Nguyễn Thị Tê Hát
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]


Bố Tôi


Bố tôi! vâng, đã nhiều lần tôi muốn viết về Bố tôi, về người đàn ông mà tôi ngưỡng mộ nhất trên đời. Một người đã ảnh hưởng đến hình hài vóc dáng và cả cuộc đời tôi hiện tại. Ở Bố tôi, với bề ngoài của một người đàn ông tầm thường, bình dị nhưng bên trong cả một hoài bảo ước mơ bao bọc, vây kín lấy tâm tư để ngày nay ông như con ốc thu mình nơi vùng trời có mùa đông giá lạnh, có tuyết rơi ngập đầu gối.

Bố tôi gầy gầy, có nụ cười rất tươi để có thể làm cho Mẹ tôi mất ăn mất ngủ vì cái đào hoa mà Bố tôi có. Hồi trẻ Bố đi đâu là có những đôi mắt nhìn theo, nụ cười của Bố tươi bao nhiêu thì nụ cười của Mẹ lại héo hắt bấy nhiêu vì sự đào hoa của Bố. Tôi nhớ thuở còn bé, thuở mà đôi giầy nhà binh của Bố đã dừng lại ở cái xứ có nhiều cơn mưa dầm dề, có mùa đông lạnh căm căm với mưa phùn lất phất, có mùa phượng đỏ ối đường đi, có dáng e thẹn của những cô gái Huế, e-ấp với chiếc nón bài thơ trong chiếc áo dài trắng đến gót chân.

Ngày ấy nhà tôi ở trong Thành Nội, nhưng Bố hay lái xe lên Kim Long đến nhà bạn của Bố chơi, nhưng trong gia đình ấy lại có Cô Mai, em gái bác Kiệm. Cô Mai thật quái ác, cứ khoá xe Bố lại để đi chợ, để giữ chân Bố lại dùng cơm với gia đình. Cô Mai khéo lắm, Cô Mai lấy lòng Mẹ rất hay, thỉnh thoảng ghé nhà thăm hỏi Mẹ rất ân cần, những lần như thế không bao giờ quên một vài gói kẹo, hộp bánh cho chúng tôi. Cô Mai được lòng Mẹ, được lòng chúng tôi. Lúc đầu Mẹ khen Cô Mai ngoan, Cô Mai xinh, Cô Mai đẹp, nhưng hàng xóm của Mẹ thì lại dè bỉu, cứ chê, bảo Cô Mai lãng mạn, Cô Mai lẳng lơ, Cô Mai mê Bố... Từ từ những lời nói ấy như đánh thức Mẹ tôi, khi Bố từ Sài Gòn trở về sau những tháng huấn luyện về ngành chuyên-môn trong Quân-đội, Bố đem về một tập truyện ngắn viết tay... truyện ngắn nào Bố cũng dùng tên Mai cho nhân vật trong câu chuyện của Bố. Điều này ai cũng biết làm Mẹ tức, Mẹ khóc, Mẹ cằn nhằn chỉ có Chị em chúng tôi biết mà không một lời phiền trách Bố.

Một hôm bố đi chơi về khuya, đã vậy Bố còn chở Cô Mai đàng sau xe, xe đi trên đường gập ghềnh, Cô Mai kêu lên giọng Huế nghe thật nũng nịu:

- Á, á...

Bố cuống quýt :

- Ấy, ấy, khéo ngã... có sao không?

Bác Hào hàng xóm chắc cũng ghen giùm cho Mẹ nên nhắc với Mẹ bên kia bức tường gạch:

- Đấy, ông ấy về đấy...

Mẹ nằm bên này ấm ức nói vọng sang:

- Đấy, lại chở cái con "Đĩ" ấy về...

Bây giờ thì Mẹ tôi hết thấy Cô Mai đẹp, Cô Mai ngoan, mà chỉ thấy một Cô Mai xấu, không tốt trước mắt và tôi cũng còn quá nhỏ để hiểu chuyện người lớn, để hiểu ý nghĩa của những danh từ mà người lớn nói trong lúc giận dỗi, nên sáng hôm sau, ngây thơ tôi hỏi Bố :

- Bố ơi Bố! tối qua Bố chở "Con Đĩ" nào về vậy?

Ông Bố nhà binh trợn mắt quát lên:

- Ai dậy mày ăn nói như vậy hả?

Tôi ngạc nhiên trố mắt nhìn Bố, nhưng đã quá muộn... Hôm đó tôi đã lãnh một trận đòn nên thân không sao quên được chỉ vì cái tội ngu dại lập lại lời nói của người khác mà không hiểu gì cả.

Mẹ giận Bố nhiều vì Mẹ cho rằng Bố đã có tội mà còn dám đánh tôi đau để dằn mặt Mẹ. Lần đầu tiên tôi thấy Mẹ giận Bố lâu, Mẹ không ăn cơm, không nói chuyện cười đùa với Bố như mọi khi, chỉ nằm khóc trong phòng. Thế rồi hình như Mẹ than phiền với bạn của Bố, anh chị của Cô Mai về chuyện Cô Mai và Bố nên sau đó Cô Mai không còn ở chung vói gia đình Bác Kiệm nữa. Những bữa cơm chiều chúng tôi lại thấy Bố, và cái chuyện cầm chân giữ khách bằng cách khoá xe của Cô Mai cũng không còn được nghe nhắc đến. Vả lại những lần Bố đến thăm gia đình Bác Kiệm khi Cô Mai còn ở chung, trời lại không chịu mưa để cầm chân Bố mà cứ nắng chang chang thành ra Cô Mai mới phải mượn đỡ cái khoá để cầm chân Bố vậy.

Bố tôi sau những lần làm Mẹ đảo điên, làm Mẹ tôi lúc nào cũng phải nhập tâm đề phòng Bố, thế nhưng vẫn bị Bố qua mặt thật là bất ngờ. Một hôm Bố chở Mẹ và em ra Phú-Vân-Lâu hóng mát, gió sông Hương êm-êm nhè-nhẹ làm Mẹ quên đề phòng địch thành ra lúc về, Bố nói xe bị hư không đi được nữa. Bố bảo Mẹ bế em đi trước để Bố tìm chỗ sửa xe. Mẹ vô tình bế em đi một lúc, quay lại không thấy Bố đâu, Mẹ đi trở lại tìm từng góc đường, từng gốc cây chỗ vá xe mà không thấy Bố đâu cả. Chợt tiếng cười đùa, tiếng nhạc ồn ào phát ra từ một tiệm sách bên kia đường đã vô tình làm Mẹ chú ý nhìn vào. Mẹ ngẩn người chết lặng khi thấy Bố đang ngồi giữa bàn tiệc, cười cười, nói nói bên cạnh cô bạn học cùng lớp Anh văn ở Hội Việt Mỹ hằng tối với Bố, Cô Tuyết mà Bố vẫn thường nhắc đến với Mẹ sau những tối Bố đi học về. Bố thường khoe là trong lớp chỉ có Bố với Cô Tuyết là luôn dẫn đầu vì học giỏi nhất lớp, và cũng chính tối hôm ấy 2 cái học giỏi đã thích nhau để tạo thành mưa giông gió bão trong lòng Mẹ tôi...

Bố tôi đó, cái đào hoa của Bố không ai sánh bằng, những gì tôi viết ra đây chỉ là một vài cái lẻ tẻ bên cạnh cuộc đời của Bố, thành ra cái hào-hoa ấy đã làm Mẹ tôi tốn hết biết bao nhiêu nước mắt, biết bao nhiêu tiếng thở dài để Chị em tôi sau những lần nghe Mẹ nhắc lại chuyện cũ, đều lắc đầu bảo nhau khi nào lớn lên, nhất định sẽ không bao giờ là nạn nhân của sự đào hoa như Mẹ tôi cả.

Bố tôi không là ông này, ông nọ, không bằng cấp cao sang, nhưng Bố tôi là người hiểu rộng, thông thạo mọi vấn đề, từ thời cuộc cho đến vấn đề kinh tế xã hội, văn học..v.v. Bố tôi biết nhiều lắm, sự hiểu biết của Bố tôi làm chúng tôi ngưỡng mộ, làm chúng tôi hãnh diện với bạn bè về sự hiểu biết quá nhiều của Bố. Chúng tôi thích nhất những bữa cơm chiều, mọi người quây quần quanh bàn ăn, trò chuyện vui vẻ. Bố uống bia, nhưng lần nào cũng bắt Mẹ và chúng tôi phải uống một hớp, còn lại mới đến phần Bố. Bố kể mọi chuyện, những chuyện khôi hài không thể nào thiếu trong bữa ăn làm Mẹ và chúng tôi cười nghiêng ngả. Nhưng cũng có lúc hình như cạn đề tài nên Bố quay sang Tôi, con gái của Bố để sau những câu nói của Bố làm cả nhà cười ầm lên làm tôi giận đến đỏ mặt vì mắc cỡ, nước mắt rưng-rưng, nhưng Bố không thèm nhìn tôi, Bố giả vờ như không biết tôi sắp khóc, Bố bảo cả nhà :

- Kìa! trời sắp mưa, đứa nào chạy ra sân cuốn quần áo vào không thì trời mưa to ướt hết bây giờ.

Mọi người tưởng thật cùng nhìn ra sân, trời vẫn nắng gắt. Chợt hiểu câu nói của Bố cả nhà phá lên cười làm tôi oà khóc. Mẹ dỗ nín, Bố bảo tôi im nhưng làm sao nín được khi tôi giận Bố, giận cả nhà vô cùng, càng lúc tôi càng khóc to làm Bố quát lên:

- Im ngay không, nói đùa có tý mà cũng khóc, không nín lại bị đòn bây giờ.

Bố tôi ngang ngược đến thế là cùng, Bố vẫn biết tôi là con bé dễ khóc nhất nhà mà vẫn cứ chiếu cố đến khi cạn đề tài diễu cợt của Bố, để rồi thỉnh thoảng tôi bị đòn oan chỉ vì những giọt nước mắt của tôi không thể ngừng rơi đúng lúc như ý Bố muốn. Bố Mẹ có những 10 đứa con chứ đâu phải có mình tôi?... thế mới biết đôi lúc Bố cũng dở đến nỗi phải mượn tôi ra để làm đề tài cho cả nhà cười. Những lúc như vậy tôi giận Bố tôi lắm, giận cả nhà vì đã cười theo câu chuyện nhạt nhẽo, không duyên của Bố, và tôi cũng giận cả cái giống Bố của tôi nữa. Sợ tôi bị đòn oan, nhiều lúc Mẹ lên tiếng trách Bố:

- Mình chỉ được cái hay chọc quá đáng, đã biết nó là cái con động tý là hờn, là giận, là hay khóc dai mà còn cứ chọc, thật là kỳ hết chỗ nói.

Ngoài cái tính khôi hài của Bố, Bố thật là Ông Bố nhà binh một trăm phần trăm, Bố rất nghiêm khắc. Với Bố chỉ có nói Một chứ không nói Hai, hay ba như Mẹ. Những đứa con của Bố chỉ biết chấp hành kỷ luật Bố đưa ra nếu không thì chỉ có cây vào đít. Bố khó tính, Bố khó từ cách ăn nói, đi đứng, học hành, đến nỗi hôm nào Bố phải cấm trại hay đi trực là chúng tôi mừng lắm, bởi thế mỗi lần chúng tôi làm điều gì lỗi, chỉ nhìn thấy đôi mắt hay cái quát nhà binh của Bố cũng đã đủ làm cho chúng tôi bấn loạn tinh thần chứ đừng nói là bị Bố phạt.

Hồi bé thích chơi đồ hàng nên thường rủ vài đứa bạn cùng chơi. Trò chơi của chúng tôi là những lon sữa không dùng để đổ nước mắm vào đem ra sân nhóm lửa nấu cho khô cạn, rồi lấy cơm trong nhà ấn đầy vào những lon sữa khác giả làm nồi cơm. Chơi chán, ăn chán, còn dư cơm tôi đổ đầy góc nhà cho chó ăn. Con chó nhà tôi hôm ấy cũng dở thói hư chê cơm, chỉ ghé mũi ngửi ngửi mấy cái rồi bỏ đi để khi đi làm về thấy một đống cơm trắng nằm ở góc nhà, Bố liền cho tôi một trận đòn và bắt tôi quỳ ăn hết chỗ cơm chó chê đó. Cái hình phạt của Bố thật là ghê gớm, càng nghĩ đến tôi càng rùng mình, cái hình phạt đó không nhân đạo gì cả, nếu bây giờ Bố mà phạt như vậy, chắc chắn Bố sẽ bị kết tội là "sỉ-nhục, chà đạp nhân phẩm con người" cho xem.

Có lần lỡ dại không nghe lời Bố mang theo áo mưa đi học, vì thật sự lúc đó tôi đang muốn làm người lớn, muốn làm ra vẻ người lớn như Chị tôi, đi học chỉ mang vài quyển vở trên tay trông thật hay-hay, nên tôi đâu có nghĩ đến những cơn mưa đầu mùa, những cơn mưa ào bất chợt đổ xuống hoặc dai dẳng suốt ngày. Thật không may cho tôi hôm đó, mưa lại rơi đúng lúc tôi tan học để tắm ướt tôi từ đầu đến chân, làm đẫm ướt chiếc áo dài trắng tôi đang mặc, chiếc áo dài trắng dính sát người để thấy da thịt bên trong làm Bố phẫn nộ khi nhìn tôi qua cửa sổ. Con nhỏ vừa bước chân vào nhà, Bố phạt tôi trở ra giữa sân đứng dưới cơn mưa to thật lâu để nhớ bài học của Bố. Ông Bố nhà binh của chị em tôi đó, thật là nóng tính và độc tài, chỉ có Mẹ là người có thể chiều được Bố mà thôi. Bố đấy, bên cạnh cái hào hoa của Bố là một cái gì thật là khó khăn và nghiêm khắc.

Bố là người rất văn-nghệ, nhớ khi chị em tôi còn bé. Mẹ đi sanh ở nhà thương, Bố dắt chị em tôi đi xem kịch do Bố trinh diễn. Chị em tôi ngồi dưới ngơ ngác theo dõi Bố đang đứng trên sân khấu, Bố đóng vai phụ tình bị bắn, súng nổ, Bố hét lên và ngã xuống. Chị em tôi cuống quýt khóc thét tưởng Bố chết thật, người ta phải vội đưa chúng tôi vào trong gặp Bố cho chúng tôi yên tâm. Bố rất giỏi các loại nhạc khí, Bố chơi Mandolin rất hay cũng như Bố thổi Harmonica, Bố thường hay thổi những ca khúc vui cho chúng tôi hát theo. Bố chơi Violin cũng được thôi, cũng đủ cho tôi hát theo bản Ave Maria hay Cao Cung Lên vào những dịp Lễ Giáng Sinh. Bố còn dùng cả cái bật lửa của Bố và cây đàn Guitar để dạo một nhạc phẩm Hawaii mà Bố thuộc.

Nếu nói về sự ưa thích âm nhạc của Bố mà không nói đến cây Đờn Cò của Bố thì thật là thiếu xót. Tiếng đàn ò-í-e của Bố thật là khó nghe. Mỗi lần thấy Mẹ và chúng tôi than phiền, Bố lại bảo Mẹ con chúng tôi không biết thưởng thức âm nhạc là gì cả. Bố mê Đàn Cò đến nỗi năn nỉ theo Mẹ ra chợ nhờ Mẹ trả giá mua giùm mấy con ếch để Bố xách về, trước để Bố làm món ếch chiên bơ đãi chúng tôi, sau là dùng da ếch để để làm Đờn Cò cho Bố kéo để buồn nhà, buồn cửa hơn lên. Khi có cây đàn, Bố cứ kéo o-í-è suốt ngày, tiếng đàn nghe não nuột ai oán làm sao... Mẹ và chúng tôi nhăn nhó khổ sở vì tiếng đàn của Bố bao nhiêu thì các chú ễnh ương, các nàng cóc nhái thì lại mê tài của Bố nên đã im lìm thưởng thức một cách say mê và không còn dám so tài với Bố nữa.

Cũng như Bố, chị em chúng tôi cũng mê đàn hát không kém, thành ra những ngày cuối tuần thật vui nhộn, lúc nào cũng có tiếng đàn hát, tiếng nhạc bập bùng trong nhà. Vậy mà Bố cũng không chịu thông cảm những cái giống Bô nên khi thấy trên bàn hay dưới đất bừa bãi những bản nhạc, Bố mắng chúng tôi hư, chúng tôi bê bối thế là cả đàn lẫn nhạc của chúng tôi được dịp bay vèo ra sân, "cuốn theo chiều gió".

Ảnh hưởng về vần đề chính trị của Bố khi còn bé, vì thường nghe Bố nói chuyện với Mẹ về những biến chuyển của thời cuộc. Nhà lại đặt báo tháng, báo tuần nên khi lớn lên, chúng tôi như hoà hợp với Bố hơn trong những bữa cơm chiều, để tôi được tranh luận với Bố về những nóng bỏng của thời cuộc. Lúc tranh luận với Bố, tôi rất được bình đẳng phát biểu tư-tưởng, ý nghĩ của mình mà không bị Bố hạn chế. Các chị em tôi, hình như thích nghe hơn thích nói, thành ra chỉ có Bố một phe, Tôi một phe, và đôi khi Mẹ cũng một phe, nhưng phe của Mẹ thường ỉu-xìu và lập luận chẳng đâu vào đâu nhiều lúc làm Bố với tôi phải điên đầu vì những lý lẽ đơn sơ hay tưởng-tượng của Mẹ, nên Bố với tôi không quan tâm cho lắm. Những lúc thấy Bố con tôi tranh luận găng quá, Mẹ lại phải lên tiếng để mong chấm dứt cuộc chiến bằng miệng giữa Bố và Tôi :

- Thôi đủ rồi, cãi mãi, 2 Bố con không ăn cho xong đi, còn cứ ngồi đó mà tranh với luận.

Mẹ hắng giọng nói tiếp:

- Đứa nào xuống bếp lấy cho mẹ quả đu-đủ, mẹ vừa gọt vỏ xong mang lên đây cho Mẹ cắt.

Mặc kệ Mẹ nói, Bố con tôi vẫn hùng hổ tranh tài, em tôi mang đĩa đu-đủ lên, quả đu đủ lăn qua lăn lại trên đĩa, không thăng bằng nên rơi ngày giữa bàn cơm chỗ Bố với tôi đang ngồi. Mọi người đều giật mình im lặng, Bố bỗng phá lên cười làm cả nhà cười theo, Bố bảo:

- Thật đúng là trái bom cứu nguy "dân tộc".

Vì ảnh hưởng Bố, nên sau ngày 30/4, Mẹ đã phải gọi tôi lên lầu thì thầm năn nỉ:

- Mẹ lạy con, con thương Bố, thương Mẹ, thương cả nhà, con đừng có làm chuyện gì dại dột nghe con, đừng nhúng tay vào chuyện gì cả, lỡ có chuyện gì là chết cả nhà đó con ạ. Người ta con trai sau này làm vương làm tướng, chứ con gái chẳng làm gi cả... Con nghe lời Mẹ đi con...

Nghe Mẹ nói, tuy đồng ý, tuy không đồng ý, nhưng tôi cũng vẫn tiếp tục nhưng e-dè, cẩn thận hơn cho đến ngày tôi ra đi.

Bố tôi đấy, Ông Bố nhà Binh của chúng tôi đôi lúc dễ thương, thật cởi mở, nhưng cũng có lúc thật khó tính và nghiêm khắc. Đôi lúc đã đưa chúng tôi đến gần, nhưng cũng có lúc đưa chúng tôi ra xa bởi cái nhìn nghiêm khắc và cứng ngắc kỷ luật của Bố.

Chị em chúng tôi hầu như ảnh hưởng Bố nhiều hơn. Nhưng chỉ có tôi là giống Bố nhất, từ vóc dáng cho đến khuôn mặt, đến cái miệng cười tươi của Bố. Tôi có cái khiếu văn-chương, cái tâm hồn văn-nghệ và giống cả cáí tính kén ăn của Bố đến nỗi đôi lúc làm Mẹ bực mình... Tôi giống Bố như khuôn đúc để bạn bè của Bố Mẹ mỗi lần gặp đều phải nói:

- Khiếp, cái con bé này sao giống Bố thế không biết, con gái giống Cha giàu ba họ đó con ạ.

Cho đến lúc này tôi vẫn không thấy cái giàu giống cha ở đâu cả. Vâng, tôi giống Bố lắm, quá giống để lúc bé, Mẹ cứ bế tôi đi hù những cô bồ của Bố, đôi khi tôi thấy tôi giận Bố, tôi giận Mẹ vì đã để tôi giống Bố, có lúc tôi còn giận cả chính tôi nữa. Nhưng dù sao, bây giờ khi lớn lên, tôi đã có cái nhìn khác hơn, cái nhìn trưởng thành hơn, chúng tôi hiểu Bố hơn, thương bố hơn. Chúng tôi khâm phục như Bố vẫn luôn là thần tượng của Chị em chúng tôi từ bé đến giờ. Ở Bố, một cái gì thật đặc biệt, thật hay mà tôi vẫn hằng ao ước các con tôi sẽ gặp ở Bố Chúng, một người Bố như Chị em tôi đã có từ khi lọt lòng và đang có khi lớn lên.

Bố thương yêu của chúng con, hôm nay đây, con xin thay mặt cho tất cả chị em chúng con để gởi đến Bố bài viết này với tất cả sự thương yêu của chúng con, xin là một bông hoa tươi thắm trên cổ áo Bố như là một huy-chương cao quý mà chúng con xin vinh-danh Bố trong ngày đặc biệt này, ngày FATHER DAY.



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả