ấm, cho dù tất cả chỉ là ngắn ngủi, một giai đoạn đi chăng nữa... Trái tim mà Khanh có thể lắng nghe những nhịp đập của nó như nàng đã từng áp tai lắng nghe trên ngực Viễn. Bằng bất cứ giá nào Khanh cũng phải đi tìm người đàn ông đó, cho dù họ có diễu cợt bảo Khanh quái đản, khùng điên, bịnh hoạn hay là gì đi nữa, Khanh cũng phải gặp một lần, nghe một lần để sau đó Khanh mới có thể trở về cuộc sống bình thường mà người ta cứ muốn gọi Khanh là goá phụ.

Khanh liên lạc với bịnh viện, với trung tâm giải phẫu, và nàng được mời đến xem lại hồ sơ của Viễn và tất cả những gì liên quan đến cuộc giải phẫu. Nàng cũng đã liên lạc với tất cả những nơi nào kể cả thư viện mà nàng nghĩ có thể tìm ra tên tuổi, địa chỉ của người đàn ông đang may mắn có trái tim của Viễn. Sau cùng, Khanh cũng tìm được địa chỉ của người đàn ông đó.

Duyên, bạn Khanh ngăn cản:

- Khanh, đừng làm chuyện kỳ quặc ấy nữa, đừng làm cuộc đời mình thêm rắc rối thêm khổ đau, hãy quên Viễn, quên trái tim muộn phiền ấy đi, cứ coi như Viễn đã hoàn toàn chết, đã chôn vùi tất cả theo Viễn cách đây hơn 2 năm rồi, đừng nghĩ đến nữa hãy làm lại từ đầu đi.

Khanh nhíu mày, đăm chiêu nhìn vào khoảng không trước mặt, cắn chặt môi như dứt khoát một tư tưởng nào đó với chính mình:

- Không, Khanh phải đến tận nơi, phải gặp và phải nghe một lần, chỉ một lần rồi thôi. Nếu Khanh không làm được điều này, Khanh sẽ điên thật sự và không thể nào yên ổn với chính mình được.

Duyên nhìn bạn lắc đầu tội nghiệp, cả hai chìm đắm trong ý nghĩ riêng của mình. Khanh phá tan sự im lặng, hỏi giọng ngập ngừng, như đã dày vò nàng thật nhiều:

- Duyên này, người ta nói khi nào tận thế, người chết sẽ sống lại, vậy anh Viễn làm sao sống lại khi tim, phổi, gan, thận và cả mắt cũng không có thì làm sao sống lại hả Duyên?

Duyên rưng rưng nước mắt, xót xa nhìn bạn. Duyên biết trả lời sao khi nàng biết những câu hỏi của Khanh thoạt mới nghe, thật là quái gỡ, nhưng cũng đâu phải là không có lý. Duyên lặng lẽ đưa cao quyển sách đang cầm để dấu vội những giọt nước mắt vừa rơi xuống.

Đêm đó, Khanh lấy giấy viết thư cho người đàn ông xa lạ đang mang trái tim của Viễn:

Thưa Ông,

Tôi tên là Khanh, Nguyễn Ngọc Kim Khanh, vợ Ông Nguyễn Xuân Viễn, không biết những cái tên này có gợi lên cho Ông một ý nghĩ gì không? Có lẽ không...

Thưa Ông, có người gọi tôi là goá phụ của người đàn ông có trái tim đang đập nhịp nhàng trong Ông, người đàn Ông đã tặng Ông sự sống tốt đẹp của một đời người... Hôm nay, nhân danh người đàn bà đau khổ, người đàn bà đã một lần làm chủ trái tim Ông đang có, xin đường đột viết thư này đến thăm hỏi sức khoẻ của Ông sau ngày đón nhân trái tim mới như thế nào? Tôi hy vọng trái tim ấy sẽ đem đến cho Ông sự nồng ấm, sự hạnh phúc cuộc đời như đã từng đem đến cho tôi và Viễn vậy.

Thưa Ông, tôi ước ao được gặp Ông một lần, chỉ một lần thôi để không bao giờ làm phiền Ông nữa, sự gặp mặt này rất quan trọng đối với tôi, đối với người đàn bà mất quyền làm chủ một báu vật của đời mình. Xin ông đừng cho lời yêu cầu của tôi quái gỡ, suồng xã, điên dại mà hãy hiểu rằng sự chấp thuận của ông sẽ đem đến cho tôi một toại nguyện to lớn trong đời. Một yên tâm tôi đang mong đợi.

Thưa Ông, tôi đến không phải để đòi lại một vật mà mình đã từng làm chủ, tôi đến chỉ để thấy tận mắt trái tim của chồng tôi thật sự còn sống, và nghe tận tai để biết chắc trái tim của chồng tôi vẫn còn đập nhịp nhàng dù trong lồng ngực của một người khác, đã đem nhựa sống cuộc đời đến cho một người mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến và biết đến, để sau đó tôi được trở về tôi, về với cái Tôi, với cái áo Goá Phụ mà trời đã vô tình trao tặng.

Kính chào và thành thật cám ơn Ông
Nguyễn Ngọc Kim Khanh




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả