THƯ GỬI MẸ

Mẹ ơi!

Trước nhà con có một cây sồi, bao nhiêu năm nay có một cặp sóc ở đó... Hằng ngày, con quan sát cuộc sống của chúng và con có cảm giác rằng chúng rất yêu thương chăm sóc cho nhau...

Hai con sóc, một to lớn mập mạp, một con bé nhỏ, con cứ tạm đặt là Sóc Mẹ và Sóc Con... Sáng nay, cả hai cùng chạy ra giữa đường (chúng đi kiếm ăn? Hay đi dạo phố?), một chiếc xe băng ngang, Sóc Con ở gần lề đường nhanh chân thoát được; Sóc Mẹ có lẽ vì mập hay chạy lầm hướng nên đã bị xe cán bẹp dí... Xe vẫn vô tình lướt đi. Trong khung cửa con gần như nghẹt thở vì con thấy Sóc Con quay trở lại cứ tần ngần trước... xác Mẹ. Con không nghe, hiểu được tiếng chúng, song con vẫn tưởng tượng nó đang gào khóc vì, qua khung cửa sổ, con nhìn kỹ thấy miệng nó đang lép nhép, hai tay chụm vào nhau... Và lệ con rơi khi nghĩ rằng mùa xuân này Sóc Con sẽ cô đơn ghê lắm như thủa con vừa lên sáu mẹ cũng đã bỏ con dễ về bên kia thế giới!

Mẹ ơi! Phải chi con là nhà thơ, nhà văn con sẽ diễn tả cho cạn cùng nỗi hãi hùng, cô đơn của một người con vừa mất mẹ...

Lúc xưa, mẹ mất đi, con cứ suốt ngày tựa cửa ngóng trông. Ngày nào cũng như ngày nấy, con phải được dỗ dành, có lúc phải ăn đòn vì lì quá không chịu vô ngủ cứ mãi đợi chờ mẹ... Mãi cho đến năm lên mười con mới thấu hiểu thế nào là thân phận mồ côi!

Đến trường, con bắt đầu tìm đọc những bài thơ, những áng văn nói lên thân phận côi cút của những kẻ mất tình thương. Mấy mươi năm qua, con vẫn còn nhớ bài thơ mà con biết yêu thơ từ thủa đầu đời, con ghi lại cho mẹ cùng đọc nhé:

Trong gian nhà nhỏ
Một đứa em trai
Ngồi bên cạnh chị
Học bài ngày mai
Áo em rách cả hai vai
Chị đang vá dở
Còn vài đường khâu
Bỗng em ngừng học
Nhìn chị giờ lâu
Rồi em hỏi “Mẹ em đâu?”
Nghẹn ngào giọng nói lệ sầu chị rơi
“Mẹ đi xa lắm em ơi!
Học đi rồi ngủ đến mơi mẹ về !”
Gió lùa qua khe cửa
Màn thờ mẹ rung rung
Dắt em lại thắp tuần nhang mới
Nhìn khói hương bay chị não nùng!

Mẹ thương yêu của con... Bên kia thế giới mẹ có đọc được những dòng này không?

Có một lần con nghe được một chuyện cũng buồn lắm! Một bà mẹ quê, chồng mất, dẫn được đứa con gái vượt biên, qua bao nhiêu sóng gió, bà đã không quản ngại cực khổ, đi làm lụng vất vả nuôi con... Nay con đã ra bác sĩ, cô ta đã nói với mẹ bây giờ cô đã sống trong một xã hội văn minh, bạn bè của cô là thành phần trí thức... cô không muốn bạn bè của cô biết cô có một bà mẹ quê mùa... và cô đã ra đi. Mỗi lần mẹ cô nhớ cô ta, bà đến nơi cô ta làm việc chờ con tan sở, nhìn con bước lên xe rồi bà ra về... Mẹ ơi! Và câu chuyện ấy người bạn của con đã viết thành truyện. Con thấy lòng mẹ thật vĩ đại... Con ước sao con được quen với ... cô bác sĩ kia để con hỏi một câu rằng “Lương y như từ mẫu, nhưng tại sao cô cô không có trái tim? Cô không có trái tim đã đành, tại sao cô còn muốn bóp nát ngướu trái tim của mẹ cô đi?”. Mẹ ơi! Mẹ hãy chỉ cho con những hạng người như thế mình phải liệt họ vào loại người hay thú vật mẹ nhĩ? Ừ, nhưng con nghĩ thú vật nó hiểu được điều này có lẽ nó cũng sẽ hận con người làm nhục nó đấy!

Rồi lại một câu chuyện đứa con trai có vợ, cả năm không về thăm mẹ. Dì nó gặp mới hỏi một câu: “Sao con không về thăm mẹ? Lương tâm con để đâu?”. Đứa con đáp tỉnh bơ: “Dì ơi! Lương tâm đâu bằng lương tuần hở dì”.

Đó là những chuyện thật một trăm phần trăm ở xã hội này đó mẹ... Tuy nhiên, con cũng vô cùng cảm kích một người đi thăm mộ mà con chưa hề biết trong lần đi thăm mộ Ba con vừa qua. Khi con đến nơi thì một cô gái bước lên xe đậu gần mộ ba con, xe chạy khuất và con thấy mộ của người đàn bà Việt gần bên mộ Ba con có một tấm thiệp. Con nghĩ là họ bỏ quên, nhưng xe đi đã lâu mà không trở lại, con tò mò... đọc xem họ viết gì. Trên tấm thiệp có những dòng chữ như sau: “Hôm nay sinh nhật của Mẹ. Con đến gặp mẹ nơi nghĩa trang. Mẹ ơi! Con đã mất mẹ, từ nay đời con đã mất hết ý nghĩa rồi. Con nhớ Mẹ vô cùng. Hương”.

Mẹ, con cũng muốn bắt chước cô Hương nào đó, con muốn nói điều ấy cùng Mẹ với những dòng lệ đang rơi của con...

ÁI KHANH
(Kỷ niệm ngày đám kỵ của Mẹ)


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả