Cánh Phượng Hồng Trên Xương Lá Mục

Tìm sin lấy đối chia huyền
Cosin hai cạnh kề huyền chia nhau
Tìm tang ta hãy tính sau
Ðối trên kề duới chia nhau thấy liền…


Long là con trai của ông gác-dan giữ nhà, chăm sóc vườn tược cho gia đình tôi. Nó là một trong năm thằng học giỏi nhất lớp, nhưng kể từ khi Long “…yêu người như lá đổ chiều đông” thì việc học sa sút thậm tệ, khi tình của nó vẫn còn “…như mây hồng chưa tím”. Long trở thành “kẻ gian lận nghệ sĩ” của trường thi. Chuyện tình trên sân trường ngày đó của Long tưởng đã đi vào quên lãng, không ngờ hôm nay chúng tôi mua lại được cuốn sách toán của Long năm xưa được bày bán trên vĩa hè, trong sách có ép cánh phượng hồng nằm trên một chiếc xương lá mục và dòng chữ: “em vẫn tươi đẹp muôn đời trên thân ta mục nát”.

Cái tên Long-bụi được các nữ vệ tinh của Phuợng-hoa-khôi nhắc đi, nhắc lại lâu dần đã làm lu mờ những cái tên như Khiêm, Dũng, Nguyên, Liêm…đẹp trai của “xóm nhà ngói” trong lớp; vì Long rất tốt bụng, hay bênh vực, giúp đỡ những nàng có dung nhan “cá lặn không dám nhìn” còn học lực thì “lấy sổ đội đầu thay nón lá”. Phượng nhận lời cùng các bạn gái đi cắm trại với dân “xóm nhà lá” của Long-bụi. Ðó là lần đầu tiên bốn mắt nhìn nhau lâu hơn, rồi vai kề vai, sóng bước bên nhau và “chàng” ngồi nhai nát cọng cỏ nhìn “nàng” bẻ lá làm thuyền buồm thả trôi theo dòng nước. Hôm ấy bươm bướm bay lượn đầy trời, hoa dại cùng cỏ hoang trải những tấm thảm sắc màu trên thung lũng dấu yêu của hoa bướm và tháng năm tuổi học trò.

Chuyện tình Long, Phượng như đóa hoa bất ngờ nở ra một sớm mai không qua thời kỳ kết nụ. Cả lớp tôi đều hoang mang, cả trường như ngỡ ngàng. Các công tử “xóm nhà ngói” ngậm ngùi cho “hy vọng sẽ vươn lên…cùng mây khói”, mấy gốc cây si ngoài cổng trường đành chui vào quán cà phê, ngồi hoá thạch, thấy đời mình “… rồi như đá ngây ngô”. Tội nhất là thầy Cam, thầy để cỏ đen mọc lún phún không buồn cạo, mặt thầy như cái vườn hoang, còn đâu nét rạng rỡ, hùng hồn, đắm say khi giảng bài mà đôi mắt cứ luôn hướng về Phượng-hoa-khôi như thầm nhủ “ …và hỏi tại sao thế giới đông người nhưng chỉ thấy em thôi”.

Trong những tháng ngày đậm đà hương hoa tình ái, thứ hạng của Long trong lớp như tuột dốc không có thắng, nhưng nó luôn đạt điểm cao qua những kỳ thi. Chúng tôi ngạc nhiên không hiểu nó học bằng cách nào, luyện bài ở đâu, vì hết bóng đá, hẹn hò, ngồi quán cà phê suy tư, đi kèm trẻ tư gia để kiếm thêm tiền mưu sinh và…trang điểm thì còn đâu thời giờ cho kịp ôn bài luyện thi. Một ngày kia trong lúc chưa hết giờ thi, Long bị kêu lên gặp thầy giám thị “mười-giờ-mười” (cái biệt danh dành riêng cho người đi chân chữ bát, nhìn xuống giống như kim đồng hồ chỉ muời giờ mười phút). Long bị phạt làm “công quả” ngày chủ nhật vì “quay phim” trong giờ thi. Lần đó tôi cũng bị phạt lao công vì dám “tưới cây” trong sân trường. Long lỡ hẹn “đào” nên gạt lão Mây cai trường rằng phải dợt banh mới thắng trận sắp tới và dịu dàng hăm dọa “thầy cai Mây” sẽ rũ nhau đi gởi xe đạp ở chổ khác. Long điểm trúng huyệt “Diên Hồng” và “quyền lợi” của lão nên cả hai được tha về để …vào rạp hát bóng ngồi nhai đậu phọng. Từ đó Long bụi trở thành người bạn tri kỷ và cũng là tình địch âm thầm của tôi, nên hôm nay mới có chuyện này kể cho bạn nghe.

Dụng cụ “quay phim” của Long là chiếc đồng hồ giây da có ghi sẵn các công thức ở mặt trong, vạt áo sơ-mi có nét viết lờ mờ chỉ phương thức giải đề thi, hay Long chỉ lật nghiêng mắt cá là thấy cả những hàng chữ, hằng số ghi dưới gót giầy và bùa chú rãi rác ở những nơi khác nữa không xa lạ gì đối với tuồi học trò; ví dụ như: “mỗi lần cứ đến mùa thi cữ các cô học trò thường hay bị cảm cúm, lúc đang thi mà bí bài hay quên công thức thì lại mở khăn tay lên hỉ mũi, ai mà mượn khăn dùng tạm sẽ thấy trong khăn có chữ, số, hình vẽ chi chít nhỏ hơn con kiến. Nhưng, tất cả sẽ nằm sâu trong ký ức của kỷ niệm nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, như cái bóng ảo “ơn trên phù hộ” cho những mãnh bằng bác sĩ, kỷ sư. Biết đâu đấy!
Dân học kém, nhát…thi bắt Long bật mí “chiêu thức gian lận thi cử” rồi tôn làm sư phụ. Dân học…gạo tuy bất bình nhưng “…hãy cứ gian đi mà sống…lâu dần chuyện gì cũng quên”. Riêng Long sư phụ hơi buồn về chuyện mình bị bắt quả tang gian lận làm Phượng “quê độ” với bạn bè. Long bỏ nghề quay phim bước sang lãnh vực viết lời cho nhạc và làm thơ rồi hiên ngang vẫn dẫn đầu danh sách trong các kỳ thi kế tiếp. Thầy cô đeo kiếng râm vào phòng thi (trong những ngày mưa gió), đành phải bỏ kiếng, ngõ lời tuyên dương Long bụi biết sữa đổi và chăm chỉ luyện bài. Riêng bọn học nhóm của chúng tôi thì không tin, nhất định Long đã chế ra “bùa thi” mới. Qủa đúng như thế, Chúng tôi ngày đêm cố nhét vào đầu các công thức toán, hình vẽ sinh học cùng ngốn mớ ngữ vựng ngoại ngữ như cố ăn hết một nồi hằm-bà-lằng thì chỉ thấy Long từ tốn pha cà phê phin ngồi ôm đàn nhìn sách giáo khoa mà làm thơ, soạn nhạc. Về sau, Long phóng bùa cho nhóm, nhất là giới “nước đổ đầu vịt”; ví dụ như ai cần nhớ ẩn số phương trình bậc hai thì đốt cho Long “nén hương có đầu lọc, với vẽ mặt huyền bí sau khói thuốc, Long nhả bùa:“một nửa đời ta (1/2a)/Bé vui phương xa (b-bình phương)/ta trong căn nhà (căn số)/bốn mùa ao cá (4ac)”. Hay là: “X có còn hờn ghen y không?/…tích phân từng sợi nhỏ/tổng số thành hồ nước mênh mông..." thì cao siêu quá chỉ có Long mới nghiệm ra mà thôi. Long sửa lời bài hát “Tình vui như gió mây trôi, ý sầu mưa xuống đời, lệ em lấp mấy tuổi tôi, mấy tuổi xa người”để chở một lúc năm định lý, hệ luận vào phòng thi làm nản lòng thầy cô giám khảo.

Long bụi là một chiến sĩ hết mình trên sân cỏ, có tinh thần đồng đội và hết lòng với danh dự cho trường, chính vì thế mà thuyền tình thơ mộng tuổi học trò của hai người, chợt một ngày, chìm sâu vào “sông Ngân-Hà” như Ngưu Lang và Chức Nữ. Trình độ chơi cầu lông của Long-bụi chỉ xứng để “…em hầu quạt đây” cho tôi mà thôi nhưng với mãnh lực tình yêu và ý chí “lò rèn”, nó đã rữa nhục cho nhà trường vì đánh bại đương-kim-vô-địch-vũ-cầu là anh của Phượng. Mấy hôm sau đó trong một trận bóng đá vào giây phút cuồi cùng dưới cơn mưa tầm tả, Long-bụi “vẽ” một đường banh lầy lội chọt thủng lưới đối phương làm cho chú của Phượng, ông bầu của đội kia, ném cái nón xuống đất rồi dậm lên như đứa con nít dỗi hờn, mất đi cái phong độ hách dịch thường ngày. Có lẽ từ đó cái tên Long-bụi bị cấm ngặt không ai được nhắc tới trong mỗi bữa ăn ở nhà Phượng. Phượng đến trường đúng giờ vào lớp và ra về có xe đón tận cổng trường, hai người chỉ ngậm ngùi thủ thỉ cùng nhau trong những phút ra chơi ngắn ngũi. Phượng đi đâu cũng có người nhà theo hộ tống. Mỗi chiều tà Long đạp xe, để chỉ mà đạp thôi, tới trước ngõ nhà người yêu rồi lại đạp xe về…tương tư. Trong gian nhà nhỏ sau lưng biệt thự của cha tôi bắt đầu âm vang tiếng ghi-ta thổn thức, buồn não nuột giữa đêm dài khuya vắng. Trên đầu tường gạch có vài chiếc lá bị phơi khô chỉ còn xương lá, nhìn xuyên qua được và hoa phượng thì xâu thành chuổi treo bên hiên nhà buồn lung lay theo gió nhẹ.

Ba tháng hè trôi qua, ngày chúng tôi tựu trường không còn thấy Phượng nữa. Cô bạn thân mang những lá thư tình của Phượng trao cho Long ngày càng ít đi. Phượng đang học ở thành phố xa xôi nào đó. Rồi tuổi dậy thì qua mau, ngày tháng mài đũng quần trên ghế cũng theo biến số thời gian quyết định, đứa làm nhà giáo, đứa thành kỹ sư, bác sĩ, công nhân, viên chức…bạn bè phiêu bạc khắp năm châu. Chúng tôi gom được một nhóm bạn về thăm quê hương, thì như bạn đã nghe kể về một cuốn sách cũ bên trong có cánh phượng hồng và xương lá mục, nằm phơi nắng trên vĩa hè, trong khi Long, Phượng thân yêu của sân trường ngày ấy, giờ đây không biết trôi lạc ở phương nào? Chúng tôi bùi ngùi thương nhớ mối tình xưa như còn văng vẳng lời ca dội về từ ký ức “hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi rồi, hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời…”

…ngày bốn tháng bẩy năm lẽ ba
(Riêng tặng LB)


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả