Hoàng Chính
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


Vời Vợi Non Cao

(riêng cho bố)


1


Cái răng sâu, làm độc. Một bên má anh sưng phù. Soi mặt vào tấm gương ố trong nhà ăn tập thể, anh thấy mình giống đứa bé làm biếng ăn, ngậm bung búng một miệng cơm, căng đầy bên má. Cái mặt sưng thấy buồn cười. Nhưng anh chẳng thể nào cười được nữa rồi. Chỉ còn mỗi một cái răng hàm để nhai, nếu phải nhổ đi, chắc là móm mém đến thảm thương. Buổi tối, anh vào chuồng xí, moi cái bóp da cũ ra, lẩm nhẩm đếm tới đồng bạc cuối cùng của tháng lương đầu. Rồi khật khưỡng kéo lê cái thân thể rã rời về khu tập thể. Vùi đầu vào mặt gối hầm hập nóng, loay hoay dỗ giấc.

Sáng sớm, anh co ro vạch sương mù, thất thểu ra bến xe, đeo xe đò về thành phố. Những giọt sương cao nguyên bện vào mái tóc, ngứa ngáy khó chịu. Ngọn núi cao chênh vênh biến mất hẳn sau màn sương sữa đục.

Về tới nhà, trời đã chập choạng. Cũng hay, anh nghĩ; về buổi tối thế này không ai trông thấy. Cái mặt méo xệch một bên, coi không giống ai.


2

Thấy con về, bố mừng. Anh đọc được niềm vui đó trong ánh mắt mệt mỏi của bố.

"Ăn gì bố nấu?" Bố hỏi, giọng khô và ấm.

"Khỏi bố ạ."

Nụ cười méo xệch một bên của anh hẳn làm bố ái ngại. Hai bố con ngồi nhìn nhau, lơ láo. Bố vẫn gầy như ngày xưa. Hai má hóp sâu. Mắt nhìn mệt mỏi.

Tiếng vung nồi chạm nhau leng keng sau bếp. Anh vểnh tai, lắng nghe, "Hình như ai ở sau bếp hả bố?"

"Con mèo hoang đấy."

"Sao không đuổi nó đi?"

"Có nó, lũ chuột không dám phá, nhất là về đêm..." Bố vừa nói lấy móng tay cạo vệt keo khô, đọng trên mặt bàn gỗ. "Công việc có được không?"

"Cũng tạm, bố ạ." Giọng anh chợt chùng xuống. "Lên đó mới hiểu thế nào là rừng thiêng nước độc."

Anh nói, năm đầu ngón tay không ngừng gãi soàn soạt vào cái cổ tay lấm tấm vết đỏ.

"Muỗi đốt đấy à?"

Anh lặng lẽ gật đầu.

"Nhớ cẩn thận đấy." Bố trầm ngâm một lát, rồi nhỏ nhẹ, "Ăn cháo không?"

"Khỏi bố à!"

Cả một ngày vật vã trên xe đò làm anh đuối người. Bàn tay xoa vào nhau nham nhám bụi đường. Nhưng chả còn sức nào mà tắm rửa, kỳ cọ. Anh nằm vật ra giường, nhắm mắt lại, thở dốc. Trong đầu còn nhễu nhão hình ảnh những khuôn mặt lạ lẫm của khách thập phương trên chuyến xe lết về thành phố. Trên xe, dưới bến và bây giờ trong đầu anh, lao xao tiếng rao hàng với tiếng cãi vã, chửi rủa cộc cằn. Và cho tới bây giờ, còn ngửi nồng nặc một thứ mùi chua vữa của lam lũ, bần hàn.

Hết chuyện nói, bố lủi thủi ra sau bếp.

Anh nghe tiếng nồi niêu chạm nhau loảng xoảng, rồi tiếng chẻ củi thô cộc. Mất công bố quá. Anh thầm nghĩ.

Một lúc, bố lách cách đặt cái tô sần sùi lên bàn. Anh bò dậy, khêu ngọn đèn dầu cho tỏ, chậm rãi rắc muối vào tô cháo. Muối trắng. Cháo trắng. Thời buổi khó khăn, có gạo ăn đã là may. Cái răng đau, chỉ thở không thôi cũng đã làm anh vật vã, nhưng anh cố ngồi yên, nhìn bố tẩn mẩn gỡ cái dằm đâm vào đầu ngón tay. Ánh đèn hằn sâu những nếp nhăn trên khuôn mặt xương xẩu của bố. Một con mối từ ngoài bay vào, chao quanh ngọn đèn dầu. Anh lơ đãng đưa tay đuổi.

Tô cháo nằm trơ vơ trên mặt bàn. Sợi khói ẻo lả vắt lên không gian như giải lụa trên áo một nàng tiên. Không ăn, sợ bố buồn. Ðành chờ lúc bố ra ngoài sân đuổi con gà trống nhà ai tối trời, không nhớ lối về chuồng, lục cục trên bậc thềm, anh chạy vội ra sau bếp, đổ bớt xuống rãnh nước. Lọng cọng làm rớt luôn cái muỗng xuống cống, anh đờ người ra tiếc rẻ. Thời buổi gạo châu củi quế; lại còn mất đồ. Tiếc, nhưng cái răng đau không để anh yên với cơn tiếc xót.

Trong bóng tối, anh nằm vùi mặt vào gối, bàn tay áp lên một bên má vêu vao. Mùi mồ hôi quen thuộc của bao nhiêu năm tháng như tỏa ra từ trí nhớ. Tai lắng nghe tiếng chó sủa nhâu nhâu ngoài ngõ, tiếng muỗi vo ve chân màn. Ngọn đèn dầu le lói hắt lên vách cái bóng còm cõi của bố làm lòng anh nao nao.

"Cái thằng đen đủi, về nhà đúng ngay cái hôm cúp điện..."

Bóng bố lẫn vào cái hun hút của đêm. Tiếng dép kéo lê trên nền đất nghe gần gần, xa xa; hư hư, thực thực...

"Chừng nào muốn lấy vợ thì cho bố biết nhá." Bố ngừng lại để ho, "Vừa ý đứa nào chưa?"

"Chưa, bố à." Anh ậm ừ. "Mẹ với mấy em vẫn khỏe hở bố?"

"Ừ, mấy con bé bây giờ gặt lúa nhanh ra phết. Nhưng rồi chả biết có giữ được mà ăn không nữa!"

Anh lặng thinh. Những giọt nước mắt ứa ra vì nỗi xót xa hay vì cơn đau ở một nửa bên đầu, anh cũng không rõ.

Lúc anh ngủ thiếp đi, dường như bố vẫn còn nói chuyện rỉ rả một mình.


3


Buổi sáng, bố lầm thầm cầu nguyện dưới chân tượng Ðức Mẹ. Rồi bố bắc ghế nhấc pho tượng lên. Anh ngơ ngác nhìn pho tượng thạch cao rỗng ruột.

"Dạo này trộm cắp như rươi, tiền bố phải gửi Ðức Mẹ giữ hộ."

Bố moi cuộn giấy bạc nhét trong lòng tượng trắng ra đưa cho anh.

"Cầm lấy mà đi chữa răng."

"Kìa... bố..." Anh lí nhí không nên lời.

Lẽ ra con phải nuôi bố mới đúng. Nhưng con nghèo. Lại đang khốn khổ vì chiếc răng đau. Phải nhận chứ biết sao, dù biết bố cũng cần tiền. Cái răng đau làm mất ăn mất ngủ cả tuần lễ rồi. Thiếu ngủ, hai con mắt thâm quầng. Soi mặt mình trong gương, thấy sợ. Anh thầm dỗ mình như thế.



4


Chiếc xe đạp cũ tuột dây xích hoài. Lên được tới Sài Gòn thì mồ hôi đã dán chặt vải áo thô vào tấm lưng gầy guộc. Hai bàn tay lem luốc như tay thợ máy. Thêm cái bụng cồn cào và nước bọt ứa ra đầy trong miệng.

Tạt vào phòng răng trên con đường Trương Minh Giảng, nhìn những khuôn mặt méo mó chồng chất lên nhau trong phòng đợi, anh thấy cơn đau chừng như dịu xuống.

Ông nha sĩ mập ù chạy ra tiếp khách, chạy vào khám răng. Cần kiệm vậy làm sao không giầu cho được.

"Cậu có hẹn không?"

Anh ôm miệng, "Dạ không."

"Vậy chờ đó đi."

Ông nha sĩ cau có, ục ịch những bước đi. Mắt kính cận gọng vàng đẩy người đối diện ra xa, phía bên ngoài vòng phấn trắng giai cấp. Cái khoảng cách viền bằng vũng không gian nồng mùi băng phiến tỏa ra từ chiếc áo choàng trắng nõn.

"Ðược rồi. Cậu vào đây đi. Ðau sao? Há miệng lớn ra!"

Anh run rẩy, há miệng. Nước mắt trào ra hai khóe.

"ồ, tởm quá! tởm quá! Người lớn mà răng để đến thế này ư. Phải thuốc trụ sinh mới được. Tuần sau lại đây tôi trám nó lại. Tởm quá!"

Ông nha sĩ cần kiệm, mướn ông già lụm cụm làm phụ tá. Ông già mặc áo sơ mi cụt tay nhăn nhúm, trơ ra cái khuỷu tay đen đúa chằng chịt những sẹo. Ông già đi tới đi lui, lê đôi dép da lẹt quẹt.

"Thật tởm!" Ông nha sĩ cằn nhằn rồi nhổ nước miếng vào cái bồn nhỏ tráng men. Ông già vội vặn nước vào ly, đổ cho bọng nước miếng đặc keo trôi đi. Rồi quay lại, đưa kìm, đưa kéo.

Loay hoay, ông già làm rơi cái vật thuôn dài như cây bút có miếng kính tròn ở đầu dùng để soi cổ họng xuống đất. Ông cuống quýt nhặt lên, chùi vội vào vạt áo sơ mi màu xám tro, rồi đưa cho ông nha sĩ.

Anh không bực mình nhưng ông nha sĩ thì giận như con chó đói bị giằng mất cục xương. Mặt ông đỏ ngầu, răng ông nghiến lại, "Làm ăn thế này thì sống làm gì cho chật đất!"



5


Buổi sáng nơi chốn cũ nhưng lòng anh dửng dưng. Tiếng rao hàng quen thuộc. Người đàn bà xồn xồn có thân hình tròn lẳn bán xôi vò. Người thiếu phụ trẻ trung có đôi mắt ướt rượt rao xôi đậu. Tiếng máy xe xích lô nổ làm rung rinh mảng vôi trắng nhờ sắp bong khỏi vách tường già nua. Sau một đêm hành anh chập chờn thức, ngủ; cái đau nửa bên mặt lắng xuống, như thuỷ triều. Anh lan man nhớ những người bạn trên vùng rừng núi xa xăm. Ngày cuối tuần, cả lũ kéo nhau lên núi chọc ghẹo bầy khỉ. Ðỉnh núi xanh thăm thẳm lúc nào cũng bọc đầy mây và sương mù. Những đứa bạn không biết chọn giờ để đầu thai. Giờ này chúng nó hẳn đang phá rừng, xẻ gỗ đờ người.

Vừa mới đi nhà thờ về, bố đã lại loay hoay dưới bếp. Hai bố con đem cơm nguội ra ăn với cà. Ngon. Nhưng cái răng sâu làm khổ anh. Anh ngồi ôm mặt, lơ đãng nghe bố kể chuyện xóm giềng.

Nghe bố ngáp vang cả nhà, anh chợt nhớ cả tuần bố không mua cà phê.

"Bộ bố cai cà phê rồi sao?"

Bố cười, "Bố đâu có ghiền mà phải cai."

Anh nhớ hồi anh còn ở nhà, sáng nào bố cũng mua một ly xây chừng ở cái quán đầu ngõ, về sớt ra hai chiếc ly thuỷ tinh sần sượng; hai cha con mỗi người một nửa. Bố uống cà phê cả mấy chục năm trời, vậy mà bỏ cái một. Bố hay thật!

6

Tới ngày hẹn tái khám thì cái miệng cũng bớt sưng. Cọc tiền giấy bố đưa đã ròm hẳn đi.

"Cậu còn bao nhiêu tiền?"

Anh nhẩm đếm số tiền bố cho, rồi đưa hết cho ông nha sĩ. Không chắc có đủ cho chiếc răng hàm quý hơn châu báu ấy.

"Chỉ có bấy nhiêu thôi ư!" Ông nha sĩ chép miệng, "Tởm quá!"

Anh ngẩn ngơ. Nghèo mà cũng đáng tởm sao. Hay tại những ngón tay nhà giầu mũm mĩm phải sờ vào những tờ giấy bạc mềm nhũn và lạnh như miếng cá ươn.

"Có bấy nhiêu thì làm sao mà trám được cái răng cho ra hồn mà ăn chứ! Thôi được rồi! Bấy nhiêu cũng được. Tôi giúp cậu làm phước." Ông nha sĩ nhét tiền vào túi áo blouse trắng muốt.

Anh thấy lòng xốn xang. Số tiền ấy, bố để dành chắc phải lâu lắm.

Lần này ông phụ tá già lẩm cẩm làm nước đổ sánh ra cả vai áo anh. Ly nước có chất bạc hà ngậm vào thơm miệng. Ông già làm mất đi hết nửa ly nước ân sủng thơm tho của anh.

Ông nha sĩ vung lời thóa mạ. "Làm ăn thế này thì sống làm gì cho chật đất! Nước thuốc mắc mỏ..."

Ông già lặng thinh. Nhưng hai bàn tay run đều nhịp, như tay anh, lúc gác lên tay lái chiếc máy cưa trên rừng.

Anh cũng buồn. Ông nha sĩ không la vì sợ anh ướt áo. Ông la vì tiếc ly nước bạc hà. Anh hồi hộp liếc cái ống chích có mũi kim dài ngoằng.

"Thuốc tê!" Ông nha sĩ cộc cằn.

Ông già cuống cuồng bới cả năm ngón tay vào cái hộp giấy. Lọ thuốc nhỏ xíu nằm lọt giữa những ngón tay thô. Lọ thuốc tê bằng thuỷ tinh trong vắt. Lọ thuốc tê có cái eo thắt lại. Lọ thuốc tê trơn tuồn tuột, lọt qua những ngón tay run rẩy. Tiếng thuỷ tinh vỡ cắt ngang tiếng thở phì phò của ông già phụ tá.

"Thôi chết rồi. Chết tôi rồi! Chai thuốc tê của người ta... Làm ăn thế này thì sống làm gì cho chật đất... Làm sao bây giờ. Thuốc men mắc mỏ..."

Anh chống tay ngóc đầu dậy, "Thôi, lỡ rồi... Bác sĩ..."

"Bây giờ lấy đâu ra thuốc tê cho người ta..."

Anh nhìn vào cái mặt tái mét của ông già. Rồi anh nhìn vào hai con mắt đỏ ngầu của ông nha sĩ, "Thôi... khỏi thuốc tê cũng được..."

Ông nha sĩ nhìn anh đăm đăm. Sau cặp mắt kính, đôi con mắt kia nhỏ hẳn lại, như mắt một loài sinh vật nào đó anh chưa bao giờ bắt gặp.

"Cậu chắc không?"

"Dạ chắc..."

Anh nghe tiếng thở phào. Nhưng anh không biết là của ông nha sĩ hay của ông già phụ tá. Ông nha sĩ hấp tấp đặt cái ống chích xuống như sợ anh đổi ý.

Cái dùi xoáy vào chân răng làm anh bật người dậy vì đau. Xương sọ tưởng chừng muốn nứt đôi và nước mắt trào ra hai khóe.

"Ráng đi. Ráng đi." Ông nha sĩ trấn an. "Ðừng nghĩ đến cái máy khoan này. Dù có xài lọ thuốc tê ấy thì cũng chả thấm thía gì. Có phải đồ ngoại đâu! Ráng chịu chút đi. Nghĩ tới cái gì đó dịu dàng, êm ái cho quên đau."

Anh cố tìm một cái gì đó để dán đầu óc vào. Và anh nghĩ đến bố. Anh nghĩ đến những ly cà phê hai bố con chia đôi mỗi sáng. Thêm một tuần bố không uống cà phê.

Bố hay thật!


7

Lần hẹn chót. Ông nha sĩ hứa sẽ lấy hết những thứ trám tạm ra khỏi lòng cái răng sâu. Anh mừng thầm trong bụng. Hẹn tới hẹn lui hoài thế này, tiền nào chịu cho nổi. Ông già phụ tá lảng vảng ngoài cửa lúc anh ngồi trong phòng chờ đợi, bây giờ không thấy tăm hơi.

"Ông nội này đi đâu nữa rồi. Làm ăn thế này thì sống làm gì cho chật đất!" Ông nha sĩ vừa vẩy vẩy cái mũi dùi máy khoan vừa lẩm bẩm một mình.

Một lát, ông già về tới. Những bước chân rụt rè ép sát vào vách tường.

"Bệnh nhân chờ mà ông đi đâu vậy?"

Ông già len lén bước vào, cố co người thật nhỏ, cho lẫn vào những bàn ghế, hộc tủ, máy khoan, đèn rọi. Rồi cun cút lủi ra cửa sau.

Ông nha sĩ sừng sộ, "Ông đi đâu về vậy?"

Ông già chùn chân, "Ba ra ngoài kia kiếm miếng cà phê. Tự nhiên thèm cà phê quá!"

Anh giật bắn người, nhớ tới bố mình. Anh nghĩ mình nghe lầm.

Ông nha sĩ giật giọng, "Ðã bảo hoài là cai cà phê đi mà không chịu nghe!"

Hình như anh nghe ông già nói gì đó. Nhất định phải có, cho dù câu nói ấy thoảng qua như gió. Hình như ông bảo ghiền cà phê mấy chục năm rồi, bỏ làm sao được mà bỏ. Anh nghe rõ ràng như thế. Dù câu nói quá mỏng manh, như làn hơi thều thào qua cặp môi khô của một người hấp hối.

Căn phòng khám có tường vôi trắng đục và ông nha sĩ quay quay. Anh nhắm nghiền hai mắt để khỏi buồn nôn. Cũng gần ba tuần bố không uống cà phê. Bố bảo tao bỏ cà phê lâu rồi.

"Còn đau à?" Ông nha sĩ ngạc nhiên.

Anh vội mở mắt. Cái trần nhà chữ nhật nhập nhòe hình ảnh con nhện giăng tơ. Khuôn mặt kỳ dị của ông nha sĩ tròn tròn, meo méo. Anh chống tay ngồi dậy, luống cuống lắc đầu làm những giọt nước mắt rụng xuống khoảng ngực áo sơ mi, cũ và nồng mùi thuốc tẩy.

Ông nha sĩ cằn nhằn, "Ðã bảo ráng chịu đau. Cố nghĩ đến cái gì êm ái, dịu dàng..."

Anh hấp tấp gật đầu. Anh cố nghĩ đến mẹ và những đứa em đang cày những thân thể xác xơ vào mảnh ruộng, miếng rẫy để tìm lấy hạt cơm; đến những đứa bạn vắt mồ hôi khai hoang trên vùng cao; đến những ly cà phê nhạt thếch của bố; đến đỉnh núi thăm thẳm đội sương mù trắng sữa cao nguyên.

Bỗng dưng, anh thấy bố gầy gò, ốm yếu, nhưng bố cũng cao vời vợi, như núi...


http://hoangchinh.net
trong tập truyện "Viết Cho Mẹ Ở Quê Nhà" Văn Mới xuất bản 2005



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả